Thuốc giảm đau có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Theo các nhà nghiên cứu, nguy cơ nhồi máu cơ tim trở nên cao nhất trong tháng đầu tiên dùng thuốc kháng viêm không steroid, nếu dùng liều cao.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm không có cấu trúc steroids.

Nguy cơ nhồi máu cơ tim là lớn nhất trong tháng đầu tiên dùng thuốc giảm đau không steroid.

Tất cả năm loại thuốc kháng viêm không steroid được khảo sát đều cho thấy có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ngay từ tuần đầu sử dụng, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế phát hiện.

Họ kết luận, xác suất trên 90% tất cả các loại thuốc NSAID mà họ nghiên cứu đều liên quan đến gia tăng nguy cơ gây nhồi máu cơ tim.

Nhìn chung, tỉ lệ bị nhồi máu cơ tim tăng khoảng 20% đến 50% nếu sử dụng NSAID so với không sử dụng, mặc dù nó khác nhau đối với từng loại thuốc được đánh giá, bao gồm naproxen, diclofenac, celecoxib và rofecoxib.

Vì đó là một nghiên cứu quan sát nên không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả một cách chắc chắn.

Tuy nhiên, các tác giả, đứng đầu là Michèle Bally ở Trung tâm Nghiên cứu Bệnh viện thuộc Đại học Montreal, viết: “Do nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tính xuất hiện ngay trong tuần đầu tiên và lên cao nhất trong tháng điều trị đầu tiên với liều cao, bác sĩ kê đơn nên cân nhắc những rủi ro và lợi ích của NSAID trước khi tiến hành điều trị, đặc biệt với những liều cao hơn”.

Theo bài báo, được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ), các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả trên 446.763 người trong cơ sở dữ liệu y tế ở các nước Canada, Phần Lan và Anh, trong đó 61.460 người bị một cơn nhồi máu cơ tim.

Kết quả cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim liên quan đến việc sử dụng NSAID là lớn nhất với liều dùng cao và trong tháng đầu dùng thuốc. Với thời gian điều trị dài hơn, nguy cơ dường như không tăng nữa nhưng vì các nhà khoa học đã không nghiên cứu các cơn nhồi máu cơ tim tái phát, nên họ khuyên rằng sẽ là khôn ngoan nếu sử dụng NSAID trong thời gian càng ngắn càng tốt.

Họ cho biết mức rủi ro nhồi máu cơ tim sẽ tăng lên 75% đối với thuốc ibuprofen và naproxen, và hơn 100% đối với thuốc rofecoxib nhưng mức tăng rủi ro do ibuprofen và naproxen lại không chắc chắn nhất.

“Cho dù bạn được kê đơn thuốc giảm đau như ibuprofen, hay mua chúng ở quầy thuốc, thì cũng phải nhận thức được nguy cơ này và xem xét các loại thuốc thay thế nếu phù hợp”, TS Mike Knapton, Phó giám đốc y học của Quỹ Tim Anh, nói sau khi đọc bài báo.

Tuy nhiên, do thiếu dữ liệu về nguy cơ tuyệt đối (nguy cơ một người bất kỳ bị mắc bệnh) đối với bệnh nhồi máu cơ tim – cả ở những người sử dụng và không sử dụng NSAID – trong bài báo, và thực tế là các nhà nghiên cứu không thể loại trừ các yếu tố ảnh hưởng khác, dẫn đến một số nhà bình luận độc lập kết luận rằng thật khó để đánh giá ý nghĩa của bài báo.

Stephen Evans, giáo sư dịch tễ dược học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nói đây là nghiên cứu quan sát có chất lượng tốt, song ông cũng nói thêm: “Nghiên cứu này cho thấy việc dùng thuốc chỉ vài ngày cũng làm tăng nguy cơ, nhưng điều này có thể còn chưa rõ rệt như các tác giả khuyến cáo. Hai vấn đề chính ở đây là nguy cơ tương đối nhỏ, và đối với hầu hết những người không có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim thì những phát hiện này có ý nghĩa rất nhỏ.”

Ông kết luận nghiên cứu không cung cấp “lí do nào khiến hầu hết những người dùng các loại thuốc [giảm đau] này phải lo lắng”.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này