Giữ trí óc sắc bén và thái độ tích cực

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Cho dù ở bất cứ lứa tuổi nào, đôi lúc những nhầm lẫn trong trí nhớ dường như khiến chúng ta có cảm giác thất vọng. May mắn thay, vẫn có nhiều cách để giúp bạn duy trì một trí óc sắc bén, nhờ đó tinh thần của bạn cũng trở nên lạc quan hơn. Việc giữ trí não minh mẫn cũng giúp bạn dự đoán tình huống hiệu quả hơn và ra những quyết định sáng suốt hơn khi bạn lớn tuổi.

Các bước[sửa]

Rèn luyện các kỹ năng nhận thức[sửa]

  1. Tập thể dục mỗi ngày. Việc tập thể dục đem lại lợi ích kỳ diệu cho sức khỏe về chất lẫn tinh thần, xua tan sự trầm cảm và tăng cường khả năng miễn dịch.[1] Hơn nữa, trạng thái khỏe mạnh về thể chất cũng đã được chứng minh là giúp trí não minh mẫn hơn khi người ta già đi.[2]
    • Đặc biệt là khi đã qua tuổi 40, việc tập thể dục hàng ngày sẽ giúp duy trì sự nhanh nhạy ở vỏ não trước trán. Một nghiên cứu đã cho thấy những người cao tuổi tập thể dục có khả năng vượt trội hơn trong các nhiệm vụ ra quyết định so với những người không tập thể dục.[3]
  2. Áp dụng chế độ ăn lành mạnh. Sức khỏe của não bộ và tim mạch là yếu tố then chốt để duy trì khả năng lưu giữ ký ức khi chúng ta lớn tuổi hơn, thậm chí còn góp phần phòng chống bệnh mất trí nhớ.[4] Tránh dùng chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa vốn gây hại cho các mạch máu trong não, đảm bảo trong chế độ ăn gồm có:
    • Các chất béo lành mạnh như dầu ô liu và các a-xít béo omega-3 có trong các loại cá như cá hồi.[4]
    • Các chất chống ô-xy hóa đóng góp cho hoạt động tối ưu của não bộ; ngay cả sô-cô-la đen cũng được tính đến![2]
    • Nhiều hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt; những thực phẩm này có thể giúp giảm rủi ro đột quỵ.[4]
    • Một lượng cồn vừa phải. Người ta nói đúng đấy: một lượng cồn nhỏ có thể giúp đẩy lùi chứng mất trí nhớ nhờ tác dụng duy trì mức cholesterol tốt và insulin trong máu.[4] Tuy nhiên, bạn cần thận trọng: quá nhiều chất cồn sẽ đem lại hiệu ứng ngược, thậm chí dẫn đến chứng mất trí nhớ tạm thời.[5]
  3. Ngủ đủ giấc. Trạng thái mệt mỏi sẽ khiến năng lực tinh thần sút giảm; trái lại một bộ óc được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ có khả năng hoạt động tối ưu.
    • Bộ não lưu giữ các ký ức hàng ngày khi chúng ta ngủ, do đó bạn cần nghỉ ngơi để có thể nhớ được ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày.[6]
    • Bạn có thể cân nhắc chợp mắt sau khi học xong một điều gì đó mới hoặc quan trọng để giúp não lưu giữ vào ký ức.[6]
  4. Sử dụng bộ não thay vì máy tính. Toán học giúp bạn tăng cường các khả năng tư duy lô-gic và giải quyết vấn đề. Bạn có thể thực hành việc này một cách dễ dàng, nhất là với những việc đơn giản như tính toán trong đầu hoặc trên giấy. Nhiều người từ lâu đã không còn làm các phép tính chia kể từ khi rời trường trung học; hôm nào đó bạn hãy thử tính toán lại xem sao.
    • Khi đi mua thực phẩm, bạn hãy thử cộng giá tiền của các món hàng nằm trong xe đẩy. Không cần phải cộng chính xác số lượng; bạn có thể làm tròn giá tiền đến giá trị gần nhất. Khi ra tính tiền, bạn sẽ thấy mình tính chính xác như thế nào!
  5. Không ngừng học hỏi. Một nghiên cứu của trường đại học Harvard cho thấy việc nâng cao trình độ học vấn gắn liền với khả năng nhớ tốt hơn khi chúng ta lớn tuổi hơn.[7] Cho dù trước đây không học đại học, bạn vẫn có thể tiếp tục tự học trong suốt cuộc đời.
    • Đến thư viện để bổ sung kiến thức. Thư viện là một nơi tuyệt vời để thư giãn, suy nghĩ và tập trung vào việc nghiên cứu. Nếu có thời gian rảnh rỗi, bạn hãy đem theo một cuốn sách ra công viên hoặc vào một tiệm cà phê. Tất cả những việc này có thể giúp bạn duy trì trí óc nhạy bén và cải thiện tinh thần lạc quan.
    • Ghi danh học một lớp ở trường cao đẳng cộng đồng. Các khóa học tốt nhất đòi hỏi hoạt động về trí não và xã hội, chẳng hạn như nhiếp ảnh hoặc nghệ thuật chần vải.[8] Bạn còn có thêm một lợi ích nữa là gặp gỡ những người mới và kết bạn mới!
  6. Làm cho các “cơ bắp tinh thần” trở nên linh hoạt. Bạn có thể cải thiện năng lực của trí nhớ trong các lĩnh vực như tư duy lô-gic, giải toán, khả năng định hướng và quá trình điều chỉnh ý nghĩ bằng cách giải các câu đố và làm các bài tập khó. Việc tự thách thức bộ não có thể giúp bạn nâng cao các kỹ năng tư duy lô-gic và tự tin hơn khi giải quyết vấn đề trong một tình huống nhất định.
    • Thử giải các ô chữ.[9] Những người lớn tuổi chơi trò giải ô chữ thường giành được điểm cao trong các bài kiểm tra về nhận thức so với những người không chơi ô chữ. Mặc dù các nhà nghiên cứu không khẳng định rằng các trò giải đố có thể nâng cao khả năng trí tuệ, hay những người có khả năng trí tuệ cao hơn thường thích chơi giải đố vì họ có thể giải được, nhưng bạn cứ thử xem, vì điều này sẽ không hại gì![10]
    • Chơi game trên máy tính. Theo một nghiên cứu của trường đại học Harvard, một trò chơi mang tên NeuroRacer cho thấy có thể giúp cải thiện khả năng làm nhiều việc một lúc, duy trì hoạt động trí nhớ và sự tập trung của những người lớn tuổi tham gia trò chơi.[9]
  7. Chú tâm vào mọi giác quan. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng việc sử dụng mọi giác quan có thể kích hoạt nhiều vùng khác nhau trong não, từ đó giúp chúng ta duy trì trí nhớ. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được cho xem các hình ảnh kèm theo mùi hương và những hình ảnh không có mùi, và họ nhận thấy người chơi có khả năng nhớ lại các hình ảnh kèm mùi hương tốt hơn những hình ảnh không có mùi.[11]
    • Áp dụng vào thực tế, điều này cũng tương tự như việc sử dụng các phương pháp chú tâm để nhận biết những hình ảnh, mùi vị, cảm giác và âm thanh xung quanh chúng ta trong một tình huống xác định để sau đó nhớ lại sự kiện một cách rõ ràng hơn.
    • Bạn cũng có thể thử ngậm kẹo bạc hà cay. Tinh dầu bạc hà cay đã được kiểm chứng là có tác dụng hỗ trợ trí nhớ và sự tỉnh táo.[12] Bạn có thể ngậm một viên kẹo bạc hà cay khi đọc một thông tin mới hoặc học một điều mà bạn cần nhớ lại sau này.
  8. Thử dùng tay không thuận để làm mọi việc trong sinh hoạt thường ngày. Đây có thể là một thử thách lớn, nhất là khi chúng ta cố gắng viết hoặc đánh máy, nhưng đó là một cách tuyệt vời để buộc bản thân tập trung vào cả hai bán cầu não.
    • Ngồi xuống và thử viết lên một mảnh giấy bằng tay trái. Có lẽ ban đầu những dòng chữ bạn viết ra sẽ nguệch ngoạc, nhưng dần dần bạn sẽ điều khiển được đôi vai căng thẳng và kiểm soát dễ dàng hơn. Bài tập này thường được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân động kinh.[13]

Giữ một thái độ tích cực[sửa]

Ảnh minh họa
  1. Tìm kiếm khả năng đặc biệt. Cho dù ở trong giai đoạn nào của cuộc đời, tất cả chúng ta đều có thể học được những điều mới mẻ và phát triển tài năng hoặc kỹ năng của mình. Việc phát triển những kỹ năng mới sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự tin.[14]
    • Thử những môn thể thao như trượt patin hoặc quần vợt, tham gia nhóm hợp xướng hoặc câu lạc bộ hài nghiệp dư. Giảm bớt những kỳ vọng và đừng quá cầu toàn; hãy vui vẻ, gặp gỡ mọi người và làm hết khả năng của mình.[15]
    • Một số kỹ năng như học ngoại ngữ hoặc vi tính cũng rất hữu ích trong việc giữ cho đầu óc nhanh nhạy.[16]
  2. Thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Sự sáng tạo không chỉ đem lại lợi ích duy trì một trí óc minh mẫn và thái độ lạc quan: nó buộc bạn phải suy nghĩ và khiến các ‘’cơ bắp tinh thần’’ linh hoạt hơn. Những thành quả từ hoạt động tích cực sẽ càng củng cố sự tự tin và giúp bạn tận hưởng cuộc sống.
    • Thử khám phá tài làm thơ, may vá, chơi nhạc cụ, làm vườn hoặc vẽ. Nếu bạn không có cảm hứng nghệ thuật hoặc sáng tạo thì việc làm bánh hoặc viết nhật ký cũng là những cách tuyệt vời để bạn thể hiện bản thân mà không đòi hỏi nhiều kỹ năng.
    • Thử áp dụng các giải pháp sáng tạo vào công việc hàng ngày, chẳng hạn như đi mua sắm với số tiền giới hạn, hay tạo ra một món ăn mới phù hợp với chế độ ăn kiêng hoặc với một số nguyên liệu hạn chế. Giữ một thái độ lạc quan về khả năng tìm giải pháp trong các tình huống hàng ngày.[17]
  3. Phục vụ cộng đồng. Đặc biệt là khi bạn lớn tuổi hơn, việc đóng góp lại cho cộng đồng sẽ cho giúp cuộc sống của bạn có thêm ý nghĩa và nét cá tính riêng. Bạn sẽ có cái nhìn tích cực về cuộc sống và một thái độ lạc quan về vấn đề tuổi tác.[18]
    • Thử công việc phát cơm từ thiện cho những người vô gia cư, làm việc tình nguyện ở các trung tâm dành cho người cao tuổi hoặc làm việc với thanh thiếu niên ở các tổ chức địa phương. Công việc tình nguyện theo lịch trình đều đặn có thể giúp bạn có thêm nhiều bạn bè và giúp đỡ mọi người.
  4. Điều chỉnh cách nhìn nhận của bạn. Phải, khi đã lớn tuổi, chúng ta không thể làm được mọi việc như hồi còn trẻ. Nhưng thay vì nghĩ rằng đó là sự thất bại, bạn hãy nhìn nhận đó là điều tự nhiên và tập trung vào những việc mà bạn có thể làm được.[19]
    • Điều chỉnh thái độ còn là việc đánh giá hoàn cảnh hiện tại với cái nhìn mới mẻ. Ở nhiều góc độ, thái độ chính là tất cả: bạn có thể xoay chuyển một ý nghĩ hoặc một trải nghiệm tiêu cực và biến nó thành tích cực. Ví dụ, bạn không thể nhớ tốt như xưa, nhưng thay vì coi đó là sự thất bại hoặc xấu hổ, bạn hãy công nhận đó là kết quả tự nhiên của một cuộc sống tốt đẹp.[19]
  5. Hãy biết ơn. Các nhà khoa học đã tiến hành hàng trăm công trình nghiên cứu về lợi ích của thái độ biết ơn, trong đó có lợi ích giúp nâng cao cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn trong cuộc sống.[20] Có nhiều phương pháp mà bạn có thể thử áp dụng để nuôi dưỡng lòng biết ơn:
    • Viết một bức thư cảm ơn ai đó đã đem lại sự thay đổi tốt đẹp cho cuộc đời bạn và gửi đến họ kèm một món quà.[21]
    • Dành thời gian viết những lời biết ơn. Mỗi tuần dành ra một ngày (hoặc hơn) để viết ra ít nhất ba điều mà bạn đã trải qua và cảm thấy mình may mắn. Chúng có thể lớn lao hoặc nhỏ bé. Diễn tả rằng chúng đã khiến bạn cảm thấy thế nào. Bạn có thể làm việc này mỗi ngày, chẳng hạn như viết hàng đêm trước khi đi ngủ để nuôi dưỡng lòng biết ơn.[22]

Hỗ trợ cho trí nhớ[sửa]

  1. Viết các việc cần thiết ra giấy. Bạn không thể (và cũng không cần) nhớ hết mọi việc, do đó bạn nên ưu tiên để dành chỗ trống trong não và sử dụng các “phím tắt” để ghi nhớ những thứ không cần lưu giữ trong đầu.[11] Viết ra giấy là một giải pháp cần thiết để đảm bảo bạn không nhỡ các cuộc hẹn, quên uống thuốc hoặc quên làm các việc quan trọng khác mà bạn không thể mạo hiểm bỏ lỡ.
    • Thử dùng giấy ghi chú tự dính hoặc bảng viết bút lông ở văn phòng để ghi lại lời nhắc nhở hoặc nhiệm vụ hàng ngày.[9]
    • Sử dụng lịch hoặc bảng kế hoạch để theo dõi những sự kiện quan trọng sắp diễn ra và các thời hạn trong công việc. Bạn cũng nên ghi ra danh sách những thứ cần mua sắm khi đến cửa hàng thực phẩm.
  2. Lặp lại các chi tiết quan trọng. Việc lặp lại những điều người khác nói với bạn có thể giúp bộ não khắc sâu hơn và bạn sẽ nhớ lại dễ dàng hơn sau đó.[23]
    • Khi gặp một người mới và nghe họ giới thiệu, bạn hãy nhắc lại tên của họ ngay lúc đó và một lần nữa khi kết thúc cuộc trò chuyện. Bạn có thể làm điều này một cách tự nhiên: khi bắt đầu cuộc trò chuyện, bạn hãy nói, “Rất vui được làm quen với chị, chị Lan”. Sau đó, trước khi tạm biệt, bạn hãy lặp lại lần nữa, “Nói chuyện với chị vui lắm, chị Lan”.
    • Lặp lại các chỉ dẫn của bác sĩ, và nếu cần thiết, bạn có thể viết ra để đảm bảo ghi nhớ chính xác các thông tin.
  3. Tập thiền hoặc yoga. Khi học các phương pháp giúp tâm trí thanh thản và tập trung sự chú ý, bạn có thể cải thiện sự minh mẫn, điều này có tác động tích cực lên trí nhớ và khoảng chú ý.[24]
    • Trong một nghiên cứu, những người tham gia được thực hành bài tập chú tâm trong khoảng 20-30 phút mỗi ngày đã đạt được điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ tiêu chuẩn so với những người học lớp dinh dưỡng.
    • Chú tâm là một dạng thiền, theo đó người thực hành ngồi và thở chậm rãi, đồng thời tập trung các giác quan, chẳng hạn như hơi thở ra vào cơ thể. Bạn nên cố gắng tập thiền mỗi ngày hai lần, mỗi lần 10-20 phút.[24]

Tiếp nhận sự trợ giúp[sửa]

  1. Thừa nhận rằng có những thời điểm bạn cần đến sự giúp đỡ của người khác. Khi chúng ta nhiều tuổi hơn, năng lực trí tuệ cũng giảm sút, cho dù chúng ta có cố gắng giữ một trí óc minh mẫn đến đâu chăng nữa: đó là thực tế của cuộc sống. Điều quan trọng là bạn cần ở bên cạnh những người mình tin yêu, để đến khi già đi chúng ta có thể trông cậy vào họ trong các quyết định quan trọng khi có các tình huống nảy sinh.
    • Khi lớn tuổi, người ta thường nhớ nhầm những sự kiện mà thực ra không xảy ra. Việc ở bên cạnh một người trẻ hơn, chẳng hạn như con cái đã trưởng thành, có thể hỗ trợ cho ký ức của bạn nếu bạn cần nhớ lại một sự kiện xảy ra từ nhiều năm trước.[10]
  2. Ủy quyền giám hộ. Trước khi cần đến người giám hộ, bạn hãy xác định ai sẽ đóng vai trò là người giám hộ cho bạn nếu một lúc nào đó năng lực trí tuệ của bạn giảm sút. Bạn nên thuê một luật sư để làm hồ sơ hợp pháp khi đến lúc cần thiết.[25]
    • Nếu bạn không ủy quyền giám hộ cho ai, tòa án thường sẽ chỉ định một người thân gần nhất của bạn, có thể là anh chị em, vợ chồng hoặc con cái của bạn. Nếu có rắc rối trong quan hệ với những người thân (điều này rất thường xảy ra), bạn nên tự chỉ định người giám hộ, đừng phó thác quyết định quan trọng này cho tòa án.
    • Viết di chúc nêu những tâm nguyện của bạn về tài sản và sự chăm sóc cuối đời. Nếu chẳng may bị mất năng lực trí nhớ, bạn cần được đảm bảo rằng không ai có thể ra những quyết định trái với mong muốn của bạn và điểu khiển bạn.[25]
  3. Ra các quyết định liên quan đến sức khỏe ngay từ bây giờ. Bạn có thể ra các quyết định quan trọng về việc chăm sóc sức khỏe hiện tại và sau này, đồng thời viết thành văn bản để người giám hộ phải ghi nhớ ý nguyện của bạn.[25]
    • Nếu sống ở Mỹ, luật sư sẽ giúp bạn theo dõi quá trình thực hiện, nhưng thông thường họ sẽ đề nghị lập bản tiền chỉ thị (Advance Directive), trong đó bao gồm di chúc sống (Living Will), giấy ủy quyền (Power of Attorney hay Proxy) (thông thường bao gồm người giám hộ, nhưng không bắt buộc), và mong muốn của bạn về việc hồi sức và đặt nội khí quản (ví dụ như lệnh không làm hồi sức).[25]
  4. Nhờ sự giúp đỡ. Nếu bạn nghĩ mình có thể bị bệnh về thần kinh như Alzheimer hoặc mất trí nhớ, hãy tìm đến những người thân yêu và nhờ giúp đỡ. Bạn có thể chọn các kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe trong trường hợp bạn đang chiến đấu với các căn bệnh này.
    • Các triệu chứng của bệnh Alzheimer có thể khởi phát ở bất cứ độ tuổi nào, và nếu xảy ra trước 65 tuổi thì được gọi là “bệnh Alzheimer khởi phát sớm”.[1]
    • Cảm giác lo lắng và sợ hãi là hoàn toàn tự nhiên nếu trí nhớ của bạn ngày càng giảm sút. Nhưng việc trò chuyện với con cái hoặc những người thân yêu từ bây giờ sẽ giúp bạn đảm bảo cho tương lai. Bạn vẫn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và có ích ngay cả sau khi đã được chẩn đoán bệnh.[1]

Lời khuyên[sửa]

  • Đọc sách đúng cách để bổ sung kiến thức.
  • Chia sẻ quan điểm và ý tưởng với những người khác. Giúp đỡ mọi người giải quyết vấn đề của họ, và bạn sẽ có nhiều trải nghiệm phong phú.
  • Tập trung vào những điều cần nhớ bằng cách tưởng tượng các hình ảnh trong đầu.
  • Tham gia một câu lạc bộ mới. Việc thử những điều mới mẻ và khác lạ sẽ giúp trí não của bạn hoạt động theo nhiều cách khác nhau, kết quả là bạn sẽ trở thành người có đầu óc nhanh nhạy.
  • Học một ngôn ngữ mới được xem là một dạng bài tập rèn luyện trí não tuyệt vời đối với nhiều người. Hơn nữa, việc biết một ngôn ngữ mới sẽ mở ra triển vọng nghề nghiệp cho bạn sau này.
  • Điều quan trọng là bạn cần duy trì sự tập trung vào những thứ mới mẻ mỗi ngày và ngủ ngon giấc. Thiền, yoga và chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bạn thư giãn, khỏe mạnh và lạc quan.
  • Đọc thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện các kỹ năng nhận thức.
  • Vẽ một chấm đỏ trên tường và tập trung vào đó. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao khả năng tập trung.
  • Ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày, tùy theo nhu cầu. Số giờ ngủ tối đa cần thiết sẽ thay đổi tùy vào từng độ tuổi.
  • Tự tin và nghĩ tốt về bản thân.

Cảnh báo[sửa]

  • Đề phòng những người cố gắng suy nghĩ thay bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên cởi mở với những lời khuyên hữu ích. Khi có một trí óc sắc bén, bạn sẽ biết lời khuyên nào là tốt.
  • Đừng chiều lòng tất cả mọi người, vì có những người sẽ lợi dụng bạn. Nếu bạn duy trì một tinh thần minh mẫn thì ít có khả năng điều này xảy ra.
  • Tập trung vào những điều bạn muốn làm thay vì chỉ chú ý đến những điều mọi người muốn bạn làm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/fitness/in-depth/exercise/art-20048389
  2. 2,0 2,1 http://nyti.ms/1ItoTMI
  3. http://nyti.ms/1lOlvms
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 http://www.health.harvard.edu/mind-and-mood/boost-your-memory-by-eating-right
  5. http://pubs.niaaa.nih.gov/publications/arh27-2/186-196.htm
  6. 6,0 6,1 https://www.psychologytoday.com/blog/memory-medic/201103/how-sleep-helps-memory
  7. http://www.health.harvard.edu/healthbeat/7-ways-to-keep-your-memory-sharp-at-any-age
  8. http://www.psychologicalscience.org/index.php/news/releases/learning-new-skills-keeps-an-aging-mind-sharp.html
  9. 9,0 9,1 9,2 http://well.blogs.nytimes.com/2015/05/11/for-agings-effects-more-solutions-than-proof-of-success/?_r=0
  10. 10,0 10,1 http://www.apa.org/monitor/oct03/aging.aspx
  11. 11,0 11,1 http://www.health.harvard.edu/healthbeat/6-simple-steps-to-keep-your-mind-sharp-at-any-age
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18041606
  13. https://www.bcm.edu/neurology/pdf/poster_pdcmdc_Overflow-dyst-2006Kyoto.pdf
  14. http://www.wsj.com/articles/its-never-to-late-to-learn-new-skills-1420587063
  15. http://www.wsj.com/articles/its-never-to-late-to-learn-new-skills-1420587063
  16. http://www.wsj.com/articles/its-never-to-late-to-learn-new-skills-1420587063
  17. https://www.psychologytoday.com/blog/creative-synthesis/201404/when-it-comes-creativity-attitude-is-key
  18. http://dateline.ucdavis.edu/dl_detail.lasso?id=9693
  19. 19,0 19,1 http://changingminds.org/techniques/general/reframing.htm
  20. http://greatergood.berkeley.edu/topic/gratitude
  21. http://greatergood.berkeley.edu/topic/gratitude/definition#how_to_cultivate
  22. http://ggia.berkeley.edu/practice/three-good-things#data-tab-how
  23. http://www.health.harvard.edu/healthbeat/6-simple-steps-to-keep-your-mind-sharp-at-any-age
  24. 24,0 24,1 www.theatlantic.com/health/archive/2013/05/study-meditation-improves-memory-attention/275564
  25. 25,0 25,1 25,2 25,3 http://www.pbs.org/wgbh/caringforyourparents/handbook/legalissues/importantlegal.html
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này