Chiến tranh thế giới thứ hai
|
Bài
viết
hoặc
đoạn
này
cần
thêm
chú
thích
nguồn
gốc
để
có
thể
kiểm
chứng
thông
tin. Những nội dung không có nguồn có thể bị đặt vấn đề và xóa bỏ. Mời bạn bổ sung chú thích từ các nguồn đáng tin cậy để giúp cải thiện bài viết. |
Bản mẫu:Các mặt trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai Chiến tranh thế giới thứ hai (cũng được nhắc đến với tên gọi Đệ nhị thế chiến, Thế chiến II hay Đại chiến thế giới lần thứ hai,...) là cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc bắt đầu từ năm 1939 và chấm dứt vào năm 1945 giữa các lực lượng Đồng Minh và phe Trục theo chủ nghĩa phát xít. Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng của cuộc chiến này, ngoại trừ châu Nam Cực và Nam Mỹ. Cho đến hiện nay, nó là cuộc chiến rộng lớn và tai hại nhất trong lịch sử nhân loại.[1]
Các nguyên nhân cuộc chiến được nêu ra thì có nhiều và là một đề tài đang được tranh cãi, trong đó có Hòa ước Versailles, đại khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt. Cũng chưa có sự thống nhất trong việc tính ngày bắt đầu cuộc chiến: một số người cho rằng đó là khi Đức xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, một số người khác tính ngày Nhật Bản xâm lược Trung Quốc vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, còn một số khác thì tính vào một ngày còn sớm hơn nữa: ngày Nhật xâm lăng Mãn Châu vào năm 1931. Cũng một số người khác cho rằng hai cuộc thế chiến thực ra chỉ là một và được chia ra bởi một cuộc ngừng bắn.[2]
Các chiến sự đã xảy ra tại Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và phần lớn của Đông Á và Đông Nam Á. Cuộc chiến kết thúc tại châu Âu khi Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5, 1945 (theo giờ Berlin, còn theo giờ Moskva là ngày 9 tháng 5) nhưng vẫn còn tiếp diễn tại châu Á cho đến khi Nhật đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Chiến tranh thế giới thứ hai là một cuộc chiến tranh toàn diện, kể cả dân thường không ở mặt trận cũng bị đánh bom hàng loạt. Khoảng 70 triệu người đã bị chết do cuộc chiến này (thống kê vẫn tiếp tục nghiên cứu), kể cả các hành động tàn sát diệt chủng của Đức Quốc xã (Holocaust). 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn. Thiệt hại nặng nhất là Liên Xô từ 23 tới 27 triệu người chết, trong khi theo phần trăm dân số thì là Ba Lan với 16% (5,6 triệu người chết so với 34,8 triệu người trước chiến tranh[3]).
Vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực, ra-đa v...v... là một số phát minh trong cuộc chiến.
Sau cuộc chiến, châu Âu bị chia ra làm hai phái: một phía chịu ảnh hưởng của phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, còn phía kia chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Các nước phụ thuộc Hoa Kỳ nằm trong kế hoạch khống chế chính trị thông qua các viện trợ kinh tế mang tên Kế hoạch Marshall trong khi các nước kia trở thành các nước chủ nghĩa cộng sản phụ thuộc Liên Xô. Tây Âu liên kết đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, trong khi các nước Đông Âu liên kết đồng minh theo Hiệp ước Warszawa. Các liên minh này đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Lạnh sau này. Tại châu Á, sự chiếm đóng Nhật Bản của quân đội Hoa Kỳ đã Tây hóa nước này, trong khi Trung Quốc bị chia ra thành hai nước: nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan.
Mục lục
- 1 Hoàn cảnh và nguyên nhân
- 2 Diễn biến
- 3 Ảnh hưởng đến dân thường
- 4 Kết quả
- 5 Các nước tham chiến và hậu quả
- 6 Tóm tắt
- 7 Chú thích
- 8 Liên kết ngoài
Hoàn cảnh và nguyên nhân[sửa]
Lý do dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai khác nhau trong mỗi nơi giao chiến. Tại châu Âu, lý do nằm xung quanh hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất: Đức muốn tránh phải tuân theo các điều kiện trong Hòa ước Versailles, chủ nghĩa phát xít ngày càng phổ biến và các lãnh tụ chủ nghĩa này có tham vọng cao, trong khi tình hình không ổn định tại Trung Âu và Đông Âu sau khi Đế quốc Áo-Hung tan rã làm chiến tranh dễ xảy ra.
Tại Thái Bình Dương, ý định biến thành cường quốc số một của Nhật Bản và sự thắng thế của một số tướng lãnh quân phiệt đã khiến nước này có ý đồ chiếm Trung Quốc và các thuộc địa lân cận (của Anh, Pháp) để thoả mãn nhu cầu tài nguyên mà đảo quốc nhỏ bé này không thể tự đáp ứng được, cuối cùng đã cuốn Nhật Bản vào chiến tranh.
Tình hình châu Âu[sửa]
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít[sửa]
Vào thập niên 1920 và 1930, chế độ phát xít giành được quyền lực tại Ý và Đức trong khi các đảng phát xít khác cũng có nhiều thế lực trong chính trường Trung Âu. Riêng tại Đức, đảng Đức quốc xã và thủ lĩnh Adolf Hitler đang có hoài bão tạo ra một chính quyền kiểu mẫu. Họ đã khơi dậy và khai thác niềm tự hào dân tộc của người Đức, cũng như các nền tảng trụ cột của chủ nghĩa phát xít như sự tôn trọng quân đội và tuân thủ chính quyền. Các sự kiện này khiến Đức trở thành một nước hùng mạnh với quân đội mạnh được xây dựng trên nền tảng tư tưởng chiến lược, một nền công nghiệp phát triển nhanh trong môi trường khuyến khích thương mại và sự ủng hộ của dân chúng trong việc giành lại đất đai đã bị mất sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và danh dự quốc gia. Tại Ý, Benito Mussolini cũng dùng thuật hùng biện như Hitler, nhưng ít thành công hơn.
Thủ lĩnh Đức quốc xã, Adolf Hitler, đã trình bày tham vọng của mình ngay từ năm 1924, trong cuốn tự truyện Mein Kampf, cụ thể như sau:
- Nước Đức sẽ trở thành "bá chủ của thế giới". Trước hết, phải tính sổ với nước Pháp, "kẻ thù truyền kiếp của dân Đức". Sau khi đã tiêu diệt được Pháp, Đức phải bành trướng về hướng Đông – chủ yếu là chiếm đất của nước Nga để giành lấy "không gian sinh tồn" (tức là mở rộng lãnh thổ và tài nguyên), nếu chiếm được nước Nga nước Đức sẽ không còn bị bó hẹp trong lãnh thổ bé nhỏ hiện tại mà sẽ trở thành một đại quốc có lãnh thổ rộng bao la.
- Về tính chất của nhà nước Quốc xã tương lai, Hitler nói rõ rằng sẽ không có cái trò "dân chủ ngu xuẩn" và rằng Đế quốc thứ Ba sẽ được đặt được một thể chế độc tài.
- Hitler xem mọi đời sống như là sự tranh đấu trường kỳ và thế giới như là khu rừng, trong đó chủng tộc nào mạnh hơn sẽ sống sót và thống trị. Đây là điều cốt lõi của tư tưởng Quốc xã về tính ưu việt của chủng tộc Aryan (người Đức). Và nếu chủng tộc Aryan muốn vượt lên trên thì phải chà đạp những chủng tộc khác, đặc biệt là những chủng tộc mà Hiler xem là cỏ rác – đó là Do Thái và Slav (người Nga).
Sau khi Hitler lên nắm chính quyền, ông ta đặt ưu tiên vào việc tái tạo lại quân đội. Đức bỏ tiền ra để nghiên cứu các vũ khí nguy hiểm hơn và xây dựng các công nghiệp quân sự. Trong khi đó, các nhà tài phiệt Anh, Mỹ và phương Tây đã cung cấp tài chính cho Hitler vào những năm 1930 để ông ta có thể chi trả cho các hoạt động chính trị cũng như giúp Đức gây dựng nền công nghiệp quân sự (vấn đề mối quan hệ tài chính của Đức Quốc xã với các tập đoàn tư bản Mỹ được che giấu triệt để đã được nhà kinh tế học người Anh nổi tiếng Anthony Sutton làm rõ trong cuốn sách "Phố Wall và sự nổi lên của Hitler"[4]). Các tài liệu mới giải mật từ kho lưu trữ Hoa Kỳ cho thấy Thượng nghị sĩ Prescott Bush (cha của Tổng thống Mỹ thứ 41 và ông nội của Tổng thống Mỹ thứ 43) là một trong những nhà tài phiệt Mỹ đã tham gia giao dịch với các kiến trúc sư tài chính của chủ nghĩa phát xít[5].
Vào năm 1936, Hitler tái chiếm đóng Rhineland, Anh-Pháp bỏ qua vấn đề này. Giới chức Anh, Pháp, Mỹ không chỉ bỏ qua sự trỗi dậy của Đức Quốc xã, mà còn tích cực đổ tiền vào nền kinh tế Đức, tạo điều kiện cho bộ máy chiến tranh của phát xít Đức phát triển. Hãng sản xuất vũ khí danh tiếng của Anh Vickers-Armstrong đã cung cấp vũ khí hạng nặng cho Đức, trong khi các công ty Mỹ như Pratt & Whitney, Douglas, Bendix Aviation... cung cấp cho Đức các bằng sáng chế, bí mật quân sự và các động cơ máy bay tối tân. Thủ tướng Anh Stanley Baldwin tóm tắt vấn đề vào tháng 7/1936 như sau: “Nếu chiến sự có diễn ra ở châu Âu, thì tôi mong được chứng kiến cảnh tụi Bolshevik (Liên Xô) và Đức Quốc xã nện nhau”[6].
Quan hệ giữa các nước châu Âu[sửa]
Trong các nước châu Âu, Ba Lan là nước đầu tiên thỏa thuận với Đức Quốc xã. Hiệp ước giữa Ba lan và Hitler, ký vào ngày 26 tháng 1 năm 1934 có hiệu lực 10 năm. Đức đòi hỏi khu vực Danzig, Ba lan đòi hỏi Korridor và đòi sửa lại biên giới vùng Oberschlesien. Căn cứ theo Hiệp ước này, khi Đức chiếm Tiệp Khắc (năm 1938), hùa theo Đức, Ba Lan cũng đã đem quân xâm chiếm vùng Tesschen của Tiệp Khắc.
Trong các năm 1936-1937, Liên Xô đã giúp đỡ những người Cộng hòa Tây Ban Nha chống lại chế độ phát xít Tây Ban Nha của Franco được Adolf Hitler bảo trợ, nhưng Liên Xô lại không được Anh, Pháp ủng hộ tích cực. Ngược lại, từ tháng 11 năm 1937, Anh-Pháp đã mở nhiều cuộc hội đàm với các thủ lĩnh Đức Quốc xã tại Obersanzberg. Họ cho rằng chế độ của Hitler đã trở thành thành trì chống chủ nghĩa Bolshevik và đã đến lúc có thể tiến hành cuộc "thập tự chinh" mới về phương Đông (tức Liên Xô). Ngày 1 tháng 3 năm 1938, nước Đức quốc xã thôn tính nước Áo mà không cần nổ một phát súng. Trong khi Bộ trưởng dân ủy ngoại giao Liên Xô tuyên bố lên án cuộc xâm lược này[7] thì thủ tướng Anh Neville Chamberlain lại nói: "Chúng ta phải tránh bị mắc lừa. Và chúng ta cũng không để cho các nước nhỏ có ảo tưởng về sự giúp đỡ của Hội Quốc Liên có thể dành cho họ để chống lại sự xâm lược".[8]
Sau khi Áo bị sát nhập với Đức, Hitler đòi hỏi vùng Sudentenland từ Tiệp Khắc. Tháng 8 năm 1938, quân đội Đức tập trung 30 sư đoàn quanh biên giới Tiệp Khắc, sẵn sàng tấn công nước này.
Đến lúc này, tham vọng của Hitler đã lộ rõ, Liên Xô đề nghị với Anh - Pháp việc gạt bỏ những mâu thuẫn giữa hai phía và thành lập một liên minh nhằm ngăn chặn Hitler nhưng bị 2 nước này từ chối. Ngược lại, Anh - Pháp lại nhận lời mời của Ngoại trưởng Đức Ribbentrop và tham gia ký Hiệp ước Munich trong ngày 29, 30 tháng 9 năm 1938 giữa tứ cường Anh, Đức, Pháp, Ý. Kết quả của hội nghị này là một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau được ký giữa bốn nước này (Hiệp ước Munich) ngày 30 tháng 9 mà không hề đếm xỉa đến Hiệp ước tương trợ giữa Anh và Pháp với chính phủ Tiệp Khắc. Chính phủ Pháp cũng hùa với Đức và Anh để loại Liên Xô (nước ủng hộ Tiệp Khắc) ra khỏi hội nghị Munich.
Bằng Hiệp định Munich, Anh và Pháp đã thừa nhận việc Đức Quốc xã thôn tính nước Áo là việc đã rồi. Anh-Pháp cũng sẽ làm ngơ cho Hitler đánh chiếm xứ Bohemia và Moravia, chiếm phía tây Tiệp Khắc; đặt Ba Lan và cả Liên Xô trước nguy cơ xâm lược của nước Đức Quốc xã[9] Sau khi ký Hiệp định Munich, Thủ tướng Anh là Chamberlain trước khi bay về Anh đã tuyên bố với Hitler rằng "Bây giờ thì ông có đủ máy bay để tấn công Liên Xô. Điều đó sẽ khiến cho Liên Xô không thể đưa máy bay sang Tiệp Khắc được."
Liền sau Hiệp ước Munich, 2 hiệp ước khác được Anh-Pháp ký với Đức:
- Ngày 6 tháng 12 năm 1938 Pháp tuyên bố xóa bỏ Hiệp ước tương trợ Pháp-Liên Xô để ký với Đức bản tuyên bố thừa nhận hiệu lực hoàn toàn của Hiệp định Munich 1938. Bộ trưởng ngoại giao Pháp là Georges Bonnet khi tới thăm Ribbentrop vào năm 1938 đã nói "Nước Pháp rất quan tâm cho các giải pháp về người Do thái", nước Pháp chỉ mong làm sao trục xuất hàng chục ngàn người Do Thái đã tới Pháp.
- Ngày 15 tháng 3 năm 1939, hiệp ước Düsseldorf được ký kết giữa Anh và Đức Quốc xã về việc phân chia quyền lực kinh tế trong khu vực châu Âu cho hai cường quốc Anh và Đức, trong đó Anh công nhận Đức có quyền khống chế kinh tế khu vực Đông Âu.
Như vậy, hai nước Anh và Pháp không muốn tham chiến, cũng không muốn lập liên minh với Liên Xô cho nên đã vứt bỏ liên minh quân sự với Cộng hoà Tiệp Khắc và ký Hiệp ước München vào ngày 29 tháng 9, buộc Tiệp Khắc phải cắt cho Đức một phần lãnh thổ để thỏa mãn yêu cầu của Đức. Nhưng không dừng lại ở đó, đến ngày 16 tháng 3 năm 1939, Đức đã chiếm đóng toàn bộ Tiệp Khắc. Liên Xô ra tuyên bố phản đối Đức, nhưng Anh-Pháp vẫn bỏ qua việc này. Thấy tình hình thuận lợi, cả Ba Lan và Hungari cũng hùa theo Đức, đưa quân chiếm một phần lãnh thổ Tiệp Khắc. Ý theo gương Đức, đã tiến hành xâm lược Ethiopia năm 1935 và sát nhập Albania vào ngày 12 tháng 4 năm 1939[10].
Các tài liệu lưu trữ của Anh được công bố vào năm 2013 cho thấy nước Anh không chỉ bỏ mặc Tiệp Khắc cho Hitler xâm chiếm mà còn tình nguyện trao gần 9 triệu USD tiền vàng vốn thuộc về Tiệp Khắc cho Đức Quốc xã. Các thỏi vàng của Tiệp Khắc đã được gửi ngay cho Hitler vào tháng 3/1939 khi quân Đức chiếm Praha. Điều khó tin hơn nữa là chính phủ Anh thực sự đã ngăn chặn và làm phá sản một âm mưu đảo chính của một nhóm sĩ quan cao cấp của quân đội Đức nhằm vào Adolf Hitler vào năm 1938, khi Hitler ra lệnh tấn công Tiệp Khắc. Tác giả Anh Michael McMenamin cho biết: “Về mặt lịch sử, không có nghi ngờ gì về việc phong trào kháng chiến Đức đã liên tục cảnh báo cho người Anh về ý đồ của Hitler là muốn xâm lược Tiệp Khắc vào tháng 9/1938... Tuy nhiên, để đáp lại, chính phủ Anh khi đó đã thực hiện mọi bước đi ngoại giao có thể để... phá hoại phe đối lập với Hitler.”[6]
Tháng 4 năm 1939, trong một nỗ lực cuối cùng để cứu vãn nền an ninh tập thể của châu Âu, Liên Xô mở lại các cuộc thương lượng với Anh và Pháp nhằm tìm kiếm một hiệp định tương trợ thật sự với các nước Tây Âu và Đông Âu. Mặc dù người Nga thực lòng muốn ký một hiệp ước phòng thủ chung càng sớm càng tốt với Anh và Pháp nhưng họ đã vấp phải sự lạnh nhạt của các chính phủ này[10], hiệp định tương trợ mà Liên Xô muốn xây dựng với các nước Tây Âu đã không thể được thực hiện.
Sau Hiệp ước Munich, những nước còn lại ở Tây Âu và Trung Âu quay sang tìm cách thỏa hiệp với Đức Quốc xã. Ngày 7 tháng 6 năm 1939, hiệp ước không xâm lược lẫn nhau cũng được Đức Quốc xã tiếp tục ký với ba nước Baltic (Estonia, Latvia, Litva) và Đan Mạch, những nước có biên giới nằm khá gần Liên Xô. Hiệp ước này quy định rằng các nước Baltic sẽ trợ giúp Đức để chống Liên Xô. Điều này càng khiến Liên Xô trở nên lo ngại hơn.
Việc Anh, Pháp từ chối lập liên minh với Liên Xô và ký với Đức hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, đồng thời bỏ mặc đồng minh Tiệp Khắc cho Đức tiêu diệt, tất cả khiến Liên Xô thấy rằng phương Tây không hề thực tâm trong việc ngăn chặn Hitler, mà thực ra họ đang tìm cách hướng cỗ máy chiến tranh Đức nhắm vào Liên Xô[11].
Vào ngày 22 tháng 5, Ý và Đức ký Hiệp ước Thép, chính thức hoá liên minh quân sự giữa hai nước. Về sau, hiệp ước được mở rộng thêm Đế quốc Nhật Bản, làm thành bộ ba Đức-Ý-Nhật, 3 cường quốc lớn nhất của phe Trục trong thế chiến thứ 2.
Lập trường của các cường quốc phương Tây đưa Liên Xô đứng trước 2 sự lựa chọn: hoặc sẽ bị cô lập và phải một mình chống đỡ với các cuộc tấn công của phát xít Đức; hoặc phải đàm phán với Đức để ký một hiệp ước không xâm lược nhằm tranh thủ thời gian củng cố quân đội. Tình hình cho thấy sự lựa chọn thứ hai là không thể tránh khỏi. Vào ngày 23 tháng 8, Đức và Liên Xô ký Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, một thoả thuận không xâm lược trong đó có một điều khoản bí mật chia sẻ vùng ảnh hưởng tại Đông Âu giữa hai nước này. Thoả thuận này làm các nước Tây phương ngạc nhiên, nếu nhớ rằng hai nước này đã ủng hộ hai phía khác nhau trong Nội chiến Tây Ban Nha vừa mới kết thúc. Tuy nhiên với Liên Xô, hành động này không có gì khó hiểu vì Anh-Pháp đã từ chối lập liên minh chống Đức, mà họ thì không muốn một mình đối đầu với Đức tại thời điểm đó.
Ngày nay, truyền thông phương Tây tập trung khai thác Hiệp ước Xô-Đức để kết tội Liên Xô đã bắt tay với Hitler, tạo nguyên nhân gây ra Thế chiến thứ 2. Nhưng thực tế lịch sử cho thấy hầu hết các cường quốc lớn của châu Âu đều đã ký các hiệp ước tương tự với Đức Quốc xã trước khi Liên Xô làm vậy. Giáo sư Carley nhận xét rằng đây là nỗ lực tuyên truyền của phương Tây nhằm biện minh cho các lỗi lầm nghiêm trọng vào những năm 1930, khi họ không chặn đứng sự trỗi dậy của nước Đức Quốc xã và thiết lập một liên minh chống Hitler vào thập niên 1930 theo đề nghị của Liên Xô[6].
Tình hình châu Á[sửa]
Tại châu Á, Nhật Bản đã có mặt tại Trung Quốc khi chiến tranh bắt đầu. Các khu vực bị Nhật chiếm đóng trong quốc gia suy yếu này ngày càng nhiều trong những năm cuối thập niên 1930. Chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945) đã bùng nổ sau khi Nhật lấy cớ sự kiện Lư Câu Kiều để đưa quân tấn công Trung Quốc. Với ưu thế vượt trội về không quân và hải quân cũng như tinh thần kỷ luật cao của binh sĩ, Nhật Bản nhanh chóng chiếm đóng hầu hết miền đông bắc Trung Quốc.
Lúc này, hai phía Quốc dân đảng và Cộng sản đảng chấp nhận ngừng chiến để tập trung vào việc đánh đuổi Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc. Cuộc chiến còn có sự tham gia của Không quân Liên Xô để hỗ trợ cho quân Trung Quốc lúc này còn rất yếu về không quân so với Nhật.
Lúc đầu, Trung Quốc giành được một số thắng lợi, nhưng sau này đà thắng quay sang phía Nhật và họ đã chiếm luôn cả miền Đông Nam Trung Quốc. Trong cuộc tấn công của Nhật có nhiều sự kiện khi dân thường bị tàn sát tàn nhẫn, trong đó có sự kiện Thảm sát Nam Kinh, đã khiến dư luận quốc tế ra áp lực đòi hỏi Nhật rời khỏi Trung Quốc, tuy nhiên Nhật Bản phớt lờ những sức ép này. Hoa Kỳ, nước đang nắm giữ nhiều đảo ở Thái Bình Dương và Phillipine, đã bày tỏ sự lo ngại đối với các hoạt động của Nhật, và bắt đầu dùng các biện pháp trừng phạt như không cho hàng hóa được tàu chở đến Nhật, nhất là dầu mỏ.
Nhật đã chiếm đóng hầu hết các khu vực thành thị và công nghiệp tại Trung Quốc trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu (sau sự kiện cầu Lư Câu 1937). Tuy thế, Trung Quốc không có hai tài nguyên quan trọng trong việc phát triển và bảo đảm an ninh của Nhật: đó là dầu mỏ và cao su. Có hai quan điểm trong các tướng lãnh Nhật về cách đạt được các tài nguyên này: một là đánh vào phía bắc, tức là vào lãnh thổ Liên Xô và chiếm lấy một phần lớn của Siberi và hai là đánh xuống phía nam vào các thuộc địa của Âu Châu tại Đông Nam Á.
Sau Chiến tranh biên giới Xô-Nhật với việc Nhật Bản bị Liên Xô đánh bại 2 lần liên tiếp, Nhật đã cho rằng cách đánh vào phía bắc không thể giành được chiến thắng. Sau thất bại trong trận Khalkhin Gol, Nhật Bản và Liên Xô đã ký một hiệp ước trung lập vào ngày 13 tháng 4 năm 1939. Nhiều sử gia Liên Xô cho rằng việc thất bại trong chiến dịch Khalkhin Gol đã khiến Nhật từ bỏ kế hoạch xâm lược Liên Xô, dù sau này Đức Quốc xã đã đề nghị Nhật cùng hợp sức tấn công Liên Xô vào năm 1941Bản mẫu:Ref labelBản mẫu:Ref labelBản mẫu:Ref label.
Không thể tiến lên phía bắc, giờ đây tham vọng của Nhật được hướng xuống phía nam, vào các thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan tại khu vực Đông Nam Á. Chiếm được vùng này, Nhật Bản sẽ có được hai tài nguyên quan trọng là dầu mỏ và cao su, cho phép họ đủ sức tranh đoạt vị trí bá chủ ở Thái Bình Dương với Anh và Hoa Kỳ.
Diễn biến[sửa]
Chiến trường châu Âu[sửa]
- Xem chi tiết: Chiến trường châu Âu (Chiến tranh thế giới thứ hai)
Chiến trường châu Âu 1939-1940[sửa]
- Xem chi tiết: Cuộc xâm lược Ba Lan (1939)
Vào ngày 1 tháng 9, chỉ một tuần sau khi Hiệp ước Molotov-Ribbentrop được ký kết, Đức xâm lược Ba Lan, khiến Anh và Pháp phải tuyên chiến với Đức để làm tròn bổn phận theo hiệp ước với Ba Lan, tuy nhiên thực tế 2 nước này đã không có hành động gì trợ giúp cho Ba Lan (Anh, Pháp hy vọng sau khi Đức chiếm xong Ba Lan thì sẽ ngừng lại hoặc quay sang tấn công Liên Xô). Vào ngày 17 tháng 9, lực lượng Liên Xô tiến vào Ba Lan từ miền đông khi biên giới đã bỏ trống do Ba Lan chuyển quân sang phía tây chống Đức, với mục đích bảo vệ kiều dân gốc Nga và thu hồi lại những vùng đất đã bị Ba Lan chiếm của họ trong Chiến tranh Nga-Ba Lan (1919-1921). Sự xâm nhập từ 2 nước mạnh khiến chính phủ Ba Lan phải chạy khỏi đất nước, một phần quân đội Ba Lan rút theo và tổ chức lại ở Pháp. Đến ngày 6 tháng 10, lực lượng quân đội Ba Lan còn lại hoàn toàn đầu hàng. Lãnh thổ Ba Lan do Đức kiểm soát nằm dưới quản lý của 1 viên Toàn quyền Đức trong khi các vùng phía đông (từng thuộc Nga nhưng bị Ba Lan chiếm trong Chiến tranh Nga-Ba Lan (1919-1921)) được hoàn trả cho Liên Xô (những vùng này ngày nay thuộc về Ucraina và Belarus).
Sự sụp đổ nhanh chóng của Ba Lan có lý do khách quan là sự vượt trội về công nghệ quân sự của Đức, còn lý do chủ quan là vì họ quá tin vào lời hứa của Anh-Pháp sẽ nhanh chóng tiếp viện cho Ba Lan, nhưng thực tế viện trợ đã không đến. Thực tế Ba Lan đã bị đồng minh của họ bỏ rơi, vì khi Đức tấn công Ba Lan, quân Anh-Pháp có tới 110 sư đoàn đang áp sát biên giới Đức so với chỉ 23 sư đoàn của Đức, nếu Anh-Pháp tấn công thì sẽ nhanh chóng buộc Đức phải rút quân về nước. Tư lệnh kỵ binh Đức Quốc xã Siegfried Westphal từng nói, nếu quân Pháp tấn công trong tháng 9 năm 1939 vào chiến tuyến Đức thì họ "chỉ có thể cầm cự được một hoặc hai tuần". Riêng ở đồng bằng Saar tháng 9 năm 1939, binh lực Pháp có 40 sư đoàn so với 22 của Đức, phía Đức không có xe tăng và chỉ có chưa đầy 100 khẩu pháo các cỡ, quá yếu ớt khi so sánh với trang bị của Pháp (1 sư đoàn thiết giáp, ba sư đoàn cơ giới, 78 trung đoàn pháo binh và 40 tiểu đoàn xe tăng). Tướng Đức Alfred Jodl từng nói: "Chúng tôi (Đức) đã không sụp đổ trong năm 1939 chỉ do một thực tế là trong chiến dịch Ba Lan, khoảng 110 sư đoàn của Anh và Pháp ở phương Tây đã hoàn toàn không có bất cứ hoạt động gì khi đối mặt với 23 sư đoàn Đức"[12] Nhưng rốt cục Anh và Pháp đã không có bất kỳ hành động quân sự lớn nào mà chỉ muốn ngồi chờ Đức tấn công Liên Xô như họ đã dự tính (xem Cuộc chiến cuội).
Ngay sau đó, để củng cố biên giới phía Tây chuẩn bị cho chiến tranh với Đức, Liên Xô bắt đầu tiến quân vào các nước cộng hòa gần biển Baltic. Tại 3 nước Baltic, quân đội Liên Xô được chào đón và không gặp kháng cự đáng kể (do tại các nước này, tộc người Nga chiếm một số lượng đáng kể so với các dân tộc khác), nhưng Phần Lan thì phản kháng quyết liệt, dẫn đến Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan vào ngày 30 tháng 11 cho đến tháng 3 năm 1940. Cũng vào lúc này, Đức và các nước Đồng Minh Tây phương đang trải qua một sự yên tĩnh buồn cười, với việc hai phía tuyên chiến với nhau nhưng không bên nào chịu ra tay trước. Sự yên tĩnh này kết thúc khi cả hai bên đều tính giành các nước Scandinavia còn lại và các khu mỏ quặng sắt quý giá ở Thụy Điển. Vào tháng 4, hai phía ngẫu nhiên bắt đầu tiến quân cùng lúc vào các nước Bắc Âu. Kết quả là Đức chiếm đóng được Đan Mạch trong khi một cuộc xung đột xảy ra tại Na Uy (xung đột đầu tiên giữa Đồng Minh và Trục) kết thúc với việc Anh chiếm được Na Uy. Cuộc xung đột tại Na Uy cho thấy lực lượng hai phía là cân bằng, diễn biến nghiêng về phía Đức khi nước này khởi sự một cuộc tấn công vào Pháp vào ngày 10 tháng 5, bắt buộc các lực lượng Anh và Pháp đang ở Na Uy phải rút lui.
Cuộc tấn công vào Pháp và các nước Hà Lan, Bỉ và Luxembourg diễn ra rất nhanh chóng và Đức giành thắng lợi vang dội. Người Đức đã huy động vào mặt trận này 3.350.000 quân, nhiều hơn bất kỳ mặt trận nào khác cho tới thời điểm đó. Phía Anh-Pháp có 3,3 triệu quân, lực lượng 2 bên khá tương đương. Tuy nhiên, các chỉ huy Anh-Pháp vẫn duy trì lối tư duy về chiến tranh chiến hào của thế chiến thứ nhất, do vậy họ tập trung lực lượng về phòng tuyến Maginot với dự định dựa vào hệ thống công sự để chặn đứng quân Đức tại đây. Thực tế cho thấy đây là một sai lầm chiến lược rất tai hại của Anh-Pháp. Quân Đức với học thuyết chiến tranh chớp nhoáng đã sử dụng lực lượng thiết giáp đi vòng qua phòng tuyến Maginot, thọc sâu vào hậu phương của Pháp và bao vây luôn khối quân Anh-Pháp đang tập trung ở phòng tuyến này.
Với chiến lược khôn khéo cộng với những sai lầm của Anh-Pháp, quân Đức nhanh chóng đánh bại đối phương. Trong vòng một tháng, chính phủ Pháp tuyên bố đầu hàng, trong khi lực lượng Anh phải lên tàu chạy khỏi nước Pháp. Ý, với ý định thâu chiếm lãnh thổ, tuyên chiến với Pháp (nay đã tê liệt). Chỉ trong hơn 1 tháng, quân Đức đã tiêu diệt hoặc bắt làm tù binh 2,2 triệu quân Anh và Pháp, 34 vạn quân khác phải lên tàu bỏ chạy khỏi Pháp về Anh, trong khi Đức chỉ thiệt hại 156 ngàn người. Đến cuối tháng 6, Pháp đã đầu hàng theo Hiệp định Compiègne lần thứ hai, bị lực lượng Đức chiếm đóng hầu hết phần lớn các lãnh thổ, phần còn lại do chính quyền bù nhìn Vichy điều hành. Sau khi chiến thắng, Đức cũng chiếm được rất nhiều nhà máy và đội ngũ công nhân lành nghề của Pháp, tiếm lực chiến tranh của Đức tăng rất nhiều, Hitler cảm thấy đủ tự tin là sẽ buộc Anh phải ký hòa ước, sau đó Đức sẽ quay sang thanh toán đối thủ lớn nhất là Liên Xô.
Chiến tranh giữa Đức và Anh[sửa]
- Xem chi tiết: Trận chiến nước Anh
Sau khi Pháp sụp đổ, chỉ còn Anh chống lại Đức. Lục quân Đức rất mạnh nhưng bị ngăn cách với nước Anh bởi eo biển nên không thể tấn công được. Để đảm bảo Đức không thể vượt biển tấn công, Anh thi hành mọi chính sách có thể, thậm chí cả việc xâm chiếm những nước trung lập hoặc tấn công cựu đồng minh. Ngày 10/5/1940, Anh xâm chiếm Iceland và chiếm nước này để tránh việc Đức được đặt căn cứ quân sự tại đây. Để tránh việc hạm đội mạnh của Pháp được Hitler trưng dụng để tấn công Anh, ngày 3 tháng 7 năm 1940, Không quân và hải Quân Anh đã dội bom vào hạm đội Pháp (vốn là đồng minh của họ chỉ 2 tháng trước đó) neo đậu tại cảng Mers-el-Kebir ở Algérie, đánh chìm nhiều tàu và khiến hàng ngàn thủy thủ Pháp thương vong.
Đức khởi đầu một cuộc tấn công hai nhánh vào Anh. Nhánh thứ nhất là những cuộc hải chiến trên Đại Tây Dương giữa các tàu ngầm, nay có thể sử dụng các cảng tại Pháp, và Hải quân Hoàng gia Anh. Các tàu ngầm được Đức dùng để tiêu diệt các đoàn tàu vận tải đưa hàng hóa theo đường biển. Nhánh thứ hai là một cuộc không chiến trên bầu trời Anh khi Đức dùng Không quân của họ để tiêu diệt Không quân Hoàng gia Anh, với ý định sử dụng ưu thế không gian để đổ bộ. Đến năm 1941, khi Anh vẫn còn đứng vững, và vì một số nỗi lo âu khác nổi lên, Đức bỏ dở chiến dịch và rút lực lượng Không quân ra khỏi nước Anh.
Cho đến lúc này, thái độ của Mỹ vẫn là đứng ngoài cuộc và không muốn can dự vào chiến tranh. Nước Anh viết thư cầu viện tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt xin 50 chiếc khu trục hạm phế thải của Mỹ. Hoa Kỳ cho cho Anh mượn (trên thực tế là bán) 50 chiếc chiến tàu cũ kỹ này với điều kiện Anh phải cho Hoa Kỳ thuê trong 99 năm các căn cứ tại Newfoundland, Bermuda và West Indies. Giao kèo bán tàu này rất có lợi cho Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố sẽ giúp Anh và Liên Xô về trang bị nhưng nước Mỹ sẽ không tham chiến, ngay cả các cố vấn chính phủ còn cho rằng Anh sẽ thua Đức và tốt nhất là chỉ nên bán vũ khí cho Anh chứ không nên tham chiến. Đạo luật lend-lease (cho vay - cho thuê) thông qua tháng 11/1941 cho phép Tổng thống Roosevelt "chuyển giao, cho mượn, cho thuê" mọi tài sản cần thiết cho chiến tranh, từ thực phẩm, vũ khí tới các dịch vụ khác cho các nước đang tham chiến nếu thấy có lợi cho an ninh của Hoa Kỳ, tất nhiên là đi kèm với những đòi hỏi của Mỹ về những khoản lợi kinh tế - chính trị. Tháng 6/1941, khi Đức tấn công Liên Xô, Phó Tổng thống Mỹ Harry S. Truman còn tuyên bố rằng:
-
- Nếu chúng ta thấy Đức chiến thắng thì chúng ta phải giúp người Nga, và nếu Nga chiến thắng thì chúng ta phải giúp người Đức, và theo cách đó cứ để họ giết nhau càng nhiều càng tốt, mặc dù tôi không muốn nhìn thấy Hitler chiến thắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.[13]
Chiến trường Địa Trung Hải[sửa]
Ngày 27/9/1940, Đức, Italia và Nhật đã kí hiệp ước đồng minh quân sự và chính trị ở Berlin. Hiệp ước này trước hết nhằm chống Liên Xô, nhưng còn chống cả Anh, Mĩ. Hiệp ước đề ra không úp mở việc phân chia thế giới: Đức, Italia ở châu Âu; Nhật ở Viễn Đông.
Đức cũng đã lợi dụng những mâu thuẫn giữa các nước Balkan để lôi kéo các nước này làm chư hầu của mình. Ở Hội nghị Viên tháng 8/1940, Đức và Italia đã yêu cầu Romania là cắt vùng Transivalnia giao cho Hungaria và hứa với Rumani sẽ đền bù bằng đất đai chiếm của Liên Xô. Đức lại giúp lực lượng thân Đức ở Rumani làm chính biến, đưa những phần tử chống Liên Xô lên nắm chính quyền, do tướng Antonesscu cầm đầu. Với sự thỏa thuận của Antonesscu, ngày 7/10/1940, quân đội Đức kéo vào Rumani. Sau đó, lần lượt Hunggari, Rumani và Slovakia đều tuyên bố tham gia Hiệp ước Béclin (11/1940). Tháng 3/1941, chính phủ Bulgaria cũng tham gia hiệp ước Béclin và để cho quân đội Đức kéo vào nước mình.
Trong khi Đức đang tập trung lực lượng đánh Anh, Ý mở cuộc tấn công Hy Lạp vào ngày 28 tháng 10 năm 1940. Cuộc tấn công này hoàn toàn thất bại: Hy Lạp chẳng những đánh lui Ý trở lại Albania, mà còn tham chiến theo phía Đồng Minh (trước đó Hy Lạp trung lập), cho phép Anh đổ bộ tại nước này để viện trợ và phòng thủ.
Trong khi Ý đang đương đầu với Hy Lạp, nước Nam Tư láng giềng bị một cuộc đảo chính vào ngày 27 tháng 3 năm 1941. Người Nam Tư trục xuất chính quyền thân Đức đã ký Hiệp ước Ba Bên chỉ ba ngày trước, đồng thời kí hiệp ước thân thiện và không xâm phạm với Liên Xô ngày 5/4/1941. Trước tình hình đó. Hítle phải ra lệnh hoãn việc thực hiện kế hoạch Barbarossa xâm chiếm Liên Xô và quyết định đè bẹp Nam Tư và Hy Lạp trước. Kế hoạch được đặt ra và Đức mở cuộc tấn công cả hai nước Nam Tư và Hy Lạp vào ngày 6 tháng 4. Không quân Đức dội bom xuống thủ đô Nam Tư và 56 sư đoàn Đức cùng chư hầu tràn vào Nam Tư. Chính phủ Nam Tư bỏ chạy sang Ai Cập. Cùng ngày đó, quân Đức cũng mở cuộc tấn công vào Hy Lạp. Quân đội Hy Lạp phải đầu hàng, quân đội Anh cũng bị đánh bật và phải chạy ra biển sau trận đánh tại Crete.
Như vậy, sau 1 năm, Đức có thêm 5 nước chư hầu ở khu vực Balkan và Địa Trung Hải mà gần như không cần phải nổ súng, lực lượng phe Đức được tăng cường thêm gần 1 triệu quân từ các nước này. Không chỉ vậy, Đức còn có thêm nhiều mỏ tài nguyên tại các nước này (đặc biệt là những mỏ dầu ở Romania). Hitler cho rằng các điều kiện để tấn công Liên Xô đã chín muồi.
Chiến dịch Bắc Phi[sửa]
- Xem chi tiết: Mặt trận Bắc Phi
Vào tháng 8 năm 1940, với lực lượng lớn của Pháp tại Bắc Phi chính thức trung lập trong cuộc chiến, Ý mở một cuộc tấn công vào thuộc địa Somalia của Anh tại Đông Phi. Đến tháng 9 quân Ý vào đến Ai Cập (cũng đang dưới sự kiểm soát của Anh). Cả hai cuộc xâm lược này đều thất bại sau khi lực lượng Anh đẩy Ý ra khỏi cả hai khu vực và chiếm được nhiều thuộc địa Ý, trong đó có Đông Phi thuộc Ý và Libya.
Với sự thất bại của Ý, và thấy phe Trục có nguy cơ bị đẩy khỏi toàn bộ Phi Châu, Đức gửi Quân đoàn Phi châu dưới sự chỉ huy của Erwin Rommel đến Libya để tăng viện cho đồng minh của mình vào tháng 2 năm 1941. Đơn vị này, cùng với quân Ý, đã đánh một trận đánh ác liệt ven bờ biển Cyrenaica với lực lượng Anh vào năm 1941 và 1942. Lúc đầu Đức chú trọng đến mặt trận Bắc Phi vì muốn chiếm kênh đào Suez và cắt đứt những đường giao thông chính của Anh với các thuộc địa. Quân Đức đuổi quân Anh đến biên giới Ai Cập, quân Anh bị thua liên tiếp. Nhưng tình hình đã thay đổi sau thất bại của quân Đức trước Mátxcơva. Mặt trận Xô - Đức thu hút tất cả lực lượng của Đức và buộc Đức cắt giảm lực lượng cho các mặt trận khác. Quân Đức ở Bắc Phi bị thiếu đạn dược, nhiên liệu nên không thể tấn công tiếp được nữa.
Cùng với trận chiến này, Hải quân Hoàng gia Anh và Regia Maria của Ý cũng đánh nhau để giành tuyến đường tiếp tế trên Địa Trung Hải, điển hình là trận đấu tại căn cứ quan trọng tại Malta.
Vào đầu năm 1942, việc Anh thắng lợi trong cuộc đánh bại lực lượng hải quân Ý ở Regia Maria khiến phía Đồng Minh thêm quân nhu và vật chất. Việc này cho phép các lực lượng Anh đẩy mạnh sau trận El Alamein thứ hai, quân đoàn thứ 8 của Anh ở Bắc Phi gồm 7 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn thiết giáp và 7 lữ đoàn chiến xa đã mở cuộc tiến công. Quân Đức chỉ có 4 sư đoàn bộ binh và 11 sư đoàn Ý nên không thể chống đỡ nổi, quân Anh chiếm gần hết toàn bộ Libya và đuổi quân Trục vào Tunisia. Vào tháng 11 năm 1942, tình trạng càng tệ hơn cho quân Trục khi Hoa Kỳ thực hiện Chiến dịch Bó Đuốc, đổ bộ vào Maroc, bao vây các lực lượng phe Trục. Ngày 8/11/1942, Franco (đứng đầu chính phủ phát xít Tây Ban Nha) đã báo trước cho Đức biết về cuộc đổ bộ này, nhưng Đức không làm gì được bởi vì lúc ấy tất cả dự trữ của Đức đã được ném vào trận Stalingrad với Liên Xô.
Cho đến tháng 5 năm 1943, toàn bộ các lực lượng phe Trục tại Bắc Phi đã bị đánh bại sau Chiến dịch Tunisia.
Trong lúc đó, tại Trung Đông, lực lượng Đồng Minh tấn công vào Syria và Liban, hai khu vực đang dưới sự kiểm soát của Pháp, cũng như Iraq, nơi chính quyền có thiện cảm với Đức. Việc này giúp lực lượng Đồng Minh củng cố quyền lực trong khu vực này.
Mặt trận phía đông[sửa]
- Xem chi tiết: Chiến tranh Xô-Đức
Đức tấn công Liên Xô[sửa]
Sau 5 năm, Đức đã thôn tính xong 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2, dân số 142 triệu người, phát xít Đức đã chiếm được những vị trí có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, quân sự và lực lượng trở nên rất hùng mạnh. Hầu như toàn bộ Tây Âu và Trung Âu (trừ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh) đã thuộc về Đức mà không vấp phải trở ngại hoặc tổn thất gì đáng kể. Tiếm lực công nghiệp quân sự của Đức cũng tăng thêm nhiều lần nhờ trưng dụng các mỏ tài nguyên, nhà máy công nghiệp, hàng chục triệu nhân công... tại các nước bị Đức chiếm đóng. Trong bối cảnh thuận lợi này, Đức Quốc xã quyết định tiến đánh Liên Xô với mục tiêu nhằm tiêu diệt Nhà nước Xô Viết, kẻ thù số l của phe Trục, đồng thời giành lấy những lãnh thổ và tài nguyên bao la của Liên Xô.
Cuộc tấn công kịch liệt nhất trong cuộc chiến tranh này xảy ra vào tháng 6 năm 1941, khi Đức bất ngờ cắt đứt thỏa thuận không xâm lược với Liên Xô và tiến hành chiến dịch Barbarossa, một kế hoạch tấn công khổng lồ nhất trong lịch sử. Quân đội phát xít Đức và chư hầu huy động 190 sư đoàn (trong đó gồm 152 sư đoàn Đức, 38 sư đoàn các nước chư hầu (gồm Ý, Romania, Bulgaria, Hungary, Phần Lan, Slovakia, Croatia, Vichy Pháp) với tổng quân số trên 4 triệu người (3.300.000 quân Đức và 750.000 quân các nước chư hầu), tập trung dọc theo hơn 2.900 km biên giới (1800 dặm) từ bờ biển Baltic phía Bắc đến bờ biển Đen phía nam[14]. Một số lượng khổng lồ phương tiện chiến tranh được triển khai gồm khoảng 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 3.400 xe thiết giáp, 600.000 xe cơ giới các loại, 47.000 pháo và súng cối, 4.940 máy bay các loại và khoảng 300 tàu chiến (trong đó có 105 tàu khu trục, 86 tàu ngầm các loại), với mục tiêu chiếm Moskva trước cuối năm. Chiến tranh Xô-Đức bắt đầu.
Để thực hiện kế hoạch Barbarossa, nước Đức đã huy động 3/4 quân đội Đức cùng với quân đội nhiều nước đồng minh với Đức tại châu Âu, chỉ để lại 1/4 quân số và phương tiện tại Tây Âu và Bắc Phi[14]. Trong khi đó, Hồng quân Liên Xô có 141 sư đoàn với 3,2 triệu quân đóng ở các khu vực phía Tây chống lại quân Đức. So với Hồng quân, quân Đức chiếm ưu thế cả về quân số lẫn kinh nghiệm tác chiến.
Khác với những cuộc chiến trước, kế hoạch xâm lược của Đức bao gồm cả việc tiêu diệt thường dân Nga tại các địa phương chiếm đóng. Chỉ thị ngày 12/5/1941 của Bộ chỉ huy tối cao Đức yêu cầu sĩ quan, binh lính Đức “Hãy nhớ và thực hiện: - Không có thần kinh, trái tim và sự thương xót - anh được chế tạo từ sắt, thép Đức… Hãy tiêu diệt trong mình mọi sự thương xót và đau khổ hãy giết bất kì người Nga nào và không được dừng lại, dù trước mặt anh là ông già hay phụ nữ, con gái hay con trai. Chúng ta phải bắt thế giới đầu hàng… anh là người Đức, và là người Đức phải tiêu diệt mọi sự sống cản trở con đường của anh".
Chiến dịch Barbarossa được dự định sẽ đánh bại triệt để Liên Xô chỉ trong 2-3 tháng. Trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, với ưu thế áp đảo của quân Đức, nhiều người cho rằng Liên Xô sẽ thất bại còn sớm hơn thế. Khi xe tăng và quân Đức tiến sâu lãnh thổ của Liên Xô trong một cuộc tấn công gồm ba mũi đột kích, hầu hết các nhà phân tích nước ngoài bắt đầu dự đoán rằng Liên Xô sẽ thất bại chỉ sau vài tuần hoặc thậm chí vài ngày[15]
Vào ngày 03/07/1941, 11 ngày sau khi Đức xâm lược Liên Xô, Ivan M. Maisky, Đại Sứ Liên Xô tại Anh, đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Anh Anthony Eden để thảo luận tình hình quân sự và hai nước chính thức hợp tác chống lại kẻ thù chung. Maisky khẳng định rằng tấn công Liên Xô là sai lầm lớn nhất của Hitler, và rằng “Nước Nga vĩ đại sẽ không thể bị đánh bại”[16]
Trong giai đoạn đầu, các lực lượng Đức tiến lên nhanh chóng do lợi thế từ yếu tố bất ngờ, ưu thế về quân số và trang bị, kinh nghiệm dày dạn của binh sĩ Đức, cộng với những yếu kém và sai lầm trong điều binh của các chỉ huy Liên Xô, quân Đức đã bắt giữ được hoặc tiêu diệt khoảng 3 triệu binh sĩ Xô Viết. Quân Đức tiến được một khoảng cách khá xa, nhưng cuối cùng vẫn không hoàn thành được mục tiêu. Không giống như ở Pháp, Hồng quân dù bị bao vây nhưng vẫn chiến đấu, tử thủ với quyết tâm rất cao để kìm chân đối phương khiến lực lượng Đức bị tổn thất hơn 1 triệu quân sau 5 tháng chiến đấu. Đối với Đức, thắng lợi đã không còn dễ dàng như dự đoán ban đầu của họ. Một sĩ quan Đức viết trong nhật ký: "Chúng tôi không còn cảm giác phiêu lưu khi tiến vào một quốc gia bại trận như hồi ở Pháp, thay vào đó chúng tôi gặp phải sự kháng cự, kháng cự không ngừng nghỉ bất kể chuyện ấy có vô vọng đến đâu chăng nữa".
Bước ngoặt tại Moscow và Stalingrad[sửa]
Tháng 10/1941, Bộ chỉ huy Đức tập trung mọi sức lực để mở cuộc tấn công vào hướng Mátxcơva với hi vọng chiếm được thủ đô Mátxcơva để kết liễu Liên Xô. Với mật danh là "Bão táp", Hítle đã huy động 80 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn xe tăng và cơ giới (khoảng hơn 1,8 triệu quân) và gần 1000 máy bay vào trận đánh Mátxcơva. Trong nhật lệnh ngày 2/10/1941, ngày mở đầu cuộc tấn công Mátxcơva, Hitler quyết định ngày 7/11/1941 sẽ chiếm xong Mátxcơva và duyệt binh chiến thắng tại Hồng trường, ông ta tin rằng ban lãnh đạo Liên Xô sẽ phải bỏ chạy khỏi Thủ đô như chính phủ Ba Lan, Pháp, Nam Tư... đã làm. Tuy nhiên, Hội đồng quốc phòng Liên Xô do Đại Nguyên soái Iosif Stalin đứng đầu vẫn ở lại Mátxcơva, trực tiếp lãnh đạo việc bảo vệ thủ đô. Trong đợt tấn công ác liệt và đẫm máu tháng 10, quân Đức tiến được từ 230 km, nhưng lực lượng bị tổn thất nghiêm trọng, kế hoạch thôn tính Mátxcơva trong giữa tháng 10 bị đổ vỡ. Ngày 15/11/1941, bộ chỉ huy quân Đức lại mở đợt tấn công thứ hai vào Mátxcơva, nhưng tất cả các mũi đột phá đều lần lượt bị bẻ gẫy.
Đến tháng 12, quân Đức đã bị tiêu hao quá nhiều trong chiến đấu. Khi mùa đông đến, ưu thế về kinh nghiệm tác chiến của Đức đã mất và chuyển sang phía Hồng Quân: binh lính Liên Xô được huấn luyện kỹ năng tác chiến mùa đông (trượt tuyết, ngụy trang, giữ ấm cơ thể...) tốt hơn hẳn so với lính Đức. Khi thời cơ thích hợp đã đến, cuộc phản công của Liên Xô với những lực lượng dự bị tinh nhuệ được tiến hành và đã đánh bật Đức ngay tại ngoại ô Moskva. Hơn nửa triệu quân Đức đã bị tổn thất trong chiến dịch tấn công thất bại vào Moscow.
Lần đầu tiên sau 6 năm chiến tranh, các đơn vị chủ lực của Đức Quốc xã phải chịu thất bại nặng. Hitler cách chức Tổng tư lệnh lục quân, tư lệnh Tập đoàn quân trung tâm, Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 2 và hàng chục tướng lĩnh khác. Chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của Đức đã thất bại.
Tuy bị nhiều thất bại vào cuối năm 1941, nhưng Đức tái tấn công vào năm 1942. Lần này Đức tấn công vào phía Nam nhằm chiếm vùng sản xuất dầu mỏ chiến lược của Liên Xô, bởi nếu không có dầu thì nền công nghiệp quân sự của Liên Xô sẽ bị tê liệt. Chiến dịch Blau được Đức phát động với 102 sư đoàn gồm hơn 2 triệu quân, gần 2.600 xe tăng và pháo tự hành, được biên chế vào 6 tập đoàn quân Đức, 2 tập đoàn quân Romania, 1 tập đoàn quân Ý và 1 tập đoàn quân Hungary.
Sau 3 tháng tiến công liên tục, quân Đức tiến đến sát dãy núi Kavkaz, nhưng cũng như năm 1941, quân đội Liên Xô tử thủ tại Stalingrad khiến quân Đức thiệt hại nặng nề và không thể tiến tiếp được nữa.
Khi quân Đức đã kiệt sức, Liên Xô lại tung ra đòn phản công với những đơn vị dự bị mạnh. Chiến dịch Sao Thiên Vương của Liên Xô đã huy động 3 phương diện quân với tổng binh lực lên tới 1,1 triệu quân, 1.463 xe tăng và pháo tự hành và 1.350 máy bay; đối diện là lực lượng Đức và chư hầu với hơn 1 triệu quân, 675 xe tăng và pháo tự hành, 1.216 máy bay. Chỉ sau 3 đến 4 ngày tiến công, các lực lượng Xô viết đã chọc thủng chiến tuyến Đức, hợp vây hoàn toàn 22 sư đoàn đối phương, một bộ phận của tập đoàn quân xe tăng số 4 và toàn bộ tập đoàn quân số 6 Đức. Tổng cộng khoảng 33 vạn quân Đức đã rơi vào vòng vây siết chặt và bị tiêu diệt tại Stalingrad. Các bộ phận còn lại của quân Đức vội vã tháo lui khỏi miền nam Liên Xô để tránh bị bao vây, mục tiêu của Đức là đánh chiếm vùng sản xuất dầu mỏ chiến lược của Liên Xô đã phá sản.
Trận Stalingrad được coi là bước ngoặt trong thế chiến thứ 2. Binh lực phe Đức bị tiêu diệt trong trận này tới hơn 1 triệu lính, nhiều hơn bất cứ chiến dịch nào khác trong thế chiến 2. Sau trận Stalingrad, binh lực của Đức trở nên suy yếu nghiêm trọng và buộc phải chuyển từ thế tấn công sang thế phòng ngự, còn Liên Xô chuyển sang thế chủ động phản công. Trong 4 tháng 20 ngày, dù gặp những điều kiện khó khăn của mùa đông, quân đội Xô viết đã tiến sâu về phía tây khoảng 600 km trên một chiến tuyến dài gần 2.000 km, đánh đuổi quân Đức ra khỏi những vùng có tầm quan trọng lớn về kinh tế và chiến lược.
Liên Xô phản công[sửa]
Trong mùa hè năm 1943, tại trận Vòng cung Kursk, Đức đã tung ra những đơn vị thiết giáp lớn hòng xoay chuyển tình thế, Kursk trở thành "trận đấu xe tăng lớn nhất" trong lịch sử thế giới, giữa gần 3.000 xe tăng - pháo tự hành của Đức và khoảng 5.000 xe về phía Liên Xô. Tại đây, Liên Xô tiếp tục tiêu diệt nhiều đơn vị tinh nhuệ của Đức, nhất là các đơn vị thiết giáp, khiến mục tiêu xoay chuyển tình thế của Đức bị tiêu tan.
Từ đó cho đến khi hết chiến tranh, quân Liên Xô giữ thế chủ động và phát động tấn công liên tục trên khắp các mặt trận, trong khi Đức bị đẩy vào thế bị động đối phó.
Cuối tháng 8 năm 1943, ngay sau trận Kursk, Hồng quân triển khai chiến dịch tấn công chiến lược tại cánh nam chiến trường Xô – Đức nhằm giải phóng Ukraina, đó là trận đánh sông Dnepr. Quân Đức phòng thủ tại khu vực này có 62 sư đoàn, trong đó 14 sư đoàn xe tăng và cơ giới, gồm khoảng hơn 1,2 triệu quân, 13.000 pháo và súng cối, 2.100 xe tăng và pháo tự hành, 2.100 máy bay. Để chọc thủng tuyến phòng thủ sông Dnepr của Đức, Liên Xô huy động lực lượng tới 2,6 triệu quân, hơn 51.200 pháo và súng cối, 2.500 xe tăng và gần 3.000 máy bay của 5 phương diện quân. Sau 4 tháng tiến công, đến cuối tháng 12 năm 1943, Hồng quân đã giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn nửa phía đông lãnh thổ Ukraina. Đây là lần đầu tiên một chiến dịch tổng tấn công chiến lược rất lớn vào mùa hè của Hồng quân Xô Viết đã thắng lợi, nó cho thấy trình độ tác chiến mùa hè của Liên Xô đã đạt mức tương đương so với quân Đức.
Đầu năm 1944, các lực lượng vũ trang Xô viết đã vượt quân Đức 1,3 lần về quân số, 1,7 lần về máy bay (quân Đức và quân các nước chư hầu có ở mặt trận Xô - Đức gần 5 triệu quân, 54.500 pháo và cối, 5.400 xe tăng và hơn 3.000 máy bay). Chất lượng vũ khí, đặc biệt quan trọng là tinh thần chiến đấu của quân đội, nghệ thuật chỉ huy chiến dịch, chiến thuật và chiến lược của các cấp chỉ huy Liên Xô ngày càng cao. Tỉnh hình này cho phép Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô có thể triển khai cuộc tổng tấn công đồng loạt trên khắp các mặt trận từ Leningrad đến tận Crimea, mở đầu từ ngày 24/12/1943.
- Ở mặt trận phía bắc, tháng 1 và 2/1944, Hồng quân phản công ở Leningrad và tiến tới sát biên giới Estonia. Tiếp theo, mùa hè năm 1944, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước vùng Ban Tích, đánh đuổi quân Phần Lan ra khỏi biên giới và buộc Phần Lan phải kí hiệp định đình chiến với Liên Xô ngày 19/9/1944.
- Ở mặt trận Ucraina, trong năm 1944, Hồng quân đã mở 10 chiến dịch tấn công có tính chất tiêu diệt. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra hết sức ác liệt vì phần lớn lực lượng quân Đức tập trung ở vùng này (96 sư đoàn với 70% tổng số các sư đoàn xe tăng và các sư đoàn cơ giới của Đức ở mặt trận Liên Xô). Kết quả, Hồng quân đã đánh tan 66 sư đoàn Đức và giải phóng hoàn toàn Ucraina.
- Ở mặt trận Crimea, từ tháng 3 đến tháng 5/1944, quân đội Xô viết giải phóng Odessa và Crimea.
- Ở mặt trận trung tâm, chiến dịch Bagration mở ngày 23/6/1944. Liên Xô huy động 4 phương diện quân với tổng binh lực 2,4 triệu quân, 36.000 pháo và súng cối, 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 5.000 máy bay. Lực lượng phòng thủ của Đức tại đây là Cụm Tập đoàn quân Trung tâm với 34 sư đoàn với 1 triệu quân, 1.330 xe tăng và pháo tự hành, 10.090 pháo và súng cối, hơn 1.000 máy bay. Sau 2 tháng tiến công, Hồng quân Liên Xô đã đánh tan Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức, tiêu diệt hơn 30 sư đoàn Đức với hơn 500.000 quân, Belarus được hoàn toàn giải phóng. Cụm Tập đoàn quân Bắc của Đức với gần 300.000 quân cũng bị dồn vào mũi đất Courland và bị cô lập hoàn toàn. Chiến dịch Bagration đã "đập nát mặt trận trung tâm" của quân Đức, kết cục của chiến tranh gần như đã được định đoạt sau chiến dịch này.
Đến cuối năm 1944, Liên Xô đã giành lại được hầu hết số lãnh thổ bị Đức chiếm đóng và liên tục đẩy lùi lực lượng ngày càng suy yếu của Đức về phía tây. Sau chiến dịch Bagration, Quân đội Xô Viết phát động liên tiếp các đòn tấn công chiến lược để giải phóng những phần đất còn lại đang bị Đức chiếm đóng:
- Chiến dịch Lvov–Sandomierz từ 13 tháng 7 đến 29 tháng 8 năm 1944, phương diện quân Ukraina 1 với lực lượng 2 tập đoàn quân xe tăng, 7 tập đoàn quân bộ binh (tổng cộng 1.200.000 lính, 1.979 xe tăng, 11.265 khẩu pháo) đã đánh tan cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina của Đức (có 900.000 quân, 800 xe tăng, 6.300 đại bác và súng cối).
- Chiến dịch Iaşi-Chişinău từ 20 đến 29 tháng 8 năm 1944: Chỉ trong 9 ngày, hai phương diện quân Xô Viết (có tổng cộng 1.341.000 lính, 1.874 xe tăng và pháo tự hành) đã tiêu diệt cụm tập đoàn quân Nam Ukraina của liên quân Đức – Romania (có 47 sư đoàn, 5 lữ đoàn với tổng cộng 500.000 lính Đức, 405.000 quân Romania, 400 xe tăng và pháo tự hành). Trong 9 ngày, Hồng quân đã tiêu diệt 25 vạn quân địch và bắt gần 30 vạn tù binh, giải phóng hoàn toàn Moldavia, quân đội Xô Viết ào ạt kéo vào Romania làm tan rã 350.000 quân còn lại của nước này, đã loại bỏ Romania ra khỏi khối Trục.
- Chiến dịch Baltic từ 14 tháng 9 đến 24 tháng 11, 1944: Là chiến dịch giải phóng phần đất cuối cùng của Liên Xô. Trong chiến dịch này, các bộ phận của 4 phương diện quân Xô viết (gồm 900.000 quân, 17.500 khẩu pháo, 3.080 xe tăng, 2.640 máy bay) đã tổng tấn công cụm tập đoàn quân Bắc của Đức (gồm 730.000 quân, 7.000 đại bác và súng cối, 1.200 xe tăng và pháo tự hành). Cụm tập đoàn quân Bắc đã bị đánh bại và bị dồn về phía biển.
Đến cuối năm 1944, Liên Xô đã giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Xô Viết. Hồng quân đã mở đường vào bắc Na Uy, Hungary, Áo, khu vực Balkan và Tiệp Khắc, loại khỏi vòng chiến các đồng minh của Đức Quốc xã là Phần Lan, Hungary, România và Bulgaria. Khối đồng minh phát xít của Đức sụp đổ, Liên Xô mở rộng đường tiến vào Đông Âu.
Từ ngày 12 tháng 1 đến 3 tháng 2 năm 1945, Hồng quân tổ chức chiến dịch Wisla-Oder. Hai phương diện quân Xô viết (có 2,2 triệu quân, 33.500 nghìn đại bác và súng cối; 7.000 xe tăng và pháo tự hành; 5.000 máy bay) đã tiêu diệt hầu hết các lực lượng Đức trên hướng phòng thủ Warszawa – Berlin (có 450.000 quân, 5.000 đại bác và súng cối, 1.220 xe tăng và pháo tự hành, 630 máy bay), giải phóng gần hết Ba Lan và đặt sự tồn tại của Đức Quốc xã chỉ còn tính từng tuần.
Để phòng thủ Berlin, Đức bố trí 48 sư đoàn bộ binh, 6 sư đoàn xe tăng và 9 sư đoàn cơ giới cùng rất nhiều các đơn vị độc lập khác tổng cộng 1 triệu quân; 10.400 đại bác và súng cối; 1.500 xe tăng và pháo tự hành; 3.300 máy bay chiến đấu. Ngày 16/4/1945, 3 phương diện quân Xô viết (gồm huy động 2,5 triệu quân, 41.600 súng cối và đại bác, 3.255 dàn pháo phản lực Kachiusa, 6.250 xe tăng và pháo tự hành, 7.500 máy bay) đã phát động chiến dịch Berlin tấn công và trung tâm của Đức Quốc xã. Sau 2 tuần chiến đấu, Liên Xô đã chiếm được trụ sở quốc hội Đức vào ngày 30/4/1945, Hiler tự sát trong hầm ngầm. Đến ngày 9/5/1945, các lực lượng Đức Quốc xã còn lại chính thức đầu hàng.
Mặt trận Xô-Đức là mặt trận có quy mô lớn nhất trong thế chiến thứ 2. Đức đã tung ra 70% binh lực với các sư đoàn mạnh và tinh nhuệ nhất, cùng với khoảng 81% số đại bác, súng cối; 67% xe tăng; 60% máy bay chiến đấu, chưa kể binh lực góp thêm của các nước đồng minh của Đức (Ý, Rumani, Bulgari, Phần Lan...) Có những thời điểm hai bên chiến tuyến đồng thời hiện diện đến 12,8 triệu quân, 163.000 khẩu pháo và súng cối, 20.000 xe tăng và pháo tự hành, 18.800 máy bay. Ngay cả sau khi Mỹ, Anh mở mặt trận phía Tây, Đức vẫn sử dụng gần 2/3 binh lực để chiến đấu với Liên Xô. Các trận đánh như Trận Moscow, Trận Stalingrad, Trận Kursk, Chiến dịch Bagration là những chiến dịch có quy mô, sức tàn phá và số thương vong ghê gớm nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai[17].
Nền kinh tế Liên Xô đã có những nỗ lực sản xuất phi thường để bù đắp tổn thất và làm nên chiến thắng chung cuộc. Chỉ trong 1 năm rưỡi (từ tháng 6/1941 đến hết 1942), Liên Xô đã sơ tán hơn 2.000 xí nghiệp và 25 triệu dân và sâu trong hậu phương. Các nhà máy tăng nhanh tốc độ sản xuất, năm 1942, sản lượng vũ khí đã tăng gấp 5 lần so với 1940 và đã bắt kịp Đức, tới năm 1943 thì đã cao gấp đôi Đức. Giai đoạn 1941-1945, trung bình mỗi năm Liên Xô sản xuất được 27.000 máy bay chiến đấu, 23.774 xe tăng và pháo tự hành, 24.442 khẩu pháo (từ 76mm trở lên); con số này ở phía Đức là 19.700 máy bay chiến đấu, 13.400 xe tăng và pháo tự hành, 11.200 khẩu pháo. Nhờ sản lượng vũ khí khổng lồ, đến cuối chiến tranh, Liên Xô đã có trong tay một lực lượng lục quân mạnh nhất thế giới với 13 triệu người, trang bị 40.000 xe tăng và pháo tự hành và hơn 100.000 khẩu pháo các loại.
Kết quả tại mặt trận Xô-Đức, quân Đức và chư hầu đã bị tổn thất 607 sư đoàn, trong đó có 507 sư đoàn Đức tinh nhuệ, tương đương với 75% tổng số tổn thất của quân Đức trong chiến tranh. Về trang bị, Đức bị mất 75% số xe tăng, 70% số máy bay, 74% số pháo binh và 30% số tàu hải quân tại mặt trận Xô-Đức. Trong khi đó, các nước đồng minh khác (Anh, Mỹ, Úc...) trong suốt thời gian chiến tranh, trên tất cả các chiến trường đã đánh tan được 176 sư đoàn[17]
Khoảng 5,3 triệu lính Đức và chư hầu đã tử trận tại mặt trận Liên Xô, cùng với khoảng 6 triệu khác bị tan rã hoặc bị bắt làm tù binh, chiếm 75% tổng thương vong của phe phát xít trong toàn bộ Chiến tranh thế giới thứ hai. Về phía Liên Xô, Quân đội Xô Viết tổn thất 8,67 triệu binh lính trong suốt 4 năm chiến tranh (bao gồm khoảng 6,87 triệu tử trận trong chiến đấu và 1,8 triệu tù binh chết trên tổng số 3,6 triệu lính bị quân Đức bắt làm tù binh). Khoảng 400.000 quân nhảy dù và du kích cũng thiệt mạng phía sau vùng tạm chiếm của Đức.[18][19] Tổn thất về dân thường của Liên Xô là rất lớn do chính sách tiêu diệt người Slav của Đức, ước tính khoảng 12-18 triệu dân thường Liên Xô đã chết.
Trong quá trình chiến tranh, Liên Xô đã nhận được khoảng 17,9 triệu tấn hàng hóa viện trợ của Mỹ-Anh theo chương trình lend-lease (cho vay - cho thuê), tương đương 9,8 tỷ USD (thời giá 1945). Một số nhà nghiên cứu phương Tây sau này đã thổi phồng vai trò của khoản viện trợ, họ khẳng định nếu không có sự giúp đỡ này của Mỹ, thì Liên Xô có thể đã bại trận. Thực tế, khoản viện trợ này chỉ bằng 4% tổng lượng sản xuất của Liên Xô trong những năm chiến tranh, do đó viện trợ lend-lease đóng góp không đáng kể vào chiến thắng các lực lượng vũ trang Xô viết. Mặt khác, viện trợ trong năm 1941 (khi Liên Xô đang cần nhất) lại khá nhỏ giọt, trong khi tới 55% giá trị viện trợ của Mỹ chỉ đến Liên Xô vào năm cuối cùng của cuộc chiến tranh (từ tháng 6/1944 tới tháng 5/1945), khi đó mức sản xuất của Liên Xô đã vượt xa Đức nhiều lần và Liên Xô vẫn sẽ chiến thắng mà không cần tới viện trợ. Chưa kể chất lượng vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Liên Xô cũng bị binh sĩ Hồng quân chê bai khá nhiều và ít khi sử dụng (ví dụ như xe tăng M3 Stuart hay tiểu liên Thompson bị đánh giá là thiếu sức mạnh và dễ hỏng hóc so với vũ khí tương ứng do Liên Xô chế tạo như T-34 và PPSh-41)
Harry Lloyd Hopkins, cố vấn của Tổng thống Roosevelt, nhận định: “Chúng tôi chưa bao giờ cho rằng sự giúp đỡ của chúng ta dưới hình thức lend-lease là yếu tố chính trong thắng lợi của Liên Xô trước Hitler ở mặt trận phía đông. Chiến thắng đó đạt được bằng sự dũng cảm và máu của quân đội Nga”. Nhà sử học Mỹ George C. Herring thẳng thắn hơn: “Lend-lease không phải là hành động vô tư. Đây là một hành động có tính toán, vị kỷ và người Mỹ luôn hình dung rõ ràng những món lợi mà họ có thể thu được từ hành động đó”. Thực tế viện trợ của Mỹ không phải là sự ban tặng, bản thân tên gọi của nó ("Lend-lease", nghĩa là "cho vay - cho thuê") đã cho thấy nó vẫn là một dạng hợp đồng "bán vũ khí - trả tiền sau" chứ không phải là cho không. Trong và sau chiến tranh, Liên Xô đã phải trả nợ (tính kèm lãi suất) cho những hàng hóa, vũ khí mà Mỹ đã viện trợ cho họ, hình thức trả nợ gồm nhiều tàu chở kim loại quý như bạch kim trị giá hàng tỷ USD[20] Mỹ là nước duy nhất trong khối Đồng minh hầu như không bị tàn phá mà còn thu được những nguồn lợi kinh tế khổng lồ từ cuộc chiến tranh[21].
Chiến dịch Ý[sửa]
Với khu Bắc Phi được củng cố, các lực lượng Anh-Mỹ đổ bộ vào đảo Sicilia trong năm 1943, bắt đầu một cuộc tấn công vào phần "bụng mềm phía dưới của châu Âu". Cuộc tấn công vào Sicilia thành công, khiến chính quyền của Benito Mussolini sụp đổ và chính phủ mới của Ý ký hiệp định đình chiến với quân Đồng Minh. Các lực lượng Đức can thiệp để quân Đồng Minh không giành được toàn bộ Ý. Ngày 12/9/1943, Mussolini được quân Đức cứu thoát để tổ chức lại lực lượng, và lập lại chính phủ phát xít ở miền Bắc Italia, gọi là nền "cộng hòa Salo".
Hơn 30 sư đoàn Đức được điều sang phòng ngự tại Ý. Sau cuộc đổ bộ tại Salerno, tiến trình hành quân của Đồng Minh bị chậm lại bởi địa thế khó khăn, lại bị quân Đức có kinh nghiệm hơn chống giữ. Quân Đồng Minh ở hướng này không đạt được thành công đáng kể nào, họ bị quân Đức chặn đứng ở vùng núi nằm giữa nước Ý cho đến hết chiến tranh.
Mặt trận phía Tây[sửa]
- Xem chi tiết: Mặt trận phía Tây (Chiến tranh thế giới thứ hai)
Những kế hoạch ban đầu[sửa]
Năm 1941, Liên Xô đang phải một mình đối đầu với lực lượng Đức Quốc xã đang rất mạnh. Sau khi kết làm đồng minh, trong số nhiều yêu cầu, yêu cầu đầu tiên của Liên Xô là Anh mở một mặt trận thứ hai, nhằm giảm bớt sức ép của Đức đối với Hồng Quân. Nhưng vào mùa hè năm 1941, nước Anh chưa sẵn sàng tiến hành đổ bộ lên bờ biển Pháp. Lục quân Anh chưa thắng được quân Đức một trận nào dù đã tham chiến 2 năm, và thảm bại ở Pháp năm 1940 cho Anh thấy lục quân Đức mạnh hơn họ rất nhiều. Do vậy, Anh từ chối đổ quân lên Pháp và nói rằng họ đang làm hết sức mình để giúp Hồng Quân, nhưng nhiều người Anh không tin vào lời nói đó. Đại Sứ Anh ở Liên Xô, Stafford Cripps đã tố cáo Chính phủ Anh đang lẩn tránh cuộc chiến tranh, đẩy Hồng Quân Liên Xô vào chổ phải hứng chịu nhiều thương vong. Ông ta nói: công luận Liên Xô tin rằng Anh sẵn sàng “chiến đấu đến giọt máu cuối cùng của Liên Xô”.
Tháng 12 năm 1941, cục diện chiến tranh thay đổi. Hồng Quân đã thắng trận đánh chiến lược ở Moscow. Ở Anh, các quan chức giờ đã tin rằng lục quân Đức vẫn có thể bị đánh bại, và họ lo rằng Hồng Quân Liên Xô đang thắng trận mà không cần đến sự giúp đỡ của Anh, vì vậy cuối cùng các quan chức này phải thảo luận hướng tới việc mở mặt trận thứ hai ở Pháp.
Tuy nhiên, đầu năm 1942, quân Anh đang bị phe Trục đánh bại liên tiếp tại Mặt trận Bắc Phi, dù phe Trục mới chỉ tung vào mặt trận này 4 sư đoàn Đức và 5 sư đoàn Ý, tổng cộng là khoảng 160.000 quân. Dù đang huy động 80% binh lực (gồm 217 sư đoàn và 20 lữ đoàn, khoảng 6 triệu quân) để tấn công Liên Xô, nhưng Đức vẫn còn khoảng 40 sư đoàn (khoảng 1 triệu quân) đóng ở Tây Âu. Từ thực tế này, các tướng lĩnh Anh tính toán rằng: chỉ chống lại 160.000 quân Đức-Ý mà quân Anh đã liên tiếp thất bại, thì họ cũng sẽ không thể nào chống cự lại nổi 1 triệu quân Đức nếu đổ bộ lên Tây Âu.
Trận Dieppe vào ngày 19/8/1942 đã củng cố nhận định của các tướng lĩnh Anh rằng quân của họ sẽ không thể bám trụ nổi sau khi đổ bộ lên đất đối phương. Trong trận này, 10.000 quân Anh và Canada đã chủ động mở một chiến dịch đổ bộ lên nước Pháp tại một dải bờ biển chỉ có 1.500 quân Đức trấn giữ. Cuộc tấn công bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, nhưng chỉ đến 9 giờ sáng cùng ngày thì quân Anh đã phải rút lui vì thiệt hại quá nặng nề mà không đạt được kết quả nào. Không quân Anh cũng thua to, mất 106 máy bay trong khi Đức chỉ mất 48 chiếc. Hải quân Anh cũng bị mất 1 khu trục hạm, 33 tàu đổ bộ.
Sau trận Dieppe, không có hành động quân sự lớn nào được Anh thực hiện tiếp. Anh chỉ tung những nhóm nhỏ quân biệt kích vào đất Pháp để đánh du kích, đồng thời khích động tinh thần của nhân dân kháng chiến tại Pháp. Phải tới năm 1944, khi Anh đã nhận được sự hỗ trợ lớn của Mỹ thì kế hoạch đổ quân lên Tây Âu mới được bàn thảo tiếp.
Các trận ném bom nước Đức[sửa]
Từ năm 1942, không quân Anh bắt đầu mở cuộc oanh tạc dai dẳng, ngày càng tăng thêm vào các mục tiêu quân sự và dân sự của Đức và các vùng châu Âu lân cận.[22][23] Không quân Hoa Kỳ tham gia cuộc ném bom châu Âu từ đầu năm 1943. Tuy vậy, kỹ thuật ném bom thời đó không đạt độ chính xác cao nên phần lớn các trận bom của Anh-Mỹ không đánh trúng mục tiêu (ước tính rằng chỉ có 7% số bom rơi trúng một khu vực bán kính 300 mét quanh mục tiêu), do đó thiệt hại gây ra cho nền công nghiệp Đức là khá nhỏ và có thể được sửa chữa một cách nhanh chóng. Trong khi đó, không quân và phòng không Đức kháng cự quyết liệt gây tổn thất nặng cho lực lượng máy bay ném bom Anh-Mỹ. Ví dụ như trận không kích Schweinfurt thứ hai vào ngày 14 tháng 10 năm 1943 được gọi là "ngày thứ ba đen tối".[24] Trong số 291 chiếc B-17 Flying Fortress tham gia tấn công, đã có 77 chiếc bị Đức bắn hạ, 122 chiếc khác bị hư hại. Thiệt hại trong trận này nặng tới mức không quân Anh-Mỹ phải ngừng ném bom ban ngày vào lãnh thổ Đức trong suốt hàng tháng.
Chiến dịch ném bom của Anh-Mỹ đã không đạt được kết quả chiến lược: sản lượng vũ khí của Đức vẫn tiếp tục tăng nhanh, năm 1943 đã cao gấp đôi năm 1942 và vẫn tiếp tục tăng cho đến cuối năm 1944 (chỉ sau khi Đức bị mất mỏ dầu ở Romania vào tay Hồng quân Liên Xô thì sản lượng vũ khí của Đức mới sụt giảm). Tinh thần chiến đấu của quân đội Đức cũng không bị các trận bom làm suy giảm.[23] Tổn thất mà các trận ném bom của Anh - Mỹ gây ra cho sản xuất công nghiệp Đức được ước tính chỉ dao động trong khoảng 0,6 - 4,4% (tùy thành phố)[25]. Các chỉ huy Anh-Mỹ nhận ra nếu muốn đánh bại Đức, họ bắt buộc phải dùng lực lượng bộ binh để đổ bộ vào châu Âu.
Đồng Minh đổ bộ lên Tây Âu[sửa]
Vào tháng 02 năm 1943, chiến thắng của Hồng Quân ở trận Stalingrad đã gần như kết thúc số phận của Đức Quốc xã. Anh và Mỹ thì chỉ phải chiến đấu chống lại 4 sư đoàn Đức ở Bắc Phi. Tổng thống Mỹ Roosevelt ở hội nghị Tehran vào tháng 11 năm 1943 đã cam kết với Nguyên soái Stalin (Liên Xô) rằng một mặt trận thứ hai sẽ được mở. Thủ tướng Churchill (Anh) đã phản đối nhưng không có kết quả. Hoạch định cho việc đổ bộ lên Normandy trở thành ưu tiên. Vào lúc các Đồng Minh Phương Tây đổ bộ lên Pháp vào tháng 06 năm 1944 thì quân Đức đã chắn chắn sẽ bị Liên Xô đánh bại. Nếu Anh và Mỹ không đổ quân vào Pháp, thì Hồng Quân Liên Xô sẽ quét sạch quân Đức trên khắp châu Âu và tiến tới tận Paris, đây là điều Anh-Pháp không hề muốn xảy ra[16]
Vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, các lực lượng Đồng Minh Tây phương đổ bộ vào bờ biển Normandie, một vùng của Pháp đang bị Đức chiếm đóng. Chiến dịch được soạn ra từ nhiều năm trước, lực lượng nòng cốt là các đơn vị Mỹ, Anh cùng một số đơn vị khác như Canada, v.v. Chiến dịch bắt đầu bằng việc ném bom hàng loạt từ các căn cứ không quân bên kia eo biển nước Anh cùng với sự yểm trợ của khoảng 6.500 khu trục hạm và tàu đổ bộ, cùng một lực lượng không quân rất lớn gồm 13.068 máy bay các loại.
Ở Tây Âu, Đức chỉ bố trí 60 sư đoàn (trong khi Đức huy động 180 sư đoàn cho chiến trường Liên Xô). Ở Normandie, Đức chỉ có 9 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp do thống chế Erwil Rommen chỉ huy. Ở khu vực đổ bộ, lúc đầu Đức chỉ có 300 máy bay, sau tăng lên 600, tuy nhiên quân Đức vẫn kháng cự rất mãnh liệt. Chiến dịch diễn ra rất khốc liệt, ngay những giờ phút đầu tiên đã có 3.000 quân Đồng Minh tử trận. Mặc dù áp đảo về quân số và trang bị, quán Mĩ và Anh vẫn tiến rất chậm, trung bình mỗi ngày chỉ được 4 km. Cuộc chiến cù cưa giữa đôi bên diễn ra khá lâu, quân Đức cuối cùng bị đánh bại nhưng quân Đồng Minh cũng thiệt hại nặng.
Khi chiến dịch này thành công, quân Đồng Minh tiến sâu vào Pháp, đuổi quân Đức ra khỏi Pháp, nhưng thường bị thiếu tiếp tế cũng như bị quân Đức đang rút lui cản trở. Các cuộc đổ bộ khác tại miền Nam Pháp cuối cùng đã giải phóng nước này.
Khi tiến đến ranh giới Đức, lực lượng Đồng Minh phải dừng lại để chờ tiếp tế. Việc này tạo một cơ hội cho lực lượng Đức củng cố phòng thủ chống lại cuộc tấn công kế tiếp. Việc này dẫn đến sự ra đời của chiến dịch Market Garden, mục tiêu là sử dụng không quân thả lính dù vào sâu lãnh thổ nước Đức nhằm đánh chiếm trước các vị trí chiến lược như cầu, kho bãi, v.v. kết hợp với lực lượng xe tăng thọc sâu để tạo nên đòn quyết định kết thúc chiến tranh. Market Garden trở thành chiến dịch đổ bộ bằng không quân lớn nhất lịch sử với hơn hàng ngàn máy bay tham gia. Quân Đồng Minh cố gắng xuyên thủng Hà Lan và qua sông Rhine để kết thúc chiến tranh vào năm 1944. Nhưng chiến dịch này đã bị thất bại và lực lượng Đồng Minh đã tiến vào Đức chậm hơn so với Liên Xô.
Ước tính có khoảng 780.000 quân Đồng Minh bị thương vong trong những chiến dịch tiếp theo trận Normandie cho tới khi nước Đức đầu hàng. Tổn thất của phía Đức ở mặt trận này là khoảng 750.000 lính, cộng thêm khoảng 200.000 lính khác bị bắt.
Phe Trục thua cuộc tại châu Âu[sửa]
Tình hình Đức cuối năm 1944 là vô vọng. Các Đồng Minh Tây phương đang tiến vào biên giới Đức từ phía tây, chỉ tấn công thêm một lần nữa là chiếm được khu vực công nghiệp Rhineland. Liên Xô cũng đang ở một vị trí tương tự ở phía đông, không lâu sẽ vào đến tận Berlin. Các trận đánh bom hàng loạt từ Anh và Mỹ đã biến nhiều khu vực Đức thành gạch vụn, khiến ngành công nghiệp quân sự sụt giảm nghiêm trọng.
Đang bị bao vây từ các phía đông, tây và trên cao, Hitler đánh canh bạc cuối cùng để hy vọng không thua cuộc. Để tái tạo lại chiến thuật thành công vào năm 1940 đối với các nước Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, các lực lượng Đức tấn công vào giữa mùa đông để chia rẽ các lực lượng Đồng Minh ở Bỉ. Phòng tuyến Đồng Minh bị uốn cong, nhưng không bị phá vỡ và cuối cùng phe Đồng Minh giành thắng lợi trong cuộc tấn công tại Ardennes.
Tại miền đông, Đức dành hết mọi nỗ lực cuối cùng để phòng thủ thủ đô. Ngày 16/4/1945, Liên Xô mở chiến dịch Berlin, tấn công vào trung tâm của Đức Quốc xã. Trên đường vào Berlin, Đức đã bố trí hơn 90 sư đoàn (trong đó có 14 sư đoàn xe tăng và cơ giới) với quân số gần 1 triệu người, 10.000 pháo và súng cối, 1.500 xe tăng và pháo tự hành, 3.000 máy bay chiến đấu. Để tiến hành chiến dịch đánh chiếm Berlin, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã huy động lực lượng của 2 phương diện quân với 68 sư đoàn bộ binh (tổng cộng 2,5 triệu quân), 3.155 xe tăng và pháo tự hành, khoảng 2.200 đại bác và súng cối.
5 giờ sáng 16/4/1945, sau 30 phút cho pháo bắn cực mạnh và máy bay oanh tạc dữ dội vào trận địa phòng ngự của quân Đức, Hồng quân Liên Xô mở màn chiến dịch công phá Berlin. Chiều 30/4/1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, còn Hitler đã tự sát trong hầm trú ẩn. 15 giờ ngày 30/4, cờ đỏ Liên Xô đã được cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. Ngày 2/5, Hồng quân chiếm toàn thành phố Béclin, quân Đức còn lại hơn 7 vạn người (không kể số bị thương) đã đầu hàng không điều kiện.
Sau khi Berlin thất thủ và Hitler tự tử, Đức chỉ còn lại là một mảnh đất nhỏ tại châu Âu từ mũi bắc Na Uy cho đến phần trên của Ý. Vào ngày 9 tháng 5 năm 1945, các lực lượng Đức cuối cùng đầu hàng vô điều kiện.
Chiến trường châu Á-Thái Bình Dương[sửa]
- Xem chi tiết: Chiến tranh Thái Bình Dương
Chiến trường châu Á-Thái Bình Dương khác với chiến trường châu Âu rất nhiều. Chiến trường này hầu hết được đánh tại các đảo Nhật Bản đã chiếm đóng trong khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Á cho nên hải chiến và các trận đánh gần biển xảy ra nhiều hơn các trận đánh trên đất liền như ở châu Âu.
Sự bành trướng của Nhật Bản[sửa]
Chiến tranh Trung-Nhật đang tiếp diễn tại Đông Á khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu tại châu Âu, cho nên một vài sử gia cho rằng ngày Nhật xâm lăng Trung Quốc (ngày 7 tháng 7 năm 1937) là ngày bắt đầu chiến tranh tại chiến trường Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu tính là một phần của Chiến tranh thế giới thứ hai, thì ngày 7 tháng 12 năm 1941 thường được nhắc đến như là ngày bắt đầu, khi Nhật tuyên chiến với Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh bằng việc lực lượng của Hạm đội Liên Hợp Nhật Bản dưới sự chỉ huy của Đô đốc Yamamoto Isoroku tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), Philippines và một số thuộc địa của các cường quốc châu Âu tại Đông Á và Tây Thái Bình Dương.
Nhật hành động nhanh chóng để chiếm các đảo ở Thái Bình Dương có giá trị phòng thủ nhằm làm cạn ý chí chiến đấu của Mỹ. Tại Trung Quốc và Đông Nam Á, Nhật tiếp tục bành trướng các khu vực được nó kiểm soát nhằm kịp thời khai thác tài nguyên để sử dụng.
Sáu tháng sau khi tuyên chiến, tháng 6/1942, các hạm đội Nhật và Mỹ đánh nhau một trận lớn giữa Thái Bình Dương. Tại Trận chiến Midway, nòng cốt hạm đội tàu sân bay của Nhật đã bị tàn phá, và quân Nhật không tiến được nữa trên Thái Bình Dương. Nhật tiếp tục tìm cách trả đũa, nhưng quân Mỹ dùng biện pháp đánh theo vòng ngoài của Nhật, cùng lúc nhảy từ đảo này qua đảo nọ để đẩy Nhật phải lui lại.
Nhật Bản thua cuộc[sửa]
Khi Nhật bành trướng, họ để lại nhiều tiền đồn phòng thủ tại mỗi hòn đảo họ kiểm soát trên Thái Bình Dương. Kế hoạch của Mỹ để đối phó với các đảo này là chiếm những đảo cốt yếu cho việc tiến đến Nhật, trong khi làm giữ vững các đảo khác không bị chiếm. Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ phải đánh nhiều trận đấu đẫm máu trên những hòn đảo này để chiếm giữ những đảo và sân bay để quân đội có thể tiến tới.
Tại phía nam của cuộc bành trướng của quân đội Nhận Bản, trên đảo New Guinea, Nhật đã bị quân lực Úc chặn lại, không chiếm giữ nổi toàn bộ đảo. Hai lực lượng này đánh nhau trong các khu rừng trong những hoàn cảnh khốc liệt để giành giật đảo này. Trong khi Tân Guinea không quan trọng lắm, nhưng quân Úc sợ sau khi Nhật chiếm giữ đảo này, Úc sẽ bị đe dọa.
Tại Đông Nam Á, Nhật đã tiến nhanh trong các thuộc địa của Anh cho đến khi bị kháng cự mãnh liệt tại Miến Điện. Quân lực Anh, trong đó có rất nhiều đơn vị người Ấn Độ, đã đuổi lùi quân Nhật tại trận đánh Kohima-Imphal và vì thế Nhật không đe dọa được Ấn Độ và các đường tiếp tế cần thiết cho quân Trung Quốc đang đánh các lực lượng Nhật tại đó.
Tại mặt trận Trung Quốc, các phe Quốc-Cộng đồng loạt mở các chiến dịch tiến công quân Nhật từ đông sang tây. Các tướng Lâm Bưu, La Vinh Hoàn, Diệp Kiếm Anh, Trần Nghị,... và đặc biệt là Nguyên soái Chu Đức ở bên Cộng sản đảng, và Tưởng Giới Thạch, Trương Tự Trung và Tưởng Trung Chính ở bên Quốc dân đảng đã cùng chiến đấu, ép cho quân Nhật dần bị tiêu hao trên lãnh thổ Trung Quốc, đẩy Nhật vào thế lúng túng, tứ phương gặp địch (1942-1944).
Đến gần cuối chiến tranh, Mỹ chiếm được các căn cứ gần Nhật và bắt đầu ném bom vào các đảo nước này. Tuy không mạnh mẽ như tại Đức, việc ném bom rất có hiệu quả vì nhà cửa ở Nhật dễ sập hơn và người Nhật ít chuẩn bị trước hơn với mối đe dọa này. Thêm vào đó, việc mất các thuộc địa và quan trọng hơn là việc mất các tuyến hàng hải đã làm tê liệt khả năng thu thập tài nguyên cần thiết. Vì thế, ngành công nghiệp Nhật không thể sản xuất vũ khí bằng mức có thể duy trì được thế cầm cự vào lúc chiến tranh sắp chấm dứt.
Quân Đồng Minh có kế hoạch đổ bộ vào Nhật, nhưng sự phát triển bom nguyên tử làm thay đổi tình hình. Ngày 6 và 9 tháng 8, hai quả bom đã được Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, chỉ trong chớp mắt 2 trái bom này đã giết chết hơn 200.000 thường dân.
Theo cam kết với các nước Đồng Minh, Quân đội Liên Xô sau khi kết thúc chiến tranh ở Đức đã tuyên bố chiến tranh với Nhật. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô huy động 1,5 triệu quân (3 phương diện quân), 5.500 xe tăng, 3.900 máy bay, 2.600 pháo và súng cối, cùng các tàu của hạm đội Thái Bình Dương, đã mở cuộc tấn công vào đạo quân Quan Đông của Nhật Bản (gồm 70 vạn quân chủ lực Nhật và hơn 20 vạn quân Mãn Châu Quốc) đóng trải ra trên một trận tuyến kéo dài hơn 4.500 km từ Bắc Triều Tiên, Đông – Bắc Trung Quốc tới Nam đảo Sakhalin và quần đảo Curin. Trong vòng 1 tuần, Hồng quân đã gần như đánh tan đội quân này và chiếm gần hết Mãn Châu, kho quân giới và tài nguyên lớn nhất còn lại của Nhật đã bị chiếm.
Thấy rõ không thể cứu vãn được, ngày 15 tháng 8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng không điều kiện, sáu năm và một ngày sau khi cuộc thế chiến bắt đầu (kể từ ngày Đức xâm lược Ba Lan). Tuy nhiên hậu quả của hai vụ ném bom nguyên tử thì cho đến gần đây, những người dân Nhật vẫn phải gánh chịu.
Ảnh hưởng đến dân thường[sửa]
Chiến tranh thế giới thứ hai đem đến cho dân thường nhiều nỗi đau thương chưa từng thấy. Trong hơn 50 triệu người chết vì chiến tranh trên một nửa là thường dân, bị giết bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều người bị chết bởi bom đạn và nhiều hơn nữa vì việc thiếu lương thực và không có dịch vụ cần thiết cộng thêm việc phá hoại nhà cửa và các phương tiện cho dân trong chiến tranh. Nhiều hơn nữa bị chết vì các chiến dịch có mục tiêu là dân thường để giảm sự ủng hộ của quần chúng đối với chính quyền và tàn phá khả năng sản xuất vào việc chiến tranh. Thêm vào đó, nhiều người đã bị hành hình vì lý do quốc tịch, dân tộc và tín ngưỡng.
Trại tập trung Đức quốc xã (Holocaust)[sửa]
- Xem chi tiết: Holocaust
Chiến dịch tàn sát tù binh chiến tranh và thường dân điển hình nhất và có tổ chức nhất là các chương trình được vạch ra và thực hiện bởi Đức quốc xã. Ban đầu chỉ nhắm mục tiêu vào người Do Thái tại nước này, cộng thêm một số nhóm người ít người không ưa thích. Chế độ Đức quốc xã bắt đầu thành lập trại để cách ly các nhóm người này, sau đó dùng lao động cưỡng bách và cuối cùng tiêu diệt hàng loạt. Các nhóm người Do Thái, người đồng tính luyến ái và người có khuyết tật là các mục tiêu đầu tiên, nhưng những người đối lập chính trị như những người theo chủ nghĩa xã hội và các nhân vật tôn giáo (kể cả tín đồ Cơ đốc giáo) lên tiếng cũng bị bắt giữ.
Một khi chiến tranh bùng nổ và phần đất Đức xâm chiếm tăng lên, các lãnh thổ mới chiếm này cũng bị tính trong nỗ lực đó. Riêng Ba Lan đã bị ảnh hưởng rất nhiều, với gần toàn bộ dân số Do Thái tại nước này và một số đông người Cơ đốc giáo đã bị tiêu diệt. Hàng chục triệu Người Nga và các người Slav bị chinh phục khác cũng bị giam cầm tại hơn 100 trại tập trung của Đức trên khắp các vùnh lãnh thổ châu Âu bị nước Đức Quốc xã chiếm đóng. Các trại lớn nhất là Dachau, Buchenwald, Ravensbrück, Ausschwitz, Majdanek, Bergen Belsen, Gusen... Số người được giải phóng khỏi các trại này sau chiến tranh chỉ còn vài trăm nghìn.
Tổng số người đã bị giết trong các trại tập trung, trong các chương trình tiêu diệt và trong khi bị chính quyền Đức ngược đãi có lẽ không bao giờ có thể biết chính xác được. Có một số ước đoán cao hơn 10 triệu người, trong đó 5 tới 6 triệu là người Do Thái bị giết trong các chương trình tiêu diệt có mục đích.
Xô Viết[sửa]
Theo một số tài liệu phương Tây, kể từ khi tiến vào nước Đức (1944-1945), một bộ phận binh sĩ Hồng quân đã có những hành động trả thù nhằm vào tù binh hoặc dân thường Đức để trả đũa những tàn phá mà quân Đức gây ra cho đất nước mình. Ngoài việc cướp nhà dân và cửa hiệu[26], phương Tây cho rằng Hồng quân Liên Xô đã hãm hiếp hàng chục ngàn phụ nữ và trẻ em người Đức, từ 8 đến 80 tuổi[27][28][29][30]. Theo Franz Wilhelm Seidler, riêng ở Berlin là 20 ngàn tới 100 ngàn, các tỉnh còn lại từ 100 ngàn tới nửa triệu[31][32]. Rất nhiều nạn nhân trong số này bị từ 10 đến 12 lính hãm hiếp tập thể, và đa số bị hãm hiếp nhiều lần[33][34].
Tuy nhiên, giới sử học vẫn tranh cãi về tính xác thực và quy mô của những vụ hiếp dâm. Các nhà sử học Nga đã phủ nhận những cáo buộc về hiếp dâm hàng loạt, họ đưa ra bằng chứng là một lệnh từ Bộ chỉ huy tối cao ban hành ngày 19 tháng 1 năm 1945, trong đó ra lệnh cấm binh sĩ ngược đãi thường dân Đức. Một lệnh của Hội đồng quân sự của Phương diện quân Byelorussia số một, có chữ ký của Nguyên soái Rokossovsky, đã ra lệnh xử bắn những binh lính phạm tội trộm cướp và hiếp dâm ngay tại hiện trường của vụ án. Một lệnh ban hành bởi Stavka (Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Hồng quân) vào ngày 20 tháng 4 năm 1945 phổ biến tới binh sĩ rằng cần phải duy trì quan hệ tốt với người dân Đức để giảm kháng cự và để chiến sự kết thúc nhanh hơn.[35][36][37]
Trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô, các thành viên của SED đã báo cáo cho Stalin cướp bóc và hãm hiếp bởi binh lính Liên Xô có thể dẫn đến một phản ứng tiêu cực của dân Đức đối với Liên Xô và hướng tới tương lai của chủ nghĩa xã hội ở Đông Đức. Stalin đã phản ứng một cách giận dữ: "Tôi sẽ không tha thứ bất cứ ai kéo danh dự của Hồng quân qua vũng bùn."[38][39]
Các nhà lãnh đạo Liên Xô rất bất bình với truyền thông của các nước phương Tây, khi họ vừa mới là đồng minh của họ trên mặt trận chống phát xít thì nay lại quay sang công kích Liên Xô. Bộ trưởng dân ủy ngoại giao Liên Xô V. M. Molotov chỉ ra rằng "chiến dịch hèn hạ" này nhằm phá hoại uy tín của Hồng quân và trút lên đầu những người lính Hồng quân tất cả những gì xảy ra do sự hỗn loạn trước đó tại những vùng do Liên Xô chiếm đóng. Ông nói: "Liên Xô và những bạn bè của chúng tôi trên thế giới đã có những thông tin cần thiết để chống lại chiến dịch tuyên truyền này".[40]
Tướng Gareyev, chủ tịch của Học viện Khoa học Quân sự Nga, nhận xét[41]:
- Tư lệnh tối cao Stalin đã ký một quyết định ngày 19 tháng 1 năm 1945, theo đó binh sĩ bị cấm tất cả các hành vi bạo lực chống lại dân thường Đức. Tất nhiên, sự trả thù, bao gồm cả bạo lực tình dục, đã xảy ra. Một số binh sĩ chỉ đơn giản là không thể kiềm chế tức giận sau những gì Đức quốc xã đã làm trên đất nước chúng tôi. Nhưng các trường hợp này đã bị trừng phạt nghiêm khắc. Và việc trả thù đã không trở nên phổ biến. Bởi vì ngay khi chúng tôi chiếm đóng các thành phố, kỷ luật đã được thắt chặt. Chúng tôi cung cấp cho người dân Đức thực phẩm, chăm sóc y tế, tuần tra an ninh. Cá nhân tôi đã tham gia giải phóng Đông Đức. Tôi cam đoan, việc lạm dụng tình dục thậm chí không hề được nghe thấy.
Một phụ nữ Berlin, Elizabeth Shmeer, cho biết[42]:
- Đức quốc xã nói rằng nếu người Nga đến đây, họ sẽ tàn phá và hãm hiếp khủng khiếp. Nhưng thực tế sau đó rất khác: dù là những người bại trận, quân đội Đức đã gây ra rất nhiều đau khổ cho nước Nga, nhưng những người chiến thắng đã cho chúng tôi thực phẩm còn nhiều hơn những gì chính quyền cũ phân phát. Đối với chúng tôi điều đó rất khó hiểu. Một cách cư xử nhân đạo như vậy dường như chỉ người Nga làm được.
Mỹ[sửa]
Trong trận Okinawa, các nhà sử học Nhật Bản ước tính có trên 10 ngàn phụ nữ Nhật (khoảng 1/3 trong tổng số ngàn phụ nữ của đảo) bị lính Mĩ hãm hiếp trong chiến dịch kéo dài 3 tháng này.[43] Tờ New York Time thông báo khoảng 2000 dân thường trong 1 làng ở Katsuyama bị lính Mỹ giết và cưỡng hiếp [44]
Nhiều trận ném bom rải thảm của không quân Mỹ đánh thẳng vào các thành phố đông dân cư đã khiến cho hàng trăm nghìn thường dân Đức và Nhật bị thiệt mạng. Riêng trong một trận oanh tạc thành phố Dresden, có tới vài chục ngàn dân thường Đức thiệt mạng. Các vụ ném bom Tokyo cũng khiến ít nhất 100.000 thường dân Nhật Bản thiệt mạng.
Đặc biệt, Mỹ đã để lại một dấu ấn kinh hoàng cho cả thế giới cho tới ngày hôm nay. Đó là vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki lúc chiến tranh gần kết thúc. Theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên "Little Boy" đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sau đó 3 hôm, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.
Có nhiều nguyên nhân khiến con số chính xác người thiệt mạng không thống nhất[cần dẫn nguồn]. Các số liệu khác nhau bởi được thống kê vào các thời điểm khác nhau. Rất nhiều nạn nhân chết sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi hậu quả của phóng xạ. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.
Các công dân của các nước Đồng Minh cũng phải chịu đau khổ trong các trường hợp họ là con cháu của những người đến từ các nước phe Trục. Điển hình là việc 120.000 người Mỹ gốc Nhật đã bị chính phủ Mỹ ra lệnh niêm phong tài sản và bị giam giữ ở các trại tập trung giữa sa mạc trong thời kỳ chiến tranh (từ 1942 tới 1945), với lý do để đề phòng nguy cơ gián điệp.
Anh[sửa]
Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến với quân đội Nhật Bản tại Singapore năm 1942, quân Nhật lúc đó đang tiến hành xâm lược Miến Điện thuộc Anh trong năm đó. Giới chức Anh sợ rằng một cuộc xâm lược Ấn Độ thuộc Anh tiếp theo của Nhật Bản có thể thực hiện bằng cách thích hợp thông qua lối Bengal (xem British Raj), và các biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng để tích trữ lương thực cho lính Anh, bao gồm cả việc giành lấy lương thực của nhân dân Ấn Độ. Hậu quả là nạn đói thảm khốc năm 1943 khiến 5 triệu người Ấn Độ thiệt mạng.
Dấu ấn kinh hoàng về nạn đói này cũng khiến tinh thần phản kháng của người dân Ấn Độ chống sự cai trị của thực dân Anh ngày càng dâng cao, góp phần buộc Anh phải trao trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.
Nhật[sửa]
Trong khi Holocaust do Đức gây ra rất có tổ chức và được nhiều người biết đến, số người bị giết có thể sánh được với số thường dân bị lực lượng Nhật tàn sát tại Trung Quốc. Tương tự như cách nhìn của Đức đối với các dân tộc phía đông nước Đức, người Nhật xem người Trung Quốc là mọi rợ và giới lãnh đạo chẳng những xem các tội ác chiến tranh là lẽ thường mà còn khuyến khích việc đó. Các ước tính số người bị chết do các hành vi này còn rất thiếu chính xác, nhưng có thể cao hơn 10 triệu, một số lượng lớn phụ nữ bị hãm hiếp có thể nhiều hơn các thống kê hiện tại. Một số khu vực dưới sự kiểm soát của Nhật bị nạn đói thảm khốc, như Nạn đói Ất Dậu tại miền Bắc Việt Nam.
Chiến tranh tổng lực[sửa]
Được bắt đầu bởi Đức để khủng bố và giảm tinh thần quần chúng trong các vùng thành thị để Đức có thể tiến tới nhanh hơn, chiến tranh chiến lược dùng sức mạnh trên không gian để đánh vào các thành phố địch. Các chiến dịch của Đức có hiệu quả hữu hạn vì mẫu các máy bay ném bom không phù hợp vào việc này và lực lượng không quân còn nhỏ.
Gần giữa chiến tranh (1943), quân Đồng Minh bắt đầu dùng chiến thuật ném bom hàng loạt vào tận nước Đức. Để tránh sự chồng chéo nguy hiểm, có sự phân công: máy bay Anh thả bom ban đêm còn máy bay Mỹ đánh phá ban ngày. Với nhiều máy bay oanh tạc có tải trọng lớn và đủ khả năng bay đường dài, các trận ném bom này đủ để phá hủy nhiều thành phố Đức. Trong thời gian đầu, khi không quân và phòng không Đức còn mạnh, các cuộc ném bom chỉ thu được ít kết quả. Tuy nhiên tới đầu năm 1945, khi quân đội Đức đã kiệt sức, không quân Anh-Mỹ mặc sức ném bom, họ có thể biến các khu vực đô thị thành một quầng lửa, làm tan tành thành phố. Số thường dân bị chết khá cao, tại Đức có khoảng 300.000 người. Riêng trong một trận oanh tạc thành phố Dresden, có vài chục ngàn dân thường Đức thiệt mạng. Việc các chiến dịch này có giúp đem đến chiến thắng mau hơn vẫn còn chưa rõ.
Dân thường tại Nhật Bản còn bị tấn công hơn nữa. Đức có các cơ sở công nghiệp xa nơi dân ở cho nên khu công nghiệp bị tấn công trước khu người ở. Trái lại, người dân Nhật ở đông đúc vào các khu vực thành phố trong các ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ (tại Đức nhà cửa phần lớn được xây bằng gạch), dễ bị đốt cháy và lan tràn khắp thành phố khi các quả bom được ném xuống. Thêm vào đó, Mỹ cũng sử dụng các máy bay thả bom mới hơn và lớn hơn tại Đức.
Cú đánh mạnh nhất là hai cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Tổng số người Nhật bị thiệt mạng lên đến 300.000 người lúc ban đầu, và thêm nhiều người chết vì di chứng nhiễm phóng xạ trong nhiều năm kế tiếp. Có sự tranh cãi về việc có cần thiết phải thả bom nguyên tử trên đất Nhật hay không. Phía Mỹ vẫn cho rằng việc này đã dẫn đến việc Nhật đầu hàng một cách mau chóng, tránh thương vong cao cho quân Mỹ nếu đánh vào Nhật bằng chiến tranh quy ước (như kinh nghiệm đánh lên hai đảo Iwo Jima và Okinawa đã cho thấy). Ngược lại, những người phản đối hành động này cho rằng hành động ném bom của Mỹ đã vi phạm nguyên tắc tối thiểu là tránh đánh vào thường dân, bởi ở Hiroshima và Nagasaki hầu hết chỉ là dân thường và chỉ có ít cơ sở quân sự tại đây. Những người này đặt ra câu hỏi: Nếu việc sử dụng bom nguyên tử là cần thiết, tại sao Mỹ lại ném vào thành phố đông dân cư mà không ném vào các căn cứ quân sự lớn của Nhật như quân cảng Yokosuka hay Sasebo? Những người phản đối vụ ném bom tin rằng Mỹ đã hành động theo lối thực dụng: họ muốn các cơ sở quân sự của Nhật còn nguyên vẹn để có thể thu được chiến lợi phẩm là các tài liệu nghiên cứu, vũ khí kiểu mới hoặc các nhà khoa học giỏi của Nhật; việc ném bom thành phố thường cũng đủ gây chấn động mà lại đảm bảo không làm Mỹ mất đi chiến lợi phẩm của mình.
Kết quả[sửa]
Hậu quả trực tiếp của chiến tranh này là sự chiến thắng của phía Đồng Minh. Mỗi nước trong phe Trục đều phải đầu hàng vô điều kiện. Đức bị các lực lượng từ Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp chiếm đóng, trong khi Áo bị chia cắt từ Đức và cũng bị chiếm đóng một cách tương tự. Nhật bị quân Mỹ chiếm đóng trong khi Liên Xô chiếm đóng các nước Đông Âu.
Trái với Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi các giới hạn làm suy yếu các nước và các nước thua cuộc bị ngăn chặn việc tái hội nhập cộng đồng quốc tế, các nước thua cuộc đã được cung cấp viện trợ để phục hồi và hội nhập cộng đồng thế giới như các quốc gia hoà bình khác. Vì lẽ đó, Đức và Nhật đã trở thành hai nước quan trọng và có nhiều ảnh hưởng mà không cần phải khiêu chiến.
Sự thất bại của Hội Quốc Liên trong việc ngăn chặn chiến tranh đã dẫn đến việc thành lập Liên Hiệp Quốc, một tổ chức quốc tế mới và có nhiều sửa đổi, cho đến nay vẫn là tổ chức quan trọng nhất trong việc thúc đẩy hoà bình và hợp tác.
Tổn thất nhân mạng[sửa]
Tại châu Âu[sửa]
Thống kê năm 1965 của Liên Hợp Quốc cho biết chỉ riêng số người thiệt mạng do chiến tranh ở châu Âu đã lên đến 49.257.000 người. Những nước chịu thiệt hại lớn nhất gồm:
- Liên Xô: 20.000.000 người (theo tài liệu nghiên cứu của Krivosheev năm 2005, con số này có thể lên tới 26.600.000 người, bao gồm 8,7 triệu quân nhân và hơn 18 triệu thường dân[45])
- Đức: 9.700.000 người (theo tài liệu nghiên cứu năm 2000 của tiến sĩ Rüdiger Overmans, con số này bao gồm 5.300.000 quân nhân, 3.170.000 thường dân và 1.400.000 người Đức ở các quốc gia khác)
- Ba Lan: 6.028.000 người (theo tài liệu của Viện IPN - Ba Lan năm 2000, con số này là 5.600.000 đến 5.800.000 người, trong đó có khoảng 3.000.000 người Do Thái)
- Nam Tư: 1.600.000 người
- Pháp: 520.000 người
- Italia: 500.000 người [46]
- Tiệp Khắc: 364.000 người
- Hoa Kỳ: 325.000 người
- Anh: 320.000 người.
Tại châu Á - Thái Bình Dương[sửa]
- Hoa Kỳ: khoảng 300.000 người
- Nhật Bản: khoảng 2.200.000 người
- Trung Quốc: ước tính 15-20.000.000 người[47]
- Hai miền Triều Tiên: khoảng 1.000.000 người
- Ấn Độ: 2.587.000 người, chưa kể 5 triệu người chết do Nạn đói Bengal năm 1943
- Việt Nam: gần 2.000.000 người (chủ yếu do Nạn đói năm Ất Dậu, năm 1944-1945)
- Indonesia: khoảng 3.000.000 đến 4.000.000 người
Hậu quả lâu dài[sửa]
Ngay sau chiến tranh, liên minh Đồng Minh đã bị rạn nứt khi có xung đột về hệ tư tưởng. Mỗi phía đã giành một khu vực khác nhau trong các lãnh thổ phe Trục. Tại châu Âu, mỗi phía liên minh với nhau trong khu vực ảnh hưởng. Về phía tây, các nước Mỹ, Anh và Pháp đã lập ra Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Về phía đông, Liên Xô lập ra liên minh với các nước Đông Âu khác trong Hiệp ước Warszawa. Xung đột giữa hai phái sau này là một trong những hậu quả của cuộc chiến tranh này.
Khắp mọi nơi, các phong trào chống thực dân phát triển mạnh hơn khi chiến tranh kết thúc. Điều này xuất phát từ hệ quả của Chiến tranh thế giới thứ hai:
- Những thiệt hại của các cường quốc châu Âu trong cuộc chiến này khiến họ mất đi rất nhiều năng lực quân sự và kinh tế khả dĩ có thể duy trì hệ thống thuộc địa. Trong khi đó các dân tộc thuộc địa đã chống lại một cách sống còn, quyết không nhân nhượng (như trường hợp Algérie).
- Thời kỳ bị Đức chiếm đóng đã gây nên tác động sâu sắc đến tâm lý các dân tộc châu Âu. Họ biết đến mất mát của chiến tranh và nỗi khổ đau khi phải chịu ách thống trị. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến quyết tâm muốn trở lại cai trị các dân tộc thuộc địa của họ.
- Các cuộc chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Bắc Phi và Nhật Bản ở châu Á đã tàn phá uy tín của Anh, Pháp, Hà Lan đối với hệ thống thuộc địa của họ. Các dân tộc thuộc địa đã nhận thức được rằng những cường quốc cai trị mình vẫn có thể bị đánh bại.
- Sự trỗi dậy của bá quyền Mỹ và việc mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô cũng tạo nguồn ủng hộ cho phong trào giải phóng thực dân, vì họ muốn hất cẳng tất cả các đế quốc châu Âu để thiết lập các lợi ích của họ trên thế giới, và điều này cũng không khó khăn mấy khi Tây Âu phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ để tái thiết.
- Phong trào giải phóng dân tộc xảy đến là sự tất yếu. Những điều kiện vào cuối cuộc Thế chiến thật sự là cơ hội lớn cho các nước thuộc địa.
Một vài cuộc xung đột đã trở thành chiến trường cho các cường quốc trong Chiến tranh Lạnh, thậm chí có nhiều cuộc đã xảy ra trước khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Hai nước Anh và Pháp đã phải từ bỏ phần lớn các thuộc địa sau chiến tranh. Ấn Độ giành được độc lập từ Anh và Philippines giành độc lập từ Mỹ. Tại Đông Dương và nhiều thuộc địa tại châu Phi, các lực lượng kháng chiến phải chiến đấu mới giành được độc lập.
Một quốc gia quan trọng đã xuất hiện là Israel. Sau cuộc thảm sát Holocaust, dân Do Thái trên thế giới rất khao khát có được một quốc gia riêng. Nhiều người Do Thái đã có kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh là việc quan trọng mà quốc gia này luôn phải đương đầu để được độc lập và tồn tại.
Các nước tham chiến và hậu quả[sửa]
- Xem chi tiết: Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai
Tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều bị Chiến tranh thế giới thứ hai ảnh hưởng ít nhiều. Phần lớn đã tham chiến theo phía Đồng Minh hay phe Trục, và một số đã theo cả hai. Một số nước được thành lập vì chiến tranh, và một số không tồn tại được.
Một số quốc gia tham chiến quan trọng nhất được liệt kê sau đây:
- Đức: Cường quốc chính của phe Trục tại châu Âu, chiến tranh bắt đầu khi Đức xâm lược Ba Lan, và chiến tranh chấm dứt tại chiến trường châu Âu sau khi Đức đầu hàng.
- Pháp: Lực lượng chính của Đồng Minh tại lục địa châu Âu, Pháp đã tuyên chiến với Đức sau việc xâm lược Ba Lan. Pháp không hăng hái trong việc tham chiến và không chống cự nổi lực lượng Đức sau khi bị xâm lược vào năm 1940. Khi chính quyền Pháp đầu hàng nhục nhã, một chính quyền bù nhìn thân Đức được thành lập, nhưng một số thuộc địa của Pháp vẫn trung thành với lực lượng Pháp Tự do vốn đứng về phía Đồng minh.
- Anh: Trong khi Anh không có khả năng sản xuất và nhân lực to lớn như Mỹ hay Liên Xô, họ vẫn là một thành phần quan trọng trong việc chiến thắng của lực lượng Đồng Minh trên cả hai chiến trường.
- Ý: Một đồng minh của Đức vào ban đầu, Ý có rất nhiều tham vọng lãnh thổ. Họ chỉ tham chiến sau khi số phận của Pháp đã an bài. Nỗ lực chiếm Hy Lạp và Ai Cập thất bại, thêm vào đó nhiều thất bại hải quân tại vùng Địa Trung Hải đã cho thấy Ý không đủ chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này. Ý không có một quân đội mạnh, trang bị yếu kém, tinh thần bạc nhược ngay cả khi chiến đấu trên lãnh thổ của mình.Sau khi bị quân Đồng Minh xâm chiếm, nước Ý phát xít bị sụp đổ, một chính quyền mới thành lập theo phía Đồng Minh và đánh lại đồng minh Đức của họ.
- Liên Xô: Ban đầu họ muốn lập liên minh với Anh, Pháp nhưng không thành, nên sau đó chuyển sang ký hòa ước với Đức. Tuy nhiên, sau khi Đức thình lình tấn công vào năm 1941, Liên Xô theo phía Đồng Minh. Liên Xô bị nhiều tổn thất trước quân đội Đức, nhưng cuối cùng cũng thay đổi chiều hướng và chiếm đóng Berlin để chiến thắng tại châu Âu. Chính tại mặt trận Xô - Đức, quân đội phe Trục đã phải gánh chịu những tổn thất to lớn nhất: theo số liệu gần đây thì tổng số quân Đức bị chết, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh trong chiến tranh thế giới lần thứ hai là gần 14 triệu người, trong đó riêng ở mặt trận Xô - Đức là 11,3 triệu người, chưa kể hơn 1,2 triệu quân Nhật và đồng minh châu Á của Nhật bị Liên Xô tiêu diệt hoặc bắt giữ trong Chiến dịch Mãn Châu.
- Nhật Bản: Một trong những cường quốc phe Trục, Nhật Bản có lý do tham chiến riêng. Do không đủ tài nguyên để phục vụ cho nền công nghiệp ngày càng phát triển, Nhật đã nỗ lực giành tài nguyên từ khu vực tây Thái Bình Dương và Đông Á. Nhưng họ không đủ tiềm lực để đánh bại quân Đồng Minh, và đã bị đẩy lùi và cuối cùng bị thả bom nguyên tử, cuối cùng Nhật Bản phải đầu hàng không điều kiện.
- Trung Quốc: Không còn nhận dạng là một quốc gia được nữa khi chiến tranh bắt đầu, Trung Quốc đã nhận lãnh đòn chủ nghĩa quân phiệt của Nhật trên một thập kỷ. Cả hai phía Quốc dân đảng, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, và phía Đảng Cộng sản, đã dùng cách đánh du kích để kháng cự chống Nhật.
- Hoa Kỳ: Ban đầu duy trì chính sách trung lập, Hoa Kỳ bán hàng hóa và vũ khí cho cả hai phe và không tỏ thái độ chống lại bên nào. Tuy nhiên vào cuối năm 1941, Hoa Kỳ bị cuốn vào chiến tranh khi Nhật tấn công bất ngờ và Đức tuyên chiến. Hoa Kỳ dùng khả năng kinh tế và công nghiệp an toàn để tiếp tế cho tất cả các nước Đồng Minh và đã tạo lực lượng và duy trì nỗ lực tại châu Âu và Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng là nước tham gia trên nhiều mặt trận nhất và viện trợ nhiều cho các nước Đồng Minh. Hoa Kỳ cũng là nước duy nhất tham chiến mà lãnh thổ và nền kinh tế hầu như không bị chiến tranh tàn phá, đã vậy họ còn thu được lợi từ các hợp đồng bán vũ khí, nguyên liệu, lương thực...
Tóm tắt[sửa]
Chiến tranh thế giới thứ hai là một cuộc xung đột vũ trang lớn nhất lịch sử. Không cuộc xung đột nào trước đó hay sau đó bao gồm số nước tham gia nhiều hơn, ảnh hưởng diện tích đất lớn hơn, hay giết nhiều mạng người và phá hoại nhiều hơn. Tuy nhiên, sự lớn lao của cuộc chiến này chỉ là một trong nhiều khía cạnh nổi bật nhất của nó. Một số khía cạnh khác đáng được chú ý là:
- Ảnh hưởng thế giới lâu dài: Hầu hết các quốc gia đã theo phía này hay phía kia trong chiến tranh. Một số quốc gia theo cả hai phía vào các thời điểm khác nhau. Mọi lục địa có người ở, trừ Nam Mỹ, đều có trận chiến. Ngay cả các nước trung lập cũng bị ảnh hưởng sâu sắc trong chiến tranh và sau chiến tranh.
- Phát triển kỹ thuật: Trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, sự tiến triển rất nhanh chóng vì chiến trường có nhu cầu cải tiến kỹ thuật. Diễn tiến này có rất rõ trong các lĩnh vực kỹ thuật quân sự, từ máy bay đến xe cộ và máy tính.
- Bom nguyên tử: Chiến tranh thế giới thứ hai đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh giữa một số nước để khai thác năng lượng nguyên tử và phát triển vũ khí hạt nhân. Lần đầu tiên, con người nắm được trong tay mình một thứ vũ khí có thể hủy diệt cả nhân loại và thế giới. Nước Mỹ thắng cuộc trong cạnh tranh này và đã sử dụng vũ khí nguyên tử lần đầu tiên trên thế giới để tạo ra ưu thế trong việc phân chia thế giới sau chiến tranh. Nhưng sau khi Liên Xô cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, loài người lại đứng trước một nguy cơ tiềm ẩn cực kỳ đáng sợ bởi hai siêu cường này luôn nằm trong sự đối đầu với nhau.
- Chiến tranh tổng lực: Chiến tranh này đã diễn ra theo cách thức chiến tranh tổng lực như Thế chiến I (strategic warfare) [48]. Chiến tranh này không những chỉ là để đánh bại quân địch và chia cắt vật chất, mà còn phải tấn công thẳng vào các khu vực người ở và công nghiệp để phá hủy khả năng sản xuất và ý chí của địch.
- Kháng cự của người dân: Chiến tranh du kích không phải mới, nhưng trong hầu hết những nước bị quân địch (đặc biệt là Đức và Nhật) chiếm giữ, nhiều cuộc nổi dậy kháng chiến đã nổ ra. Mặc dù các phong trào này thường không tự giải phóng được đất nước, họ cũng đã làm quân chiếm đóng phải hao tổn công sức, và lãnh thổ không bao giờ bị chiếm giữ toàn bộ. Việc này đã chứng minh rằng, việc chinh phục và lôi kéo một dân tộc đối nghịch bằng vũ lực là một chuyện không dễ dàng.
Chú thích[sửa]
- ↑ Sommerville, Donald (14 tháng 12 năm 2008). The Complete Illustrated History of World War Two: An Authoritative Account of the Deadliest Conflict in Human History with Analysis of Decisive Encounters and Landmark Engagements. Lorenz Books. tr. 5. ISBN 0754818985.
- ↑ The Second World War was really an extension of the first-WWI vs WWII
- ↑ Wojciech Materski and Tomasz Szarota. Polska 1939–1945. Straty osobowe i ofiary represji pod dwiema okupacjami. Institute of National Remembrance(IPN) Warszawa 2009 ISBN 978-83-7629-067-6, p. 32
- ↑ Anthony Sutton. Wall Street and the rise of Hitler. New Rochelle. New York. Arlington House. 1975
- ↑ http://www.theguardian.com/world/2004/sep/25/usa.secondworldwar
- ↑ 6,0 6,1 6,2 http://vov.vn/the-gioi/ho-so/ho-so-mat-phuong-tay-nhiet-tinh-ho-tro-hitler-tieu-diet-lien-xo-442646.vov
- ↑ Bộ ngoại giao Liên Xô. Tư liệu văn kiện thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà xuất bản Ngoại văn. Moskva. 1948. trang 92.
- ↑ Hạ nghị viện Anh. Tư liệu những cuộc tranh luận tại nghị viện ngày 22 tháng 2. London. 1938. trang 227, 332.
- ↑ Henry Payner. Churchill, Roosevelt, Stalin - Cuộc chiến tranh mà họ tiến hành và nền hòa bình mà họ tìm kiếm. London. 1957. trang 4.
- ↑ 10,0 10,1 Lê văn Quang, Lịch sử quan hệ quốc tế từ 1917 đến 1945, Nhà xuất bản Giáo dục, 2003, trang 157
- ↑ http://www.booksite.ru/fulltext/1/001/008/007/174.htm
- ↑ Hồ sơ XV-tòa án Nuremberg-trang 350
- ↑ http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,815031,00.html
- ↑ 14,0 14,1 Axell 2006, tr. 121
- ↑ http://www.history.com/news/history-lists/8-things-you-should-know-about-wwiis-eastern-front
- ↑ 16,0 16,1 Michael Jabara Carley. Montréal University (Canada). International New York Times, 06/05/2015
- ↑ 17,0 17,1 “Sửa lại lịch sử khiến cho tương lai trở nên mong manh”. Báo Đất Việt. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ G. I. Krivosheev. Soviet Casualties and Combat Losses. Greenhill 1997 ISBN 1-85367-280-7
- ↑ http://www.soldat.ru/doc/casualties/book/chapter5_05.html
- ↑ http://www.quangninh.gov.vn/vi-VN/Trang/tin%20chi%20tiet.aspx?newsid=10670&dt=2012-02-07&cid=3
- ↑ Valeri Yarmenko, phó tiến sĩ sử học, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng Nga. Báo điện tử Utro.ru ngày 27-4-2005
- ↑ Hastings 1979
- ↑ 23,0 23,1 Garrett 1993
- ↑ Walden, Geoff (tháng 1 năm 2007). “Third Reich in Ruins:Schweinfurt”. www.thirdreichruins.com. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ http://ww2-weapons.com/german-arms-production/
- ↑ Hubertus Knabe, Tag der Befreiung? Das Kriegsende in Ostdeutschland (Ngày giải phóng? Kết thúc chiến tranh ở Đông Đức); mua sách này trên Amazon
- ↑ Antony James Beevor, Berlin: The Downfall 1945 (Ngày tàn của Berlin năm 1945), trang 28; mua sách này trên Amazon
- ↑ Báo The Guardian trích sách của Antony James Beevor, ngày 1 tháng 5 năm 2002
- ↑ Alfred-Maurice de Zayas, Die Anglo-Amerikaner und die Vertreibung der Deutschen, Tr. 87, Ullstein, 1988. Để kiểm chứng, có thể mua sách này trên Amazon
- ↑ Hanna Schissler The Miracle Years: A Cultural History of West Germany, 1949–1968 [1]
- ↑ Franz Wilhelm Seidler và Alfred-Maurice de Zayas, Kriegsverbrechen in Europa und im Nahen Osten im 20. Jahrhundert (Tội ác chiến tranh ở châu Âu, Đông Đức trong thế kỷ 20); mua sách này trên PreisTrend hoặc trên Amazon
- ↑ Theodor Schieder, Dokumentation der Vertreibung der Deutschen aus Ost-Mitteleuropa (Tư liệu về việc người Đức bị bắt phải di cư khỏi miền đông Trung Âu), nhà xuất bản Deutscher Taschenbuch Verlag (DTV), München, Đức, năm 2004; mua sách trên website của DTV
- ↑ William Hitchcock, The Struggle for Europe: The Turbulent History of a Divided Continent, 1945-2002 (Cuộc chiến giành châu Âu: Lịch sử hỗn loạn của một lục địa bị chia cắt, 1945-2002); mua sách này trên Amazon
- ↑ Helke Sander và Barbara Johr, phim tư liệu BeFreier und Befreite. Krieg, Vergewaltigung, Kinder (Những kẻ đem lại tự do lại cướp mất tự do. Chiến tranh, hãm hiếp, và trẻ con); mua phim tư liệu này trên Amazon
- ↑ “Н. Мендкович. Кто «изнасиловал Германию»? (часть 1). Актуальная история”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ http://gpw.tellur.ru/page.html?r=books&s=beevor
- ↑ “����-������������: ����������� ���� ������ ������� - ������� ����� - ��������� ������ - svpressa.ru”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Wolfgang Leonhard, Child of the Revolution,Pathfinder Press, 1979, ISBN 0-906133-26-2
- ↑ Norman M. Naimark. The Russians in Germany: A History of the Soviet Zone of Occupation, 1945–1949. Harvard University Press, 1995. ISBN 0-674-78405-7
- ↑ Бивор, Энтони. Падение Берлина. 1945. — М.: АСТ; Транзиткнига, 2004. Bản gốc: Anthony Beevor. Berlin. The Downfall 1945. — London. Viking, 2002. (Anthony Beevor. Berlin sụp đổ - 1945. AST; Tranzitkniga. Moskva. 2004. Chương 27: Nạn nhân của chiến thắng)
- ↑ http://www.trud.ru/article/21-07-2005/90824_nasilie_nad_faktami/print
- ↑ “������� ����������”.
- ↑ H-Net review of The GI War against Japan: American Soldiers in Asia and the Pacific during World War II
- ↑ Lisa Takeuchi Cullen, “Okinawa Nights”, TIME, 13 tháng 8 năm 2001. Truy cập 5 tháng 4 năm 2010.
- ↑ Michael Haynes, Counting Soviet Deaths in the Great Patriotic War: a Note, Europe Asia Studies Vol.55, No. 2, 2003, 300–309
- ↑ Lịch sử quân sự Ý trong Thế chiến 2, bản wikipedia tiếng Anh
- ↑ Werner Gruhl, Imperial Japan's World War Two, 1931–1945 Transaction 2007 ISBN 978-0-7658-0352-8 (Werner Gruhl is former chief of NASA's Cost and Economic Analysis Branch with a lifetime interest in the study of the First and Second World Wars.
- ↑ vi.wikipedia: Chiến tranh thế giới I
Tham khảo[sửa]
- Churchill, Winston (1948-53), The Second World War, 6 vols.
- Gilbert, Martin (1995) Second World War, Phoenix, ISBN 1-85799-346-2
- Keegan, John (1989) The Second World War
- Liddel Hart, Sir Basil (1970), History of the Second World War Cassel & Co; Pan Books,1973, London
- Murray, Williamson và Millett, Allan R. (2000) A War to Be Won: Fighting the Second World War ISBN 0-674-00163-X
- Overy, Richard, Why the Allies Won, Pimlico, 1995. ISBN 0-7126-7453-5
- Weinberg, Gerhard L., A World at Arms: A Global History of World War II (1994) ISBN 0-521-44317-2
Liên kết ngoài[sửa]
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Chiến tranh thế giới thứ hai |
- WW2 People's War - Dự án của BBC: Thu thập các câu chuyện của những người bình thường trong Chiến tranh thế giới thứ hai
- Lịch sử BBC: Thế chiến thứ hai
Bản mẫu:WPCTTG2 Bản mẫu:Chiến tranh thế giới thứ hai Bản mẫu:Lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai theo quốc gia Bản mẫu:Lịch sử châu Âu Bản mẫu:Các chủ đề
Liên kết đến đây
- Xem thêm liên kết đến trang này.
- Wikipedia
- Thế chiến thứ hai
- Chiến tranh
- Xung đột toàn cầu
- Chiến tranh thế giới
- Xung đột thế kỷ 20
- Chiến tranh liên quan tới Việt Nam
- Chiến tranh liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ
- Chiến tranh liên quan tới Lào
- Lịch sử hiện đại
- Xung đột năm 1939
- Xung đột năm 1940
- Xung đột năm 1941
- Xung đột năm 1942
- Xung đột năm 1943
- Xung đột năm 1944
- Xung đột năm 1945
- Châu Âu hiện đại
- Lịch sử Hoa Kỳ (1918–45)
- Chiến tranh liên quan tới Áo
- Chiến tranh liên quan tới Myanma
- Chiến tranh liên quan tới Campuchia
- Chiến tranh liên quan tới Pháp
- Chiến tranh liên quan tới Đức
- Chiến tranh liên quan tới Hungary
- Chiến tranh liên quan tới Nhật Bản
- Chiến tranh liên quan tới Thái Lan
- Chiến tranh liên quan tới Anh
- Chiến tranh liên quan tới Hoa Kỳ