Mặt Trăng có thể chứa rất nhiều nước
Cả NASA và Cơ quan vũ trụ Châu Âu đều mong muốn thiết lập được một căn cứ trên Mặt Trăng để làm nền tảng đầu tiên cho việc chinh phục hệ Mặt Trời, đồng thời tìm hiểu xem có thể khai thác nước ở đây được hay không, theo Verge.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Brown ở Mỹ đã bắt đầu nghi ngờ Mặt Trăng có nhiều nước hơn so với các dự tính trước đây sau khi xem xét lại hạt thủy tinh núi lửa được đem về từ sứ mệnh Apollo 15 và 17.
Họ phát hiện ra rằng các hạt thủy tinh núi lửa trên Mặt Trăng chứa lượng nước tương tự như đá bazan có trên Trái Đất, điều này cho thấy một số khu vực trên vỏ Mặt Trăng chứa nhiều nước như Trái Đất.
Mặc dù nước chỉ chiếm khoảng 0,5% trọng lượng của các hạt thủy tinh núi lửa, hình ảnh vệ tinh cho thấy lượng trầm tích vụn núi lửa này lại khá lớn và phong phú trên Mặt Trăng. Các nhà khoa học có thể chiết xuất được nước từ các trầm tích này.
"Các nghiên cứu khác đã cho thấy sự hiện diện của nước đóng băng ở vùng tối và vùng cực của Mặt Trăng, nhưng các trầm tích vụn núi lửa lại ở các vị trí có thể dễ dàng tiếp cận hơn", tiến sĩ Shuai Li, Đại học Hawaii, cho biết.
"Bất cứ điều gì giúp được các nhà thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai không phải mang theo nhiều nước là một bước tiến lớn và kết quả là chúng tôi có một phương án mới."
Các phát hiện này cũng được hỗ trợ bằng cách sử dụng các thiết bị trên tàu thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-1 của Ấn Độ, đo ánh sáng phản chiếu từ các khoáng chất và hợp chất khác trên bề mặt Mặt Trăng.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về nước ở gần như tất cả các trầm tích núi lửa lớn bề mặt Mặt Trăng đã được các phi hành gia khảo sát.
Tuy nhiên, nguồn gốc của nước trên Mặt Trăng vẫn là một bí ẩn. "Ngày càng có nhiều bằng chứng về việc bằng cách nào đó nước đã tồn tại bên trong Mặt Trăng, hoặc nó đã được các tiểu hành tinh hoặc sao chổi mang đến trước khi Mặt Trăng hoàn toàn đông cứng", tiến sĩ Li nói thêm.
Nguồn[sửa]
- Tuấn Đức, VnExpress