Tính NPV

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trong thế giới kinh doanh, Giá trị hiện tại ròng (NPV) là một trong những công cụ hữu ích nhất được dùng để đưa ra các quyết định tài chính. Thông thường, NPV được sử dụng để ước lượng xem liệu một tài sản dự định mua hay một khoản đầu tư có đáng giá hơn trong dài hạn so với việc đầu tư cùng số tiền đó vào ngân hàng không (như gửi tiết kiệm). Trong khi NPV thường được sử dụng trong tài chính doanh nghiệp, nó cũng được dùng để tính toán cho mục đích hàng ngày. Nói chung, NPV có thể được tính bằng tổng của (P / (1 + i)t) - C cho tất cả số nguyên dương t trong đó t là số kỳ, P là dòng tiền vào, C là giá trị đầu tư ban đầu và i là tỷ lệ chiết khấu. Với cách tiếp cận tách ra từng bước một, chúng ta hãy bắt đầu với Bước 1!

Các bước[sửa]

Tính NPV[sửa]

  1. Xác định khoản đầu tư ban đầu của bạn. Trong thế giới kinh doanh, các tài sản mua về hay các khoản đầu tư đều nhằm mục đích kiếm nhiều tiền hơn trong dài hạn. Ví dụ, một công ty xây dựng có thể mua một chiếc máy ủi để đảm nhận những dự án lớn hơn và kiếm nhiều tiền hơn so với làm những dự án nhỏ. Những loại đầu tư như trên thường có khoản chi phí đầu tư ban đầu — để bắt đầu tính giá trị NPV của khoản đầu tư, hãy xác định chi phí này.
    • Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn sở hữu một quầy bán nước chanh ép. Bạn đang cân nhắc mua máy ép để cải thiện tình hình vì nó sẽ tiết kiệm thời gian và công sức bỏ ra so với ép bằng tay. Nếu máy ép giá 100 đô la, thì 100 đô la chính là khoản đầu tư ban đầu của bạn. Qua thời gian, khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn so với trước kia. Trong các bước tiếp theo, bạn sẽ sử dụng khoản đầu tư ban đầu trị giá 100 đô la này để tính NPV và xác định xem liệu khoản đầu tư này có "đáng đồng tiền bát gạo không".
  2. Xác định khoảng thời gian t. Như đã ghi chú ở trên, các công ty và cá nhân đầu tư với mục tiêu kiếm tiền trong dài hạn. Ví dụ, nhà máy sản xuất giày mua máy làm giày thì "mục tiêu" của việc này là để chiếc máy tạo ra doanh thù bù lại chi phí mua vào và có lợi nhuận trước khi nó hỏng. Để tính NPV, bạn cần xác định khoảng thời gian mà khoản đầu tư có thể tạo ra giá trị. Khoảng thời gian có thể được đo lường bằng nhiều đơn vị thời gian khác nhau, nhưng đối với hầu hết các tính toán tài chính chuyên nghiệp, năm là đơn vị chuẩn được sử dụng.
    • Quay lại với ví dụ quầy bán nước chanh ép, chúng ta sẽ nghiên cứu máy ép mà chúng ta dự định mua trên mạng. Theo hầu hết đánh giá, máy ép hoạt động rất tốt, nhưng thường hỏng sau khoảng 3 năm. Trong trường hợp này, chúng ta sử dụng 3 năm là khoảng thời gian tính toán NPV để xác định xem liệu bạn có thể thu đủ tiền vốn mua máy trước khi nó hỏng không.
  3. Hãy ước lượng dòng tiền cho từng thời kỳ. Kế đến, bạn cần ước lượng khoản đầu tư sẽ mang lại cho bạn dòng tiền bao nhiêu trong mỗi kỳ. Những khoản này (còn được gọi là "dòng tiền vào") có thể là những con số cụ thể, những giá trị biết chắc chắn hoặc được ước tính. Với trường hợp ước tính, các doanh nghiệp và công ty tài chính dành rất nhiều thời gian và công sức để có được một dự đoán chính xác, hoặc thuê chuyên gia, phân tích, v.v...
    • Chúng ta tiếp tục ví dụ về quầy bán nước chanh ép. Dựa trên kết quả hoạt động trong quá khứ và dự đoán về tương lai, bạn ước tính chiếc máy ép 100 đô la sẽ mang lại 50 đô la trong năm đầu tiên, 40 đô la trong năm tiếp theo và 30 đô la trong năm thứ ba bằng cách giảm thời gian nhân viên bỏ ra để ép chanh (và tiết kiệm chi phí lương) Trong trường hợp này, dự đoán dòng tiền của bạn là: 50 đô la trong năm thứ 1, 40 đô la trong năm thứ 2, và 30 đô la trong năm thứ 3.
  4. Xác định tỷ lệ chiết khấu. Nói chung, một khoản tiền hiện tại sẽ có giá trị hơn so với tương lai. Bởi vì số tiền bạn có hôm nay có thể gửi tiết kiệm và tăng giá trị dần theo thời gian. Nói cách khác, có 10 đô la hiện tại tốt hơn là có 10 đô la trong tương lai vì bạn có thể dùng ngay 10 đô la hiện tại để đầu tư hay gửi tiết kiệm và rồi thu được nhiều hơn 10 đô la trong năm tới. Với cách tính NPV, bạn cần biết lãi suất của khoản tính toán đầu tư hoặc cơ hội có cùng mức độ rủi ro so với khoản đầu tư bạn đang phân tích. Đây được gọi là "tỷ lệ chiết khấu" và được thể hiện bằng số thập phân thay vì phần trăm.[1]
    • Trong tài chính doanh nghiệp, chi phí vốn trung bình của một doạnh nghiệp thường được sử dụng để xác định tỷ lệ chiết khấu. Với những trường hợp đơn giản hơn, bạn có thể sử dụng tỷ lệ sinh lời từ tài khoản tiết kiệm, đầu tư cổ phiếu,v.v.. là những khoản mà bạn có thể đầu tư thay vì bỏ tiền vào khoản đầu tư (mua máy ép) hiện tại.
    • Tiếp tục ví dụ, chúng ta giả định rằng nếu bạn không mua máy nước ép, bạn sẽ đầu tư vào cổ phiếu và yên tâm sẽ kiếm 4% tỷ suất sinh lời hàng năm từ số tiền của bạn. Trong trường hợp này, 0.04 (4% được trình bày qua số thập phân) là tỷ lệ chiết khấu được sử dụng.
  5. Bước tiếp theo là chiết khấu dòng tiền. Tiếp đó, chúng ta sẽ quy đổi dòng tiền kiếm được ở từng thời kỳ về thời điểm hiện tại. Đây được gọi là "chiết khấu" dòng tiền và sử dụng công thức P / (1 + i)t, trong đó P là giá trị dòng tiền, i là tỷ lệ chiết khấu và t là thời gian. Chúng ta chưa cần để ý đến khoản đầu tư ban đầu — vì chúng sẽ được sử dụng ở bước kế tiếp.
    • Trong ví dụ chanh ép, chúng ta dùng khoảng thời gian 3 năm, vì thế chúng ta sẽ sử dụng công thức tính 3 lần. Dòng tiền chiết khấu hàng năm do vậy được tính như sau:
      • Năm 1: 50 / (1 + 0.04)1 = 50 / (1 .04) = 48.08 đô la
      • Năm 2: 40 / (1 +0.04)2 = 40 / 1.082 = 36.98 đô la
      • Năm 3: 30 / (1 +0.04)3 = 30 / 1.125 = 26.67 đô la
  6. Tính tổng dòng tiền chiết khấu và trừ đi khoản đầu tư ban đầu. Đây là bước cuối cùng để tính NPV của dự án, việc mua mới tài sản là khoản đầu tư mà bạn đang phân tích, bạn cần cộng tổng tất cả các dòng tiền đã chiết khấu rồi trừ đi khoản đầu tư ban đầu. Kết quả thu được chính là giá trị NPV — đây là số tiền khoản đầu tư sẽ mang lại so với khoản đầu tư thay thế khác với cùng tỷ lệ chiết khấu. Nói cách khác, nếu kết quả là dương, nghĩa là bạn kiếm được nhiều tiền hơn so với khoản đầu tư thay thế, nếu nó âm, bạn kiếm được ít tiền hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng độ chính xác của tính toán phụ thuộc vào viêc bạn có ước lượng chính xác dòng tiền trong tương lai hay không và tỷ lệ chiết khấu có hợp lý chưa.
    • Với ví dụ về quầy chanh ép, giá trị NPV của dự án mua máy ép sẽ là:
      • 48.08 + 36.98 + 26.67 - 100 = 11.73 đô la
  7. Bây giờ hãy xác định xem có nên đầu tư hay không. Nói chung, nếu NPV của một dự án là dương, khoản đầu tư của bạn sẽ có lợi nhuận hơn so với dùng tiền vào khoản đầu tư khác và bạn nên đồng ý đầu tư (mua máy ép). Nếu NPV là số âm, bạn nên từ bỏ khoản đầu tư này và đầu tư vào những dự án khác. Hãy nhớ rằng đây chỉ là những kiến thức cơ bản — trong thực tế, người ta sẽ thường tập trung tính toán xem liệu một khoản đầu tư có phải là thông minh hay không.
    • Trở lại với ví dụ, NPV là 11.71 đô la. Vì nó dương nên chúng ta sẽ quyết định mua máy nước ép.
    • Hãy chú ý rằng điều này không có nghĩa là máy nước ép sẽ tạo ra 11.71 đô la. Thực tế, nó có nghĩa là máy nước ép mang lại cho bạn tỷ suất sinh lời 4% hàng năm và thêm 11.71 đô la. Nói cách khác máy nước ép mang lại nhiều lợi nhuận hơn phương án đầu tư thay thế là 11.71 đô la.

Sử dụng Phương trình NPV[sửa]

  1. So sánh các cơ hội đầu tư bằng cách so sánh các giá trị NPV của chúng với nhau. Tính giá trị NPV của từng cơ hội đầu tư rồi so sánh chúng để biết được khoản đầu tư nào đáng giá hơn. Nhìn chung, khoản đầu tư có NPV cao nhất sẽ có giá trị nhất vì nó sẽ mang lại nhiều tiền nhất. Vì điều đó, bạn sẽ muốn theo đuổi những dự án với giá trị NPV cao nhất trước (với giả định là bạn không có đủ nguồn lực để theo đuổi tất cả các khoản đầu tư có NPV dương).
    • Ví dụ, giả sử chúng ta có ba cơ hội đầu tư. Cơ hội đầu tiên có NPV trị giá 150 đô la, thứ hai có NVP trị giá 45 đô la và cái còn lại có NVP - 10 đô la. Trong trường hợp này, chúng ta nên theo đuổi dự án đầu tư đầu tiên 150 đô la vì nó có NPV lớn nhất. Nếu chúng ta có đủ nguồn lực, chúng ta sẽ đầu tư thêm cho cả khoản đầu tư 45 đô la vì nó mang lại ít giá trị hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không đầu tư vào khoản đầu tư cuối cùng vì nó có NPV âm và nó sẽ mang lại ít lợi nhuận hơn so với một khoản đầu tư khác có cùng độ rủi ro.
  2. Sử dụng phương trình PV = FV / (1+i)t để tính giá trị hiện tại và tương lai. Đây là công thức thay đổi so với công thức chuẩn NPV, và nó được dùng để tính xem khoản tiền hiện tại sẽ có giá trị bao nhiêu vào tương lai (hoặc khoản tiền tương lai sẽ đáng giá bao nhiêu tại hiện tại). Công thức đơn giản là PV = FV / (1+i)t, trong đó i là tỷ lệ chiết khấu, t là số giai đoạn phân tích, FV là giá trị tương lai của dòng tiền và PV là giá trị hiện tại. Nếu bạn biết i, t và hoặc FV (hoặc PV), thì bạn sẽ tính được ẩn số PV (hoặc FV) còn lại.
    • Ví dụ, chúng ta muốn biết khoản tiền 1,000 đô la sẽ có giá trị bao nhiêu trong năm năm tới. Và chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ thu được 2% lợi nhuận từ khoản tiền này, ta xác định được 0.02 cho i, 5 cho t, và 1,000 cho PV và tính FV như sau:
      • 1,000 = FV / (1+0.02)5
      • 1,000 = FV / (1.02)5
      • 1,000 = FV / 1.104
      • 1,000 × 1.104 = FV = 1,104 đô la.
  3. Hãy tìm hiểu nhiều phương pháp định giá để tính NPV chính xác hơn. Như đã viết ở trên, độ chính xác của việc tính toán NPV phụ thuộc nhiều vào độ chính xác của các giá trị đầu vào như tỷ lệ chiết khấu và dòng tiền. Nếu tỷ lệ chiết khấu của bạn gần với giá trị thật mà bạn có thể thu được từ dự án đầu tư thay thế khác với cùng độ rủi ro và dòng tiền vào phát sinh trong tương lai sẽ tương đương với dòng tiền bạn thu được khi đầu tư thật, thì NVP của bạn sẽ khá chính xác.[2]

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy luôn nhớ rằng còn có những yếu tố phi tài chính (như là môi trường hay các vấn đề xã hội) cần phải được cân nhắc khi đưa ra các quyết định đầu tư.
  • NPV cũng có thể được tính toán bằng cách sử dụng máy tính tài chính hoặc bảng tính NPV, chúng đều rất hữu ích nếu bạn không có máy tính để tính giá trị của dòng tiền chiết khấu.

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên đưa ra quyết định về tài chính mà không tính đến giá trị thời gian của tiền.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Bút chì
  • Giấy
  • Máy tính

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.investopedia.com/terms/d/discountrate.asp
  2. http://www.investopedia.com/articles/financial-theory/11/corporate-project-valuation-methods.asp