Thú nhận việc ngoại tình với người yêu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ngoại tình đang là một thực trạng phổ biến. Hàng năm, có xấp xỉ 10 phần trăm số người đã kết hôn thừa nhận mình đang ngoại tình. Con số đó còn lớn hơn đối với các cặp đôi dưới 35 tuổi. [1] Dù nhiều người chọn cách giấu kín chuyện tày trời này, có nhiều người vẫn cảm thấy cần phải thú nhận với bạn đời của mình. [2] Nếu bạn đã quyết định thú tội, bạn có thể làm theo một số hướng dẫn sau để thừa nhận sự thật đáng buồn này.

Các bước[sửa]

Tạo điều kiện phù hợp[sửa]

  1. Chọn thời điểm và không gian hợp lý. Sự riêng tư là điều kiện cần có để trình bày về chuyện này. Hãy chọn thời gian và địa điểm phù hợp để trò chuyện lâu dài mà không bị làm phiền.
    • Có lẽ sẽ tốt hơn nếu bạn trò chuyện với người đó trong phòng khách ở nhà thay vì ra quán cà phê hoặc nhà hàng.
    • Đừng chọn thời điểm khi người đó đang căng thẳng, ví dụ như ngay sau khi họ vừa đi làm về.
  2. Xem xét thời gian biểu và sự lựa chọn của người đó. Có thể bạn nên trao đổi trước với người đó để xem thời gian và địa điểm mà bạn chọn có phù hợp với họ hay không. Hãy nói với họ rằng bạn có chuyện quan trọng cần thảo luận và hỏi xem họ có thể nói chuyện vào lúc nào.
    • Ví dụ bạn có thể nói: “Anh có chuyện quan trọng cần nói với em và anh muốn biết chắc rằng chúng ta sẽ có đủ thời gian để trao đổi. Em thấy lúc nào thì phù hợp nhất?”
  3. Bám sát vào sự thật. Nếu bạn đã quyết định thú nhận tất cả, giờ chính là lúc dành cho sự thật. Ngay cả khi người đó hỏi bạn những câu gây tổn thương, bạn vẫn cần phải thành thật. Hãy thẳng thắn hết mức có thể và đừng bỏ qua một chi tiết nào.
    • Bạn có thể nghĩ rằng việc bỏ qua vài chi tiết về chuyện ngoại tình là một ý tưởng hay, nhưng thú nhận nửa vời sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.[3] Ví dụ: nếu bạn đã từng lừa dối vợ/chồng mình vài lần thì việc nói với họ rằng bạn mới phạm sai lầm một lần chính là sự thú nhận nửa vời.
  4. Lắng nghe đối phương. Dù bạn có rất nhiều điều để nói nhưng người đó cũng vậy. Đừng tranh lời với họ và hãy lắng nghe. Sự tôn trọng những suy nghĩ và cảm giác của họ sẽ có ích trong việc gây dựng lại mối quan hệ.
    • Thể hiện rằng bạn đang lắng nghe bằng cách hướng cơ thể về phía họ và duy trì giao tiếp bằng mắt.
    • Loại bỏ mọi thứ gây phân tâm và tránh làm gián đoạn cuộc trò chuyện. Tắt điện thoại, TV, máy tính, vân vân.
    • Đừng ngắt lời người đó khi họ đang nói. Hãy lắng nghe cho tới khi họ nói xong.
    • Diễn giải lại ý của họ để thể hiện rằng bạn đã chăm chú lắng nghe. Ví dụ: bạn có thể bắt đầu bằng cách nói rằng “ nếu anh hiểu đúng thì ý em là...”[4]

Thú nhận sự thật[sửa]

  1. Sử dụng câu cú đơn giản và trực diện. Các chi tiết thừa thãi và lê thê sẽ chỉ khiến mọi thứ đi chệch hướng. Hãy bám vào các chi tiết quan trọng để cuộc trò chuyện đau lòng này không bị kéo dài quá mức.
    • “Bọn em gặp nhau tại công ty” sẽ tốt hơn việc trình bày dài dòng theo kiểu: “Quản lý bộ phận văn thư cần một trợ lý mới. Vì thế, bà ấy đã tuyển anh chàng này và đào tạo anh ấy...”
    • Tuy nhiên, hãy luôn sẵn sàng đi vào chi tiết nếu được hỏi. Đừng bỏ qua các chi tiết nếu bạn đời yêu cầu được biết kĩ hơn.
  2. Tôn trọng quyền được biết của họ. Dù người đó có hỏi bạn bao nhiêu câu hỏi đi nữa, hãy kiên nhẫn trả lời cho hết. Khi bạn sẵn lòng bày tỏ toàn bộ câu chuyện, kể cả những chi tiết gây khó chịu nhất, bạn đã thể hiện được sự cởi mở và cam kết muốn xây dựng lại lòng tin với bạn đời. Do đó, các nhà trị liệu thường khuyến khích khách hàng thổ lộ mọi thứ để quá trình phục hồi được thuận lợi.[5] Hơn nữa, nếu bạn ở vị trí của người kia, bạn cũng sẽ mong đợi ở họ sự kiên nhẫn và tôn trọng như vậy.
  3. Đừng tỏ ra phòng thủ. Từ chối nhận trách nhiệm hoặc cố tình nói giảm nói tránh chỉ khiến căng thẳng leo thang. Bạn không nên tập trung vào việc bảo vệ cái tôi, mà hãy ở đó để hỗ trợ bạn đời khi họ cần. Các chuyên gia tư vấn kết luận rằng: những câu nói mang tính phòng thủ không chỉ phá huỷ một cuộc nói chuyện đơn lẻ mà còn có thể làm đổ vỡ một cuộc hôn nhân khi có đủ thời gian.[6] Hãy tránh nói những câu sau:
    • "Anh không cố ý làm em tổn thương"
    • "Chuyện đó chỉ xảy ra có một lần."
    • "Em không biết em đang nói gì đâu!"
  4. Đừng bênh vực người thứ ba. Việc này sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng tới bạn đời rằng bạn thật sự có tình cảm với người kia. Nếu không, sao bạn phải bênh vực người đó? Nếu bạn thực sự trân trọng mối quan hệ hiện tại, bạn phải thể hiện rõ rằng bạn đời của bạn mới là số một.

Sửa chữa sai lầm hoặc đừng làm thế[sửa]

  1. Thừa nhận sai lầm của bạn. Hãy chân thành xin lỗi vì những việc làm sai trái. Ngoài cảm giác tội lỗi, khi bạn thấy bạn đời của mình đang đau khổ đến mức nào, bạn sẽ có động lực để thừa nhận lỗi lầm. Khoa học đã chứng minh rằng những người sẵn lòng thú nhận sai sót của mình sẽ sống hạnh phúc hơn người khác.[7]
  2. Giải thích lí do bạn ân hận. Một lời xin lỗi chân thành sẽ bao gồm việc thừa nhận sai lầm và thể hiện sự ăn năn vì đã làm người kia tổn thương. Khi bạn thừa nhận rằng bạn đã khiến người kia đau khổ, bạn đã thể hiện được sự quan tâm tới cảm xúc của họ. Nếu bạn vẫn chưa tìm ra một câu hối lỗi phù hợp, dưới đây là một vài gợi ý:
    • "Anh xin lỗi vì đã lừa dối em. Em không đáng bị đối xử như vậy."
    • "Tất cả là lỗi của anh. Anh xin lỗi vì đã làm em đau lòng."
    • "Nói dối là sai lầm và anh xin lỗi vì đã phản bội em."
  3. Cân nhắc dịch vụ tư vấn hôn nhân. Nếu bạn thật sự muốn cứu vãn mối quan hệ, hãy đề nghị bạn đời cùng đến gặp chuyên gia tư vấn. Xử lý những hậu quả của việc không chung thuỷ có thể là một quá trình lâu dài và rắc rối. Một chuyên gia có bằng cấp có thể giúp hai bạn hàn gắn.
  4. Cam kết trung thực tuyệt đối. Sẽ mất khá nhiều thời gian để xây dựng lại lòng tin. Tuy nhiên, việc trung thực với bạn đời từ nay về sau sẽ cho thấy bạn thật sự đang hết lòng hàn gắn mối quan hệ này.
    • Bạn có thể sẽ phải chấp nhận một số điều kiện để khiến họ tin tưởng bạn lần nữa. Ví dụ, có thể bạn sẽ phải thông báo địa điểm rõ ràng mỗi khi ra ngoài, hoặc cho phép bạn đời kiểm tra điện thoại, thư điện tử và các tài khoản mạng xã hội.
  5. Chia sẻ cảm xúc với bạn đời. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng để mối quan hệ thực sự phục hồi sau ngoại tình, bạn cần phải chia sẻ quan điểm và cảm xúc với người kia.[8] Hãy dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân của mối tình ngoài luồng và chia sẻ những điều bạn nhận ra với bạn đời của mình. Bạn có thể tự hỏi như sau:
    • "Có phải do mình cảm thấy cô đơn không?" "Nếu đúng thế thì vì sao?"
    • "Sao mình lại chọn người thứ ba thay vì bạn đời của mình?"
    • "Mình đã có tình cảm gì với người thứ ba?"
  6. Sẵn sàng đón nhận sự đổ vỡ. Có 70% số cặp đôi sẽ khắc phục khó khăn và tiếp tục ở lại bên nhau, trong khi đó, một số người sẽ chọn cách chia tay khi bạn đời của họ ngoại tình.[9] Hãy chuẩn bị tinh thần trong trường hợp mối quan hệ kết thúc.
    • Bạn nên sẵn sàng đón nhận sự giận dữ của bạn đời. Nhớ rằng họ có quyền được nổi giận. Hãy lắng nghe khi họ đang thể hiện cơn giận của mình.
    • Nhớ rằng bạn có rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc đối thoại này, nhưng đây là chuyện rất bất ngờ đối với bạn đời.

Lời khuyên[sửa]

  • Thông báo với bạn đời càng sớm càng tốt. Nếu họ phát hiện ra chuyện này thông qua một người khác, họ sẽ còn đau khổ hơn.
  • Người đó sẽ muốn biết vì sao bạn lại lạc lối. Bạn sẽ mất nhiều thời gian và gặp gỡ chuyên gia tư vấn nhiều lần thì mới trả lời được câu hỏi này. Vì thế, hãy kiên nhẫn.
  • Hãy giải thích với bạn đời rằng họ không có lỗi trong chuyện này. Lòng tự trọng của họ có thể sẽ bị tổn thương nặng nề khi biết tin. Thậm chí, họ sẽ tự đổ lỗi cho bản thân. Bạn cần phải nhấn mạnh rằng toàn bộ chuyện này là lỗi của bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi kiểm tra sức khoẻ ngay lập tức. Nếu bạn đã quan hệ tình dục ngoài luồng mà không có biện pháp an toàn, sau đó lại quan hệ với bạn đời, hãy cho họ biết điều đó.
  • Mỗi người sẽ phản ứng một khác với những tin xấu. Hãy chuẩn bị tinh thần để nghe bạn đời la hét, đánh mắng hoặc bỏ đi. Bạn cần phải kiểm soát cơn giận của mình để có thể giúp đỡ họ khi cần.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]