Hát hay hơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một vài người dường như từ lúc sinh ra đã sở hữu chất giọng hay trời phú. Dù vậy, ngay cả những ca sĩ đã thành danh cũng phải nỗ lực và tập luyện thường xuyên để duy trì khả năng ca hát. Có rất nhiều cách và các bước mà bạn có thể làm theo để hát hay hơn, từ việc tham gia một khóa đào tạo chuyên nghiệp, tập thể lực và luyện giọng cho tới việc đơn giản là kết hợp tư thế đúng với các kỹ thuật lấy hơi.

Các bước[sửa]

Phát triển giọng[sửa]

  1. Luyện giọng đều đặn. Một cách thường được sử dụng để hát hay hơn là luyện giọng. Giống với khi chơi thể thao hay tập thể dục, giọng chính là cơ bắp mà bạn cần tập để phát triển. Bạn có thể học thêm những kỹ thuật cải thiện giọng hát nếu được một giáo viên thanh nhạc chuyên nghiệp hướng dẫn. Giọng là một loại nhạc cụ giống như dương cầm và giáo viên hoàn toàn có khả năng giúp bạn sử dụng thành thạo. [1]
    • Cân nhắc việc tiếp thu các bài giảng từ một giáo viên thanh nhạc riêng - người có thể hướng dẫn những kỹ thuật giúp phát triển giọng hát độc đáo của bạn.
    • Thử tham gia vào đội hợp xướng nếu đang học ở trường. Sinh hoạt trong đội hợp xướng là một cách rất tốt để hát hay hơn vì bạn sẽ được học cách hát chung với những người khác, đọc bản nhạc và cảm thấy tự tin vì không phải đơn độc một mình.
  2. Nhận biết âm vực của mình. Hát hay một phần là do nhận biết được âm vực của mình và lựa chọn bài hát phù hợp với quãng giọng. Một số người có âm vực rộng hơn những người khác, nhưng bất kỳ ai cũng đều sở hữu một “điểm tốt nhất” để âm thanh giọng hát nghe đẹp nhất.
    • Có bảy loại giọng chính: Nữ cao, nữ trung, nữ trầm, phản nam cao, nam cao, nam trung, nam trầm. Ba loại giọng đầu tiên là của nữ giới còn bốn giọng cuối là của nam.
    • Hình dung giọng là một chiếc vòng đu quay để tìm âm vực. Bắt đầu từ phía trên cùng, hát nốt cao nhất của bạn và dần hạ xuống nốt thấp nhất.
    • Chơi các nốt nhạc trên đàn dương cầm để so sánh cao độ của giọng bạn với các nốt nhạc, từ đó tìm ra âm vực.
  3. Tập trung lấy hơi. Học lấy hơi đúng cách là một bước thiết yếu nếu muốn hát hay hơn. Đảm bảo rằng đã hít thật sâu để có đủ hơi cho từng chữ trong câu hát.[2]
    • Hít vào bằng bụng thay vì ngực.[2] Cách này vừa cải thiện chất lượng âm thanh vừa giúp người hát kiểm soát giọng tốt hơn. Để biết chắc mình đang lấy hơi đúng cách, đặt tay lên bụng và cố gắng để tay cùng phồng lên với bụng mỗi khi bạn hít vào.
    • Dành một vài phút tập lấy hơi bằng bụng hằng ngày. Bạn có thể làm điều này dù đang đứng hay nằm. Hãy chắc chắn rằng bụng phồng lên mỗi khi hít sâu.
  4. Học tư thế hát đúng. Hầu hết các giáo viên thanh nhạc đều gợi ý rằng nên đứng hát thay vì ngồi để tạo ra âm thanh đẹp nhất. Tư thế ngồi khiến các cơ bắp xẹp xuống và có thể cản trở việc lấy hơi đúng cách.
    • Giữ cho đầu thẳng trục với vai. Hình dung cột sống là một đường thẳng kéo dài tới đỉnh đầu.[3]
    • Thả lỏng hàm và đưa lưỡi hướng ra phía cửa miệng.[2]
    • Thả lỏng vai.[2]
    • Nâng và đẩy lùi vòm miệng ra phía sau như thể bạn chuẩn bị ngáp.[2] Làm điều này để mở rộng cổ họng và lấy được nhiều hơi hơn.
  5. Khởi động trước khi hát. Hát một bài trọn vẹn không được tính là khởi động, vì khi ấy theo bản năng bạn sẽ cố hết sức để hát sao cho hay hơn là tập trung vào thể trạng sức khỏe của giọng và kỹ thuật. Nói cách khác, khởi động giúp tránh các vấn đề về giọng và mở rộng âm vực.
    • Nên nhớ việc hát khởi động không nhất thiết phải hay. Trên thực tế, hầu hết âm thanh lúc khởi động nghe khá ngớ ngẩn và khó chịu, kể cả khi bạn có giọng hát chuyên nghiệp. Tìm một nơi riêng tư để khởi động nếu không muốn làm phiền người khác.
    • Chú ý khởi động cả vùng giọng cao và vùng giọng thấp. Âm thanh ở vùng giọng cao nghe nhiều hơi và nhẹ hơn âm thanh ở vùng giọng thấp, vốn nghe chắc và to. Bạn có thể bắt chước ca sĩ hát nhạc opera để tìm vùng giọng cao. Vùng giọng thấp gần với quãng giọng nói bình thường.
    • Tập khởi động mở to vòm miệng. Chạy âm giai tạo ra tiếng “Ooh wee ooh oohweeoohweeohh” và mở rộng khóe miệng hoặc tập rung lưỡi theo nốt nhạc từ cao nhất xuống thấp nhất.[4]
  6. Học nhận biết cao độ. Cách tốt nhất để làm điều này là hát cùng đàn dương cầm hoặc organ nếu có. Nhấn một phím và khi đàn phát ra tiếng thì xướng lên âm “ah” sao cho khớp với cao độ của tiếng đàn đó. Thực hành lần lượt với tất cả các nốt nhạc: La, La thăng, Si, Đô, Đô thăng, Rê, Rê thăng, Mi, Fa, Sol và Sol thăng.
    • Các nốt cao là những phím đen nằm về phía bên phải so với phím trắng tương ứng.
  7. Tập hát hằng ngày. Càng hát nhiều, giọng càng khỏe. Nhớ rằng giọng là cơ bắp cần được rèn luyện.[2]
    • Mỗi người đều có một âm vực tự nhiên nhưng bạn hoàn toàn có thể mở rộng quãng trên và quãng dưới của âm vực theo thời gian bằng cách đơn giản là tập luyện thường xuyên và rèn thể lực.
    • Luyện tập bằng cách hát theo các ca khúc yêu thích. Lưu ý rằng giọng của bạn có thể không giống với ca sĩ gốc. Bạn không thể hát hay hơn nếu chỉ bắt chước giọng của các ca sĩ khác. Hãy hát bằng giọng của chính mình.

Duy trì sức khỏe giọng hát[sửa]

  1. Uống đủ nước.[5] Dù có là một ca sĩ xuất sắc đến đâu, bạn vẫn sẽ hát không hay trong tình trạng khô giọng. Nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.
    • Không uống rượu hoặc đồ uống chứa caffeine trước khi hát vì những chất này hút nước làm khô cổ họng.
    • Tránh các đồ uống có đường.
    • Trà xanh không chứa caffeine hoặc nước ấm pha với mật ong và chanh giúp bôi trơn và khiến các dây thanh đới trở nên ổn định hơn.[6]
  2. Không ăn đồ bơ sữa hoặc kẹo trước khi hát. Thực phẩm như sữa chua, bơ và kem tạo ra nhiều dịch nhầy trong cổ họng khiến việc ca hát trở nên khó khăn.[7]
    • Ngoài ra, tránh đồ ăn mặn hoặc cay vì làm rát cổ họng và các dây thanh đới.
    • Những đồ ăn khác gây ra hiện tượng trào ngược axit như thực phẩm khó tiêu hoặc cay cũng có thể khiến bạn khó thở hơn bình thường và làm rát các dây thanh đới.
  3. Không hút thuốc.[5] Hút thuốc có hại cho phổi và làm bạn không thể lấy hơi đúng cách khi hát. Thuốc lá còn khiến họng bị khô gây ảnh hưởng không tốt tới chất lượng âm thanh.
    • Nếu là dân hút thuốc và muốn hát tốt hơn, bạn nên cai thuốc lá. Trong lúc chưa cai được, bạn có thể uống thêm nước, hút ít thuốc hơn và tránh hết mức có thể việc sử dụng thuốc lá vào những ngày phải hát.
  4. Tập lấy hơi thường xuyên. Kể cả khi không có thời gian khởi động giọng hay ca hát hàng ngày, bạn nên tập hít vào thật sâu bằng bụng mỗi ngày. Cách này có thể giúp cải thiện giọng hát một cách đáng kể về lâu dài.
    • Bạn có thể kết hợp các bài tập lấy hơi và cải thiện hơi thở với yoga hoặc chạy bộ.
    • Tập luyện như Mick Jagger. Ông ấy nổi tiếng vì tập luyện cho các buổi hòa nhạc bằng phương pháp chạy bộ và những bài thể dục đa năng kết hợp ca hát để đảm bảo có thể di chuyển trên sân khấu một cách thoải mái mà không bị hụt hơi.[8]
  5. Không gây căng thẳng cho giọng hoặc lạm dụng giọng. Ép giọng bằng cách hát quá to, quá cao hoặc quá lâu có thể làm tổn thương các dây thanh đới. Cũng giống như bất kỳ cơ bắp nào, bạn cần cho giọng hát thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.[2]
    • Ngừng hát nếu cảm thấy đau họng, nhức hay khản tiếng.

Lời khuyên[sửa]

  • Tập hát các ca khúc, thể loại nhạc ưa thích. Nếu hát bài mình yêu thích, bạn sẽ tự nhiên tiến bộ.
  • Ca hát mỗi ngày!
  • Không e ngại, đứng dậy hát hết mình và giọng bạn sẽ càng ngày càng hay hơn.
  • Thử thu âm và nghe lại để làm quen với giọng hát của chính mình, từ đó đặt ra các mục tiêu cụ thể cho việc cải thiện chất lượng giọng.
  • Lấy hơi đúng cách khi hát. Lấy hơi sai kỹ thuật có thể gây gãy giọng.
  • Tự tin vào bản thân vì nếu không tự tin vào khả năng ca hát của mình, bạn sẽ không thể khai thác hết tiềm năng trong lĩnh vực này dù tập luyện nhiều đến đâu.
  • Chọn ca khúc dành cho người có âm vực rộng và hát một hoặc hai lần mỗi ngày.
  • Đôi khi bạn hát khá tốt mà không biết điều đó, vì vậy hãy hỏi một người có thể đưa ra nhận xét thật lòng.
  • Uống trà xanh để làm dịu các dây thanh đới khi phải hát nhiều.
  • Cân nhắc thuê một giáo viên thanh nhạc và học ít nhất một buổi một tuần. Luyện tập đúng cách có thể giúp bạn học được các kỹ thuật đúng, nghe lời nhận xét trực tiếp ngay sau khi hát và tránh làm hỏng giọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]