Nhận ra dấu hiệu của bệnh ung thư vú

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ở ngực phát triển không thể kiếm soát được và hình thành nên một khối u ác tính.[1] Loại bệnh ung thư đặc thù này thường xảy ra với phụ nữ, dù đôi khi, đàn ông cũng mắc phải. Tự phát hiện ra bệnh là một việc rất cần thiết để tránh tình trạng khối u bị di căn. Thường xuyên tự kiểm tra ngực (BSE) có thể giúp bạn phát hiện ra ung thư vú kịp thời. Chụp X-quang tuyến vú thường xuyên cũng rất cần thiết.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Tự Kiểm tra Ngực[sửa]

  1. Lên kế hoạch tự kiểm tra ngực. Đánh dấu lên lịch thời điểm bạn cần phải tự kiểm tra ngực. Hãy thực hiện việc này một lần một tháng, tốt nhất là trong vòng từ 5 tới 7 ngày sau khi sạch kinh.[2] Thường xuyên tự kiểm tra ngực sẽ giúp bạn cảm nhận được “sự bình thường” của bầu ngực. Treo lịch hoặc lời nhắc tự kiểm tra ngực trong phòng tắm hoặc phòng ngủ để không bị quên. Thêm vào đó, bạn có thể ghi chép lại những quan sát của mình. [3]
    • Thực hiện việc kiểm tra ngực ở nơi có ánh sáng tốt.[2]
  2. Kiểm tra bằng mắt. Đứng thẳng và chống hai tay vào hông, sau đó nhìn vào gương. Quan sát xem liệu hai bầu ngực có kích cỡ, màu sắc và hình dạng bình thường không. Nếu bạn có một trong những dấu hiệu sau đây, hãy đi gặp bác sĩ:
    • Cương lên một cách rõ rệt dù bạn không ở trong giai đoạn hành kinh
    • Da bị lõm, nhăn hoặc phồng lên
    • Đầu ngực bị thụt vào trong
    • Núm vú bị kéo lệch
    • Đỏ, ngứa hoặc mềm nhũn.[4]
  3. Giơ tay lên và lặp lại việc kiểm tra bằng mắt. Quan sát dịch tiết ra từ đầu vú. Nếu có dịch chảy ra từ đó, hãy quan sát màu sắc (vàng hoặc trong suốt) và thành phần (có máu hoặc có màu trắng đục).[4] Chú ý nếu ngực bị chảy dịch ngay cả khi bạn không hề nặn đầu vú. Hãy nói với bác sĩ nếu dịch có lẫn máu hoặc trong suốt, hoặc dịch chỉ bị chảy ra từ một bên ngực.[5]
  4. Chạm vào ngực. Nằm xuống. Khép ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn của bàn tay phải lại. Dùng ba ngón đó ấn lên ngực trái theo đường tròn.[2] Đường tròn nên có chu vi tối thiểu 2 cm.[2] Ấn nhẹ vào ngực theo một đường từ xương đòn xuống bụng. Sau đó, bắt đầu từ nách, đưa tay ấn nhẹ vào giữa. Lặp lại tương tự để kiểm tra bên ngực còn lại. Để đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra hết toàn bộ ngực, hãy thực hiện theo từng đường dọc một. Tiếp theo, đứng lên hoặc ngồi xuống để lặp lại từ đầu. Dùng hai tay ôm bầu ngực. Nhiều người thích làm bước này sau khi vừa tắm xong.[4]
    • Cảm nhận những u cục hoặc những thay đổi khác. Hãy nói với bác sĩ về những khối u bạn phát hiện ra.
    • Hãy ôm ngực với một lực từ nhẹ, tới vừa và chặt. Nói cách khác, hãy ấn quanh bầu ngực với một lực nhẹ, sau đó lặp lại với lực tăng dần. Bạn cần dùng lực ấn nhẹ để phát hiện ra những khác biệt tại vùng mô sát da. Lực ấn vừa sẽ giúp bạn cảm nhận ở vùng sâu hơn, và lực ấn mạnh nhất sẽ giúp bạn cảm thấy phần mô ở sát xương sườn.[2]
  5. Chú ý tới một số tranh cãi trong vấn đề này. Một số nghiên cứu cho thấy việc tự kiểm tra ngực không hề giúp phát hiện sớm ung thư vú mà chỉ làm tăng sự lo lắng và phát sinh thêm công đoạn sinh thiết. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc tự kiểm tra ngực. Có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn phải luôn nắm được tình trạng ngực của mình, để nếu có sự thay đổi nào xảy ra, bạn cũng sẽ biết ngay.

Hiểu những Tác nhân Gây ra Nguy cơ Ung thư[sửa]

  1. Nắm được tầm quan trọng của các tác nhân gây ung thư. Phát hiện sớm ung thư vú là một việc quan trọng. Nếu bạn có một trong những tác nhân gây ung thư như vậy, hãy tiến hành tự kiểm tra ngực sớm. Bạn có thể chụp x-quang ngực nếu cảm thấy có cục u trong ngực, hoặc bạn có nguy cơ cao bị mắc ung thư, hoặc bạn đã ngoài 40 tuổi.[6]
  2. Chú ý tới khả năng di truyền. Phụ nữ thường bị mắc ung thư vú nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, nếu người ruột thịt của bạn (mẹ, chị em gái…) đã từng bị mắc ung thư vú, nguy cơ bị bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn.[7] Cũng có một số gien bị đột biến đã quy định khả năng ai đó sẽ bị ung thư vú. Những gien bị đột biến đó là BRCA 1 và BRCA2. Có 5 tới 10% các ca ung thư là do đột biến gien.[8]
    • Tại Mỹ, những phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.[9]
    • Một số tộc người dễ bị đột biến gien BRCA hơn, bao gồm người Na Uy, Iceland, Hà Lan, và Ashkenazi gốc Do Thái.[10]
  3. Hiểu được sư ảnh hưởng của tiền sử bệnh lý. Có rất nhiều yếu tố về sức khỏe của bạn trước đây có thể gây ra nguy cơ mắc ung thư vú cho bạn. Những phụ nữ từng bị ung thư vú ở một bên ngực sẽ có khả năng bị tái phát. Những người từng phải xạ trị ở khu vực lồng ngực khi còn nhỏ cũng có khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, những yếu tố sức khỏe khác, ví dụ như nếu bạn bị hành kinh từ năm 11 tuổi hoặc nhỏ hơn, bạn cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Thời kì mãn kinh tới muộn hơn so với trung bình cũng là một dấu hiệu báo động. Trị liệu bằng hooc-môn sau khi mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.[7]
  4. Lối sống cũng ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh. Những người bị béo phì có khả năng mắc bệnh cao hơn.[7] Phụ nữ sử dụng nhiều hơn 3 loại đồ uống có cồn trong một tuần cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 15%.[11] Những người hút thuốc, nhất là những phụ nữ bắt đầu hút thuốc trước khi sinh con đầu lòng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.[12]

Ngăn ngừa Ung thư vú[sửa]

  1. Thường xuyên khám phụ khoa. Trong những buổi khám phụ khoa định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra ngực bạn để kịp thời phát hiện khối u hoặc những dấu hiệu bất thường khác. Nếu có gì đó không ổn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chụp x-quang vú.
    • Nếu bạn không có bảo hiểm y tế hoặc không đủ tài chính để đi khám, ở nơi bạn ở có thể có những tổ chức khác để giúp bạn ngăn ngừa ung thư. Các phòng khám Planned Parenthood cung cấp dịch vụ tư vấn và có thể giới thiệu cho bạn một địa chỉ chụp x -quang.[13]
    • Nếu bạn không biết phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, hãy gọi tới các trung tâm y tế địa phương hoặc gọi tới bệnh viên ung bướu để được tư vấn. Họ có thể giới thiệu cho bạn một nơi đáng tin cậy để thăm khám, chụp x-quang miễn phí hoặc chụp với chi phí thấp.
    • Nếu đang ở Mỹ, bạn có thể tham khảo các địa chỉ tầm soát ung thư vú với chi phí thấp tại đây: http://www.findahealthcenter.hrsa.gov/Search_HCC.aspx.
  2. Chụp x-quang vú thường xuyên. Khi bước qua tuổi 40, phụ nữ nên đi chụp x-quang vú hai năm một lần cho tới khi 74 tuổi.[14] Bạn càng phát hiện ra ung thư vú sớm bao nhiêu thì cơ hội sống của bạn càng cao. Có thể bạn từng nghe nói rằng chụp x-quang vú rất đau, nhưng cơn đau chỉ là tạm thời và cũng không hề đau hơn lúc bị tiêm. Hơn nữa, nó có thể cứu mạng bạn.
    • Nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao, hãy thảo luận với bác sĩ về tần suất chụp x-quang vú. Ngoài yếu tố đó, nếu bạn chưa tới 40 tuổi, có khả năng bác sĩ sẽ vẫn đề nghị bạn nên chụp x-quang vú.
  3. Luôn cảnh giác và tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời. Chú ý và nắm được tình trạng ngực của mình sẽ luôn giúp bạn phát hiện sớm những dấu hiệu của ung thư vú. Nếu bạn lo lắng về những gì bạn phát hiện ra khi tự kiểm tra ngực, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.
  4. Lập một nhóm phòng ngừa ung thư vú. Hãy giúp người thân và bạn bè sống khỏe mạnh hơn bằng cách tổ chức một bữa tiệc thường niên, trong đó mọi người sẽ cùng nhau đi chụp x-quang vú. Bằng cách này, bạn sẽ không còn thấy sợ quá trình thăm khám và giúp mọi người nhớ lịch đi khám.
    • Hãy nói: “tôi biết nhiều phụ nữ không đi chụp x-quang vú vì họ sợ và việc đó cũng khá đau, nhưng tôi muốn tìm ra một cách để chúng ta có thể biến nó thành một việc vui vẻ. Hơn nữa, chúng ta cũng sẽ có một khoảng thời gian thú vị của riêng phụ nữ.”

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu các thành viên trong gia đình bạn từng bi ung thư, hãy thu thập thông tin chi tiết để giúp bác sĩ, ví dụ như loại ung thư họ mắc phải (nguyên phát hoặc thứ phát), những ca phẫu thuật và phương pháp điều trị, phản ứng đối với phương pháp điều trị và kết quả.

Cảnh báo[sửa]

  • Đôi khi, chỉ cần thực hiện điều trị sớm một tuần là đã tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Đừng nên trì hoãn việc kiểm soát ung thư.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này