Trở nên khiêm tốn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Một ca khúc nhạc đồng quê có câu như sau "Thật khó để khiêm tốn khi bạn hoàn hảo về mọi mặt". Dĩ nhiên không mấy người cho rằng họ hoàn hảo tất cả mọi mặt, nhưng để sống khiêm tốn cũng không dễ, đặc biệt nếu bạn sống trong một xã hội đề cao sự cạnh tranh và cái tôi cá nhân.

Ảnh minh họa

Thế nhưng trong một xã hội như vậy sự nhún nhường vẫn là một phẩm chất quan trọng. Học cách sống khiêm tốn là điều tối quan trọng trong hầu hết các nền văn hóa, và sự khiêm tốn có thể giúp bạn phát triển toàn diện hơn, tạo mối quan hệ tốt đẹp hơn với mọi người, tạo ra cơ hội và dành được sự tôn trọng của người khác.

Các bước[sửa]

Thừa nhận giới hạn của bản thân[sửa]

  1. Bạn phải chấp nhận là mình không giỏi tất cả hay bất kì việc gì. Cho dù bạn tài năng đến đâu thì sẽ luôn có người giỏi hơn bạn ở một khía cạnh nào đó. Nhìn vào những người giỏi hơn và xem xét tiềm năng phát triển bản thân. Không có ai là giỏi nhất, bất kể xét ở mặt nào.
    • Cho dù bạn 'giỏi nhất' thế giới về việc nào đó, luôn luôn có những việc khác mà bạn không thể làm và có lẽ không bao giờ có thể làm.
    • Thừa nhận những hạn chế của mình không có nghĩa là từ bỏ ước mơ, và cũng không có nghĩa là ngừng học hỏi điều mới hoặc cải thiện những năng lực hiện có. Bạn chỉ đơn giản thừa nhận rằng phàm là con người thì không ai hoàn hảo, và không ai có thể tự mình giải quyết tất cả mọi việc.
  2. Nhận ra khuyết điểm của bản thân. Chúng ta thường phán xét người khác vì điều đó dễ hơn nhiều so với nhận xét chính mình. Tiếc là việc này hoàn toàn không tốt và còn có hại trong nhiều trường hợp. Phán xét người khác gây ra bất hòa trong mối quan hệ, ngăn cản sự phát triển của các mối quan hệ mới. Tệ hơn nữa là chúng ta không thể tiến bộ nếu có thói quen này. Mọi người đều có sai sót.
    • Chúng ta thường xuyên phán xét người khác mà không nhận ra. Bạn có thể tập thói quen này: cố gắng phát hiện những lúc mình có suy nghĩ phán xét người khác, khi đó thay vì phán xét họ, bạn hãy phán xét chính mình. Xem xét cách để cải thiện bản thân, thay vì suy nghĩ đến cách người khác nên hành động. Sau cùng, bạn không thể kiểm soát hành vi và lựa chọn của người khác, nhưng của bạn thì được.
    • Làm việc với khuyết điểm của mình. Nhớ rằng sự phát triển và tiến bộ là một quá trình kéo dài suốt đời và không bao giờ ngừng, cho dù bạn đã rất giỏi việc gì đó.
  3. Biết ơn những gì bạn có. Giả sử bạn tốt nghiệp từ trường đại học Ivy League với số điểm cao nhất lớp. Hiển nhiên bạn xứng đáng được tín nhiệm cao nhờ thời gian dài học tập và ý chí kiên cường. Dù vậy bạn nên biết rằng cũng có ai đó thông minh và siêng năng như bạn, đơn giản là họ ít được bố mẹ hỗ trợ, lớn lên ở nơi khác hoặc có quyết định sai lầm trong cuộc đời. Nếu không may thì có thể bạn đã ở vào vị trí của họ.
    • Luôn luôn nhớ rằng một lựa chọn sai ngày hôm qua có thể mang lại một cuộc đời khác hôm nay, và thêm nữa, hôm nay có thể là ngày mà sự lựa chọn sáng suốt sẽ thay đổi cuộc đời bạn.
    • Mặc dù bạn thật sự làm việc siêng năng để có được những thứ hiện tại, nhưng có thể bạn sẽ không thành công nếu không được người khác hỗ trợ. Mọi việc chúng ta làm là kết quả của những gì người khác đã làm cho chúng ta. Tất cả là nhờ những người xung quanh mà chúng ta được trang bị đầy đủ và trở nên giỏi hơn vào một lúc nào đó để hoàn thành mục tiêu của mình.
  4. Không sợ phạm lỗi. Một phần của sự khiêm tốn đó là hiểu rằng bạn sẽ phạm lỗi. Hiểu được điều này và hiểu rằng mọi người đều phạm lỗi, bạn sẽ gạt được gánh nặng khỏi đôi vai mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn nên làm việc cẩu thả - cố gắng tránh những sai sót quá đơn giản nhưng không sợ thử các phương pháp hay cách thức mới để đạt được mục tiêu.
    • Mỗi người chỉ có thể trải nghiệm một phần nhỏ của cuộc sống vào một thời gian nào đó. Luôn luôn có những người lớn tuổi hơn và khôn ngoan hơn bạn. Ý kiến của người lớn tuổi hơn đáng để bạn tham khảo, nhưng bạn phải quyết định dựa trên sự hiểu biết của mình đối với họ.
  5. Thừa nhận những sai sót. Có lẽ bạn sợ người ta sẽ nổi giận hoặc bực mình với bạn, nhưng thừa nhận sai sót vẫn luôn tốt hơn là che giấu. Cho dù bạn phạm sai lầm trong vai trò người quản lý, bố mẹ hoặc bạn bè bình thường, người ta vẫn đánh giá cao việc bạn sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm và bạn đang cố gắng cải thiện bản thân hay khắc phục tình hình. Việc thừa nhận sai lầm cho thấy bạn không cố chấp, không ích kỷ hoặc cam chịu trở thành người không hoàn hảo trong mắt người khác.
    • Thừa nhận sai lầm cũng khiến người ta tôn trọng bạn hơn, cho dù đó là con cái bạn hoặc đồng nghiệp.
  6. Tránh khoác lác. Có lòng tự trọng lành mạnh hoặc cảm thấy tự hào về thành tựu của mình là chuyện bình thường, nhưng không ai thích người thường xuyên kéo sự chú ý về họ và thành công của họ. Nếu bạn cảm thấy mình đã làm được một việc thật tuyệt vời, nhiều khả năng người khác đã nhận ra điều đó và họ sẽ tôn trọng bạn nhiều hơn vì sự khiêm tốn.
    • Điều này không có nghĩa bạn nên nói dối về việc đã làm được điều gì; nếu ai hỏi bạn có tham gia cuộc thi marathon không thì cứ thản nhiên nói 'có'. Nhưng bạn không nên thao thao nói về sự tuyệt vời của mình trong cuộc đua, hoặc về các mục tiêu khác đã đạt được.
  7. Ý tứ khi nói chuyện. Người khiêm tốn không nhất thiết phải làm một bông hoa e thẹn - khiêm tốn không có nghĩa là không có tí lòng tự trọng nào. Tuy nhiên, người khiêm tốn nên lưu tâm đến những người đang nói chuyện với họ và không nói lấn lướt hay cắt ngang lời bất kì ai. Muốn làm người khiêm tốn bạn nên thừa nhận rằng mọi người, kể cả bạn, có mục tiêu và ước mơ riêng và họ cũng muốn nói về thành tựu và quan điểm của mình đối với các sự việc.
  8. Không giành hết công lao về mình. Chúng ta là con người và những gì chúng ta có hiện nay chịu sự ảnh hưởng và dẫn dắt rất lớn từ người khác. Vô số người đã hỗ trợ và giúp đỡ để chúng ta được như hôm nay và để chúng ta đạt được giấc mơ. Tự hào về thành tựu của bản thân là hoàn toàn bình thường, nhưng nên nhớ không ai có thể hoàn toàn tự mình làm được việc gì, và rằng đã là con người thì chúng ta phải hỗ trợ nhau đạt được mục tiêu.
    • Chia sẻ tình yêu. Thừa nhận những người đã giúp đỡ mình trên con đường thành công.

Đánh giá cao người khác[sửa]

  1. Đánh giá cao tài năng và phẩm chất của người khác. Thách thức bản thân nhìn vào người khác và đánh giá cao những việc họ có thể làm, và nói chung là đánh giá cao con người họ. Hiểu rằng mỗi người mỗi khác và tận dụng cơ hội được tiếp xúc với những người khác biệt. Bạn vẫn có thị hiếu cá nhân riêng, những thứ thích và không thích, nhưng hãy huấn luyện bản thân tách biệt giữa quan điểm và nỗi sợ, và bạn sẽ đánh giá cao người khác hơn - đồng thời trở nên khiêm tốn hơn.
    • Có thể đánh giá cao tài năng và phẩm chất của người khác cũng giúp bạn nhận ra những phẩm chất bạn muốn cải thiện hoặc đạt được.
  2. Ngừng so sánh mình với người khác. Mặc dù sự cạnh tranh là lành mạnh và có thể kích thích phấn đấu, nhưng khó có thể khiêm tốn khi chúng ta thường xuyên cố gắng là người "giỏi nhất" hoặc giỏi hơn người khác. Thay vào đó bạn nên nhìn lại bản thân mình nhiều hơn. Nên nhớ mục đích cuối cùng không phải là để giỏi hơn bất kì ai, mà để giỏi hơn con người trước đây của bạn. Khi tập trung năng lượng vào việc cải thiện bản thân thay vì so sánh mình với người khác, bạn sẽ thấy việc cải thiện bản thân dễ dàng hơn nhiều vì không phải lo lắng liệu bạn có giỏi hơn hay tệ hơn bất kì ai.
    • Mỗi người là cá biệt. Đánh giá cao người khác vì chính bản thân họ, không phải vì kỹ năng và vẻ bề ngoài tốt hơn bạn.
  3. Không sợ chiều theo phán xét của người khác. Mặc dù bạn mới là người cuối cùng xác định mình đúng hay sai, nhưng việc thừa nhận bạn phạm sai lầm và bạn không phải lúc nào cũng đúng là hoàn toàn khác. Tuy nhiên, phần nào khó hơn là khả năng thừa nhận rằng trong nhiều trường hợp những người khác - thậm chí những người bất đồng với bạn - mới là người đúng. Chiều theo ý muốn của vợ/chồng, theo một điều luật bạn không bằng lòng hoặc đôi khi là ý kiến của con cái mình sẽ nâng khả năng thừa nhận hạn chế của bản thân lên một tầm cao mới.
    • Thay vì đơn giản nói rằng bạn là người khiêm tốn và đã là người thì sẽ mắc sai lầm, bạn cũng nên tập trung sống theo lối suy nghĩ đó - khiêm tốn chính là một cách sống, không chỉ là hành động nhất thời.
  4. Tìm sự hướng dẫn trong sách vở. Đây là một cách khác để đánh giá cao người khác. Ngẫm nghĩ về các bài viết về đạo đức và những câu thành ngữ về khiêm tốn. Dựa theo đó cầu nguyện, thiền hay làm bất kì việc gì để lôi kéo sự chú ý khỏi bản thân và nhận thức về giá trị của mình (đặc biệt so với người khác). Bạn có thể đọc để lấy cảm hứng từ tiểu sử, hồi ký, kinh thánh, tác phẩm phi tiểu thuyết và tiểu thuyết về cách cải thiện cuộc sống, hoặc bất kể thứ gì làm bạn khiếm tốn hơn và đánh giá cao sự hiểu biết của người khác.
    • Nếu bạn không có đời sống tinh thần phong phú thì nên cân nhắc một phương pháp khoa học. Khoa học đòi hỏi phải nhún nhường. Khoa học yêu cầu bạn phải buông rời các ý niệm và nhận định hình thành trước đó và hiểu rằng bạn không biết nhiều như mình nghĩ.
  5. Chịu tiếp thu. Không có ai là hoàn hảo hay giỏi nhất, bất kể xét ở mặt nào. Luôn luôn có người giỏi hơn bạn ở mặt nào đó, và đó là nơi bạn tìm được cơ hội học hỏi. Tìm những người mà bạn mong muốn được như họ ở một số lĩnh vực, và nhờ họ dẫn dắt. Dưới sự dẫn dắt của họ, bạn cần có sự tin tưởng và xác định giới hạn rõ ràng. Mỗi khi bạn vượt qua ranh giới 'không thể dạy được' thì hãy mang mình trở lại mặt đất. Chịu tiếp thu nghĩa là bạn thừa nhận mình luôn có việc cần học hỏi trong cuộc sống.
    • Bạn có thể trở nên khiêm tốn hơn bằng cách tham gia các khóa học mà bạn hoàn toàn không có kiến thức, chẳng hạn như học làm đồ gốm hay viết kịch bản, và để người khác hướng dẫn bạn. Đây là cách giúp bạn nhận ra mỗi người đều có thế mạnh riêng, và tất cả chúng ta đều cần giúp đỡ nhau để trở nên giỏi hơn.
  6. Giúp đỡ người khác. Điều quan trọng khi muốn trở nên khiêm tốn là phải tôn trọng người khác, mà để tôn trọng người khác thì phải giúp đỡ họ. Đối xử với mọi người như nhau và giúp đỡ họ vì đó là điều đúng đắn nên làm. Người ta nói rằng khi bạn giúp người không thể trả ơn thì bạn đã học được tính khiêm tốn. Giúp người gặp khó khăn cũng làm bạn quý trọng hơn những gì mình đang có.
    • Hiển nhiên là bạn không nên khoe khoang về công việc tình nguyện mình đã làm. Tự hào về việc mình làm là rất tốt, nhưng nhớ rằng: tình nguyện không phải vì bạn mà vì những người bạn đã giúp.
  7. Làm người cuối cùng. Nếu bạn luôn vội vàng hoàn thành công việc trước và chen lên vị trí đầu khi xếp hàng, hãy thách thức bản thân cho phép người khác đi trước bạn, ví dụ như người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em hoặc người đang có việc gấp.
    • Hãy hỏi chính mình "Bạn có thật sự cần làm việc này trước tiên?" Câu trả lời hầu như luôn luôn là không.
  8. Khen người khác. Hãy khen ngợi người bạn yêu hay ai đó mà bạn hầu như không biết về họ. Nói với cộng sự của bạn rằng hôm nay họ trông rất đẹp, khen kiểu tóc mới của đồng nghiệp, hoặc nói với cô thu ngân ở siêu thị rằng bạn thích đôi bông tai của cô ấy. Hoặc bạn có thể đi xa hơn là khen ngợi một nét cá tính của người khác. Mỗi ngày đưa ra tối thiểu một lời khen và bạn sẽ thấy người ta có thể đóng góp rất nhiều cho thế giới.
    • Tập trung vào những đặc điểm tích cực của người khác, thay vì luôn tìm ra khuyết điểm của họ.
  9. Xin lỗi. Nếu bạn phạm sai lầm thì nên thú nhận mình đã sai. Cho dù nói lời xin lỗi mang lại cảm giác đau đớn nhưng bạn phải vượt qua sự kiêu hãnh để nói với họ rằng bạn rất tiếc về những tổn hại đã gây ra. Cuối cùng nỗi đau sẽ dịu, thay vào đó là cảm giác nhẹ nhàng vì bạn biết mình đã sửa sai. Người đó sẽ nhận thấy bạn xem trọng họ và hành động này cũng thể hiện rằng bạn dám thừa nhận sai lầm của mình.
    • Giao tiếp bằng mắt khi xin lỗi để chứng tỏ sự quan tâm thật lòng của bạn.
    • Không phạm sai sót thường xuyên. Xin lỗi về điều gì đó không có nghĩa bạn được phép tái phạm. Phạm sai lầm thường xuyên sẽ khiến người khác mất lòng tin vào bạn và những gì bạn nói.
  10. Nghe nhiều hơn nói. Đây là cách tuyệt vời để thể hiện sự tôn trọng người khác và tỏ ra khiêm tốn hơn. Lần tới khi bạn tham gia buổi nói chuyện, hãy để người khác nói, không ngắt lời, sau đó đặt câu hỏi để họ tiếp tục nói và chia sẻ. Mặc dù bạn nên đóng góp vào buổi nói chuyện nhưng hãy tạo thói quen để người khác trình bày ý kiến nhiều hơn mình, như vậy bạn sẽ không tỏ ra chỉ quan tâm đến những việc xảy ra trong cuộc sống của mình.
    • Đặt câu hỏi để cho thấy bạn hiểu người đó đang nói về điều gì. Không chỉ chờ họ ngừng nói để bạn có thể bắt đầu nói. Nên nhớ nếu bạn bận suy nghĩ về những gì định nói tiếp theo thì sẽ rất khó tập trung vào những gì người khác đang nói.

Khôi phục lại bản năng tìm hiểu[sửa]

  1. Làm mới bản năng tìm hiểu. Là những cá nhân riêng biệt chúng ta biết rất ít về thế giới, bạn sẽ phải bất ngờ với nhiều cái mới mà tưởng chừng mình đã biết. Bản năng này ở trẻ em thôi thúc trí tò mò và khiến chúng thích quan sát thế giới xung quanh, đó là lý do trẻ em có năng lực học hỏi rất tốt. Bạn có thật sự biết nguyên tắc hoạt động của lò vi sóng? Bạn tự mình chế tạo một cái được không? Thế bạn có hiểu cấu tạo của xe ô tô? Hiểu cách vận hành của não bộ không? Biết có bao nhiêu loại hoa hồng không?
    • Thái độ chán ngấy kiểu như "Mình đã trải qua tất cả" khiến chúng ta cảm thấy giá trị của mình lớn lơn thực tế. Không có ai biết tất cả mọi thứ. Hãy háo hức tìm hiểu như một đứa trẻ và bạn sẽ trở nên khiêm tốn.
  2. Duy trì thái độ nhẹ nhàng. Tinh thần nhẹ nhàng chắc chắn là con đường dẫn đến sự nhún nhường. Sử dụng tinh thần 'Aikido' trong trường hợp có thể khi bạn đối mặt với xung đột: tiếp nhận sự chua cay của người khác và chuyển nó thành thứ gì đó lạc quạn bằng cách tìm hiểu lý do vì sao họ tức giận và phản hồi bằng sự nhẹ nhàng và tôn trọng. Duy trì thái độ nhẹ nhàng sẽ giúp bạn khôi phục lại bản năng tìm hiểu trong khi tập trung vào các khía cạnh lạc quan của cuộc sống.
  3. Dành thời gian hòa nhập với thiên nhiên. Tản bộ trong công viên, đứng gần chân một thác nước, nhìn thế giới từ trên đỉnh núi, đi bộ đường dài, bơi trên đại dương. Tìm cách riêng của bạn để hòa nhập với thiên nhiên, và sử dụng thời gian đó để thấy được giá trị của tất cả mọi việc kéo theo. Nhắm mắt lại và cảm nhận luồng gió thổi trên mặt. Bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn nhỏ bé trước thiên nhiên - một sức mạnh sâu thẳm và đầy quyền lực. Trong khi phát triển óc học hỏi và sự tôn trọng đối với tất cả sự vật đã tồn tại từ lâu trước khi có bạn và sẽ tiếp tục tồn tại khi bạn mất đi, bạn sẽ nhận ra mình nhỏ bé thế nào trong thế giới này.
    • Dành nhiều thời gian hơn để hòa nhập với thiên nhiên sẽ giúp bạn thấy thế giới này rộng lớn và phức tạp thế nào - và bạn không phải là trung tâm của thế giới.
  4. Tập yoga. Tập yoga là tập xây dựng tình yêu và lòng biết ơn, nó sẽ phát triển cảm nhận của bạn về hơi thở, thể xác, tình yêu và sự tốt lành trong thế giới xung quanh. Yoga giúp bạn nhận ra thời gian trên thế giới trôi qua nhanh thế nào, do đó bạn sẽ quý trọng thời gian hơn. Tạo thói quen tập yoga tối thiểu hai lần mỗi tuần và thu được những lợi ích về tinh thần lẫn thể chất.
    • Tập yoga là phải giữ thái độ khiêm tốn. Người tập yoga không khoác lác về việc đã thực hiện được một thế tập mới. Tất cả các tư thế đều được thực hiện theo tốc độ của riêng bạn.
  5. Dành thời gian với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ sở hữu óc khám phá thế giới mà người lớn rất khó bắt chước. Dành nhiều thời gian hơn với trẻ nhỏ và xem cách chúng thưởng thức thế giới, liên tục đặt câu hỏi, và cách các bé tìm niềm vui từ những thứ nhỏ nhặt và tầm thường nhất. Đối với một đứa trẻ, một bông hoa hay cuộn giấy vệ sinh cũng là vật đáng ngạc nhiên mà cần tìm tòi suốt cả buổi.
    • Dành nhiều thời gian hơn với trẻ nhỏ sẽ nhắc nhở bạn nhớ thế giới này thật sự kỳ diệu thế nào.

Lời khuyên[sửa]

  • Học cách thừa nhận mình sai và không để sự kiêu hãnh cho phép bạn biện minh về hành động của mình.
  • Nên nhớ tính khiêm tốn mang lại nhiều lợi ích. Khiêm tốn có thể giúp bạn hài lòng hơn với cuộc sống, có thể chống chịu những giai đoạn khó khăn và cải thiện mối quan hệ với người khác. Đó cũng là một đặc điểm cần thiết của một người ham học hỏi. Nếu cho rằng mình biết tất cả thì tâm trí bạn không thể có chỗ cho kiến thức mới. Mặc dù nghe hơi lạ nhưng sự nhún nhường cũng là một công cụ tuyệt vời để phát triển bản thân. Sau cùng, nếu bạn cảm thấy mình giỏi hơn người khác thì sẽ không có động lực để cải thiện. Nói chung, tính khiêm tốn cho phép bạn thành thật với chính mình.
  • Luôn luôn tỏ ra đáng yêu và tốt bụng, bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào mình cần được giúp đỡ.
  • Đặt câu hỏi khi bạn không biết, khi bạn biết ít và khi cho rằng mình biết tất cả.
  • Không bao giờ khoác lác về những gì mình phải cho đi để có thành công.
  • Đương nhiên có thể nói về bản thân một chút, nhưng bạn cũng phải cố gắng tìm hiểu về người khác. Bạn cũng nên lắng nghe nhiều hơn trong khi nói chuyện với người khác.
  • Sống tốt bụng và tận tâm. Giúp đỡ người khác và cho họ biết bạn sẵn lòng vì họ.
  • Sống một cuộc sống không ích kỷ sẽ mang lại sự thỏa mãn nhiều hơn.
  • Liên kết với mọi người và sẵn sàng giúp đỡ, đặc biệt là người nghèo, người có sức khỏe yếu và vân vân.
  • Không bao giờ ước bạn là ai đó và có những thứ họ có. Bạn là tạo hóa tuyệt vời của Thượng đế, hãy biết ơn về những gì bạn có và chính bản thân mình.
  • Cố gắng tránh tâng bốc mình trước mặt người khác.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh nhầm lẫn giữa khiêm tốn với nịnh hót (ca tụng ai đó thái quá với mục đích có lợi cho bạn). Đây là sự hiểu nhầm khá phổ biến nhưng hai thái độ này hoàn toàn khác nhau.
  • Khiêm tốn là tốt nhưng không nên đi quá xa và để bản thân bị khinh bỉ. Nhớ rằng mọi thứ đều chỉ ở mức vừa phải. Khiêm tốn không phải là một tính cách yếu ớt, thật ra cũng mạnh mẽ như tính tốt bụng. Đứng lên vì lợi ích của bản thân nhưng vẫn thể hiện sự khiêm tốn là chuyện hoàn toàn khả thi, vấn đề là bạn cần luyện tập. Chuẩn bị tinh thần luyện tập động thái này, và đừng nản chí nếu bạn chưa tìm được sự cân bằng vào lúc đầu.
  • Giả khiêm tốn không giống với khiêm tốn thật, thường người ta giả bộ khiêm tốn để được người khác tán dương. Họ sẽ nhận ra điều này cho dù một số sẽ bị bạn lừa, bạn không thể nhận được lợi ích tương tự như khi làm người khiêm tốn thật sự.
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này