Nhìn lại lịch sử Bách Việt và sự Hán hóa Bách Việt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi đọc những câu hỏi “Vì sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung Quốc vẫn không thể đồng hóa Việt Nam?”. Hoặc “Người Việt Nam (tộc người Kinh) vì sao mà khó đồng hóa như vậy?(1), nhiều người nghĩ chắc là ý kiến của những anh chàng người Việt nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Nhưng thật bất ngờ, những câu hỏi này và tương tự như vậy hiện là những chủ đề nóng của các diễn đàn tranh luận trên mạng Internet của người Trung Hoa, bằng tiếng Trung chứ không phải của người Việt.

Họ đã chất vấn nhau, loại thế này: Hơn một nghìn năm, trước khi nhà Tống lên ngôi, Giao Châu là thuộc Trung Hoa, dù chị em họ Trưng có nổi dậy cũng chỉ mấy năm là dẹp yên. Thế mà vì sao từ đời Tống trở đi các triều đại Trung Hoa không thể thu phục nổi Việt Nam. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam, người Kinh ấy, từ đâu mà ra, hình thành từ lúc nào? Người Hán chúng ta từ cổ xưa đã có sức đồng hóa cực mạnh. Số dân tộc đã bị Hán tộc đồng hóa không đếm xuể. Tại sao chừng ấy năm đô hộ vậy mà không đồng hóa nổi Việt Nam… Nếu An Nam là thuộc Trung Quốc từ thời đó, liệu bây giờ quần đảo Nam Sa (VN gọi là Trường Sa) có thành vấn đề không? Việt Nam có còn chiếm được nhiều đảo ở Nam Sa như bây giờ không?

Là người Việt Nam, chắc ai cũng muốn chính mình tìm câu trả lời cho những câu hỏi thú vị đó. Chúng ta từng nghe nói rằng, từ xa xưa một dải giang sơn mênh mông từ Nam sông Dương Tử trở về Nam là nơi các tộc dân Việt sinh sống và phát triển nền văn minh lúa nước rực rỡ. Thế rồi ngày nay, hầu hết đều trở thành lãnh thổ và giang sơn của người Hán, dùng Hán ngữ và văn hóa Hán. Quá trình đó người ta quen gọi là Hán hóa. Vì vậy nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, và quá trình Hán hóa Bách Việt, là một cách ôn cố tri tân hữu ích. Đáng tiếc là thời xa xưa đó lịch sử chủ yếu ghi chép lại bằng Hán ngữ cổ ở Trung Hoa, không dễ tiếp cận với đa số hiện nay. Vì lẽ đó người viết bài này cố gắng tóm tắt những gì mà sử sách cổ còn ghi lại, kết hợp với những tài liệu khoa học đã công bố của một số học giả uy tín trên thế giới, ngõ hầu cung cấp một vài thông tin hữu ích, nhiều chiều, kể cả còn đang tranh cãi.

Hán hóa Bách Việt- Giai đoạn sau thời Tần-Hán

Cho đến trước khi Tần Thủy Hoàng diệt được sáu nước, dẹp bỏ nhà Chu, thống nhất Trung Hoa (221 TCN) thì dân Hoa Hạ (Hán tộc) chỉ chiếm lãnh và đồng hóa được dải đất từ Hoàng Hà xuống đến Ngũ Lĩnh9, còn từ Ngũ Lĩnh trở về Nam (Lưỡng Quảng, Giao Chỉ, Hải Nam... gọi tắt là Lĩnh Nam) thuộc về Âu Việt (gọi chung Tây Âu và Đông Âu) và Lạc Việt. Từ Kinh Sở trở về Tây, Tây Nam (Vân Nam) vẫn còn thuộc về Điền Việt, Tây Âu, Đại Lý…

Vùng Bách Việt phía Tây Nam này (Vân Nam) thì mãi đến thế kỷ 12 còn độc lập, dù người Hán có tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm chiếm lẻ tẻ. Chỉ sau khi Mông Cổ chiếm Đại Lý (1253), Vân Nam, rồi sau đó chiếm nốt Trung Hoa, lập ra nhà Nguyên, thì Vân Nam mới nhập vào Trung Hoa. Năm 1381, Minh Thái Tổ mới bình định xong Vân Nam và cuộc Hán hóa hoàn tất rất nhanh. Ngày nay hơn 61% cư dân Vân Nam là người Hán.

Vùng Lĩnh Nam chiếm làm đất Trung Hoa từ thời Tần - Hán, nhưng quá trình Hán hóa thì khá khó khăn và cho đến nay vẫn chưa xong hết (!). Cổ sử Trung Hoa chép thì Lĩnh Nam có nhiều bộ tộc Việt lập quốc như Tây Âu, Lạc Việt… có nước Dạ Lang (nhưng không thấy chép Văn Lang!). Âu và Lạc10 là một tộc Việt hay là hai tộc Việt khác nhau, cho đến tận ngày nay vẫn còn tranh cãi. Sách “Hoài Nam Tử” (139 TCN) thì chỉ viết có Tây Âu11 không có nói đến Lạc chỗ nào cả. Sách “Sử Ký” (94 TCN) muộn hơn một ít thì cũng có viết Âu, không tìm thấy chữ Lạc đứng riêng một mình, mà luôn luôn chỉ có chép Âu Lạc liền nhau12. Tuy nhiên trong Lã thị Xuân Thu (291–235 TCN) sớm nhất thì có chép” Việt Lạc-越骆”13. Việt Lạc rất có thể chính là nước Lạc Việt trong sử sách sau này, Việt Lạc là ghi âm trực tiếp từ ngôn ngữ người Việt, theo ngữ pháp Việt, còn sau này ghi Lạc Việt là ghi chép qua thông dịch sang Hán Ngữ, theo ngữ pháp Hán.

Luận theo sử sách chép, có thể thời tiền Tần thì Âu và Lạc là hai chi Việt khác nhau. Thời kỳ chiến đấu chống lại Tần thì có thể hai chi Việt này liên minh lại với nhau thành một khối Âu Lạc. Lúc đó trung tâm là ở Nam Trung Hoa, vùng Vũ Minh Mã đầu (Nam Ninh - Quảng Tây ngày nay). Chỉ sau khi Hán Vũ Đế bình Nam Việt của Triệu Đà thì hai chi này mới lại phân chia ra, và trung tâm di về vùng quanh Hà Nội ngày nay.

Đồng thời với nước Lạc Việt có nước Tây Âu hay Âu Việt mà người đứng đầu trong sử chép là Thục Phán. Tuy nhiên Âu Việt lập quốc lúc nào và Thục Phán từ đâu ra thì sử sách không ghi rõ. Rất nhiều ý kiến cho rằng Thục Phán là hậu duệ của vương triều nước Thục. Quả thực sử có chép một quốc gia tên là Thục Quốc, ở Tây Nam Trung Hoa ngày nay. Thường Cừ (347)người đời Tấn viết trong Sách “Hoa Dương Quốc Chí”14: “Nước Thục Đông giáp nước Ba, Nam giáp Việt, Bắc phân giới với nước Tần, Tây tựa Nga Ba”. Vị trí địa lý như vậy nên cư dân ở đây bao gồm người Khương, người Việt, người Hoa Hạ. Dòng họ Khai Minh làm vua nước Thục, truyền được 12 đời, đến năm 316 TCN đời Chu Thận Vương thì bị nhà Tần diệt15, hậu duệ chạy về phương Nam. Sử chép đến đây thì đứt đoạn, không nói gì tiếp. Cho nên về sau nói Thục Phán là hậu duệ Khai Minh thị, cha Thục Phán là Khai Minh Chế chiếm lưu vực Diệp Du Thủy (tức thượng nguồn sông Hồng)16, xưng là An Tri Vương vua nước Tây Âu, sau truyền ngôi cho con là Phán, cũng chỉ là một giả thuyết, chép lại theo truyền thuyết của tộc dân Đại Y17.

Lúc này cũng là thời kỳ theo truyền thuyết là có nước Văn Lang ở phía trung và hạ lưu sông Hồng (trong cổ sử Trung Hoa không có tên nước Văn Lang, chỉ có tên một nước là Dạ Lang, liệu có liên quan đến Văn Lang không?), do dòng họ Hùng làm vua. Việc Thục Phán là hậu duệ nước Thục, cũng như nước Văn Lang có vua Hùng trị vì 18 đời trong sử An Nam là ghi lại theo truyền thuyết. Tuy nhiên Thục Vương Tử tên Phán, Hùng Vương vua Lạc Việt, Thục diệt Hùng Vương chiếm lãnh thổ, xưng là An Dương Vương thì có ghi trong sử cổ Trung Hoa từ đầu Công nguyên.

Theo quyển “Việt sử lược”18, của tác giả không rõ tên, có lẽ là người Việt Nam khắc in ở Trung Hoa vào quãng cuối Nguyên đầu đời Minh (~1360), có viết về nước Văn Lang, vua là Đối Vương 碓王, sau bị Thục Phán đánh đuổi, Phán xưng là An Dương Vương.

Sách cổ “Thủy kinh chú” dẫn lại lời ghi trong “Giao châu ngoại vực ký” rằng19 “… Thục Vương Tử dẫn binh tướng ba vạn đánh lại Lạc Vương 雒王, Lạc hầu 雒侯, thu phục các Lạc Tướng. Rồi đó Thục Vương Tử xưng là An Dương Vương”. Sách “Cựu Đường thư” dẫn lại “Nam Việt chí” chép20“Đất Giao Chỉ vô cùng màu mỡ, xưa có vua xưng là Hùng Vương 雄王, có Lạc hầu phò tá. Thục Vương Tử dẫn quân tướng ba vạn tiến đánh, diệt được Hùng Vương. Thục xưng làm An Dương Vương, cai trị Giao Chỉ”. Như vậy thì sử sách có ba tên gọi cho vua nước Lạc Việt: Lạc Vương, Hùng Vương, Đối Vương. Có nhiều ý kiến cho rằng ba tên gọi này là một, chính là Lạc Vương, các tên khác do về sau sao chép nhầm chữ Lạc 雒 của Hán ngữ mà thành21. Dầu sao thì cũng có hai lý giải về truyền thuyết danh xưng Hùng Vương, một là dòng dõi họ Hùng Vương nước Sở, hai là Lạc Vương vua của dân Lạc Việt. Dù tên tuổi đúng sai thế nào, thì Hùng Vương không chỉ thuần túy là truyền thuyết của Việt Nam, mà cũng có ghi trong cổ sử Trung Hoa. Nhân vật Thục Phán tuy nguồn cội chưa xác định, nhưng cũng có thật, đánh chiếm Lạc Việt lập nên nước Âu Lạc xưng là An Dương Vương cũng là có thật, có ghi trong chính sử không chỉ của Việt Nam22.

Tần diệt Sở, rồi đánh chiếm Lĩnh Nam, Đô Úy Triệu Đà được Tần cắt cử quản lĩnh Quế Lâm, Tượng Quận. Nhân khi nơi nơi nổi lên chống Tần, năm 204 TCN Triệu Đà bèn chiếm Lĩnh Nam lập nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu) và đánh chiếm Âu Lạc. Sách “Giao Châu ngoại vực ký” chép: “Nam Việt Vương Úy Đà cử binh đánh An Dương Vương. An Dương Vương có thần nhân Cao Thông phù tá, chế ra nỏ thần cho An Dương Vương, một phát giết được ba trăm mạng”23. Sách “Thái Bình Ngự Lãm” dẫn “Nhật Nam truyện” còn chép phóng đại hơn, nỏ một phát giết ba vạn người và còn kể tỉ mỉ chuyện tình Mỵ Châu Trọng Thủy, chuyện mất nỏ thần, dẫn đến An Dương Vương thất bại24. Nước Âu Lạc từ đó nhập vào nước Nam Việt25. Triệu Đà lập nước Nam Việt năm 203 TCN, giữ độc lập với nhà Hán được 92 năm, truyền 5 đời vua, đến đời Triệu Kiến Đức và thừa tướng Lữ Gia26 thì mất nước vào tay Hán Vũ Đế năm 111 TCN. Một dải Lĩnh Nam và Đông Hải bị Hán chiếm và Hán hóa kéo dài hơn ngàn năm, ngoại trừ Lạc Việt, còn lại hoàn toàn trở thành Hán. Lạc Việt, sau hơn 1000 năm nô lệ và Hán hóa, vẫn giữ được bản sắc và nền văn minh Việt, cuối cùng thì giành được độc lập và trở thành Đại Cồ Việt, Đại Việt, Nam Việt và Việt Nam đến tận ngày nay. Đó là một trường hợp duy nhất mà Trung Hoa không thể Hán hóa được.

Vì sao Đại Việt không bị Hán hóa?

(Còn tiếp)

(Trích) (tác giả: Trần Gia Ninh, báo Tia Sáng)