Thảo luận:Sách giáo khoa phải giúp lịch sử tồn tại trong lòng dân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

TTO - Tôi vừa đọc xong bài "Lại bàn về học sử", tôi có vài lời đồng cảm như sau: Học trò học sử nước Việt mà không yêu sử, nhớ sử, không biến được hành động hào hùng và bi tráng của cha ông thành hành động của mình, đó là lỗi của người viết sách giáo khoa Lịch Sử.

Tôi đã từng xem qua các sách giáo khoa Lịch Sử viết từ sau ngày đất nước giải phóng đến nay. Có nhiều thay đổi trong nội dung bài học, nhưng quan niệm về diễn tả lịch sử thì chưa đổi. Trong bối cảnh đó, thầy cô giáo dạy Sử có tâm huyết cũng khó làm điều gì khác được. Vì vậy, các nhà làm giáo dục Lịch sử hãy cùng ngồi lại với nhau để góp sức làm ra những tài liệu học tập có hồn, tạo ra cảm xúc, làm cho học sinh yêu mến học Sử.

Không chỉ là bàn luận suông từ ngày này qua ngày khác. Đề nghị các vị lãnh đạo Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường, chọn ra những bài dạy thí điểm, mời những thầy cô dạy Sử có kinh nghiệm và tâm huyết, tổ chức những giờ học Sử theo quan điểm mới (không chỉ cung cấp tri thức lịch sử mà còn truyền xúc cảm, có dấu nhấn trong từng bài. Tất nhiên là phải có kinh phí xứng đáng công sức đầu tư của thầy cô).

Sau các tiết học đó, đặt câu hỏi cho học sinh, thích gì, cảm nhận được gì để làm cơ sở cải tiến trong bài giảng lần sau. Chính các thầy cô giáo dạy sử phải đề xuất những ý tưởng quan trọng việc thay đổi quan điểm viết sách giáo khoa môn Sử.

Cuối cùng, cám ơn tác giả Nguyễn Hà đã viết ra những điều rất phù hợp với lòng tôi. Thời tiểu học, tôi đã từng rung cảm với sách lịch sử viết về hào khí của Bà Trưng, Bà Triệu, với Ngô Quyền, với các tướng nhà Trần, với Quang Trung Nguyễn Huệ, Vâng, làm sao để những cuốn sách giáo khoa đó dừng là "hoài niệm" đối với chúng tôi.

Nếu có những cuốn sách như vậy thì lịch sử mới thật sự tồn tại trong lòng mỗi người, và chỉ dẫn hành động đúng đắn, hợp tình cho mỗi công dân trên bước đường hội nhập cùng thế giới.

LÝ MINH TIÊN (GV Trường ĐH Sư Phạm TP HCM)


Tôi tán thành ý kiến của nhà giáo Nguyễn Hà - Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM. Còn nhớ hồi còn học tiểu học, hết lớp tư (lớp 2 bây giờ) tôi được nhận phần thưởng là một quyển sách lịch sử mà tôi không nhớ rõ dành cho lớp nào, chỉ có điều nhớ mãi là bài học rất dễ thuộc vì ngắn gọn và kèm hình ảnh vẽ khá đẹp. Mãi đến khi học đến lớp nhất (lớp 5 bây giờ) tôi vẫn đọc đi đọc lại quyển Sử ấy. Từ những hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh với cờ lau tập trận, cho đến những bài nói về bà Cù Thị Hậu... ở gần cuối sách.

Tôi nghĩ, Trường ĐH KHXH&NV là một trong những đầu tàu cần phải đào tạo cho đất nước (chứ không chỉ cho ngành giáo dục) những người viết Sử mang trong tâm họ không chỉ tình cảm sâu nặng đối với sử ta mà còn tình yêu trẻ em (học sinh) của chúng ta nữa.

Hơn thế nữa, viết sử phải cẩn thận và hết lòng vì tương lai dân tộc. Đào tạo người viết sử nên học cách làm của người xưa. Trong nghìn người mời về một "trại sáng tác" có thể chỉ chọn lấy vài bài hay để đưa vào lưu truyền hậu thế. Nếu cần, vẫn có thể dành thời gian nhiều năm cho một Ban soạn Sử cấp quốc gia, trong điều kiện công nghệ hiện nay càng thuận lợi hơn khi có internet và những diễn đàn dạng wiki như Thư viện Khoa học (http://thuvienkhoahoc.com/).

Về kinh phí, có thể huy động cộng đồng ủng hộ ngay chính trên trang diễn đàn đó. Chỉ có điều tôi nghĩ, việc sử dụng tài chính phải đúng thì mới có thể nhận thêm tài trợ từ Chính phủ để chương trình thêm hiệu quả. Xin cảm ơn nhà giáo Nguyễn Hà với nhận định chính xác: "Tiếc rằng những cuốn giáo khoa lịch sử như vậy chỉ còn là hoài niệm và mong ước của rất nhiều người!".

TRẦN TRỌNG CHÂU


Tôi năm nay 45 tuổi rồi, thế mà những bài học "sử ký " ngày xưa (từ lớp 1 đến lớp 5) vẫn còn vang vọng trong tôi! Còn nhớ ngày ấy, trường tôi dạy học theo cuốn "8 môn học yếu lược" - được soan từ lớp 1 đến lớp 5. Môn học đầu là Đức dục và kế tiếp là Sử ký (còn lại là Số học; Đo Lường; Khoa học...). ]

Tôi nhớ như in những bài học Sử ngày đó với cấu trúc đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm một hồn nước, khơi dậy trong học sinh lòng tự hào và mến yêu tha thiết quê hương đất nước.

Những cái tựa nghe cũng rất hay như học về Vua Quang Trung, có 3 bài thì bài 1 là : Vua Quang Trung: Kinh tế - Chính trị; Bài 2 là Vua Quang Trung: Tôn Giáo - Văn Học; Bài 3 Vua Quang Trung: Binh Bị - Giáo Dục. Còn từ lớp 1, lớp 2 cũng đã có những bài Sử rất hay về các nhân vật lịch sử như bạn Nguyễn Hà đã nêu trong bài "Lại bàn về học sử". Lòng yêu thương đất nước, lòng tự hào về dân tộc đã được hun đúc nhẹ nhàng qua những bài học như thế.

Tiếc thay các em học sinh ngày nay không có được những bài học như vậy! Hy vọng rằng ngành giáo dục sẽ có thay đổi về lãnh vực này. Tôi nghĩ chúng ta đâu có thiếu những nhà giáo tâm huyết với nền sử học nước nhà. Có lẽ cái thiếu là ở chỗ khác! Mong sao sớm có những bài học giáo khoa về lịch sử thật sự được yêu thích cho cả thầy lẫn trò và toàn xã hội! Mong lắm thay!

TRẦN HỮU NGỌC


Bài của tác giả Nguyễn Hà rất đầy đủ và toàn những ý kiến đầy tính xây dựng trong vấn đề dạy sử của Việt Nam. Học sử một cách có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi công dân. Như tác giả nói, học sử một cách có ý nghĩa sẽ dạy con người có tình nghĩa, luân thường đạo đức.

Ngoài những phương pháp dùng để giúp người công dân thông hiểu lịch sử nước nhà, vừa có phần lý trí, tri thức, vừa có tình cảm và gia cảm như tác giả nói, tôi thấy rằng phim ảnh cũng rất hiệu nghiệm.

Nhưng nhớ lại, từ khi lớn lên, ở Việt Nam hầu như phim ảnh không giúp nhiều cho tôi thông hiểu hơn về sử Việt Nam. Vì vậy, tôi rất mong thế hệ con cháu của mình sẽ được xem phim về các nhân vật lịch sử oai hùng của dân tộc như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Quang Trung...

Tran L Hong