Tại sao chúng ta không thể sống mãi mãi?
Nếu bạn được tự do phác họa một chương trình cho cuối cuộc đời của bạn – ngày tháng hay giờ phút cuối cùng – thì bạn sẽ chọn như thế nào? Nếu có thể, bạn có muốn khoẻ mạnh cho tới phút cuối cùng rồi sau đó ra đi một cách nhanh chóng? Nhiều người sẽ lựa chọn trường hợp này, nhưng tôi lại thấy nó có một cái vướng mắc quan trọng. Theo tôi, nếu bạn đang thấy tâm thần thoải mái, mạnh khỏe thì không có lí gì để bạn muốn ngã lăn ra chết ngay sau đó. Và rồi những người thân thương trong gia đình và bạn bè, họ sẽ đau khổ ngay lập tức trong tang chế; cái chết bất ngờ của bạn sẽ là một mất mát kinh hoàng. Mặt khác, đối phó với một căn bệnh hiểm nghèo, dai dẳng, vô phương cứu chữa, cũng không phải là một việc dễ dàng, cũng như mất một người thân trong vùng đen tối của chứng mất trí là một ác mộng mà không ai muốn trải qua.
Chúng ta đều muốn tránh suy nghĩ về sự kết thúc của một cuộc đời. Tuy nhiên, là một con người trực giác, đặt câu hỏi về nó là một điều lành mạnh cho bản thân - ít nhất là trong một lúc nào đó - để chúng ta có thể xác định một cách đứng đắn về các mục tiêu của chính sách y tế và nghiên cứu. Nó cũng không kém phần quan trọng khi chúng ta đặt vấn đề và hỏi nhau là khoa học có thể giúp ta như thế nào trong công cuộc đánh lừa cái chết.
Mục lục
Chúng ta đang sống lâu hơn[sửa]
Người ta thường nói tổ tiên chúng ta đã có một mối quan hệ hài hòa, nếu không nói là thân cận, với cái chết, cũng bởi chỉ vì họ nhìn thấy nó thường xuyên hơn. Chỉ 100 năm trước thôi, tuổi thọ đã ngắn hơn khoảng 25 năm ở phương tây – con người lúc đó đi qua thế giới bên kia như đi hội. Cái điều thực tế này là do quá nhiều trẻ em và giới vị thành niên đã qua đời rất sớm bởi nhiều nguyên nhân. Một phần tư trẻ em chết vì nhiễm trùng khi chưa tới năm tuổi; nhiều phụ nữ trẻ thường không chống nổi các biến chứng lúc sinh đẻ; và ngay cả một người làm vườn trẻ vướng tay vào một cành gai là có thể mất mạng vì ngộ độc máu.
Trong suốt thế kỉ qua, vệ sinh và chăm sóc y tế đã làm giảm một cách đáng kể tỉ lệ tử vong trong những năm đầu và giữa cuộc đời khiến những người sống hiện giờ ra đi rất trễ, và dân chúng sống già hơn rất nhiều. Tuổi thọ vẫn còn gia tăng trên toàn thế giới. Ở các nước giàu, cứ mỗi ngày trôi qua là người ta sống dai hơn 5 giờ hay hơn nữa, và ở nhiều nước phát triển tỉ lệ gia tăng còn nhanh hơn nhiều. Hiện nay, nguyên nhân chính yếu của cái chết là quá trình lão hoá và các căn bệnh gây ra bởi tuổi già - từ bệnh ung thư mà tế bào tăng trưởng một cách vô tội vạ, đến bệnh Alzheimer’s mà tế bào não, trái lại, lại chết sớm một cách không ngờ. Tuy nhiên, cho tới gần đây nhất là năm 1990, các nhà nhân khẩu học dự đoán với nhiều tự tin là xu hướng lịch sử của sự tăng tuổi thọ sẽ sớm chấm dứt. Vài nhà nghiên cứu tin rằng lão hoá đã được cố định, nghĩa là nó đã có một lập trình gắn vào đời sống sinh học của chúng ta mà kết quả là cái chết có một thời gian định sẵn.
Không ai đoán trước được tình trạng gia tăng liên tục của tuổi thọ. Nó đem đến nhiều bất ngờ cho các chính trị gia và các hoạch định gia. Các nhà khoa học vẫn còn tin rằng lão hoá không cố định, và tuổi thọ trung bình chưa đạt tới giới hạn của nó. Tuổi thọ thay đổi và tiếp tục thay đổi, kéo dài bởi những lí do mà chúng ta hoàn toàn không hiểu nổi. Việc giảm tỉ lệ tử vong của người già đang đưa tuổi thọ con người vào một lãnh vực chưa ai hiểu được. Nếu những xác định hiện hành về lão hoá của con người bị xụp đổ, thì chúng ta còn lại những gì? Khoa học thực sự biết gì về quá trình lão hoá?
Chấp nhận những ý tưởng mới không phải luôn luôn dễ dàng, bởi vì các nhà khoa học cũng là con người, và chúng ta đã trưởng thành với một định kiến khá cứng nhắc về cơ chế lão hoá của con người. Một vài năm trước đây, khi lái xe với gia đình ở châu Phi, một con dê chạy ngang qua xe của chúng tôi và bị cán chết ngay tức khắc. Khi tôi giải thích cho con gái sáu tuổi của tôi những gì vừa xẩy ra thì cháu hỏi: “Đó là con dê trẻ hay con dê già?” Tôi tò mò tại sao cháu muốn biết thì cháu trả lời: “Nếu đó là một con dê già thì con không buồn lắm vì dầu sao nó cũng không còn sống lâu hơn nữa.” Tôi rất ấn tượng. Nếu những thái độ phức tạp về cái chết như thế được thành hình rất sớm (và đơn giản) trong tâm trí con người thì thảo nào khoa học hiện đại đang vật lộn với cái sự thật là phần lớn những gì ta nghĩ và ta biết về lão hoá đều là sai cả.
Để tìm hiểu cái suy nghĩ về những gì đang điều khiển sự lão hoá trong hiện tại, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tưởng tượng một cơ thể ở cuối cuộc đời. Sau hơi thở cuối cùng, cái chết kéo đến và cuộc đời chấm dứt. Ngay lúc này, hầu hết các tế bào trong cơ thể vẫn còn sống. Không biết gì về những gì vừa mới xẩy ra, chúng vẫn thực hiện với hết khả năng của chúng những chức phận chuyển hoá để hỗ trợ cuộc sống – trao đổi oxy và chất dinh dưỡng từ môi trường xung quanh để tạo năng lượng cần thiết cho sự tổng hợp và kích động tác dụng của protein (một cơ bộ chính của tế bào) và các thành phần tế bào khác.
Rồi trong một thời gian ngắn tiếp theo đó, thiếu oxy, các tế bào sẽ chết. Với cái chết của chúng, một cái gì đó của một sự cố cổ xưa nhưng hùng hậu sẽ từ từ tắt dần. Tất cả từng các tế bào trong con người mới chết đều có thể, nếu tín hiệu di truyền vẫn còn đầy đủ, được truy nguyên tới nguồn gốc của nó thông qua một chuỗi phân chia tế bào liên tục đi lùi theo thời gian về khoảng bốn tỉ năm trước, lúc những tế bào đơn sơ của đời sống bắt đầu xuất hiện trên hành tinh này.
Cái chết là chắc chắn đến rồi. Nhưng ít nhất có một số tế bào của chúng ta mang tính chất lạ lùng này: chúng được ưu đãi với cái gì đó gần như là sự bất diệt mà nó có thể đạt được trên trái đất này. Khi bạn chết, chỉ có một số nhỏ các tế bào của bạn sẽ tiếp tục mang cái giống bất diệt này tới tương lai – và dĩ nhiên bạn phải có con. Mỗi đứa con sống sót là một tế bào của bạn thoát khỏi sự tuyệt giống – đó là một con tinh trùng hay một trái trứng. Em bé được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và sinh sản, và cứ tiếp tục như thế - trường tồn.
Cái kịch bản chúng ta vừa tưởng tượng ra không chỉ cho thấy số phận của con người bất tử trong chúng ta, hay là “soma”, tạo thành từ các tế bào không sinh sản, nhưng cũng là một cái bất diệt kì diệu của những tế bào trực hệ mà chúng ta nhận lãnh. Trọng tâm cái nan giải của khoa học lão hoá, mà tất cả các thứ khác tùy thuộc vào, là: Tại sao hầu hết các sinh vật đều có một “soma” bất diệt? Tại sao sự tiến hoá đã không biến tất cả những tế bào của chúng ta thành những tế bào bất tử của dòng sinh sản, hoặc dòng tinh, mà đại diện là các tinh trùng và trứng? Câu hỏi cắc cớ này được đặt ra lần đầu tiên ở thế kỉ thứ 19 bởi nhà khoa học tự nhiên người Đức August Weizmann, và câu trả lời đã đến với tôi trong bồn tắm của một mùa đông vào đầu năm 1977. Tôi tin rằng câu trả lời, bây giờ được gọi là thuyết soma dùng một lần, đã hoàn toàn giải đáp tại sao các loài khác nhau lại già đi như chúng vẫn thường già.
Tại sao chúng ta lại già như vậy?[sửa]
Để hiểu thuyết này một cách tường tận chúng ta phải xem xét những thách thức mà tế bào và sinh vật phức tạp đối diện khi chúng cố gắng tồn tại. Tế bào lúc nào cũng bị hư hại – DNA bị đột biến, protein bị hư hỏng, những phân tử cực động có tên là gốc tự do phá vỡ màng tế bào, và còn nhiều chuyện khác nữa. Cuộc sống phụ thuộc vào việc sao chép liên tục và bản dịch không ngừng của dữ liệu di truyền, và chúng ta biết rằng các máy móc thiết bị phân tử xử lí tất cả những điều này, tuy tuyệt vời, nhưng lại không được toàn hảo. Sau khi nhận ra tất cả những thách thức này thì ta thấy ngay tính bất tử của dòng tinh thật là đáng kể.
Tế bào sống hoạt động không ngừng dưới cái đe dọa của sự gián đoạn, và các dòng tinh cũng không phải là hoàn toàn miễn dịch đâu. Lí do mà các dòng tinh không chết trong một thảm họa của các lỗi lầm là vì, thứ nhất, nó có một cơ chế rất tinh vi để tự bảo dưỡng và sửa chữa tế bào và, thứ nhì, nó có một khả năng loại trừ những lỗi lầm quan trọng của nó qua những chu trình liên tục của sự cạnh tranh. Tính chất thứ nhì rất là quan trọng. Đó là tại sao tinh trùng được sản xuất thật nhiều, dù rằng thường chỉ có một con là có thể thụ tinh với trứng. Hơn nữa, những tế bào tạo trứng được sản xuất nhiều hơn là chúng có thể rụng, vì song song là một sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt loại bỏ những trái trứng không được thụ tinh. Và cuối cùng, nếu lỗi lầm nào đó vẫn vượt qua được tất cả các kiểm tra thì sự chọn lọc tự nhiên sẽ là chặng cuối cùng để quyết định những cá nhân nào là thích hợp nhất để truyền tải dòng tinh của chúng tới các thế hệ tương lai.
Sau một hành trình thần kì của một cơ thể phức tạp tăng trưởng từ một tế bào đơn sơ - khởi đầu từ một trái trứng được thụ tinh – thì tiếp theo đó chỉ còn là một con đường tương đối đơn giản để cơ thể tiếp tục tăng trưởng vô thời hạn như nhà tiến hoá Mĩ George William đã vạch ra. Thật vậy, đối với một sinh vật đa bào, sự vắng mặt của lão hoá dường như là một qui luật. Thí dụ cho thấy con hydra nước ngọt có một bản lãnh tồn tại khác thường. Không những dường như chúng không già đi, mà làm như khi chúng già thì chúng không cho thấy sự gia tăng của tỉ số tử vong hoặc sự suy giảm của khả năng sinh sản. Chúng còn biểu lộ một khả năng tái tạo toàn bộ cơ thể mới từ những mảnh vụn rất nhỏ, nếu chúng bị cắt thành từng khúc. Cái bí mật của sự trường sinh ở con hydra đơn giản chỉ là các tế bào mầm tràn ngập cơ thể của nó. Nếu các dòng tinh bất tử (cũng thuộc tế bào mầm) có ở khắp nơi thì không có gì là ngạc nhiên khi một con hydra có thể sống sót mãi mãi, miễn là nó không chết vì chứng thương hay bị nuốt sống, làm mồi cho các sinh vật khác.
Tuy nhiên, trong hầu hết các động vật đa bào, các dòng tinh chỉ được tìm thấy trong các mô của tuyến sinh dục, nơi mà tinh trùng và trứng được sản xuất. Sự sắp xếp này cung cấp một lợi thế rất lớn. Trong giòng lịch sử lâu dài của sự tiến hoá, nó giải phóng các loài tế bào tầm thường khác thành những tế bào chuyên nghiệp - tế bào thần kinh, tế bào bắp thịt, tế bào gan, và các tế bào khác, cần thiết cho sự phát triển của bất kì sinh vật phức tạp nào, từ con Triceratops cho tới con người.
Sự phân công lao động này đã có những hậu quả sâu rộng về cơ chế lão hoá sinh vật và tuổi đời của chúng ta. Ngay sau khi các tế bào chuyên nghiệp không còn có thể đóng vai trò duy trì giòng giống nữa, chúng cũng bỏ rơi luôn cái cần thiết của sự bất tử; chúng có thể chết sau khi cơ thể đã chuyển giao di sản di truyền của mình qua các dòng tinh cho thế hệ sau.
Sự cân bằng cuối cùng[sửa]
Vậy thì những tế bào chuyên nghiệp đó sống được bao lâu? Nói một cách khác, chúng ta và các sinh vật phức tạp có thể sống tới lúc nào? Câu trả lời cho từng giống loài tùy thuộc vào mối đe dọa môi trường mà tổ tiên của chúng phải chịu đựng trong tiến trình phát triển và chi phí năng lượng trong việc duy trì cơ thể ở tình trạng tối ưu.
Phần lớn các sinh vật trong thiên nhiên chết lúc còn khá trẻ, vì tai nạn, bị giết, nhiễm trùng hoặc đói khát. Thí dụ như những con chuột hoang lúc nào cũng sống trong một môi trường nguy hiểm. Chúng bị giết rất nhanh chóng - rất hiếm khi thấy một con chuột hoang sống lâu hơn một tuổi. Mặt khác, con dơi sống an toàn hơn vì chúng biết bay.
Trong khi đó bảo dưỡng của cơ thể rất tốn kém, và các nguồn lực lại rất giới hạn. Trong số năng lượng hấp thu mỗi ngày, một phần dùng để tăng trưởng, một phần dùng để hoạt động và di chuyển, một phần dùng để sinh sản. Tuy nhiên, một số năng lượng khác có thể được lưu trữ như là chất béo để bảo vệ chống lại nạn đói, nhưng phần lớn nó được dùng để sửa chữa vô số những lỗi lầm xẩy ra từng phút từng giây trong đời sống sinh vật. Một số không ít của nguồn năng lượng khan hiếm này còn được dùng để kiểm soát mã di truyền liên quan tới việc tổng hợp liên tục các protein mới và các phân tử cần thiết khác. Hơn nữa, sinh vật còn phải bỏ ra rất nhiều năng lượng để duy trì một cơ chế xử lí đồ thải để dọn dẹp các phân tử rác rưởi.
Đây là nơi mà lí thuyết soma dùng một lần xuất hiện. Theo thuyết này, giống như con người tạo ra sản phẩm – thí dụ một cái xe hay một cái áo – sinh vật trên đà phát triển phải đánh đổi sao cho cân bằng. Không nên cố gắng đạt đến sự trường tồn nếu môi trường xung quanh có khả năng mang lại cái chết trong một khoảng thời gian tương đối dự đoán được. Để sống sót, bộ gen chỉ cần giữ sinh vật đó trong một tình trạng tốt và giúp nó thành công trong việc sinh sản ở khoản thời gian đó mà thôi.
Trong tất cả các giai đoạn của cuộc sống, thậm chí cho đến lúc cuối cùng, cơ thể dùng mọi cách để sinh tồn, nghĩa là nó đã được lập trình để sống chứ không phải để già và chết. Nhưng dưới áp lực cực mạnh của sự chọn lọc tự nhiên, sinh vật lại đặt ưu tiên cho công cuộc tăng trưởng và sinh sản – cho sự trường tồn của giống nòi – hơn là tạo cho mình một cơ thể bất diệt, để được sống mãi. Do đó, lão hoá là do sự tích tụ dần dần của những hình thức đa dạng của các phân tử không được sửa chữa và các tế bào hư hỏng trong suốt khoảng đời.
Vậy thì không có một lập trình sinh học nào chính xác quyết định cái chết sẽ đến lúc nào, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy một số gen có thể ảnh hưởng đến thời gian ta sống đến bao lâu. Tom Johnson và Micheal Klass, trong năm 1980 khi làm việc với giống giun tròn nhỏ bé, phát hiện ra một gen có tác dụng như vậy đối với tuổi thọ. Đột biến của một gen mà các nhà khoa học đặt tên là tuổi-1 đã làm tăng tuổi thọ lên tới 40 lần. Kể từ đó, người ta đã tìm thấy nhiều gen khác có khả năng tăng đời sống giun tròn, và đột biến tương tự đã xuất hiện ở các động vật khác, từ ruồi giấm đến chuột bọ.
Những gen làm tăng tuổi thọ chủ yếu là thay đổi sự biến dưỡng của sinh vật, cách dùng năng lượng cho các chức năng của cơ thể. Người ta thường thấy những gen này đóng một vai trò trong quá trình phóng tín hiệu insulin, quan trọng cho sự điều hoà biến dưỡng. Những chuỗi phản ứng tương tác giữa các phân tử của quá trình này thay đổi cấp độ tổng thể của hằng trăm gen khác, ảnh hưởng tới tất cả các quá trình phức tạp dùng trong công cuộc bảo trì và sửa chữa tế bào. Vậy thì trong việc kéo dài tuổi thọ, hình như nó cần phải thay đổi một cách chính xác những quá trình mà chúng ta biết là được dùng để bảo vệ cơ thể chống lại sự tích tụ của các thiệt hại.
Lượng thức ăn có sẵn cũng làm tăng hay giảm sự biến dưỡng. Ngay từ khoảng năm 1930, người ta đã ngạc nhiên khi thấy những con chuột bọ trong phòng thí nghiệm không được ăn uống đầy đủ mà lại sống rất dai. Ở đây ta thấy một lần nữa, điều chỉnh sự biến dưỡng hình như có ảnh hưởng đến tốc độ tích lũy của những thiệt hại, vì rõ ràng những con chuột đó đã bị hạn chế ăn uống nên chúng đã gia tăng sự hoạt động của một loạt các hệ thống bảo trì và sửa chữa. Thoạt nhìn, không ai tin một con vật ốm đói lại có thể dùng nhiều năng lượng hơn - không phải ít hơn - để bảo dưỡng cơ thể. Tuy nhiên, thời kì đói khát không phải là lúc để sinh sản, vì đã có một số bằng chứng cho thấy trong cơn đói khát một vài động vật đã giảm bớt sinh sản, để dành phần lớn năng lượng còn lại cho việc bảo toàn tế bào.
Của người và chuột[sửa]
Cái khái niệm về hạn chế hấp thụ năng lượng – và khả năng làm tăng tuổi thọ - đã chiếm được sự chú ý của những người muốn sống lâu hơn. Nhưng, những ai nhịn ăn để mong sống dai cần phải biết rằng một cơ chế như thế ít khi đem đến lợi quả vì cơ năng làm chậm biến dưỡng của chúng ta khác rất xa với cơ năng đã được xét thử ở các động vật trong phòng thí nghiệm.
Quả thật là đời sống của giun, ruồi và chuột đã được người ta làm tăng lên rất nhiều. Với một đời sống ngắn ngủi và một sinh học năng động, những con vật này có một nhu cầu cấp thiết trong việc quản lí sự biến dưỡng để thích nghi nhanh chóng với những thay đổi chung quanh. Thí dụ như ở giống giun tròn, một vài ảnh hưởng về tuổi thọ thần kì nhất là những đột biến khiến chúng có thể chuyển đổi cơ chế phát triển mỗi khi chúng sống trong hạn kì nguy kịch và có khả năng di chuyển tới một vùng xa xôi để sống trong một môi trường tốt hơn. Trong khi đó, con người chúng ta không có một linh hoạt tương tự để thay đổi cơ năng biến dưỡng của chính chúng ta. Dĩ nhiên những ảnh hưởng biến dưỡng cấp kì đã có xẩy ra ở những người tự nguyện hạn chế ăn uống, nhưng chỉ sau một thời gian – và nhiều năm ốm đói – thì ta mới nhận ra được tác động của nó có lợi ích gì trong việc lão hoá và, đặc biệt, tuổi thọ hay không.Mục tiêu của nhà nghiên cứu về vấn đề cao niên là luôn luôn làm sao cải thiện sức khoẻ vào cuối cuộc đời, thay vì tìm cách làm cho con người sống lâu như ông Bành Tổ.
Một điều khác cũng rất rõ ràng: những con giun, con ruồi, con chuột tuy sống lâu nhưng vẫn phải trải qua một quá trình lão hoá. Lão hoá xẩy ra vì sự hư hại vẫn tích lũy và sau đó chức năng khỏe mạnh của cơ thể sẽ suy sụp. Do đó, nếu chúng ta muốn cuộc sống cuối đời của chúng ta tốt đẹp, chúng ta phải tìm ra một cách khác, dị biệt hơn những cách mà chúng ta thường nghĩ và biết đến. Đặc biệt hơn, chúng ta cần phải tập trung vào việc tìm cách hạn chế hoặc đảo ngược những tích lũy của sự hư hại mà cuối cùng chúng sẽ dẫn đến sự suy nhược, yếu đuối, và bệnh tật của tuổi già. Đây là một thách thức lớn. Nó đòi hỏi người ta phải làm một cuộc tổng nghiên cứu nghiêm ngặt nhất trong hiện đại.
Không có câu trả lời đơn giản[sửa]
Lão hoá rất là phức tạp. Nó ảnh hưởng đến cơ thể ở mọi cấp độ, từ phân tử cho đến tế bào, cho đến các cơ quan. Nó còn bao gồm nhiều loại thiệt hại của phân tử và tế bào. Nói chung, mặc dù quả thật sự hư hại này tích lũy theo thời gian và xẩy ra chậm hơn trong một vài loại tế bào (tùy thuộc vào hiệu quả của công cuộc sửa chữa), sự tổn thương sẽ xẩy ra một cách ngẫu nhiên cho bất kì tế bào nào cùng loại trong một cá nhân. Vì thế, tất cả mọi người đều già và chết, nhưng quá trình này thay đổi và du di rất nhiều – đây là một chứng minh nữa cho thấy lão hoá không xuất phát từ một lập trình di truyền qui định chúng ta yếu và chết nhanh hay chậm. Muốn thông hiểu lão hoá một cách cụ thể, đủ để can thiệp một cách phù hợp hầu ngăn chận và làm chậm cái chết của các loài tế bào đặc biệt, chúng ta cần phải biết bản chất của sự khuyết tật phân tử gây ra tiến trình lão hoá ở cấp độ tế bào. Có bao nhiêu sai lầm được tích lũy trước khi tế bào không còn chức năng? Có bao nhiêu khiếm khuyết của tế bào được tích lũy trong một cơ quan trước khi nó trở bệnh? Và nếu chúng ta đồng ý rằng có một số bộ phận trong cơ thể quan trọng hơn những bộ phận khác thì chúng ta phải làm thế nào để hành xử cái khác biệt đó với một độ chính xác cần thiết?
Chúng ta có thể chống lão hoá bằng cách thay đổi những cơ năng quan trọng mà tế bào dùng để chống lại sự tích tụ của các thiệt hại. Một cách mà tế bào phản ứng lại khi có quá nhiều hao mòn là tự hủy. Có một thời gian, người ta coi sự tự hủy của tế bào này, còn gọi là apoptosis, là bằng chứng cho sự lão hoá đi đôi với một lập trình di truyền. Trong các mô già yếu, nhịp độ tự hủy của tế bào tăng lên, và chính quá trình này đã giúp cho sự lão hoá. Nhưng bây giờ chúng ta đã biết là apoptosis chủ yếu tác dụng như một cơ năng sinh tồn dùng để bảo vệ cơ thể, không cho các tế bào hư hại làm nó yếu đi, thí dụ như sinh ra bệnh ung thư.
Apoptosis xẩy ra nhiều hơn trong các cơ quan già yếu vì các tế bào của nó đã bị làm hại quá nhiều. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, trong thiên nhiên, các con thú ít khi nào sống lâu để trở nên già nua. Do đó, apoptosis còn dùng để đối phó với các tế bào hư hại trong cơ quan non trẻ, nơi mà rất ít tế bào cần bị loại bỏ. Nếu có quá nhiều tế bào chết, cơ quan đó sẽ suy yếu và bị đào thải. Vì vậy, apoptosis vừa có lợi, vừa có hại. Có lợi khi nó loại bỏ những tế bào xấu xa, nguy hiểm; có hại khi nó loại trừ quá nhiều tế bào. Thiên nhiên quan tâm nhiều hơn về sự sống còn của tuổi trẻ, hơn là quản lí sự mất mát của tuổi già. Vì vậy không phải tất cả apoptosis là tuyệt đối cần thiết cho những tháng năm sau cùng của chúng ta. Trong một số bệnh, thí dụ như đột quị, người ta hi vọng rằng ức chế apoptosis trong các mô ít bị hư hỏng sẽ làm giảm sự mất mát của tế bào và do đó giúp người ta phục hồi một cách mau chóng.
Thay vì chết, các tế bào bị tổn thương đó, thường có khả năng sinh sản, có thể sống một cách yên ả và, một cách đơn giản, ngừng phân chia - một số phận mà người ta gọi là sao bản cao niên (replicative senescence). Năm mươi năm trước, Leonard Hayflick của UC San Francisco đã khám phá ra là tế bào có một xu hướng phân chia một số lần rồi dừng lại – nay gọi là giới hạn Hayflick. Những nghiên cứu sau đó cho thấy chúng thường ngừng phân chia khi những cực, telomeres, bảo vệ hai đầu của nhiễm sắc thể bị hao mòn quá độ. Nhưng những chi tiết khác về các tế bào già ngưng nghỉ làm sao thì không ai biết được. (Nghiên cứu gần đây cho thấy telomeres ngắn lại khi người ta già đi và làm cho telomeres dài ra khiến người ta tăng tuổi thọ - ncl)
Muốn hiểu rõ vấn đề, khoa học ngày nay cần có sự đóng góp của nhiều phân bộ. Chúng ta cần các nhà nghiên cứu trong phạm vi sinh học phân tử, sinh hoá, toán học, vi tính học, và những máy móc dụng cụ hiện đại để nhìn và tạo ảnh những thiệt hại trong tế bào sống. Chúng ta chưa biết sẽ khám phá ra những gì, nhưng qua những nghiên cứu này thì chúng ta có thể hi vọng xác định các loại thuốc mới có khả năng chống các bệnh liên quan đến tuổi già và cùng một lúc rút ngắn thời gian bị bệnh mãn tính xẩy ra vào lúc cuối của cuộc đời. Cái khó khăn của những cuộc nghiên cứu cơ bản này là nó cần rất nhiều thời gian, có thể đến cả chục năm sau mới tìm ra được thuốc mới.
Sử dụng khoa học của sự lão hoá để cải thiện phần cuối của cuộc đời là một thách thức, có lẽ là một thách thức lớn nhất cho khoa học y tế. Thành quả sẽ không đến một cách dễ dàng, mặc dù có nhiều người cho rằng ăn uống kiêng khem và dùng thuốc trợ như resveratrol có thể giúp người ta sống lâu hơn. Chúng ta cần một con người với bộ óc sáng tạo vĩ đại để vượt qua những thách thức này. Tôi tin rằng chúng ta có thể và sẽ tìm ra những phương pháp điều trị giúp chúng ta yên hưởng tuổi già. Cho đến khi trời gọi, mỗi chúng ta - một mình ta - cần phải an tâm và yên phận với đoạn đời của chúng ta. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tập trung vào cuộc sống - sống làm sao cho đúng nghĩa của cuộc đời, bởi vì chẳng có một thứ thuốc tiên nào cứu rỗi chúng ta cả.
Ngon Co Lau dịch
(Theo “Why Can’t We Live Forever?” của Micheal Moyer, Scientific American, September 2010)