Rồi một ngày bạn chẳng còn tư duy sáng tạo cá nhân...

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Jaron Lanier là một chuyên gia hàng đầu về website và mạng tại thung lũng Silicon. Nhưng những suy nghĩ thú vị sau đây của ông lại dự báo nhiều nguy cơ đang nảy mầm trong cộng đồng mạng xã hội. Jaron Lanier được coi là một người khá kỳ quặc (thể hiện rõ trong quan điểm của ông về Wikipedia) nhưng những vấn đề ông nêu ra luôn khiến người ta phải lưu tâm bởi chúng rất thực tế và thú vị.

Hãy bắt đầu sự quan sát từ lịch sử của loài người khi mà máy tính chưa ra đời. Có một quy luật đã được các nhà sử học đúc kết từ thực tế: Từ xa xưa, chúng ta đã có xu hướng sẵn sàng bỏ đi quyền tự do cá nhân và tham gia vào những tập thể lớn. Lịch sử cho thấy xu hướng này không phải không có những mặt trái của nó. Khi những tập thể hay nói cách khác là các nhóm được tạo nên bởi những cá thể hình thành, nó sẽ kéo theo sự ra đời của bạo lực, sự khắt khe, xét nét và đặc biệt là sự sáng tạo cá nhân sẽ bị ngăn cản phát triển. Tất nhiên điều này thật không tốt.

Và một trong những điều tuyệt diệu nhất của internet và những website là đã loại bỏ được tính chất tập thể hoá này. Nhiều năm về trước, tôi cảm thấy mình như đang bay trên thiên đường khi chứng kiến rất nhiều người lập ra các website cá nhân tuy còn rất ngây ngô và khuôn mẫu. Nhưng chỉ rất nhanh sau đó thôi, tôi càng cảm thấy ngạc nhiên và phấn khích hơn khi lướt qua những trang web mang đầy những sáng tạo cá nhân như MySpace hay Yahoo!360. Một con số khổng lồ những người đang ở ngoài kia, tự phát triển cá nhân, tự tìm tới những người khác, tự trở thành những nhà sáng tạo, những con người được giáo dục tốt. Điều đó làm tôi thấy hứng thú vô cùng. Internet muôn năm!

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dường như có một vòng xoáy mới đã được hình thành trên internet. Cùng với những trang web khuyến khích tính tự do cá nhân, chúng ta còn được thấy một cơn lũ những công cụ trên internet tập trung những kẻ nhạt nhẽo, nhàm chán, những người nặc danh. Một con số không nhỏ những người đang mất nhiều thời gian và sự quan tâm cho những thứ vô bổ. Tôi e rằng chúng ta đang đùa với lửa.

Có rất nhiều ví dụ cho sự cộng đồng hoá trực tuyến. Đó chính là Wikipedia, trang web đã tốn rất nhiều công sức để biến tất cả các trang web cá nhân, đầy diễn cảm trở thành một trang web chính duy nhất với lối trình bày nhạt nhẽo. Một ví dụ khác chính là cái thời gian qua đã nhận được sự tán dương đặc biệt: blog, nơi có vẻ khuyến khích con người tạo nên dấu ấn riêng của mình nhưng thực chất lại không phải như vậy.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi nhận thấy mình trở nên tầm thường là khi tôi để lại một lời bình luận (comment) thô tục trên một blog. Tại sao mọi người có thể làm những hành động tồi tệ như thế hàng trăm hàng ngàn lần nhỉ? Điều đó thật xấu hổ. Có thể nói trong những trường hợp này, mặt tích cực của blog như khai thác nguồn thông tin của một cá nhân, đã bị loại bỏ. Giờ đây người ta chỉ quan tâm đến việc kết nhiều bạn, những người thậm chí họ chẳng biết là ai, bình luận những lời lẽ thô tục mà họ cho là hay ho, tham gia vào hoạt động của các group (nhóm). Rồi chính họ lại chia rẽ thế giới mạng thành những nhóm ngày càng nhỏ hơn.

Có một hình mẫu trong những hoạt động kinh doanh trực tuyến thời nay mà theo tôi nghĩ là hoàn toàn khác với vấn đề tập trung hoá. Nhưng vì một số lý do, nó lại đang biến những người kinh doanh thành những nhóm quảng cáo.

Cái gọi là Web 2.0 chính là một trang web trung gian thu hút một con số khổng lồ những người tham gia vào hoạt động trực tuyến. Và rồi người chủ trang web có thể "in ra tiền" nhờ việc mang đến cho số người sử dụng khổng lồ của mình những mẩu quảng cáo hay bán hàng trực tuyến đầy hấp dẫn. Thật là một ý tưởng tuyệt vời khi những người sử dụng này được trả tiền cho những mẩu quảng cáo họ đọc để rồi lại hoàn lại chúng trong những món hàng mà họ mua. Nghe có vẻ như đó là một vòng quay hợp lý, rất đáng được ghi nhận.

Vậy thì có vấn đề gì với cái viễn cảnh tuyệt đẹp đó? Câu trả lời là có quá nhiều những nhà kinh doanh đang nghĩ rằng việc mọi người đọc quảng cáo sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn là những công việc mang tính sáng tạo như tạo ra những đoạn video hay avartar (một hình tượng đại diện cho mỗi người sử dụng internet) cho riêng mình.

Họ đang khuyến khích người sử dụng của mình biến thành những cỗ máy thay vì mời họ sáng tạo ra một cái gì mới với những công việc như: nhấp chuột, tạo ra càng nhiều tên truy cập nặc danh càng tốt, viết những lời bình luận vô bổ hay tham gia những khảo sát theo kiểu "bình mới rượu cũ". Nếu một ngày nào đó những điều này trở nên phổ biến thì quả thực là khi đó chúng ta đã đánh mất hoàn toàn tư duy sáng tạo cá nhân.

Đã bao giờ bạn tham gia vào những hoạt động như vậy chưa? Đã đến lúc bạn tự hỏi liệu bạn thích sáng tạo hay chỉ đơn giản là bạn đang tự biến mình thành một cỗ máy. Câu trả lời nằm ở chính bạn và ngay từ những hành động của bạn trên internet.

Nguồn[sửa]

  • Tuấn Dũng, Tạp chí Tia sáng
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này