Trái Đất
Hình ảnh Trái Đất nhìn từ tàu Apollo 17 ngày 7 tháng 12 năm 1972. | |
Bức ảnh Viên Bi Xanh nổi tiếng, chụp từ Apollo 17 | |
Đặc điểm của quỹ đạo (Kỷ nguyên J2000[note 1]) | |
---|---|
Bán trục lớn |
149
597
887
km
hay
1,00000011 AU. |
Chu vi |
940
×
106
km
hay
6,283 AU. |
Độ lệch tâm | 0,01671022 |
Cận điểm |
147
098
074 km
hay
0,9832899 AU. |
Viễn điểm |
152
097
701 km
hay
1,0167103 AU. |
Chu kỳ |
365,25696
ngày
hay
1,0000191 [[năm]]. |
Chu kỳ biểu kiến | không áp dụng. |
Vận tốc quỹ đạo: | |
- trung bình | 29,783 km/s. |
- tối đa | 30,287 km/s. |
- tối thiểu | 29,291 km/s. |
Độ nghiêng |
0,00005°
đối
với
mặt
phẳng
hoàng
đạo
hay
7,25° đối với xích đạo Mặt Trời. |
Kinh độ điểm mọc | 348,73936°. |
Góc cận điểm | 114,20783°. |
Tổng số vệ tinh | 1 – (mặt trăng) |
Đặc điểm của hành tinh | |
Đường kính: | |
- tại xích đạo | 12756,28 km.[1] |
- tại cực | 12713,56 km.[2] |
- trung bình | 12742,02 km.[3] |
Độ dẹp | 0,0033528[1] |
Chu vi vòng kính: | |
- tại quỹ đạo | 40075 km. |
- qua hai cực | 40008 km. |
Diện tích | |
toàn bộ bề mặt | 510072000 km².[4][5][6] |
đất | 148940000 km²(29,2%) |
nước | 312369000 km²(70,8%) |
Thể tích | 1083,2073 × 109 km³. |
Khối lượng | 5973,6 × 1021 kg. |
Tỉ trọng | 5,5153 g/cm³. |
Gia tốc trọng trường tại xích đạo | 9,780327 m/s² hay |
Vận tốc vũ trụ cấp 2 | 11,186 km/s. |
Chu kỳ tự quay | 0,99726968 ngày hay |
Vận tốc tự quay tại xích đạo | 1674,38 km/h. |
Độ nghiêng trục quay | 23,439281°. |
Xích kinh độ cực bắc | 0° (0 h 0 m 0 s) |
Thiên độ cực bắc | 90° |
Hệ số phản xạ | 0,367[9] |
Nhiệt
độ
bề
mặt:
- tối thiểu - trung bình - tối đa |
185
K
287 K 331 K |
Áp suất khí quyểntại bề mặt | 101,3 kPa |
Cấu tạo của khí quyển | |
Đạm khí (N2) | 78,08% |
Dưỡng khí (O2) | 20,95% |
Argon (Ar) | 0,93% |
Thán khí (CO2) | 0,038% |
Hơi nước (H2O) | 1% (thay đổi theo điều kiện thời tiết)[9] |
Trái Đất là hành tinh thứ ba tính từ Mặt Trời, đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời xét về bán kính, khối lượng và mật độ vật chất. Trái Đất còn được biết tên với các tên Thế giới (World), "hành tinh xanh"Bản mẫu:Refn hay "Địa Cầu", là nhà của hàng triệu loài sinh vật,[10] trong đó có con người và cho đến nay đây là nơi duy nhất trong vũ trụ được biết đến là có sự sống. Hành tinh này được hình thành cách đây 4,55 tỷ năm[11][12][13][14] và sự sống xuất hiện trên bề mặt của nó khoảng 1 tỷ năm trước. Kể từ đó, sinh quyển, bầu khí quyển của Trái Đất và các điều kiện vô cơ khác đã thay đổi đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến của các vi sinh vật ưa khí cũng như sự hình thành của tầng ôzôn-lớp bảo vệ quan trọng, cùng với từ trường của Trái Đất, đã ngăn chặn các bức xạ có hại và chở che cho sự sống.[15] Các đặc điểm vật lý của Trái Đất cũng như lịch sử địa lý hay quỹ đạo, cho phép sự sống tồn tại trong thời gian qua. Người ta hy vọng rằng Trái Đất còn có thể hỗ trợ sự sống thêm 1,5 tỷ năm nữa, trước khi kích thước của Mặt Trời tăng lên và tiêu diệt hết sự sống.[16]
Bề mặt Trái Đất được chia thành các mảng kiến tạo, chúng di chuyển từ từ trên bề mặt Trái Đất trong hàng triệu năm. Khoảng 71% bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi các đại dương nước mặn, phần còn lại là các lục địa và các đảo. Nước là thành phần rất cần thiết cho sự sống và cho đến nay con người vẫn chưa phát hiện thấy sự tồn tại của nó trên bề mặt của bất kì hành tinh nào khác.Bản mẫu:Refn[note 2] Tuy nhiên, người ta có chứng cứ xác định nguồn nước có ở Sao Hỏa trong quá khứ, và có thể tồn tại cho tới ngày nay.[17] Lõi của Trái Đất vẫn hoạt động được bao bọc bởi lớp manti rắn dày, lớp lõi ngoài lỏng tạo ra từ trường và lõi sắt trong rắn. Trái Đất là hành tinh duy nhất có sự sống.[18]
Trái Đất tương tác với các vật thể khác trong không gian bao gồm Mặt Trời và Mặt Trăng. Hiện quãng thời gian Trái Đất di chuyển hết một vòng quanh Mặt Trời bằng 365,26 lần quãng thời gian nó tự quay một vòng quanh trục của mình. Khoảng thời gian này bằng với một năm thiên văn tức 365,26 ngày trong dương lịch.[note 3] Trục tự quay của Trái Đất nghiêng một góc bằng 23,4° so với trục vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo,[19] tạo ra sự thay đổi mùa trên bề mặt của Trái Đất trong một năm chí tuyến. Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất, đồng thời cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thủy triều đại dương, bắt đầu quay quanh Trái Đất từ 4,53 tỷ năm trước, vẫn giữ nguyên góc quay ban đầu theo thời gian nhưng đang chuyển động chậm dần lại. Trong khoảng từ 4,1 đến 3,8 tỷ năm trước, sự va đập của các thiên thạch trong suốt thời kì "Công phá Mạnh muộn" đã tạo ra những sự thay đổi đáng kể trên bề mặt Mặt Trăng.
Cả tài nguyên khoáng sản lẫn các sản phẩm của sinh quyển được sử dụng để cung cấp cho cuộc sống của con người. Dân cư được chia thành hơn 200 quốc gia độc lập, có quan hệ với nhau thông qua các hoạt động ngoại giao, du lịch, thương mại, quân sự. Văn hóa loài người đã phát triển tạo nên nhiều cách nhìn về Trái Đất bao gồm việc nhân cách hóa Trái Đất như một vị thần, niềm tin vào một Trái Đất phẳng hoặc một Trái Đất là trung tâm của cả vũ trụ, và một quan điểm nhìn hiện đại hơn như Trái Đất là một môi trường thống nhất cần có sự định hướng.
Mục lục
Niên biểu[sửa]
Lịch sử[sửa]
- Xem chi tiết: Lịch sử Trái Đất
Các nhà khoa học đã có thể khôi phục lại các thông tin chi tiết về quá khứ của Trái Đất. Những ngày đầu tiên của hệ Mặt Trời là vào khoảng 4,5672[20] ± 0,0006 tỷ năm trước, và vào khoảng 4,54 tỷ năm trước (độ sai lệch nằm trong khoảng 1%)[11][12][13][14] Trái Đất và các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời đã hình thành từ tinh vân Mặt Trời - đám mây bụi và khí dạng đĩa do Mặt Trời tạo ra. Quá trình hình thành Trái Đất được hoàn thiện trong vòng 10 đến 20 triệu năm.[21] Lúc đầu ở dạng nóng chảy, lớp vỏ ngoài của Trái Đất nguội lại thành chất rắn trong khi nước bắt đầu tích tụ trong khí quyển. Mặt Trăng hình thành ngay sau đó cách đây khoảng 4,53 tỷ năm,[22] là kết quả của sự va chạm sượt qua giữa một vật thể có kích thước bằng Sao Hỏa (đôi khi được gọi là Theia) và có khối lượng bằng khoảng 10% khối lượng của Trái Đất, với Trái Đất.[23] Một phần khối lượng của vật thể này đã sáp nhập vào Trái Đất, phần còn lại bắn vào không gian theo một quỹ đạo phù hợp tạo ra Mặt Trăng.
Khí thải và các hoạt động của núi lửa tạo ra các yếu tố sơ khai của bầu khí quyển. Quá trình ngưng tụ hơi nước gia tăng bởi băng và nước ở dạng lỏng được cung cấp bởi các thiên thạch và các tiền hành tinh lớn hơn, các sao chổi, và các vật thể ở xa hơn Sao Hải Vương tạo ra các đại dương.[24] Hai giả thiết chính về sự phát triển của các lục địa được đề xuất là:[25] phát triển từ từ cho đến ngày nay [26] hoặc nhanh chóng phát triển trong quá khứ.[27] Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phương án thứ hai khả quan hơn, với tốc độ phát triển ban đầu nhanh của các lớp vỏ lục địa[28] theo sau bởi một quá trình phát triển diện tích lục địa chậm và dài.[29][30][31] Trong niên đại địa chất, khoảng thời gian hàng trăm triệu năm, bề mặt Trái Đất liên tục thay đổi hình dạng của chính nó dưới dạng các lục địa hình thành và phân rã. Các lục địa di chuyển trên bề mặt, đôi khi kết hợp với nhau để tạo thành một siêu lục địa. Khoảng 750 triệu năm trước, một trong những siêu lục địa được biết sớm nhất là Rodinia, đã bắt đầu chia tách. Các lục địa sau đó lại kết hợp với nhau để tạo ra Pannotia, 600-540 triệu năm trước, cuối cùng là Pangaea chia tách vào khoảng 180 triệu năm trước.[32]
Quá trình tiến hóa của sự sống[sửa]
- Xem chi tiết: Lịch trình tiến hóa của sự sống
Hiện nay, Trái Đất là ví dụ duy nhất về một môi trường cho phép duy trì sự tiến hóa.[33] Người ta tin rằng các chất hóa học giàu năng lượng đã tạo ra các phân tử tự sao chép trong khoảng 4 tỷ năm trước đây, và trong nửa tỷ năm sau đó thì tổ tiên chung cuối cùng của các dạng sống trên Trái Đất bắt đầu xuất hiện.[34] Sự phát triển của khả năng quang hợp cho phép năng lượng Mặt Trời được hấp thụ trực tiếp bởi các dạng sống; và sau đó ôxy sản phẩm tích tụ dần trong bầu khí quyển và hình thành tầng ôzôn (một hình thức phân tử khác của ôxy - O3) ở tầng cao của bầu khí quyển. Sự tập hợp các tế bào nhỏ trong một tế bào lớn hơn dẫn đến quá trình phát triển các tế bào phức tạp gọi là các sinh vật nhân chuẩn.[35] Các sinh vật đa bào thực sự hình thành dưới dạng các tế bào trong một tập đoàn cá thể ngày càng trở nên chuyên môn hóa. Nhờ tầng ôzôn hấp thụ các bức xạ tia cực tím có hại, sự sống bắt đầu phát triển trên bề mặt Trái Đất.[36]
Kể từ thập niên 1960, đã có một giả thiết rằng hoạt động của các sông băng trong khoảng từ 750 đến 580 triệu năm trước, trong đại Tân Nguyên sinh, đã phủ một lớp băng lên bề mặt Trái Đất. Giả thiết được gọi là "Địa Cầu tuyết", và được đặc biệt quan tâm vì nó tiếp nối giả thiết về sự bùng nổ sự sống trong kỷ Cambri, khi sự sống đa bào bắt đầu tăng trưởng mạnh.[37] Sau sự bùng nổ ở kỷ Cambri, khoảng 535 triệu năm trước, đã xảy ra năm cuộc đại tuyệt chủng.[38] Cuộc đại tuyệt chủng cuối cùng diễn ra cách đây 65 triệu năm, xảy ra có thể là do một thiên thạch đâm vào Trái Đất, đã gây ra cuộc đại tuyệt chủng của khủng long và các loài bò sát lớn, nhưng bỏ qua các loài động vật có kích thước nhỏ như các loài động vật có vú, mà khi đó trông giống như chuột. Trong 65 triệu năm qua, các dạng sống máu nóng ngày càng trở nên đa dạng, và một vài triệu năm trước đây thì một loài động vật dáng vượn ở châu Phi đã có khả năng đứng thẳng.[39] Điều này cho phép chúng sử dụng công cụ và thúc đẩy giao tiếp cũng như cung cấp các chất dinh dưỡng và các yếu tố kích thích cần thiết cho một bộ não lớn hơn. Sự phát triển của nông nghiệp, và sau đó là sự văn minh, cho phép con người trong một khoảng thời gian ngắn gây ảnh hưởng đến Trái Đất nhiều hơn bất kì một dạng sống nào khác,[40] thậm chí cả tính chất cũng như số lượng của các loài sinh vật khác. Các thời kỳ băng hà bắt đầu từ 40 triệu năm trước và phát triển trong suốt thế Pleistocen vào khoảng 3 triệu năm trước. Chu kì hình thành và tan băng lặp đi lặp lại trong các vùng cực theo chu kì 40-100 nghìn năm. Thời kỳ băng hà gần đây kết thúc vào khoảng 10.000 năm trước.[41]
Tương lai[sửa]
- Xem chi tiết: Tương lai của Trái Đất
Tương lai của hành tinh này có quan hệ mật thiết với Mặt Trời. Là kết quả của sự tăng cường nguyên tử heli một cách từ từ trong lõi của Mặt Trời, độ sáng của ngôi sao này đang từ từ tăng lên. Độ sáng của Mặt Trời sẽ tăng 10% trong 1,1 tỷ năm tới, 40% trong 3,5 tỷ năm tới.[42] Các mô hình khí hậu chỉ ra rằng việc các tia phóng xạ chạm đến Trái Đất nhiều hơn sẽ tạo nên các hậu quả khủng khiếp, bao gồm sự biến mất của các đại dương.[43]
Sự tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất sẽ đẩy nhanh chu trình CO2 phi sinh học, giảm mật độ của khí này cho đến khi các loài thực vật chết (10 ppm đối với thực vật C4) trong vòng 900 triệu tới 1,2 tỷ năm. Sự thiếu hụt các loại cây xanh sẽ tạo ra hiện tượng thiếu ôxy trong bầu khí quyển, khiến cho các loại động vật trên Trái Đất sẽ bị tuyệt chủng hoàn toàn trong vài triệu năm sau đó, sự sống sẽ chỉ còn lại các dạng đơn giản sống trong các túi nước nằm sâu trong lòng đất hoặc ở 2 vùng cực.[44] Tới 1,3 tỷ năm sau, các sinh vật nhân chuẩn sẽ tuyệt chủng, chỉ còn các sinh vật nhân sơ còn sống. Tới 2,8 tỷ năm sau, nhiệt độ Trái Đất sẽ lên tới 147 độ C ngay cả ở vùng cực, toàn bộ nước trên bề mặt sẽ biến mất và sự sống sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt[16] và nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ đạt tới 70 °C.[44] Trái Đất được mong đợi rằng có thể hỗ trợ sự sống thêm 500 triệu năm nữa,[45] dù thời gian này có thể kéo 2,3 tỉ năm nếu nitơ được loại bỏ khỏi bầu khí quyển.[46] Cho dù Mặt Trời có tồn tại vĩnh cửu và không thay đổi, quá trình lạnh đi của Trái Đất sẽ khiến cho lượng CO2 giảm dần do sự suy giảm của các hoạt động núi lửa[47] và 35% nước của các đại dương lặn xuống lớp phủ do quá trình lưu thông hơi nước của sống núi giữa đại dương giảm.[48]
Mặt Trời, trong quá trình tiến hóa của nó, sẽ trở thành một sao khổng lồ đỏ trong khoảng 5 tỷ năm nữa. Các mô hình cho thấy rằng Mặt Trời sẽ mở rộng, tăng bán kính lên gấp 250 lần hiện tại, xấp xỉ 1 AU (150.000.000 km).[42][49] Tương lai của Trái Đất kém rõ ràng hơn. Dưới dạng một sao khổng lồ đỏ, Mặt Trời sẽ mất đi 30% khối lượng, khiến cho, không tính đến các ảnh hưởng về thủy triều, Trái Đất sẽ chuyển đến quỹ đạo 1,7 AU (250.000.000 km) so với Mặt Trời khi ngôi sao này đạt đến bán kính tối đa. Do đó người ta hy vọng rằng Trái Đất sẽ thoát khỏi được lớp không khí bao quanh Mặt Trời, dù rằng phần lớn, không phải tất cả, các loài sinh vật còn lại cũng sẽ nhanh chóng bị tuyệt chủng khi độ sáng của Mặt Trời tăng lên.[42] Nhưng, các mô phỏng gần đây cho thấy quỹ đạo của Trái Đất sẽ biến mất do tác dụng của thủy triều và lực hút, làm cho nó bị hút vào bầu không khí bao quanh Mặt Trời và bị phá hủy.[49]
Tính chất vật lý[sửa]
- Xem chi tiết: Khoa học Trái Đất
Trái Đất là một hành tinh đất đá, có nghĩa là nó có cấu tạo đất đá cứng, khác với những hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc. Trái Đất là hành tinh lớn nhất trong bốn hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời, về cả kích thước và khối lượng. Trong bốn hành tinh này, Trái Đất có độ đặc lớn nhất, hấp dẫn bề mặt lớn nhất, từ trường mạnh nhất, tốc độ quay nhanh nhất.[50] Và đồng thời nó cũng là hành tinh đất đá duy nhất mà các mảng kiến tạo còn hoạt động.[51]
Hình dạng[sửa]
Hợp chất | Công thức |
Tỉ
lệ phần trăm |
---|---|---|
Silica | SiO2 | 59,71% |
Alumina | Al2O3 | 15,41% |
Vôi | CaO | 4,90% |
Ôxít magiê | MgO | 4,36% |
Ôxít natri | Na2O | 3,55% |
Ôxít sắt (II) | FeO | 3,52% |
Ôxít kali | K2O | 2,80% |
Ôxít sắt (III) | Fe2O3 | 2,63% |
Nước | H2O | 1,52% |
Ôxít titan | TiO2 | 0,60% |
Điphốtpho pentaôxít | P2O5 | 0,22% |
Tổng cộng | 99,22% |
Hình dạng của Trái Đất rất gần với hình phỏng cầu là hình cầu bị nén dọc theo hướng từ địa cực tới chỗ phình ra ở xích đạo.[52] Phần phình ra này là kết quả của quá trình tự quay và khiến cho độ dài đường kính tại đường xích đạo dài hơn 43 km so với độ dài đường kính tính từ cực tới cực.[53] Độ dài đường kính trung bình của hình phỏng cầu tham chiếu vào khoảng 12.745 km, xấp xỉ với 40.000 km/π, mét được định nghĩa bằng 1/10.000.000 khoảng cách từ xích đạo đến cực Bắc đo qua Paris, Pháp.[54]
Địa hình các khu vực khác nhau đều có các sai lệch nhất định so với hình phỏng cầu đã được lý tưởng hóa này và nếu xét ở quy mô toàn cầu thì độ lệch này thường rất nhỏ, còn đối với một khu vực nhỏ thì Trái Đất có dung sai vào khoảng 1/584, tức 0,17% so với hình phỏng cầu tham chiếu và nhỏ hơn 0,22% dung sai cho phép đối với các quả bóng bi-da. Nơi có độ lệch (độ cao hoặc độ sâu) lớn nhất so với bề mặt Trái Đất là đỉnh Everest (8.848 m trên mực nước biển) và rãnh Mariana (10.911 dưới mực nước biển). Do sự phồng lên ở xích đạo, nơi xa tâm Trái Đất nhất là đỉnh Chimborazo ở Ecuador.[55][56]
Thành phần hóa học[sửa]
Khối lượng của Trái Đất vào khoảng 5,98Bản mẫu:E kg, bao gồm sắt (32,1%), ôxy (30,1%), silic (15,1%), magiê (13,9%), lưu huỳnh (2,9%), niken (1,8%), canxi (1,5%), nhôm (1,4%); và các nguyên tố khác 1,2%. Dựa trên lý thuyết về phân tách khối lượng, người ta cho rằng vùng lõi được cấu tạo bởi sắt (88,8%) với một lượng nhỏ niken (5,8%), lưu huỳnh (4,5%), và các nguyên tố khác thì nhỏ hơn 1%.[57] Nhà hóa học F. W. Clarke tính rằng dưới 47% lớp vỏ Trái Đất chứa ôxy và các mẫu đá cấu tạo nên vỏ Trái Đất hầu hết chứa các ôxít; clo, lưu huỳnh và flo là các ngoại lệ quan trọng duy nhất của điều này và tổng khối lượng của chúng trong đá nhỏ hơn 1% rất nhiều. Các ôxít chính là ôxít silic, nhôm, sắt; các cacbonat canxi, magiê, kali và natri. Điôxít silic đóng vai trò như một axít, tạo nên silicat và có mặt trong tất cả các loại khoáng vật phổ biến nhất. Từ một tính toán dựa trên 1.672 phân tích về tất các loại đá, Clarke suy luận rằng 99,22% là cấu tạo từ 11 ôxít (nhìn bảng bên phải) và tất cả các thành phần còn lại chỉ chiếm một lượng cực nhỏ.[note 4]
Cấu trúc bên trong[sửa]
- Xem chi tiết: Cấu trúc Trái Đất
Phần bên trong của Trái Đất giống như các hành tinh đất đá khác, chia thành nhiều lớp dựa trên các đặc tính hóa, lý.
- Lớp ngoài của vỏ Trái Đất là một lớp silicat rắn bao gồm bảy mảng kiến tạo riêng biệt nằm trên một lớp chất rắn dẻo. Vỏ Trái Đất phân cách với lớp phủ bởi điểm gián đoạn Mohorovičić, và độ dày thay đổi trung bình 6 km đối với vỏ đại dương và 30–50 km đối với vỏ lục địa. Lớp vỏ và phần trên cùng của lớp phủ cứng, lạnh được gọi là thạch quyển, và các mảng lục địa được tạo trên thạch quyển.
- Dưới thạch quyển là quyển mềm (quyển atheno) do nó được cấu tạo bởi lớp đá "mềm".
- Dưới quyển mềm là lớp phủ có bề dày khoảng 2.900 km và là nơi có độ nhớt cao nhất. Những sự thay đổi quan trọng trong cấu trúc tinh thể bên trong lớp phủ xuất hiện tại độ sâu 410 và 660 km dưới mặt đất, trải qua một đới chuyển tiếp ngăn cách lớp phủ trên và dưới.
- Ở dưới lớp phủ, lõi ngoài có dạng chất lỏng mềm nằm trên lõi trong rắn.[58] Lõi trong có thể quay với vận tốc góc hơi cao hơn so với phần còn lại của hành tinh khoảng 0,1- 0,5° mỗi năm.[59]
Mặt cắt của Trái Đất từ tâm đến thổ quyển. |
Độ
sâu[61] km |
Các lớp |
Mật
độ g/cm3 |
---|---|---|---|
0–60 | Thạch quyển (5)[note 5] | — | |
0–35 | ... Lớp vỏ (6)[note 6] | 2,2–2,9 | |
35–60 | ... Phần trên cùng của manti trên (4) | 3,4–4,4 | |
35–2890 | Quyển manti (3)&(4) | 3,4–5,6 | |
100–700 | ... Quyển mềm | — | |
2890–5100 | Lõi ngoài (2) | 9,9–12,2 | |
5100–6378 | Lõi trong (1) | 12,8–13,1 |
Nhiệt lượng[sửa]
Nội nhiệt của Trái Đất được tạo ra bởi sự kết hợp của nhiệt dư được tạo ra trong các hoạt động của Trái Đất (khoảng 20%) và nhiệt được tạo ra do sự phân rã phóng xạ (khoảng 80%).[62] Các đồng vị chính tham gia vào quá trình sinh nhiệt là kali-40, urani-238, urani 235, thori-232.[63] Ở trung tâm của Trái Đất, nhiệt độ có thể đạt tới 7000K và áp suất có thể lên tới 360 Gpa.[64] Do phần lớn nhiệt năng này sinh ra từ sự phân rã của các chất phóng xạ, các nhà khoa học tin rằng vào thời kì đầu của Trái Đất, trước khi số lượng của các đồng vị phóng xạ có chu kì bán rã ngắn bị giảm xuống, nhiệt năng sinh ra của Trái Đất còn cao hơn. Nhiệt năng thêm này gấp hai lần hiện tại vào thời điểm 3 tỉ năm trước [62] đã làm tăng nhiệt độ mặt đất, tăng tốc độ của quá trình đối lưu manti và kiến tạo mảng, và cho phép tao ra đá macma giống như komatiite mà ngày nay không còn được tạo ra nữa.[65]
Đồng vị | Nhiệt năng tỏa ra [W/kg đồng vị] | Chu kỳ bán hủy [năm] | Lượng manti tập trung trung bình [kg đồng vị/kg manti] | Nhiệt năng tỏa ra [W/kg manti] |
---|---|---|---|---|
238U | 9,46 × 10-5 | 4,47 × 109 | 30,8 × 10-9 | 2,91 × 10-12 |
235U | 5,69 × 10-4 | 7,04 × 108 | 0,22 × 10-9 | 1,25 × 10-13 |
232Th | 2,64 × 10-5 | 1,40 × 1010 | 124 × 10-9 | 3,27 × 10-12 |
40K | 2,92 × 10-5 | 1,25 × 109 | 36,9 × 10-9 | 1,08 × 10-12 |
Tổng nhiệt năng mà Trái Đất mất đi khoảng 4,2 Bản mẫu:E W.[67] Một phần năng lượng nhiệt ở lõi được truyền qua lớp vỏ nhờ chùm manti; đó là một dạng đối lưu bao gồm các đợt dâng lên của các khối đá nóng và có thể tạo ra các điểm nóng và lũ bazan.[68] Một phần nhiệt năng khác của Trái Đất mất đi thông qua hoạt động kiến tạo mảng khi mácma trong manti dâng lên ở các sống núi giữa đại dương. Hình thức mất nhiệt cuối cùng là con đường truyền nhiệt trực tiếp đi qua thạch quyển, phần lớn xuất hiện ở đại dương vì lớp vỏ ở đó mỏng hơn so với ở lục địa.[67]
Các mảng kiến tạo[sửa]
- Xem chi tiết: Mảng kiến tạo
250px | |
Tên mảng |
Diện
tích 106 km² |
---|---|
Mảng châu Phi[note 7] | 78,0 |
Mảng Nam Cực | 60,9 |
Mảng Ấn-Úc | 47,2 |
Mảng Á-Âu | 67,8 |
Mảng Bắc Mỹ | 75,9 |
Mảng Nam Mỹ | 43,6 |
Mảng Thái Bình Dương | 103,3 |
Lớp ngoài cứng về mặt cơ học của Trái Đất, tức thạch quyển, bị vỡ thành nhiều mảnh được gọi là các mảng kiến tạo. Các mảng này di chuyển tương đối với nhau theo một trong ba kiểu ranh giới mảng: hội tụ khi hai mảng va chạm; tách giãn khi hai mảng đẩy nhau ra xa, chuyển dạng khi các mảng trượt dọc theo các vết đứt gãy.[70] Các trận động đất, hoạt động núi lửa, sự hình thành các dãy núi, và rãnh đại dương đều xuất hiện dọc theo các ranh giới này.[71] Các mảng kiến tạo nằm trên quyển atheno (quyển mềm), phần rắn nhưng kém nhớt của lớp phủ trên có thể chảy và di chuyển cùng các mảng kiến tạo, và chuyển động của chúng gắn chặt với các kiểu đối lưu bên trong lớp phủ Trái Đất.
Khi các mảng kiến tạo di chuyển, đáy đại dương bị hút chìm ở rìa của lục địa hay tại ranh giới hội tụ. Trong khi đó, sự phun trào mácma ở ranh giới phân kỳ tạo ra các rặng núi giữa đại dương. Sự kết hợp của các quá trình này đẩy lớp vỏ ở đại dương trở lại lớp phủ. Bởi quá trình tái chế này, phần lớn đáy đại dương không quá 100 triệu tuổi. Lớp vỏ đại dương già nhất là ở tây Thái Bình Dương và ước chừng khoảng 200 triệu tuổi.[72][73] Bên cạnh đó, lớp vỏ lục địa già nhất khoảng 4030 triệu tuổi.[74]
Các mảng lục địa khác bao gồm mảng Ấn Độ, mảng Ả Rập, mảng Caribe, mảng Nazca ở bờ phía tây Nam Mỹ và mảng Scotia ở nam Đại Tây Dương. Mảng Úc thực chất đã hợp nhất với mảng Ấn Độ trong khoảng từ 50 đến 55 triệu năm trước để tạo thành mảng Ấn-Úc. Các mảng kiến tạo di chuyển nhanh nhất là các mảng đại dương, với mảng Cocos di chuyển với tốc độ 75 mm mỗi năm[75] và mảng Thái Bình Dương di chuyển với tốc độ 52–69 mm mỗi năm. Ở một thái cực khác, mảng di chuyển chậm nhất là mảng Á-Âu, di chuyển với tốc độ bình thường 21 mm một năm.[76]
Bề mặt[sửa]
Địa hình của Trái Đất ở mỗi vùng mỗi khác. Nước bao phủ khoảng 70,8%[77] bề mặt Trái Đất, với phần lớn thềm lục địa ở dưới mực nước biển. Bề mặt dưới mực nước biển hiểm trở bao gồm hệ thống các dãy núi giữa đại dương kéo dài khắp địa cầu, ví dụ như các núi lửa ngầm,[53] các rãnh đại dương, các hẻm núi dưới mặt biển, các cao nguyên đại dương và đồng bằng đáy. Còn lại 29,2% không bị bao phủ bởi nước; bao gồm núi, sa mạc, cao nguyên, đồng bằng và các địa hình khác.
Bề mặt của hành tinh liên tục tự thay đổi theo thời gian dưới tác dụng của các quá trình kiến tạo và xói mòn. Các hình thái của bề mặt được tạo nên và biến dạng bởi các mảng kiến tạo liên tục bị phong hóa bởi giáng thủy, các chu trình nhiệt và các tác nhân hóa học. Sự đóng băng, sự xói mòn bờ biển, sự hình thành của các dải san hô ngầm, và sự va chạm với các mảnh thiên thạch lớn cũng làm thay đổi địa hình.[78]
Lớp vỏ lục địa bao gồm các vật chất có độ đặc thấp hơn như đá macma granit và andesit. Ít phổ biến hơn là bazan, một loại đá núi lửa đặc là thành phần chính của đáy biển.[79] Đá trầm tích được tạo ra do sự tăng số lượng trầm tích và chúng trở nên gắn kết với nhau. Đá trầm tích bao phủ gần 75% bề mặt lục địa, mặc dù chúng chỉ chiếm khoảng 5% lớp vỏ.[80] Loại đá thứ ba được tìm thấy trên Trái Đất là đá biến chất, được tạo ra do sự biến đổi của các loại đá trước đó dưới tác dụng của áp suất cao, nhiệt độ cao, hoặc cả hai. Các khoáng vật silicat ở bề mặt Trái Đất bao gồm thạch anh, felspat, amphibol, mica, pyroxen, olivin.[81] Các khoáng vật cacbonat bao gồm canxit (tìm thấy trong đá vôi), aragonit và dolomit.[82]
Thổ quyển là lớp ngoài cùng nhất của Trái Đất, được cấu tạo bởi đất và chịu tác động của các quá trình hình thành đất. Nó tồn tại cùng thạch quyển, khí quyển, thủy quyển và sinh quyển. Theo số liệu năm 2009, tổng diện tích đất trồng trọt được chiếm 10.57% tổng diện tích đất bề mặt, với chỉ 1.04% sử dụng được cho việc trồng trọt lâu dài.[5] Gần 40% diện tích đất bề mặt đang được sử dụng để trồng trọt hoặc làm đồng cỏ chăn nuôi, ước tính 1.3 Bản mẫu:E km² dùng làm đất trồng và 3,4 Bản mẫu:Ekm² dùng làm đồng cỏ.[83] Độ cao so với mực nước biển của mặt đất thay đổi từ -418 m ở biển Chết tới 8.848 m trên đỉnh Everest và độ cao trung bình trên mặt nước biển là 840 m.[84]
Thủy quyển[sửa]
- Xem chi tiết: Thủy quyển
Nguồn nước dồi dào trên bề mặt đất là đặc điểm độc nhất, giúp phân biệt "Hành tinh xanh" với các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời. Thủy quyển của Trái Đất chủ yếu bao gồm các đại dương, nhưng về lý thuyết nó bao gồm tất cả nước trên bề mặt đất, bao gồm biển nội địa, hồ, sông và mạch nước ngầm ở độ sâu tới 2.000 m. Khu vực sâu nhất dưới đáy biển là "Challenger Deep" thuộc rãnh Mariana ở Thái Bình Dương với độ sâu 10.911,4 m.[note 8][85] Độ sâu trung bình của các đại dương là 3.800 m, lớn hơn 4 lần độ cao trung bình của các lục địa.[84] Khối lượng nước trong các đại dương xấp xỉ 1,35 Bản mẫu:E tấn, hoặc khoảng 1/4400 khối lượng của Trái Đất, và chiếm thể tích 1,386 Bản mẫu:E km³. Nếu tất cả đất trên Trái Đất được trải phẳng ra, mực nước biển sẽ dâng lên cao hơn 2,7 km.[note 9] Khoảng 97,5% nước có chứa muối, còn lại 2,5% là nước ngọt và phần lớn nước ngọt, khoảng 68,7%, đang ở dạng băng.[86]
Khoảng 3,5% tổng khối lượng của các đại dương là muối và phần lớn lượng muối này được đẩy ra từ các hoạt động núi lửa hay tách ra từ đá macma nguội.[87] Các đại dương đều có chứa đầy khí hòa tan trong nước, yếu tố thiết yếu đối với sự sống của các sinh vật biển.[88] Nước biển có ảnh hưởng lớn tới khí hậu của cả thế giới và các đại dương có vai trò như nguồn giữ nhiệt.[89] Sự thay đổi trong phân bố nhiệt đại dương tạo ra sự thay đổi quan trọng về thời tiết, như El Nino.[90]
Khí quyển[sửa]
- Xem chi tiết: Khí quyển
Áp suất khí quyển trung bình tác dụng lên bề mặt Trái Đất là 101,325 kPa ở độ cao 8,5 km.[9] Không khí chứa 78% nitơ và 21% ôxy, còn lại là hơi nước, điôxít cacbon và các phân tử khí khác. Độ cao của tầng đối lưu thay đổi theo vĩ độ vào khoảng 8 km ở các vùng cực và 17 km ở xích đạo, với các sự thay đổi ảnh hưởng bởi các yếu tố mùa và thời tiết.[91]
Sinh quyển của Trái Đất tạo ra các thay đổi khá lớn đối với bầu khí quyển. Sự quang hợp oxy tiến hóa từ 2,7 tỷ năm trước, tạo ra bầu không khí chứa nitơ-oxy tồn tại ngày nay. Sự thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến của các vi sinh vật ưa khí, cũng như việc tầng ôzôn - cùng với từ trường của Trái Đất- đã ngăn chặn các tia phóng xạ, cho phép sự sống tồn tại trên Trái Đất. Các chức năng khác của khí quyển đối với sự sống bao gồm vận chuyển, cung cấp các loại khí hữu dụng, đốt cháy các thiên thạch nhỏ trước khi chúng chạm đất và điều hòa nhiệt độ.[92] Hiện tương cuối cùng được biết dưới cái tên hiệu ứng nhà kính: các phân tử khí thu nhiệt năng tỏa ra từ mặt đất, làm tăng nhiệt độ trung bình. Cacbon dioxit, hơi nước, metan và ozon là các khí nhà kính đầu tiên trong bầu khí quyển của Trái Đất. Nếu không có hiệu ứng duy trì nhiệt này, nhiệt độ trung bình bề mặt sẽ là -18 °C và sự sống sẽ không có khả năng tồn tại.[77]
Thời tiết và khí hậu[sửa]
- Xem chi tiết: Khí hậu
Khí quyển của Trái Đất không có ranh giới xác định, ngày càng trở nên mỏng hơn và loãng vào không gian. Ba phần tư khối lượng của khí quyển tập trung trong khoảng 11 km từ bề mặt hành tinh. Tầng thấp nhất này được gọi là tầng đối lưu, ở đây năng lượng Mặt Trời sẽ đốt nóng nó và bề mặt đất làm không khí giãn nở. Lớp khí mật độ thấp này bay lên trên, và thay thế vào đó là lớp khí lạnh hơn, mật độ dày hơn. Kết quả tạo ra sự lưu thông không khí, cơ chế thay đổi thời tiết và khí hậu thông qua sự phân phối lại nhiệt năng.[93]
Các vành đai lưu thông không khí bao gồm gió mậu dịch ở vùng xích đạo dưới vĩ độ 30° và gió tây hoạt động trong khu vực giữa vĩ độ 30° và 60°.[94] Các hải lưu cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khí hậu, đặc biệt là sự luân chuyển nhiệt muối, phân phối lại nhiệt năng từ các đại dương nằm trên xích đạo về vùng cực.[95]
Hơi nước được sinh ra thông qua việc bốc hơi bề mặt, được vận chuyển bằng chu trình tuần hoàn trong khí quyển. Khi điều kiện không khí cho phép việc đẩy không khí nóng ẩm lên cao thì lượng nước này ngưng tụ và rơi xuống bề mặt gọi là giáng thủy. Phần lớn lượng nước này lại được vận chuyển trở về nơi bốc hơi, thường là các đại dương hoặc các hồ nước, nhờ hệ thống sông ngòi. Vòng tuần hoàn nước là một hiện tượng cần thiết cho sự sống và là yếu tố tham gia vào hiện tượng xói mòn địa hình trong suốt các thời kì địa chất. Các hiện tượng giáng thủy có khác biệt rất lớn, từ vài mét một năm tới chưa đầy một milimét. Sự lưu thông không khí, các đặc điểm địa hình và nhiệt độ khác nhau giúp xác định lượng giáng thủy trung bình ở mỗi vùng.[96]
Trái Đất có thể chia thành các đới có khí hậu đồng nhất theo vĩ độ. Từ xích đạo đến các cực lần lượt có các kiểu khí hậu: nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới, hàn đới (khí hậu vùng cực).[97] Khí hậu cũng có thể chia dựa trên nhiệt độ và lượng giáng thủy, với các vùng khí hậu đặc trưng có không khí đồng nhất. Hệ thống phân loại khí hậu Köppen (sau này được Rudolph Geiger, học trò của Wladimir Köppen, sửa đổi) chia Trái Đất thành 5 nhóm lớn (khí hậu kiểu nhiệt đới/đại nhiệt, khí hậu khô, khí hậu ôn đới/ trung nhiệt, khí hậu lục địa/ tiểu nhiệt, khí hậu vùng cực), sau đó lại được chia nhỏ hơn nữa.[94]
Tầng khí quyển trên[sửa]
Phía trên tầng đối lưu, bầu không khí được chia thành tầng bình lưu, tầng trung lưu và tầng nhiệt. Mỗi tầng có một tỉ lệ giảm nhiệt độ theo độ cao khác nhau. Phía trên các tầng này, có tầng ngoài mỏng dần đi vào từ quyển. Đây là nơi từ trường của Trái Đất tương tác với gió Mặt Trời.[98] Một bộ phận của bầu khí quyển quan trọng cho sự sống là tầng ôzôn, một bộ phận của tầng bình lưu cản các tia cực tím. Đường Kármán nằm ở độ cao 100 km so với bề mặt Trái Đất là ranh giới giữa khí quyển và không gian.[99]
Dựa trên nhiệt năng, một số phân tử ở rìa ngoài khí quyển của Trái Đất có thể tự tăng tốc độ đến mức chúng có thể thoát khỏi lực hút của Trái Đất. Quá trình này diễn ra chậm nhưng không khí vẫn dần dần thoát vào không gian. Bởi hiđrô có khối lượng phân tử thấp, nên chúng có thể dễ dàng đạt tới vận tốc vũ trụ cấp 2 và chúng có tỉ lệ thoát vào không gian cao hơn hẳn các loại khí khác.[100] Quá trình rò rỉ hiđrô vào không gian là một yếu tố tham gia vào việc đẩy Trái Đất từ trạng thái khử lúc đầu sang trạng thái ôxi hóa hiện tại. Sự quang hợp là quá trình cung cấp ôxy tự do, nhưng người ta tin rằng sự biến mất của các chất khử như hiđrô là điều kiện cần thiết cho quá trình tăng lượng ôxy trong bầu khí quyển.[101] Quá trình hiđrô thoát khỏi khí quyển Trái Đất có thể đã ảnh hưởng giúp cho sự sống phát triển trên hành tinh.[102] Trong khí quyển giàu ôxy hiện tại, phần lớn hiđrô bị chuyển thành dạng nước trước khi chúng kịp thoát khỏi bầu khí quyển. Thay vào đó, phần lớn lượng hiđrô mất đi là từ sự phân hủy khí mêtan trong tầng thượng khí quyển.[103]
Từ trường[sửa]
- Xem chi tiết: Từ trường Trái Đất
Từ trường của Trái Đất có hình dạng gần giống như một lưỡng cực từ, với các cực từ gần trùng với các địa cực của Trái Đất. Theo thuyết dynamo, từ trường Trái Đất được tạo ra trong vùng lõi ngoài nóng chảy của Trái Đất, nơi mà nhiệt lượng tạo ra các chuyển động đối lưu của các vật chất dẫn điện, tạo ra dòng điện. Các dòng điện này đến lượt mình tạo ra từ trường. Các chuyển động đối lưu trong lõi rất lộn xộn, chuyển hướng theo chu kỳ. Hiện tượng này là nguyên nhân của hiện tương đảo cực địa từ diễn ra định kì một vài lần trong mỗi triệu năm. Sự đảo cực quan sát rõ trong địa tầng gần đây nhất, xảy ra vào giữa Kỷ Đệ tứ, 781000 năm trước, là Đảo ngược Brunhes-Matuyama.[104] Sự đảo cực ngắn gần đây nhất là sự kiện Laschamp xảy ra 41.000 năm trước, trong thời kỳ băng hà cuối cùng, trong đó thời gian đảo cực dài cỡ 440 năm.[105][106][107]
Từ trường tạo từ quyển làm lệch hướng các điện tử của gió Mặt Trời. "Sốc hình cung" hướng về phía Mặt Trời nằm ở khoảng cách gấp 13 lần bán kính Trái Đất. Sự va chạm giữa từ trường Trái Đất và gió Mặt Trời tạo ra vành đai bức xạ Van Allen, một cặp những vùng tích điện dạng vòng cung đồng tâm hình đế hoa. Khi thể plasma xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất ở các cực, chúng tạo ra cực quang.[108]
Quỹ đạo và chuyển động tự quay[sửa]
Chuyển động tự quay[sửa]
Đọc thêm: Tương tác hấp dẫn
Chu kỳ tự quay của Trái Đất tương đối với Mặt Trời – một ngày Mặt Trời trung bình - vào khoảng 86.400 giây Mặt Trời trung bình. Mỗi giây này dài hơn một giây thuộc hệ SI một chút bởi ngày Mặt Trời hiện nay của Trái Đất dài hơn so với thế kỉ 19 do gia tốc thủy triều.[109]
Chu kỳ tự quay của Trái Đất xét từ các định tinh, được IERS gọi là ngày định tinh, dài 86.164,098903691 giây thời gian Mặt Trời trung bình (UT1) hay 23h 56m 4,098903691s.[110][111] Chu kì Trái Đất tự quay xét theo tuế sai hay chuyển động của xuân phân trung bình, bị đặt tên sai là năm thiên văn, dài 86.164,09053083288 giây Mặt Trời trung bình (UT1) hay 23h 56m 4,09053083288s.[110] Vì thế ngày thiên văn ngắn hơn ngày định tinh khoảng 8,4 ms.[112] Độ dài của ngày Mặt Trời trung bình tính theo giây hệ SI có sẵn tại IERS cho các giai đoạn từ 1623-2005.[113] và 1962-2005.[114]
Ngoài các thiên thạch trong khí quyển và các vệ tinh quỹ đạo thấp thì chuyển động biểu kiến chính của các thiên thể trên bầu trời Trái Đất là sang phía Tây với tốc độ 15° một giờ hay 15’ một phút. Điều này tương đương với đường kính biểu kiến của Mặt Trời và Mặt Trăng sau mỗi hai phút; kích thước góc của Mặt Trời và Mặt Trăng nhìn từ Trái Đất là gần như bằng nhau.[115][116]
Quỹ đạo[sửa]
Trái Đất quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trời với khoảng cách trung bình 150 triệu km hết 365,2564 ngày Mặt Trời trung bình (1 năm thiên văn, số liệu đo được đến năm 2006)[cần dẫn nguồn][xem thảo luận]. Vì thế từ Trái Đất nó tạo ra chuyển động biểu kiến của Mặt Trời thể hiện bằng sự thay đổi vị trí tương đối so với các ngôi sao, với vận tốc góc khoảng 1°/ngày, hay một khoảng cách bằng đường kính góc của Mặt Trăng hay Mặt Trời cứ sau mỗi 12 giờ về phía đông. Vì chuyển động này, trung bình nó mất 24 giờ - một ngày Mặt Trời - để Trái Đất hoàn thành một vòng tự quay quanh trục sao cho Mặt Trời lại trở lại đường Tý Ngọ (kinh tuyến thiên cầu). Vận tốc quỹ đạo của Trái Đất khoảng 30 km/s, đủ để đi hết quãng đường bằng đường kính Trái Đất (~12.700 km) trong 7 phút, hay khoảng cách đến Mặt Trăng (384.000 km) trong 4 giờ.[117]
Mặt Trăng quay cùng Trái Đất một vòng quanh tâm khối chung hết 27,32 ngày so với các ngôi sao trên nền. Khi kết hợp với chu kỳ quay quanh Mặt Trời của hệ Trái Đất-Mặt Trăng thì thời gian của một tháng giao hội từ sóc này tới sóc kế tiếp là 29,53 ngày. Quan sát từ cực Bắc thiên cầu, chuyển động của Trái Đất, Mặt Trăng và sự tự quay quanh trục của chúng là ngược chiều kim đồng hồ. Nhìn từ một điểm cao thuận lợi trên cực Bắc của cả Trái Đất và Mặt Trời, Trái Đất dường như quay quanh Mặt Trời theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Mặt phẳng quỹ đạo và mặt phẳng trục không vuông góc với nhau: trục Trái Đất nghiêng một góc khoảng 23,5° so với đường thẳng vuông góc với mặt phẳng Trái Đất-Mặt Trời và mặt phẳng Trái Đất-Mặt Trăng nghiêng khoảng 5 độ so với mặt phẳng Trái Đất-Mặt Trời. Nếu không có độ nghiêng như vậy thì cứ hai tuần lại có hiện tượng thực với nhật thực và nguyệt thực xen kẽ nhau.[117][118]
Quyển Hill (đặt theo tên nhà thiên văn học người Mỹ George William Hill) là quyển (vùng không gian) tầm ảnh hưởng của lực hấp dẫn của Trái Đất, có bán kính khoảng 1,5 Gm (hay 1.500.000 km).[119][note 10] Đây là khoảng cách lớn nhất mà lực hấp dẫn của Trái Đất có thể thắng được lực hấp dẫn của Mặt Trời và các hành tinh khác. Các vật thể phải quay quanh Trái Đất trong khu vực này, hoặc chúng không bị trói buộc bởi lực hấp dẫn của Mặt Trời.
Trái Đất, cũng như toàn bộ hệ Mặt Trời nằm trong dải Ngân Hà, quay quanh tâm của Ngân Hà với khoảng cách 25.000-28.000 năm ánh sáng, với vận tốc khoảng 220 km/s, với chu kỳ khoảng 225-250 triệu năm. Hiện nay nó nằm ở vị trí cách phía trên mặt phẳng xích đạo của Ngân Hà khoảng 20 năm ánh sáng, trong nhánh xoắn ốc Orion.[120]
Độ nghiêng trục và các mùa[sửa]
- Xem chi tiết: Độ nghiêng trục quay
Do độ nghiêng trục quay của Trái Đất, lượng ánh sáng Mặt Trời chạm tới một điểm cho trước trên bề mặt thay đổi liên tục trong một năm. Kết quả là tạo ra hiện tượng mùa, với mùa hè xuất hiện ở Bắc bán cầu khi cực Bắc hướng về phía Mặt Trời trong khi mùa đông xuất hiện ở cực Nam. Trong suốt mùa hè, ngày dài hơn và Mặt Trời lên cao hơn. Vào mùa đông, khí hậu trở nên lạnh hơn và ngày ngắn hơn. Trên vòng Bắc cực, hiện tượng cực điểm xảy ra khi không có ánh sáng ban ngày trong suốt một khoảng thời gian trong năm - một ban đêm vùng cực. Ở Nam bán cầu hiện tượng xảy ra theo trật tự nghịch đảo chính xác, do cực Nam luôn luôn ngược hướng với cực Bắc.
Theo các quy ước thiên văn học, bốn mùa được xác định bởi các điểm chí- các điểm trên quỹ đạo mà trục tự quay của Trái Đất tạo thành góc có các giá trị cực trị (cực đại hay cực tiểu) khi so với đường thẳng về phía Mặt Trời - và các điểm phân, khi hướng của trục và hướng về phía Mặt Trời là vuông góc với nhau. Tại Bắc bán cầu, đông chí diễn ra vào khoảng ngày 21 tháng 12, hạ chí diễn ra vào khoảng ngày 21 tháng 6, xuân phân xảy ra vào khoảng ngày 20 tháng 3 và thu phân diễn ra vào khoảng ngày 23 tháng 9.[121]
Góc nghiêng của trục Trái Đất (so với mặt phẳng hoàng đạo) là tương đối ổn định theo thời gian. Nhưng sự nghiêng của trục chịu sự tác động của chương động; một chuyển động không đều rất nhỏ với chu kỳ 18,6 năm. Hướng của trục Trái Đất (chứ không phải góc nghiêng) cũng thay đổi theo thời gian, tuế sai quay một vòng tròn kín với chu kỳ hơn 25.800 năm; tuế sai này là nguyên nhân cho sự khác biệt giữa năm thiên văn và năm chí tuyến. Tất cả các chuyển động này đều được tạo ra do lực hấp dẫn thay đổi của Mặt Trăng và Mặt Trời tác dụng lên phần lồi ra tại xích đạo của Trái Đất. Từ điểm nhìn của Trái Đất, các cực cũng di chuyển vài mét trên bề mặt. Chuyển động của các cực có nhiều thành phần có chu kỳ và phức tạp, được gọi chung là "chuyển động tựa chu kỳ". Ngoài thành phần hàng năm của chuyển động này, có một chu kỳ 14 tháng được gọi là dao động Chandler. Vận tốc tự quay của Trái Đất cũng thay đổi theo một hiện tượng được biết dưới tên gọi sự thay đổi độ dài của ngày.[122]
Trong kỷ nguyên J2000, điểm cận nhật của Trái Đất diễn ra vào 3 tháng 1, và điểm viễn nhật diễn ra vào 4 tháng 7. Nhưng, những thời điểm này thay đổi theo thời gian do tuế sai và các yếu tố quỹ đạo quay khác thay đổi theo một chu kỳ gọi là chu kỳ Milankovitch. Sự thay đổi khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất tạo ra sự tăng thêm khoảng 6,9% năng lượng Mặt Trời chạm tới Trái Đất tại điểm cận nhật so với điểm viễn nhật. Do Nam bán cầu hướng vế phía Mặt Trời vào khoảng xung quanh thời điểm khi Trái Đất gần Mặt Trời nhất, nên bán cầu này nhận được nhiều năng lượng hơn so với lượng năng lượng mà Bắc bán cầu nhận được trong hành trình cả năm. Nhưng, hiệu ứng này là nhỏ hơn rất nhiều so với thay đổi năng lượng tổng cộng do độ nghiêng trục quay và phần lớn năng lượng dư này được hấp thụ bởi tỷ lệ nước cao hơn ở Nam bán cầu.[123]
Mặt Trăng[sửa]
- Xem chi tiết: Mặt Trăng
Mặt Trăng là một vệ tinh đất đá tương đối lớn, tương tự như các hành tinh, có đường kính bằng khoảng 1/4 đường kính Trái Đất. Mặt Trăng là vệ tinh có kích thước lớn nhất, khi tính tương đối so với kích thước hành tinh nó quay quanh.
Lực hấp dẫn giữa Trái Đất và Mặt Trăng sinh ra thủy triều trên Trái Đất. Hiệu ứng tương tự trên Mặt Trăng dẫn đến khóa thủy triều của nó: chu kỳ tự quay của Mặt Trăng bằng với chu kỳ quay quanh Trái Đất. Kết quả là nó luôn luôn hướng một mặt về hướng Trái Đất. Khi Mặt Trăng quay quanh Trái Đất, các phần khác nhau trên bề mặt của nó được Mặt Trời chiếu sáng, nên có các pha của Mặt Trăng: phần sẫm trên bề mặt được phân cách với phần sáng bằng đường phân cách Mặt Trời.
Do sự tương tác thủy triều, Mặt Trăng ngày càng cách xa Trái Đất với tốc độ trung bình 38 mm mỗi năm. Trong suốt vài triệu năm, những sự thay đổi nhỏ này – và sự dài ra của ngày trên Trái Đất vào khoảng 23 µs một năm - đã tạo ra những sự thay đổi đáng kể.[124] Chẳng hạn, trong suốt kỷ Devon (vào khoảng 410 triệu năm trước) có 400 ngày trong một năm, với mỗi ngày kéo dài trong 21,8 giờ.[125]
Mặt Trăng tác động lên sự sống thông qua việc điều hòa khí hậu. Các chứng cứ hóa thạch và giả lập máy tính chỉ ra rằng độ nghiêng trục của Trái Đất được ổn định bởi tương tác thủy triều với Mặt Trăng.[126] Một số người cho rằng nếu không có sự ổn định này để chống lại các mômen xoắn do tác động của Mặt Trời và các hành tinh khác tới Trái Đất thì trục tự quay của Trái Đất có thể đã không ổn định và hỗn loạn, giống như trên Sao Hỏa.[127] Nếu trục tự quay của Trái Đất gần với mặt phẳng quỹ đạo, khí hậu Trái Đất có lẽ sẽ cực kỳ khắc nghiệt do tạo ra sự sai biệt theo mùa cực lớn. Một cực sẽ gần như hướng thẳng tới Mặt Trời và luôn trong mùa hè và cực kia luôn luôn trong mùa đông. Các nhà hành tinh học cho rằng khi đó phần lớn các loại hình sự sống cao cấp sẽ bị hủy diệt.[128] Điều này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và các nghiên cứu tiếp theo về Sao Hỏa - giống với Trái Đất về chu kỳ tự quay và độ nghiêng trục, nhưng không có vệ tinh đủ lớn hay lõi lỏng - có thể cung cấp các thông tin bổ sung.
Mặt Trăng là vừa đủ xa để khi nhìn từ Trái Đất, có kính thước góc biểu kiến giống như Mặt Trời (Mặt Trời lớn hơn 400 lần, nhưng Mặt Trăng thì lại gần hơn 400 lần).[116] Điều này cho phép có hiện tượng nhật thực toàn phần cũng như nhật thực hình khuyên diễn ra trên Trái Đất.
Giả thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc của Mặt Trăng cho rằng nó được tạo thành sau va đập của một tiền hành tinh, gọi là Theia có kích thước cỡ Sao Hỏa, với Trái Đất ở thời kỳ đầu. Giả thuyết này giải thích sự thiếu vắng sắt và các nguyên tố dễ bay hơi khác trên Mặt Trăng, và sự giống nhau giữa các thành phần đất của lớp vỏ Trái Đất cũng như Mặt Trăng.[129]
Trái Đất có tối thiểu là 2 tiểu hành tinh đồng quỹ đạo là 3753 Cruithne và 2002 AA29.[130]
Sự sống[sửa]
Hiện nay, Trái Đất là ví dụ duy nhất về một môi trường cho phép duy trì sự tiến hóa.[131] Trái Đất cung cấp các điều kiện cần thiết như nước, một môi trường mà các phân tử hữu cơ phức tạp có thể tổng hợp được, năng lượng vừa đủ cho quá trình trao đổi chất.[132] Khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời, độ lêch tâm của quỹ đạo quay, tỉ số quay, độ nghiêng trục quay, lịch sử địa chất Trái Đất, bầu không khí ổn định và từ trường bảo vệ tất cả đều là những điều kiện cần thiết để hình thành và duy trì sự sống trên hành tinh này.[133]
Sinh quyển[sửa]
- Xem chi tiết: sinh quyển
Các dạng sự sống trên hành tinh đôi khi được nói đến như là "sinh quyển". Người ta nói chung cho rằng sinh quyển Trái Đất bắt đầu tiến hóa cách đây khoảng 3,5 tỷ năm. Trái Đất là nơi duy nhất đã biết có sự sống tồn tại. Các nhà khoa học cho rằng một sinh quyển như ở Trái Đất là rất hiếm.[134]
Sinh quyển được phân chia thành một số quần xã sinh vật, bao gồm các hệ thực vật và hệ động vật tương đối giống nhau sinh sống. Các quần xã sinh vật được phân chia chủ yếu theo vĩ độ và theo độ cao trên mực nước biển. Các quần xã sinh vật nằm trong phạm vi vòng Bắc cực và vòng Nam cực là tương đối hiếm về thực vật và động vật, trong khi phần lớn các quần xã sinh vật phong phú về chủng loại nhất nằm gần đường xích đạo.[135]
Sinh quyển của Trái Đất tạo ra các thay đổi khá lớn đối với bầu khí quyển và, ngược lại, cũng nhờ có bầu khí quyển mà có những bước phát triển đáng kể. Sự quang hợp sinh ôxy tiến triển từ 2,7 tỷ năm trước đã tạo ra bầu không khí chứa nitơ-ôxy tồn tại như ngày nay. Sự thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến của các vi sinh vật hiếu khí, cũng như việc tầng ôzôn - cùng với từ trường của Trái Đất- đã ngăn chặn các tia phóng xạ, cho phép sự sống tồn tại trên Trái Đất. Các chức năng khác của khí quyển đối với sự sống bao gồm vận chuyển, cung cấp các loại khí hữu dụng, đốt cháy các thiên thạch nhỏ trước khi chúng va chạm với mặt đất và điều hòa nhiệt độ.[136] Hiện tượng cuối cùng được biết dưới cái tên hiệu ứng nhà kính: các phân tử khí thu nhiệt năng tỏa ra từ mặt đất, làm tăng nhiệt độ trung bình. Điôxít cacbon, hơi nước, mêtan và ôzôn là các khí nhà kính đầu tiên trong bầu khí quyển của Trái Đất. Nếu không có hiệu ứng duy trì nhiệt này, nhiệt độ trung bình bề mặt sẽ là -18 °C và sự sống sẽ không có khả năng tồn tại.[77]
Con người[sửa]
Địa lý con người[sửa]
Trái Đất là nơi sinh sống của hơn 6.740.000.000 người tính đến tháng 11 năm 2008,[137] và các dự án nghiên cứu chỉ ra rằng dân số thế giới sẽ đạt tới 7 tỷ vào năm 2013 và 9,2 tỷ vào năm 2050.[138] Phần lớn sự gia tăng này diễn ra ở các nước đang phát triển. Mật độ dân số rất đa dạng ở khắp nơi trên thế giới, nhưng phần lớn sống ở châu Á. Năm 2020, 60% dân số thế giới sẽ sống ở các thành thị thay vì nông thôn.[139]
Ước tính rằng chỉ có một phần tám bề mặt Trái Đất thích hợp cho con người sinh sống - ba phần tư bề mặt bị bao phủ bởi nước, và một nửa diện tích đất hoặc là sa mạc (14 %),[140] hoặc là núi cao (27%),[141] hoặc các địa hình không phù hợp khác. Điểm tận cùng ở cực bắc có thể sống lâu dài là Alert, trên đảo Ellesmere ở Nunavut, Canada[142] (82°28' vĩ bắc). Điểm tận cùng ở cực nam là trạm Nam Cực Amundsen-Scott, gần như trùng Nam cực(90° vĩ nam).
Các quốc gia độc lập đã tuyên bố chủ quyền với tất cả đất trên bề mặt, ngoại trừ một vài phần ở châu Nam Cực. Tính đến năm 2007 có 201 nhà nước có chủ quyền, bao gồm 192 thành viên của Liên Hợp Quốc. Thêm vào đó, có 59 lãnh thổ phụ thuộc và một số vùng tự trị, các lãnh thổ đang tranh chấp hoặc các chính thể khác. Trong lịch sử, Trái Đất chưa bao giờ là một chính thể có chủ quyền với quyền lực bao trùm cả thế giới, dù một số quốc gia đã chiếm được vị trí thống trị và rồi sụp đổ.[143]
Liên Hợp Quốc là một tổ chức quốc tế với quy mô toàn thế giới, được thành lập nhằm can thiệp vào các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia, ngăn chặn những cuộc xung đột vũ trang.[144] Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc chưa bao giờ là một chính thể toàn thế giới. Trong khi Liên Hợp Quốc tạo ra một cơ chế cho luật quốc tế và khi có sự đồng ý của các thành viên, tham gia can thiệp vũ trang,[145] thì nó chủ yếu phục vụ như là một diễn đàn cho ngoại giao quốc tế.
Người đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất là Yuri Alekseyevich Gagarin vào ngày 12 tháng 4 năm 1961.[146] Tính đến năm 2004, tổng cộng đã có khoảng 400 người đã du hành vào không gian và tham gia bay vòng quanh Trái Đất, trong đó có 12 người đã đặt chân lên Mặt Trăng.[147][148][149] Thông thường, chỉ có vài người sống trong không gian đó là những người làm việc tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Phi hành đoàn của trạm gồm 6 người được thay thế liên tục sau mỗi 6 tháng.[150] Con người đi xa nhất khỏi Trái Đất vào năm 1970, khi phi hành đoàn của tàu Apollo 13 ở cách Trái Đất 400.171 km.[151][152]
Con người với Trái Đất[sửa]
Cách sử dụng đất | Tỉ lệ phần trăm |
---|---|
Đất trồng được: | 10.57%[153] |
Đất trồng cây lâu năm: | 1.04%[153] |
Trái Đất cung cấp những tài nguyên có thể được con người sử dụng cho nhiều mục đích. Một vài trong số đó là những nguồn tài nguyên không tái tạo và rất khó tạo ra trong một thời gian ngắn như các loại nhiên liệu hóa thạch.
Các nguồn nhiên liệu hóa thạch lớn được lấy từ lớp vỏ Trái Đất, bao gồm than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên và metan hydrat. Các loại nhiên liệu này được sử dụng để tạo ra năng lượng và làm nguồn nguyên liệu sản xuất các chất hóa học. Quặng khoáng sản được hình thành trong lớp vỏ Trái Đất thông qua quá trình hình thành quặng, tạo ra từ các hoạt động xói mòn và kiến tạo mảng.[154] Các dạng quặng này tập trung nhiều kim loại cũng như các nguyên tố hữu dụng khác.
Sinh quyển Trái Đất tạo ra các sản phẩm sinh học có ích cho con người bao gồm thức ăn, gỗ, dược phẩm, khí ôxy và tái chế nhiều chất thải hữu cơ. Hệ sinh thái lục địa phụ thuộc vào tầng đất mặt và nước sạch còn hệ sinh thái đại dương dựa vào các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước được rửa trôi từ đất liền ra.[155] Con người cũng sống trên đất bằng cách sử dụng các vật liệu xây dựng để kiến thiết nhà cửa. Tổng diện tích đất được tưới tiêu vào năm 2005 là 2.770.980 km².[153]
Cuộc sống của con người cũng chịu những tác động xấu từ các dạng thời tiết chu kì như bão, áp thấp nhiệt đới hay các biến động bất thường như động đất, lở đất, sóng thần, phun trào núi lửa, lốc xoáy, sụt đất, bão tuyết, lũ lụt, hạn hán và các thảm họa thiên tai khác.
Con người cũng là thủ phạm của nhiều xáo trộn tiêu cực cho Trái Đất, nhiều trong số đó ảnh hưởng lại chính con người: sự ô nhiễm không khí và nguồn nước, mưa axít và các chất độc hại khác, sự biến mất của thảm thực vật (chăn thả quá mức, nạn chặt phá rừng, sa mạc hóa) và của động vật hoang dã (tuyệt chủng loài), hiện tượng bạc màu đất, sự mất đất, sự xói mòn và sự xuất hiện của các sinh vật xâm hại.
Người ta đồng ý rằng có một mối liên hệ giữa các hoạt động của con người với hiện tượng nóng lên toàn cầu do sự phát thải khí điôxít cacbon trong các hoạt động công nghiệp. Hiện tượng này làm tan băng, gia tăng các dải nhiệt độ khắc nghiệt, biến đổi khí hậu lớn và mực nước biển dâng cao.[156]
Quan điểm văn hóa[sửa]
Ký hiệu thiên văn tiêu chuẩn cho Trái Đất là một hình chữ thập có đường tròn bao quanh.[157]
Trái Đất thường được nhân cách hóa như một vị thần, thường là một nữ thần. Trong nhiều nền văn hóa, nữ thần Mẹ hay Mẹ Trái Đất tượng trưng cho một vị thần sinh sôi nảy nở. Các thần thoại về sự sáng thế trong nhiều tôn giáo gợi nhớ về câu truyện tạo ra Trái Đất của một vị thần/các vị thần siêu nhiên. Các nhóm tôn giáo khác nhau, thường gắn với các nhánh chính thống của Tin Lành[158] hay Hồi giáo,[159] khẳng định rằng các giải thích của họ về thần thoại sáng thế trong các kinh sách là sự thật và nên được xem xét cùng với hay thay thế cho các miêu tả khoa học thông thường về sự hình thành Trái Đất cũng như nguồn gốc và phát triển của sự sống.[160] Cộng đồng các nhà khoa học[161][162] và một số nhóm tôn giáo khác đã bác bỏ khẳng định này.[163][164][165] Ví dụ nổi bật nhất là tranh luận sáng thế-tiến hóa.
Trong quá khứ, có nhiều mức độ niềm tin khác nhau vào một Trái Đất phẳng,[166] nhưng nó đã được thay thế bằng khái niệm Trái Đất cầu nhờ các quan sát và các chuyến đi vòng quanh Trái Đất.[167] Hình ảnh của Trái Đất dưới cách nhìn của con người đã thay đổi với sự ra đời của các chuyến bay của tàu vũ trụ, và giờ đây con người xem xét sinh quyển dưới một góc nhìn tổng thể toàn cầu.[168][169] Nó được phản ánh qua phong trào môi trường đang lên, quan tâm tới ảnh hưởng của nhân loại lên hành tinh xanh này.[170]
Xem thêm[sửa]
Chú thích[sửa]
- ↑ Tất cả các đại lượng thiên văn đều liên tục thay đổi. Các đại lượng dưới đây được xác định vào kỷ nguyên J2000.0, loại bỏ tất cả các thay đổi định kỳ.
- ↑ Vào năm 2007, hơi nước được phát hiện thấy trong lớp không khí xung quanh một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, và nó là một hành tinh khí khổng lồ. Xem: Tinetti, G. et al. (tháng 7 năm 2007). "Water vapour in the atmosphere of a transiting extrasolar planet". tờ Nature tập 448: 169–171. doi:10.1038/nature06002. http://www.nature.com/nature/journal/v448/n7150/abs/nature06002.html.
- ↑ Số ngày trong dương lịc nhỏ hơn một chút so với số ngày trong năm thiên văn do chuyển động quay của Trái Đất quanh Mặt Trời tạo ra thêm một chuyển động quay của Trái Đất quanh trục.
- ↑ Bài viết này là bản dịch một phần bài viết "Petrology" trong Encyclopædia Britannica, phiên bản 11, một ấn phẩm hiện nay thuộc phạm vi cộng đồng.
- ↑ Phụ thuộc vào từng khu vực thay đổi trong khoảng 5 và 200 km.
- ↑ Phụ thuộc vào từng khu vực thay đổi trong khoảng 5 và 70 km.
- ↑ tính cả mảng Somali, mảng này đang trong quá trình tách khỏi mảng châu Phi. Xem: Chorowicz, Jean (October năm 2005). "The East African rift system". Tờ Journal of African Earth Sciences 43 (1–3): trang 379–410. doi:10.1016/j.jafrearsci.2005.07.019.
- ↑ Số liệu này được đo bởi tàu Kaikō vào tháng 3 năm 1995 và người ta tin rằng đây là con số chính xác nhất từng được đo. Xem bài (tiếng Anh) để biết thêm thông tin chi tiết.
- ↑ Tổng thể tích của tất cả các đại dương trên thế giới là: 1.4Bản mẫu:E km3. Tổng diện tích bề mặt Trái Đất là 5.1Bản mẫu:Ekm². Nên, theo phép tính xấp xỉ, độ sâu trung bình là tỉ số giữa hai đại lượng trên hay 2.7 km.
-
↑
Đối
với
Trái
Đất,
bán
kính
của
quyển
Hill
là:
- ,
- .
Tham khảo[sửa]
- ↑ 1,0 1,1 Bản mẫu:Cite conference
- ↑ Cazenave, Anny (năm 1995). Ahrens, Thomas J. Global earth physics a handbook of physical constants (PDF) (bằng tiếng Anh), Washington, DC: American Geophysical Union. ISBN 0-87590-851-9. Địa chỉ URL được truy nhập ngày 2008-08-03.
- ↑ Nhiều tác giả (năm 2000). David R. Lide Handbook of Chemistry and Physics, tái bản lần 81 (bằng tiếng Anh), CRC. ISBN 0849304814.
- ↑ Pidwirny, Michael (2006-02-02) (in tiếng Anh). Surface area of our planet covered by oceans and continents.(Table 8o-1). Đại học British Columbia, Okanagan. http://www.physicalgeography.net/fundamentals/8o.html. Retrieved 2007-11-26.
- ↑ 5,0 5,1 Staff (24 tháng 7 năm 2008). “World” (bằng tiếng Anh). The World Factbook. Central Intelligence Agency. Truy cập 5 tháng 8 năm 2008.
- ↑ Do sự thay đổi liên tục của tự nhiên, cũng như sự mập mờ xung quanh các mặt băng, "and mapping conventions for vertical datums", con số chính xác về diện tích bao phủ của nước và đất là không cần thiết. Dựa trên các thông tin từ "Vector Map" và http://www-gem.jrc.it/ Global Landcover], các hồ nước và hơi nước che phủ tôi đa 0,6% và 1,0% bề mặt Trái Đất. Chú ý rằng lớp băng của Nam cực đảo Greenland được tính như mặt đất, dù phần lớn phần đá của chúng nằm dưới mực nước biển.
- ↑ Yoder, C. F. (1995) p. 12.
- ↑ Allen, Clabon Walter; Cox, Arthur N. (năm 2000). Allen's Astrophysical Quantities (bằng tiếng Anh), 296, Springer. ISBN 0387987460.
- ↑ 9,0 9,1 9,2 Williams, David R. (1 tháng 9 năm 2004). “Earth Fact Sheet” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập 17 tháng 3 năm 2007.
- ↑ May, Robert M. (1988). "Có bao nhiêu loài sinh vật trên Trái Đất?-How many species are there on earth?" (tiếng Anh). Tờ Science tập 241 (số 4872): trang 1441–1449. doi: . PMID 17790039. http://adsabs.harvard.edu/abs/1988Sci...241.1441M. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2007.
- ↑ 11,0 11,1 Dalrymple, G.B. (1991) (tiếng Anh). Tuổi của Trái Đất-The Age of the Earth. California: Stanford University Press. ISBN 0-8047-1569-6.
- ↑ 12,0 12,1 Newman, William L. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Age of the Earth” (bằng tiếng Anh). USGS. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 13,0 13,1 Dalrymple, G. Brent (2001). "The age of the Earth in the twentieth century: a problem (mostly) solved" (tiếng Anh). Tờ Geological Society, London, Special Publications tập 190: trang 205–221. doi:. http://sp.lyellcollection.org/cgi/content/abstract/190/1/205. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2007.
- ↑ 14,0 14,1 Stassen, Chris (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “The Age of the Earth” (bằng tiếng Anh). trang web TalkOrigins Archive. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Harrison, Roy M.; Hester, Ronald E. (2002) (tiếng Anh). Causes and Environmental Implications of Increased UV-B Radiation. Royal Society of Chemistry. ISBN 0854042652.
- ↑ 16,0 16,1 Carrington, Damian. “Date set for desert Earth”, BBC News, ngày 21 tháng 2 năm 2000. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2007. (Viết bằng tiếng Anh.)
- ↑ Sao Hỏa là hành tinh giống Trái Đất nhất trong Hệ Mặt Trời.
- ↑ Trái Đất là một hành tinh có nước và không khí.
- ↑ Yoder Charles F. (1995:8).
- ↑ Bowring, S. (1995). "The Earth's early evolution" (tiếng Anh). Tờ Science tập 269: trang 1535. doi: . PMID 7667634.
- ↑ Yin, Qingzhu; Jacobsen, S. B.; Yamashita, K.; Blichert-Toft, J.; Télouk, P.; Albarède, F. (2002). "A short timescale for terrestrial planet formation from Hf-W chronometry of meteorites" (tiếng Anh). Tờ Nature tập 418 (số 6901): trang 949–952. doi: .
- ↑ Kleine, Thorsten; Palme, Herbert; Mezger, Klaus; Halliday, Alex N. (ngày 24 tháng 11 năm 2005). "Hf-W Chronometry of Lunar Metals and the Age and Early Differentiation of the Moon" (tiếng Anh). Tờ Science tập 310 (số 5754): trang 1671–1674. doi: .
- ↑ Bản mẫu:Cite conference
- ↑ Morbidelli, A.; Chambers, J.; Lunine, J. I.; Petit, J. M.; Robert, F.; Valsecchi, G. B.; Cyr, K. E. (2000). "Source regions and time scales for the delivery of water to Earth" (tiếng Anh). Meteoritics & Planetary Science tập 35 (số 6): trang 1309–1320. http://adsabs.harvard.edu/abs/2000M&PS...35.1309M. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Rogers, John James William; Santosh, M. (2004) (tiếng Anh). Continents and Supercontinents. Oxford University Press US. trang 48. ISBN 0195165896.
- ↑ Hurley, P.M.; Rand, J.R. (1969). "Pre-drift continental nuclei" (tiếng Anh). Tờ Science tập 164: trang 1229–1242. doi: . PMID 17772560.
- ↑ Armstrong, R.L. (1968). "A model for the evolution of strontium and lead isotopes in a dynamic earth" (tiếng Anh). Rev. Geophys. tập 6: trang 175–199. doi: .
- ↑ De Smet, J (2000). "Early formation and long-term stability of continents resulting from decompression melting in a convecting mantle" (tiếng Anh). Tờ Tectonophysics tập 322: trang 19. doi: .
- ↑ Harrison, Tm; Blichert-Toft, J; Müller, W; Albarede, F; Holden, P; Mojzsis, Sj (2005). "Heterogeneous Hadean hafnium: evidence of continental crust at 4.4 to 4.5 ga." (tiếng Anh). Science (New York, N.Y.) tập 310 (số 5756): trang 1947–50. doi: . PMID 16293721.
- ↑ Hong, D (2004). "Continental crustal growth and the supercontinental cycle: evidence from the Central Asian Orogenic Belt" (tiếng Anh). Journal of Asian Earth Sciences tập 23: trang 799. doi: .
- ↑ Armstrong, R.L. (1991). "The persistent myth of crustal growth" (tiếng Anh). Tờ Australian Journal of Earth Sciences tập 38: trang 613–630. doi: .
- ↑ Murphy, J. B.; Nance, R. D. (1965). "How do supercontinents assemble?" (tiếng Anh). Tờ American Scientist tập 92: trang 324–33. doi:. http://web.archive.org/web/20040805211501/http://scienceweek.com/2004/sa040730-5.htm. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Purves, William Kirkwood; Sadava, David; Orians, Gordon H.; Heller, Craig (năm 2001). Life, the Science of Biology: The Science of Biology (bằng tiếng Anh), Macmillan. ISBN 0716738732.
- ↑ Doolittle, W. Ford (2000). "Uprooting the tree of life" (tiếng Anh). Tờ Scientific American tập 282 (số 6): trang 90–95. doi: .
- ↑ Berkner, L. V.; Marshall, L. C. (1965). "On the Origin and Rise of Oxygen Concentration in the Earth's Atmosphere" (tiếng Anh). Tờ Journal of Atmospheric Sciences tập 22 (số 3): trang 225–261. doi:. http://adsabs.harvard.edu/abs/1965JAtS...22..225B. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Burton, Kathleen (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Astrobiologists Find Evidence of Early Life on Land” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Kirschvink, J. L. (1992). Schopf, J.W.; Klein, C. & Des Maris, D.. ed (tiếng Anh). Late Proterozoic low-latitude global glaciation: the Snowball Earth. The Proterozoic Biosphere: A Multidisciplinary Study. Cambridge University Press. trang 51–52. ISBN 0521366151.
- ↑ Raup, D. M.; Sepkoski, J. J. (1982). "Mass Extinctions in the Marine Fossil Record" (tiếng Anh). Tờ Science tập 215 (số 4539): trang 1501–1503. doi: . PMID 17788674. http://adsabs.harvard.edu/abs/1982Sci...215.1501R. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Gould, Stephan J. (1994). "The Evolution of Life on Earth" (tiếng Anh). tờ Scientific American. http://brembs.net/gould.html. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Wilkinson, B. H.; McElroy, B. J. (2007). "The impact of humans on continental erosion and sedimentation" (tiếng Anh). tờ Bulletin of the Geological Society of America tập 119 (số 1–2): trang 140–156. doi:. http://bulletin.geoscienceworld.org/cgi/content/abstract/119/1-2/140. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2007.
- ↑ Staff. “Paleoclimatology - The Study of Ancient Climates” (bằng tiếng Anh). Page Paleontology Science Center. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 42,0 42,1 42,2 Sackmann, I.-J.; Boothroyd, A. I.; Kraemer, K. E. (1993). "Our Sun. III. Present and Future" (tiếng Anh) (PDF). tờ Astrophysical Journal tập 418: trang 457–468. doi: . Bibcode: 1993ApJ...418..457S. http://articles.adsabs.harvard.edu/cgi-bin/nph-iarticle_query?1993ApJ...418..457S&data_type=PDF_HIGH&whole_paper=YES&type=PRINTER&filetype=.pdf. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2008.
- ↑ Kasting, J.F. (1988). "Runaway and Moist Greenhouse Atmospheres and the Evolution of Earth and Venus" (tiếng Anh). tờ Icarus tập 74: trang 472–494. doi:. http://adsabs.harvard.edu/abs/1988Icar...74..472K. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2007.
- ↑ 44,0 44,1 Ward and Brownlee (2002).
- ↑ Britt, Robert (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Freeze, Fry or Dry: How Long Has the Earth Got?” (bằng tiếng Anh). Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Li, King-Fai; Pahlevan, Kaveh; Kirschvink, Joseph L.; Yung, Yuk L. (2009). "Atmospheric Pressure as a Natural Climate Regulator for a Terrestrial Planet with a Biosphere" (tiếng Anh). tờ Proceedings of the National Academy of Sciences tập 1-6 (số 24): trang 9576–9579. doi:. http://www.gps.caltech.edu/~kfl/paper/Li_PNAS2009.pdf. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2009.
- ↑ Guillemot, H.; Greffoz, V. (2002). "Ce que sera la fin du monde" (tiếng Pháp). Tờ Science et Vie tậpN° 1014.
- ↑ Bounama, Christine; Siegfried Franck and Werner von Bloh (2001). "The fate of Earth’s ocean" (tiếng Anh). Hydrology and Earth System Sciences (Germany: Potsdam Institute for Climate Impact Research) tập5 (số 4): trang 569–575. http://www.hydrol-earth-syst-sci.net/5/569/2001/hess-5-569-2001.pdf. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2009.
-
↑
49,0
49,1
Schröder,
K.-P.;
Smith,
Robert
Connon
(2008).
"Distant
future
of
the
Sun
and
Earth
revisited"
(tiếng
Anh).
Tờ
Monthly
Notices
of
the
Royal
Astronomical
Society
tập386:
trang
155.
doi: .
Bản
mẫu:Arxiv.
See also Palmer, Jason. “Hope dims that Earth will survive Sun's death”, NewScientist.com news service, ngày 22 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2008. (Viết bằng tiếng Anh.) - ↑ Stern, David P. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Planetary Magnetism” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Tackley, Paul J. (ngày 16 tháng 6 năm 2000). "Mantle Convection and Plate Tectonics: Toward an Integrated Physical and Chemical Theory" (tiếng Anh). Science tập288 (số 5473): trang 2002–2007. doi: . PMID 10856206.
- ↑ Milbert, D. G.; Smith, D. A.. “Converting GPS Height into NAVD88 Elevation with the GEOID96 Geoid Height Model” (bằng tiếng Anh). National Geodetic Survey, NOAA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 53,0 53,1 Sandwell, D. T.; Smith, W. H. F. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Exploring the Ocean Basins with Satellite Altimeter Data” (bằng tiếng Anh). NOAA/NGDC. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Mohr, P.J.; Taylor, B.N. (2000). “Unit of length (meter)” (bằng tiếng Anh). NIST Reference on Constants, Units, and Uncertainty. NIST Physics Laboratory. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Senne, Joseph H. (2000). "Did Edmund Hillary Climb the Wrong Mountain" (tiếng Anh). Tờ Professional Surveyor tập20 (số 5): trang 16–21.
- ↑ Sharp, David (ngày 5 tháng 3 năm 2005). "Chimborazo and the old kilogram" (tiếng Anh). Tờ The Lancet tập365 (số 9462): trang 831–832. doi: .
- ↑ Morgan, J. W.; Anders, E. (1980). "Chemical composition of Earth, Venus, and Mercury" (tiếng Anh). Tờ Proceedings of the National Academy of Science tập71 (số 12): trang 6973–6977. doi: . PMID 16592930. http://www.pubmedcentral.nih.gov/articlerender.fcgi?artid=350422. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2007.
- ↑ Tanimoto, Toshiro (1995). Thomas J. Ahrens. ed (tiếng Anh) (dạng PDF). Crustal Structure of the Earth. Washington, DC: American Geophysical Union. ISBN 0-87590-851-9. http://www.scribd.com/doc/7592971/AGU-Ref-Shelf-1-Global-Earth-Physics-a-Handbook-of-Physical-Constants-T-Ahrens. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2013.
- ↑ Kerr, Richard A. (ngày 26 tháng 9 năm 2005). "Earth's Inner Core Is Running a Tad Faster Than the Rest of the Planet" (tiếng Anh). Science 309 (5739): 1313. doi: . PMID 16123276.
- ↑ Jordan, T. H. (1979). "Structural Geology of the Earth's Interior" (tiếng Anh). Tờ Proceedings National Academy of Science 76 (9): 4192–4200. doi: . PMID 16592703. http://www.pubmedcentral.nih.gov/articlerender.fcgi?artid=411539. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Robertson, Eugene C. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “The Interior of the Earth” (bằng tiếng Anh). USGS. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 62,0 62,1 Turcotte, D. L.; Schubert, G. (2002). "chương 4" (tiếng Anh). Geodynamics (ấn bản tái bản lần 2). Cambridge, Anh: Nhà in Đại học Cambridge. trang 136–137. ISBN 978-0-521-66624-4.
- ↑ Sanders, Robert. “Radioactive potassium may be major heat source in Earth's core”, UC Berkeley News, ngày 10 tháng 12 năm 2003. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2007. (Viết bằng tiếng Anh.)
- ↑ Alfè, D.; Gillan, M. J.; Vocadlo, L.; Brodholt, J; Price, G. D. (2002). "The ab initio simulation of the Earth's core" (tiếng Anh) (dạng PDF). Philosophical Transaction of the Royal Society of London 360 (1795): tr. 1227–1244. http://chianti.geol.ucl.ac.uk/~dario/pubblicazioni/PTRSA2002.pdf. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2007.
- ↑ Vlaar, N (1994). "Cooling of the earth in the Archaean: Consequences of pressure-release melting in a hotter mantle" (tiếng Anh). Earth and Planetary Science Letters 121: 1. doi: .
- ↑ Turcotte, D. L.; Schubert, G. (năm 2002). “chương 4”, Geodynamics, lần 2 (bằng tiếng Anh), trang 137, Cambridge, England, UK: Nhà in Đại học Cambridge. ISBN 978-0-521-66624-4.
- ↑ 67,0 67,1 Sclater, John G (1981). "Oceans and Continents: Similarities and Differences in the Mechanisms of Heat Loss" (tiếng Anh). Tờ Journal of Geophysical Research tập 86: trang 11535. doi: .
- ↑ Richards, M. A.; Duncan, R. A.; Courtillot, V. E. (1989). "Flood Basalts and Hot-Spot Tracks: Plume Heads and Tails" (tiếng Anh). Tờ Science 246 (4926): tr. 103–107. doi: . PMID 17837768. http://adsabs.harvard.edu/abs/1989Sci...246..103R. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2007.
- ↑ Brown, W. K.; Wohletz, K. H. (2005). “SFT and the Earth's Tectonic Plates” (bằng tiếng Anh). Los Alamos National Laboratory. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Kious, W. J.; Tilling, R. I. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Understanding plate motions” (bằng tiếng Anh). USGS. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Seligman, Courtney (2008). “The Structure of the Terrestrial Planets” (bằng tiếng Anh). Online Astronomy eText Table of Contents. cseligman.com. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Duennebier, Fred (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Pacific Plate Motion”. University of Hawaii. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Mueller, R.D.; Roest, W.R.; Royer, J.-Y.; Gahagan, L.M.; Sclater, J.G. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Age of the Ocean Floor Poster” (bằng tiếng Anh). NOAA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Bowring, Samuel A. (1999). "Priscoan (4.00-4.03 Ga) orthogneisses from northwestern Canada". Tờ Contributions to Mineralogy and Petrology tập134: 3. doi: .
- ↑ Meschede, M.; Udo Barckhausen, U. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Plate Tectonic Evolution of the Cocos-Nazca Spreading Center” (bằng tiếng Anh). Proceedings of the Ocean Drilling Program. Texas A&M University. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff. “GPS Time Series” (bằng tiếng Anh). NASA JPL. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 77,0 77,1 77,2 Pidwirny, Michael (2006). “Fundamentals of Physical Geography” (bằng tiếng Anh). PhysicalGeography.net. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Kring, David A.. “Terrestrial Impact Cratering and Its Environmental Effects” (bằng tiếng Anh). Lunar and Planetary Laboratory. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff. “Layers of the Earth” (bằng tiếng Anh). Volcano World. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Jessey, David. “Weathering and Sedimentary Rocks” (bằng tiếng Anh). Cal Poly Pomona. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff. “I am taking Geology 100 at the University of Maryland. Could you tell me any five common rock-forming minerals, and one characteristic feature of each.” (bằng tiếng Anh). University of Oregon Museum of Natural and Cultural History. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Carbonate sediments” (bằng tiếng Anh). Universidad de Puerto Rico (2003). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ FAO Staff (1995). FAO Production Yearbook 1994 (ấn bản 48). Roma, Italia: FAO. ISBN 9250038445.
- ↑ 84,0 84,1 Sverdrup, H. U.; Fleming, Richard H. (ngày 1 tháng 1 năm 1942). The oceans, their physics, chemistry, and general biology. Scripps Institution of Oceanography Archives. http://repositories.cdlib.org/sio/arch/oceans/. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2008.
- ↑ “7,000 m Class Remotely Operated Vehicle KAIKO 7000” (bằng tiếng Anh). Japan Agency for Marine-Earth Science and Technology (JAMSTEC). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Igor A. Shiklomanov và nnk. (1999). “World Water Resources and their use Beginning of the 21st century" Prepared in the Framework of IHP UNESCO” (bằng tiếng Anh). State Hydrological Institute, St. Petersburg. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Mullen, Leslie (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Salt of the Early Earth” (bằng tiếng Anh). NASA Astrobiology Magazine. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Morris, Ron M.. “Oceanic Processes” (bằng tiếng Anh). NASA Astrobiology Magazine. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Scott, Michon (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Earth's Big heat Bucket” (bằng tiếng Anh). NASA Earth Observatory. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Sample, Sharron (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Sea Surface Temperature” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Geerts, B.; Linacre, E. (tháng November năm 1997). “The height of the tropopause” (bằng tiếng Anh). Resources in Atmospheric Sciences. University of Wyoming. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff (8 tháng 10 năm 2003). “Earth's Atmosphere” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập 21 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Moran, Joseph M. (2005). “Weather” (bằng tiếng Anh). World Book Online Reference Center. NASA/World Book, Inc.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 94,0 94,1 Berger, Wolfgang H. (2002). “The Earth's Climate System” (bằng tiếng Anh). Đại học California, San Diego. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Rahmstorf, Stefan (2003). “The Thermohaline Ocean Circulation” (bằng tiếng Anh). Potsdam Institute for Climate Impact Research. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ nhiều tác giả (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “The Hydrologic Cycle” (bằng tiếng Anh). Đại học Illinois. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff. “Climate Zones” (bằng tiếng Anh). UK Department for Environment, Food and Rural Affairs. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff (2004). “Stratosphere and Weather; Discovery of the Stratosphere” (bằng tiếng Anh). Science Week. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ de Córdoba, S. Sanz Fernández (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “100 km. Altitude Boundary for Astronautics” (bằng tiếng Anh). Fédération Aéronautique Internationale. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Liu, S. C.; Donahue, T. M. (1974). "The Aeronomy of Hydrogen in the Atmosphere of the Earth" (tiếng Anh). Journal of Atmospheric Sciences 31 (4): 1118–1136. doi:. http://adsabs.harvard.edu/abs/1974JAtS...31.1118L. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2007.
- ↑ David C. Catling, Kevin J. Zahnle, Christopher P. McKay (2001). "Biogenic Methane, Hydrogen Escape, and the Irreversible Oxidation of Early Earth" (tiếng Anh). Science 293 (5531): 839–843. doi: . PMID 11486082. http://www.sciencemag.org/cgi/content/full/293/5531/839.
- ↑ Abedon, Stephen T. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “History of Earth” (bằng tiếng Anh). Đại học bang Ohio. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Hunten, D. M.; Donahue, T. M. (1976). "Hydrogen loss from the terrestrial planets" (tiếng Anh). Annual review of earth and planetary sciences 4: 265–292. doi:. http://adsabs.harvard.edu/abs/1976AREPS...4..265H. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2008.
- ↑ McElhinny M. W., McFadden P. L., 2000. Paleomagnetism: Continents and Oceans. Academic Press. ISBN 0-12-483355-1.
- ↑ Bonhommet N., Zähringer J., 1969. "Paleomagnetism and potassium argon age determinations of the Laschamp geomagnetic polarity event. Earth and Planetary Science Letters 6, p. 43–46. doi:10.1016/0012-821x(69)90159-9.
- ↑ Fitzpatrick, Richard (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “MHD dynamo theory” (bằng tiếng Anh). NASA WMAP. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Campbell, Wallace Hall (2003) (tiếng Anh). Introduction to Geomagnetic Fields. New York: Cambridge University Press. 57. ISBN 0521822068.
- ↑ Stern, David P. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Exploration of the Earth's Magnetosphere” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Leap seconds” (bằng tiếng Anh). Time Service Department, USNO. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 110,0 110,1 Staff (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Useful Constants” (bằng tiếng Anh). International Earth Rotation and Reference Systems Service (IERS). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Aoki, nguồn cuối cùng của các con số này, đã sử dụng thuật ngữ giây UT1 thay vì giây MẶT Trời trung bình.—Aoki, S.; Kinoshita, H.; Guinot, B.; Kaplan, G. H.; McCarthy, D. D.; Seidelmann, P. K. (năm 1982). "The new definition of universal time". Tờ Astronomy and Astrophysics tập 105 (số 2): trang 359–361. http://adsabs.harvard.edu/abs/1982A&A...105..359A. Retrieved 2008-09-23.
- ↑ Seidelmann, P. Kenneth (1992) (tiếng Anh). Explanatory Supplement to the Astronomical Almanac. Mill Valley, CA: University Science Books. 48. ISBN 0-935702-68-7.
- ↑ Staff. “IERS Excess of the duration of the day to 86400s... since 1623” (bằng tiếng Anh). International Earth Rotation and Reference Systems Service (IERS). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..—Graph at end.
- ↑ Staff. “IERS Variations in the duration of the day 1962–2005” (bằng tiếng Anh). International Earth Rotation and Reference Systems Service (IERS). Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Zeilik, M.; Gregory, S. A. (1998). Introductory Astronomy & Astrophysics (ấn bản tái bản lần 4). Saunders College Publishing. 56. ISBN 0030062284.
- ↑ 116,0 116,1 Williams, David R. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Planetary Fact Sheets” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..— Xem trang về đường kính biểu kiến của Mặt Trời và Mặt Trăng.
- ↑ 117,0 117,1 Williams, David R. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Earth Fact Sheet” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Williams, David R. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Moon Fact Sheet” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Vázquez, M.; Montañés Rodríguez, P.; Palle, E. (2006). “The Earth as an Object of Astrophysical Interest in the Search for Extrasolar Planets” định dạng (dạng PDF). Instituto de Astrofísica de Canarias. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Astrophysicist team (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Earth's location in the Milky Way”. NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Bromberg, Irv (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “The Lengths of the Seasons (on Earth)” (bằng tiếng Anh). Đại học Toronto. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Fisher, Rick (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Earth Rotation and Equatorial Coordinates” (bằng tiếng Anh). National Radio Astronomy Observatory. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Williams, Jack (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Earth's tilt creates seasons” (bằng tiếng Anh). USAToday. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Espenak, F.; Meeus, J. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Secular acceleration of the Moon” (bằng tiếng Anh). NASA. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Poropudas, Hannu K. J. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Using Coral as a Clock” (bằng tiếng Anh). Skeptic Tank. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Laskar, J.; Robutel, P.; Joutel, F.; Gastineau, M.; Correia, A.C.M.; Levrard, B. (2004). "A long-term numerical solution for the insolation quantities of the Earth" (tiếng Anh). Astronomy and Astrophysics 428: 261–285. doi:. http://adsabs.harvard.edu/abs/2004A&A...428..261L. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Murray, N.; Holman, M. (2001). "The role of chaotic resonances in the solar system" (tiếng Anh). Nature 410 (6830): 773–779. doi:. http://arxiv.org/abs/astro-ph/0111602v1. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2008.
- ↑ Williams, D.M.; J.F. Kasting (1996). "Habitable planets with high obliquities" (tiếng Anh). Lunar and Planetary Science 27: 1437–1438. http://adsabs.harvard.edu/abs/1996LPI....27.1437W. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2007.
- ↑ R. Canup and E. Asphaug (2001). "Origin of the Moon in a giant impact near the end of the Earth's formation" (tiếng Anh). Nature 412: 708–712. doi: .
- ↑ Whitehouse, David. “Earth's little brother found”, BBC News, ngày 21 tháng 10 năm 2002. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2007. (Viết bằng tiếng Anh.)
- ↑ Purves, William Kirkwood; Sadava, David; Orians, Gordon H.; Heller, Craig (2001) (tiếng Anh). Life, the Science of Biology: The Science of Biology. Macmillan. tr. trang 455. ISBN 0716738732.
- ↑ Staff (2003). “Astrobiology Roadmap” (bằng tiếng Anh). NASA, Lockheed Martin. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Dole, Stephen H. (1970). Habitable Planets for Man (ấn bản tái bản lần 2). American Elsevier Publishing Co.. ISBN 0-444-00092-5. http://web.archive.org/web/20061218155712/http://www.rand.org/pubs/reports/2005/R414.pdf. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Ward, P. D.; Brownlee, D. (ngày 14 tháng 1 năm 2000) (tiếng Anh). Rare Earth: Why Complex Life is Uncommon in the Universe (ấn bản tái bản lần 1). New York: Springer-Verlag. ISBN 0387987010.
- ↑ Hillebrand, Helmut (2004). "On the Generality of the Latitudinal Gradient" (tiếng Anh). American Naturalist 163 (2): 192–211. doi: .
- ↑ Staff (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Earth's Atmosphere” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ United States Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “World POP Clock Projection” (bằng tiếng Anh). United States Census Bureau International Database. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff. “World Population Prospects: The 2006 Revision” (bằng tiếng Anh). United Nations. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff (2007). “Human Population: Fundamentals of Growth: Growth” (bằng tiếng Anh). Population Reference Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Peel, M. C.; Finlayson, B. L.; McMahon, T. A. (2007). "Updated world map of the Köppen-Geiger climate classification" (tiếng Anh). Hydrology and Earth System Sciences Discussions 4: 439–473. http://www.hydrol-earth-syst-sci-discuss.net/4/439/2007/hessd-4-439-2007.html. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2007.
- ↑ Staff. “Themes & Issues” (bằng tiếng Anh). Secretariat of the Convention on Biological Diversity. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Canadian Forces Station (CFS) Alert” (bằng tiếng Anh). Information Management Group. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Kennedy, Paul (1989) (tiếng Anh). The Rise and Fall of the Great Powers (ấn bản 1st). Vintage. ISBN 0679720197.
- ↑ “U.N. Charter Index” (bằng tiếng Anh). United Nations. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff. “International Law” (bằng tiếng Anh). United Nations. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Kuhn, Betsy (2006) (tiếng Anh). The race for space: the United States and the Soviet Union compete for the new frontier. Twenty-First Century Books. tr. trang 34. ISBN 0822559846.
- ↑ Ellis, Lee (2004) (tiếng Anh). Who's who of NASA Astronauts. Americana Group Publishing. ISBN 0966796144.
- ↑ Shayler, David; Vis, Bert (2005) (tiếng Anh). Russia's Cosmonauts: Inside the Yuri Gagarin Training Center. Birkhäuser. ISBN 0387218947.
- ↑ Wade, Mark (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Astronaut Statistics” (bằng tiếng Anh). Encyclopedia Astronautica. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Reference Guide to the International Space Station” (bằng tiếng Anh). NASA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Cramb, Auslan. “Nasa's Discovery extends space station”, Telegraph, ngày 28 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2013. (Viết bằng tiếng Anh.)
- ↑ Stathopoulos, Vic (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Apollo Spacecraft” (bằng tiếng Anh). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 153,0 153,1 153,2 Staff (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “World” (bằng tiếng Anh). The World Factbook. Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Staff (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Mineral Genesis: How do minerals form?” (bằng tiếng Anh). Non-vertebrate Paleontology Laboratory, Texas Memorial Museum. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Rona, Peter A. (2003). "Resources of the Sea Floor" (tiếng Anh). Science 299 (5607): 673–674. doi: . PMID 12560541. http://xa.yimg.com/kq/groups/15186538/828406171/name/article4.pdf. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2007.
- ↑ Staff (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Evidence is now ‘unequivocal’ that humans are causing global warming – UN report” (bằng tiếng Anh). United Nations. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Liungman, Carl G. (2004). "Group 29: Multi-axes symmetric, both soft and straight-lined, closed signs with crossing lines". Symbols -- Encyclopedia of Western Signs and Ideograms. New York: Ionfox AB. 281–282. ISBN 91-972705-0-4.
- ↑ Dutch, S.I. (2002). "Religion as belief versus religion as fact" (tiếng Anh) (dạng PDF). Journal of Geoscience Education 50 (2): 137–144. http://nagt.org/files/nagt/jge/abstracts/Dutch_v50n2p137.pdf. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ↑ Taner Edis (2003) (tiếng Anh) (dạng PDF). A World Designed by God: Science and Creationism in Contemporary Islam. Amherst: Prometheus. ISBN 1-59102-064-6. http://edis.sites.truman.edu/files/2012/03/CFI-2001.pdf. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ↑ Ross, M.R. (2005). "Who Believes What? Clearing up Confusion over Intelligent Design and Young-Earth Creationism" (dạng PDF). Journal of Geoscience Education tập 53 (số 3): trang 319. http://www.nagt.org/files/nagt/jge/abstracts/Ross_v53n3p319.pdf. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ↑ Pennock, R. T. (2003). "Creationism and intelligent design". Annu Rev Genomics Hum Genet tập 4: 143–63. doi: . PMID 14527300.
- ↑ Science, Evolution, and Creationism National Academy Press, Washington, DC 2005
- ↑ Colburn, A.; Henriques, L. (2006). "Clergy views on evolution, creationism, science, and religion". Journal of Research in Science Teaching 43 (4): 419–442. doi: .
- ↑ Frye, Roland Mushat (1983). Is God a Creationist? The Religious Case Against Creation-Science. Scribner's. ISBN 0-68417-993-8.
- ↑ Gould, S. J. (1997). "Nonoverlapping magisteria" (dạng PDF). Natural History 106 (2): 16–22. http://www.jbburnett.com/resources/gould_nonoverlapping.pdf. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ↑ Russell, Jeffrey B.. “The Myth of the Flat Earth”. American Scientific Affiliation. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Jacobs, James Q. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Archaeogeodesy, a Key to Prehistory”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Fuller, R. Buckminster (1963). Operating Manual for Spaceship Earth (ấn bản tái bản lần 1). New York: E.P. Dutton & Co.. ISBN 0-525-47433-1. http://designsciencelab.com/resources/OperatingManual_BF.pdf. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2016.
- ↑ Lovelock, James E. (1979). Gaia: A New Look at Life on Earth (ấn bản tái bản lần 1). Oxford: Nhà in Đại học Oxford. ISBN 0-19-286030-5.
- ↑ For example: McMichael, Anthony J. (1993). Planetary Overload: Global Environmental Change and the Health of the Human Species. Nhà in Đại học Cambridge. ISBN 0521457599.
Nguồn chú thích
- Allen, Clabon Walter; Cox, Arthur N. (2000). Allen's Astrophysical Quantities. Springer. ISBN 0387987460. http://books.google.com/books?id=w8PK2XFLLH8C&pg=PA294.
Tài liệu đọc thêm[sửa]
- Comins, Neil F. (2001). Discovering the Essential Universe (ấn bản Second). W. H. Freeman. ISBN 0-7167-5804-0. http://adsabs.harvard.edu/abs/2003deu..book.....C. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2007.
- “Solar System Exploration: Planets: Earth: Read More”. NASA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- Ward, Peter D.; Donald Brownlee (2002). The Life and Death of Planet Earth: How the New Science of Astrobiology Charts the Ultimate Fate of Our World. Times Books, Henry Holt and Company. ISBN 0-8050-6781-7.
- Williams, David R. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Earth Fact Sheet”. NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- Yoder, Charles F. (1995). T. J. Ahrens. ed. Global Earth Physics: A Handbook of Physical Constants. Washington: American Geophysical Union. ISBN 0875908519. http://books.google.com.vn/books/about/Global_Earth_Physics.html?id=aqjU_NHyre4C&redir_esc=y. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2013.
- NASA's Earth fact sheet
- Discovering the Essential Universe (Second Edition) by Neil F. Comins (2001)
Liên kết ngoài[sửa]
- Bản mẫu:Britannica
- Bản mẫu:TĐBKVN
- USGS Geomagnetism Program
- NASA Earth Observatory
- Earth Profile by NASA's Solar System Exploration
- Climate changes cause Earth's shape to change - NASA
- The Gateway to Astronaut Photography of Earth
Bản mẫu:Trái Đất Bản mẫu:Vị trí Trái Đất Bản mẫu:Hệ Mặt Trời Bản mẫu:Các thành phần tự nhiên
Bài liên quan
Liên kết đến đây
- Carl Friedrich Gauss
- Giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh phổ thông trung học
- 10 thí nghiệm vật lý nổi tiếng
- Bản mẫu:Flag
- Ấm lên toàn cầu
- Ấn Độ Dương
- Ánh sáng
- Aristoteles
- Bắc Băng Dương
- Bắc Cực
- Xem thêm liên kết đến trang này.