Thư giãn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Biết cách thư giãn là một điều vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc, đồng thời khôi phục niềm đam mê và hứng thú trong cuộc sống. Nếu để áp lực tác động lên mình, bạn có thể bị trầm cảm, ngã bệnh, lên cân và dẫn đến cảm giác chung là bất mãn. Bạn hãy làm theo các bước sau đây để biết cách kiểm soát mối lo âu và có thể thư giãn.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chấp nhận Áp lực[sửa]

  1. Nhận biết áp lực. Một số áp lực rõ ràng là tốt đối với bạn – nó cho bạn sự thích thú, niềm hứng khởi và động lực trong cuộc sống khi được cân bằng.[1] Khi áp lực tăng đến mức bạn phải liên tục chịu đựng những tổn hại hoặc khiến bạn kiệt sức thì bạn có nguy cơ rơi vào tình trạng bị stress quá mức. Bạn bị căng thẳng quá mức nếu:
    • Khi công việc không ngừng chiếm hết tâm trí và hoạt động của bạn. Có thể đó là việc kinh doanh, sự nghiệp, lương lậu, công việc của người nội trợ hay bất cứ thứ gì chiếm toàn bộ thời gian và cuộc sống của bạn, và sự tập trung quá độ này để lại cho bạn cảm giác không hứng thú, thất vọng, bực bội và không hoàn thành.
    • Bạn liên tục phải chịu đựng những căng thẳng về thể xác, nhức đầu, mỏi cổ, đau lưng, nói chung là cảm giác đau nhức.[2]
    • Bạn thường xuyên thấy bứt rứt, cáu kỉnh và có thể không có khả năng tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ. Bạn dễ dàng bị kích động bởi những việc nhỏ nhặt.
    • Bạn cảm thấy như mình đang có quá nhiều việc phải làm và không thể thoát ra khỏi guồng quay của nó.
    • Giấc ngủ đối với bạn giống như một cuộc vật lộn, và khi tỉnh dậy bạn chỉ thấy mệt mỏi thay vì sảng khoái. Chứng mất ngủ trở thành thường trực mà không còn là bất thường nữa.
    • Bạn ăn quá nhiều hoặc quá ít. Hoặc bạn chọn các loại thực phẩm không lành mạnh.
    • Bạn uống quá ít nước.
    • Bạn không thể nhớ lần cuối cùng mình cười đùa vui vẻ là khi nào, và đáng buồn là bạn đã mất đi tính hài hước.[3]
  2. Dành thời gian để thư giãn. Một khi đã chấp nhận rằng có những yếu tố căng thẳng tác động lên cuộc sống của mình, điều quan trọng với bạn bây giờ là tìm một không gian để thư giãn giữa bộn bề công việc. Để khiến thư giãn trở thành thói quen thường nhật của mình, bạn hãy cân nhắc các cách sau đây:
    • Xua đi cảm giác tội lỗi. Nhiều hệ thống đức tin tôn giáo và văn hóa thấm nhuần giá trị của việc lao động cật lực. Qua thời gian, khi công nghệ thông minh xuất hiện ngày càng nhiều khiến con người hoạt động không ngừng nghỉ, nhiều người trong số chúng ta tin rằng phải luôn “tiến tới” mới chứng minh được giá trị của mình. Cách hiểu thiếu thực tế của khái niệm “làm việc chăm chỉ” rốt cuộc sẽ chỉ làm bạn mỏi mệt. Làm việc chăm chỉ tức là chú tâm đúng mức vào nhiệm vụ của mình trong khoảng thời gian thích hợp, chứ không phải để nó len lỏi vào toàn bộ thời gian trong ngày của bạn!
    • Công nhận rằng giấc ngủ là một phần vô cùng quan trọng của cuộc sống. Trong giấc ngủ, trí óc của bạn vẫn tiếp tục hoạt động không giống như khi bạn còn thức. Giấc ngủ giúp phục hồi và làm tỉnh táo cơ thể bằng vô vàn các cách mà cơ thể không làm được trong thời gian thức. Bạn đừng tin vào những tuyên bố giảm giá trị của giấc ngủ. Hơn nữa, các trường hợp cho rằng ngủ 4 tiếng mỗi đêm đã đủ khỏe khoắn chỉ là ngoại lệ. Hầu hết chúng ta đều cần ngủ 6 -8 tiếng mỗi ngày để có thể hồi phục hoàn toàn. Mơ là một phần thiết yếu của giấc ngủ; bạn có thể khám phá thế giới kỳ diệu của riêng mình và có những trải nghiệm mà không bao giờ bạn có được khi còn thức.
    • Dành riêng những khoảng thời gian trong ngày để thư giãn. Bạn cứ nghĩ đó là một cuộc hẹn với khách hàng quan trọng nhất của mình – đó là bạn – và bạn dứt khoát không thể bỏ qua hoặc hủy cuộc hẹn này.
    • Nếu là ở nhà, bạn hãy đánh dấu giờ thư giãn bằng mực đen trên lịch để mọi người đều trông thấy. Nhờ đó cả nhà sẽ thấy được tầm quan trọng của việc dành thời gian thư giãn.
    • Hiểu rằng việc tìm ra phương pháp tối ưu để thư giãn có thể phải cần thời gian, sự thử nghiệm và cả những sai sót. Nhưng bạn đừng bỏ cuộc. Hãy cứ tiếp tục tìm kiếm đến khi nào tìm được sự kết hợp các hoạt động một cách thích hợp, qua đó bạn được thư giãn và trở lại đầy sức sống với lòng nhiệt thành của mình.

Thả lỏng Cơ thể[sửa]

  1. Thực hành kỹ thuật thở. Hãy thở chậm lại và cố gắng tập trung vào hơi thở. Đây luôn là cách dễ nhất để giữ bình tĩnh, chỉ cần bạn nhớ sử dụng kỹ thuật này.
    • Thở bụng: Đặt hai bàn tay lên bụng. Khi hít vào, bạn cố gắng dùng bụng đẩy tay ra, và khi thở ra bạn làm sao để tay sát vào bụng.
    • Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
    • Hít sâu vào trong khi đếm đến 5, nín hơi trong 5 giây, sau đó thở ra từ từ trong khi đếm dến 5. Thực hiện mười lần như vậy để thả lỏng cơ bắp và tinh thần. Khi thở ra, bạn hãy hình dung rằng mọi áp lực và căng thẳng thoát ra khỏi cơ thể bạn qua hơi thở.
  2. Lựa chọn chế độ ăn lành mạnh. Ăn đúng cách có thể giúp cơ thể bạn cảm thấy cân bằng và khỏe khoắn, giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột và cảm giác lo âu hồi hộp. Bạn hãy cố gắng tiêu thụ các thực phẩm sau ở mức độ vừa phải:
    • Tránh tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện có trong bánh ngũ cốc, bánh ngọt hay soda, các thực phẩm có chứa carbohydrate, ví dụ như món mì vì nó dễ chuyển hóa thành đường. Các loại thực phẩm này có thể khiến lượng đường huyết thay đổi đột ngột, dẫn đến cảm giác lo âu và làm xáo trộn khả năng sử dụng năng lượng có hiệu quả.
    • Tránh dùng quá nhiều caffeine. Lượng caffeine quá nhiều có thể làm bạn bồn chồn và bứt rứt. Cố gắng tránh uống caffeine sau 1 – 2 giờ chiều, giữ lượng caffein nạp vào buổi sáng ở mức độ vừa phải và ổn định mỗi ngày. Nếu thích uống nhiều cà phê trên mức khuyến cáo, bạn thử đổi sang loại đã tách chất caffeine hay dùng trà thảo mộc có ít hoặc không có caffeine.
    • Uống một cốc nước. Việc uống nước sẽ nhanh chóng đem lại năng lượng tươi mát cho cơ thể và khiến não của bạn có cơ hội để ngừng suy nghĩ trong giây lát, và như vậy nó giúp bạn tìm được cách nhìn nhận mới về tình huống căng thẳng hiện tại. Việc này có hiệu quả nhất khi bạn bị đau đầu hoặc trong thời gian dài đã không uống nước.
    • Ăn hoa quả tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt không chứa đường tinh luyện như táo, nho, cà rốt, bông cải xanh, gạo lứt và bánh mì nguyên hạt.
    • Ăn nhiều các loại đạm có lượng calories thấp như gà, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau có lá màu xanh đậm hoặc sữa ít béo. Các loại đạm này là nguồn năng lượng tốt hơn cả.
    • Uống đa sinh tố. Nhiều loại vitamin có thể giảm stress. Vitamin B và vitamin D đặc biệt tốt cho việc thư giãn.
  3. Tập luyện hàng ngày. Đây là cách được biết đến nhiều nhất và đã được kiểm chứng khoa học là giúp giảm stress đáng kể. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng mình vượt qua áp lực dễ dàng hơn đến thế nào nếu tập luyện thường xuyên. Bạn có thể thử vài ý tưởng sau đây:
    • Nhắm tới mục tiêu mỗi ngày hoạt động vừa phải ít nhất 30 phút.
    • Đi dạo trong công viên, trong rừng hay làm các công việc hàng ngày.
    • Đi cầu thang bộ thay cho thang máy.
    • Đỗ xe cách xa lối vào cửa hàng một chút.
    • Đạp xe.
    • Đi bơi. Thử đến hồ bơi trong vùng, hồ nước gần đó hoặc bơi ở nhà một người bạn hay họ hàng. Bạn không cần phải trở thành tay bơi cừ khôi; chỉ cần ý nghĩ ngâm mình trong nước là đủ để thư giãn rồi.
    • Duỗi cơ. Chùng hai vai xuống để thả lỏng. Hãy chú ý hơn về những căng thẳng tích tụ lại ở vùng vai và cổ.
  4. Thử mát –xa. Đến tiệm spa và làm một suất mát –xa thật thoải mái. Xua đi các cảm giác khó chịu trên thân thể là một cách thích hợp để tháo gỡ những vướng mắc trong tâm trí.

Thả lỏng Trí não[sửa]

  1. Tập suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tích cực không phải là ước nguyện viển vông hay mơ tưởng hão huyền; đó là tránh phủ những màu sắc tiêu cực lên các tình huống.
    • Sử dụng phương pháp hình dung. Vào những lúc không thể cảm thấy bình tĩnh và thanh thản, bạn hãy tưởng tượng trong đầu một khung cảnh thanh bình và thư thái. Việc này có thể giúp cải thiện cách nhìn của bạn một cách kỳ diệu. Ngắm những bãi biển trong tranh, đặt lưng xuống nghỉ ngơi, đi dã ngoại một chuyến để có được sự thư thái.
    • Dùng sự khẳng định để thay đổi cách nhìn của bạn về cuộc sống và tránh vội vã đi đến kết luận tiêu cực. Sự khẳng định là những tuyên bố ngắn gọn, mạnh mẽ để xây dựng và nâng cao lòng tự tin, giúp bạn hy vọng vào những kết quả tích cực.[4] Cẩn thận về những từ ngữ mà bạn lựa chọn – những điều mà bạn nhắc đi nhắc lại với bản thân sẽ giúp bạn tin vào tuyên bố hùng hồn của mình. Hãy dùng những từ ngữ tích cực, đáng tin cậy và yêu thương về bản thân mình.
    • Tự học cách bước lùi lại để thấy được “bức tranh lớn hơn” mỗi khi tâm trí của bạn ngổn ngang về những công việc có vẻ không thuận lợi. Hiểu rằng hầu hết các rắc rối chỉ là tạm thời, và hãy lùi lại một bước nhỏ để đạt được những mục tiêu lớn hơn trên toàn bộ chặng đường.
  2. Suy nghĩ hợp logic và kiềm chế cảm xúc. Nếu học được cách suy nghĩ có thứ tự và hợp lý khi bị áp lực, bạn có thể thấy được những giải pháp rõ ràng hơn.
    • Nhìn những tác nhân gây stress bằng con mắt khách quan. Bạn nên có cái nhìn thực tế vào cái đang làm bạn hoảng hốt, và tự hỏi rằng bạn sẽ khuyên bạn của mình như thế nào nếu họ ở trong trường hợp đó. Sau đó bạn hãy làm theo lời khuyên của mình.
    • Thay đổi phương pháp. Nếu vấn đề là ở việc mà bạn đang làm, vậy thì hãy thay đổi cách hành động hay phản ứng của bạn. Hãy ngừng lại và lắng nghe những người xung quanh để tìm ra và sửa chữa những việc mà bạn có thể đang hiểu sai hoặc làm sai.
  3. Tìm một chốn yên tĩnh và tự vỗ về mình mỗi khi bạn cảm thấy choáng ngợp.
    • Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm. Thắp nến xung quanh bồn tắm, để ánh sáng mờ, tạo bọt hoặc thêm hương hoa lavender vào bồn tắm nếu thích. Đôi khi việc nhìn vào màu vàng cũng tạo được hiệu ứng thư giãn. Thu thập các đồ vật màu vàng trong phòng. Thậm chí bạn có thể phun sơn màu vàng lên những củ hành, mặc dù không ăn được nhưng chỉ cần nhìn vào chúng là bạn cũng có thể cải thiện tâm trạng.
    • Nằm vào giường hoặc ghế xô pha. Mở các đĩa CD nhạc hoặc âm thanh của thiên nhiên. Hãy thư giãn với tiếng sóng vỗ, thác nước chảy hoặc tiếng chim hót.
    • Đọc một quyển sách hay. Quấn mình trong chăn trên ghế xô pha và thưởng thức một tách trà hoa cúc.
    • Hình dung một thiên đường riêng. Nhắm mắt lại và hình dung ra những cảnh tượng khác nhau. Bạn nhìn thấy gì xung quanh mình? Một làn gió nhẹ? Bạn nghe thấy gì – tiếng nước chảy hay tiếng chim hót? Tưởng tượng ra tiếng sóng biển đang xô vào bờ. Hãy tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời ở cõi riêng của bạn.
    • Ngay cả phòng tắm ở nơi làm việc cũng có thể trở thành một “chốn yên tĩnh” để thả lỏng nếu bạn không còn nơi nào khác để đến.
  4. Ngừng cảm giác tội lỗi. Cảm giác day dứt là nguồn gốc tiềm tàng của stress. Bạn hãy loại bỏ cảm giác đó bằng cách cư xử đúng mực; dừng các hành vi khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Bạn có thể tìm sự giúp đỡ chuyên môn nếu cần, nhưng đừng để hành vi hủy hoại leo thang và phá hoại cuộc sống cũng như sức khỏe của bạn.
  5. Biết cách xếp thứ tự ưu tiên. Lập một danh sách những việc cần làm trong ngày. Sắp xếp theo mức độ quan trọng và chủ động giải quyết trước khi các vấn đề trở nên nghiêm trọng. Tận dụng thời gian một cách hiệu quả nghĩa là bạn sẽ có thêm thời gian để thư giãn.
    • Làm việc! Dù điều này nghe có vẻ trái với mục đích thư giãn, nhưng sự chần chừ không bao giờ đem lại cảm giác dễ chịu, nó cũng giống như việc không có gì để làm. Hãy bắt tay vào việc ngay bây giờ, và sau đó bạn sẽ thực sự được thư giãn.
  6. Tập thiền. Xua hết mọi ý nghĩ và cảm xúc ra khỏi tâm trí bằng cách tập trung vào hơi thở. Thiền giúp bạn thả lỏng toàn bộ cơ thể chứ không chỉ tập trung thả lỏng từng bộ phận như một số phương pháp thư giãn khác. Có thể bạn phải mất một thời gian mới thành thạo, nhưng kết quả là xứng đáng cho những nỗ lực của bạn.
    • Bắt đầu với thời gian tối thiểu 15 phút và dần dần lên 45 – 60 phút cho mỗi phiên tập.[5]
    • Cố gắng ngồi thiền một cách đều đặn.
    • Tìm một thầy giỏi nếu bạn cảm thấy khó khăn khi tự học thiền.
    • Tránh thái độ căng thẳng, tranh đua hoặc nản chí về việc ngồi thiền – mọi cảm xúc đó phá hỏng mục đích của thiền!
  7. Suy nghĩ về việc tự thôi miên. Tập trung vào một vật gì đó, hít vài hơi thật sâu và đi vào trạng thái thôi miên. Nếu thấy khó khăn khi tự thôi miên, bạn nên đến một nhà thôi miên có giấy phép. Không để người thôi miên nghiệp dư cố thôi miên bạn, và chú ý đến những thông điệp của tiềm thức.
  8. Tham gia các hoạt động và thú tiêu khiển có thể khiến bạn thư giãn. Hãy giải phóng tâm trí khỏi những việc thường gây áp lực cho bạn. Đôi khi bạn chỉ cần nghỉ ngơi một chút.
    • Đi câu cá, khâu vá, ca hát, vẽ hoặc chụp ảnh.
    • Thử ngâm nga một bài hát mà không cần lời. Ca hát có thể đánh lạc hướng khỏi áp lực và bạn sẽ nhanh chóng được thư giãn.
    • Dùng âm nhạc như một liệu pháp thư giãn. Nghe nhạc với âm lượng to hay nhỏ tùy thích sao cho cảm thấy dễ chịu nhất.
  9. Chơi với thú cưng. Vuốt ve hay chơi với thú cưng của bạn. Chúng sẽ thích bạn như bạn cũng sẽ thích chúng. Kể với thú cưng về những áp lực và lo lắng mà bạn đang trải qua và bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Liệu pháp thú cưng là một phương pháp thư giãn thực sự. Bạn cũng có thể học được nhiều khi quan sát cách chúng thư giãn (lưu ý là thú vật không mang cảm giác tội lỗi theo mình)!
  10. Mỉm cười và cười thành tiếng. Tiếng cười là liều thuốc bổ. Bạn có thể thuê, mua hay đi xem phim hài hước, chắc chắn sẽ có công hiệu. Khi cười, chất endorphins được tiết ra để chống lại stress, giúp bạn thả lỏng và nhắc bạn rằng cuộc sống không chỉ có công vệc. Bạn hãy chú ý mỉm cười nhiều hơn, mặc dù có thể lúc đầu sẽ cảm thấy hơi kỳ lạ.

Thư giãn giữa những Người Căng thẳng[sửa]

Đôi khi những chờ đợi thiếu thực tế và tiêu cực của những người khác có thể ngăn chặn quyết tâm của bạn trong việc thực hành thư giãn như một phần trong cuộc sống hàng ngày. Bạn đừng để điều này xảy ra. Thay vào đó, bạn hãy cân nhắc các gợi ý sau đây để duy trì sự thư giãn giữa những người không biết thư giãn.

  1. Tạo nên một tấm chắn vô hình giữa bạn và những người bị stress. Đây là phương pháp hình dung, theo đó bạn tưởng tượng rằng mình đang được bao bọc trong chiếc kén tách biệt với những rung cảm tiêu cực của những người căng thẳng quá mức xung quanh bạn. Bạn nên hiểu rằng thái độ và hành vi của họ không đem lại điều tốt đẹp như ta tưởng, bạn nhận biết những áp lực đang tác động lên họ, nhưng đừng để nó xuyên qua tấm chắn của bạn.
    • Đừng vác cả sức nặng của cả thế giới trên vai mình – những người đó đang chọn cách hành động theo cách của họ, và bạn không cần phải tham gia làm gì.
    • Cắt đi sợi dây liên hệ giữa bạn và áp lực của những người khác có thể khó khăn vào lúc đầu, nhất là khi bản tính của bạn là thông cảm, nhưng bạn cứ tập cho đến khi việc không quan tâm đến áp lực của họ trở thành bản tính thứ hai của bạn.
  2. Ngắt kết nối. Tắt điện thoại, đóng email, lánh đến một nơi xa. Bạn đừng trả lời ai mỗi khi cảm thấy việc trả lời họ ngay lúc đó có thể khiến bạn dễ nổi giận. Dưới áp lực và trong lúc giận dữ, dường như chúng ta dễ suy diễn ác ý khi tương tác với người khác, và đến lúc đó thái độ tự cho mình là đúng sẽ bùng nổ khi đối phương phản ứng một cách tiêu cực.
    • Viết một bản thảo về phản ứng của bạn và theo dõi trong một ngày. Nếu tất cả đều đúng trong vòng 24 tiếng, hãy cân nhắc cho nó tan biến đi. Nếu không, bạn sẽ thấy dễ chịu là mình đã biết sống chậm lại.
    • Đi xa và giảm sức ép. Thay vì hành động trong nỗi tức giận, bạn hãy lánh đi cho đến khi bình tĩnh lại.
    • Đôi khi sử dụng bong bóng hamster khổng lồ ngoài đường cũng có thể xả stress khi ở giữa đám đông. Việc này có thể giúp người ta cảm thấy như đang di chuyển trong không gian riêng của mình. Đừng ngại dùng bong bóng hamster trong nhà, không gì có thể ngăn cản bạn đạt được sự thư giãn tốt nhất.
  3. Tránh tiếp xúc với những người có cá tính độc hại. Bớt giao du với những người hay thúc giục bạn phải làm việc hoặc luôn nói rằng bạn chưa tốt. Vâng, dù họ là người nhà của bạn.
    • Tránh xa những người liên tục than phiền và hay tỏ ra đau khổ, những người luôn bi quan. Stress có thể lây lan, do đó bạn nên tránh nguồn trung gian lây truyền. Bạn nên hiểu rằng vấn đề nào cũng có cách giải quyết, mặc dù bây giờ họ không làm, hoặc không chịu làm, nhưng bạn cứ chờ xem.
    • Tránh những người dùng thuật ám ảnh về vết thương của họ (và bản thân bạn cũng tránh làm vậy!)[6] Đắm chìm trong đau khổ là kế của một số người. Bạn không cần sự tiêu cực của họ, cũng không cần những đòi hỏi tham lam của họ khiến tình hình thêm tồi tệ.
  4. Hãy trao những cái ôm. Tiếp tục giữ thái độ tiến lên và vươn tới tích cực giữa những người có vẻ buồn nản và tiêu cực. Những đụng chạm trìu mến có thể giảm stress và khuyến khích thả lỏng. Hãy nói xin chào hoặc tạm biệt người thân và bạn bè kèm theo một cái ôm, và đừng ngại ngần giang tay ôm một người nào đó để an ủi họ, hoặc xin một cái ôm mỗi khi bạn cảm thấy mình quá nhỏ bé.
  5. Biết khi nào nên cắt đứt liên hệ. Nếu bạn coi trọng các mối quan hệ như hầu hết mọi người thì quả là gian nan để nhận ra rằng có những người mà quan hệ với họ chỉ có hại, bởi họ rút hết năng lượng của bạn và liên tục gây áp lực cho bạn. Đôi khi chấm dứt là cách tốt nhất, miễn là bạn đã suy nghĩ thật kỹ trước khi làm điều đó. Nhưng bạn đừng phán xét, gây tổn thương hoặc tỏ ra thô lỗ; chỉ cần tiếp tục bước đi. Các bài viết dưới đây có thể giúp bạn nhận diện và giải quyết những mối quan hệ kiểu như vậy:
    • Đối phó với những Người Quá quắt
    • Nhận biết Người tình Chi phối và Kiểm soát
    • Nhận biết Bạn Xấu
    • Nhận biết Mối Quan hệ Xấu
  6. Ở bên cạnh những người tỏa ra sự nồng ấm và người mà bạn có thể thực sự kết nối. Việc tiếp xúc với những người có suy nghĩ tích cực và vui vẻ sẽ giúp năng lực của bạn tăng lên đáng kể, hơn nữa bạn cũng cảm thấy thư giãn và hạnh phúc hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nghe nhạc thư giãn (nhạc không lời) để bạn có thể thả lỏng và không phải suy nghĩ về bất cứ chuyện gì. Bạn hãy tạo một playlist nhạc để khỏi phải chọn bài mới khi nghe xong một bản nhạc.
  • Bạn không cần phải cố gắng tập như vận động viên thể hình hay người nổi tiếng. Chỉ cần bạn biết giá trị của việc tập luyện để thực sự tận hưởng thay vì e ngại và né tránh. Đi dạo 20 phút mỗi ngày cũng là đủ nếu đây là hoạt động duy nhất mà bạn thích.
  • Thỉnh thoảng ưu tiên cho lợi ích của mình. Chúng ta thường nghĩ về những vấn đề của mọi người và mỗi ngày lại phải chịu thêm áp lực. Tuy nhiên bạn đừng trở nên ích kỷ.
  • Ngâm mình vào bồn tắm nước nóng thật dễ chịu!
  • Dùng nước để thư giãn. Đặt một đài phun nước nho nhỏ trong phòng ngủ hoặc ngoài sân. Đi dạo gần bờ biển hoặc hồ nước. Tiếng nước chảy êm đềm nghe rất dễ chịu.
  • Mỉm cười và nghĩ về những khoảnh khắc hạnh phúc, không nghĩ về chuyện buồn.
  • Hãy tự tin! Đừng bỏ cuộc. Tiếp tục thực hiện những phương pháp thư giãn này. Bạn có thể giảm mức độ stress của mình. Chỉ cần ghé thăm trang này và tìm sự giúp đỡ, bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn trên hành trình của mình.
  • Đừng thực hiện những nhiệm vụ nhiều áp lực và đòi hỏi nhiều năng lượng khi gần đến giờ đi ngủ. Quá nhiều áp lực hoặc sự tập trung cao có thể khiến bạn khó thả lỏng và khó ngủ, điều này có thể tác động xấu lên giấc ngủ và tăng mức độ áp lực lên bạn.
  • Đừng suy nghĩ về công việc.
  • Thở chậm và sâu để năng lượng thoát ra và thả lỏng.
  • Dừng tất cả những việc bạn đang làm. Hít thở sâu vài lần. Cứ bình tĩnh với mọi việc.
  • Nghe nhạc không lớn quá, hoặc tốt hơn là nghe nhạc cổ điển.

Cảnh báo[sửa]

  • Hỏi ý kiến bác sĩ nếu stress gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như nhức đầu, ăn không ngon hoặc nói chung là mệt mỏi.
  • Hàng ngàn người vô tình nghiện ma túy hoặc rượu trong những lúc bị stress nặng. Bạn hãy rèn luyện khả năng phục hồi để ngăn chặn nguy cơ này xảy ra với bạn. Một trong những phần khó khăn nhất khi xử lý stress là nhận ra và chống lại sự cám dỗ đang che đậy nó thay vì chữa trị.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Karena Callan, Spa, p. 26, (2001), ISBN =0
  2. Consumer, I've had it up to here, p. 5, (2008), ISBN 978-0-908658-97-8
  3. Consumer, I've had it up to here, p. 19, (2008), ISBN 978-0-908658-97-8
  4. Lillian Too, Discover Yourself, p. 68, (2002), ISBN
  5. Christopher Titmuss, The Power of Meditation, p. 9, (1999), ISBN
  6. Dr Ulla Sebastian, Addicted to suffering, http://www.visioform.com/uk/articles-suffering.htm

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này