Người vẫn quanh đây

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sáu năm, thời gian đủ để nhiều người lãng quên một cuộc tình, song với nhiều người yêu nhạc, Trịnh Công Sơn vẫn còn hiển hiện. Các ca khúc của anh vẫn còn đó, trên sân khấu, ở quán cà phê, trong lời thầm thì của những lứa đôi...

Những năm tháng cuối cùng trước khi trở về cát bụi, Trịnh Công Sơn đã có một bài viết ngắn như những lời tạ từ cái cõi tạm mang tên trần gian mà anh đã sống trọn đời bằng tất cả yêu thương và tận hiến. Bài viết đó mang tựa đề: “Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình”.

Vẫn là chữ nghĩa của Trịnh Công Sơn nhẹ nhàng, sâu lắng, chẳng lẫn vào đâu được, anh mở đầu thật buồn bã: “Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng có cuộc hẹn hò nào trước...”. Rồi đang trăn trở về lẽ tử sinh của kiếp người, anh lại nói về tình yêu với một chút đắng cay nhưng ngập tràn độ lượng: “...Càng yêu ta càng thấy có tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi. Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có kẻ khác đang hạnh phúc...Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi...”. Quả thực, không dễ dàng để thuộc lòng một bài văn xuôi như những tình khúc bất hủ của anh, nhưng không ít người đã đọc đi đọc lại đoạn văn này nhiều lần bởi họ đã bắt gặp nỗi niềm của riêng mình trong đó.

“Con đường duy nhất đi đến với người khác trên mặt đất không phải là sự độc ác mà chính là lòng nhân ái vô biên” (Trịnh Công Sơn).

Bây giờ đã là ngày cuối tháng ba, chỉ còn một hôm nữa là đến ngày cá tháng tư (l-4), ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Mới đó mà đã sáu năm tròn, thời gian đủ để nhiều người lãng quên một cuộc tình. Thế mà với Trịnh Công Sơn thì dường như chỉ mới hôm qua, vẫn mơ hồ chưa có cuộc chia ly nên cho dù anh đã xa mặt vẫn chưa đủ để cho người ở lại cảm thấy cách lòng. Tính ra, kể từ năm 1958, khi viết ca khúc đầu tiên mang tên “Ướt mi” cho đến ngày tim anh ngừng đập, Trịnh Công Sơn đã có 43 năm sống thủy chung với dòng nhạc riêng mình bằng cảm xúc ca từ tuyệt vời đến độ xuất quỷ nhập thần. Không ai có thể đưa ra được con số chính xác trong suốt 43 năm sáng tác đó, Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời bao nhiêu ca khúc? Có người nói 800, có người nói 1.000, nhưng cho dù là bao nhiêu đi nữa thì âm nhạc của anh đã lắng sâu vào lòng người để trở thành bất tử. Năm 1972, người Nhật trao tặng anh giải Đĩa Vàng với bài hát “Ngủ đi con” (dành cho đĩa nhạc nước ngoài phát hành trên hai triệu bản) và người Pháp đã trân trọng ghi tên anh vào từ điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde cũng đủ để xác nhận Trịnh Công Sơn là một trong những thiên tài âm nhạc của nhân loại. Nhưng anh lại là một con người quá cô đơn, cô đơn bởi tâm hồn anh quá lớn, khó tìm được một tri kỷ để chứa đựng hết cảm xúc, trăn trở chất chứa trong tim. Vì thế mà anh độ lượng với đời, chan hòa với người, gửi gắm, sẻ chia, với từng bằng hữu, mỗi người một ít, dù thân hay sơ cũng được anh đón nhận bằng tất cả chân tình.

Không ít người chưa một gần gặp Trịnh Công Sơn, nhưng khi anh đi rồi, họ lại tiếc thương như một người ruột thịt. Trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình - thành phố Hồ Chí Minh, một cô gái chủ một quán cà phê đã đúc một pho tượng Trịnh Công Sơn bằng đồng đặt chính diện quán, suốt ngày nghi ngút khói hương. Một nhà giáo trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 đã làm hai trang thờ đối diện nhau trong phòng khách với hai bức di ảnh được phóng lớn: một bên là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một bên là nhà thơ Bùi Giáng...

Với nhiều người yêu nhạc, Trịnh Công Sơn mãi mãi vẫn còn trong tim họ, vẫn còn hiển hiện giữa đời. Từng ngày đi qua, những ca khúc của anh vẫn vang vọng tưởng chừng như anh chưa hề có chuyến đi xa. Và như thế Trịnh Công Sơn đã quá linh thiêng khi thảng thốt viết lên những lời tiên tri: “Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây...”

Chú thích[sửa]

  • Tác giả bài viết: Đoàn Thạch Hãn. Nguồn: Báo Người Lao Động Điện tử (thứ sáu, 30/03/2007).

Liên kết nội[sửa]

Liên kết đến đây