Quên đi người mà bạn đã yêu sâu đậm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cho dù bạn vừa chia tay với người yêu hay mới ly hôn, tách khỏi một ai đó mà bạn yêu thương không bao giờ là việc dễ dàng. Đôi lúc, nó có thể khiến bạn cảm thấy rằng mình sẽ không bao giờ hạnh phúc như xưa được nữa - rằng người đó là cơ hội duy nhất trên đời để bạn có thể được yêu thương và giờ thì họ đã rời đi. Đừng đầu hàng trước những suy nghĩ này. Sự thật đó là với một chút lạc quan, kiên nhẫn và quyết tâm, bạn sẽ luôn có thể vượt qua được thời kỳ tối tăm sau khi tình yêu tan vỡ.

Các bước[sửa]

Vượt qua cuộc chia tay[sửa]

  1. Vứt bỏ những thứ gợi nhớ bạn về anh ấy/cô ấy. Rồi cuối cùng cũng sẽ đến lúc bạn có thể nghĩ về người yêu cũ mà không cảm thấy quá xúc động. Tuy nhiên thời điểm đó không phải là bây giờ. Hiện tại, việc nhớ về khoảng thời gian ở bên người kia có thể dẫn đến những cảm xúc nhớ nhung, buồn bã và tiếc nuối mãnh liệt. Do vậy, việc loại bỏ những thứ trong cuộc sống gợi nhớ bạn về mối quan hệ cũ là điều nên làm. Nếu đó là những món đồ mà bạn không thể vứt bỏ, hãy thử cất chúng vào trong hộp và giữ ở một nơi nào đó mà bạn ít đụng đến trong thời gian tới. Dưới đây là một số món đồ mà có thể bạn sẽ muốn tìm:
    • Vật dụng của người yêu cũ mà anh ấy/cô ấy đã để lại
    • Những món quà mà người đó tặng bạn
    • Bài hát hoặc mixtape mà người đó làm cho bạn
    • Những bức ảnh, tranh vẽ hoặc hình minh họa gợi nhớ bạn về người yêu cũ
  2. Tránh liên lạc với người đó. Trừ phi bạn chắc chắn 100% rằng bạn có thể "chỉ làm bạn bè" với người yêu cũ (và anh ấy/cô ấy cũng chắc chắn 100% như vậy), hãy tránh gặp mặt người đó hết mức có thể trong ít nhất một hoặc hai tháng. Khi bạn bắt buộc phải gặp họ, hãy giữ cho cuộc nói chuyện ngắn gọn và lịch sự nhất có thể. Việc này sẽ rất khó khăn nhưng nó vô cùng quan trọng. Việc tương tác có thể dẫn đến những tình huống khó xử khi cả hai cùng nghĩ về mối quan hệ cũ. Thậm chí bạn còn có thể quay lại với người yêu cũ và bắt đầu tán tỉnh lẫn nhau. Dù là trường hợp nào thì nó cũng không bao giờ là cách hiệu quả để vượt qua cuộc chia tay cả.
    • Hiện tại, điều này cũng nên được áp dụng với cả những kết nối công nghệ của cả hai. Nghiêm túc cân nhắc tới việc "hủy kết bạn" hoặc chặn người đó trên các trang mạng xã hội (ít nhất là trong khoảng thời gian này). Có lẽ bạn cũng sẽ muốn xóa số điện thoại của người đó trong danh bạ để hạn chế khao khát nhắn tin cho họ.
  3. Nâng cao tinh thần bằng các hoạt động thể chất. Vận động là một cách tuyệt vời để bắt đầu cảm thấy hài lòng với bản thân sau một trải nghiệm khó khăn. Nó không chỉ ít tốn kém mà còn thú vị nữa; người ta cũng đã chứng minh rằng vận động sẽ giúp cải thiện tâm trạng và chống lại chứng trầm cảm.[1] Hơn tất cả, nếu kiên trì với điều này, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những thay đổi về ngoại hình cũng như tình cảm của bản thân, đồng thời sẽ tự tin hơn, và điều đó sẽ khiến cho việc vượt qua nỗi buồn trở nên dễ dàng hơn.
    • Hãy đọc một số bài viết về cách luyện tập thể dục để có thêm những lời khuyên hữu ích về việc bắt đầu một lộ trình tập luyện mới
  4. Dựa vào mạng lưới hỗ trợ. Việc ở một mình sau khi chia tay hoàn toàn không phải là một ý kiến hay. Bạn sẽ dễ dàng rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và chỉ trích bản thân quá mức. Ở bên cạnh những người thân thiết sẽ giúp bạn nhìn nhận mọi việc một cách rõ ràng hơn. Bạn bè và gia đình sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích (mà bạn nên lắng nghe) và họ luôn ở đó để an ủi và giúp bạn yên lòng khi bạn cảm thấy khó khăn. Hãy nhớ rằng mọi việc sẽ không trở nên tốt đẹp hơn chỉ bởi vì người ta không nhắc tới nó.
    • Nếu bạn không ở gần những người thân thiết, hãy tận dụng mọi thứ khác có thể. Gọi điện thoại và nói chuyện qua Skype sẽ rất hữu ích. Thậm chí bạn còn có thể kết thêm nhiều bạn mới, nhưng đừng vội vàng bắt đầu một mối quan hệ mới.
  5. Luôn quý trọng bản thân. Hãy nhớ rằng bạn là người quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Ghi nhớ điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tập trung vào bản thân thay vì người mà bạn đã đánh mất. Hãy tự tin vào những khía cạnh tích cực và chấp nhận mọi khuyết điểm của chính mình; tất cả mọi người đều có những thiếu sót nhất định. Hãy tập trung vào việc trở thành một người tuyệt vời nhất có thể. Hạnh phúc không tới từ những người khác mà tới từ chính bản thân bạn.
    • Thậm chí bạn còn có thể thử nghĩ về người yêu cũ với sự thương hại. Đánh mất bạn là điều mà người đó sẽ hối tiếc một khi anh/cô ấy nhận ra bạn thực sự quý giá đến nhường nào.

Bước tiếp với cuộc sống của mình[sửa]

  1. Chấp nhận rằng bạn đã từng yêu người đó nhưng giờ đây tất cả chỉ còn là quá khứ. Tình yêu vẫn có thể là hoàn toàn chân thật cho dù nó không kéo dài mãi mãi. Bạn có thể yêu một người nào đó sâu đậm trong một thời gian nhưng rồi tình yêu đó kết thúc. Một mối tình chấm dứt không có nghĩa là nó đã làm lãng phí thời gian của bạn. Tình yêu đó đã tác động sâu trong thâm tâm bạn và tạo nên con người bạn. Như người ta vẫn thường nói, thà rằng đã từng yêu rồi đánh mất còn hơn chẳng bao giờ yêu lấy một lần.
    • Một phần lớn trong việc chấp nhận này đó là tha thứ. Tha thứ cho bản thân vì đã không thể tiếp tục bên nhau. Tha thứ cho người kia vì đã muốn rời đi (nếu bạn định sẽ duy trì tình bạn với họ về sau, điều này là vô cùng thiết yếu). Tha thứ cho người kia hoặc chính bản thân bạn vì những vấn đề đã dẫn đến cuộc chia tay. Cả hai bạn đều chỉ là những con người bình thường.
  2. Trở nên chủ động và có tổ chức. Một khi bạn đã dành chút thời gian để hồi phục sau khi thất tình, hãy mau chóng bắt tay vào công việc. Xem sự độc lập mới của bản thân như một cơ hội để tập trung cải thiện cuộc sống. Hiện tại chính là lúc để bạn đạt được những thành công vốn có thể giúp bạn cảm thấy hài lòng với chính mình và có được vị trí tốt hơn so với trước kia. Dưới đây là một số ví dụ tham khảo:
    • Cống hiến hết mình cho công việc. Chấp nhận những nhiệm vụ mới đầy tham vọng. Đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Đề nghị tăng lương hoặc thăng chức.
    • Bắt đầu một sở thích mới. Học cách chơi một nhạc cụ. Học một ngôn ngữ mới. Bắt đầu viết truyện hoặc nhật ký.
    • Khám phá thế giới. Đi du lịch. Gặp gỡ những người mới. Khám phá những vùng hoang vu (với các biện pháp phòng bị an toàn hợp lý)
  3. Mở lòng với những mối quan hệ mới. Sau một cuộc chia tay đầy khó khăn, tốt hơn hết là bạn nên tạm hoãn chuyện yêu đương trong khoảng một hoặc hai tháng để tránh những vấn đề cảm xúc mà thường sẽ xuất hiện cùng với những mối tình "thay thế". Tuy nhiên, khi đã nghỉ ngơi một thời gian, bạn có thể xem xét, nói chuyện và dành tình cảm cho một ai đó. Có thể ban đầu việc này sẽ khiến bạn cảm thấy có chút đau buồn hoặc không thoải mái. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Về cơ bản, bạn đang trải qua quá trình tách rời khỏi người mà bạn từng thường xuyên nói chuyện và gặp mặt trước đây. Điều này sẽ dần phai nhạt theo thời gian.
    • Khi một người mới bước tới, hãy mở lòng với họ. Đừng lo lắng về việc thất tình đến nỗi bạn không thể tận hưởng cuộc sống hiện tại. Cho dù chỉ là một cơn say nắng nhẹ, bạn hoàn toàn có thể có cảm giác với một ai đó khác.
  4. Sống trong hiện tại. Cho dù bạn hay người kia đã phạm sai lầm tệ hại đến thế nào trong quá khứ, bạn cũng không thể thay đổi được điều đó. Những gì đã xảy ra cũng đã xảy ra. Việc chấp nhận điều này có thể sẽ rất khó khăn; một số người cảm thấy vô cùng sợ hãi trước việc buông bỏ. Tuy nhiên, chừng nào bạn còn chưa bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về hiện tại thay vì khoảng thời gian ở bên người mà bạn đã từng yêu thương, bạn sẽ chưa thể thật sự bước tiếp với cuộc sống của mình.
    • Điều này sẽ đòi hỏi thời gian, vì vậy hãy thật kiên nhẫn. Có lẽ bạn sẽ không thể ngăn cản bản thân suy nghĩ về mối tình đã qua trong một thời gian. Tuy nhiên, miễn là bạn tập trung vào chính mình và không để bản thân đầu hàng trước những phiền muộn và tư tưởng bi quan, cuối cùng bạn cũng sẽ có thể bắt đầu quên đi người đó.
  5. Hướng về tương lai. Có lúc, bạn tưởng chừng như mình sẽ không bao giờ có thể hạnh phúc như xưa được nữa. Khi thời gian qua đi, suy nghĩ này sẽ ngày càng trở nên bất hợp lý. Thực ra, bạn luôn có thể trông đợi vào một tương lai tươi sáng hơn. Sẽ luôn có thêm những người mới để gặp gỡ, những trải nghiệm mới để tìm hiểu, và những ngày mới tươi sáng để bạn mong đợi. Hạnh phúc của bạn không được quyết định bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ mà bởi những gì bạn chuẩn bị cho tương lai.
  6. Hãy để cho những ký ức của bạn về người đó dần phai nhạt. Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương. Ngay sau khi chia tay, có thể bạn sẽ cảm tưởng như bản thân không thể trải qua một phút mà không nghĩ tới việc bạn nhớ người đó đến thế nào. Tuy nhiên, dần dần, qua nhiều tuần và nhiều tháng sau đó, những suy nghĩ này sẽ ít xuất hiện hơn. Cuối cùng, bạn sẽ có thể trải qua một ngày mà không nghĩ tới những điều phiền muộn về người yêu cũ. Về cơ bản, bạn sẽ "quên mất" nỗi buồn. Khi điều này xảy đến, hãy xem nó như một thành tựu quan trọng. Bạn đã làm được! Cuộc sống đang chờ đợi bạn phía trước.
    • Điều này không đồng nghĩa với việc bạn cần chấm dứt toàn bộ suy nghĩ về người đó. Bạn có thể lưu giữ những ký ức về họ trong trái tim mình.Tuy nhiên, chúng không nên trở thành thứ gây cản trở cho cuộc sống của bạn. Chúng nên là những cảm xúc dịu dàng và luyến tiếc, giống như những suy nghĩ về một người mà bạn yêu mến đã qua đời từ lâu.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng trở thành nạn nhân của câu chuyện hoang đường "Một nửa duy nhất", một quan niệm cho rằng ngoài kia chỉ có duy nhất một người thích hợp dành cho bạn. Điều này là hoàn toàn phi hiện thực. Mỗi người đều có rất nhiều nửa phù hợp với mình. Không ai trong số họ là hoàn hảo cả; tất cả đều có khuyết điểm ở một mặt nào đó. Người đã khiến bạn tổn thương không phải là người duy nhất dành cho bạn. Bạn sẽ tìm được người tiếp theo (và có thể là người tiếp theo nữa) và cũng sẽ dành tình yêu cho họ.
  • Mặc dù có vẻ như việc "quên đi" người yêu cũ sẽ là một phương pháp chữa lành nỗi đau hữu hiệu, nhưng bạn không nhất thiết phải quên đi tất cả mọi thứ mà bạn học được từ mối quan hệ đó. Cho dù bạn có thích hay không, thì mối quan hệ đó cũng là một phần tạo nên con người bạn ngày hôm nay. Hãy cố gắng rút ra kinh nghiệm từ những điều tích cực và tiêu cực trong mối quan hệ đã qua để mối quan hệ tiếp theo của bạn sẽ được cải thiện.
  • Nếu bạn dường như không thể bắt đầu cảm thấy khá hơn và đã một tháng hoặc lâu hơn thế nữa trôi qua, có lẽ bạn đang mắc chứng trầm cảm. Hãy nói chuyện với bác sỹ hoặc chuyên gia trị liệu; việc tìm đến sự giúp đỡ mà bạn đang cần là hoàn toàn bình thường.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]