Stress và ung thư. Làm gì khi bị stress?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

I. Stress là gì?[sửa]

Bạn đang phải thức đêm để học trước ngày thi? Bạn đang bị deadline “dí”? Bạn đang hồi hộp chờ thời điểm cầu hôn nàng? Bạn đang bận tối mặt với việc chăm con? Hay đơn giản, bạn đang suy nghĩ hôm nay nên mặc gì để ra đường? Tất cả những áp lực, suy tư đó đều khiến bạn căng thẳng, hay còn gọi là stress[1].

Stress, hay Sự căng thẳng, là phản ứng của não bộ và cơ thể khi con người đối mặt với những khó khăn hay sự thay đổi bất ngờ trong cuộc sống[2].

Stress là một phản ứng tự nhiên của cơ thể được hình thành trong quá trình tiến hóa. Stress là sự đáp trả của cơ thể khi con người phải đối mặt với những  hoàn cảnh nguy hiểm. Trong quá khứ, nó giúp con người sinh tồn trước những nguy hiểm từ thiên nhiên như động vật, lũ lụt, xung đột với những người xung quanh[3]. Khi rơi vào trạng thái stress, cơ thể chuyển đổi từ tình trạng “bình thường” sang trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”, phóng thích hỗn hợp các hormone và chất hóa học làm cho cơ thể xuất hiện một loạt các biểu hiện như tim đập nhanh hơn, cơ bắp căng ra, thở nhanh hơn, các chức năng không cần thiết của cơ thể lúc này như chức năng tiêu hóa, bài tiết bị tạm hoãn.Ngày nay, những nguy kiểm từ thiên nhiên không còn là những yếu tố gây ra căng thẳng, thay vào đó  các tình huống được bạn xem như thử thách trong công việc, học tập, gia đình các vấn đề về tài chính, đòi hỏi bạn phải điều chỉnh để thay đổi, cơ thể lại phát ra tín hiệu khiến chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng.

Stress trong thời gian ngắn giúp ta vượt qua công việc một cách hiệu quả hơn và không gây hại cho cơ thể[1]. Tuy nhiên, tình trạng stress kéo dài (stress mãn tính) sẽ gây ra những hệ lụy nguy hiểm về sức khỏe:

  • Các bệnh về tim mạch: Tim là cơ quan đầu tiên chịu tác dụng của stress. Người chịu cường độ stress cao và kéo dài làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, phổ biến nhất đó là thiếu máu cục bộ. Các ảnh hưởng sinh lý của stress khiến trái tim cần nhiều oxy hơn cùng với động mạch bị tắc nghẽn bởi cholesterol gây thiếu máu cục bộ[4][5].
  • Tăng huyết áp: Stress gây ra tăng huyết áp [6]. Áp lực máu lên động mạch tăng, khiến động mạch bị giãn, dễ vỡ. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với não, có thể dẫn đến đột quỵ.
  • Rối loạn giấc ngủ. Stress gây ra tình trạng căng thẳng quá mức cần thiết, khiến cơ thể không thể thiết lập trạng thái cân bằng giữa trạng thái “ngủ” và “tỉnh táo”, gây khó ngủ hoặc ngủ quá lâu.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người stress mãn tính thường có vấn đề về hệ tiêu hóa, quá trình bài tiết nước tiểu, khả năng sinh sản. Đồng thời, hệ miễn dịch của người bị stress cũng suy giảm khiến họ dễ mắc các bệnh như cúm, cảm lạnh, đau đầu[2].

II. Stress và ung thư[sửa]

Stress gây ra một số vấn đề sức khỏe nhưng mối liên hệ giữa stress và ung thư vẫn gây nhiều bàn cãi.

Một số bằng chứng chỉ ra rằng stress làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể [7]. Một số tế bào trong hệ thống miễn dịch có khả năng nhận diện tế bào ung thư như các tế bào bất thường, phát ra tín hiệu để các tế bào miễn dịch khác đến tiêu diệt tế bào ung thư.  Hệ thống miễn dịch suy yếu ảnh hưởng xấu đến hoạt động của chúng, khiến các tế bào này không thể nhận diện được tế bào ung thư. Do vậy các tế bào ung thư có cơ hội nhân lên trong cơ thể và hình thành khối bướu. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch yếu kém tạo điều kiện cho sự xâm nhập và phát triển của các vi sinh vật có hại trong cơ thể. Trong đó một vài dòng vi rút là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư [8].

Stress kích thích cơ thể tăng cường sản sinh một số hormone như Adrenaline, Cortisol, Norepinephrine[9].

  1. Adrenaline kích thích mạch máu co lại, máu chảy nhiều hơn tới các nhóm cơ lớn bao gồm các nhóm cơ của tim và phổi. Các nhóm cơ được cung cấp nhiều năng lượng hơn, do đó, hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Andrenaline làm giảm cảm giác đau, giúp cơ thể có khả năng duy trì vận động hoặc chống lại nguy hiểm ngay cả khi bị thương. Ngoài ra, Adrenaline kích thích hoạt động của não bộ, làm tăng khả năng nhận thức và đưa ra quyết định quan trọng tại những thời điểm căng thẳng[9].
  2. Corticosol liên quan đến sự khống chế lượng đường trong máu, các quá trình trao đổi chất, giúp giảm sự viêm nhiễm và hỗ trợ khả năng ghi nhớ. Ngoài ra, Coticorsol ảnh hưởng đến sự điều khiển sự cân bằng giữa muối và nước, giúp khống chế huyết áp [10].
  3. Norepinephrine, còn được gọi là Noradrenaline, được giải phóng chủ yếu từ các đầu của dây thần kinh giao cảm. Hoạt động Norepinephrine làm tăng lực co bóp cơ xương và cơ tim. Cơ thể cần Norepinephrine để chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với một mối đe dọa bất ngờ [11]. Norepinphrine là chất dẫn truyền thần kinh chính của hệ thống thần kinh giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm là một trong ba thành tố của hệ thống thần kinh tự động (bao gồm hệ thần kinh giao cảm, hệ thần kinh phó giao cảm và hệ thần kinh đối giao cảm). Hệ thần kinh tự động có chức năng điều khiển các hành động vô thức của cơ thể. Hoạt động của hệ thần kinh giao cảm kích thích cơ thể đáp trả sự tấn công từ bên ngoài. Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, Norepinephrine truyền các tín hiệu, thông báo các cơ quan trong cơ thể rằng cơ thể đang gặp nguy hiểm, các bộ phần trong cơ thể cần hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn[12]. Duy trì nồng độ cao Norepinhrine trong cơ thể trong một thời gian dài gây ra sự ức chế đối với các quá trình tái tạo các yếu tố cần thiết cho hoạt động các cơ quan trọng của cơ thể. Điều này, gây ra nhưng hậu quả nghiêm trọng như sự chậm phát triển (ở trẻ em), mất ngủ, giảm ham muốn tình dục, các vấn đề về dạ dày-ruột, sức đề kháng kém, giảm tỷ lệ thương tổn, giảm trầm cảm và dễ bị nghiện[13].

Sản sinh các hormone là cơ chế sinh học tự nhiên. Tuy nhiên, sự mất cân bằng hormone là nguyên nhân gây ra một số dạng bệnh ung thư. Ví dụ: Các nghiên cứu chỉ ra sự liên quan giữa tăng cường hormone Andrenalin và ung thư tuyến tiền liệt ở nam[14].

Những người phải chịu đựng stress trong thời gian dài thường có những hành vi xấu như hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích như rượu, biếng ăn hoặc ăn quá nhiều. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư[2].

Cuộc sống hiện đại khiến con người phải đối mặt thường xuyên với áp lực từ công việc, gia đình, học tập. Vậy chúng ta phải làm gì khi bị stress?

III. Làm gì khi bị stress?[sửa]

  1. Tuyệt đối không sử dụng những chất kích thích như rượu, thuốc lá khi đang rơi vào trạng thái stress.
  2. Tăng cường sử dụng một số thực phẩm hỗ trợ giảm stress như socola, chuối, trà xanh, cá hồi, cam, sữa, các loại hạt.
    • Socola: Nghiên cứu lâm sàng được công bố trên tạp ACS’ Journal of Proteome Research chỉ ra rằng sử dụng socola đen hằng ngày trong hai tuần tạo ra sự thay đổi rõ rệt về quá trình trao đổi chất của các tình nguyện viên. Điều này được giải thích, socola đen làm giảm mức độ của các hormone liên quan đến stress trong cơ thể[15].
    • Trà xanh: Nghiên cứu chỉ ra rằng uống trà xanh có thể hỗ trợ việc giảm stress. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Asia Pacific Journal of Clinical Nutrition chỉ ra rằng L-theanine, amino axit trong trà có thể ảnh hưởng lên hoạt động của não bộ. L-theanine làm tăng đáng kể hoạt động trong dải tần số alpha cho thấy nó làm thư giãn tâm trí mà không gây buồn ngủ[16].
    • Chuối là thực phẩm giàu vitamin B. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Nutritional Science and Vitaminology chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin B1 (Thiamin)  mang lại hỗ trợ chống lại sự mệt mỏi trong suốt thời gian tập luyện thể thao [17]. Khi căng thẳng, giảm BDNF và Ach có thể là một cơ chế gây hại cho chức năng bộ nhớ; Bơi lội hoặc bổ sung vitamin B1 30 ngày có thể bảo vệ và cải thiện tình trạng với stress mãn tính bằng cách điều chỉnh hàm lượng BDNF (Brain-derived neurotrophic factor, yếu tố liên quan đến hoạt động của bộ não) và Ach (, chất dẫn truyền thần kinh), đồng thời tăng cường các chức năng bộ nhớ và các hoạt động của cơ thể.
    • Các loại hạt, cá hồi, bông cải xanh, cam rất giàu Vitamin C. Theo bản tin được đăng trên website khoa học www.sciencedaily.com, nguồn từ Hiệp hội Hóa học Mỹ, nghiên cứu của một nhà khoa học thuộc Đại học Alabama ở Huntsville chỉ ra rằng liều lượng lớn vitamin C có thể làm giảm phản ứng tiêu cực của cơ thể với tình trạng stress. Nghiên cứu trên chuột, cho thấy vitamin C làm giảm nồng độ hormon gây stress trong máu[18].
  3. Tăng cường tham gia các hoạt động thể thao. Tập thể dục kích thích sự trao đổi chất của cơ thể, tăng cường khả năng đào thải các chất có hại bao gồm các hormone như Andrenalin, Corticosol, thúc đẩy sản sinh Endorphin là một hormone có lợi cho cơ thể[19]. Endorphin là một loại chất giảm đau giống Morphin tự nhiên do cơ thể tự sản sinh để hỗ trợ giảm đau, kích hoạt cảm giác hưng phấn. Endorphin được giải phóng từ tuyến yên và giảm đau đớn trong thời gian tập thể dục vất vả, căng thẳng tinh thần.
  4. Chế độ ngủ thích hợp. Thiếu ngủ là nguyên nhân gây stress. Ngược lại, stress lại gây mất ngủ. Do đó, muốn thoát khỏi stress, chúng ta cần giấc ngủ sâu và đủ thời gian để cơ thể thiết lập lại cân bằng sinh học[20].

Mặc dù, chưa có bằng chứng về mối quan hệ trực tiếp giữa ung thư và stress. Tuy nhiên, những ảnh hướng xấu của stress đối với cơ thể về lâu về dài là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của tác nhân xấu gây ung thư.

Ngoài ra, stress là yếu tố hàng đầu làm giảm chất lượng cuộc sống, năng suất làm việc. Do đó, giảm stress, cân bằng cuộc sống nên là một trong những ưu tiên hàng đầu cần được chú trọng.

V. Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. 1,0 1,1 National Institute of Mental Health https://www.nimh.nih.gov/health/publications/stress/index.shtml
  2. 2,0 2,1 2,2 Psychological Stress and Cancer; https://www.cancer.gov/about-cancer/coping/feelings/stress-fact-sheet
  3. Havard health publications https://www.health.harvard.edu/topics/stress
  4. Almed Tawakol, Rogerk Pitman (2017) Relation between resting amygdalar activity and cardiovascular events: a longitudinal and cohort study The Lancet 389: p834-845.
  5. Sheldon Cohen (2007) Psychological Stress and Disease. JAMA 298(14):1685-1687.
  6. Metcalfe, C, Davey Smith G et al. (March 2003). “Self-reported stress and subsequent hospital admissions as a result of hypertension, varicose veins and haemorrhoids” Journal of Public Health Medicine 25 (1): 62–68.
  7. Firdaus S. Dhabhar (2014) Effects of stress on immune function: the good, the bad, and the beautiful. Immunol Res 58:193–210
  8. The immune system and cancer; http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/what-is-cancer/body-systems-and-cancer/the-immune-system-and-cancer
  9. 9,0 9,1 http://www.hormone.org/hormones-and-health/what-do-hormones-do/adrenaline
  10. http://www.hormone.org/hormones-and-health/what-do-hormones-do/cortisol
  11. Norepinephrine https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/439260#section=Top
  12. https://en.wikipedia.org/wiki/Norepinephrine
  13. George P. (2009) Chrousos Stress and disorders of the stress system Nature Reviews Endocrinology Nature Reviews Endocrinology voLUme 5: 374-381
  14. Salam Ranabir and K. Reetu (2014) Stress and hormone Indian Journal of Endocrinology and metabolism.
  15. Sazzad Hassan (2013) Behavioral stress accelerates prostate cancer development in mice. The Journal of Clinical Investigation 123(2):874-886.
  16. Nobre AC, Rao A, Owen GN. 2008 L-theanine, a natural constituent in tea, and its effect on mental state Asia Pac J Clin Nutr. 17 Suppl 1:167-8.
  17. E Dief A, M Samy D, I Dowedar F 2015 Impact of exercise and vitamin B1 intake on hippocampal brain-derived neurotrophic factor and spatial memory performance in a rat model of stress. J Nutr Sci Vitaminol (Tokyo). 2015;61(1):1-7.
  18. Science Daily https://www.sciencedaily.com/releases/1999/08/990823072615.htm
  19. Harber VJ, Sutton JR (1984) Endorphins and exercise. Sports Med. 1(2):154-71.
  20. Maria Basta, George P Chrousos, Antonio Vela-Bueno, Alexandros N Vgontzas (2007) CHRONIC INSOMNIA AND STRESS SYSTEM. Sleep Med Clin 2(2): 279–291.
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này