Trở thành doanh nghiệp xanh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Doanh nghiệp xanh (hay còn gọi là doanh nghiệp bền vững) là doanh nghiệp không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường địa phương hoặc trái đất, đối với cộng đồng hay nền kinh tế.[1] Doanh nghiệp xanh hoạt động có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, tập trung vào việc thực hiện những quy tắc và thông lệ có lợi cho người lao động, cộng đồng và trái đất.[2] Doanh nghiệp xanh đặc biệt cuốn hút người tiêu dùng vì các doanh nghiệp này nổi tiếng bởi sự quan tâm bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường, đảm bảo đời sống của người lao động và những nhà cung cấp của họ, đồng thời liên tục cải thiện cách tiếp cận để hướng tới sự bền vững và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Trở thành doanh nghiệp xanh không phải là sự thay đổi một lần mà là nỗ lực thường xuyên cần sự học hỏi và cải thiện không ngừng.

Các bước[sửa]

Nhận biết các ý tưởng về doanh nghiệp xanh[sửa]

  1. Xem xét những ảnh hưởng về sinh thái và xã hội. Để được công nhận là một doanh nghiệp xanh, các tác động về sinh thái và xã hội luôn được xem xét và đặt lên trên lợi nhuận khi tạo ra sản phẩm hoặc kinh doanh dịch vụ.[3] Ví dụ, sản phẩm không được sản xuất ở những nhà máy bóc lột sức lao động của công nhân với mức lương rẻ mạt. Để là doanh nghiệp xanh, bạn phải cam kết quan tâm đến cả con người lẫn môi trường.
  2. Ngăn chặn ô nhiễm. Doanh nghiệp xanh giảm tối đa lượng chất độc hại trong sản phẩm của mình.[3] Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng phải hạn chế chất thải có hại trong quá trình sản xuất để đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến con người và/hoặc môi trường. Ví dụ, bảo đảm quá trình sản xuất và vận chuyển thân thiện với môi trường.[2]
  3. Chú trọng đến cộng đồng. Doanh nghiệp xanh hòa nhập với cộng đồng xung quanh. Doanh nghiệp sẽ khuyến khích công nhân tham gia tình nguyện, làm từ thiện và tiếp thị vì mục đích cao đẹp.[2] Hoạt động này bao gồm những sự kiện như diễn đàn hướng dẫn và khuyến khích người tiêu dùng tìm hiểu nhiều hơn về những người sáng lập ra doanh nghiệp xanh cũng như cách thức ủng hộ các doanh nghiệp này trong cộng đồng.
  4. Bảo tồn nguồn nước và năng lượng. Doanh nghiệp xanh sử dụng các nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt như nước và năng lượng ở mức tối thiểu nếu có thể.[3] Tất cả rác thải và chất gây ô nhiễm đều phải giữ ở mức thấp nhất. Nếu có thể, các nguồn nhiên liệu thay thế sẽ được sử dụng làm năng lượng.
  5. Áp dụng giải pháp 3R. Giải pháp 3R (reduce, reuse, and recycle) nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Các doanh nghiệp xanh ưu tiên hàng đầu những hoạt động này nhằm hạn chế tác động đến môi trường.[4]
  6. Chú ý đến nguồn cung cấp. Doanh nghiệp xanh sử dụng nguyên vật liệu được sản xuất bởi các nhà cung cấp thân thiện với môi trường và tận dụng sản phẩm thiên nhiên bất cứ lúc nào có thể.[3] Bên cạnh việc sử dụng sản phẩm của các nhà cung cấp thân thiện với môi trường, doanh nghiệp xanh còn dùng sản phẩm địa phương dù vật liệu rẻ tiền luôn có sẵn.[4][5]

Kiểm tra thói quen của doanh nghiệp[sửa]

  1. Xác định tác động về sinh thái. Bước đầu tiên để trở thành doanh nghiệp xanh là biết được lượng phát thải carbon và nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiện tại (carbon and ecological footprint) của doanh nghiệp như thế nào. Ngay khi bạn tính được lượng phát thải carbon của chính bạn (ví dụ, sử dụng ứng dụng tính toán trực tuyến tại trang web: http://www.nature.org/greenliving/carboncalculator/), bạn cũng có thể tính được tác động của doanh nghiệp đối với môi trường ra sao.
    • Để ước tính lượng phát thải carbon của công ty (và so sánh với các công ty khác hoạt động trongcùng lĩnh vực), bạn sẽ phải cung cấp thông tin về doanh nghiệp, bao gồm: thông tin về thiết bị sử dụng, số lượng lao động, việc đi lại và mua sắm, cho trang web tính toán.[6]
    • Khi biết lượng phát thải carbon của doanh nghiệp, bạn có thể đặt mục tiêu để trở thành doanh nghiệp không phát sinh thêm khí carbon (carbon neutral).[7]
    • Phối hợp với Tổ chức Global Footprint Network: http://www.footprintnetwork.org/en/index.php/GFN/page/footprint_for_business/ để tiến hành phân tích nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của doanh nghiệp.
  2. Phát hiện những thói quen cần cải thiện. Để trở thành doanh nghiệp xanh, bạn cần phát hiện những thói quen nào cần “nhuộm xanh”. Ví dụ, các chuyến bay là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra phát thải khí carbon trên toàn cầu.[8] Liệu bạn có thể đưa ra các giải pháp đi lại hiệu quả hơn vào kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp hay không?
  3. Đặt mục tiêu để cải cách. Quyết định bộ phận nào trong doanh nghiệp có thể cải thiện để trở nên “xanh” hơn, và đặt ra chiến lược thực hiện. Bạn nên đặt mục tiêu định kỳ; ví dụ, bạn muốn doanh nghiệp phát triển như thế nào trong 1 năm? 2 năm? 5 năm? 10 năm? Bạn cần tìm cách cải thiện nhiều hơn với mỗi năm qua đi.
    • Một số thói quen giúp doanh nghiệp thân thiện với môi trường hơn có thể xung đột với những thông lệ kinh doanh trước đây. Ví dụ, bạn có thể tìm nguồn nguyên liệu thô rẻ tiền từ một nhà cung cấp nước ngoài để làm đầu vào sản xuất; tuy nhiên, để trở thành doanh nghiệp xanh, bạn cần nghiên cứu liệu bạn có thể sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương hay không, dù chúng đắt hơn. Nhớ rằng bạn có thể phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và/hoặc ngân sách khi trở thành doanh nghiệp xanh.

Xây dựng chiến lược xanh cho doanh nghiệp[sửa]

  1. Hình dung về những thay đổi sẽ cải thiện doanh nghiệp của bạn. Bạn cần biết chắc những thay đổi dự kiến thực hiện sẽ cải thiện doanh nghiệp thực sự. Bạn cần quan tâm không chỉ đến “mức độ xanh” của doanh nghiệp mà còn phải duy trì hoạt động tài chính hiệu quả.
    • Sau khi xác định cần thực hiện những thay đổi gì (ví dụ, bạn có đảm bảo không sản phẩm nào được tạo ra ở những nhà máy bóc lột sức lao động không? Bạn có xây dựng những quy tắc xác định mục tiêu xã hội và môi trường mà bạn mong muốn đạt được hay không?[2]), bạn cần hiểu được ảnh hưởng của những thay đổi này đối với hoạt động chung của doanh nghiệp.
    • Đảm bảo bạn chỉ cam kết thực hiện những thay đổi trong khả năng của bạn. Hãy chắc chắn làm đúng những gì mình đã cam kết.[9]
  2. Xây dựng chiến lược cải thiện. Sau khi xác định hiện trạng của doanh nghiệp (về tác động đối với môi trường) và tương lai của doanh nghiệp, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về nguồn lực, công cụ và cách tiếp cận được sử dụng để đạt được mục tiêu đó. Một chiến lược có thể đơn giản hoặc phức tạp tùy nhu cầu của bạn nhưng cần khả dụng, khả thi, và thực tế.
    • Tham khảo sách kinh doanh để biết cách xây dựng chiến lược doanh nghiệp xanh. Những cuốn sách này có thể cung cấp kỹ thuật và lời khuyên để gây dựng thành công doanh nghiệp xanh. Thử tìm kiếm cụm từ khóa “những cuốn sách hay nhất về doanh nghiệp xanh” trên Google, bạn sẽ có một danh sách những cuốn sách có thể cung cấp lời khuyên hữu ích để trở thành doanh nghiệp xanh.
      • Để bắt đầu, hãy tìm cuốn sách thường được mọi người tìm đọc Sự thật về doanh nghiệp xanh của tác giả Gil Friend.
    • Trong quá trình xây dựng chiến lược, hãy quyết định liệu bạn có thể làm nhiều hơn việc “phủ xanh” cơ sở kinh doanh và thói quen hiện tại của doanh nghiệp. Có cách nào giúp bạn mở rộng hoạt động của doanh nghiệp xanh? Ví dụ, liệu doanh nghiệp của bạn có thể chuyển sang sản xuất sản phẩm và dịch vụ xanh hay không?
  3. Tham khảo các cơ sở kinh doanh thân thiện với môi trường khác. Trước khi thực hiện việc phủ xanh doanh nghiệp, hãy trao đổi với chủ sở hữu hoặc quản lý các doanh nghiệp xanh khác ở cùng khu vực với bạn. Tìm hiểu liệu họ phải đối mặt với thách thức gì, họ đã mắc những sai lầm nào, họ cần lời khuyên gì nếu chuyển từ doanh nghiệp bình thường sang doanh nghiệp xanh. Hãy học hỏi từ sai lầm của người khác để rút ra kinh nghiệm cho chính bạn trong quá trình xây dựng doanh nghiệp xanh.
    • Bạn có thể tìm hiểu về các doanh nghiệp xanh với từ khóa "danh nghiệp xanh tại Việt Nam".

Giảm mức tiêu thụ chung của doanh nghiệp[sửa]

  1. Quan sát những gì doanh nghiệp của bạn sử dụng và thải ra. Những thứ này có thể bao gồm nguồn tài nguyên như năng lượng, nguồn cung ứng và các nguyên liệu khác. Lập danh sách và phổ biến tới toàn thể nhân viên để họ biết số lượng tiêu thụ hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm.
  2. Quyết định chỗ nào cần cắt giảm. Đây có thể là điểm khởi đầu thận trọng và hiệu quả nhất đối với một doanh nghiệp uy tín khi trở nên thân thiện với môi trường. Bằng việc cắt giảm, bạn có thể tiết kiệm tiền của công ty ngay lập tức. Nhìn thấy hiệu quả nhanh chóng sẽ tạo động lực cho bạn (và nhân viên) để tiếp tục thực hiện.
    • Ví dụ, cân nhắc mục tiêu ban đầu là cắt giảm năng lượng sử dụng. Nếu bạn quyết định dùng đèn huỳnh quang hoặc đèn LED, bạn sẽ giảm 75% năng lượng sử dụng so với bóng đèn sợi đốt truyền thống.[5] Điều này có nghĩa là bạn sẽ tiết kiệm khoảng 4 triệu đồng/bóng đèn vì các loại bóng đèn này có tuổi thọ cao hơn và sử dụng ít năng lượng hơn bóng đèn thông thường.[10]
      • Dùng ứng dụng tính toán tiết kiệm năng lượng (Energy Savings Calculator) tại trang web: http://www.bulbs.com/learning/energycalc.aspx để xác định giá trị của việc chuyển sang dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng.
  3. Xem xét việc sử dụng giấy của công ty. Doanh nghiệp của bạn sử dụng bao nhiêu giấy trong một ngày? Các nghiên cứu cho thấy một văn phòng thông thường thải loại khoảng 175 kg giấy/nhân viên trong một năm.[5] Bạn có thể giảm lượng giấy sử dụng không? Cố gắng chuyển sang quy trình số hóa để tính hóa đơn cho khách hàng và để thanh toán hóa đơn của công ty. Dùng máy quét các hợp đồng quan trọng và gửi thư điện tử thay vì in ra và gửi qua đường bưu điện. Hạn chế nhân viên văn phòng in các thư điện tử hoặc các văn bản khác ra giấy.
    • Hướng dẫn nhân viên cách phân loại thư điện tử để họ không bị phụ thuộc vào tài liệu giấy. Khuyến khích họ đọc các bài trình bày, thư điện tử hoặc tài liệu cần thiết trên máy tính.
    • Trong trường hợp cần phải in, hãy dùng cả hai mặt tờ giấy (in hai mặt). Để đảm bảo mọi người nhớ điều này, bạn nên đặt máy in ở chế độ in hai mặt tự động. Bạn cũng nên lập trình máy fax không in tờ xác nhận sau khi fax.
    • Khi phải dùng đến giấy, nhớ dùng giấy tái chế. Giấy tái chế được làm hoàn toàn từ giấy thải trong thùng tái chế với năng lượng sử dụng ít hơn 45%, chất thải giảm một nửa so với giấy sản xuất theo quy trình thông thường.[10]
  4. Đào tạo nhân viên một cách thích hợp. Đảm bảo hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị họ phải vận hành. Điều này sẽ giúp nhân viên không mắc lỗi và lãng phí nguồn lực. Mặc dù có vẻ như đây không phải là thói quen giúp doanh nghiệp thân thiện với môi trường hơn nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên về tác động tích cực của việc này đối với mức độ xanh hóa của doanh nghiệp.
  5. Kiểm tra thiết bị, máy móc của doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp bạn có ý tưởng tốt hơn về hiệu quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp. Đây là một lĩnh vực khác mà bạn có thể cắt giảm tiêu thụ và lãng phí. Đảm bảo tất cả thiết bị của công ty đều hiện đại và hoạt động tốt.
    • Nếu thiết bị hoặc máy móc cần bảo dưỡng, hãy nhớ thực hiện việc này định kỳ. Điều đó sẽ đảm bảo máy móc hoạt động trong trạng thái tốt nhất và giúp nhân viên làm việc dễ dàng hơn.
    • Nếu bạn cần thiết bị mới hoặc hiện đại, hãy chọn những thiết bị có dán nhãn sử dụng năng lượng hiệu quả (Energy Star) để bạn có thể đánh giá các nhu cầu về năng lượng.[10]
  6. Giữ đồ đạc, dụng cụ ở trạng thái tốt. Dù những đồ vật trong công ty không trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm hoặc bán hàng, chúng có thể là những thứ gây lãng phí tài nguyên. Ví dụ, bạn có máy sấy tóc cầm tay tiết kiệm năng lượng trong nhà vệ sinh không, hay bạn có phải sử dụng khăn giấy không?
    • Kiểm tra những thứ như vòi nước và bồn cầu. Nếu vòi nước bị rò hoặc bồn cầu bị nứt, hãy đem chúng đi sửa để tránh lãng phí nguồn tài nguyên quý giá.
    • Đảm bảo nhân viên của bạn tắt tất cả đèn và thiết bị vào cuối ngày để tránh lãng phí năng lượng khi không có ai làm việc. Bạn nên giao cho một người chịu trách nhiệm làm việc này hàng ngày. Đặt các biển báo xung quanh nơi làm việc để nhắc nhở mọi người. Sau mỗi quý hoặc mỗi năm, hãy công bố biểu so sánh mức tiết kiệm năng lượng đạt được nhờ nỗ lực của các nhân viên. Điều này sẽ khuyến khích nhân viên duy trì hành động có ý thức tiết kiệm năng lượng.
    • Chuyển sang sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng. Bóng đèn huỳnh quang chỉ sử dụng 15-20% năng lượng mà bóng đèn sợi đốt dùng, nhưng độ bền cao hơn và cung cấp nhiều ánh sáng hơn.
  7. Có phần thưởng để khích lệ việc cắt giảm tiêu thụ. Công bố danh sách sử dụng năng lượng, nguồn cung ứng và nguyên liệu (bạn có thể tập trung vào số lượng sử dụng từng tháng, quý hoặc năm), và bên cạnh là các mục tiêu cần đạt được vào cuối mỗi kỳ. Trao phần thưởng nếu công ty đạt được mục tiêu đặt ra.
    • Ví dụ, bạn có thể khích lệ nhân viên bằng phần thưởng là một ngày mặc quần áo bình thường nếu đạt mục tiêu giảm sử dụng tài nguyên, hoặc bạn có thể tổ chức cuộc thi giữa các phòng ban trong công ty với nhau và phần thưởng là phòng nào tiêu thụ tài nguyên ít nhất sẽ có thêm một ngày nghỉ.
  8. Tìm hiểu xem liệu nơi bạn sống có 'giảm giá vì môi trường' hoặc phần thưởng khi giảm tiêu thụ năng lượng. Ở nhiều nơi, người ta sẽ thay giúp bạn thiết bị, bóng đèn, cửa sổ, vật liệu cách nhiệt, v.v...
    • Sử dụng Google để tìm kiếm các địa điểm kiểm tra năng lượng miễn phí.[10] Cách này giúp nhận biết những thay đổi đơn giản có thể thực hiện được để doanh nghiệp trở nên thân thiện với môi trường hơn.

Tái sử dụng những gì bạn có[sửa]

  1. Xác định những đồ dùng văn phòng nào có thể tái sử dụng. Hãy quan sát xung quanh văn phòng của bạn để xem đồ vật nào có thể dễ dàng sử dụng lại. Chắc chắn là có nhiều thứ, kể cả những đồ vật mà trước đó, bạn không hề nghĩ đến. Bằng cách cố gắng tái sử dụng những đồ dùng văn phòng thiết yếu, doanh nghiệp của bạn sẽ trở nên thân thiện với môi trường hơn.
    • Hãy bắt đầu bằng giấy. Mặc dù dễ tái sử dụng và tái chế, nhưng giấy lại chiếm khoảng 35% rác thải của trái đất. Để tái sử dụng giấy, hãy bắt đầu bằng thùng đựng giấy vụn để mọi người có thể dùng giấy vụn thay vì xé một tờ giấy mới mỗi lần cần ghi nhớ điều gì.
    • Nếu được, hãy dùng bảng phấn hoặc bảng trắng thay vì bảng giấy hoặc những tờ giấy khổ lớn khi tổ chức họp bàn công việc ở công ty. Mặc dù bạn phải mua phấn và/hoặc bút viết bảng, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền nhờ giảm sử dụng giấy.
  2. Đặt những đồ vật có thể tái sử dụng trong phòng nghỉ giải lao. Đây là nơi bạn có thể dễ dàng tăng mức độ thân thiện với môi trường của công ty. Ví dụ, bước đơn giản để trở nên thân thiện với môi trường hơn là không dùng giấy, dụng cụ ăn uống bằng nhựa nữa. Mua đĩa ăn bằng sứ và dụng cụ ăn uống bằng inox, đồng thời khuyến khích nhân viên sử dụng chúng và rửa sạch sau khi dùng (hãy mua nước rửa chén đĩa dạng hữu cơ và không chứa hóa chất độc hại!).
    • Mua phin lọc và cốc đựng cà phê sử dụng nhiều lần phục vụ cà phê sáng. Cung cấp cốc cho từng nhân viên, và khuyến khích họ đặt cốc ở nơi làm việc và dùng hàng ngày.
    • Trường hợp cung ứng đồ ăn, nếu không rửa được bát đĩa, hãy chọn những dụng cụ dùng một lần làm từ ngô, khoai tây hoặc các loại thực vật dễ phân hủy thành phân bón thay vì làm bằng Styrofoam hoặc các loại đĩa giấy thông thường.
  3. Cung cấp chai nước tái sử dụng. Nếu bạn có bình nước ở phòng làm việc, hãy giảm sử dụng cốc dùng một lần bằng cách cung cấp chai nước làm bằng nhựa, thủy tinh hoặc inox cho nhân viên. Khích lệ lòng tự hào về công ty bằng việc in tên hoặc logo của công ty lên chai. Dù doanh nghiệp không có bình nước thì việc cung cấp chai nước như vậy sẽ hạn chế nhân viên dùng chai nước bằng nhựa.
    • Đảm bảo chai nước không chứa BPA và các chất có hại khác.
  4. Thực hiện trao đổi văn phòng phẩm. Dành một khu vực trong văn phòng để làm nơi chứa văn phòng phẩm không dùng đến hoặc trang thiết bị cũ (ví dụ: dập ghim, ghim, giấy ghi nhớ, bút và bút chì không dùng đến, v.v…). Khuyến khích nhân viên cho tặng văn phòng phẩm khi không dùng đến và kiểm tra khu vực trao đổi văn phòng phẩm trước khi đề nghị mua mới.

Tái chế nếu có thể[sửa]

  1. Cung cấp thùng đựng rác tái chế trong phòng. Đặt thùng rác tái chế ở bếp ăn hoặc phòng nghỉ giải lao và khuyến khích nhân viên bỏ đồ ăn thừa vào đó.[5] Giao cho một nhân viên làm nhiệm đổ thùng rác tái chế vào thùng rác lớn ở bên ngoài hàng ngày hoặc hàng tuần.
  2. Hãy làm cho việc tái chế trở nên dễ dàng. Để doanh nghiệp bạn là nơi thân thiện với môi trường, hãy đặt các thùng rác tái chế được dán nhãn cụ thể cạnh thùng rác thông thường. Đặt thêm thùng rác tái chế trong phòng nghỉ giải lao, cạnh máy phô tô và trong phòng văn thư để khuyến khích nhân viên tái chế thay vì vứt rác đi.
    • Dán giấy ghi nhớ lên nắp thùng rác tái chế hướng dẫn nhân viên phân loại rác bỏ vào thùng. Cách đó sẽ hạn chế nhầm lẫn và khuyến khích việc tái chế rác.[5]
  3. Đào tạo nhân viên cách tái chế rác ở văn phòng. Bạn cần có sự tham gia của nhân viên để trở thành doanh nghiệp xanh. Có thể bắt đầu bằng những thứ đơn giản như giấy, thùng làm bằng nhựa hoặc nhôm. Đảm bảo nhân viên của bạn biết tìm thùng rác ở đâu và cho thứ gì vào đó bằng cách tổ chức cuộc họp với toàn thể nhân viên để giải thích lợi ích của việc tái chế ở nơi làm việc và mong muốn họ cùng tham gia vào quá trình tái chế rác của công ty.

Thu hút sự tham gia của nhân viên và cộng đồng[sửa]

  1. Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trao đổi với nhân viên của bạn về việc dùng phương tiện công cộng, đi xe hybrid (dùng động cơ tổng hợp), đạp xe hoặc đi bộ đến văn phòng để giúp doanh nghiệp thân thiện với môi trường hơn (đồng thời giảm mức độ phát thải khí carbon của mỗi người!) Cách đơn giản nhất để tham gia giao thông một cách thân thiện với môi trường là không lái xe khi nào có thể.[11]
    • Nếu tỷ lệ nhân viên sử dụng nhiều loại phương tiện giao thông để đến nơi làm việc cao, cách này sẽ giúp bạn thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.[10]
    • Nếu phương tiện công cộng không sẵn có ở địa phương, hãy khuyến khích nhân viên đi chung xe.[11] Bạn có thể hỗ trợ việc này bằng cách ưu tiên điểm đỗ dành riêng cho xe đi chung.
  2. Đạt được sự đồng thuận của toàn bộ nhân viên. Để thực sự trở thành doanh nghiệp xanh, bạn cần có sự đồng lòng của mọi nhân viên đối với mục tiêu xanh của doanh nghiệp. Để làm được việc này, bạn cần biến lối suy nghĩ thân thiện với môi trường thành một phần trong văn hóa công ty.[12] Bằng cách đó, bạn sẽ không chỉ có một đội ngũ đầy tâm huyết mà còn có cả những người chuyên quảng bá kiến thức giúp quá trình xanh hóa doanh nghiệp tiến xa hơn so với khi bạn làm một mình. Sự tham gia của đội ngũ nhân viên là yếu tố sống còn để có được thành công về lâu dài và họ có thể phổ biến thông tin đến các nhân viên khác, khách hàng và qua các mối quan hệ.
    • Giải thích để nhân viên hiểu điều gì được mong đợi với sự cải thiện liên tục. Đảm bảo rằng họ đều hiểu được cam kết cải thiện liên tục và nhất trí đóng góp vào sự cải thiện của doanh nghiệp bằng bất cứ cách nào.
    • Khích lệ nhân viên tham gia vào hoạt động cộng đồng để biến khu vực xung quanh thành nơi đáng sống (đó có thể là vệ sinh dòng sông, ươm vườn cộng đồng, hoặc trồng cây dọc đường cao tốc) và tuyên dương những nhân viên tham gia các hoạt động này.
  3. Thành lập ủy ban xanh hóa doanh nghiệp. Chọn những người quan tâm đến thay đổi này và những người có quyền lực để thực hiện sự thay đổi. Các ý tưởng cần được thử nghiệm trong thực tế, vì vậy, một vài ý kiến trái ngược cũng có tác dụng tốt trong việc phản biện. Khuyến khích ủy ban họp định kỳ để theo dõi những tiến bộ đạt được và thảo luận về những quy định bảo vệ môi trường trong tương lai.
    • Cổ vũ các ý tưởng giúp xanh hóa doanh nghiệp. Trao phần thưởng hoặc tuyên dương những ý tưởng hay nhất.
    • Trong mỗi phòng ban hoặc khu vực làm việc, giao một người phụ trách việc phổ biến ý tưởng, thông tin và quyết định của ủy ban và tập hợp sự ủng hộ quá trình xanh hóa doanh nghiệp.
  4. Thu thập phản hồi từ nhân viên về những thay đổi thân thiện với môi trường. Lắng nghe cẩn thận cả lời khen lẫn phàn nàn. Điều này sẽ giúp bạn biết được thay đổi nào là phù hợp.
  5. Giao nhiệm vụ cụ thể để tăng cường sự thân thiện với môi trường trong khoảng thời gian nhất định. Đặt mục tiêu rõ ràng cần phải đạt được trong khoảng thời gian hợp lý nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện chiến lược doanh nghiệp xanh của bạn.
  6. Tạo quỹ xanh. Cân nhắc gây dựng quỹ xanh cho những phòng ban cụ thể khi thực hiện các giải pháp. Tuy nhiên, cần đảm bảo ý tưởng có lợi cho toàn bộ công ty theo cách bạn thấy thích hợp.

Gây dựng danh tiếng “Doanh nghiệp xanh”[sửa]

  1. Được công nhận. Được một tổ chức độc lập công nhận sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường có thể đảm bảo với khách hàng về sự trung thực và "chân chính" của doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian khách hàng kiểm tra những khiếu nại về công ty. Ví dụ, bạn có thể được chứng nhận bởi Tổ chức Doanh nghiệp xanh (Green Business Bureau) bằng cách truy cập vào trang web: http://www.gbb.org/ của tổ chức này.
    • Trở thành doanh nghiệp xanh được chứng nhận sẽ hỗ trợ bạn nguồn lực và định hướng để tiếp tục cải thiện, giúp bạn dễ dàng tiếp thị cho những nỗ lực thân thiện với môi trường, và cập nhật những tiến bộ mới nhất về công nghệ bền vững.[13]
  2. Minh bạch. Các doanh nghiệp xanh đích thực tự hào với việc cung cấp thông tin cho khách hàng về sản phẩm cũng như quá trình sản xuất ra sản phẩm đó.[3]
  3. Coi quá trình xanh hóa doanh nghiệp là một cuộc hành trình.[5] Doanh nghiệp của bạn cần liên tục học hỏi và thực hành các quy tắc, công nghệ mới mẻ, thân thiện với môi trường, cách tiết kiệm tài nguyên và sử dụng hiệu quả. Hãy đọc nhiều, nói chuyện với các chủ doanh nghiệp xanh khác, thường xuyên tìm kiếm cơ hội để chia sẻ ý kiến chuyên môn của doanh nghiệp mình và giúp các doanh nghiệp khác. Càng học hỏi nhiều, doanh nghiệp của bạn càng có khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh xanh.
    • Xây dựng văn hóa không ngừng học hỏi về kinh doanh xanh và khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng và các cách thực hành khác nhau (những ý tưởng này có thể thành công hoặc thất bại) để giúp doanh nghiệp mãi xanh.
    • Giữ liên hệ với các doanh nghiệp xanh khác thông qua các diễn đàn trực tuyến và trang web cung cấp kết nối với các doanh nghiệp này.
    • Câp nhật kinh nghiệm của doanh nghiệp thông qua trang web và báo cáo.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý môi trường (EMS). Trong một số trường hợp, bạn sẽ thấy EMS có thể được áp dụng lâu dài, giúp việc chuyển dịch sang phương thức mới một cách từ từ và ít tốn kém hơn.
  • Hiểu vì sao nhiều doanh nghiệp ủng hộ việc bảo vệ môi trường. Trở nên thân thiện với môi trường sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền bạc. Khách hàng ngày càng chủ động và ý thức về môi trường hơn bao giờ hết. Phương tiện thông tin xã hội, các bài báo, quảng cáo truyền miệng và các cuộc tuần hành phản đối trên toàn cầu giúp khách hàng ngày càng hiểu rằng các nguyên tắc thân thiện với môi trường là rất cần thiết vì một trái đất bền vững hơn. Nhiều khách hàng chủ động yêu cầu doanh nghiệp hành động để đảm bảo môi trường được bảo vệ.
  • Chắc chắn bạn không thể biến doanh nghiệp thành một nơi thân thiện với môi trường ngay lập tức. Tuy vậy, hãy tìm cách để khiến doanh nghiệp hiện tại hoạt động hiệu quả hơn, kể cả việc đề nghị chủ sở hữu đất cải thiện nếu được.Thậm chí doanh nghiệp của bạn có thể lên kế hoạch chuyển đến những trụ sở hiệu quả về môi trường hơn trong tương lai.
  • Thận trọng với việc lạm dụng kêu gọi bảo vệ môi trường để quảng cáo sản phẩm (green washing). Nếu doanh nghiệp của bạn không làm được gì để trở nên thân thiện với môi trường hơn thì cũng đừng cung cấp thông tin sai lệch cho khách hàng. Thay vào đó, hãy giải thích rằng doanh nghiệp đang thay đổi và hy vọng sẽ có những tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường trong tương lai. Cách này sẽ cho khách hàng thấy bạn đang chủ động cải thiện màu xanh của doanh nghiệp.
  • Đuối sức vì theo đuổi mục tiêu môi trường có thể xảy ra đối với bạn, nhân viên và/hoặc khách hàng. Trong trường hợp đó, hãy xem xét kỹ điều gì đang diễn ra và liệu bạn có thể kích hoạt lại động lực và nguồn năng lượng bị giảm sút.
  • Thường xuyên kiểm tra nguồn lực, các khoản tiết kiệm và chi phí. Kiểm soát những chi phí không được đảm bảo chi trả hoặc ảnh hưởng xấu đến công ty. Đôi khi bạn cần chờ đợi trước khi thực hiện bước tiếp theo. Luôn biết chắc có đủ nguồn lực để thực hiện các sáng kiến xanh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]