Những người hay tức giận thường kém thông minh hơn họ nghĩ
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người nóng tính và dễ tức giận thường tự đánh giá quá cao mức độ thông minh của họ. Nghiên cứu cũng cho thấy sự liên quan giữa việc hay tức giận do nổi nóng và rối loạn nhân cách ái kỷ (là một rối loạn tâm lý kéo dài bao gồm việc tự coi mình là trung tâm, thiếu lòng vị tha và đề cao quá mức tầm quan trọng của bản thân).
Mục lục
Giới thiệu[sửa]
Chúng ta đều biết rằng cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Những biểu hiện cơ bản của cảm xúc tiêu cực - thường là sự căng thẳng thần kinh, lo âu, trầm cảm - đều đã được chứng minh sẽ làm giảm điểm số trong các bài kiểm tra trí thông minh (3,4).
Từ trước đến nay, nóng tính xuất phát từ bản tính và nóng tính hay nổi giận do rối loạn thần kinh thường bị cho là tương tự nhau (5). Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy điểm khác biệt giữa chúng chính là sự rối loạn nhân cách ái kỷ (6,7).
Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissism) là gì?[sửa]
Rối loạn nhân cách ái kỷ được hiểu là sự tự yêu bản thân thái quá. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ được chia làm 2 loại: người tự cao (Grandiose) và người dễ bị tổn thương (Vulnerable) (8). Trong khi loại thứ nhất thưởng biểu hiện bằng sự tự tin, thích thể hiện và mong muốn nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người xung quanh, loại thứ hai lại đặc trưng bởi các đặc điểm như quá nhạy cảm, dễ bị tổn thương, tự ti, luôn có phản ứng phòng vệ do cảm giác thiếu an toàn (8). Trong 2 loại trên, rối loạn do mong muốn phô trương có mối tương quan với hội chứng rối loạn tâm lý và sự dễ nổi nóng cả về mặt tích cực và tiêu cực (8).
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nếu dựa trên một số yếu tố như: sự lạc quan, khả năng kiểm soát, động lực tiếp cận và sự tự yêu bản thân, chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau, đồng thời hiểu thêm về mối quan hệ giữa hội chứng rối loạn tâm lý, sự dễ nổi giận và khả năng tự đánh giá trí thông minh của những người mắc phải các hội chứng tâm lý này.
Đồng thời, nghiên cứu này cũng giúp củng cố thêm cho các nghiên cứu trước đây về sự liên quan giữa những đặc điểm trên và sự tự đánh giá trí thông minh (3, 7).
Nghiên cứu từ Đại học Tây Úc (The University of Western Australia) và Đại học Warsaw (Ba Lan)[sửa]
Đại học Warsaw đã tiến hành khảo sát trên các sinh viên của họ về sự liên quan giữa việc dễ nổi nóng do không thể kiểm soát được cơn giận của bản thân với việc tự đánh giá quá cao khả năng của mình (2). Những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi đánh giá sự nóng tính, tính ổn định, lòng tự ái và cách họ đánh giá trí thông minh của họ trên thang điểm 25, trước khi thực hiện kiểm tra trí thông minh khách quan.
Giảng viên Gilles Gignac thuộc Đại hoc Western Australia, đồng tác giả với giáo sư Marcin Zajenkowski từ Đại học Warsaw, cho biết nghiên cứu tìm thấy mối quan hệ thú vị giữa những người có khuynh hướng khó chịu với mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ và trí thông minh của họ.
T-A= Trait-Anger: sự nổi nóng tức thời
N = Neuroticism: hội chứng rối loạn tâm lý
SAI = Self-Assessed Intelligence: trí thông minh tự nhận
Gf = fluid intelligence: trí thông minh mềm, được định nghĩa là khả năng giải quyết vấn đề mới khi những kinh nghiệm của bản thân không thể giúp cá nhân đưa ra một giải pháp. Nó liên quan đến lập luận quy nạp và cách giải quyết sáng tạo. Trí thông minh mềm phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hoạt động hiệu quả của hệ thống thần kinh trung ương hơn là kinh nghiệm và bối cảnh văn hóa. (9,10)
Narci = Narcissism: rối loạn nhân cách ái kỷ
Mô hình 1 (model 1): mô tả mối liên hệ giữa sự nổi nóng tức thời (T-A) và khả năng tự đánh giá trí thông minh của bản thân (SAI). Mô hình 2 (model 2): mô tả mối liên hệ giữa hội chứng rối loạn tâm lý (N) và SAI. Mô hình 3 (model 3): mô tả mối liên hệ giữa T-A, N và SAI.
Trong đó, SAI được đánh giá dựa trên trí thông minh mềm (Gf). Thí nghiệm được tiến hành trên 303 người (206 nữa và 97 nam) là sinh viên đại học thuộc Warsaw, Ba Lan với độ tuổi trung bình là 24.25.
Những người hay tức giận, một số trường hợp có thể là do sự kém ổn định về cảm xúc, chẳng hạn như cảm giác lo âu. Tuy nhiên, có một số người dễ dàng nổi giận dù họ không hề cảm thấy lo lắng, thất vọng. Thay vào đó, có vẻ nguyên nhân là do chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Vì khi được yêu cầu tự đánh giá trí thông minh của mình, họ có xu hướng đánh giá cao nó (1). Nói cách khác, những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường có xu hướng tự yêu bản thân thái quá, từ đó làm họ quá tự tin về khả năng của bản thân, trong khi thực tế, họ không thật sự giỏi như họ nghĩ.
Mô hình 1 (model 1): mô tả mối liên hệ giữa sự nổi nóng tức thời (T-A) và hội chứng rối loạn tâm lý lên khả năng tự đánh giá trí thông minh của bản thân (SAI).
Mô hình 2 (model 2)= mô hình 1 + hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ đóng vai trò như một nhân tố trung gian.
Mô hình 3 (model 3)= mô hình 1+ hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ đóng vai trò như một nhân tố quyết định.
Trong đó, SAI được đánh giá dựa trên trí thông minh mềm (Gf). Thí nghiệm được tiến hành trên 225 người (119 nữ và 106 nam) với độ tuổi trung bình là 23.48.
Ý nghĩa[sửa]
Không ngạc nhiên khi thấy mối liên hệ giữa lòng tự ái và sự đánh giá quá cao trí thông minh của một người. Và khi đã tự đánh giá bản thân quá cao mà lại không đạt được kết quả như mong muốn thì sự giận dữ được hình thành theo thời gian như một kết quả tất yếu (1).
Nghiên cứu trên đã phần nào trả lời các câu hỏi quan trọng về mối liên quan giữa sự giận dữ, khả năng kiểm soát cảm xúc và lòng tự ái. Từ đó tạo tiền đề cho các nghiên cứu lâm sàng sau này và giúp các bệnh nhân tìm được giải pháp cho tình trạng của mình.
Tài liệu tham khảo[sửa]
1. University of Western Australia(2018, August 13). Angry People May Not Be as Smart as They Think. NeuroscienceNews. Retrieved August 13, 2018 from http://neurosciencenews.com/anger-intelligence-narcissists-9695/
2. Zajenkowski, M., & Gignac, G. E. (2018). Why do angry people overestimate their intelligence? Neuroticism as a suppressor of the association between Trait-Anger and subjectively assessed intelligence. Intelligence, 70, 12-21.
3. Austin, E. J., Deary, I. J., Whiteman, M. C., Fowkes, F. G. R., Pedersen, N. L., Rabbitt, P., ... & McInnes, L. (2002). Relationships between ability and personality: Does intelligence contribute positively to personal and social adjustment?. Personality and Individual Differences, 32(8), 1391-1411.
4. Chamorro‐Premuzic, T., & Furnham, A. (2004). A possible model for understanding the personality‐intelligence interface. British Journal of Psychology, 95(2), 249-264.
5. Ackerman, P. L., & Heggestad, E. D. (1997). Intelligence, personality, and interests: Evidence for overlapping traits. Psychological bulletin, 121(2), 219.
6. Bettencourt, B., Talley, A., Benjamin, A. J., & Valentine, J. (2006). Personality and aggressive behavior under provoking and neutral conditions: a meta-analytic review. Psychological bulletin, 132(5), 751.
7. Ode, S., Robinson, M. D., & Wilkowski, B. M. (2008). Can one’s temper be cooled? A role for agreeableness in moderating neuroticism’s influence on anger and aggression. Journal of Research in Personality, 42(2), 295-311.
8. Miller, J. D., Hoffman, B. J., Gaughan, E. T., Gentile, B., Maples, J., & Keith Campbell, W. (2011). Grandiose and vulnerable narcissism: A nomological network analysis. Journal of personality, 79(5), 1013-1042.
9. Gignac, G. E. (2015). Raven's is not a pure measure of general intelligence: Implications for g factor theory and the brief measurement of g. Intelligence, 52, 71-79.
10. Chamorro-Premuzic, T., Moutafi, J., & Furnham, A. (2005). The relationship between personality traits, subjectively-assessed and fluid intelligence. Personality and Individual Differences, 38(7), 1517-1528.
Nguồn[sửa]
- Vietnam Journal of Science; Tổng hợp và biên dịch: Ngô Thị Thanh Tuyền (Email: tuyennttbio@gmail.com)