Nhận biết mèo bị trầm cảm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cũng giống như con người, mèo có thể mắc phải hội chứng trầm cảm. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố, từ việc chuyển đến nhà mới cho đến sự mất mát của người bạn thân yêu. Hội chứng trầm cảm rất khó nhận biết do sự thay đổi hành vi đôi khi không khác bình thường là mấy. Tuy nhiên, bạn có thể theo dõi để nhận biết dấu hiệu trầm cảm ở mèo và có động thái can thiệp phù hợp.

Các bước[sửa]

Đánh giá Tình hình[sửa]

  1. Đưa mèo đi khám bác sĩ thú y. Trong trường hợp nhận thấy hành vi của chúng thay đổi, bạn nên liên hệ với bác sĩ thú y nhằm đảm bảo rằng mèo không gặp phải vấn đề bệnh tật gây nên chứng trầm cảm cần phải điều trị đặc biệt.
    • Trao đổi với bác sĩ thú y về những thay đổi mà bạn phát hiện được ở mèo, như là thay đổi trong thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, và tính cách. Bác sĩ thú y sẽ tiến hành kiểm tra thể chất đều đặn, lắng nghe nhịp tim, kiểm tra mắt và tai, cũng như đo nhiệt độ cơ thể.
    • Dựa trên những thay đổi hành vi mà bạn cung cấp, nếu bác sĩ thấy cần thiết sẽ tiến hành xét nghiệm máu, chụp x-quang, hoặc một số xét nghiệp khác. Một số kết quả xét nghiệm sẽ có ngay lập tức nhưng một vài xét nghiệm khác cần vài ngày mới có kết quả.
    • Nếu không phát hiện vấn đề sức khỏe, mèo có thể đã mắc phải hội chứng trầm cảm.
  2. Lưu ý bất kỳ thay đổi gần đây. Hội chứng trầm cảm ở mèo thường liên quan đến một vài yếu tố nguyên nhân. Bạn cần xem xét tình hình hiện tại cũng như phát hiện bất kỳ thay đổi lớn gần đây dẫn đến tình trạng trầm cảm ở mèo.
    • Dạo gần đây bạn có chuyển nhà hay không? Sự thay đổi về chỗ ở là một trong những nguyên nhân chính gây nên hội chứng trầm cảm ở mèo. Nhiều con gặp phải trở ngại trong việc chuyển đổi nhà ở và có thể rơi vào trạng thái trầm cảm tạm thời trong quá trình thích ứng với môi trường mới.[1]
    • Gần đây có ai hoặc vật nuôi nào mất hay không? Cho dù là người hay động vật, thì mèo vẫn bị ảnh hưởng bởi sự mất mát. Chúng không thấu hiểu cái chết như người, nhưng vẫn nhận ra sự vắng mặt của một người hay một con vật nào đó khiến chúng trở nên trầm cảm.[2]
    • Dạo này bạn khá bận rộn? Có thể là do công việc, quan hệ xã hội, hay mối quan hệ yêu đương mới khiến bạn dành ít thời gian hơn cho mèo. Điều này rất dễ làm cho chúng bị trầm cảm. Loài mèo nói chung, đặc biệt là giống siamese, là sinh vật hòa đồng và sẽ bị trầm cảm nếu chúng cảm thấy như thể bị bỏ rơi.[2]
  3. Lưu ý thời điểm trong năm. Trầm cảm theo mùa (SAD) không chỉ xảy ra ở người mà mèo có thể bị ảnh hưởng khi đến một thời điểm nhất định trong năm và chúng có thể trở nên trầm cảm trong những tháng mùa đông.
    • Mùa đông thường có ngày ngắn với lượng ánh sáng mặt trời ít. Sự thiếu hụt ánh nắng có thể gây nên hội chứng trầm cảm ở mèo, khiến chúng thay đổi hành vi. Trong trường hợp tính cách của mèo thay đổi trong một mùa nhất định, có thể chúng mắc phải tình trạng trầm cảm theo mua.[3]
    • Ánh sáng mặt trời có tác dụng lên mức melatonin và serotonin. Nếu thiếu hụt hai chất này, con người cũng như mèo đều có thể cảm thấy mệt mỏi, lo lâu, và buồn phiền. Mèo sống ngoài trời đặc biệt dễ mắc phải hội chứng trầm cảm vào mùa đông vì chúng dành toàn bộ thời gian ở bên ngoài thiên nhiên.[3]

Nhận biết Dấu hiệu của Bệnh Trầm cảm[sửa]

  1. Quan sát thói quen ngủ của mèo. Chúng rất thích ngủ. Trên thực tế, loài mèo thường ngủ 16 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu chúng ngủ nhiều hơn bình thường thì có thể đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
    • Mèo thường xuyên đi ngủ, cho nên rất khó nhận ra bao lâu là quá nhiều. Dẫu vậy, bạn nên xác định thời điểm khi nào chúng thức dậy và đi ngủ. Dùng căn cứ này để quan sát thói quen ngủ của mèo.[4]
    • Nếu mèo luôn thức dậy để chào đón bạn vào buổi sáng nhưng đột nhiên lại ngủ nướng trên tủ bếp, có thể chúng đã bị trầm cảm. Bạn cũng cần lưu ý trường hợp mèo hay thức dậy sau khi làm việc và giờ chúng lại đang ngủ trên ghế.[4]
    • Quan sát dấu hiệu sụt giảm năng lượng. Khi mèo đang thức, trông chúng có thẫn thờ hay không? Một số con mèo có bản tính lười biếng tự nhiên, nhưng nếu bạn thấy mèo thường ngày hay chạy nhảy và hiếu động nhưng nay lại nằm dài trên nệm cả ngày, thì chúng có thể mắc phải hội chứng trầm cảm.[5]
  2. Lắng nghe tiếng kêu của mèo với tần suất cao. Mèo thường phát ra nhiều loại âm thanh, từ tiếng kêu xì xì cho đến rừ rừ hoặc meo meo. Khi chúng kêu nhiều hơn bình thường, có thể đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
    • Mèo bị trầm cảm thường kêu thét lên, ngao ngao, hoặc xì xì để phản ứng lại tác nhân kích thích hoặc phát ra âm thanh ngẫu nhiên trong ngày. Có thể chúng đang cố nói cho chúng ta biết có điều gì đó không ổn.[6]
    • Mỗi con mèo có lượng thời gian ngủ nghỉ khác nhau và bao nhiêu là bình thường hay không bình thường tùy thuộc vào sự xem xét của bạn. Nếu mèo thường hay kêu to để thông báo sự hiện diện hay muốn được chú ý, bạn không cần phải lo lắng về việc chúng thường xuyên phát ra âm thanh. Tuy nhiên, nếu con mèo thường ngày khá trầm tĩnh nhưng hôm nay lại đánh thức bạn dậy trong đêm bằng tiếu kêu thét, chúng có thể đang diễn tả sự không vui của mình.
    • Hiện tượng kêu quá nhiều có thể là do người bạn gần gũi đã mất là người hoặc động vật. Mèo kêu thét lên để cố gắng và giúp người bạn đó tìm về gặp chúng.[5]
  3. Quan sát thói quen ăn uống của mèo. Mèo bị bệnh trầm cảm có thể ăn nhiều hơn hoặc ít đi nhằm chống lại sự buồn phiền. Bạn nên lưu ý lượng thức ăn mà chúng đang hấp thụ.
    • Biếng ăn là một trong những hậu quả do trầm cảm gây nên ở người lẫn động vật. Mèo của bạn có thể không thèm ăn và bạn sẽ nhận thấy rằng khi đến bữa chúng không chịu ăn và không hề đụng đến thực phẩm khô hoặc ướt để sẵn. Khi thói quen ăn uống thay đổi, mèo có thể bị sụt cân.[5]
    • Ngược lại, có một số con lại ăn nhiều khi bị trầm cảm. Tuy trường hợp như vậy khá hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu bạn nhận thấy mèo đòi ăn nhiều, đặc biệt là tăng cân, thì đây cũng là dấu hiệu của trầm cảm.[7]
  4. Kiểm tra lông mèo. Khi bị trầm cảm, mèo không còn thói quen tự chải chuốt hoặc liếm lông quá nhiều. Hiện tượng này có thể nhận thấy rõ ràng.
    • Nếu bộ lông không sáng bóng và xám xịt, có thể mèo không tự liếm lông nữa. Ngoài ra bạn cũng có thể nhận thấy chúng ít khi chải chuốt. Ví dụ như khi mèo hay tự làm sạch ở giữa phòng khách sau khi ăn tối, nhưng lại đột nhiên từ bỏ thói quen này, thì đây có thể là dấu hiệu của hội chứng trầm cảm.[8]
    • Một số con khác lại liếm lông quá mức để kiềm chế lo âu do trầm cảm. Bạn sẽ thấy chúng tự chải chuốt trong thời gian dài. Ngoài ra một số chỗ sẽ bị rụng hói lông hoặc nổi mẩn ngứa do liếm quá nhiều.[8]
  5. Lưu ý tần suất thực hiện hành động ẩn nấp của mèo. Chúng là loài động vật hòa đồng, nhưng lại muốn có những lúc được ở một mình. Mèo thường hay thích nấp ở vị trí cố định nào đó, như là ngăn đựng quần áo hoặc tủ đồ, nhưng việc ẩn nấp trong thời gian dài có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
    • Khi bị trầm cảm, mèo sẽ nấp ở chỗ khó tìm kiếm. Thay vì chui xuống gầm tủ, chúng có thể đào bới và nấp vào góc phòng để không bị phát hiện.[9]
    • Như đã đề cập ở trên, chỉ có bạn mới xác định được điều gì là bình thường đối với mèo. Một số con thích ẩn nấp nhiều hơn con khác, nhưng nếu mèo hay ở trong phòng khách suốt cả buổi chiều và hôm nay đột nhiên là biến đi mất, chúng có thể đã mắc bệnh trầm cảm.[9]
  6. Quan sát khay vệ sinh. Đây là món đồ có thể cho thấy dấu hiệu căng thẳng, một triệu chứng của trầm cảm ở mèo.
    • Hiểu rõ sự khác nhau giữa hành động dùng nước tiểu để đánh dấu và đi tiểu. Hành động trước là một hình thức của đánh dấu lãnh thổ và thường không phải triệu chứng của bệnh trầm cảm ở mèo. Nước tiểu thường xuất hiện trên đồ vật có hình trụ đứng, tạo nên mùi hăng, và thường là của mèo đực. Nếu mèo đang dùng nước tiểu để đánh dấu lãnh thổ, có thể là vì chúng cảm thấy lãnh thổ bị xâm hại và không phải do trầm cảm gây nên. Tuy nhiên, áp lực giữa mèo và thú cưng khác có thể gây nên cảm giác lo lâu, căng thẳng, và trầm cảm. Bạn nên giải quyết toàn bộ tranh chấp lãnh thổ trước khi vấn đề sức khỏe tinh thần có thể nảy sinh.
    • Nếu bạn phát hiện nước tiểu hoặc phân nằm rải rác quanh nhà, đây có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở mèo. Chúng đi bậy ngoài khay vệ sinh có thể là do không thích kích cỡ, hình dạng, loại đất và khay bẩn. Nếu khay vệ sinh sạch sẽ, và bạn không thay đổi khay gần đây, thì việc đi tiểu có thể liên quan đến chứng trầm cảm.[5]

Khắc phục Trầm cảm[sửa]

  1. Quan tâm đến mèo đúng mức. Bệnh trầm cảm nảy sinh ở mèo có thể là do chúng không được chăm sóc đầy đủ. Bạn cần phải đáp ứng nhu cầu được yêu thương của mèo để chúng luôn vui vẻ cũng như cảm thấy an tâm.
    • Mèo là loài động vật thích hòa đồng, nhưng lại có tính độc lập cao. Chúng thường sẽ ra hiệu khi nào thì cần được chú ý, và bạn nên cho phép chúng tiến lại gần. Nếu mèo tiếp cận bạn và thể hiện hành vi chào đón, như là cạ người vào chân hoặc đánh hơi cơ thể bạn, chúng đang khao khát sự quan tâm từ bạn. Bạn không thể lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu của mèo, nhưng ít ra cũng nên vỗ về âu yếm để chúng biết được bạn yêu quý chúng thế nào.
    • Mèo thường muốn được kích thích tâm trí, cho nên bạn cần dành thời gian chơi đùa với chúng khoảng từ 15 đến 20 phút mỗi ngày. Mèo thích chơi các loại đồ chơi như là dây chuỗi và đuổi theo món đồ chơi bằng nhung lông có hình động vật. Tuy nhiên, bạn nên tránh một số hành vi thô lỗ với mèo. Một số người nuôi hay dùng tay vật cơ thể cả chúng xuống, nhưng có thể khiến cho mèo trở nên rụt rè và có hành vi hung dữ
  2. Cung cấp hình thức giải trí khác cho mèo khi bạn vắng nhà. Nếu công việc dạo gần đây khá bận rộn và mèo bị trầm cảm do điều này, bạn nên chuẩn bị trò tiêu khiển cho chúng khi không có ở nhà. Có rất nhiều cách để mang lại niềm vui cho mèo khi bạn đi ra ngoài.
    • Mở rèm cửa sổ trong ngày, đặc biệt nếu bạn sống ở khu vực ngoại ô. Nên đặt bàn, tủ, hoặc cây sào để mèo có thể trèo lên cửa sổ. Chúng thích quan sát khung cảnh ngoài trời, và được tiếp xúc với ánh sáng cũng như chơi đùa trong khi bạn vắng nhà.[10]
    • Một số công ty có bán đĩa DVD và các nội dung giải trí điện tử khác để lắp vào tivi trong khi bạn đi ra ngoài. Một số loại phim có tác dụng kích thích mèo như là chim, chuột, và những con mèo khác. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng và mèo có thể nhảy lên và làm đổ tivi. Bạn cần cố định tivi chắc chắn phòng trường hợp mèo thích tò mò khám phá.[10]
    • Có nhiều loại đồ chơi được thiết kế nhằm để sử dụng trong khi bạn ra ngoài, như là chuột và chim có dây buộc lá bạc hà mèo. Ngoài ra cũng có một số trò chơi đố trí thông minh bao gồm đồ chơi hoặc miếng thức ăn được đặt vào trong thiết bị. Mèo phải tìm cách mở thiết bị này để lấy phần thưởng và sẽ thu hút sự chú ý của chúng khi bạn có việc đi ra ngoài. Tuy, nhiên bạn nên thận trọng vì một số loại đồ chơi cảnh báo không nên để cho mèo chơi một mình. Bạn nên chọn đồ chơi đảm bảo an toàn cho chúng khi tự chơi một mình.[10]
  3. Sử dụng liệu pháp ánh sáng. Nếu mèo bị trầm cảm theo mùa, bạn nên áp dụng trị liệu ánh sáng để xoa dịu chứng trầm cảm mùa đông.
    • Mua bóng đèn kích thích tia UV và kích hoạt vài giờ một ngày khi có mèo trong nhà. Loại bóng đèn này có bán tại nhà kính, vì người ta thường mua để trồng cây trong nhà.[3]
    • Sol Box là nhãn hiệu bóng đèn UV được bác sĩ thú y khuyến cáo sử dụng vì chúng được thiết kế dành riêng cho mèo. Bạn có thể mua tại nhà bán lẻ trực tuyến Pawsitive Lighting. Loại này phát ra ánh sáng trắng và nhà sản xuất đề nghị nên cho mèo tiếp xúc khoảng 30 phút mỗi ngày trong những tháng mùa đông.[3]
  4. Thử pheromone tổng hợp. Bác sĩ thú y có thể đề nghị một số loại pheromone tổng hợp có tác dụng kích thích cảm giác thư giãn và hưng phấn ở mèo.
    • Feliway dạng xịt là một trong những pheromone tổng hợp phổ biến nhất hiện nay được bán tại phòng khám bác sĩ thú y. Bạn chỉ nên dùng theo hướng dẫn và liên hệ với bác sĩ thú y nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc lo ngại về loại sản phẩm này.[11]
  5. Cân nhắc dùng thuốc. Đây là biện pháp cuối cùng để chữa bệnh trầm cảm ở mèo do một số tác dụng phụ và trở ngại khi cho mèo uống thuốc.
    • Có bốn loại thuốc được sử dụng để chữa trầm cảm và một số vấn đề hành vi khác ở mèo: benzodiazepine (BZ), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI), thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Thường thì khi mèo mắc bệnh trầm cảm, bác sĩ thú y sẽ kê đơn SSRI hoặc MAOI.[12]
    • Mỗi loại thuốc có tác dụng phụ khác nhau. Một số có tác dụng khá nghiêm trọng. Ví dụ như MAOI có thể gây nên phản ứng nguy hiểm đến tính mạng nếu mèo vô tình ăn phải phô mai trong khi đang dùng thuốc. Bạn cần hiểu rõ toàn bộ tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi cho chúng uống thuốc. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về tác dụng phụ và những tác dụng cần được điều trị y tế ngay lập tức.[12]
    • Mèo có đặc điểm không thích uống thuốc. Hầu hết bác sĩ thú y chỉ kê đơn thuốc nếu các biện pháp khác không hiệu quả. Trong trường hợp bác sĩ kê đơn, bạn cần nắm rõ phương thức thực hiện, liều dùng, và bảo quản. Nếu không hiểu rõ hoặc lo ngại về bất kỳ điều gì, bạn nên liên lạc bác sĩ thú y để biết thêm thông tin.[12]

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nhận thấy có sự thay đổi trong hành vi ở mèo. Đừng nên vội kết luận mèo bị trầm cảm vì một số triệu chứng, đặc biệt là biếng ăn, thường liên quan đến nhiều bệnh khác. Nếu mèo có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bạn nên can thiệp càng sớm càng tốt.
  • Nếu cảm thấy mèo đang cô đơn vì thú cưng khác đã mất, bạn có thể cân nhắc nuôi thêm con mèo hoặc chó. Tất nhiên đây không phải là quyết định dễ dàng, nhưng một số con lại hòa đồng hơp những con khác. Nếu mèo thích có bạn mới, bạn nên cân nhắc nuôi thêm thú cưng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây