Sống thân thiện với môi trường

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thực tế là nếu chúng ta muốn sống trên một hành tinh có nước sạch, không khí trong lành, động thực vật đa dạng, thì chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ sự sống của trái đất. Sống thân thiện với môi trường có nghĩa là có lối sống bảo vệ Trái đất hơn làm tổn hại nó, và lên tiếng khi thấy thế giới xung quanh bị tổn hại. Bảo tồn nguồn nước, giảm thiểu lái xe, làm vườn, và quan tâm đến động vật là những hành động tích cực để giúp ích cho Trái đất. Xem Bước 1 để tìm hiểu cách quan tâm đến môi trường trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Các bước[sửa]

Bảo vệ nguồn nước[sửa]

  1. Dự trữ nước sinh hoạt. Phải tốn rất nhiều năng lượng để biến nước sông, nước ngầm, hoặc bất cứ nguồn nước nào tại địa phương thành nước sinh hoạt. Nước phải được bơm vào một nhà máy xử lý, tại đây nước được lọc và xử lý bằng hóa chất để làm sạch, sau đó nước được bơm đến khu phố bạn sống, và bạn có thể sử dụng nước tại nhà. Tiết kiệm càng nhiều nước càng tốt vì nó giúp giảm áp lực do quá trình sử dụng nước tạo sức ép lên trái đất.[1] Sau đây là một số cách giúp tiết kiệm nước:
    • Áp dụng biện pháp rửa chén đĩa tiết kiệm nước. Thay vì mở vòi nước chảy liên tục trong thời gian rửa chén đĩa, hãy xả đầy bồn rửa với nước ấm và xà phòng, sau đó tắt vòi nước và cọ rửa chén đĩa. Rửa chén đĩa trong bồn rửa thứ hai chứa đầy nước sạch, sau đó lau khô và xếp lên kệ.
    • Gắn vòi hoa sen áp suất thấp và tắm nhanh. Tắm bồn và tắm vòi hoa sen lâu sẽ tốn nhiều nước hơn.
    • Sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước bao gồm máy rửa chén và máy giặt.
    • Sửa chữa chỗ rò rỉ trong đường ống để nước không bị rò rỉ ra ngoài.
    • Không để nước chảy trong khi bạn đánh răng.
    • Không tưới nước lên bãi cỏ. Hãy để nước mưa làm việc này thay vì bơm nước sạch vào bãi cỏ phía trước sân nhà. Nếu khu vực nơi bạn ở cho phép tưới cỏ, hãy trữ nước mưa trong thùng lớn để sử dụng. Nếu bạn muốn có một thảm cỏ xanh, hãy trồng thực vật bản địa hoặc thực vật cần ít nước như rêu.
  2. Hạn chế sử dụng hóa chất. Hóa chất bị rửa trôi qua mương rãnh hoặc được dùng trực tiếp lên cỏ có thể ngấm vào hệ thống cấp nước, gây ra nhiều vấn đề cho động vật hoang dã và con người. Xác định những hóa chất có thể được thay thế bằng chất khác để bạn có thể tránh chất độc trôi xuống cống.
    • Sử dụng giải pháp làm sạch thay thế. Thử dùng dấm trắng và muối nở để làm sạch nhà bếp và phòng tắm.
    • Cân nhắc các sản phẩm chăm sóc cơ thể. Thay thế bằng những sản phẩm dầu gội, dầu xả và xà phòng tự nhiên. Sự thay đổi này sẽ có lợi cho cơ thể của bạn.
    • Thử dùng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ tự nhiên. Thay vì phun thuốc cỏ dại, hãy trồng các loại cây bản địa có khả năng chống chọi tự nhiên với cỏ dại.
  3. Tuyệt đối không đổ chất thải nguy hại xuống cống hoặc bãi cỏ. Không nên đổ sơn, dầu động cơ, amoniac và các dung dịch hóa chất mạnh khác xuống cống hoặc lên mặt sân, bởi chúng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm. Những chất này cần phải được xử lý đúng cách. Hãy kiểm tra trang web của cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương của bạn để tìm hiểu cách xử lý chất thải nguy hại. Có thể bạn sẽ được hướng dẫn cách để đưa chúng đến một bãi chất thải độc hại để được xử lý phù hợp.
  4. Góp sức chống ô nhiễm nước tại địa phương. Thay đổi thói quen sinh hoạt cá nhân có liên quan đến sử dụng nước và hóa chất là bước đầu tiên cần làm. Bằng cách tiết kiệm nước hằng ngày, bạn đang góp một phần công sức và là tấm gương tốt cho người khác làm theo. Nhưng để thực sự tạo ra ảnh hưởng, hãy nỗ lực thêm một bước. Dưới đây là một số cách để thực hiện:
    • Tham gia ngày hội vệ sinh môi trường. Nếu suối, sông, bãi biển tại địa phương bị thải đầy rác hoặc bị ô nhiễm, có lẽ có một nhóm bảo tồn nguồn nước của địa phương đang cố gắng dọn sạch chúng. Lần tới khi có ngày hội vệ sinh môi trường, hãy tham gia ngay. Và nếu bạn không thể tìm thấy một nhóm nào để tham gia, hãy tự tổ chức một nhóm riêng!
    • Lên tiếng chống lại những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm nước. Do các quy định lỏng lẻo của nhà nước, sông ngòi thường bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp thải ra bởi các tập đoàn. Dầu và hóa chất thải ra hủy hoại đời sống thủy sinh và môi trường xung quanh, đồng thời còn làm ô nhiễm đến nguồn nước uống. Hãy kiểm tra xem có một chiến dịch vì nguồn nước sạch nào đang diễn ra ở địa phương của bạn hay không và đăng ký để giúp đỡ nếu có thể.

Góp phần làm sạch bầu không khí[sửa]

  1. Tiết kiệm điện sinh hoạt. Đó là một trong những cách đầu tiên chúng ta được dạy để sống thân thiện với môi trường, tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý tầm quan trọng của việc tắt đèn khi ra khỏi phòng. Tất cả những đồ dùng chạy bằng điện yêu cầu sử dụng năng lượng tạo ra tại nhà máy điện. Các nhà máy thường tạo ra than hoặc nhiên liệu hóa thạch, thải ra khí thải mù mịt trong khí quyển và làm con người thấy khó thở. Đó là hậu quả nặng nề từ việc bạn quên tắt máy tính. Dưới đây là những điều bạn có thể làm:
    • Vặn nhỏ máy điều nhiệt vào mùa đông. Thay vì sưởi ấm cho ngôi nhà giữa lúc tuyết rơi bên ngoài, nhiệt độ trong nhà chỉ nên vừa đủ để bạn cảm thấy thoải mái. Cách nhiệt cho ngôi nhà sẽ giúp cách ly không khí lạnh bên ngoài hiệu quả.[2]
    • Cân nhắc liệu bạn có thể chuyển sang dùng điện từ sức gió hoặc năng lượng mặt trời để tạo ra ít khí thải hơn.[3]
    • Hạn chế dùng điều hòa không khí. Vào mùa hè, hãy thử xem bạn có thể không dùng điều hòa vào những ngày không quá nóng không. Hãy tiết kiệm để dùng vào những ngày nóng bức.
    • Tắt các thiết bị điện và điện tử khi không sử dụng. Nên tắt và rút khỏi ổ cắm khi bạn không sử dụng máy vi tính, tivi, ấm pha cà phê, và những đồ dùng khác.
    • Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng. Bóng đèn sợi đốt (loại cũ) cần nhiều năng lượng hơn để phát sáng.
  2. Giảm phụ thuộc vào xe hơi. Từ việc sản xuất xe ô tô đến việc chiết xuất và đốt khí để tạo năng lượng cho xe, cho đến việc tạo ra dầu và các vật liệu khác được dùng trong xây dựng các tuyến đường cho xe chạy, thì xe và tất cả những gì liên quan đến chúng là nguồn chính gây ô nhiễm không khí. Hạn chế sử dụng xe là cách tuyệt vời để trở nên thân thiện hơn với môi trường.
    • Sử dụng giao thông công cộng. Làm quen với xe buýt, tàu điện ngầm hoặc lịch trình tàu hỏa tại thành phố của bạn, và bắt đầu sử dụng giao thông công cộng thường xuyên hơn.
    • Tìm các làn đường xe đạp trong thành phố của bạn. Ngày càng có nhiều thành phố và thị trấn có làn đường xe đạp mới kết nối tất cả các khu đô thị lớn. Tiết kiệm tiền bằng việc không đăng ký tại phòng tập và tập thể dục miễn phí bằng cách sử dụng làn đường cho xe đạp.
    • Dành thời gian để đi bộ. Nếu bạn có thời gian để đi dạo, tại sao không đi bộ thay vì lái xe? Bất cứ nơi nào tốn 5 hay 10 phút đi bằng xe hơi thì cũng phù hợp để bạn đi bộ.
    • Đi chung xe để đi làm hoặc đi học với người khác thay vì tự mình lái xe.
  3. Đi mua sắm trong khu vực địa phương. Thói quen mua sắm của bạn không phải là điều đầu tiên mà bạn cần bàn đến khi tìm cách để giảm ô nhiễm không khí, tuy nhiên những món đồ mà chúng ta mua có tầm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Một sản phẩm được tạo ra như thế nào, nó được tạo ra ở đâu, nó được đóng gói ra sao, tất cả đều đóng một vai trò trong vấn đề ô nhiễm không khí.
    • Tìm hiểu quy trình sản xuất. Nó có được làm bằng vật liệu bền vững, hay việc sản xuất chúng có dùng đến chất dẻo hay hóa chất khác không? Việc sản xuất ra sản phẩm cũng chịu trách nhiệm cho vấn đề sử dụng (và lãng phí) rất nhiều nước, do đó có nhiều hơn một lý do khiến đây là câu hỏi rất quan trọng mà bạn cần nêu ra.
    • Kiểm tra nhãn hàng để xem sản phẩm được vận chuyển đi bao xa. Nếu phải di chuyển bằng thuyền, máy bay, và xe tải để đến được cửa hàng hoặc nhà bạn, thì bạn đã tiêu thụ nhiều xăng để mua được sản phẩm. Tìm hiểu xem liệu bạn có thể tìm được lựa chọn thay thế tốt hơn ở gần nơi bạn ở hay không.
  4. Ăn nhiều rau quả và thực phẩm khác được trồng tại địa phương. Bạn thực sự có thể cho thấy rằng bạn đang ủng hộ bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi một số thói quen mua thực phẩm. Hãy mua sắm trong phạm vi địa phương thay vì mua thực phẩm đã được vận chuyển từ xa đến để hỗ trợ các trang trại địa phương và cắt giảm lượng khí thải carbon.
    • Mua sắm tại khu chợ của người nông dân. Trong suốt mùa xuân, mùa hè và mùa thu, hầu hết các thị trấn đều có những khu chợ của người nông dân với nhiều loại thực phẩm trồng tại địa phương.
    • Thử trồng thực phẩm cho riêng bạn. Tham gia vào cộng đồng làm vườn hoặc tạo một mảnh đất ở sân hoặc bên hiên nhà.
    • Thực hành "Ngày thứ Hai không ăn thịt".[4] Ngày thứ Hai không ăn thịt là một phong trào phổ biến trên toàn thế giới. Những người hưởng ứng phong trào này không ăn đạm động vật vào thứ Hai. Phong trào này giúp giảm thiểu sử dụng nước cũng như giảm thiểu khí nhà kính và sự phụ thuộc vào nhiên liệu.[5]
  5. Tham gia nhóm hoạt động phòng chống ô nhiễm không khí. Một khi bạn bắt đầu nhận thức được nhiều hơn về thói quen hằng ngày ảnh hưởng đến chất lượng không khí như thế nào, có thể bạn muốn đóng góp hành động gì đó để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Hãy tìm các nhóm đang hoạt động tại địa phương và quốc gia của bạn để tìm cách giảm lượng carbon thải ra và chống lại sự nóng lên toàn cầu. Xem xét vấn đề nào đang được đề cập đến tại khu vực của bạn, và khuyến khích những người khác tham gia.

Bảo vệ tài nguyên đất và động vật hoang dã[sửa]

  1. Giảm thiểu chất thải. Một số địa phương thải ra rất nhiều rác đến nỗi không còn nơi để chứa rác. Nếu bạn muốn chăm sóc tốt mảnh đất của chính mình và của những người thân khác, một khởi đầu tốt là giảm thiểu lượng rác thải.
    • Hạn chế tối thiểu mua hàng đóng gói. Tránh các sản phẩm bao bọc trong nhiều lớp nhựa, vì nó thường không bị phân hủy sinh học.
    • Tái chế và tái sử dụng. Khi bạn mua hộp đựng bằng nhựa, bằng thủy tinh hay từ vật liệu tái sử dụng khác, cố gắng tận dụng một số chức năng khác thay vì vứt bỏ chúng.
    • Thay vì bỏ đi phần thức ăn thừa, hãy chế biến chúng thành phân hữu cơ.
    • Bạn không cần phải liên tục mua chai lọ mới, hãy tự tạo ra chúng.
    • Nấu ăn tại nhà thay vì mua đồ ăn ngoài đựng trong các hộp nhựa hoặc xốp.
  2. Trồng cây. Cây xanh là phần thiết yếu cho sức khỏe môi trường. Chúng giữ đất khỏi bị xói mòn, làm sạch không khí và cung cấp nơi trú ẩn cho động vật. Cây xanh có tác động vô cùng lớn, thậm chí chúng giúp giảm căng thẳng khi chúng ta sống thân thiện với cây cối xung quanh.[6] Hãy góp phần giúp bảo vệ cây xanh theo những cách sau:
    • Trồng những loài cây bản địa tốt cho đất và cung cấp bóng râm.
    • Không chặt cây trừ khi điều đó là hoàn toàn cần thiết. Bảo vệ cây xanh tốt nhất có thể.
    • Tìm hiểu nếu bạn có thể hợp tác cùng một nhóm ở địa phương để hoạt động bảo vệ đất rừng.
  3. Để đất sân nhà phát triển tự nhiên. Nếu nhà bạn có không gian và độ dốc, xem xét biến sân nhà thành nơi cư trú cho cây cối và động vật. Rất nhiều khu vực tự nhiên đã thu nhận sinh vật hoang dã cần không gian cư trú. Như một phần thưởng, bạn sẽ được sống bên cạnh những sinh vật và động vật mà hầu hết mọi người không nhìn thấy hằng ngày. Dưới đây là những việc bạn có thể làm:
    • Không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ. Hãy để sân nhà bạn hoàn toàn tự nhiên.
    • Trồng cây thu hút ong và bướm.
    • Có chỗ để thức ăn cho chim, sóc và dơi.
    • Xem xét việc nuôi ong.[7]
    • Cung cấp nguồn nước cho động vật, giống như chỗ tắm cho chim hoặc ao vườn.
    • Tạo điều kiện để chuột chũi, thú có túi ôpôt, gấu trúc và động vật khác sống như vật nuôi thay vì tránh xa chúng.
  4. Tôn trọng đời sống của động vật. Với rất nhiều loài động vật dần bị tuyệt chủng mỗi ngày, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ lại về động vật.[8] Nhận ra rằng mọi sinh vật đều quý giá và xứng đáng có chỗ trú ngụ trong trái đất có thể thay đổi cách bạn tương tác và nói chuyện về động vật, và những lựa chọn bạn thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn quan tâm đến động vật, hãy thử làm như sau:
    • Lựa chọn lối ăn uống được kiểm chứng. Ăn hải sản được đánh bắt theo nguồn có kiểm chứng, và chú ý đến xuất xứ của hải sản bằng cách kiểm tra nguồn cung cấp. Cố gắng mua tất cả sản phẩm động vật từ những nguồn mà bạn biết và tin cậy.
    • Quan tâm đến nơi hoang dã như bãi biển và rừng, môi trường sống cho động vật. Nếu bạn đi leo núi và thấy một biển báo hướng dẫn bạn đi trên đường mòn, hãy làm theo.
    • Kiểm tra rừng hay công viên nơi bạn sống có cần tình nguyện viên để giúp đỡ bảo vệ môi trường sống của động vật hay không.
    • Giúp tuyên truyền nhận thức về những loài đang bị đe dọa. Thông báo cho người khác biết rằng bạn quan tâm đến động vật, và cung cấp cho họ thông tin về tầm quan trọng của việc bảo vệ chúng.
  5. Tham gia vào nhóm hoạt động bảo vệ tài nguyên đất. Tham gia nhóm hoạt động vì môi trường bảo vệ tài nguyên đất nơi bạn sống khỏi các hành vi phá hoại như chặt phá rừng, khai thác mỏ, sạt lở núi và khai thác dầu trong đá. Những hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến đất mà cả cây cối, động vật hoang dã, không khí, nước, và cuộc sống của con người.

Lời khuyên[sửa]

  • Dán giấy ghi chú xung quanh nhà để nhắc nhở bạn tắt đèn khi không sử dụng.
  • Sử dụng túi nhựa để lót thùng rác.
  • Tắt và rút phích cắm các thiết bị khi không sử dụng.
  • Tái sử dụng. Những món đồ cũ luôn có cách sử dụng mới!
  • Cố gắng biến sự thân thiện với môi trường thành lối sống của bạn, không chỉ là việc làm một lần rồi thôi.
  • Cố gắng giảm thiểu sử dụng bóng đèn vào ban ngày. Mở rèm cửa, và tận dụng ánh sáng mặt trời chiếu vào!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]