Thể hiện sự đồng cảm

Từ VLOS
(đổi hướng từ Thể hiện sự Đồng cảm)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Biết cách đồng cảm với người khác là một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất mà bạn cần học. Trong một thế giới mà mọi người dành quá nhiều thời gian để chỉ trích những sai lầm, kích động sự sợ hãi và giận dữ ở người khác, thì sự đồng cảm có thể là niềm an ủi đối với những nỗi sợ và cơn tức giận đó. Chúng có thể giúp bạn và những người khác được sống một cuộc sống trọn vẹn và lành mạnh hơn. Đồng cảm có nghĩa là bạn phải đặt mình vào vị trí của người khác, tinh tế và nhạy cảm với cảm xúc của họ để có thể giúp đỡ họ.

Các bước[sửa]

Kết nối với Người khác thông qua sự Đồng cảm[sửa]

  1. Lắng nghe. Lắng nghe là một trong những cách hiệu quả nhất để bạn bộc lộ sự đồng cảm với người khác. Khi bạn lắng nghe một cách tích cực, cõ nghĩa là bạn đang tập trung nghe có mục đích.[1] Bạn sẽ không để ý tới điện thoại của mình, hay nghĩ rằng mình sẽ làm món gì cho bữa tối, bạn đã thực sự hòa mình vào những gì người kia đang nói.
    • Nếu bạn đang nghe ai đó nói chuyện mà lại bị phân tâm bởi ý nghĩ về bữa tối hoặc điều gì bạn đang định nói với họ, hãy quay lại hiện thực bằng cách nói “Tôi vừa nghĩ về ____ (thứ gần nhất họ nói với bạn mà bạn còn nhớ được)____ và tôi đang tự hỏi không biết bạn có thể nhắc lại điều bạn vừa nói để tôi không bị bỏ lỡ bất cứ điều gì, được không?”
    • Nhìn vào mắt người nói (đừng nhìn chằm chằm, nhưng hãy cố duy trì sự kết nối bằng ánh mắt), và ngồi đối diện với họ. Đừng nhìn lơ đãng qua chỗ này chỗ khác, bởi như vậy trông sẽ giống như bạn đang không chú ý và không quan tâm tới những gì người khác đang nói.
    • Lắng nghe một cách tích cực đòi hỏi 3 điều.[2] Thứ nhất, diễn giải những gì người kia nói để thể hiện rằng bạn hiểu câu chuyện. Đây cũng là một kỹ năng lắng nghe nói chung. Thứ hai, là phản hồi lại bằng những cảm xúc của riêng bạn. Việc này là một phần quan trọng của sự đồng cảm bởi nó giúp người nói hiểu rõ và có thể điều chỉnh cảm xúc của mình. Đây là lí do chủ chốt tại sao chúng ta lại đòi hỏi sự đồng cảm từ người khác. Phản ứng của họ giúp chúng ta điều chỉnh phản ứng của chính chúng ta và làm cho nó có ý nghĩa hơn. Thứ ba, thể hiện thái độ xuất phát từ phản ứng của chúng ta. Thể hiện thái độ của bạn cũng là một yếu tố quan trọng, bởi vì thêm một lần nữa, bạn lại chứng minh là bạn hiểu trạng thái cảm xúc của họ và giúp họ tìm ra cách ứng xử để tiếp tục cuộc nói chuyện.
  2. Mở lòng. Chỉ lắng nghe ai đó sẽ không thể tạo ra được cầu nối giữa người đó và bạn. Mở lòng để đón nhận cảm xúc là một việc cực kỳ khó khăn và yêu cầu sự dũng cảm rất lớn, nhưng nó sẽ giúp bạn tăng thêm mối liên kết với người khác.[3]
    • Đồng cảm là một con đường hai chiều. Nó gắn liền với việc chia sẻ những điều thầm kín và tạo ra một mối liên kết cảm xúc. Để thực sự đồng cảm với người khác, bạn phải chia sẻ thế giới nội tâm của mình với họ như khi họ chia sẻ với bạn.
    • Điều này không có nghĩa là bạn phải kể mọi chuyện xảy ra trong đời mình với tất cả những người bạn gặp. Bạn cần phải quyết định người mà bạn sẽ chia sẻ với, nhưng để thực sự đồng cảm, bạn cần phải đặt hi vọng vào khả năng và cơ hội mà việc cởi mở có thể mang đến, đặc biệt là với những người mà bạn ít mong đợi nhất.
    • Khi bạn đã tìm ra một người mà bạn có thể cởi mở hơn, hãy thử làm như sau: thay vì dựa vào những ý nghĩ hoặc ý kiến trong cuộc trò chuyện, hãy cố gắng thể hiện cảm giác của bạn về một chủ đề nhất định. Hãy thử nói những câu bắt đầu với ngôi thứ nhất, “Tôi” chẳng hạn. Ví dụ, "Tôi rất mừng vì hôm nay được đi chơi với cậu". Cuối cùng, hãy hạn chế trả lời câu hỏi của người khác bằng “Tôi không biết nữa”, đặc biệt nếu đó là một câu hỏi mang tính riêng tư. Mọi người thường phản ứng theo cách này để khỏi phải đi sâu vào câu chuyện của người khác. Hãy cố đưa ra một câu trả lời để thể hiện cảm xúc thật của bạn.[3]
  3. Thể hiện tình cảm thể chất. Tất nhiên là bạn không thể làm điều này với tất cả mọi người, và rõ ràng là bạn phải hỏi trước khi thể hiện tình cảm thể chất với ai đó để đảm bảo việc đó không làm họ thấy khó chịu (thậm chí dù bạn đã biết họ được một thời gian). Thể hiện tình cảm thể chất có thể làm tăng lượng hoocmon oxytocin (hoocmon “tình yêu”) và làm cho cả hai người cảm thấy dễ chịu hơn.[4]
    • Nếu bạn đã thân thiết với người đó, hãy ôm họ, hoặc khoác tay qua vai, hay vòng tay vào tay họ. Việc này không những thể hiện rằng sự chú ý của bạn tập trung vào họ, mà còn tạo ra một mối liên kết giữa hai người.
    • Hoocmon oxytocin được biết là giúp con người thấu hiểu cảm xúc của người khác tốt hơn, vì vậy chỉ một cái ôm, được sự đồng thuận của người kia, cũng sẽ giúp làm tăng độ nhạy cảm của bạn cũng như của người mà bạn đang thể hiện sự đồng cảm cùng. [5]
  4. Tập trung sự chú ý của bạn ra bên ngoài. Chú ý đến môi trường xung quanh, đến những cảm xúc, biểu hiện và hành động của những người quanh bạn. Hãy lưu ý về việc những người mà bạn tương tác cùng sẽ cảm thấy thế nào.[6]
    • Chú ý tới môi trường xung quanh bạn. Hãy chú ý đến những âm thanh, mùi hương, nhìn và ghi nhớ chúng một cách có chủ ý. Con người thường không chú ý đến môi trường xung quanh. Ví dụ, hãy nghĩ xem đã bao lần bạn đi bộ hoặc lái xe tới nơi nào đó mà không còn nhớ thứ gì trên đường từ A đến B? Hãy chú tâm tới môi trường quanh bạn.
    • Nghiên cứu chỉ ra rằng chú tâm tới môi trường và mọi người quanh bạn sẽ giúp bạn dễ mang sự đồng cảm và giúp đỡ đến với họ khi họ cần.[7]
  5. Giữ lại lời phán xét. Đây là một bước quan trọng để học cách đồng cảm và chú tâm. Có thể sẽ rất khó để giữ lại lời phán xét ngay lập tức, đặc biệt là ở lần đầu gặp mặt hay tương tác với ai đó. Tuy nhiên, đó là một bước quan trọng để hướng tới mục tiêu trở thành người biết cảm thông.[8]
    • Cố gắng để có sự hiểu biết sâu sắc hơn về quan điểm của người khác thay vì ngay lập tức phán xét nó là tốt hay xấu. Bằng cách này bạn sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn. Điều này không nhất thiết có nghĩa rằng người khác luôn đúng hay luôn tốt, nhưng dành thời gian để đạt được một cái nhìn sâu sắc hơn sẽ giúp bạn trong việc phát triển sự đồng cảm dành cho họ.[9]
    • Tất nhiên, nói vậy không phải có nghĩa là khi có ai đó hành động một cách đáng bị khiển trách (nói những câu phân biệt chủng tộc, những điều tục tĩu hoặc cư xử như một kẻ bắt nạt người khác) thì bạn không nên can thiệp hay nói gì đó. Dám nói ra suy nghĩ của mình là một hành động thể hiện lòng can đảm và nhân ái.
    • Đưa ra những lời phán xét vội vã về người khác là một khía cạnh cơ bản của tính cách loài người.[10] Chúng ta phát triển khả năng này từ thời tổ tiên của chúng ta nhằm phát hiện ra những mối nguy hiểm tiềm tàng từ người khác hoặc từ các tình huống. Dù vậy, cơ chế bẩm sinh này rất khó để thay đổi.
    • Lần tiếp theo bạn thấy mình đưa ra một lời phán xét tức thời về một người khác, hãy cố vượt qua sự phán xét này bằng cách: 1) Tìm hiểu kỹ hơn về người ấy nhờ đó bạn có thể đồng cảm được với tình huống người ấy đang phải trải qua. 2) Chú ý một số điểm chung của người này với bạn (khi chúng ta phát hiện ra những điểm chung phổ biến giữa người với người, sẽ ít có khả năng chúng ta phán xét người khác). 3)Hỏi người ấy một số câu nhờ đó bạn có thể biết nhiều hơn về câu chuyện của riêng họ.
  6. Đề nghị giúp đỡ. Việc này thể hiện rằng bạn thấy những gì người khác đang phải trải qua và bạn muốn giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn. Đề nghị giúp đỡ là một hành động tuyệt vời để thể hiện sự đồng cảm, bởi nó cho thấy rằng bạn sẵn sàng dành thời gian của bạn để làm gì đó cho người khác mà không đòi hỏi sự đền đáp nào.[11]
    • Đề nghị giúp đỡ có thể chỉ là những hành động đơn giản như giữ cửa cho ai đó bước vào cùng một tòa nhà với bạn, hoặc mua giúp cà phê cho người xếp hàng ngay sau lưng bạn. Có thể là một việc lớn như giúp người bạn lắp máy tính và dạy họ cách sử dụng. Hoặc, có thể là trông con giúp chị gái vào ngày cuối tuần để chị ấy có thể được nghỉ ngơi.
    • Thậm chí ngay cả chỉ cần đưa ra cơ hội giúp đỡ họ cũng đã là một cử chỉ thể hiện sự đồng cảm rồi. Nói với bạn bè rằng khi cần giúp đỡ thì họ có thể nhờ bạn, hãy mở ra một con đường cho sự giúp đỡ và hỗ trợ cho họ.

Nuôi dưỡng sự Đồng cảm của Bạn[sửa]

  1. Học cách tò mò tới những người lạ. Một phần của việc thể hiện sự đồng cảm là phải thấy thích tìm hiểu về người khác, đặc biệt là những người mà bạn chưa từng gặp bao giờ và những người không có trong vòng kết nối xã hội của bạn. Đó có thể là những người bạn gặp ngẫu nhiên trên xe bus, hoặc người bạn đứng cạnh khi xếp hàng ở quầy cà phê.[12]
    • Kiểu tò mò này phải đi xa hơn là chỉ đơn giản nói về vấn đề thời tiết – mặc dù đó luôn là một chủ đề tốt để bắt đầu câu chuyện. Bạn cần hiểu thêm ít nhiều về thế giới của người khác, đặc biệt là những người lúc bình thường bạn không nói chuyện cùng. Việc này cũng yêu cầu bạn phải cởi mở với họ, bởi vì bạn sẽ không thể có được kiểu nói chuyện này nếu như bạn cũng không nói về bản thân mình.
    • Thực hiện những cuộc trò chuyện như vậy cũng là cách tốt để thử sự đồng cảm của bạn, bởi vì một số người không thích nói chuyện, nhờ vậy bạn có thể học cách phát hiện ra những biểu hiện đó và không tiếp cận họ. Để ý những biểu hiện kiểu như đọc sách, đeo tai nghe, quay mặt ra hướng khác và tránh nhìn vào mắt người khác.
    • Nếu một người tạo ra liên lạc bằng ánh mắt với bạn, hãy mỉm cười khích lệ họ. Sau đó, cố gắng tìm thứ gì đó xung quanh hoặc đặc điểm cá nhân nào đó của họ mà bạn có thể dùng làm chủ đề mở đầu câu chuyện. Một số ví dụ như: bình luận về cuốn sách mà người đó đang đọc hoặc nhờ người đó giúp đỡ hay giải thích điều gì đó về một vấn đề của bạn. Tiếp tục mỉm cười khích lệ và thỉnh thoảng nhắc đến tên người đó trong cuộc nói chuyện.[13]
    • Thêm nữa, luôn phải chắc chắn rằng bạn thận trọng trong những tình huống đó. Nếu bạn cảm thấy bị đe dọa hay không thoải mái với người bạn đang nói chuyện, hãy kết thúc cuộc trò chuyện và đi chỗ khác. Hãy tin vào bản năng của mình.
  2. Tình nguyện. Đôi khi, mọi người chỉ có động lực để tiếp cận và giúp người khác sau khi họ trải qua tình huống cần được giúp đỡ. Nếu bạn muốn phát triển sự cảm thông cho người khác, hãy đi tình nguyện. Việc làm tình nguyện thúc đẩy sự hiểu biết về nhu cầu của cộng đồng và cho phép bạn kết nối với những người mà thường bạn không được gặp trong cuộc sống hàng ngày. Dành một phần thời gian của bạn cho những người cần giúp đỡ cũng mang lại cho bạn những lợi ích về sức khỏe tinh thần tuyệt vời.[14]
    • Làm một số nghiên cứu liên quan đến cộng đồng ở địa phương bạn để xác định xem đối tượng nào có nhu cầu được giúp đỡ. Bạn có thể làm tình nguyện ở tổ chức Hỗ trợ nhà ở cho người vô gia cư ở địa phương bạn, hoặc hội Chữ thập đỏ, hoặc có thể là giúp đỡ dạy kèm các em học sinh.
  3. Thay đổi định kiến của chính bạn. Khi bạn đã kiên quyết tin vào thứ gì đó thì chưa chắc nó đã đúng, đôi khi rất khó để chấp nhận điều này. Hãy dành thời gian để phân tích định kiến của chính bạn. Học cách nhìn nhận người khác như một cá nhân có tư cách chứ không phải như “những bà mẹ vì lợi ích” (sinh con để nhận trợ cấp và ưu tiên từ xã hội) hay “kẻ khủng bố” hay “xã hội đen” sẽ giúp rèn luyện sự đồng cảm của bạn.[15]
    • Tìm kiếm những dấu hiệu chung giữa bạn với người mà bạn vốn nghĩ là một kiểu người cá biệt và dùng điểm chung đó để tạo nên một mối liên kết với người đó.
    • Ngoài ra, thay đổi những thành kiến và giả định của bạn.[16] Hãy tự hỏi tại sao bạn lại nghĩ tất cả những người nghèo đều lười biếng, hay tất cả những người có vấn đề tâm thần đều nguy hiểm, hay tất cả những tín đồ của một tôn giáo nào đó đều là khủng bố. Rất nhiều giả định và định kiến được dựa trên những thông tin sai lầm đã trở thành phổ biến. Hãy tự giáo dục bản thân và lắng nghe những người bị ảnh hưởng bởi kiểu thông tin sai lệch này.
  4. Dùng đến trí tưởng tượng của bạn. Một trí tưởng tượng tốt là mấu chốt của việc thể hiện sự đồng cảm đối với thứ gì đó. Bạn không thể nào trải nghiệm được tất cả mọi thứ có thể xảy ra với ai đó, nhưng bạn có thể dùng trí tưởng tượng để có một chút khái niệm về những gì bạn có thể cảm thấy, và dùng điều đó để thấu hiểu và cảm thông với họ.[17]
    • Tích cực tưởng tượng những gì ai đó phải trải qua có thể giúp bạn thông cảm với họ. Vì vậy, thay vì cho rằng người đàn ông ăn xin trên phố đang xin tiền mọi người sẽ đem hết tiền được người ta cho để đi uống rượu, hãy thử tưởng tượng sẽ như thế nào khi phải sống trên đường phố, dựa vào lòng thương hại của người khác, trong một thế giới đối xử bất công với những người như cựu chiến binh, người tâm thần và những người khốn cùng.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đọc tiểu thuyết tâm lý có xu hướng hiểu rõ cảm xúc, hành vi và xác định mục đích tốt hơn. Vì vậy hãy đọc thật nhiều và cố tập trung vào các tác phẩm viết về những người bị thiệt thòi.[18]
  5. Trải nghiệm thực tế. Việc này sẽ giúp bạn nhận được kinh nghiệm trực tiếp từ cuộc sống người khác, giống như câu ngạn ngữ “bước đi trong đôi giày của người khác”. Nhà văn George Orwell, đã từng sống trên các đường phố ở London để khám phá xem cuộc sống của những người sống ngoài lề xã hội sẽ như thế nào. Orwell kết bạn với mọi người, thay đổi thái độ của ông về những người khốn cùng (ông kết luận họ không phải là “những kẻ vô lại say xỉn”), và thay đổi quan điểm của ông về sự bất bình đẳng trong xã hội.[19]
    • Bạn không cần phải đi xa đến mức đó, nhưng hãy thử làm tất cả những việc mẹ bạn phải làm trong ngày suốt cả tuần xem sao. Bạn sẽ nhận ra nó khó khăn như thế nào khi phải quản lý cả công việc ở chỗ làm và việc ở nhà, và bạn sẽ có nhận định đúng đắn hơn rằng mẹ bạn phải làm nhiều việc đến mức nào. Có thể bạn sẽ quyết định làm đỡ mẹ phần nào việc nhà.
    • Tương tự như vậy, nếu bạn theo đạo (hoặc vô thần) thì hãy thử tham gia vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, không phải để chế giễu họ hoặc để cảm thấy nổi trội hơn, mà để xem họ cảm thấy như thế nào.
  6. Đối xử với con người như một cá thể quan trọng.[20] Bắt đầu đối xử với mọi người như thể họ cũng quan trọng như bạn vậy. Bạn cần nhận ra rằng bạn không phải là người duy nhất trên đời này và bạn không phải là một cá thể siêu việt.
    • Nhìn nhận mỗi người một cách riêng biệt. Đừng đưa họ vào những khuôn mẫu với những định kiến sai lầm rằng ở đó ai cũng như ai. Mỗi người là một cá thể và đều có điểm yếu điểm mạnh riêng.
  7. Học thiền luyện tập lòng nhân ái. Thiền là một cách tốt để giúp bạn đối phó với những thứ như trầm cảm, lo âu và những căng thẳng tồn tại ngày này qua ngày khác. Học thiền luyện tập lòng nhân ái, cũng có thể giúp bạn dễ đồng cảm hơn.[21]
    • Bắt đầu bằng cách thiền thường xuyên. Ngồi ở đâu đó thoải mái và tập trung hít thở sâu. Nếu có suy nghĩ nào xen vào, hãy chấp nhận và giải phóng chúng khỏi tâm trí. Hình dung mình là một đối tượng của lòng nhân ái. Đừng suy nghĩ về những điểm yếu cũng như điểm mạnh của bạn. Đơn giản chỉ cần cảm thấy bản thân xứng đáng được yêu thương.
    • Khi bạn đã có thể yêu thương bản thân, hãy thực hiện nó đối với 4 kiểu người khác nhau: một người nào đó mà bạn tôn trọng, giáo viên chẳng hạn; một người mà bạn yêu quý, thành viên trong gia đình hoặc bạn bè chẳng hạn; một người bình thường, như ai đó ở cửa hàng hoặc người mà hôm đó bạn gặp ngoài đường; và một kẻ thù, người mà bạn đang có mâu thuẫn với họ.
    • Để giúp bạn đi đúng hướng, có thể sẽ hữu ích nếu bạn nhắc đi nhắc lại một câu thần chú như “lòng trìu mến” để nhắc nhở bản thân khi đi sai hướng và giúp bạn tập trung và giữ được cảm giác về lòng trìu mến, ngay cả đối với kẻ thù của mình.

Lời khuyên[sửa]

  • Đối với những phương pháp giao tiếp phi ngôn ngữ, tư thế cơ thể thích hợp, chuyển động của cơ thể, biểu lộ của nét mặt, và cử chỉ nhẹ nhàng, giọng nói ấm áp rất quan trọng. Những cái chạm tay nhẹ cũng rất có ích nếu sử dụng một cách thích hợp.
  • Tiếp cận người khác bằng một “mối quan hệ hợp tác” có thể tạo ra cảm giác liên kết, nhờ đó người kia có thể cảm thấy một phần của giải pháp và rằng bạn ở đó là để giúp đỡ họ.
  • Cả hai biện pháp giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ đều quan trọng trong việc truyền đạt sự đồng cảm; chúng cần được bổ sung cho nhau.
  • Xác nhận cảm xúc của người khác giúp truyền đạt sự chấp nhận và tôn trọng đối với những trải nghiệm cảm xúc của họ.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng nản chí nếu như bạn chưa làm đúng sau một vài lần thử. Như mọi việc khác, thể hiện sự đồng cảm một cách hiệu quả cần phải tập luyện lặp đi lặp lại nhiều lần để trở thành một thói quen.
  • Tránh những câu hỏi “tại sao” khi tìm hiểu về người khác. Đôi khi, điều này làm người đó cảm thấy bị trách móc.
  • Đừng nói với người đó những gì người đó nhẽ ra nên làm hay không nên làm. Thường thì họ đã biết điều đó rồi.
  • Hãy chắc chắn là bạn thể hiện sự đồng cảm một cách chân thành. Những người khác có thể nhìn thấu sự giả tạo và do đó, mối quan hệ của bạn với họ sẽ đi đến dấu chấm hết.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây