Ngộ độc hải sản tăng là do biến đổi khí hậu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ô nhiễm môi trường và hiện tượng Trái đất ấm dần lên đang tác động xấu đến hệ sinh thái biển, khiến các loài hải sản dễ bị nhiễm độc hơn. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50.000 ca ngộ độc ciguatera, với hơn 90% số vụ không được báo cáo.

Cá bầy bán tại chợ hải sản Philippines

Ciguatera là dạng ngộ độc thực phẩm do ăn phải các loài cá sống trong những rạn san hô (cá rạn đá) có chứa một số độc tố tự nhiên có nguồn gốc từ một số vùng biển nhiệt đới. Tích tụ trong đầu, gan, ruột và trứng cá, độc tố ciguatera rất bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu nướng và thường được xác định thông qua các triệu chứng ở nạn nhân bị ngộ độc như buồn nôn, chuột rút, nhức đầu, đau cơ, ngứa ngáy tay hoặc không nói được.

Các nhà khoa học ở Viện Hải dương Woods Hole (Mỹ) cho rằng khi đại dương ấm dần lên do ảnh hưởng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm chất hóa học, các rặng san hô bị hư tổn và tảo độc có cơ hội sinh sôi. Tình trạng ngộ độc ciguatera ngày càng gia tăng là do hiện tượng biến đổi khí hậu tác động lên các dải san hô ngầm, nơi hàng chục loài cá thường xuyên lui tới kiếm ăn. Chúng hấp thu hóa chất độc hại khi ăn phải những loài cá nhỏ hơn đã tiêu thụ tảo độc.

Trước đây, tình trạng ngộ độc ciguatera chỉ xảy ra ở Nam Thái Bình Dương, vùng Caribbe và Ấn Độ Dương, nhưng nay đã lan khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Điển hình ở Mỹ, kể từ thập niên 1970 đến nay, các vụ ngộ độc hải sản đã tăng gấp 5 lần lên hơn 250 ca mỗi năm. Trong khi đó, do nhập khẩu phần lớn hải sản,Hong Kong mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc ciguatera so với mức chưa đến 10 vụ vào những năm 1980.

(nguồn AP, VASEP, Báo Cần Thơ)

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này