Phát hiện thêm 42 gene liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một nghiên cứu di truyền lớn nhất từ trước đến nay về bệnh Alzheimer đã đem lại bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa căn bệnh này với những gián đoạn trong hệ miễn dịch của não.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng bộ gene của khoảng 100.000 người mắc bệnh Alzheimer và 600.000 người khỏe mạnh. Thông qua phân tích di truyền, họ đã xác định được 75 gene liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, trong đó có 42 gene trước đây không có dấu hiệu liên quan. Chúng gợi ý rằng thoái hóa não của người bị sa sút trí tuệ có thể do hoạt động “quá tích cực” của các tế bào miễn dịch não. Các kết quả này được công bố trên tạp chí Nature Genetics. Giáo sư Julie Williams, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chứng mất trí nhớ thuộc Đại học Cardiff (UK) và là đồng tác giả của bài báo, cho biết, phát hiện này có thể thúc đẩy những nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả. “Đây là một manh mối rất lớn về những vấn đề trong não. Tám hoặc chín năm trước, chúng tôi không xem xét đến hệ miễn dịch. Nhưng di truyền học khiến chúng tôi tập trung vào nó”, bà nhận xét.

Ảnh minh họa

Với kết quả này, các nhà khoa học có thể đưa ra dự đoán khả năng bệnh nhân bị suy giảm nhận thức trong vòng ba năm, kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên sẽ tiếp tục phát triển thành bệnh Alzheimer. Dù chưa thể áp dụng cho thực hành lâm sàng ngay nhưng có thể áp dụng kết quả nghiên cứu khi tuyển người tham gia thử nghiệm thuốc lâm sàng nhằm điều trị bệnh trong giai đoạn sớm nhất.

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ. Các yếu tố về lối sống như hút thuốc, tập thể dục và chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, nhưng 60%-80% nguy cơ mắc bệnh này là do di truyền. Mặc dù gây ra gánh nặng lớn nhưng hiện căn bệnh này không có thuốc mới trong vòng hai thập kỷ qua, ngoại trừ loại thuốc được cấp phép nhưng gây tranh cãi ở Mỹ và không có sẵn ở châu Âu là Aducanumab. GS. Williams cho biết, việc phát triển thuốc chịu ảnh hưởng nhiều từ các nghiên cứu về gia đình có đột biến gene hiếm gặp gây bệnh Alzheimer khởi phát sớm.

Các khám phá mới làm nổi bật những bộ gene khác nhau tìm thấy trong các dạng bệnh Alzheimer phổ biến, nhiều gene trong đó có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch. “Nếu [ban đầu] chúng tôi thấy sự di truyền của bệnh Alzheimer thông thường thì chúng tôi hẳn sẽ nói đây là bệnh về miễn dịch”, GS. Wiliams cho biết.

Các gene nguy cơ được nhấn mạnh trong nghiên cứu bao gồm các gene ảnh hưởng đến hiệu quả của tế bào microglia có nhiệm vụ xử lý các mô thần kinh bị tổn thương. Ở những người có nguy cơ mắc bệnh, các tế bào “quản gia” này dường như hoạt động quá tích cực. Người ta cũng tìm thấy biểu hiện tương tự ở các gene kiểm soát việc khớp thần kinh synapse gửi tín hiệu “ăn tôi đi” khi bị stress. Các biến thể có nguy cơ cao dường như làm giảm ngưỡng chịu đựng của synapses trước khi gửi đi tín hiệu cấp cứu, khiến cho bộ não thanh lọc synapse với tốc độ nhanh hơn. GS. Williams khá lạc quan rằng sẽ có những phương pháp điều trị hoạt động hiệu quả với các hệ thống mà họ đang xem xét như vậy.

Các phát hiện của nhóm nghiên cứu phù hợp với những kết quả trước đây về vai trò của hệ miễn dịch. Ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường dẫn đến ảnh hưởng hệ miễn dịch, có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn đáng kể, và một khi họ bị chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ thì các đợt nhiễm trùng sẽ kích thích suy giảm nhận thức nhanh hơn.

TS. Susan Kohlhaas, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Alzheimer’s Research UK, nói rằng: “Việc lập được một danh sách các gene về nguy cơ mắc bệnh Alzheimer giống như việc ghép các mảnh xếp hình lại với nhau. Nó có thể không cung cấp cho chúng ta một bức tranh đầy đủ nhưng sẽ giúp tạo ra một khung quan trọng để phát triển trong tương lai. Nghiên cứu cũng cho chúng ta biết bệnh Alzheimer phức tạp như thế nào và có nhiều cơ chế khác nhau liên quan đến sự phát triển của bệnh”.□

Trang Linh Tổng hợp

Nguồn[sửa]