Thái Bình Dương

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Pacific Ocean.png
Thái Bình Dương trên bản đồ thế giới
Năm đại dương của Trái Đất

Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất trên Trái Đất, nó trải dài từ Bắc Băng Dương ở phía bắc đến Nam Băng Dương (hay châu Nam Cực phụ thuộc định nghĩa) ở phía nam, bao quanh là châu Á châu Úc ở phía tây và châu Mỹ ở phía đông.

Thái Bình Dương có diện tích 165,25 triệu km2 (63,8 triệu dặm2), chiếm 46% diện tích bề mặt vùng nước, bằng khoảng một phần ba tổng diện tích bề mặt Trái Đất và lớn hơn diện tích của mọi phần đất trên Trái Đất cộng lại.[1] Đường xích đạo chia Thái Bình Dương thành hai phần "Bắc Thái Bình Dương" và "Nam Thái Bình Dương". Chiều rộng Đông-Tây lớn nhất của đại dương là ở khoảng vĩ độ 5°B, tại đó nó trải dài 19.800 km (12.300 dặm) từ Indonesia đến bờ biển Colombia. Điểm sâu nhất của lớp vỏ Trái Đất nằm trong rãnh Mariana ở Tây Bắc Thái Bình Dương với độ sâu 10.911 m (35.797 ft).[2]

Mặc dù người châu Á và châu Đại Dương đã du hành trên Thái Bình Dương từ thời tiền sử, vùng Đông Thái Bình Dương mới lần đầu được quan sát bởi người châu Âu vào đầu thế kỷ 16 khi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Vasco Núñez de Balboa vượt eo đất Panama vào năm 1513 và khám phá ra "biển phương Nam" lớn, ông đã đặt tên cho nó là Mar del Sur. Tên gọi hiện tại khởi nguồn từ nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan với chuyến hành trình vòng quanh thế giới của ông vào năm 1521. Magellan gặp thời tiết thuận lợi trong quãng thời gian di chuyển trên đại dương này, bởi vậy ông đã gọi nó là Mar Pacifico, có nghĩa "biển thái bình" cả trong tiếng Tây Ban Nha Bồ Đào Nha.[3]

Lịch sử khám phá[sửa]

Các cuộc di cư ban đầu[sửa]

Tập tin:Ortelius - Maris Pacifici 1589.jpg
Maris Pacifici của Ortelius (1589), một trong những bản đồ in đầu tiên mô tả Thái Bình Dương; xem thêm: bản đồ Waldseemüller (1507).[4]
Tập tin:USS Lexington under attack at Coral Sea.jpg
Tàu sân bay USS Lexington chịu sự không kích trong Trận chiến biển Coral, 8 tháng 5 năm 1942

Các cuộc di cư quan trọng diễn ra vào thời tiền sử. Khoảng năm 3000 trước công nguyên, những người Austronesia trên đảo Đài Loan đã làm chủ được những chuyến đi đường dài bằng xuồng và họ đã truyền bá bản thân và ngôn ngữ của mình xuống phía nam đến Philippines, Indonesia, và Đông Nam Á hải đảo; về phía tây đến Madagascar; phía đông nam đến New Guinea Melanesia; và phía đông đến quần đảo Micronesia, châu Đại Dương Polynesia.[5]

Thương mại đường dài phát triển dọc khắp các vùng duyên hải từ Mozambique đến Nhật Bản. Hoạt động buôn bán, đi kèm với đó là tri thức, đã vươn tới quần đảo Indonesia nhưng có vẻ như chưa đến Australia. Ít nhất vào khoảng năm 878, thời điểm xuất hiện một khu người Hồi giáo định cư ở Quảng Châu, hoạt động thương mại khi đó đa phần nằm dưới sự kiểm soát của người Hồi giáo và Ả rập.

Sự khám phá của người châu Âu[sửa]

Tập tin:A generall chart of the South Sea... NYPL481132.tiff
Bản đồ Thái Bình Dương trong thời kỳ thăm dò của người châu Âu, khoảng 1702–1707.
Tập tin:A compleat chart of the coast of Asia and America with the great South Sea - R.W. Seale del. et sculp. NYPL465242.tiff
Bản đồ Thái Bình Dương trong thời kỳ thăm dò của người châu Âu, khoảng 1754.

Lần tiếp xúc đầu tiên của những nhà thám hiểm châu Âu với rìa Tây Thái Bình Dương là chuyến đi của đoàn thám hiểm người Bồ Đào Nha đến quần đảo Maluku vào năm 1512 do António de Abreu Francisco Serrão dẫn đầu,[6][7] tiếp theo là cuộc thám hiểm đến vùng Hoa Nam của Jorge Álvares năm 1513,[8] cả hai đều thực hiện theo lệnh của Afonso de Albuquerque.

Phần Đông Thái Bình Dương được khám phá bởi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Vasco Núñez de Balboa vào năm 1513 sau chuyến đi vượt eo đất Panama tới đại dương mới.[9] Ông đã đặt tên cho nó là Mar del Sur (nghĩa đen: "Nam Hải" hay "Biển phương Nam") vì vùng biển này nằm ở phía nam của eo đất, địa điểm mà ông quan sát nó lần đầu.

Sau này, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan đã dẫn đầu chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới bằng thuyền của người Tây Ban Nha khởi hành vào năm 1519. Magellan gọi đại dương này là Pacífico (yên bình), lý do bởi đoàn thám hiểm thấy đây là nơi có thời tiết đẹp sau khi họ từng trải qua những vùng biển giông tố gần Cape Horn. Để vinh danh Magellan, tên gọi Biển Magellan thường được sử dụng để chỉ đại dương này cho tới thế kỷ thứ 18.[10] Sau sự kiện Magellan thiệt mạng tại Philippines năm 1521, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan Sebastián Elcano đã dẫn đầu đoàn di chuyển vượt Ấn Độ Dương Mũi Hảo Vọng quay trở về quê hương, qua đó hoàn thành chuyến hành trình vòng quanh thế giới lần đầu tiên vào năm 1522.[11] Trong giai đoạn 1525–1527, quần đảo Caroline Papua New Guinea được khám phá sau các chuyến thám hiểm đường biển của người Bồ Đào Nha vòng quanh và phía đông quần đảo Maluku.[12][13] Những người Bồ Đào Nha cũng đã đến Nhật Bản vào các năm 1542–43.[14]

Năm 1564, Miguel López de Legazpi dẫn đầu một chuyến hành trình bao gồm năm con tàu Tây Ban Nha chở 379 nhà thám hiểm vượt đại dương từ Mexico đến Philippines quần đảo Mariana.[15] Trong giai đoạn còn lại của thế kỷ 16, vai trò của người Tây Ban Nha là tối quan trọng, với những chuyến tàu khởi hành từ Mexico Peru vượt Thái Bình Dương, qua Guam đến Philippines, hình thành nên Đông Ấn Tây Ban Nha. Trong vòng hai thế kỷ rưỡi, những chiếc thuyền buồm Manila đã kết nối Manila Acapulco qua một trong những tuyến đường giao thương dài nhất lịch sử. Bên cạnh đó, các cuộc thám hiểm của người Tây Ban Nha còn khám phá ra các quần đảo ở Nam Thái Bình Dương như Tuvalu, quần đảo Marquises, quần đảo Cook, quần đảo Solomon, và quần đảo Admiralty.[16]

Sau này, trong công cuộc tìm kiếm Terra Australis (vùng đất [lớn] phía nam), những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha thế kỷ 17 đã khám phá ra quần đảo Pitcairn Vanuatu; và họ đã chèo thuyền qua eo biển Torres nằm giữa Australia và New Guinea. Các nhà thám hiểm Hà Lan cũng tham gia vào hoạt động thương mại và khám phá; vào năm 1942 Abel Janszoon Tasman phát hiện ra Tasmania New Zealand.[17]

Trong hai thế kỷ 16 và 17 người Tây Ban Nha đã nhận định Thái Bình Dương là một Mare clausum (nghĩa đen: biển kín), với chỉ duy nhất một lối vào từ Đại Tây Dương được biết đến đó là eo biển Magellan. Thời điểm đó eo biển này đặt dưới sự tuần tra của các hạm đội được cử đến để ngăn chặn sự xâm nhập của các con tàu không phải Tây Ban Nha. Ở Tây Thái Bình Dương, người Hà Lan đe dọa đến Philippines khi đó đang là thuộc địa của Tây Ban Nha.[18]

Giai đoạn thế kỷ 18 đánh dấu sự khởi đầu các chuyến thám hiểm lớn của người Nga ở Alaska quần đảo Aleutian. Tây Ban Nha cũng cử các đoàn thám hiểm đến Tây Bắc Thái Bình Dương thuộc Bắc Mỹ và họ đã tới được đảo Vancouver thuộc miền Nam Canada cũng như Alaska. Người Pháp khai phá và định cư ở Polynesia, còn người Anh thì thực hiện ba chuyến du hành với sự tham gia của James Cook đến Nam Thái Bình Dương, Australia, Hawaii, và Tây Bắc Thái Bình Dương thuộc Bắc Mỹ. Vào năm 1768, nhà thiên văn học trẻ Pierre-Antoine Véron đã cùng với Louis Antoine de Bougainville thực hiện một chuyến hành trình khám phá, qua đó lần đầu tiên trong lịch sử thiết lập được bề rộng của Thái Bình Dương một cách chính xác.[19] Cuộc thám hiểm Malaspina là một trong những chuyến hành trình khám phá khoa học đầu tiên do người Tây Ban Nha thực hiện từ 1789 đến 1794. Họ đã đi qua hầu khắp Thái Bình Dương, từ Cape Horn tới Alaska, Guam, Philippines, New Zealand, Australia, và Nam Thái Bình Dương.[16]

Thời kỳ chủ nghĩa đế quốc mới[sửa]

Tập tin:Trieste (23 Jan 1960).jpeg
Tàu lặn Trieste trước chuyến hành trình xuống đáy rãnh Mariana, 23 tháng 1 năm 1960

Sự lớn mạnh của chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn thế kỷ 19 dẫn đến việc hầu khắp châu Đại Dương trở nên chịu sự chiếm đóng của các cường quốc châu Âu, và tiếp sau đó là Mỹ Nhật Bản. Kho tri thức về hải dương học được đóng góp đáng kể nhờ các chuyến hành trình của tàu HMS Beagle có sự tham gia của Charles Darwin vào thập niên 1830; của tàu USS Tuscarora (1873–76); và tàu Gazelle của Đức (1874–76).

Pháp trở thành đế quốc có vị thế hàng đầu ở châu Đại Dương sau khi lần lượt biến Tahiti New Caledonia thành các vùng bảo hộ vào năm 1842 và 1853.[20] Sau các chuyến thăm quan đảo Phục Sinh vào các năm 1875 và 1887 thì đến năm 1888, sĩ quan hải quân người Chile Policarpo Toro đã tiến hành đàm phán với thổ dân Rapanui về vấn đề sát nhập hòn đảo này vào Chile. Với việc chiếm đóng đảo Phục Sinh, Chile đã gia nhập nhóm các nước đế quốc.[21] Cho đến năm 1900, hầu như toàn bộ các đảo trên Thái Bình Dương đã nằm dưới sự quản lý của các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản và Chile.[20]

Mặc dù Mỹ đã nắm quyền kiểm soát Guam Philippines từ tay Tây Ban Nha vào năm 1898,[22] nhưng tới năm 1914 Nhật Bản mới là quốc gia chủ quản của hầu khắp vùng Tây Thái Bình Dương, rồi tiếp đó họ chiếm đóng thêm rất nhiều đảo trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, Nhật đã thất bại trong cuộc chiến, dẫn tới thế độc tôn của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ trên đại dương này. Kể từ sau Thế chiến thứ hai, rất nhiều thuộc địa trước đây ở Thái Bình Dương đã trở thành các quốc gia độc lập.

Địa lý[sửa]

Tập tin:Oceanie.jpg
Các quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thái Bình Dương.
Tập tin:Iss007e10807.jpg
Hoàng hôn trên Thái Bình Dương nhìn từ Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Thái Bình Dương ngăn cách châu Á châu Úc với châu Mỹ. Đại dương này có thể được chia thành hai phần nhỏ hơn là Bắc (Bắc Thái Bình Dương) và Nam (Nam Thái Bình Dương) bởi đường xích đạo. Với diện tích 165,2 triệu km2 (63,8 triệu dặm2), Thái Bình Dương chiếm khoảng một phần ba diện tích bề mặt Trái Đất, lớn hơn con số 150 triệu km2 (58 triệu dặm2) diện tích của toàn bộ phần đất liền trên Trái Đất cộng lại.[23]

Thái Bình Dương trải dài khoảng 15.500 km (9.600 dặm) từ biển Bering vùng Bắc Cực đến ranh giới phía bắc của Nam Đại Dương tại vĩ tuyến 60 °N (các định nghĩa trước đây cho rằng nó trải dài đến biển Ross). Chiều rộng Đông-Tây lớn nhất của Thái Bình Dương là ở khoảng vĩ độ 5°B, tại đó nó trải dài xấp xỉ 19.800 km (12.300 dặm) từ Indonesia đến vùng duyên hải Colombia—con số tương đương chiều dài nửa vòng Trái Đất và gấp hơn năm lần đường kính Mặt Trăng.[24] Thái Bình Dương cũng là nơi tồn tại điểm sâu nhất của lớp vỏ Trái Đất, nó nằm ở độ sâu 10.911 m (35.797 ft; 5.966 fathom) trong rãnh Mariana. Độ sâu trung bình của toàn đại dương là 4.280 m (14.040 ft; 2.340 fathom).[1]

Do sự tác động của kiến tạo mảng, Thái Bình Dương hiện đang thu hẹp với tốc độ khoảng 2,5 cm (0,98 in) mỗi năm ở ba phía, hay chừng 0,52 km2 (0,2 dặm2) diện tích mỗi năm. Ngược lại, kích cỡ của Đại Tây Dương đang dần tăng lên.[25][26]

Dọc theo rìa phía tây của Thái Bình Dương tồn tại rất nhiều biển, lớn nhất trong số đó phải kể đến biển Celebes, biển Coral, biển Hoa Đông, biển Philippine, biển Nhật Bản, biển Đông, biển Sulu, biển Tasman, và Hoàng Hải. Trong khi eo biển Malacca nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ở phía tây thì ở phía đông, hai eo biển Drake Magellan nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Ở phía bắc, Thái Bình Dương nối với Bắc Băng Dương qua eo biển Bering.[27]

Bởi kinh tuyến 180 nằm giữa Thái Bình Dương nên ta có thể coi đó là ranh giới phân chia Thái Bình Dương ra làm hai phần: Tây Thái Bình Dương (tiếp giáp châu Á) thuộc về Đông bán cầu, và Đông Thái Bình Dương (tiếp giáp châu Mỹ) thuộc về Tây bán cầu.[28]

Trong gần như toàn bộ quãng hành trình của Magellan từ eo biển Magellan đến Philippines, nhà thám hiểm thực sự thấy đây là một đại dương yên bình. Tuy nhiên, Thái Bình Dương không phải lúc nào cũng yên bình. Hàng năm luôn có rất nhiều cơn bão nhiệt đới hoành hành trên đại dương này; chúng cũng thường tấn công các đảo và đất liền châu lục tiếp giáp.[29] Vùng vành đai Thái Bình Dương đầy rẫy núi lửa và khu vực này thường bị ảnh hưởng bởi động đất.[30] Đôi khi xuất hiện những cơn sóng thần có nguồn gốc từ động đất dưới đáy biển, chúng phá hủy nhiều hòn đảo và trong một vài trường hợp là toàn bộ các khu dân cư.[31]

Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp[sửa]

Quốc gia có chủ quyền[sửa]

1 Tình trạng chính trị của Đài Loan và Trung Quốc hiện có sự tranh cãi. Để biết thêm thông tin, xem Vị thế chính trị Đài Loan.

Vùng lãnh thổ[sửa]

Đảo[sửa]

Xem chi tiết: Quần đảo Thái Bình Dương
Tập tin:Pacific Culture Areas.jpg
Micronesia, Melanesia, và Polynesia

Thái Bình Dương có khoảng từ 20.000 đến 30.000 hòn đảo và chúng đa phần nằm ở phía nam đường xích đạo. Các hòn đảo nằm hoàn toàn trong Thái Bình Dương có thể được phân vào ba nhóm chính: Micronesia, Melanesia Polynesia. Micronesia nằm ở phía bắc xích đạo và phía tây đường đổi ngày quốc tế, bao gồm quần đảo Mariana ở phía tây bắc, quần đảo Caroline ở giữa, quần đảo Marshall phía tây, và Kiribati ở phía tây nam.[32][33] Melanesia nằm về phía tây nam, bao gồm New Guinea, hòn đảo lớn thứ hai trên Trái Đất sau Greenland, quần đảo Bismarck, quần đảo Solomon, quần đảo Santa Cruz, Vanuatu, Fiji New Caledonia.[34] Cuối cùng, khu vực rộng lớn nhất là Polynesia trải dài từ Hawaii xuống đến New Zealand, với phần phía tây bao gồm Tuvalu, Tokelau, Samoa, Tonga quần đảo Kermadec, ở giữa có quần đảo Cook, quần đảo Society quần đảo Austral, và phía đông là quần đảo Marquises, Tuamotu, quần đảo Mangareva đảo Phục Sinh.[35]

Các đảo trên Thái Bình Dương thuộc bốn loại cơ bản: đảo lục địa, đảo núi lửa, rạn san hô, và nền san hô nâng cao. Các đảo lục địa nằm phía ngoài đường andesit và chúng bao gồm New Guinea, đảo New Zealand và Philippines. Một trong số những hòn đảo này có sự liên kết về mặt cấu trúc với lục địa lân cận. Các đảo núi lửa có nguồn gốc từ núi lửa, và trên nhiều hòn đảo trong số này hiện vẫn tồn tại những ngọn núi lửa đang hoạt động. Một số đảo núi lửa có thể kể đến như Bougainville, Hawaii, và quần đảo Solomon.[36]

Các rạn san hô ở Nam Thái Bình Dương là những cấu trúc tồn tại ở vùng biển nông hình thành trên dòng chảy dung nham ba-zan dưới bề mặt đại dương; tiêu biểu nhất phải kể đến rạn san hô Great Barrier ngoài khơi Đông Bắc Australia. Một dạng đảo khác hình thành từ san hô đó là nền san hô nâng cao và chúng thường lớn hơn một chút so với các đảo san hô có độ cao thấp. Một vài ví dụ bao gồm đảo Banaba rạn san hô vòng Makatea.[37][38]

Đặc điểm nước[sửa]

Thể tích nước của Thái Bình Dương chiếm khoảng 50,1% thể tích nước của toàn bộ đại dương trên Trái Đất, với giá trị ước tính 714 triệu km3.[39] Nhiệt độ nước bề mặt có thể thay đổi từ mức −1,4 °C (29,5 °F) tương đương điểm đóng băng của nước biển ở vùng cực tới 30 °C (86 °F) ở gần xích đạo.[40] Độ mặn cũng có sự biến đổi theo vĩ độ, đạt tối đa 37 phần nghìn tại khu vực phía đông nam. Vùng nước gần xích đạo có thể có độ mặn thấp ở mức 34 phần nghìn, thấp hơn các khu vực vĩ độ trung do ở gần xích đạo mưa xảy ra nhiều trong cả năm. Giá trị độ mặn thấp nhất−nhỏ hơn 32 phần nghìn−được tìm thấy ở phương Bắc do ít có sự bay hơi của nước biển ở những vùng băng giá.[41]

Sự chuyển động của dòng nước thường là theo chiều kim đồng hồ ở Bắc bán cầu và ngược chiều kim đồng hồ ở Nam bán cầu. Dòng hải lưu Bắc xích đạo Thái Bình Dương chuyển động về phía tây dọc theo vĩ tuyến 15°B bởi gió mậu dịch, khi đến gần Philippines chuyển hướng Bắc trở thành hải lưu Kuroshio.[42] Tới khoảng 35°B, phần chủ yếu của Kuroshio chuyển hướng Đông, cuối cùng sát nhập vào dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương.[43] Hải lưu Aleut, khi tới gần Bắc Mỹ tách ra thành hải lưu Alaska hải lưu California; trong khi một nhánh khác của nó tiến vào biển Bering tạo nên một hoàn lưu chuyển động ngược chiều kim đồng hồ.[44] Dòng hải lưu Nam xích đạo Thái Bình Dương chảy về phía tây trong khoảng vĩ độ từ 5°B đến 15°–20°N tới kinh tuyến 180 thì bị phân tách. Phần chuyển động lên phía bắc trộn lẫn với dòng hải lưu ngược còn phần chuyển động xuống phía nam trở thành hải lưu Đông Australia và một dòng chảy di chuyển qua vùng biển phía đông New Zealand. Một phần dòng chảy này nhập vào hải lưu vòng Nam Cực hải lưu Nam Thái Bình Dương, còn lại chảy về phía đông tạo thành hải lưu Humboldt.[45]

Khí hậu[sửa]

Tập tin:El nino north american weather.png
Tác động của El Niño và La Niña đến Bắc Mỹ
Tập tin:Typhoon tip peak.jpg
Bão Tip lúc mạnh nhất trong ngày 12 tháng 10 năm 1979

Mô hình khí hậu của hai nửa bán cầu Bắc và Nam nhìn chung là sự phản chiếu lẫn nhau. Trong khi gió mậu dịch hoạt động ổn định ở Đông và Nam Thái Bình Dương thì ở Bắc Thái Bình Dương, điều kiện thời tiết là đa dạng hơn hẳn; một ví dụ là nhiệt độ thấp tại vùng duyên hải phía đông nước Nga trái ngược với khí hậu ôn hòa ở British Columbia trong những tháng mùa đông do sự khác biệt về dòng hải lưu.[46]

Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Thái Bình Dương, El Niño - Dao động phương Nam (ENSO) là nhân tố tác động đến tình trạng thời tiết. Để xác định thời kỳ ENSO, người ta tính toán nhiệt độ bề mặt đại dương trung bình trong vòng ba tháng gần nhất tại khu vực cách Hawaii khoảng 3000 km (1900 dặm) về phía đông nam; nếu nhiệt độ đó cao hoặc thấp hơn 0,5 °C (0,9 °F) so với trung bình, thì El Niño hoặc La Niña được xem là đang có sự tiến triển.[47]

Ở vùng nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, mùa mưa xảy ra vào những tháng hè và nó có mối liên hệ với gió mùa; trái ngược với những cơn gió lạnh khô thổi trên đại dương vào mùa đông có nguồn gốc từ đất liền châu Á.[48] Trên Trái Đất, xoáy thuận nhiệt đới (thường gọi là bão) hoạt động đỉnh điểm vào giai đoạn cuối mùa hè, thời điểm mà sự chênh lệch giữa nhiệt độ bề mặt đại dương và nhiệt độ trên cao là lớn nhất; tuy nhiên, mỗi khu vực có một mô hình mùa bão khác biệt. Trên quy mô toàn cầu, tháng 5 là tháng bão ít hoạt động nhất, còn tháng 9 là tháng hoạt động mạnh nhất. Tháng 11 là tháng duy nhất mà tất cả các khu vực xoáy thuận nhiệt đới đều cùng trong giai đoạn hoạt động chính thức.[49] Xoáy thuận nhiệt đới có khả năng hình thành ở vùng biển phía nam Mexico, sau đó tấn công vùng duyên hải Tây Mexico và thi thoảng là vùng Tây Nam Hoa Kỳ trong khoảng tháng 6 đến tháng 10; còn ở Tây Thái Bình Dương, chúng hình thành và di chuyển vào đất liền Đông Á và Đông Nam Á chủ yếu trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 12.

Xa về vùng cực Bắc, băng xuất hiện nhiều nhất từ tháng 10 đến tháng 5; trong khi sương mù hiện hữu bền bỉ từ tháng 6 đến tháng 12.[50] Áp thấp ở vịnh Alaska duy trì tình trạng ẩm ướt và ấm áp trong những tháng mùa đông cho vùng duyên hải phía nam. Ở những khu vực vĩ độ trung, gió Tây jet stream (dòng khí hẹp thổi trên cao) có thể rất mạnh, đặc biệt là ở Nam bán cầu do sự khác biệt về nhiệt độ giữa vùng nhiệt đới và châu Nam Cực,[51] nơi ghi nhận nhiệt độ thấp nhất trên hành tinh mà con người từng đo được.

Địa chất[sửa]

Xem chi tiết: Mảng Thái Bình Dương
Tập tin:Pacific elevation.jpg
Bao quanh Thái Bình Dương là rất nhiều núi lửa và rãnh đại dương

Bản đồ Thái Bình Dương lần đầu được vẽ ra bởi Abraham Ortelius; ông đã gọi nó là Maris Pacifici dựa theo mô tả của Ferdinand Magellan rằng đó là một vùng biển yên bình và tĩnh lặng hơn nhiều so với Đại Tây Dương.[52]

Đường andesit là ranh giới phân biệt khu vực quan trọng nhất ở Thái Bình Dương, nó phân tách phần đá magma mafic sâu hơn của vùng Trung tâm Thái Bình Dương với các khu vực đá magma felsic thuộc các lục địa chìm một phần.[53] Đường này chạy dọc theo bờ Tây quần đảo ngoài khơi California, đi qua phía nam vòng cung Aleutian, dọc theo bờ đông bán đảo Kamchatka, quần đảo Kuril, Nhật Bản, quần đảo Mariana, quần đảo Solomon, và đảo Bắc của New Zealand.[54][55] Ranh giới phân tách tiếp tục chạy theo bờ Tây dãy Andes, Nam Mỹ tới Mexico, cuối cùng quay lại quần đảo ngoài khơi California. Các nước Indonesia, Philippines, Nhật Bản, New Guinea, và New Zealand nằm phía ngoài đường andesit.

Nằm trong vòng lặp kín của đường andesit là rất nhiều rãnh sâu, núi lửa chìm, và các đảo núi lửa – nét đặc trưng của vùng Thái Bình Dương. Tại đây dung nham bazan chảy chậm ra phía ngoài những khe nứt, hình thành nên những núi lửa hình vòm. Phần đỉnh bị bào mòn của những núi lửa này tạo ra các chuỗi, vòng cung, cụm đảo. Ở phía ngoài đường andesit, vành đai lửa Thái Bình Dương là khu vực chứng kiến núi lửa hoạt động nhiều nhất trên Trái Đất.[32] Tên gọi vành đai lửa để chỉ hàng trăm núi lửa còn hoạt động tọa lạc phía trên các đới hút chìm khác nhau.

Thái Bình Dương là đại dương duy nhất được bao quanh gần như toàn bộ bởi các đới hút chìm. Chỉ có vùng bờ biển Nam Cực và Australia là không có đới hút chìm ở gần đó.

Thái Bình Dương hình thành vào 750 triệu năm trước tại thời điểm siêu lục địa Rodinia phân tách mặc dù nó nhìn chung được gọi là đại dương Panthalassa (Toàn Đại Dương) cho tới khi siêu lục địa Pangea phân tách vào khoảng 200 triệu năm trước.[56] Đáy Thái Bình Dương cổ xưa nhất chỉ khoảng 180 triệu năm tuổi, và lớp vỏ cổ hơn nay đã nằm ở phía dưới.[57]

Trong lòng Thái Bình Dương tồn tại một vài chuỗi núi ngầm dài hình thành ở những điểm nóng núi lửa hoạt động. Có thể kể ra như chuỗi Hawai–Emperor và Louisville.

Xem thêm[sửa]

Tham khảo[sửa]

  1. 1,0 1,1 "Pacific Ocean". Britannica Concise. 2006. Chicago: Encyclopædia Britannica, Inc.
  2. “Japan Atlas: Japan Marine Science and Technology Center”. Truy cập 4 July 2007.
  3. “CATHOLIC ENCYCLOPEDIA: Ferdinand Magellan”. Newadvent.org (1 October 1910). Truy cập 31 October 2010.
  4. “Library Acquires Copy of 1507 Waldseemüller World Map - News Releases (Library of Congress)”. Loc.gov. Truy cập 20 April 2013.
  5. Stanley, David (2004). South Pacific, David Stanley. ISBN 978-1-56691-411-6. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 13 June 2013.
  6. Hannard (1991), page 7
  7. Milton, Giles (1999). Nathaniel's Nutmeg, 5, 7, London: Sceptre. ISBN 978-0-340-69676-7.
  8. Porter, Jonathan. [1996] (1996). Macau, the Imaginary City: Culture and Society, 1557 to the Present. Westview Press. ISBN 0-8133-3749-6
  9. Ober, Frederick Albion. Vasco Nuñez de Balboa, Library of Alexandria. ISBN 978-1-4655-7034-5. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 12 June 2013.
  10. Camino, Mercedes Maroto. Producing the Pacific: Maps and Narratives of Spanish Exploration (1567-1606), p.76. 2005.
  11. "Life in the sea: Pacific Ocean", Oceanário de Lisboa. Retrieved 9 June 2013.
  12. Galvano, Antonio [1563] (2004). The Discoveries of the World from Their First Original Unto the Year of Our Lord 1555, issued by the Hakluyt Society, Kessinger Publishing. ISBN 0-7661-9022-6. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 16 June 2011.
  13. Whiteway, Richard Stephen (1899). The rise of Portuguese power in India, 1497–1550, Westminster: A. Constable.
  14. Steven Thomas, “Portuguese in Japan”. Steven's Balagan. Truy cập 22 May 2015.
  15. (January 2000) A Reference Guide to Latin American History, M.E. Sharpe. ISBN 978-1-56324-744-6. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 12 June 2013.
  16. 16,0 16,1 Fernandez-Armesto, Felipe (2006). Pathfinders: A Global History of Exploration, 305–307, W.W. Norton & Company. ISBN 0-393-06259-7.
  17. (2008) Primary Australian History: Book F [B6 Ages 10-11], R.I.C. Publications. ISBN 978-1-74126-688-7. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 12 June 2013.
  18. Lytle Schurz, William (1922), “The Spanish Lake”, The Hispanic American Historical Review 5 (2): 181–194 
  19. Williams, Glyndwr (2004). Captain Cook: Explorations And Reassessments, Boydell Press. ISBN 978-1-84383-100-6. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 12 June 2013.
  20. 20,0 20,1 Bernard Eccleston, Michael Dawson. 1998. The Asia-Pacific Profile. Routledge. p. 250.
  21. William Sater, Chile and the United States: Empires in Conflict, 1990 by the University of Georgia Press, ISBN 0-8203-1249-5
  22. (17 September 2008) Asian American Psychology: Current Perspectives, CRC Press. ISBN 978-1-84169-749-9. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 12 June 2013.
  23. "Area of Earth's Land Surface", The Physics Factbook. Retrieved 9 June 2013.
  24. Nuttall, Mark (2005). Encyclopedia of the Arctic: A-F, Routledge. ISBN 978-1-57958-436-8. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 10 June 2013.
  25. "Plate Tectonics", Bucknell University. Retrieved 9 June 2013.
  26. Young, Greg (2009). Plate Tectonics, 9–, Capstone. ISBN 978-0-7565-4232-0. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 9 June 2013.
  27. International Hydrographic Organization (1953). Limits of Oceans and Seas, International Hydrographic Organization. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 9 June 2013.
  28. Agno, Lydia (1998). Basic Geography, 25–, Goodwill Trading Co., Inc.. ISBN 978-971-11-0165-7. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 9 June 2013.
  29. "Pacific Ocean: The trade winds", Encyclopædia Britannica. Retrieved 9 June 2013.
  30. Murphy, Shirley Rousseau (1979). The Ring of Fire, Avon. ISBN 978-0-380-47191-1. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 9 June 2013.
  31. Bryant, Edward (2008). Tsunami: The Underrated Hazard, 26–, Springer. ISBN 978-3-540-74274-6. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 9 June 2013.
  32. 32,0 32,1 (1997) Academic American encyclopedia, Grolier Incorporated. ISBN 978-0-7172-2068-7. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 12 June 2013.
  33. (2000) The Pacific Islands: An Encyclopedia, 63–, University of Hawaii Press. ISBN 978-0-8248-2265-1. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 14 June 2013.
  34. West, Barbara A. (2009). Encyclopedia of the Peoples of Asia and Oceania, 521–, Infobase Publishing. ISBN 978-1-4381-1913-7. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 14 June 2013.
  35. (1996) Pacific Neighbors: The Islands of Micronesia, Melanesia, and Polynesia, 125–, Bess Press. ISBN 978-1-57306-022-6. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 14 June 2013.
  36. (2009) Encyclopedia of Islands, University of California Press. ISBN 978-0-520-25649-1. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 12 June 2013.
  37. "Coral island", Encyclopædia Britannica. Retrieved 22 June 2013.
  38. "Nauru", Charting the Pacific. Retrieved 22 June 2013.
  39. “PWLF.org - The Pacific WildLife Foundation - The Pacific Ocean”. Truy cập 23 August 2013.
  40. Mongillo, John F. (2000). Encyclopedia of Environmental Science, 255–, University Rochester Press. ISBN 978-1-57356-147-1. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 9 June 2013.
  41. "Pacific Ocean: Salinity", Encyclopædia Britannica. Retrieved 9 June 2013.
  42. "Wind Driven Surface Currents: Equatorial Currents Background", Ocean Motion. Retrieved 9 June 2013.
  43. "Kuroshio", Encyclopædia Britannica. Retrieved 9 June 2013.
  44. "Aleutian Current", Encyclopædia Britannica. Retrieved 9 June 2013.
  45. "Equatorial current", Encyclopædia Britannica. Retrieved 9 June 2013.
  46. "Pacific Ocean: Islands", Encyclopædia Britannica. Retrieved 13 June 2013.
  47. Climate Prediction Center (30 June 2014). “ENSO: Recent Evolution, Current Status and Predictions” trang 5, 19–20. National Oceanic and Atmospheric Administration. Truy cập 30 June 2014.
  48. Glossary of Meteorology (2009). Monsoon. American Meteorological Society. Retrieved on 16 January 2009.
  49. “Frequently Asked Questions: When is hurricane season?”. National Oceanic and Atmospheric Administration. Truy cập 25 July 2006.
  50. "Pacific Ocean", World Factbook, CIA. Retrieved 13 June 2013.
  51. John P. Stimac. Air pressure and wind. Retrieved on 8 May 2008.
  52. Turnbull, Alexander (15 December 2006). Map New Zealand: 100 Magnificent Maps from the Collection of the Alexander Turnbull Library, Godwit. ISBN 978-1-86962-126-1. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 10 June 2013.
  53. (2010) Geology and the Environment, Cengage Learning. ISBN 978-0-538-73755-5. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 10 June 2013.
  54. (January 2000) The Pacific Islands: An Encyclopedia, University of Hawaii Press. ISBN 978-0-8248-2265-1. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 10 June 2013.
  55. Mueller-Dombois, Dieter (1998). Vegetation of the Tropical Pacific Islands, Springer. ISBN 978-0-387-98313-4. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 10 June 2013.
  56. “GEOL 102 The Proterozoic Eon II: Rodinia and Pannotia”. Geol.umd.edu (5 January 2010). Truy cập 31 October 2010.
  57. (23 October 2000) Looking Into the Earth: An Introduction to Geological Geophysics, Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-78574-7. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 10 June 2013.

Đọc thêm[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.