Tẩy giun cho mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mèo có thể bị nhiễm nhiều loại giun như giun đũa, giun móc, sán dây và giun chỉ. Những loại giun này không chỉ gây nguy hiểm cho mèo mà còn có nguy cơ lây nhiễm sang người và thú nuôi khác. Vì vậy, ngoài việc tẩy giun cho mèo con, mèo mới nhận nuôi và mèo có triệu chứng nhiễm giun, bạn nên trao đổi với bác sĩ thú y về chương trình xét nghiệm và kiểm soát giun thường xuyên. Biết thời điểm nên tẩy giun cũng quan trọng không kém so với cách tẩy giun.

Các bước[sửa]

Chẩn đoán giun ở mèo[sửa]

  1. Kiểm tra các vấn đề về phân. Dấu hiệu nhiễm giun thường gặp nhất là thấy giun tận mắt. Bạn có thể nhìn vào phân mèo để phát hiện giun. Các đoạn sán dây thường đứt lìa và thải ra ngoài theo phân. Những đoạn sán này trông giống như hạt gạo nhỏ. Bạn thậm chí còn có thể nhìn thấy chúng di chuyển như những con giun nhỏ trong phân tươi.
    • Tìm dấu hiệu tiêu chảy. Một số bệnh có thể gây tiêu chảy cho mèo. Tuy nhiên, tất cả các loại giun đường ruột như giun đũa, giun móc và sán dây có thể gây phân lỏng. Trong trường hợp khác, mèo có thể bị xuất huyết kết tràng và kích thích đường ruột.[1]
    • Bạn nên thu thập giun vào một cái túi và đem đi xét nghiệm ở phòng khám thú y.[2]
  2. Quan sát dấu hiệu nôn. Giun đũa có thể gây nôn ở mèo.[3] Mèo thậm chí có thể nôn ra giun lớn giống như sợi mì ống.[3] Nôn cũng là triệu chứng tiềm ẩn của giun chỉ. Cũng giống như các vấn đề về phân, bạn nên cố gắng thu bã nôn của mèo vào một túi nhỏ. Bác sĩ thú y có thể xét ngiệm bã nôn để chẩn đoán giun sán và nhiều bệnh khác.[4] Bạn nên lưu ý vì nôn không phải dấu hiệu riêng của nhiễm giun sán mà còn là triệu chứng của nhiều bệnh khác.
  3. Theo dõi cân nặng của mèo. Mèo bị nhiễm giun sán đường ruột hoặc giun chỉ có thể bị sụt cân. Cân nặng của mèo có thể thay đổi rõ ràng hoặc không rõ ràng,[5] tùy thuộc vào kích thước và số lượng giun. Trong trường hợp khác, mèo có thể bị phình dạ dày và mắc chứng “bụng phệ”. Mèo có nguy cơ bị giun đũa nếu bụng tròn to ra.[3]
  4. Kiểm tra nướu mèo. Nướu của mèo khỏe mạnh bình thường có màu hồng. Nhiều ký sinh trùng giống như giun có thể gây thiếu máu hoặc sốc cực độ và dẫn đến nướu răng nhợt nhạt. Nếu thấy nướu mèo nhợt nhạt, bạn nên hẹn khám bác sĩ thú y. Nếu mèo khó thở hoặc là hôn mê, bạn nên đưa mèo đến phòng khám thú y ngay.
  5. Tìm hiểu về những loại giun mèo có thể mắc phải. Bạn nên biết mèo mắc loại giun nào trước khi tìm cách điều trị. Bác sĩ thú y có thể xác định loại giun mèo bị nhiễm và kê đơn thuốc cùng phương pháp điều trị thích hợp. Bạn không cần phải hiểu quá kỹ về từng loại giun, nhưng ít nhất nên biết những loại giun phổ biến ở mèo như:
    • Giun đũa là ký sinh trùng phổ biến nhất ở mèo. Mèo con đang bú có thể nhiễm giun đũa từ sữa mẹ và mèo trưởng thành có nguy cơ nhiễm giun đũa từ phân.
    • Sán dây là ký sinh trùng có thể phân đoạn, thường được phát hiện quanh lông của chân sau mèo. Mèo có nguy cơ nhiễm sán dây khi ăn phải bọ chét bị nhiễm sán.[6]
    • Giun móc nhỏ hơn giun tròn và trú ngụ trong ruột non. Giun móc lây lan qua tiếp xúc da hoặc tiêu hóa. Giun móc là vấn đề phổ biến ở chó.
    • Giun phổi trú ngụ trong phổi mèo và không phổ biến bằng các loại giun khác. Mèo có nguy cơ nhiễm giun phổi khi ăn phải vật chủ nhiễm giun như chim hay động vật gặm nhấm.[7]
    • Giun chỉ là ký sinh trùng nguy hiểm nhất. Khi muỗi chích một con vật bị nhiễm giun chỉ, nó sẽ mang ấu trùng giun chỉ trong máu. Ấu trùng sẽ lớn lên và tiếp tục truyền cho một con vật khác khi con vật này bị muỗi chích vào máu.[8]
  6. Đưa mèo đi khám bác sĩ thú y. Không nên tự điều trị giun cho mèo mà không có sự trợ giúp của bác sĩ thú y. Bác sĩ thú y có thể phân tích mẫu phân và chẩn đoán giun cho mèo. Bạn cần thu thập mẫu phân và mang đến phòng khám thú y để xét nghiệm. Nếu nghi ngờ mèo bị nhiễm giun chỉ, bác sĩ thú y có thể lấy mẫu máu định kỳ.[9] Có rất nhiều loại giun khác nhau và mỗi loại có cách điều trị riêng, do đó bạn nên biết chính xác mèo nhiễm loại giun nào trước khi bắt đầu điều trị.
    • Thông thường, mèo cần được dùng thuốc tẩy giun sau 2 tuần hoặc 1 tháng. Điều trị giun không phải một lần là xong.
    • Bạn có thể thấy một số trang mạng chỉ cách điều trị giun tại nhà bằng các "liệu pháp tự nhiên" như thảo mộc và gia vị. Bạn không nên tin vào những thông tin này và tốt nhất nên đưa mèo đến phòng khám thú y. [10]
    • Tẩy giun cho mèo con mới sinh hoặc mới nuôi. Đây là thủ tục thông thường cho dù mèo có bị nhiễm giun hay không. Mèo con cần được tẩy giun sau 2 -6 tuần cho đến khi được 3 tháng tuổi và hàng tháng cho đến khi được 6 tháng tuổi. Mèo con mới nuôi cần được tẩy giun ngay với ít nhất 2 lần tẩy bổ sung cách mỗi 2 tuần. Mèo mẹ có thể lây nhiễm giun cho mèo con.

Điều trị giun cho mèo[sửa]

  1. Cho mèo dùng thuốc kê đơn. Lấy thuốc cần dùng từ bác sĩ thú y. Bạn không nên cho mèo, đặc biệt là mèo con dùng thuốc tẩy giun không kê đơn khi chưa hỏi bác sĩ thú y. Mèo có thể được cho dùng một loạt thuốc viên hoặc thuốc dưới nhiều hình thức khác nhau như viên nén, viên nang, cốm, viên nhai, nước hoặc thoa tại chỗ.[11]
    • Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ thú y về cách và tần suất cho mèo dùng thuốc thay vì tự chọn thuốc. Sau khi biết loại thuốc cùng tần suất nên cho mèo dùng, bạn nên tuân theo toàn bộ quá trình điều trị đã được bác sĩ thú y khuyến cáo. Dù là thuốc uống hay thoa ngoài, bạn cũng nên cho mèo dùng thuốc cho đến khi hết đợt điều trị.
  2. Đề phòng tác dụng phụ. Thuốc có xu hướng gây độc cho ký sinh trùng (giun) hơn là vật chủ (mèo con). Đây là lý do tại sao bạn cần sự trợ giúp của bác sĩ thú y để dùng đúng thuốc cho mèo sau khi được hướng dẫn. Một số tác dụng phụ của thuốc tẩy giun là tiêu chảy và nôn. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ thú y về điều nên mong đợi và không mong đợi từ thuốc tẩy giun và đảm bảo mèo phản ứng tích cực với thuốc.[12]
  3. Điều trị giun đũa và giun móc. Thuốc phổ điều trị giun đũa và giun móc phổ biến nhất ở mèo trưởng thành là Pyrantel Pamoate, Oxime Milbemycin và Selamectin. Pyrantel Pamoate và Oxime Milbemycin là thuốc uống còn Selamectin là thuốc thoa ngoài da.[13] Tại Mỹ, Pyrantel Pamoate là thuốc không kê đơn có sẵn, trong khi Selamectin và Milbemycin Oxime là thuốc kê đơn. Selamectin không thích hợp sử dụng cho mèo con dưới 8 tuần tuổi, do đó mèo con chỉ nên được uống thuốc tẩy giun. [14]
  4. Điều trị sán dây. Hai loại thuốc thường được dùng để điều trị sán dây là Praziquantel và Epsiprantel. Cả hai đều là thuốc uống. Praziquantel là thuốc không kê đơn có sẵn, còn Epsiprantel cần được kê đơn.
    • Thông thường, bác sĩ thú y cần xét nghiệm lại phân để đảm bảo thuốc tẩy giun phát huy hiệu quả. Bạn nên đảm bảo tuân theo hướng dẫn của bác sĩ thú y khi tẩy giun cho mèo và đưa mèo đi tái khám để biết được thuốc tẩy giun có hiệu quả hay không.[13]
  5. Đưa mèo đi tái khám. Bác sĩ thú y sẽ có bạn biết lịch khám tiếp theo. Bạn nên tuân theo hướng dẫn và đưa mèo con đi tái khám cho lần điều trị tiếp theo hoặc để đảm bảo giun đã được tiêu diệt hoàn toàn. Bạn nên đưa mèo đi khám theo yêu cầu của bác sĩ thú y để giúp mèo luôn vui vẻ và khỏe mạnh.

Cho mèo uống thuốc[sửa]

  1. Chuẩn bị thuốc. Lắc bình thuốc nếu cần thiết hoặc lấy thuốc ra khỏi chai. Bạn có thể cho thuốc nước vào ống bơm hoặc ống nhỏ. Bác sĩ thú y có thể cho bạn biết dụng cụ dẫn thuốc nào là lý tưởng nhất.[15]
    • Để thuốc khỏi tầm nhìn của mèo. Mèo có thể phát hiện ra viên hoặc chai thuốc nước và có nguy cơ chạy trốn. Đôi khi, tốt nhất bạn nên chuẩn bị thuốc trước vài phút và chờ cho mèo bình tĩnh trở lại để quá trình uống thuốc diễn ra an toàn hơn.
  2. Giữ mèo bình tĩnh. Sau khi được bác sĩ kê đơn thuốc, bạn cần biết cách cho mèo uống thuốc. Quá trình cho mèo uống thuốc có thể gặp chút khó khăn nhưng vẫn suôn sẻ nếu bạn giữ cho mèo bình tĩnh và vui vẻ. Nếu được chỉ định cho mèo uống thuốc tại nhà, bạn cần biết cách xoa dịu mèo để dễ dàng cho mèo dùng thuốc.
  3. Bọc mèo lại. Bạn có thể bọc mèo trong chăn nhỏ, áo gối hoặc khăn và chỉ chừa mỗi đầu mèo ra ngoài. Cách này giúp ngăn không cho mèo cào hoặc chống cự. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo mèo không quá sợ hãi hoặc ngạt thở trong quá trình bọc. Bạn cũng có thể thử cho mèo uống thuốc mà không cần bọc mèo lại để giúp mèo giảm bớt lo lắng. Tuy nhiên, quá trình cho uống thuốc sẽ diễn ra khó khăn hơn khi không bọc mèo.[15]
  4. Giữ mèo an toàn. Ngồi trên sàn nhà và kẹp mèo giữa 2 chân hoặc đặt mèo trên đùi bạn. Bạn cũng có nhờ người khác giúp giữ mèo. Quá trình cho uống thuốc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có người trợ giúp.[16]
  5. Giữ đầu mèo đúng cách. Đặt ngón cái và ngón trỏ lên 2 bên miệng mèo. Nên cẩn thận vì mèo có thể sẽ cố cắn bạn. Mặc dù vậy, mèo vẫn sẽ khó có thể thoát khỏi vòng kèm cặp của bạn. [16]
  6. Kéo đầu mèo về phía sau. Trong quá trình này, bạn nên nhấn nhẹ lên 2 bên mép miệng để mèo mở miệng ra. Lúc này, bạn phải thật bình tĩnh. Nếu bạn lo lắng, mèo có thể cảm nhận được và tỏ ra lo sợ hơn mức cần thiết. Bạn nên nhấn hàm dưới mèo bằng tay còn lại để mèo mở miệng rộng hơn. [16]
  7. Đưa thuốc vào miệng mèo. Đặt viên thuốc vào bên trong miệng hoặc bóp thuốc nước vào mặt trong của một bên má. Bạn nên cẩn thận không đưa thuốc vào sâu cổ họng để tránh làm mèo bị mắc nghẹn.[16]
  8. Giúp mèo nuốt thuốc. Dưới đây là cách giúp mèo nuốt thuốc hiệu quả nhất:
    • Để mèo khép miệng lại.
    • Nâng cằm mèo lên sao cho mũi hướng lên trên.
    • Xoa cổ họng mèo để kích thích phản xạ nuốt.
    • Giữ nguyên tư thế trong vài giây hoặc cho đến khi mèo nuốt hết thuốc. Bạn phải thật nhẹ nhàng trong quá trình này để tránh làm mèo bị nghẹn thuốc. [16]
  9. Đảm bảo thuốc đã được nuốt hết. Thả miệng mèo ra nhưng bạn cũng phải cẩn thận đề phòng trường hợp mèo không nuốt thuốc và nhổ thuốc ra. Bạn chỉ nên thả miệng mèo khi chắc chắn mèo đã nuốt hết thuốc. [16]
    • Nhả thuốc là vấn đề thường gặp khi mèo uống viên nang. Mèo rất khó nhổ ra nếu được cho uống thuốc nước.
  10. Khen ngợi mèo sau khi cho uống thuốc thành công. Bạn có thể tháo chăn hoặc khăn bọc mèo ra và khen mèo vì đã cư xử tốt. Bạn nên cho mèo ăn vặt, thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương vì mèo đã rất ngoan ngoãn. Điều này giúp quá trình cho uống thuốc lần sau diễn ra dễ dàng hơn. Mèo sẽ kết nối việc uống thuốc với những điều tốt đẹp thay vì đáng sợ. Mèo có thể chống cự và bỏ trốn ở lần uống thuốc tiếp theo nếu bị ép buộc hay quá sợ hãi.

Ngừa giun cho mèo[sửa]

  1. Cho mèo dùng thuốc ngừa ký sinh trùng thường xuyên. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để biết thêm chi tiết. Một số loại thuốc như Selamectin có tác dụng trong đề phòng nhiều loại bọ chét, giun chỉ, giun móc, giun đũa và các ký sinh trùng khác. [17]
  2. Cân nhắc nhốt mèo trong nhà. Để tránh những con mèo bị nhiễm giun, bọ chét hoặc các loài gặm nhấm mang giun, bạn nên nhốt mèo trong nhà để giảm nguy cơ nhiễm giun. Nhiều người chủ không nỡ nhốt mèo trong nhà vì cảm thấy như đang tước đoạt quyền tự do của mèo. “Tại sao mèo không được phép thể hiện bản năng tự nhiên dưới bầu không khí trong lành và ánh nắng mặt trời?”. Chính câu hỏi này dẫn lối cho quyết định của họ. Để quyết định đúng đắn, bạn nên cân nhắc lợi và hại.
    • Rủi ro liệu có quá lớn? Bạn nên cân nhắc điều kiện đường xá, yếu tố bệnh tật, vấn đề môi trường cùng các yếu tố động vật và con người để quyết định. Nếu quyết định nhốt mèo trong nhà để tránh những rủi ro trên, bạn nên thiết kế sao cho trong nhà thật giống với ngoài trời với khu vực cho mèo cào, cửa sổ cùng đồ vật giúp mèo leo trèo vui vẻ.[18]
  3. Đuổi bọ chét khỏi nhà và sân. Nói chung, bạn không cần phải lo lắng về không gian ngoài trời nếu nhốt mèo trong nhà. Mèo có thể giết chết bọ chét một cách điệu nghệ, đặc biệt nếu không ở trong khu vực có quá nhiều bọ chét. Vì vậy, bạn nên tập trung xử lý khu vực mèo thường hay lui tới.
    • Nhà: Chiến thuật chống bọ chét tối ưu nhất là vệ sinh sạch sẽ. Bạn nên giặt sạch gối, chăn mà mèo yêu thích hay những vật dụng mèo nằm lên thường xuyên. Loại bỏ sạch sẽ bọ chét, trứng, ấu trùng bọ chét hoặc bọ chét non. Tương tự như vậy, bạn nên triệt tiêu những gì liên quan đến bọ chét bằng cách hút bụi thảm. Nếu bọ chét quá nhiều, bạn nên cân nhắc sử dụng thuốc phun. Trong quá trình phun thuốc diệt bọ chét, người và tất cả động vật cần tránh đi chỗ khác theo hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc. Sau đó, lau sạch toàn bộ nhà cửa và hút bụi một lần nữa để loại bỏ xác và trứng bọ chét cũng như độc tố còn sót lại từ thuốc phun. [19]
    • Sân nhà: Kiểm soát bọ chét ngoài trời thường khó khăn hơn nhiều. Bạn nên bắt đầu bằng cách dọn sạch các mảnh vụn hữu cơ như mẩu cỏ, lá và rơm. Bọ chét thích cư trú ở vùng tối, ẩm và râm mát. Bạn nên mua thuốc phun bọ chét an toàn với môi trường và tiêu diệt theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.[19]
  4. Thường xuyên dọn sạch hộp cát vệ sinh cho mèo. Bạn nên dọn phân thường xuyên để ngăn ngừa lây lan giun. Mang găng tay nhựa dùng một lần và khẩu trang nếu có thể để không hít phải bụi phân. Cho toàn bộ rác thải của mèo vào túi rác. Bạn cũng có thể dùng khăn giấy và xịt kháng khuẩn tự nhiên để lau sạch bên trong hộp cát vệ sinh. Thậm chí bạn có thể rửa kỹ hộp cát vệ sinh bằng nước xà phòng, sau đó thay cát mới và sạch. Bạn nên vệ sinh hộp cát cho mèo 1-2 lần một tuần, tùy vào nhu cầu sử dụng của mèo.[20]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Mèo
  • Chăn, vỏ gối hoặc khăn
  • Thuốc
  • Món ăn vặt cho mèo

Nguồn và Trích dẫn[sửa]