Thuyết phục bố mẹ cho bạn nuôi chó

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn đang háo hức muốn nuôi một chú cún, nhưng đôi khi thật khó mà thuyết phục bố mẹ đồng ý. Để được bố mẹ cho phép, bạn có thể bắt đầu bằng cách nêu ra các lợi ích của việc nuôi chó, chẳng hạn như tình bầu bạn và sự thương mến. Tiếp đó là thể hiện sự chín chắn và trách nhiệm của mình bằng cách làm thêm những việc lặt vặt trong nhà. Suy nghĩ về những công việc chăm sóc thú cưng để chứng tỏ cho bố mẹ thấy rằng bạn đã sẵn sàng làm chủ một chú chó.

Các bước[sửa]

Nêu ý tưởng nuôi một chú chó[sửa]

  1. Nói chuyện về loài chó như một “cục cưng’’ của gia đình. Nói với bố mẹ rằng chú chó sẽ khiến bạn dành thời gian ở nhà nhiều hơn, và như vậy là cũng ở bên cạnh bố mẹ nhiều hơn. Nói rằng cả nhà sẽ vui hơn khi nuôi một chú cún – cùng nhau đi dạo ở công viên hoặc nướng thịt trong sân, vừa thưởng thức thịt nướng vừa chơi trò ném đĩa với nó.[1]
    • Mô tả bữa cơm tối ấm áp của gia đình với một chú cún ngồi bên cạnh, hoặc cảnh cả nhà cùng quây quần ngồi xem phim và chú chó nằm ngay dưới chân bạn.
  2. Nói với bố mẹ rằng chú chó sẽ khiến bạn ra ngoài trời nhiều hơn. Có phải bố mẹ bạn thường phàn nàn rằng bạn cứ toàn ở một mình trong phòng tối và dán mắt vào màn hình vi tính hoặc chơi game? Có phải bố mẹ thường khuyến khích bạn ra ngoài và tận hưởng ánh nắng mặt trời? Nếu thế thì bạn hãy bảo rằng việc nuôi chó sẽ khiến bạn ra công viên, tắm nắng và tập thể dục nhiều hơn thay vì suốt ngày ngồi nhắn tin với bạn bè hoặc ăn thức ăn nhanh.[1]
    • Nói thêm rằng chú cún sẽ buộc bạn bỏ tai nghe ra và tham gia những trò chơi đơn giản ngoài trời của trẻ con cùng với người bạn bốn chân của mình.
  3. Giải thích rằng việc nuôi chó có thể giúp nâng cao sức khỏe tinh thần. Nuôi chó là một liệu pháp chữa bệnh, và những người nuôi chó thường sống lâu hơn và hạnh phúc hơn. Chú chó biết khi nào bạn buồn bực và xoa dịu bạn những khi căng thẳng. Chó là động vật có trực giác tốt, nó biết cách giúp chủ khuây khỏa. Nếu bố mẹ bạn thường bận bịu ở nơi làm việc, bạn hãy bảo rằng một chú cún cưng trong nhà không những có thể an ủi mọi người mà còn làm bạn với bạn khi bố mẹ vắng nhà.[1]
  4. Nói rằng nhà bạn sẽ an toàn hơn nếu nuôi chó. Chó có bản năng bảo vệ bầy đàn, và chúng sẽ làm mọi việc có thể để giữ an toàn cho những người mà chúng coi là gia đình của mình. Khi được huấn luyện tốt, chú chó của bạn sẽ biết ai được chào đón, và ai không được vào nhà.[1]
    • Những nhà nuôi chó thường ít có rủi ro bị cướp hơn. Giải thích rằng một chú chó được huấn luyện sẽ không chỉ là bầu bạn mà còn là “vệ sĩ’’ của bạn. Nếu bạn đã lớn để bố mẹ có thể đi nghỉ mà không cần đưa bạn đi theo, hãy nói rằng bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi có nó bên cạnh.
  5. Nói với bố mẹ rằng chú chó sẽ dạy bạn có trách nhiệm hơn. Mặc dù nên cho bố mẹ thấy rằng mình có khả năng nuôi chó bằng cách tỏ ra có trách nhiệm, bạn cũng có thể nói thêm rằng việc nuôi chó sẽ còn giúp bạn có trách nhiệm và cẩn thận hơn nữa. Nêu ra các lý do như sau:
    • Nuôi chó sẽ buộc bạn phải tuân thủ thời gian biểu. Bạn sẽ phải cho chó ăn, đi dạo và chơi với nó vào những thời gian nhất định.
    • Nuôi chó sẽ khiến bạn đi ngủ sớm và dậy sớm hơn để còn dắt chó ra ngoài. Sẽ không còn cảnh bạn thức đến 3 giờ sáng để dán mắt vào màn hình ti vi hoặc máy tính nữa.
    • Chú chó sẽ dạy bạn về giá trị của tinh thần trách nhiệm trong cả những việc khác.
  6. Kể về giống chó mà bạn muốn nuôi. Tìm hiểu để xác định giống chó bạn muốn nuôi và lý do tại sao. Bất kể đó là giống chó nhỏ như Miniature Schnauzer hay giống chó to như Labrador, bạn cũng cần giải thích lý do tại sao bạn muốn nuôi. Như vậy, bố mẹ bạn sẽ thấy rằng bạn đã bỏ nhiều thời gian và tâm sức để suy nghĩ về việc nuôi chó. Khi kể với bố mẹ về việc này, có thể bạn cần nói thêm:
    • Các ưu điểm của giống chó. Chúng nổi tiếng là dễ huấn luyện, tuyệt đối trung thành hay có vẻ ngoài tuyệt đẹp?
    • Giải thích về cách huấn luyện giống chó đó sao cho hiệu quả nhất. Cho bố mẹ thấy rằng bạn đã biết làm thế nào để dạy chó đi vệ sinh và tuân theo các hiệu lệnh cơ bản như “ngồi” hoặc “yên’’.
    • Cho bố mẹ xem ảnh của chú chó hoặc giống chó bạn muốn nuôi. Tấm ảnh có thể khiến bố mẹ đồng cảm hơn. Ai mà chẳng xiêu lòng trước hình ảnh một chú cún thật đáng yêu?

Chứng tỏ rằng bạn có trách nhiệm[sửa]

  1. Đảm bảo rằng bạn thực sự sẵn sàng làm chủ một chú chó. Bạn rất dễ cao hứng muốn nuôi chó, nhất là khi vừa xem xong một bộ phim về một chú chó nào đó thật tuyệt vời, nhưng thực tế thì có rất nhiều việc phải làm. Ngay cả khi rất muốn nuôi chó, bạn hãy tự hỏi xem mình đã thực sự sẵn sàng bỏ thời gian, công sức và tiền bạc vào nó chưa? Bạn có sẵn sàng hy sinh một số thời gian giao du với bạn bè để ở bên cạnh nó không?
  2. Tìm cách để hỗ trợ cho chi phí. Nuôi chó có thể sẽ tốn kém - nào là thức ăn, chải lông, nào là chăm sóc thú y và đồ chơi. Nghĩ xem bạn có thể làm gì để giúp trả những chi phí này. Tiếp đó, bạn hãy đề nghị trả toàn bộ hoặc một phần tiền nuôi chó. Bạn sẽ phải giữ lời hứa, do đó cần đảm bảo rằng lời hứa của bạn là khả thi.[2]
    • Bạn có thể ngỏ ý giúp những việc lặt vặt trong khu phố, giao báo hoặc để dành tiền bố mẹ cho để phụ vào số tiền mua chó.
  3. Cố gắng làm tốt các bổn phận trong nhà. Nếu muốn chứng minh mình sẽ là một người chủ tuyệt vời của chú chó, bạn sẽ phải làm được những nhiệm vụ cơ bản: tự dọn giường, giữ phòng sạch sẽ, rửa bát đĩa và làm tất cả những nhiệm vụ của bạn. Sau đó, bạn hãy tiến thêm một bước nữa bằng cách nhận thêm những công việc khác trong nhà, giúp bố mẹ nấu ăn, tưới cây, giặt quần áo, pha cà phê mời bố mẹ khi cần và làm bất cứ việc gì trong khả năng của bạn dù bố mẹ không đòi hỏi.[2]
  4. Nâng cao điểm số ở trường. Nếu muốn bố mẹ thấy rằng bạn có thể đảm đương thêm trách nhiệm nuôi chó, bạn nên duy trì điểm số tốt ở trường trong khi đề xuất việc gia nhập thêm thành viên mới vào nhà. Nếu có thể, bạn hãy cố gắng học tốt hơn nữa để chứng minh rằng bạn quyết tâm và làm bất cứ việc gì để có được một chú chó.[3]
    • Nếu muốn hứa với bố mẹ, bạn hãy nêu thật cụ thể những việc bạn có thể làm. Bạn có thể nói, “Con sẽ đạt điểm A môn toán” Hoặc, “Con sẽ đạt điểm A trong tất cả các bài kiểm tra môn khoa học thường thức”.
  5. Cho bố mẹ thấy bạn biết chăm sóc. Đề nghị bố mẹ giao cho bạn chăm sóc thứ gì đó trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể đó là một quả trứng (đừng làm vỡ nhé!), một bao bột mì, một cái cây, hoặc thậm chí một chú chuột lang. Vượt qua được bài kiểm tra này là bạn đã chứng tỏ cho bố mẹ thấy bạn có trách nhiệm và nghiêm túc với ý định nuôi chó. Tuy điều này nghe có vẻ vớ vẩn, nhưng bạn nên xử lý tình huống một cách thật nghiêm túc.
  6. Làm bài kiểm tra. Nếu bạn bè hoặc người họ hàng nào của bạn cần người chăm sóc chó một thời gian, bạn hãy xung phong nhận làm. Việc bạn chăm sóc một chú chó trong vài ngày sẽ chứng tỏ rằng bạn đã sẵn sàng nuôi thú cưng, và bố mẹ sẽ thấy bạn vui như thế nào khi được chơi với người bạn bốn chân đáng yêu này.
  7. Dành thời gian cho bố mẹ cân nhắc. Nhớ rằng đừng ngày nào cũng mè nheo với bố mẹ, bằng không bạn có nguy cơ bị gạt đi ngay. Nếu bố mẹ chưa đồng ý, bạn nên tiếp tục cho họ thấy sự chín chắn và hiểu biết của bạn, giúp đỡ việc nhà, thỉnh thoảng lại nhắc đến mong ước có một chú chó để họ quen với ý tưởng đó. Thái độ kiên trì của bạn cũng cho bố mẹ thấy bạn rất quyết tâm và sẵn sàng chờ đợi.

Giải quyết những điều bố mẹ lo ngại[sửa]

  1. Nói rằng bạn sẽ dẫn chó đi dạo. Bố mẹ bạn có thể lo rằng bạn cả thèm chóng chán, và cuối cùng việc chăm sóc chó lại đến tay bố mẹ. Trình bày rằng bạn đã chọn thời gian thích hợp nhất để dẫn chó đi dạo và cam kết làm việc này mỗi ngày; nếu bạn có anh chị em, hãy nói rằng mấy đứa sẽ phân chia nhiệm vụ với nhau. Để chứng minh “thành ý”, thậm chí bạn có thể đi dạo một mình vào những giờ bạn dự định dắt chó đi dạo.[1]
  2. Cam đoan rằng chú chó sẽ không làm rối tung nhà cửa. Bố mẹ bạn có thể lo ngại rằng chú chó sẽ gặm dây điện và đồ đạc, tha đất cát vào nhà và rụng lông khắp nơi. Nhiệm vụ của bạn là giải thích cho bố mẹ thấy rằng những sự cố như vậy sẽ không xảy ra. Khi nói chuyện với bố mẹ về những lo ngại đó, bạn cần nhớ:
    • Bảo rằng bạn sẽ mua nhiều đồ chơi cho cún cưng của bạn gặm để nó không gặm đồ đạc. Về dây điện, bạn hãy hứa dán băng keo hoặc che đậy lại, việc này cũng giúp ngôi nhà của bạn trông gọn gàng hơn.
    • Diễn giải cách đề phòng chó tha đất cát vào nhà. Bạn có thể nói rằng bạn sẽ lau sạch bàn chân chó ở nhà để xe hoặc ở cổng sau trước khi nó đặt chân vào nhà.
    • Bàn về việc bạn sẽ ngăn ngừa việc chó rụng nhiều lông. Loài chó thì tất nhiên là rụng lông rồi, nhưng bạn có thể giải thích với bố mẹ là bạn sẽ dọn dẹp thường xuyên để làm sạch lông chó.
    • Cho bố mẹ biết rằng bạn có kế hoạch tắm chó hàng tuần hoặc theo nhu cầu của từng giống chó.
  3. Lập bảng ăn uống của chó. Chú chó của bạn cần được ăn mỗi ngày ít nhất một lần, nhưng thường là hai lần. Tìm hiểu xem bạn sẽ cho chó thức ăn ướt, khô hay kết hợp cả hai loại. Chọn loại thức ăn bổ dưỡng nhưng cũng phải vừa túi tiền. Sau đó bạn hãy lập bảng thời gian cho chó ăn và lượng thức ăn là bao nhiêu. Bạn cũng có thể ước lượng chi phí mua thức ăn cho chó.[1]
  4. Cân nhắc việc dạy chó đi vệ sinh. Nếu bạn định nhận nuôi chó đã trưởng thành thì có lẽ chúng đã được huấn luyện việc này. Tuy nhiên, đối với chó con hoặc chó nhỡ thì có lẽ bạn phải dạy chúng đi vệ sinh. Nói với bố mẹ rằng bạn sẵn sàng dọn phân chó và dọn dẹp khi chú cún của bạn tiểu bậy ra nhà.[1]
  5. Cung cấp danh sách các bác sĩ thú y có uy tín. Chứng tỏ cho bố mẹ thấy bạn có khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho chú chó. Hãy nghiên cứu trước và tìm phòng khám thú y tốt nhất trong vùng. Nhờ bạn bè có nuôi chó giới thiệu bác sĩ thú y hoặc tự tìm hiểu. Cố gắng chọn phòng khám gần nhà để có thể đi bộ đến đó nếu bạn không đi xe. Cho bố mẹ biết là bạn đã tìm hiểu và có thể lo được việc đó.[1]
  6. Dự tính về các kỳ đi nghỉ và các hoạt động dài ngày khác. Kể với bố mẹ rằng bạn có kế hoạch trông giữ chó nếu cả nhà đi nghỉ. Nếu mẹ bạn hỏi, “Thế khi cả nhà mình đi chơi biển cả tuần thì làm thế nào với con cún của con?” Bạn phải tính trước để khỏi bị bất ngờ với những tình huống như vậy. Hãy tìm dịch vụ trông giữ chó ở gần nhà để có thể gửi chú cún của bạn, hoặc tìm một người bạn thân hay hàng xóm sẵn lòng chăm sóc chó giúp bạn.[4]
  7. Sẵn sàng chờ đợi để có một chú chó. Chứng tỏ cho bố mẹ thấy rằng bạn sẽ không mau chán. Bố mẹ bạn có thể lo rằng bạn sẽ nhanh chóng chán chú chó chỉ sau vài tuần có được nó và sẽ không chăm sóc nữa. Để xua tan nỗi lo của bố mẹ, bạn hãy bảo rằng bạn sẵn sàng chờ vài tháng để thảo luận về việc này. Bố mẹ bạn sẽ thấy rằng đó không phải là ý thích nhất thời của bạn, bạn thực sự quyết tâm và sẵn sàng chờ đợi để chứng tỏ bạn tha thiết muốn có một chú chó thế nào.

Lời khuyên[sửa]

  • Cân nhắc nhận nuôi một chú chó ở hội cứu trợ động vật. Bạn sẽ đỡ tốn tiền hơn nhiều so với việc mua chó con từ người gây giống hoặc cửa hàng bán thú cưng, hơn nữa bạn còn có thể giúp đỡ một chú chó đang cần một mái ấm.
  • Tìm hiểu một số thông tin ở trường huấn luyện chó trong vùng để bổ sung thêm kiến thức dạy chó. Bố mẹ bạn sẽ đánh giá cao vì bạn không chỉ muốn nuôi chó mà còn muốn dạy chó trở nên ngoan ngoãn.
  • Trong khi chờ đợi bố mẹ đồng ý, bạn hãy tìm đến hội cứu trợ động vật địa phương và tình nguyện chăm sóc chó lang thang hoặc tìm các nhà hàng xóm cần người giúp chăm sóc chó.
  • Tìm kiếm nhiều nơi cứu trợ động vật và sẵn sàng chấp nhận nếu bố mẹ bạn muốn nuôi một giống chó khác ở nơi khác.
  • Làm việc tình nguyện ở một tổ chức cứu trợ động vật để chứng tỏ bạn sẽ chăm sóc chú chó của mình. Làm công việc này đều đặn (chẳng hạn như mỗi tuần một lần) để chứng tỏ mình là người đáng tin cậy.

Cảnh báo[sửa]

  • Đảm bảo rằng bạn thực sự sẵn sàng chăm sóc và đảm đương trách nhiệm của một người chủ tốt.
  • Nếu bố hoặc mẹ bạn bị dị ứng với lông chó, bạn cần phải cân nhắc nghiêm túc đến điều này. Tìm giống chó ít gây dị ứng và sẵn sàng trả thêm tiền để mua chó thuần chủng.[1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]