Thả một quả trứng mà không vỡ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thả trứng là một thực nghiệm khoa học kinh điển nhưng có thể khá căng thẳng nếu bạn chưa bao giờ thực hiện thành công. Để thả một quả trứng mà không vỡ, bạn cần tìm cách để giảm thiểu lực va chạm và tác động của lực lên vỏ trứng vốn rất mỏng manh. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là tạo lớp đệm cho quả trứng, đồng thời thay đổi cách quả trứng rơi xuống và tiếp đất. Bạn cũng có thể ngâm trứng vào trong giấm để làm mềm vỏ trứng và tăng khả năng hấp thụ lực va chạm. Bạn cũng có thể quấn quả trứng bằng giấy vệ sinh cỡ 36 cm.--68.114.116.162 00:20, 6 March 2017 (GMT)

Các bước[sửa]

Tạo lớp đệm bảo vệ trứng[sửa]

  1. Dùng bột ngũ cốc. Dùng bột ngũ cốc bao bọc quả trứng là một cách rất hiệu quả để phân phối lực va chạm. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên chọn loại ngũ cốc “xốp” thay vì ngũ cốc dẹp. Loại xốp có đủ lượng không khí và có thể tạo thành lớp đệm tốt hơn.[1]
    • Dùng khăn giấy ướt quấn quanh quả trứng.
    • Bỏ quả trứng vào túi ni lông và đổ ngũ cốc xốp làm từ gạo xung quanh.
    • Đổ cùng loại ngũ cốc đó vào 4 túi nhỏ khác không có trứng.
    • Đặt tất cả các túi trên vào một chiếc túi rộng hơn có khóa kéo. Nhớ đặt túi có quả trứng vào giữa và các túi khác xung quanh.
  2. Bọc trứng bằng vật liệu gói hàng. Vật liệu gói hàng được thiết kế đặc biệt với mục đích bảo vệ các vật dễ vỡ khỏi bị va chạm và bể vỡ. Nếu có đủ vật liệu này, bạn có thể bảo vệ một quả trứng sống khỏi vỡ sau khi bị va chạm mạnh.[2]
    • Cách đơn giản nhất là dùng giấy xốp bong bóng loại dai. Cẩn thận quấn giấy xốp bong bóng xung quanh quả trứng 2 đến 5 vòng để tạo thành một lớp đệm dày. Dùng dây thun buộc hai đầu giấy gói để trứng khỏi tuột ra ở đầu trên hoặc đầu dưới giấy gói.
    • Nếu không có giấy xốp bong bóng, bạn có thể dùng các loại vật liệu khác như hạt xốp, túi hơi ni lông, giấy gói hàng, bông gòn hoặc báo vò nhàu. Lót một lớp vật liệu dày vào trong một chiếc hộp có kích thước lớn hơn quả trứng ít nhất 4 đến 8 lần. Bạn cần có đủ vật liệu để lót đến nửa hộp. Đặt quả trứng vào giữa lớp đệm, sau đó nhẹ nhàng phủ vật liệu lót đầy hộp. Đóng nắp hộp lại và dùng băng keo dán cố định trước khi thả.
  3. Thử dùng kẹo dẻo hoặc bắp rang. Các loại thức ăn mềm và xốp này có thể dùng như ngũ cốc hoặc vật liệu đóng gói. Nguyên tắc cơ bản là bao bọc một lớp đệm xung quanh quả trứng để giảm bớt lực tác động lên quả trứng khi nó tiếp đất.
    • Các vật đựng có thể không tạo nên sự khác biệt lớn, nhưng có vài điều bạn cần lưu ý. Đảm bảo chiếc hộp đựng phải đủ rộng để bạn có thể tạo lớp đệm bao bọc toàn bộ quả trứng, đề phòng trường hợp chiếc hộp tiếp đất bằng cạnh bên thay vì bằng đáy hoặc nắp hộp. Bạn cũng cần đảm bảo có đủ kẹo dẻo, bắp rang hoặc các loại thực phẩm mềm tương tự để đổ đầy vật đựng. Nếu không, quả trứng có thể di chuyển bên trong.
    • Kẹo dẻo và bắp rang có tác dụng tốt vì chứa nhiều không khí. Bạn cũng có thể thử dùng một số thực phẩm khác, nhưng nhớ là phải thật mềm hoặc thật xốp.
    • Đổ kẹo dẻo đầy nửa hộp. Đặt trứng vào giữa đống kẹo dẻo và cẩn thận phủ kẹo dẻo lên đầy hộp. Đảm bảo hộp chứa đầy kẹo dẻo, nhưng nhớ đừng ấn xuống bên trên quả trứng khi bạn đậy nắp hộp.
  4. Để quả trứng trong nước. Bạn có thể để quả trứng nổi trong nước khi thả xuống; lực va chạm sẽ phân phối đều trong nước và rất ít tác động lên quả trứng.
    • Đặt quả trứng vào một hộp thiếc, hộp nhựa hoặc vật đựng khác có độ bền. Vật đựng phải lớn hơn quả trứng khoảng 5 lần.
    • Đổ nước đầy hộp và thêm vào nước một nắm muối. Trứng sẽ nổi hơn trong nước muối. Đảm bảo vật đựng phải chứa đầy nước và thật kín trước khi thả.

Thay đổi cách rơi của quả trứng[sửa]

  1. Làm ”nôi” cho trứng. Dùng tất da hoặc quần tất treo quả trứng lơ lửng giữa hộp. Tất da rất mềm mại và đàn hồi. Khi chiếc hộp đựng quả trứng va chạm với mặt đất, chiếc tất da sẽ giữ cho quả trứng nảy lên trên và dừng lại không quá đột ngột. Kết quả là lực tác động lên vỏ trứng giảm đi và khả năng trứng bị nứt cũng thấp hơn.
    • Cắt rời một ống của chiếc tất da. Đặt quả trứng vào giữa chiếc tất. Dùng dây thun buộc cố định quả trứng.
    • Căng chiếc tất theo đường chéo của chiếc hộp, từ góc trên xuống góc dưới. Quả trứng phải nằm ở giữa hộp. Dùng ghim hoặc cách nào đó để cố định chiếc tất da.
    • Lưu ý rằng hộp đựng hầu như có thể làm bằng mọi chất liệu. Bạn có thể dùng hộp các-tông hoặc hộp nhựa, hoặc thậm chí bạn có thể tạo khung hộp bằng mắc áo kim loại.
  2. Làm đáy hộp nặng hơn. Bạn có thể đặt quả trứng lên lớp đệm lót trong hộp thay vì đặt vào giữa hộp, miễn là hộp đủ nặng để bạn điều khiển được hướng rơi của hộp. Cách dễ nhất là dùng một hòn đá và vài chiếc cốc làm bằng vật liệu xốp.
    • Đặt hòn đá nặng vào một chiếc cốc. Hòn đá phải nặng hơn quả trứng.
    • Đặt thêm 6 chiếc cốc xốp khác vào chiếc cốc đầu tiên, bên trên hòn đá.
    • Đặt quả trứng vào chiếc cốc trên cùng.
    • Đặt thêm một chiếc cốc nữa bên trên quả trứng để giữ cố định.
    • Dùng băng keo dán những chiếc cốc lại với nhau theo chiều dọc để vật đựng không rời ra trong khi rơi.
    • Nếu hòn đá đủ nặng, những chiếc cốc đựng quả trứng sẽ rơi xuống và tiếp đất bằng phần đáy có hòn đá và phần có quả trứng ở bên trên. Những chiếc cốc xốp cũng sẽ tạo thành lớp đệm bảo vệ trứng.
  3. Làm dù. Nếu biết thiết kế một chiếc dù cho hộp đựng trứng, bạn có thể giảm được tốc độ rơi của quả trứng. Khi rơi với tốc độ chậm hơn, lực tác động lên quả trứng cũng sẽ giảm đáng kể khi chạm mặt đất. Lực giảm nghĩa là quả trứng của bạn cũng có cơ hội “sống sót’’.[3]
    • Có vài kiểu dù khác nhau mà bạn có thể thử làm, nhưng một trong các vật liệu dễ nhất là túi xốp ni lông. Đặt quả trứng vào hộp cùng với lớp đệm. Dùng băng keo hoặc đinh ghim gắn chiếc túi xốp lên trên nắp hộp. Đảm bảo phần tay xách của chiếc túi phải gần các cạnh hộp để lấy đủ không khí vào trong túi khi chiếc hộp rơi xuống.
    • Khi thả chiếc hộp, bạn cần nhớ để mặt có đính túi ni lông ở trên. Điều này sẽ khiến không khí thổi vào bên trong, làm phồng túi và giảm tốc độ rơi.

Thay đổi vị trí tiếp đất[sửa]

  1. Đón bắt quả trứng bằng lưới. Quả trứng vỡ khi rơi xuống đất vì sự giảm tốc quá lớn trong một khoảng cách ngắn sẽ tạo một lực đáng kể. Việc đón bắt quả trứng trong tấm lưới hoặc một thứ tương tự có thể tăng thời gian giảm tốc và do đó giảm được lực tác động.
    • Nếu không có lưới an toàn, bạn chỉ cần dùng một tấm vải để thay thế. Căng tấm vải trên những chiếc cọc cách mặt đất ít nhất 30 cm. Khi thả trứng, bạn nhớ thả sao cho quả trứng rơi càng gần trung tâm tấm vải càng tốt.
    • Tương tự, bạn cũng có thể tạo một tấm đệm thay cho lưới để quả trứng rơi vào. Nguyên lý hoạt động ở đây cũng giống như trên. Lót một lớp dày giấy xốp bong bóng hoặc vật liệu gói hàng tương tự vào một chiếc hộp rộng. Khi thả trứng, bạn cần đảm bảo nó rơi xuống đệm.
  2. Chọn vị trí có cỏ mọc. Nếu có thể chọn vị trí tiếp đất, bạn hãy chọn bãi cỏ thay vì vỉa hè bê tông hoặc bãi giữ xe. Cỏ và đất tất nhiên là mềm hơn bê tông và đá, do đó lực va chạm cũng tự động giảm đi đáng kể.
    • Để có kết quả tốt hơn nữa, bạn hãy thả quả trứng sau trận mưa to, khi mặt đất thật mềm. Tránh thả trứng trong thời gian khô hạn, vì khi đó mặt đất thường cứng hơn nhiều.

Lời khuyên[sửa]

  • Kết hợp càng nhiều yếu tố càng tốt khi thả trứng. Việc giảm tốc độ trứng rơi đồng thời phân phối lực bằng lớp đệm có tác dụng bảo vệ vỏ trứng mỏng manh tốt hơn so với khi chỉ dùng một biện pháp. Nếu có thể thay đổi bề mặt tiếp đất của quả trứng thì còn an toàn hơn nữa.
  • Nếu tham gia vào dự án của lớp hoặc tham dự cuộc thi thả trứng chính thức, bạn nên nghiên cứu kỹ nguyên tắc và tuân thủ đúng khi thiết kế kỹ thuật.
  • Thả nhẹ tay. Khi thả trứng, bạn nên cầm quả trứng bên trên bề mặt bên dưới và buông tay cho nó rơi xuống. Không ném trứng xuống vì động tác này sẽ tạo thêm lực và tốc độ rơi của quả trứng, khiến nó dễ bị nứt hơn khi bị va chạm. Độ cao cũng sẽ tăng lực va chạm và tăng khả năng làm nứt trứng nếu không có đệm bên trong.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • 1 quả trứng sống
  • Túi ni lông nhỏ có khóa kéo
  • Túi ni lông to có khóa kéo
  • Ngũ cốc làm từ gạo có độ xốp
  • Tất da ni lông
  • Kéo
  • Dây thun
  • Mắc áo
  • Hộp
  • Dụng cụ dập ghim
  • Cốc làm bằng chất liệu xốp
  • Băng keo
  • Một hòn đá
  • Giấy xốp bong bóng loại dai
  • Hạt xốp
  • Túi hơi ni lông
  • Bông gòn
  • Giấy gói hàng
  • Báo
  • Kẹo dẻo
  • Bắp rang
  • Túi xốp hoặc vật tương tự để làm dù
  • Tấm vải
  • Cọc
  • Nước
  • Muối

Nguồn và Trích dẫn[sửa]