Tìm một sở thích

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sở thích giúp bạn khám phá những mối quan tâm khác ngoài lĩnh vực công việc. Chúng thỏa mãn sự sáng tạo của bạn và cho phép bạn thử nghiệm mọi điều mới mẻ. Nếu sở thích cũ khiến bạn nhàm chán thì việc tìm một sở thích mới có thể khơi lại dòng chảy sáng tạo của bạn. Đừng quên cân nhắc ngân quỹ trước khi chọn một sở thích mới vì một số thú tiêu khiển có thể khá tốn kém. Nhưng bạn đừng lo, có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn mà không đòi hỏi bạn phải có nhiều tiền.

Các bước[sửa]

Dựa trên những mối quan tâm hiện tại[sửa]

  1. Xem xét những điều khiến bạn thích thú. Bạn thường làm gì vào những lúc rỗi rãi? Có phải bạn thích đọc sách? Có lẽ bạn sẽ nghĩ đến việc thử viết sách. Bạn thích một cốc bia lạnh vào cuối ngày? Sở thích mới của bạn có thể là tự nấu bia tại nhà. Hãy biến những điều bạn yêu thích thành một sở thích.
  2. Nghĩ về những điều mà bạn quý trọng nhất. Bạn đánh giá cao những phẩm chất nào? Bạn khâm phục trí tuệ và lòng dũng cảm? Bạn bị thu hút bởi những người sẵn sàng cho đi? Bạn ngưỡng mộ nghệ thuật? Hãy để những phẩm chất đó chỉ lối cho bạn tìm một sở thích.
    • Ví dụ, bạn có thể tình nguyện làm việc ở thư viện như một sở thích vì bạn đánh giá cao phương diện giáo dục, hoặc bạn chọn việc vẽ tranh vì bạn ngưỡng mộ những người có khả năng thể hiện bản thân qua hội họa.
  3. Xem xét những kỹ năng và cá tính của bạn. Một số sở thích đặc biệt đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt.
    • Nếu bạn là người không mấy kiên nhẫn, có lẽ việc khâu vá không phải là thứ khiến bạn hứng thú. Tuy nhiên, nếu bạn thích sửa chữa và lắp đặt vật dụng, có lẽ bạn nên cân nhắc những sở thích như sửa chữa xe cũ hoặc đóng đồ gỗ. Hãy tận dụng những điểm mạnh của bạn.[1]
  4. Chú ý đến điều gì khơi lên sự say mê ở bạn. Cách mà bạn nói chuyện về các chủ đề khác nhau có thể tiết lộ những đam mê của bạn, và những đam mê đó có thể phát triển thành sở thích.
    • Nghĩ về những đề tài khiến bạn có thể nói chuyện cả ngày không dứt. Hỏi bạn bè và người thân xem họ thấy bạn thường nói về những đề tài nào nhất. Giờ thì bạn hãy nghĩ về khía cạnh nào trong đề tài đó khiến bạn hứng thú nhất và xác định xem làm cách nào có thể chuyển điều đó thành sở thích. Ví dụ, có thể bạn say mê về đề tài chính trị ở địa phương, và việc tham gia chính trị từ cấp cơ sở có thể trở thành sở thích của bạn.

Nhìn lại thời thơ ấu[sửa]

  1. Nghĩ về những gì bạn yêu thích thuở còn bé. Bạn từng thích đạp xe chạy đua với chúng bạn? Bạn đắm chìm trong những trang truyện tranh? Bạn ham mê vẽ? Nghĩ về những hoạt động mà bạn thực sự cảm thấy phấn khích khi còn bé và có thể làm say sưa cả ngày.[1]
  2. Chọn những hoạt động mà bạn đã từ bỏ. Nếu trước kia thường đạp xe, bạn hãy thử mua một chiếc xe đạp mới (của người lớn) và khám phá xung quanh khu phố bạn ở.
  3. Tham gia một lớp học mà bạn từng thích. Nếu trước kia từng thích vẽ, bạn hãy đăng ký một lớp học ở trường cao đẳng cộng đồng hoặc viện bảo tàng nghệ thuật.
  4. Tìm những phiên bản dành cho người lớn của những thứ bạn đã từng yêu thích. Nếu từng say mê truyện tranh khi còn bé thì bây giờ bạn có thể thử tham gia lễ hội truyện tranh để tìm những người cũng yêu thích truyện tranh. Có thể hồi còn bé bạn thích các trò chơi bàn. Hãy tìm kiếm trong vô vàn các loại trò chơi bàn mới trên thị trường có thể cung cấp cho bạn mọi lựa chọn, từ trò chơi nhập vai cho đến trò chơi hợp tác.

Khám phá những lĩnh vực mới[sửa]

  1. Ghé thăm cửa hàng bán đồ thủ công. Đi xung quanh cửa hàng tìm xem có những thú tiêu khiển gì. Bạn có thể tìm thấy một thứ mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến như làm mô hình máy bay hoặc làm gốm.[1]
  2. Đến cửa hàng dụng cụ. Tương tự như cửa hàng bán đồ thủ công, cửa hàng dụng cụ cũng có nhiều thứ để khám phá. Có thể bạn muốn làm mộc hoặc làm vườn; cửa hàng dụng cụ sẽ đáp ứng được mọi thứ bạn cần.
  3. Lướt qua thư viện ở địa phương. Thư viện là nơi bạn có thể tìm thấy các loại sách dạy cách làm nhiều thứ về đủ loại đề tài. Đọc lướt qua để tìm các đề tài mà bạn có hứng thú và có thể chuyển thành sở thích mới.[1]
  4. Tính toán về thời gian. Thời gian rất quý giá và không phải là vô tận. Đảm bảo dành một khoảng thời gian trong ngày cho sở thích mới của bạn và bỏ ra mỗi ngày vài phút để thử nghiệm.[1]
  5. Tìm kiếm các trang web về sở thích. Một số website chuyên dành cho việc khám phá các sở thích, và bạn có thể vào đó để tìm ra thú tiêu khiển những lúc rảnh rỗi.
  6. Sẵn sàng thử nghiệm nhiều sở thích. Sở thích đầu tiên mà bạn chọn có thể không phù hợp ngay. Bạn đừng ngại tiếp tục tìm kiếm và thử nghiệm sở thích khác. Bạn có quyền quyết định khi cảm thấy không có hứng thú với một thứ gì đó.[1]
  7. Nói “đồng ý”. Điều này nghĩa là bạn đừng ngại gật đầu với những hoạt động mà bình thường bạn vẫn từ chối. Có thể việc đi thăm bảo tàng nghệ thuật nghe không hấp dẫn lắm đối với bạn, nhưng bạn hãy cứ thử xem. Biết đâu bạn có thể tìm được một sở thích mà bạn chưa từng nghĩ mình sẽ thích, chẳng hạn như vẽ tranh hay phục chế các tác phẩm nghệ thuật.
  8. Định nghĩa lại bản thân. Một yếu tố có thể ngăn cản bạn thử nghiệm những điều mới mẻ là lối suy nghĩ của bạn, “Đó không phải kiểu của mình”. Có thể bạn nghĩ rằng bạn không đủ dũng cảm hoặc giao thiệp rộng để phù hợp với các hoạt động nào đó. Bạn đừng e sợ bước ra khỏi ranh giới.
    • Ví dụ, bạn hãy nghĩ về mọi sở thích điên rồ mà bạn đã từng gạt đi vì bạn nghĩ mình không làm được. Có thể bạn luôn mong muốn học chơi đàn guitar hoặc khiêu vũ nhưng bạn lại nghĩ mình không có năng khiếu. Dù gì thì bạn cũng cứ thử đăng ký học một lớp xem sao. Biết đâu bạn lại phát hiện ra sở trường của mình mà bạn không ngờ tới.
  9. Đi theo bạn bè. Bạn bè của bạn thường có những mối quan tâm và tính cách tương đồng với bạn, vì vậy bạn có thể cũng thích những sở thích của họ. Hỏi họ về những sở thích đó và cho bạn cùng thử những hoạt động họ yêu thích.
    • Ví dụ, bạn thân của bạn thực sự say mê nhảy swing. Bạn có thể đi cùng họ đến lớp học nhảy hoặc nhờ họ dạy những bước căn bản trước khi thực sự tham gia.
  10. Tìm kiếm trong danh sách các khóa học ở địa phương. Nếu bạn ở Mỹ, các trường cao đẳng cộng đồng cung cấp nhiều khóa học các môn khác nhau với học phí rất thấp. Nghiên cứu danh sách và có thể bạn sẽ tìm được một lớp học khơi được sự hứng thú ở bạn.
    • Bạn có thể đến các trường cao đẳng cộng đồng để xin bản danh sách các khóa học, tuy nhiên đa số đều có danh sách online để bạn nghiên cứu.

Tính toán ngân quỹ[sửa]

  1. Lưu ý xem bạn đã tiêu tiền vào đâu. Theo dõi một tháng để ghi lại những khoản chi tiêu. Bạn có thể dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc dựa vào sao kê hàng tháng của ngân hàng nếu bạn ít dùng tiền mặt.[2]
    • Tách những khoản chi tiêu thành nhiều mục. Ví dụ, bạn có thể chia thành các mục như “thực phẩm”, “xăng”, “quần áo”, “đi ăn ngoài”, “giải trí”, “tiền thuê nhà”, “tiện ích” và “phí”. Bạn cũng có thể chia các hóa đơn thành hai mục: một là những khoản bắt buộc, chẳng hạn như tiền bảo hiểm, và một là những khoản bạn có thể giảm hoặc cắt hẳn như truyền hình cáp và điện thoại.
  2. Lập ngân sách. Dùng bảng tính hoặc ứng dụng để xác định số phần trăm tiền chi vào những mục cần thiết như thuê nhà và các tiện ích. Ngoài ra, bạn hãy theo dõi chi tiêu tháng gần nhất để biết tiền xăng và thực phẩm là bao nhiêu. Tính xem bạn còn lại bao nhiêu cho khoản chi tùy thích.[3]
  3. Quyết định dành bao nhiêu phần trăm ngân quỹ cho các sở thích. Nếu bạn đang bắt đầu một sở thích mới, có lẽ bạn phải lấy tiền từ một số khoản chi tiêu khác. Ví dụ, có thể bạn cần cắt giảm khoản giải trí khác hoặc bớt đi ăn nhà hàng. Bạn cũng có thể giảm tiền mua thực phẩm. Số tiền này tùy thuộc vào sở thích mà bạn chọn, vì các thú tiêu khiển có mức tốn kém khác nhau.
  4. Chọn một sở thích không tốn tiền hoặc tốn ít tiền nếu túi tiền của bạn không rủng rỉnh lắm. Có một số lựa chọn dành cho bạn nếu bạn muốn tìm một sở thích không tốn kém. Ví dụ, bạn có thể chọn đọc sách hoặc viết lách, chạy bộ, làm vườn, hoặc bạn có thể thử cắm trại.[4]

Lời khuyên[sửa]

  • Trước khi bắt đầu bất cứ sở thích nào, bạn cũng cần tìm một nơi dành cho hoạt động đó và một nơi để cất giữ dụng cụ hoặc thiết bị, bất kể là hoạt động trong nhà hay ngoài trời. Ngay cả các các thú tiêu khiển ngoài trời cũng cần nơi cất giữ các thiết bị; những thứ như gậy chơi khúc côn cầu, bóng đá, giày ủng, xe đạp và lều cắm trại đều cần chỗ cất khi bạn không dùng đến.
  • Mua các thiết bị hoặc dụng cụ đã qua sử dụng để giúp bảo vệ môi trường và cũng để tiết kiệm tiền. Bạn có thể tìm các món đồ đã qua sử dụng ở các shop từ thiện hoặc trao đổi trên mạng.
  • Khi đã theo đuổi sở thích được một thời gian, dần dần bạn sẽ giỏi hơn. Bạn có thể đạt đến mức kiếm được tiền từ chính sở thích của bạn. Ví dụ, bạn có thể bán được tranh hoặc đồ thủ công mỹ nghệ, huấn luyện cho các vận động viên khác, viết bài và dạy cho những người khác, đó cũng là một cách hay để giảm chi phí.
  • Thử nghiệm ba loại hoạt động vài lần xem bạn thích hoạt động nào. Trải nghiệm đầu tiên có thể không đại diện cho sở thích của bạn!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây