Cách từ bỏ một mối quan hệ độc hại và yêu thương bản thân mình hơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Tôi tin sau mỗi lần chia tay, một phần trong mỗi chúng ta cũng mất đi theo người ấy, và có thể sẽ không bao giờ lấy lại được. Qua thời gian, sự trống trải ấy sẽ lành và có thể được lấp đầy bởi niềm vui, mặc dù những trải nghiệm, những ký ức, nghĩ suy, cảm xúc, nước mắt và tiếng cười có thể đã mất đi mãi mãi cùng với con người của quá khứ mà bạn từng chia sẻ cuộc sống của mình. Đây là trải nghiệm của con người và là hành trình đi tìm tình yêu đích thực. Yêu thương bản thân là bước quan trọng nhất trong một mối quan hệ, và nhận ra khi nào cần từ bỏ một mối quan hệ là bước quan trọng thứ hai. Các mối quan hệ có thể tiêu tốn rất nhiều cảm xúc và tinh thần của chúng ta, vì khi đi lệch hướng, chúng gây ra những nỗi đau không đong đếm được. Nhưng chuyện gì xảy ra khi bạn nhận ra những dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại (toxic relationship) và nhận ra bạn đang chìm sâu vào trong một mối quan hệ như thế?

Ảnh minh họa

Tìm kiếm sự giúp đỡ[sửa]

Người ở trong mối quan hệ độc hại cần tới sự trợ giúp của bạn bè, gia đình và cả các chuyên gia để quyết tâm thay đổi. Thay đổi là một quá trình chứ không đơn thuần chỉ là một quyết định. Mọi người thường quay lại mối quan hệ độc hại, đôi khi bởi vì nó quen thuộc, và vì thế thoải mái. Họ biết rằng không có ai khác sẽ chấp nhận con người đổ vỡ của họ. Đó là lý do vì sao cần có hàng rào và tường chắn quay quanh những nơi phụ nữ ở, để có thể giúp họ cảm thấy an toàn và bắt đầu được chữa lành. Nên nhớ rằng bạn có thể cần tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều lần hoặc trong một thời gian dài, và điều này là bình thường.

Những người ở trong mối quan hệ độc hại cần sự phục hồi, một quá trình mất nhiều thời gian. Nên tìm một người bạn, một thành viên trong gia đình hay một chuyên gia biết thông cảm và động viên để bạn có thể bước qua quá trình chữa lành. (Nhưng trước hết, nếu bạn đang bị lạm dụng về thể chất, lời nói hay tình dục, bạn cần thoát ra ngay lập tức và tìm kiếm sự giúp đỡ).

Biểu lộ cảm xúc của bản thân[sửa]

Việc thể hiện cảm xúc của bản thân đối với người mà bạn đang có mối quan hệ độc hại là rất quan trọng, dù đó là bạn bè, đồng nghiệp, thành viên trong gia đình hay người yêu. Cuộc đối thoại này thường sẽ trở nên gay gắt và bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Nếu như đối phương dễ nổi cáu hay dễ xúc động, có lẽ bạn nên viết ra những cảm xúc của mình. (Nếu như đối phương rất chín chắn về mặt cảm xúc, một cuộc đối thoại trực tiếp hợp lý là điều tốt nhất, nhưng viết ra trước những cảm xúc và suy nghĩ luôn luôn là điều hữu ích).

Một điều quan trọng là nói ra người ấy làm bạn cảm thấy thế nào mà không tạo ra cảm giác đổ lỗi. Để bắt đầu cuộc đối thoại một cách trung lập, tránh các cụm từ như “Bạn làm mình cảm thấy…” Thay vào đó, bắt đầu bằng điều gì đó thể hiện cảm xúc của bạn. Ví dụ, “Mình cảm thấy rất buồn hay tức giận khi nghe bạn nói là…”

Thể hiện điều bạn muốn nói trong một lời nhắn, e-mail hay chỉ là tin nhắn điện thoại cũng có thể cho đối phương thời gian để suy nghĩ về điều bạn nói và đáp lại. Nhớ là bạn không thể điều khiển cách đối phương đáp lại, nhưng bạn có thể làm chủ cách bạn biểu đạt cảm xúc. Có thể người “độc hại” kia sẽ cảm thấy bị xúc phạm hoặc tức giận và quyết định từ bỏ mối quan hệ, cũng có thể họ sẽ cố gắng điều chỉnh. Dù phản ứng của họ có là thế nào, biểu lộ cảm xúc của mình vẫn là bước quan trọng để điều chỉnh hoặc từ bỏ mối quan hệ.

Đưa ra quyết định[sửa]

Sau khi đã biểu lộ cảm xúc, hãy quyết định xem mối quan hệ này có xứng đáng để bạn cố gắng tiếp tục không, hay cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn nếu không có người kia. Hãy nghĩ về cách đối phương đáp lại cảm xúc của bạn: Anh ta có bảo thủ không? Cô ta có đổ lỗi cho bạn không? Họ có kiếm cớ, hay phớt lờ bạn không? Đó là những dấu hiệu cho thấy bạn nên từ bỏ mối quan hệ và làm cho bản thân tốt hơn.

Nếu đối phương chấp nhận lời lẽ của bạn và xin lỗi, hay đồng ý rằng có một vấn đề nghiêm trọng và cần được giúp đỡ, có thể mối quan hệ này sẽ đáng để tiếp tục cố gắng. Đối phương có thể sẽ thấy tốt hơn khi đi trị liệu hay từng bước nhận ra và nhìn nhận sâu hơn về hành vi độc hại của họ. Không để đối phương lặp lại các hành vi độc hại là rất quan trọng.

Tìm sự tích cực cho bản thân[sửa]

Khi đã quyết định, dù là từ bỏ hay điều chỉnh mối quan hệ, tìm sự tích cực cho mình và chăm sóc bản thân là điều quan trọng. Dành thời gian với những người làm bạn cảm thấy khá hơn, đãi bản thân một bữa, đi chùa/nhà thờ, ra ngoài chơi hoặc làm bất cứ thứ gì mang lại cho bạn niềm vui. Phải trải qua khoảng thời gian khó khăn trong một mối quan hệ có thể gây ra rất nhiều căng thẳng: nên cố gắng thay đổi những cảm xúc tiêu cực bằng sự tích cực.

Giữ vững quyết định của mình[sửa]

Thông thường sau khi rời bỏ ai đó, bạn bắt đầu nhớ người ta. Đây là điều bình thường. Sẽ dễ dàng hơn cho bộ não khi nhớ tới những khoảng thời gian tốt đẹp và quên đi những phần tồi tệ của một mối quan hệ. Bạn có thể rất muốn đối phương quay trở lại cuộc sống của mình, nhưng hãy nhớ là bạn đã trải qua một quá trình suy nghĩ cẩn thận và kỹ càng trước khi đi tới quyết định này. Giữ vững quyết định này và nhớ điều này sẽ tốt hơn cho bạn và cuộc sống của bạn.

Có bạn bè, gia đình hay chuyên gia biết thông cảm giữ cho bạn làm theo quyết định của mình có thể sẽ là có ích. Khi bạn có cảm giác thôi thúc muốn để cho con người độc hại kia quay lại cuộc đời bạn, hãy tìm đến mạng lưới giúp đỡ của riêng bạn, hoặc mở lại danh sách những lý do vì sao bạn cảm thấy bị tổn thương lúc ban đầu. Hãy can đảm và giữ vững quyết định của mình.

“Tôi rời bỏ bạn vì chính tôi. Dù là tôi không hoàn hảo hay bạn không hoàn hảo, điều đó không quan trọng. Một mối quan hệ chỉ có thể được xây dựng từ cả hai phía. Tôi rời bỏ bạn để có thể tiếp tục khám phá bản thân: những lối đi quanh co sâu thẳm trong tâm hồn tôi, những mạch đỏ đang đập từng nhịp trong trái tim tôi. Tôi hy vọng bạn cũng sẽ làm như thế. Cảm ơn vì tất cả những điều rạng rỡ và những tiếng cười khi ở bên nhau. Tôi mong bạn sẽ có một cuộc gặp sâu sắc hơn với bản thân mình.” —Peter Schaller.
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • PsychologyToday
  • Beautifulmindvn (Dịch: Dahlia, Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng)
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này