Hết nhút nhát và trở nên tự tin

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có phải là người rụt rè và luôn ước có thể mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình? Bạn thường cảm thấy mình không được chú ý nhiều trong nhóm và muốn được mọi người lắng nghe hơn? Có phải bạn gặp khó khăn trong việc đóng góp ý kiến xây dựng bài học trên lớp vì sự nhút nhát của mình? Đó không phải là lỗi của bạn khi được sinh ra có phần nhút nhát hơn người bình thường nhưng bạn vẫn có thể vượt qua khó khăn đó bằng nỗ lực của chính mình. Chỉ cần thay đổi suy nghĩ và hành động là bạn có thể trở nên tự tin quyết đoán khi giao tiếp với người khác.

Các bước[sửa]

Thay đổi suy nghĩ[sửa]

  1. Nhận thức rõ hơn về bản thân. Có lẽ bạn luôn cảm thấy không đủ tự tin hoặc trở nên hồi hộp và ít nói trong trường hợp phải gặp gỡ nhiều người. Hãy tìm hiểu xem việc gì làm bạn trở nên thận trọng và sợ hãi. Biết nguyên nhân khiến bạn rụt rè sẽ giúp bạn vượt qua điều đó nhanh hơn. Bên cạnh đó, bạn nên biết rằng sự nhút nhát không phải là một tính cách mà là một chướng ngại vật trong cuộc sống.[1]
    • Đừng chỉ tập trung vào những gì bạn cần cải thiện mà quên đi điểm mạnh của mình. Có thể bạn thụ động nhưng lại rất giỏi trong việc quan sát và thấu hiểu người khác.
  2. Thể hiện điểm mạnh của bạn. Khi đã biết bản thân có những điểm mạnh nào, bạn nên thể hiện điều đó nhiều hơn. Việc này sẽ làm tăng lòng tự trọng của bạn để trở nên tự tin hơn.[1]
    • Ví dụ, nếu bạn giỏi quan sát và thấu hiểu người khác thì tập trung phát triển kỹ năng này. Hãy thể hiện sự đồng cảm với người khác. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng bắt chuyện với người mới gặp.
  3. Đừng đề cao sự hoàn hảo. Bạn nên nhớ rằng không ai hoàn hảo cả. Đừng để sự bất mãn ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn. Sự bất mãn sẽ làm cho bạn cảm thấy bất an và thất vọng. Thay vì tập trung vào những mặt cần cải thiện, hãy công nhận và đánh giá cao mặt tốt của bạn.[2]
  4. Cải thiện hình ảnh của bản thân. Bạn thường rất dễ cho rằng bản thân nhút nhát và thu mình khỏi những dịp giao tiếp. Đừng tự cho rằng nhút nhát là khác biệt, kỳ lạ hoặc bất thường. Thay vào đó, hãy chấp nhận điểm độc đáo của bạn. Bạn không cần phải hòa nhập để giống như mọi người. Hãy hài lòng với chính con người bạn.[3]
  5. Dùng mạng xã hội. Nếu bạn vốn là người nhút nhát, hãy thử sức với mạng xã hội. Dùng mạng xã hội để tìm hiễu rõ hơn về ai đó. Bạn không nhất thiết phải dùng mạng xã hội thay thế cho giao tiếp thông thường. Mạng xã hội có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn với người mà bạn muốn làm quen và giúp bạn hiểu rõ hơn về họ.[4]
    • Thử tìm điểm tương đồng bằng cách chia sẻ thông tin về bản thân. Bạn sẽ bất ngờ khi biết một vài người có sở thích và sở ghét tương đồng với bạn.
  6. Làm việc mà bạn thích trước khi gặp ai đó. Nếu lo lắng khi đến một buổi tiệc hoặc cuộc họp thì bạn nên làm việc gì đó mà mình thích trước những khi sự kiện đó diễn ra. Đọc một quyển sách hay, nghe nhạc, uống cà phê hoặc làm bất kỳ việc gì bạn thích. Việc này sẽ làm bạn trở nên hiếu kỳ hơn và thoải mái hơn.[4]
  7. Suy nghĩ tích cực. Nếu thấy xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, hãy chuyển sang suy nghĩ tích cực. Như vậy, bạn sẽ không còn phê phán bản thân nhiều hơn và dễ dàng chấp nhận người khác.
    • Ví dụ, nếu bạn trở nên rụt rè hoặc hồi hộp khi gặp ai đó, hãy xem đó là một dấu hiệu tích cực vì bạn cần phải làm quen những người mới.[5]

Hành động tự tin[sửa]

  1. Lên kế hoạch. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. Bạn có thể đặt mục tiêu cố gắng tiếp xúc bằng mắt trong khi giao tiếp. Ngoài ra, hãy thử làm những việc mà bạn chưa từng làm trước đó như đổi kiểu tóc. Việc này sẽ làm bạn cảm thấy tự tin và trở nên mạnh mẽ sau một khoảng thời gian mặc dù ban đầu bạn sẽ không quen và cảm thấy sợ hãi.[6]
    • Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi bắt chuyện với người khác thì hãy thử bắt đầu với một lời khen hoặc một câu hỏi. Như vậy, bạn sẽ nhanh chóng có thể trò chuyện với mọi người.
  2. Tham gia một lớp học hoặc nhóm. Đăng ký học một kỹ năng mới hoặc tham gia nhóm có cùng sở thích. Đây là một cơ hội tốt để tiếp xúc với nhiều người lạ và kết bạn với họ.[7]
    • Chắc hẳn lúc đầu bạn sẽ thấy rất ngại nhưng hãy cứ tiếp tục. Tập trò chuyện với những người trong nhóm đều đặn mỗi tuần. Dần dần mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
  3. Đừng ngại nói về bản thân. Nếu bạn cảm thấy không biết phải nói chủ đề gì, hãy chia sẻ về cuộc sống của bạn. Để bản thân trở thành một người thú vị và không ngại cho người khác biết những chuyện đã xảy ra trong cuộc sống của bạn.[7]
    • Chia sẻ sở thích tương đồng trong cuộc sống của người khác cũng làm cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Sau vài lần, bạn sẽ dễ dàng trò chuyện một cách tự nhiên.
  4. Thực hiện phương pháp thư giãn. Học phương pháp thở hoặc bài tập giải tỏa căng thẳng. Nhắm mắt và hít thở sâu để thư giãn đầu óc. Ngoài ra, hãy thử áp dụng một số bí quyết giao tiếp.[1]
    • Ví dụ, bạn có thể học phương pháp mường tượng. Nhắm mắt và tưởng tượng ra khung cảnh bạn đang vui vẻ và tự tin. Việc này thật sự sẽ làm bạn tự tin hơn hoặc ít nhất là giảm bớt nỗi sợ hãi.
  5. Dành thời tiếp xúc với nhiều người. Đừng chờ đến khi đúng thời cơ hẳn xuất hiện. Nếu bạn muốn hết nhút nhát và trở nên tự tin, trước tiên bạn cần ra ngoài để gặp nhiều người. Đặt bản thân vào tình huống giao tiếp và tập trò chuyện.[5]
    • Chấp nhận cảm giác ngại ngùng. Nên nhớ rằng bạn cần tập luyện để trở nên tự tin. Đừng từ bỏ sau một lần cố gắng thay đổi bản thân. Nỗ lực thường xuyên sẽ giúp bạn giao tiếp ngày càng dễ dàng hơn.[1]
  6. Làm việc gì đó cho người khác. Thay vì tập trung vượt qua sự rụt rè và lo lắng, hãy chuyển hướng sang quan tâm đến người khác.[1] Dành thời gian để giúp đỡ người cần hỗ trợ. Bạn không nhất thiết phải làm những việc vĩ mô.
    • Chỉ cần dành thời gian cho người thân đang sống một mình hoặc ăn tối cùng người bạn đang gặp khó khăn sẽ làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn và người khác cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
  7. Tập tư thế mạnh mẽ. Giao tiếp bằng mắt, ngẩng cao đầu và thẳng lưng. Đứng hoặc ngồi ở tư thế mạnh mẽ trong 2 phút sẽ giảm khoảng 25% căng thẳng.[8]
    • Ví dụ, ngồi trên ghế và đặt hai tay sau đầu, các ngón tay đan vào nhau. Hoặc đứng với chân hơi dang rộng và đặt hai tay trên eo. Đó là một vài tư thế giúp bạn trở nên mạnh mẽ.[9]
  8. Hãy là chính mình. Luôn là chính bạn và thể hiện đúng con người bạn. Đừng cố gắng trở thành người cởi mở, phóng khoáng trong đám đông nếu bạn không phải là người như vậy. Bạn có thể cho người khác thấy tính cách của chính mình kể cả khi bạn ít nói và dịu dàng. Hãy dừng việc lo lắng người khác nghĩ gì về bạn. Lòng tự trọng là một phần thiết yếu để tăng sự tự tin.
    • Đừng ép bản thân phải thoải mái và tự tin trong mọi tình huống. Bạn sẽ nhận ra rằng mình có thể thoải mái trong một số tình huống giao tiếp nhưng có lúc thì không. Chẳng hạn như, bạn sẽ thích tương tác trong nhóm nhỏ nhưng cực kì không thích nhóm to hoặc những bữa tiệc.[1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]