Nghiện rượu, hội chứng cai nghiện và cách xử lý

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

NGHIỆN RƯỢU, HỘI CHỨNG CAI RƯỢU VÀ CÁCH XỬ LÝ

ĐẠI CƯƠNG[sửa]

Nghiện rượu là nghiện Etanol (rượu), thể hiện sự phụ thuộc vào các biểu hiện khi không uống rượu như: khó chịu, nhạt miệng, tức tối, buồn bực. v.v. và gây hậu quả là ngộ độc cấp hoặc mãn tính. Ở người nghiện rượu mãn tính, có sự dung nạp của hệ thống thần kinh trung ương với rượu, ở giai đoạn đầu mức chịu đựng nồng độ rượu trong máu có thể cao hơn bình thường, nhưng ở giai đoạn sau khi đã có tổn thương gan, thận, thiếu dinh dưỡng ... thì tình hình đảo ngược lại. Ở những người này, chỉ cần một lượng rượu nhỏ cũng xuất hiện các dấu hiệu say rượu, nhưng không uống thì lại xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng cai rượu, xã hội gọi là (nát rượu).

HỘI CHỨNG CAI RƯỢU[sửa]

Khi người nghiện rượu nặng đột ngột bỏ rượu sẽ gây một loạt các biến loạn trong cơ thể, các triệu chứng đó gọi là hội chứng cai rượu: Sau khi giảm hoặc dừng uống rượu từ 12 - 24 giờ bệnh nhân thấy mệt mỏi, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, run tay, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu mất ngủ, ác mộng, tăng huyết áp, hạ thân nhiệt, tê bì hai chi dưới, chuột rút, đau mỏi các cơ, bỏ ăn hoặc ăn uống kém. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng co giật cục bộ hoặc toàn thân, trong ngày có thể tới 4 - 5 cơn, nghiện rượu càng nặng càng lâu thì cơn co giật càng lớn và kéo dài. Sau đó vài ngày, bệnh nhân xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, kích thích rung giật, nói lảm nhảm, sảng run, mất định hướng.

Kèm theo các triệu chứng của hội chứng cai rượu là một tình trạng suy kiệt nặng; nhiễm khuẩn ở một số nơi như đường hô hấp, tiết niệu; các triệu chứng của xơ gan: vàng da, cổ chướng, tuần hoàn bàng hệ, lách to và các biểu hiện của tiền hôn mê gan, hoặc hôn mê gan thực sự khiến cho bệnh cảnh lâm sàng của hội chứng cai rượu thêm nặng nề và phức tạp.

CÁCH XỬ LÝ HỘI CHỨNG CAI RƯỢU[sửa]

+ Xã hội thường có ấn tượng không tốt với người nghiện rượu, cho nên phải động viên họ với thái độ kiên trì nhưng cương quyết nhằm làm cho bệnh nhân tự nguyện cai rượu, giảm uống rượu từ từ hoặc hỗ trợ bằng các thuốc cai rượu. Không được giấu bệnh nhân, nén cho họ uống thuốc cai rượu, bệnh nhân phải được biết là họ đang cai rượu với sự hỗ trợ của thuốc và hợp tác tự nguyện cai rượu.

+ Khi có biểu hiện hội chứng cai rượu, tùy mức độ biểu hiện mà có những cách sử lý khác nhau:

- Ở mức độ nhẹ: Sau khi ngừng rượu thấy chóng mặt, run, mệt mỏi, vã mồ hôi, đánh trống ngực, buồn nôn, đau đầu mất ngủ, tê bì hai chi dưới, đau mỏi các cơ, bỏ ăn hoặc ăn uống kém. Động viên và giải thích cho bệnh nhân hiểu đây là biểu hiện của hội chứng cai rượu, cần phải từ từ cai rượu tự giác hoặc hỗ trợ bằng thuốc cai rượu.

- Mức độ trung bình: Có triệu chứng chuột rút, vã mồ hôi nhiều, nôn và buồn nôn khan, đau đầu, ảo giác hoang tưởng… Cần bù nước chống rối loạn điện giải, bỏ rượu chủ động với số lượng ít dần, kết hợp sử dụng thuốc của bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chống độc

- Mức độ nặng: Co giật, mê sảng, nói nhảm, sảng run hoặc kèm theo tình trạng suy kiệt thiếu dinh dưỡng nặng, nhiễm trùng hô hấp tiết niệu, bệnh xơ gan cổ chướng, … hoặc tiền mê hoặc hôn mê. Cần đưa bệnh nhân nhập viện điều trị tích cực bằng các thuốc chống co giật, cân bằng điện giải, và các bệnh kèm theo.

Sau khi ra viện về áp dụng ngay biện pháp cai rượu tự nguyện với sự hỗ trợ của thuốc và giám sát theo dõi của chuyên môn, nếu bệnh nhân uống rượu trở lại thì sẽ lặp lại hiện tượng cũ trong thời gian rất gần.

Liên kết đến đây