Sắt (II) sulfat
Loại thuốc: Muối sắt vô cơ.
Mục lục
- 1 Dạng thuốc và hàm lượng
- 2 Dược lý và cơ chế tác dụng
- 3 Chỉ định
- 4 Chống chỉ định
- 5 Thận trọng
- 6 Thời kỳ mang thai
- 7 Thời kỳ cho con bú
- 8 Tác dụng không mong muốn (ADR)
- 9 Hướng dẫn cách xử trí ADR
- 10 Liều lượng và cách dùng
- 11 Tương tác thuốc
- 12 Ðộ ổn định và bảo quản
- 13 Quá liều và xử trí
- 14 Ðiều trị
- 15 Thông tin qui chế
Dạng thuốc và hàm lượng[sửa]
Viên nén bao phim, viên nang, chứa sắt sulfat khô (FeSO4.H2O) 160 mg hoặc 200 mg hoặc 325 mg (tương đương theo thứ tự 50 mg, 65 mg hoặc 105 mg sắt nguyên tố) dưới dạng giải phóng chậm (sắt sulfat khô gồm chủ yếu loại muối monohydrat, có lẫn muối tetrahydrat với lượng khác nhau).
Siro chứa 90 mg sắt (II) sulfat heptahydrat (FeSO4.-7H2O), tương đương 18 mg sắt nguyên tố, trong 5 ml.
Thuốc giọt: Chứa 75 mg sắt (II) sulfat heptahydrat, tương đương 15 mg sắt nguyên tố, trong 0,6 ml, dùng cho trẻ nhỏ.
Sắt (II) sulfat thường được phối hợp với acid folic (khoảng 0,4 mg) (thí dụ Ferrograd - folic; Slow - Fe - Folic), hoặc với vitamin C (500 mg) (thí dụ: Fero - Grad; Irospan), hoặc với vitamin C và hỗn hợp vitamin B (thí dụ: Iberet), hoặc với vitamin C và hỗn hợp vitamin B, kể cả acid folic (thí dụ: Iberet - Folic), hoặc với vitamin C và acid folic (thí dụ: Fero - Folic). Acid folic được thêm vào để hạn chế sự rối loạn tiêu hóa thường có liên quan với hầu hết các chế phẩm sắt uống và đề phòng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu folat. Vitamin C giúp tăng sự hấp thu sắt và cung cấp vitamin C.
Dược lý và cơ chế tác dụng[sửa]
Sắt cần thiết cho sự tạo hemoglobin, myoglobin và enzym hô hấp cytochrom C. Sắt được hấp thu qua thức ăn, hiệu quả nhất từ sắt trong thịt.
Bình thường sắt được hấp thu ở tá tràng và đầu gần hỗng tràng. Một người bình thường không thiếu sắt, hấp thu khoảng 0,5 - 1 mg sắt nguyên tố hàng ngày. Hấp thu sắt tăng lên khi dự trữ sắt thấp hoặc nhu cầu sắt tăng. Hấp thu sắt toàn bộ tăng tới 1 - 2 mg/ngày ở phụ nữ hành kinh bình thường và có thể tăng tới 3 - 4 mg/ngày ở người mang thai. Trẻ nhỏ và thiếu niên cũng có nhu cầu sắt tăng trong thời kỳ phát triển mạnh.
Hấp thu sắt bị giảm khi có các chất chelat hóa hoặc các chất tạo phức trong ruột và tăng khi có acid hydrocloric và vitamin C. Do vậy đôi khi sắt được dùng phối hợp với vitamin C.
Sắt được dự trữ trong cơ thể dưới 2 dạng: Ferritin và hemosiderin. Khoảng 90% sắt đưa vào cơ thể được thải qua phân.
Hấp thu sắt phụ thuộc vào số lượng sắt dự trữ, nhất là ferritin, ở niêm mạc ruột và vào tốc độ tạo hồng cầu của cơ thể.
Ðôi khi acid folic được thêm vào sắt (II) sulfat để dùng cho người mang thai nhằm phòng thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Phối hợp acid folic với sắt có tác dụng tốt đối với thiếu máu khi mang thai hơn là khi dùng một chất đơn độc.
Chỉ định[sửa]
Phòng và điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt như: Sau cắt dạ dày, hội chứng suy dinh dưỡng và mang thai.
Chống chỉ định[sửa]
Mẫn cảm với sắt (II) sulfat.
Cơ thể thừa sắt: Bệnh mô nhiễm sắt, nhiễm hemosiderin và thiếu máu tan máu.
Hẹp thực quản, túi cùng đường tiêu hóa.
Viên sắt sulfat không được chỉ định cho trẻ dưới 12 tuổi và người cao tuổi.
Thận trọng[sửa]
Cần thận trọng khi dùng cho người bệnh có nghi ngờ loét dạ dày, viêm ruột hồi hoặc viêm loét ruột kết mạn.
Viên nén bao phim, giải phóng chậm trong cơ thể, gây độc cho người cao tuổi, hoặc người có chuyển vận ruột chậm.
Không uống thuốc khi nằm.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Không dùng viên nén, viên nang. Chỉ dùng thuốc giọt hoặc sirô (hút qua ống).
Thời kỳ mang thai[sửa]
Sắt (II) sulfat dùng được cho người mang thai khi thiếu máu do thiếu sắt và acid folic.
Thời kỳ cho con bú[sửa]
Thuốc dùng được cho người cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)[sửa]
Không thường xuyên: Một số phản ứng phụ ở đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón. Phân đen (không có ý nghĩa lâm sàng). Răng đen (nếu dùng thuốc nước): nên hút bằng ống hút.
Trong rất ít trường hợp, có thể thấy nổi ban da.
Ðã thấy thông báo có nguy cơ ung thư liên quan đến dự trữ quá thừa sắt.
Hướng dẫn cách xử trí ADR[sửa]
Có thể hạn chế các ADR không thường xuyên bằng cách uống liều thấp, sau tăng dần, hoặc uống cùng một ít thức ăn (như vậy sẽ giảm hấp thu sắt).
Liều lượng và cách dùng[sửa]
Thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói, nhưng thuốc có khả năng gây kích ứng niêm mạc dạ dày, nên thường uống thuốc trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước. Không nhai viên thuốc khi uống.
Bắt đầu dùng liều tối thiểu và tăng khi đáp ứng với thuốc.
Liều sau đây tính theo sắt nguyên tố (đường uống):
Người lớn
Bổ sung chế độ ăn: Nam: 10 mg sắt nguyên tố/ngày; Nữ (19 - 51 tuổi): 15 mg sắt nguyên tố/ ngày.
Ðiều trị: 2 - 3 mg sắt nguyên tố/kg/ngày chia làm 2 - 3 lần. Sau khi lượng hemoglobin trở lại bình thường, tiếp tục điều trị trong 3 - 6 tháng.
Trẻ em
Bổ sung chế độ ăn: Trẻ em dưới 12 tháng tuổi: 6 mg sắt nguyên tố/ngày; 1 - 10 tuổi: 10 mg sắt nguyên tố/ngày; 11 - 18 tuổi: 15 mg sắt nguyên tố/ngày (Nữ); 12 mg sắt nguyên tố/ ngày (Nam).
Ðiều trị: Trẻ nhỏ: 10 - 25 mg, chia làm 3 - 4 lần/ngày; 6 tháng - 2 tuổi: Uống tới 6 mg/kg/ngày, chia làm 3 - 4 lần; 2 - 12 tuổi: 3 mg/kg/ngày, chia làm 3 - 4 lần.
Người cao tuổi: Giống liều của người lớn, trừ nữ lớn hơn 51 tuổi: 10 mg sắt nguyên tố/ngày.
Người mang thai: Nhu cầu sắt gấp đôi bình thường, cần bổ sung chế độ ăn để đạt 30 mg sắt nguyên tố/ngày.
Ðiều trị: 60 - 100 mg sắt nguyên tố/ngày, kèm theo 0,4 mg acid folic, chia làm 3 - 4 lần/ngày.
Tương tác thuốc[sửa]
Tránh dùng phối hợp sắt với ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin.
Uống đồng thời với các thuốc kháng acid như calci carbonat, natri carbonat và magnesi trisilicat, hoặc với nước chè có thể làm giảm sự hấp thu sắt.
Sắt có thể chelat hóa với các tetracyclin và làm giảm hấp thu của cả hai loại thuốc. Sắt có thể làm giảm hấp thu của penicilamin, carbidopa/levodopa, methyldopa, các quinolon, các hormon tuyến giáp và các muối kẽm.
Ðộ ổn định và bảo quản[sửa]
Thuốc dạng viên cần được tránh ẩm.
Phải để thuốc ngoài tầm với của trẻ em (nguy cơ ngộ độc).
Quá liều và xử trí[sửa]
Các chế phẩm sắt vô cơ hầu hết là độc, các muối sắt đều nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Liều độc: Dưới 30 mg Fe2+/kg có thể gây độc ở mức trung bình và trên 60 mg Fe2+/kg gây độc nghiêm trọng. Liều gây chết có thể là từ 80 - 250 mg Fe2+/kg. Ðã có thông báo một số trường hợp ngộ độc chết người ở trẻ em 1 - 3 tuổi. Liều gây chết thấp nhất cho trẻ em được thông báo là 650 mg Fe2+ tương đương với 3 g sắt (II) sulfat heptahydrat.
Triệu chứng: Ðau bụng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy kèm ra máu, mất nước, nhiễm acid và sốc kèm ngủ gà. Lúc này có thể có một giai đoạn tưởng như đã bình phục, không có triệu chứng gì, nhưng sau khoảng 6 - 24 giờ, các triệu chứng lại xuất hiện trở lại với các bệnh đông máu và trụy tim mạch (suy tim do thương tổn cơ tim). Một số biểu hiện như: Sốt cao, giảm glucose huyết, nhiễm độc gan, suy thận, cơn co giật và hôn mê. Dễ có nguy cơ thủng ruột nếu uống liều cao. Trong giai đoạn hồi phục có thể có xơ gan, hẹp môn vị. Cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết do Yersinia enterocolica.
Ðiều trị[sửa]
Trước tiên: Rửa dạ dày ngay bằng sữa (hoặc dung dịch carbonat). Nếu có thể, định lượng sắt - huyết thanh.
Sau khi rửa sạch dạ dày, bơm dung dịch deferoxamin (5 - 10 g deferoxamin hòa tan trong 50 100 ml nước) vào dạ dày qua ống thông.
Trong trường hợp lượng sắt dùng trên 60 mg/kg thể trọng, hoặc khi có triệu chứng nặng, đầu tiên phải cho deferoxamin tiêm truyền tĩnh mạch. Liều tiêm truyền tĩnh mạch 15 mg/kg/giờ đến khi hết triệu chứng và tới khi nồng độ Fe2+ huyết thanh giảm dưới mức 60 micromol/lít. Cần thiết có thể dùng liều cao hơn.
Nếu cần nâng cao huyết áp, nên dùng dopamine. Thẩm phân nếu có suy thận. Ðiều chỉnh cân bằng acid base và điện giải, đồng thời bù nước.
Thông tin qui chế[sửa]
Sắt (II) sulfat có trong danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam.
NGUỒN
Dược thư Quốc gia