Uống thuốc không đúng gây tai biến
MỘT SỐ CÁCH UỐNG THUỐC SAI GÂY TAI BIẾN
Khi sử dụng thuốc viên, ngoài việc theo đúng liều lượng cần phải chú ý đến cách uống. Nhiều loại thuốc có yêu cầu cách uống riêng nếu không tuân thủ sẽ gây tai biến.
Mục lục
ĐỐI VỚI NGƯỜI LỚN[sửa]
Một là: Nhai nhỏ viên thuốc[sửa]
Thường ở một số người già, do thói quen hoặc tính cẩn thận nhai nhỏ thuốc viên, kể cả thuốc đóng trong nang (viên con nhộng) vì nghĩ rằng làm như thế hiệu quả của thuốc sẽ tốt hơn. Đây là một cách uống thuốc sai, một ý hiểu sai.
Các dạng thuốc viên (viên nén, viên nhộng, nang mềm, bao phim) đều dùng để uống trọn cả viên. Các vỏ này có tác dụng: Bảo vệ thuốc khỏi bị phân hủy bởi dịch axit của dạ dày (ví dụ Penixilin G), có tác dụng bao tan trong ruột thuốc xuống ruột mới tan để bảo vệ dạ dày (ví dụ ph8) , tránh mùi vị khó chịu để dễ uống (ví dụ viên dầu cá), có tác dụng giải phóng thuốc chậm (ví dụ Adalate LP) .... Những loại thuốc cần tan nhanh trong dạ dày thường được bào chế ở dạng nhũ dịch (ví dụ túi Gastrofulgyt), viên dễ tan Maalox... cho nên người dùng không phải cần có động tác nhai nhỏ viên thuốc.
Một số thuốc viên nếu nhai nhỏ rồi mới uống sẽ có tai biến nguy hiểm:
+1 Viên ph8:
Thuốc giảm đau mạnh, có tính axit, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc gây chảy máu dạ dày nên được bào chế dưới dạng bao tan trong ruột, thuốc được bao phim, thuốc xuống ruột mới tan rã giải phóng thuốc. vì vậy nếu nhai nhỏ phá vỡ lớp vỏ bao phim này sẽ gây một số tác dụng xấu đến dạ dày, có thể gây chảy máu dạ dày.
+2 Viên bao phim Trafedin (Nifedipin 10 mg):
Thuốc có tác dụng hạ huyết áp, viên được bao phim, thuốc xuống ruột mới tan giải phóng thuốc từ từ và hạ huyết áp từ từ. Thuốc có thể kê đơn uống 2 viên 1 lần nhưng phải nuốt cả viên, không được nhai nhỏ, nếu nhai nhỏ trong miệng, thuốc hấp thu nhanh vào máu gây tụt huyết áp đột ngột.
+3 Viên thuốc Polaramine repetab (Repetab có nghĩa là lặp lại)
Đây là viên nén kép cho tác dụng lặp lại (sau tên thuốc có chữ repetab). 1 viên chứa 6 mg dexclorpheniramin (chống dị ứng) với cấu tạo 2 lớp, nhân bên trong chứa 3 mg dược chất, lớp bao bên ngoài chứa 3 mg. Sau khi Polaramine repetab vào dạ dày, lớp vỏ bên ngoài sẽ tan rã tức thì, phóng thích 3 mg dược chất, sau đó một thời gian nhân bên trong bắt đầu tan rã để phóng thích 3 mg dược chất còn lại. Cho nên nếu dùng loại bình thường , người bệnh phải uống 4 lần trong ngày, mỗi lần 1 viên, còn nếu dùng loại sau thì chỉ cần uống ngày 2 lần mỗi lần 1 viên. Như vậy nếu bệnh nhân nhai nhỏ viên thuốc có tác dụng lặp lại này, thì thuốc mất tác dụng lặp lại và gây tình trạng quá liều, rất nguy hiểm .
+4 Viên Adalate LP (Chữ LP, Procan SR, LA có nghĩa là giải phóng chậm)
Thuốc được bào chế đặc biệt, được đóng trong màng bán thấm không tan nhưng được đục một lỗ rất nhỏ bằng lade, thuốc trôi dần trong đường tiêu hóa và thuốc được giải phóng ra từ từ qua lỗ rất rất nhỏ này, thuốc ra khỏi đường tiêu hóa vẫn còn vỏ không tan bên ngoài. Thuốc đóng với hàm lượng cao hơn loại nhanh 3 lần để còn chỉ phải uống ngày 1 lần, không phải uống ngày 3 lần nữa. Vì vậy nếu uống viên này thày thuốc không dặn kỹ, bệnh nhân nhai nhỏ viên thuốc ra rồi mới uống sẽ gây nên tình trạng tụt huyết áp đột ngột, đã có trường hợp tử vong do nguyên nhân này.
+5 Viên Nitroglycerin (dùng cho bệnh nhân đau thắt ngực):
Thuốc có 2 dạng bào chế khác nhau và cách sử dụng cũng khác nhau:
Loại thứ nhất :
Loại tan nhanh trong miệng (đặt viên thuốc dưới lưỡi); vì muốn giúp mạch máu giãn nhanh chóng làm giảm áp lực cho tim. Được sử dụng cho những cơn đau thắt ngực cấp tính. Thuốc được hấp thu rất nhanh trong miệng (môi trường kiềm), và bị giảm tác dụng bởi các dịch vị (môi trường axit) có trong hệ tiêu hóa. Như vậy các thuốc này nếu uống sẽ có tác dụng chậm hơn và có thể bị dịch vị phá hủy làm mất tác dụng, đồng thời chỉ sử dụng chỉ dùng đặt dưới lưỡi cho những cơn đau tim cấp tính.
Loại thứ 2 :
Loại giải phóng chậm; là viên bao phim tan chậm trong ruột, dùng điều trị suy mạch vành mãn tính, liều uống chia làm 2 lần trong ngày, thời gian uống không cân xứng (khoảng cách 2 lần uống không cách đều nhau 12 giờ) nhằm điều tiết nồng độ thuốc trong máu theo yêu cầu điều trị. Vì vậy loại này phải nuốt cả viên không được nhai nhỏ.
Khi sử dụng thuốc này phải phân định rõ loại tan nhanh trong miệng hay loại giải phóng chậm tan trong ruột. Loại nhanh khi đặt dưới lưỡi người sử dụng thuốc không được ăn, uống, nhai, nuốt cho đến khi thuốc tan hoàn toàn, ngược lại; loại giải phóng chậm chỉ được nuốt cả viên không được nhai .
Hai là: Nuốt thuốc khô[sửa]
Một số người lớn chủ quan không dùng nước mà nuốt thuốc luôn. Việc làm này có nguy cơ thuốc có thể dính lại ở thành thực quản, làm tổn thương thực quản, sau nhiều ngày ăn uống và vẫn không trôi đi phải nội soi thực quản để lấy nó ra.
Ba là: Uống nhiều loại thuốc cùng lúc[sửa]
Vừa uống thuốc đông y vừa uống thuốc tây, đang điều trị một bệnh thấy có thêm bệnh khác là uống cộng thêm thuốc chữa bệnh đó luôn.
Làm như vậy sẽ khó tránh khỏi sự tương tác giữa các loại thuốc vì mỗi một loại thuốc có một tính năng và công hiệu riêng, nó có những tính chất và phản ứng khác nhau. Việc phối hợp này phải có kiến thức y học vững vàng và kinh nghiệm dùng thuốc.
ĐỐI VỚI TRẺ EM[sửa]
- Một là:
Lấy thuốc viên nén dành cho người lớn bẻ nhỏ ra để phân liều và sau đó nghiền thành bột cho trẻ uống. Đối với trẻ dạng thuốc thích hợp là: sirô, hỗn dịch (suspension), thuốc uống nhỏ giọt, thuốc bột khi dùng pha với nước.... Trường hợp không có loại dùng cho trẻ em mới lấy thuốc của người lớn chia liều và hỏi bác sĩ xem loại này có thể phân liều nghiền nhỏ được hay không? có bỏ vỏ nhộng ra lấy bột được hay không? mới thực hiện.
- Hai là:
Bế trẻ nằm ngửa hoàn toàn khi cho uống thuốc, ở tư thế này nếu trẻ nôn dễ gây sặc thuốc vào đường hô hấp,
Cách cho uống thuốc:
- Bế trẻ nghiêng 450, có 2 người thì càng tốt (một người bế, một người cho uống thuốc), cho uống thuốc bằng thìa, không nên pha nhiều nước chỉ đủ tan và thuốc dễ trôi.
- Vệ sinh tay thật sạch sẽ trước khi cho trẻ uống thuốc, dùng hai ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) cầm thẳng vào hai bên miệng thìa, nhằm mục đích be cho thìa có độ chứa nước nhiều hơn và giữ thìa chắc hơn, nếu cầm ở cán thìa trẻ gãy dụa dễ làm đổ thuốc. Khi đổ thuốc vào miệng trẻ, hai ngón tay tì vào 2 mép làm mở rộng miệng, trẻ chống đối sẽ không phun thuốc được ra ngoài thuốc phun lên lại trôi xuống vào khoang miệng. Lựa thời điểm thích hợp khi trẻ bớt chống đối để bỏ thìa ra trẻ ngậm miệng và nuốt thuốc.
- Ba là:
Cho uống thuốc bù liều khác luôn sau khi trẻ nôn
Khi trẻ bị nôn cần xem xét: Chỉ uống bù liều khác nếu trẻ bị ói mửa hoàn toàn ngay sau khi uống thuốc, trẻ không hề nuốt được thuốc. Nếu trẻ đã nuốt được thuốc vào dạ dày khoảng 1-2 phút sau mới nôn phải xem xét thực tế lượng thuốc có thể mất và diễn biến của bệnh để có thể cho uống liều khác thay thế . Nếu trẻ ói mửa sau khi uống thuốc 5-10 phút hoặc lâu hơn, không nên cho uống liều bù thay thế vì thuốc có thể đã được hấp thu.