Sống tiếp sau khi thú cưng qua đời

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đối với con người, việc mất đi thú cưng không đơn giản chỉ là mất đi vật nuôi, mà còn là mất đi một người bạn đồng hành. Để vượt qua nỗi đau sau khi thú cưng qua đời không phải là điều dễ dàng.[1] Bạn sẽ trải qua giai đoạn thương tiếc và cần phải dựa vào sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè để tiếp tục cuộc sống của mình. Ngoài ra bạn cũng muốn bày tỏ sự tôn kính đối với những kỷ niệm có liên quan đến vật nuôi nhằm vượt qua cảm xúc và thể hiện sự kính trọng đối với thú cưng mới qua đời.

Các bước[sửa]

Trải qua giai đoạn thương tiếc[sửa]

  1. Lưu ý rằng mỗi người có một cách thể hiện nỗi buồn khác nhau. Thương tiếc là một quá trình căng thẳng và thường diễn ra từ từ. Không ai có chung một cách vượt qua sự mất mát và không có quy định về khung thời gian “bình thường” cho việc thương tiếc, vì thế bạn có thể cải thiện tâm trạng sau vài tuần, tháng, hoặc thậm chí là một năm. Bạn nên kiên nhẫn và cho phép bản thân bộc lộ niềm thương tiếc đối với thú cưng, vì đây là cách quan trọng để vượt qua sự mất mát của vật nuôi.[1][2]
    • Có thể bạn sẽ cố gắng phớt lờ nỗi đau, nhưng điều này chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vì kìm nén cảm xúc, bạn có thể bộc lộ chúng ra trong giai đoạn thương tiếc và tự hồi phục theo thời gian. Bạn sẽ trải qua nhiều giai đoạn thương tiếc hoặc chỉ một vài trong số đó, nhưng cho dù như thế nào thì bạn cũng nên để nỗi buồn tự nhiên xảy ra và không nên giấu kín cảm xúc hoặc ngăn chặn cảm giác buồn phiền và cô đơn.
  2. Ngăn chặn cảm giác tội lỗi về cái chết của thú cưng. Một trong những giai đoạn đầu tiên của thương tiếc đó là cảm thấy tội lỗi và trách nhiệm đối với sự mất mát của vật nuôi. Không nên đặt câu hỏi “nếu như” và nghĩ về cụm từ “giá mà”. Nếu không bạn chỉ sẽ cảm thấy tồi tệ hơn và khó vượt qua được nỗi thương tiếc của mình.[1]
    • Dành thời gian nhắc nhở bản thân rằng bạn không có trách nhiệm về cái chết của thú cưng và rằng sự kiện này ngoài tầm kiểm soát của mình. Nếu tin vào đấng tối cao, bạn có thể cầu nguyện cho cái chết của vật nuôi và nói chuyện với thần linh để vượt qua cảm giác tội lỗi.
  3. Triệt tiêu cảm giác phủ nhận. Một giai đoạn ban đầu khác của thương tiếc đó là phủ nhận cái chết của thú cưng và cho rằng chúng vẫn còn sống. Bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi về nhà không thấy người bạn ngồi chờ trước cửa hoặc không cho chúng ăn mỗi tối như thường lệ. Thay vì cho rằng thú cưng vẫn còn sống, bạn nên chấp nhận sự thật đau thương này. Việc chối bỏ cái chết của vật nuôi sẽ khiến bạn khó vượt qua sự mất mát và sống tiếp.[1]
  4. Giải tỏa cơn giận một cách lành mạnh. Cảm xúc chính khi trải qua giai đoạn thương tiếc đó là giận dữ về tên lái xe đã giết chết thú cưng, bệnh tật khiến chúng không qua khỏi, hoặc bác sĩ thú y “không thể” cứu mạng sống của vật nuôi. Mặc dù cơn giận này có thể giải thích được, nhưng việc giữ khư khư trong lòng chỉ làm bạn trở nên oán giận và thịnh nộ, khiến cho tình hình sau này trở nên tồi tệ hơn. Sự tức giận cũng ngăn cản bạn giải quyết nỗi đau và không thể giải tỏa cảm xúc thương tiếc để bắt đầu trở lại bình thường.[1]
    • Giải tỏa cơn giận một cách lành mạnh có nghĩa là tìm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, hoặc tự chăm sóc bản thân bằng những hoạt động giúp bạn phấn chấn như là đi dạo, tham gia dự án sáng tạo, hoặc gặp gỡ bạn bè. Bạn nên nghĩ về những điều giúp bạn giải tỏa cảm xúc theo hướng có lợi và lành mạnh, thay vì tiêu cực và đau khổ.
  5. Cho phép bản thân cảm thấy buồn bã nhưng không được trầm cảm. Triệu chứng tự nhiên của sự thương tiếc đó là cảm giác trầm cảm khiến bạn cảm thấy bất lực trong việc kiểm soát cảm xúc. Mặc dù việc thể hiện sự buồn bã đối với cái chết của thú cưng là hành động lành mạnh và có vai trò quan trọng, nhưng trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, cô đơn, và bị cô lập.[1]
    • Đấu tranh với chứng trầm cảm bằng cách dựa vào bạn bè và gia đình, dành thời gian thực hiện hoạt động ưa thích, và bày tỏ lòng tôn kính đối với thú cưng. Bạn nên tập trung giải quyết cảm giác buồn phiền để không trở thành trầm cảm.

Nhờ cậy sự hỗ trợ từ người khác[sửa]

  1. Bày tỏ cảm xúc với gia đình và bạn bè. Thay vì giấu kín niềm thương tiếc, bạn không nên ngần ngại chia sẻ cảm xúc với người thân và bạn bè thân thiết. Nếu bạn bè muốn ghé thăm, bạn cũng không nên từ chối mặc dù không muốn nói chuyện với bất kỳ ai. Chỉ cần ngồi cạnh người bạn đồng cảm và trao đổi về những chuyện bình thường để bạn cảm thấy bớt cô đơn và cô lập. Liên lạc với gia đình và gặp gỡ họ thường xuyên vì người thân có thể giúp bạn suy nghĩ tích cực và nhớ đến vật nuôi một cách trìu mến cũng như vượt qua nỗi thương tiếc.[3]
    • Lưu ý rằng một số người sẽ không hiểu được cảm giác mất đi thú cưng là như thế nào. Họ có thể hỏi rằng, “Sao phải nghiêm trọng thế? Nó chỉ là vật nuôi thôi mà!” Gia đình hoặc bạn bè có thể không hiểu được sự mất mát của động vật có thể so sánh với con người, và họ không đủ sự đồng cảm như bạn mong muốn. Không nên cá nhân hóa vấn đề, vì những người này có thể không nuôi thú cưng trong nhà nên họ không hiểu được sự gắn kết giữa bạn và vật nuôi đã qua đời.
  2. Tìm đến những người bạn cũng đã mất đi thú cưng. Trò chuyện với người thân và bạn bè cùng đồng cảm với nỗi đau của bạn và hiểu được cảm giác mất đi vật nuôi là như thế nào. Dành thời gian trao đổi với nhau về thú cưng và chia sẻ kỷ niệm thuộc về chúng. Bạn cần có sự đồng cảm chung và gắn kết với người nuôi thú cưng khác cũng từng trải qua sự mất mát va thương tiếc.[1]
    • Ngoài ra bạn có thể tiếp xúc với những người hiểu rõ sự mất mát của vật nuôi thông qua nhóm hỗ trợ trực tuyến dành cho những người chủ mất đi thú cưng và diễn đàn thông điệp trực tuyến. Sự hỗ trợ từ những người đồng cảnh ngộ khác là chìa khóa trong việc giúp bạn vượt qua nỗi thương tiếc.
  3. Tự chăm sóc bản thân bằng cách giao tiếp xã hội và giữ mình luôn bận rộn. Tự chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng khi bạn cảm thấy tồi tệ và giúp bạn cải thiện thể chất lẫn tinh thần. Thỏa mãn nhu cầu cảm xúc thông qua tương tác xã hội và thực hiện những hoạt động chung mà bạn yêu thích để luôn bận rộn và không có thời gian nghĩ đến sự thương tiếc. Các hoạt động có thể bao gồm phát triển sở thích mới như là vẽ tranh, hội họa, hoặc tham gia lớp học hoặc nhóm. Ngoài ra bạn có thể tham gia hoạt động thể chất để tập luyện thường xuyên và cải thiện tâm trạng cũng như vượt qua cảm giác trầm cảm.[1]
    • Bạn cũng có thể tự chăm sóc bản thân bằng cách thực hiện hoạt động yêu thích một mình, nuôi dưỡng cơ thể bằng trị liệu xoa bóp hoặc tắm bồn, và dành thời gian đọc hoặc làm điều gì đó mang lại hiệu quả tĩnh tâm và thư giãn. Không nên dành quá nhiều thời gian ở một mình khi trải qua sự mất mát của thú cưng, vì điều này có thể dẫn đến cảm giác bị cô lập và cô đơn. Duy trì cân bằng về thời gian với những người xung quanh và cho bản thân nhằm thỏa mãn nhu cầu thể chất và cảm xúc trong khoảng thời gian khó khăn này.
  4. Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết. Đôi khi cảm giác thương tiếc có thể quá áp đảo và bạn vẫn bị trầm cảm và buồn phiền ngay cả khi nói chuyện với gia đình và bạn bè. Nếu sự thương tiếc làm bạn cảm thấy bất lực và không thể sống tiếp, bạn nên đề nghị bác sĩ giới thiệu bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra bạn cũng có thể hỏi thăm gia đình và bạn bè về thông tin chuyên gia trị liệu mà họ đã từng tiếp xúc và cho kết quả tốt.

Bày tỏ sự tôn kính đối với thú cưng[sửa]

  1. Tổ chức tang lễ hoặc buổi tưởng niệm cho thú cưng. Nghi thức tang lễ hoặc tưởng niệm có thể giúp bạn thể hiện nỗi đau và cảm xúc một cách lành mạnh. Đây có thể là nghi lễ quy mô nhỏ với mục đích tôn vinh sự sống của vật nuôi hoặc vấn đề tỉ mỉ hơn. Tuy rằng một số người cảm thấy việc tổ chức tang lễ cho thú cưng là không phù hợp, nhưng bạn vẫn nên làm điều mà mình cảm thấy đúng đắn với tư cách là chủ của vật nuôi và thực hiện các biện pháp nhằm giải tỏa niềm thương tiếc.[1]
  2. Tưởng nhớ thú cưng bằng đồ vật. Bạn có thể trồng cây, tạo album ảnh thú cưng, hoặc lập bia mộ cho chúng. Việc tạo dựng di sản của vật nuôi có thể giúp bạn tưởng niệm cái chết của thú cưng cũng như vượt qua nỗi đau của bản thân.[4]
  3. Đóng góp từ thiện dành cho động vật để tưởng nhớ thú cưng. Bạn có thể bày tỏ lòng tôn kính đối với người bạn đồng hành đã mất bằng cách quyên góp tiền hoặc thời gian cho tổ chức từ thiện động vật dưới tên của chúng. Điều này giúp bạn quay trở lại với cộng đồng và hỗ trợ những người khác chăm sóc thú cưng của họ. Hành động của bạn cũng giúp thể hiện sự tôn kính đối với vật nuôi thông qua chăm sóc và hỗ trợ người khác, một nghĩa cử cao đẹp mà bạn có thể tự hào.[1]
  4. Chăm sóc vật nuôi khác trong nhà. Mặc dù rất khó thỏa mãn nhu cầu cho thú cưng khác sau khi một con qua đời, nhưng bạn vẫn nên dành thời gian quan tâm đến những người bạn khác trong nhà. Chúng cũng sẽ có cảm giác buồn phiền khi mất đi bạn của mình, đặc biệt khi sống với nhau từ nhỏ. Việc tập trung đáp ứng nhu cầu cho thú cưng khác giúp bạn vượt qua và sống tiếp với sự mất mát này. Đây cũng là cách tôn vinh vật nuôi đã qua đời bằng cách trao tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc cho những thú cưng khác.[4]
  5. Cân nhắc nuôi thú cưng mới. Một cách để sống tiếp và tôn kính vật nuôi đó là nuôi thú cưng mới. Thay vì xem chúng là con vật thay thế, bạn nên nghĩ rằng thú cưng mới sẽ giúp bạn bước sang một chương mới trong mối quan hệ giữa chủ và vật nuôi. Thú cưng mới giúp bạn có cơ hội thể hiện lòng yêu thương và quan tâm với động vật cũng như vượt qua nỗi đau khi mất đi thú cưng.
    • Một số người cho rằng họ không thể nhận nuôi thú cưng mới vì như vậy là không trung thành với vật nuôi đã qua đời. Bạn sẽ cần nhiều thời gian suy xét việc nuôi thú cưng sau khi người bạn của mình qua đời, nhưng đây là cách hiệu quả để bạn giải phóng nỗi thương tiếc và cải thiện tâm trạng khi về nhà nhìn thấy người bạn của mình chào đón một lần nữa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]