Nhận biết mèo mắc bệnh

Từ VLOS
(đổi hướng từ Nhận biết Mèo Mắc bệnh)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một trong những thú vui khi chăm sóc mèo đó là chúng có bản tính thoải mái. Loài mèo giỏi hơn con người trong việc thư giãn và sống một cuộc sống mà chúng ta hằng mơ ước: chơi đùa, ăn và ngủ. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây trở ngại khi chúng bị ốm. Theo bản năng, loài mèo thường ẩn nấp, hoặc thói quen hằng ngày (ngủ) diễn ra với tần suất dày đặc. Để xác định mèo có thật sự mắc bệnh hay không, bạn cần nắm rõ dấu hiệu chính xác.

Các bước[sửa]

Quan sát Dấu hiệu Thay đổi Hành vi và Dáng vẻ Bên ngoài[sửa]

  1. Quan sát thời gian ngủ của mèo. Khi mắc bệnh chúng thường ngủ nhiều hơn. Nếu mèo không có dấu hiệu ốm đau, như là nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, hoặc sưng phù, thì bạn vẫn nên chú ý đến chúng. Khi những triệu chứng này xuất hiện, bạn cần đưa mèo đến khám bác sĩ thú y.
    • Nếu không nhận thấy triệu chứng khác, bạn cần theo dõi mèo trong vòng 24 giờ (tất nhiên, bạn nên đưa chúng đi khám trước đó nếu thật sự cảm thấy lo lắng). Trong trường hợp tình trạng mệt mỏi kéo dài đến ngày thứ hai, thì đã đến lúc đưa chúng đi khám.[1]
  2. Kiểm tra nhiệt độ cơ thể mèo để xác định tình trạng sốt. Dùng nhiệt kế trực tràng đo nhiệt độ cơ thể chúng. Tuy nhiên, nếu mèo không thoải mái thì bạn không nên tiến hành đo và để cho bác sĩ thực hiện. Nhiệt độ cơ thể bình thường dao động từ 37,5 đến 39,2 độ C. Nếu trên 39,2 độ C là tăng cao, và trên 39,5 độ C có nghĩa mèo bị sốt. Khi đó bạn cần đưa chúng đến bác sĩ thú y.[2]
    • Mèo bị sốt thường hay ngủ sâu, bỏ bữa, và bộ lông của chúng không còn sáng bóng mà trở nên rối xù. Mũi và tai có thể khô và ấm khi chạm bằng ngón tay ở nhiệt độ cơ thể bình thường. Trong khi biện pháp chạm tai không phải là cách chính xác để kiểm tra nhiệt độ, nếu tai mèo mát lạnh, thì chúng không có khả năng sốt.
  3. Quan sát dấu hiệu thay đổi thói quen đi vệ sinh. Bạn cần chú ý những đặc điểm sau: tần suất mèo sử dụng khay vệ sinh, nếu chúng gặp khó khăn, hoặc nếu nước tiểu có máu hoặc dịch nhầy, phân đông cứng và có hình dạng như quặng.[3] Nếu mèo mắc bệnh tiêu chảy, nhưng tiếp tục ráng sức hoặc bị táo bón (dấu hiệu phân cứng và khô), thì bạn cần đưa chúng đi khám bác sĩ. Khi nhận thấy mèo gắng sức nhiều lần và không đi tiểu được, hoặc xuất hiện máu, bạn cần gọi ngay cho bác sĩ thú y.[4]
    • Mèo đực dễ gặp vấn đề tiết niệu khi chúng gặp khó khăn trong việc tiểu tiện. Dấu hiệu bao gồm đi vệ sinh thường xuyên, và đôi khi là ngồi xổm bên ngoài khay. Mèo có thể ngồi xổm vài phút hoặc nhổm lên và di chuyển đến nơi khác rồi tiếp tục ngồi xổm. Nếu có thể, bạn cần kiểm tra xem chúng có tiểu hay không (miếng lót khô hay ẩm?) và nếu có, tiếp tục kiểm tra có vết máu hay không.[4]
  4. Quan sát thói quen ăn uống của mèo. Nếu bạn nhận thấy mèo không ăn nhiều, hoặc ăn nhiều hơn bình thường, thì có thể chúng đã gặp vấn đề. Trong trường hợp mèo không quan tâm đến thức ăn cả ngày, đây có thể là báo hiệu một số vấn đề như ăn thức ăn nhà hàng xóm, cảm thấy buồn nôn, hoặc thận có vấn đề. Tuy nhiên, nếu mèo ăn ngấu nghiến, sức khỏe của chúng có thể bị ảnh hưởng.
    • Nếu mèo không ăn uống hơn 24 giờ, bạn cần đưa chúng đi khám để phát hiện vấn đề tiềm ẩn trước khi xuất hiện biến chứng.[3][5]
  5. Kiểm tra dấu hiệu mất nước. Bạn cần lưu tâm đến những thay đổi trong hành vi uống nước của mèo. Lượng nước nạp vào tùy thuộc liệu chúng có ăn đồ lỏng hay không (trong trường hợp này việc uống nước là không bình thường) hoặc đồ khô (uống nước là bình thường). Nhiều bệnh gây nên tình trạng khát nước cực độ, như là viêm nhiễm, thận, tuyến giáp hoạt động quá mức, và tiểu đường. Nếu mèo khát nước, bạn nên đưa chúng đi khám bác sĩ.[4]
    • Bạn có thể tiến hành kiểm tra thể chất. Cẩn thận và nhẹ nhàng túm phần da ở giữa hai bả vai. Kéo da hướng lên trên ra xa khỏi cơ thể chúng (vẫn phải nhẹ nhàng) và sau đó thả ra. Nếu vùng da không trở lại trạng thái ban đầu ngay lập tức, khi đó mèo có thể bị mất nước và cần đi khám ngay.
  6. Chú ý cân nặng và hình dáng cơ thể của mèo. Bất kỳ thay đổi về khối lượng đều đáng kể và cần được khám. Việc sút cân đột ngột hay thậm chí là từ từ đều có thể là dấu hiệu mắc bệnh. Nếu nghi ngờ, bạn nên cân mèo một tuần một lần ở nhà. Nếu mèo tiếp tục sút cân, bạn cần đưa chúng đi khám ngay.[4]
    • Trong giai đoạn đầu của bệnh như là tiểu đường hoặc cường giáp, mèo thường có biểu hiện bình thường nhưng sút cân. Bạn nên tìm lời khuyên của bác sĩ trong trường hợp cân nặng sụt giảm liên tục.
    • Một số bệnh như ung thư vùng bụng hoặc bệnh tim thường không ảnh hưởng đến cân nặng của chúng nhưng làm mất đi hình dáng cơ thể. Điều này có nghĩa là bạn có thể cảm nhận xương sườn và xương sống dễ dàng hơn vì không còn nhiều mỡ bao phủ, nhưng vùng bụng có thể tròn hoặc phình ra. Nếu nghi ngờ, bạn cần đưa chúng đi khám bác sĩ.[4]
  7. Kiểm tra lông mèo. Khi mắc bệnh, mèo thường không đủ sức để tự chải chuốt. Điển hình là bộ lông sáng bóng gọn gàng sẽ trở nên tối màu, thô ráp và rối xù. Trong khi căng thẳng có thể góp phần gây nên tình trạng rụng lông hoặc thay đổi thói quen làm sạch, thì mèo của bạn thật sự đã mắc bệnh. Khi đó cần đưa chúng đi khám bác sĩ.[6][7]
    • Thay đổi thói quen chải chuốt cũng có thể do viêm khớp gây nên. Khi đó việc chúng chải chuốt lông có thể gây đau đớn nếu các khớp xương và cơ bị căng cứng và nhức mỏi. Một lần nữa, đây là dấu hiệu mà bạn không thể bỏ qua và cần tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ thú y.

Quan sát Triệu chứng[sửa]

  1. Nhận biết nôn mửa. Nếu mèo có hiện tượng nôn, đặc biệt nhiều lần trong ngày, và cảm thấy mệt mỏi, thì đây có thể là dấu hiệu rõ ràng. Trong trường hợp mèo không uống nước hay nôn mửa sau khi uống, thì chúng cần được đưa đi khám.[4]
    • Đa số mèo có thói quen nôn mửa, có nghĩa là chúng thỉnh thoảng nôn (một hoặc hai lần một tuần) để thanh lọc cơ thể. Bạn không cần phải lo lắng nếu mèo vẫn linh hoạt, nhanh nhẹn, có hành vi bình thường và ăn uống tốt.[4]
  2. Quan sát bệnh tiêu chảy. Phân mèo bình thường có dạng giống xúc xích. Khi mắc bệnh tiêu chảy, phân ở dạng lỏng và không có hình dạng cố định, và điều này hoàn toàn không bình thường. Nếu mèo vẫn khỏe mạnh, bạn có thể chờ 24 giờ để xem mèo có ăn gì không tốt cho đường ruột hay không. Tuy nhiên, nếu chúng nôn mửa, không ăn uống, lờ đờ, hoặc hôn mê, hay phân có máu hoặc dịch nhầy (chất giống như đông sương), khi đó bạn cần đưa mèo đi khám bác sĩ.[4]
  3. Quan sát mức độ hoạt động của mèo. Hôn mê, hoặc thiếu năng lượng là dấu hiệu của sốt, khó thở, hoặc đau đớn. Điều này khác với khi mèo ngủ nhiều hơn, vì khi chúng thức nhưng không có sức lực để tương tác hoặc tham gia hoạt động thường ngày. Nếu mèo có hiện tượng hôn mê và thở nhanh, bạn cần đưa chúng đi khám ngay.[4]
    • Ghi chú hành vi của mèo. Nếu mèo rơi vào tình trạng mệt mỏi không bình thường và không quan tâm đến hoạt động thường ngày, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy chúng suy dinh dưỡng hoặc đau ốm.
  4. Phát hiện vấn đề hô hấp. Nếu mèo thở nhanh và nông hoặc mở miệng, và không tự ráng sức, thì bạn cần đưa chúng đến bác sĩ thú y. Bạn cũng cần chú ý việc mèo khó thở ở mức độ nào. Nếu cơ bụng phồng lên để cố gắng thở, bạn cần đưa mèo đi khám.[4]
    • Đôi khi, việc kêu rừ rừ có thể gây nhầm lẫn khi xác định tốc độ hô hấp (làm cho tốc độ nhanh hơn), vì vậy bạn nên đếm số nhịp thở khi mèo không kêu rừ rừ hoặc đang ngủ. Tốc độ hô hấp bình thường ở mèo là 20-30 nhịp/phút, và thấp hơn khi chúng thư giãn.
  5. Chú ý hiện tượng nghiêng đầu, chóng mặt, hoặc mất phương hướng. Tất cả dấu hiệu này đều có thể là triệu chứng rối loạn thần kinh hoặc viêm tai. Nếu xuất hiện các triệu chứng này, bạn cần đưa mèo đến gặp bác sĩ thú y ngay lập tức. Mèo là loài sinh vật hoạt động nhanh nhẹn trên đôi chân linh hoạt. Nếu đặc điểm này thay đổi và chúng trở nên vụng về, lóng ngóng, nghiêng đầu về một bên, thì đây hoàn toàn không bình thường. Mèo có nguy cơ đột quỵ, huyết áp cao, hoặc thậm chí là u não, vì vậy đưa chúng đi khám là điều nên làm .[8]
  6. Chải lông cho mèo thường xuyên để kiểm tra khối u. Hầu hết cục u và nhọt đều lành tính, nhưng nếu có hiện tượng rỉ nước hoặc mềm thì cần phải kiểm tra. Ngoài ra, bạn cần chú ý mùi hôi xuất phát từ vết xước bị nhiễm trùng. Trong trường hợp này cũng phải đi khám ngay. Nếu không nhiễm trùng có thể gây nên nhiễm độc máu.[9]
  7. Quan sát mắt mèo. Kiểm tra mắt (và mũi) xem có dịch tiết nhiều hay không. Nếu mắt mèo nhìn giống như đang khóc, có thể chúng bị dị ứng hoặc viêm xoang. Nếu chất nhầy đi kèm với uống nước/đi tiểu nhiều, hôn mê, và bộ lông có màu đục thì bạn cần đưa mèo đi khám bác sĩ để phát hiện suy giảm chức năng thận có thể xảy ra.
    • Bạn cũng nên kiểm tra xem đồng tử của mèo có giãn ra không. Một số bệnh làm cho mắt mèo giãn nở ra và duy trì ở trạng thái đó. Bạn cần đưa chúng đi khám ngay lập tức nếu phát hiện thấy đồng tử giãn to.
  8. Kiểm tra miệng mèo. Cụ thể, bạn cần quan sát dấu hiệu nướu răng đổi màu. Nếu thấy nướu, đặc biệt là nướu đen, chuyển sang màu nhạt, thì có thể mèo đã mắc bệnh. Ngoài ra bạn cũng cần ngửi hơi thở của chúng. Nếu có mùi lạ không phải do thức ăn, thì chúng có lẽ đang gặp vấn đề.[6]

Kiểm tra Bệnh cụ thể[sửa]

  1. Phát hiện bọ chét. Quan sát hiện tượng mèo gãi liên tục vì có thể chúng có bọ chét trên người. Nếu thấy mèo thường xuyên gãi, bạn cần kiểm tra từng điểm. Dùng lược răng sít và chải lông cho chúng. Tìm kĩ các đốm nhỏ màu nâu, di chuyển nhanh (bọ chét) đặc biệt ở vùng cổ và tai mèo.[10]
    • Bạn cũng có thể phát hiện bọ chét bằng cách chải lông cho mèo trên miếng giấy trắng. Bạn sẽ thấy bọ chét bám trên răng lược hoặc phân bọ chét trên giấy. Phân bọ chét có hình dạng như dấu phẩy màu đen. Nếu đặt lên vải len bông ẩm, chúng sẽ hòa tan thành vệt máu.
    • Nhiều sản phẩm quảng cáo có thể diệt bọ chét và loại bỏ chúng ra khỏi nhà. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ cụ thể.
  2. Quan sát hiện tượng ho khan và nôn mửa là dấu hiệu của dị vật lông dạ dày. Chúng có thể làm cho hơi thở có mùi hôi hoặc chán ăn. Vấn đề dị vật lông dạ dày nghiêm trọng có thể biến chứng thành Dị vật tóc lông (cục u lông cứng và thức ăn có mùi hôi không tiêu hóa được) và trong trường hợp nặng cần phải tiến hành phẫu thuật. Bạn cần chải lông cho mèo thường xuyên để giảm thiểu dị vật lông dạ dày.[11]
    • Một số phương pháp chữa trị tại nhà hiệu quả bao gồm thêm chất bổ sung vào thức ăn như là: Slippery Elm Bark để bôi trơn dị vật lông dạ dày hoặc bí ngô xay nhuyễn (đóng hộp) thêm chất xơ vào phân, đẩy dị vật ra ngoài. Những loại này có thể được thêm vào định kỳ để chữa trị như cá hoặc thịt gà/gan nấu chín như là biện pháp phòng ngừa dị vật lông dạ dày.
    • Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc rằng vấn đề nghiêm trọng hơn không phải là nguyên nhân.
  3. Phát hiện bệnh cường giáp, hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức. Triệu chứng bao gồm ăn nhiều hoặc khát nước, sút cân không rõ nguyên nhân (đặc biệt là rối loạn cơ), căng thẳng hoặc cáu kỉnh, nôn mửa thường xuyên, hôn mê và yếu sức, tiêu chảy, hoặc lông bù xù. Nếu có từ hai triệu chứng nêu trên, mèo của bạn cần được đi khám bác sĩ thú y.[12] Cường giáp thường xảy ra ở mèo thuộc độ tuổi trung niên hoặc già, hiếm khi xảy ra ở mèo nhỏ .
    • Hiện tượng ăn nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo mèo cần đi khám bác sĩ. Hóc-môn tuyến giáp kích thích sự thèm ăn có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất và làm chức năng cơ quan hoạt động quá sức.[8]
  4. Quan sát dấu hiệu tiểu đường ở mèo. Triệu chứng bao gồm nôn mửa, mất nước, đuối sức, chán ăn, khát nước và đi tiểu nhiều, sút cân, hơi thở không bình thường, và bộ lông bù xù. Tiểu đường ở mèo có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng mèo già và béo phì thường dễ mắc bệnh này hơn. Nếu mèo có bất kỳ triệu chứng nào, bạn cần đưa mèo đến khám bác sĩ để xét nghiệm mức đường huyết và đường trong nước tiểu.[13]
  5. Quan sát dấu hiệu viêm đường tiết niệu ở mèo (FLUTD). Dấu hiệu FLUTD bao gồm đi tiểu khó và thường xuyên, chán ăn, bơ phờ, có máu trong nước tiểu, hoặc liếm bộ phận sinh dục liên tục. Đây là bệnh nhiễm đường tiết niệu đau đớn có thể gây tử vong.
    • FLUTD do nhiều nguyên nhân gây nên như giảm hấp thu nước, bí tiểu, nhiễm vi-rút, vi khuẩn, hoặc do chế độ ăn uống. Một số thức ăn khô hình thành tinh thể trong nước tiểu gây trầy xước và kích ứng niêm mạc bàng quang. Nếu không được chữa trị, chúng có thể biến thành sỏi bàng quang gây ảnh hưởng nghiêm trọng làm tắc nghẽn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu mèo trở nên cáu gắt, muốn ở một mình, ít hào hứng, v.v… thì chúng có thể đã bị bệnh.
  • Một số thay đổi hành vi bất thường không gây nên vấn đề gì, đặc biệt nếu thay đổi thức ăn hoặc nước uống.
  • Quan sát kỹ triệu chứng trên cơ thể (như là nôn mửa hoặc tiêu chảy) và ghi nhớ tần suất xảy ra. Bạn có thể chụp ảnh tình trạng bệnh hoặc tiêu chảy để bác sĩ dễ dàng khám và chữa bệnh hơn. Âm thanh kì lạ có thể là dấu hiệu cảnh báo mèo mắc bệnh.
  • Nếu nghi ngờ, bạn cần liên lạc với bác sĩ. Việc chờ đợi, trì hoãn có thể gây nguy hiểm.
  • Khi mèo ẩn nấp trong khu vực kín khi mà chúng thường ở vị trí thông thoáng khác, thì đây có thể là dấu hiệu mèo đang đau đớn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu mèo không ăn uống trong vòng hai ngày, bạn cần đưa chúng đi khám bác sĩ ngay lập tức.
  • Nếu mèo bị mất nước và nôn mửa, bạn cần đem chúng đến gặp bác sĩ ngay, vì triệu chứng này có thể gây nên suy thận nguy hiểm đến tính mạng của chúng.
  • Nếu mèo của bạn hoàn toàn mất kiểm soát chức năng cơ thể, khi đó chúng cần gặp bác sĩ thú y ngay lập tức. Nếu không, mèo có nguy cơ bị suy thận và có thể tử vong.
  • Con người cũng dễ bị ngứa do bọ chét cắn, thường là trên mắt cá chân.
  • Mèo con có thể bị thiếu máu nếu tiếp xúc với bọ chét.
  • Loài bọ chét phổ biến nhất, bọ chét mèo (Ctenocephalides Felis) có thể mang ấu trùng sán Dipylidium caninum. Nếu mèo ăn phải bọ chét trong khi chải lông, chúng có khả năng bị nhiễm khuẩn. Bọ chét cũng truyền tác nhân lây nhiễm khác.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Sổ tay Giáo trình Điều dưỡng thú y BSAVA. Cooper & Moulineaux. Ấn phẩm BSAVA.
  2. Sổ tay Giáo trình Điều dưỡng thú y BSAVA. Cooper & Moulineaux. Ấn phẩm BSAVA
  3. 3,0 3,1 http://www.petfinder.com/cats/cat-health/subtle-signs-of-a-sick-cat/
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 4,5 4,6 4,7 4,8 4,9 Nội khoa Động vật nhỏ. Nelson & Couto. Nhà xuất bản: Mosby. Ấn bản thứ 5
  5. Tư vấn Nội khoa ở Mèo. Tháng 8. Nhà xuất bản Saunders.
  6. 6,0 6,1 http://www.readersdigest.ca/pets/care/6-ways-tell-if-your-cat-is-sick
  7. Sổ tay Giáo trình Điều dưỡng thú y BSAVA. Cooper & Moulineaux. Ấn phẩm BSAVA.
  8. 8,0 8,1 Tư vấn Nội khoa ở Mèo. Tháng 8. Nhà xuất bản. Saunders.
  9. Sổ tay Giáo trình Điều dưỡng Thú y BSAVA. Cooper & Moulineaux. Ấn phẩm BSAVA.
  10. http://www.aspca.org/pet-care/cat-care/fleas
  11. http://pets.webmd.com/cats/guide/what-to-do-about-hairballs-in-cats
  12. http://www.aspca.org/pet-care/cat-care/hyperthyroidism
  13. http://www.vcahospitals.com/main/canine-feline-diabetes-awareness/feline-diabetes-awareness

Liên kết đến đây