Vệ sinh bồn cầu bằng Coca cola

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Coca-cola không chỉ là thức uống ngon miệng mà tính axit nhẹ của nó còn rất hữu ích trong việc vệ sinh nhà cửa. Bạn đang tìm cách xử lý lớp vôi hóa trong bồn cầu mà không phải dùng sản phẩm tẩy rửa bồn cầu tốn kém? Vậy thì lon Coca-cola với giá chưa đến 10.000 đồng là lựa chọn dành cho bạn. Bạn muốn tìm dung dịch tẩy rửa không độc hại? Coca-cola (đương nhiên) là an toàn tuyệt đối cho người. Bạn hãy thử bí quyết này ngay hôm nay để vệ sinh bồn cầu bằng Coca-cola.

Các bước[sửa]

  1. Đong 1-2 cốc Coca-cola. Mở chai hoặc lon Coca-cola. Không cần dùng quá nhiều để vệ sinh bồn cầu. Lon cỡ tiêu chuẩn chứa 1,5 cốc là đủ nhiều. Đối với chai hoặc lon Coca-cola lớn hơn, bạn nên đong lấy 1,5 cốc rồi đổ vào cốc thủy tinh.
    • Coca-cola hoạt động như một chất tẩy rửa nhờ thành phần khí CO2 và axit phốt-pho-ric dịu nhẹ. Các hóa chất này hình thành từ quá trình cacbonat hóa, không phải từ hương liệu trong nước ngọt, nên Coca-cola cho người ăn kiêng (Diet Coke) cũng hiệu quả tương tự Coca-cola thông thường. Nghĩa là bạn cũng có thể dùng các loại thức uống có ga khác (thường không rẻ bằng Coca-cola) để thay thế.[1]
  2. Đổ Coca-cola vào bồn cầu. Đổ Coca-cola vào xung quanh đường viền bồn cầu. Để nước chảy lên vết ố bẩn bên dưới. Đảm bảo sao cho mọi vết ố đều được tưới đều Coca-cola. Phần lớn Coca-cola sẽ trôi xuống đáy bồn cầu nhưng một lớp mỏng vẫn còn dính trên vết ố vàng.
    • Đối với vết ố ở phía trên bồn cầu và khó chạm đến, bạn có thể thử nhúng giẻ cũ vào Coca-cola rồi lau bằng tay. Hoặc bạn có thể rót Coca-cola vào bình để xịt nếu không muốn bẩn tay.
  3. Để Coca-cola phát huy tác dụng. Kiên nhẫn là yếu tố quan trọng. Để Coca-cola trong bồn cầu càng lâu thì khả năng phân giải vết ố của axit trong Coca-cola càng cao. Bạn nên để Coca-cola trong bồn cầu ít nhất 1 tiếng và không đụng chạm đến.
    • Để tăng hiệu quả tẩy rửa, bạn có thể đổ Coca-cola vào bồn cầu trước khi đi ngủ và để qua đêm.
  4. Xả nước. Trong thời gian để Coca-cola trong bồn cầu, axit sẽ từ từ làm mềm các vết ố tích tụ bên trong. Lúc này, bạn có thể xả nước bồn cầu một lần. Vết ố đã mềm sẽ được rửa trôi (ít nhất là một phần) bằng nước từ bồn cầu.
  5. Lặp lại nếu cần thiết. Lúc này, bạn có thể thấy hiệu quả loại bỏ vết ố của Coca-cola. Tuy nhiên, lưu ý rằng mặc dù có thể tẩy rửa đường viền ố vàng và cặn khoáng tích tụ (vấn đề thường gặp ở bồn cầu) nhưng Coca-cola có thể không giúp loại bỏ hoàn toàn mọi vết ố. Nếu muốn làm sạch hẳn vết ố, bạn chỉ cần đổ thêm một lượt Coca-cola và lặp lại quy trình.
    • Nếu vết ố vẫn chưa biến mất sau lần rửa thứ hai, bạn nên đọc phần tiếp theo dành cho vết ố bồn cầu đặc biệt khó tẩy rửa.

Đối với vết ố bẩn cứng đầu[sửa]

  1. Chà nhiều lần. Bàn chải cọ bồn cầu truyền thống là dụng cụ tốt nhất nếu việc xả nước đơn giản không giúp loại bỏ vết ố. Cơ chế hoạt động của bàn chải (hoặc dụng cụ tương tự như miếng chà nhám) sẽ giúp làm mềm vết ố tích tụ và loại bỏ chúng khỏi thành bồn cầu sau khi xử lý bằng Coca-cola. Đảm bảo rửa tay sạch sau khi chà bồn cầu và đeo găng tay nếu vi khuẩn khiến bạn thấy buồn nôn.
    • Để đạt kết quả tốt nhất, bạn nên chà rửa trước và sau khi dùng Coca-cola. Hay nói cách khác:
    • Mở bồn cầu ra và dùng bàn chải chà vết ố.
    • Đổ Coca-cola lên.
    • Để Coca-cola phát huy tác dụng.
    • Dùng bàn chải chà lại một lần rồi xả nước cho vết ố trôi đi.
  2. Dùng nhiệt. Nói chung, phản ứng hóa học diễn ra nhanh hơn nhiều ở nhiệt độ cao. Phản ứng axit giúp Coca-cola loại bỏ vết ố trong bồn cầu cũng không phải ngoại lệ. Đối với vết ố cứng đầu, bạn nên thử hâm nóng Coca-cola trong lò vi sóng trước khi đổ vào bồn cầu. Không cần đun sôi nhưng để đạt kết quả tốt nhất, Coca-cola phải trở nên nóng đến mức không chạm vào được. Cẩn thận khi xử lý Coca-cola nóng.
    • Tuyệt đối không dùng lò vi sóng để hâm nóng nước ngọt có ga (hoặc bất kỳ chất lỏng nào) trong hũ đựng kín hoặc hũ đựng từ kim loại. Hành động này có thể khiến chất lỏng nóng phát nổ và rất nguy hiểm. Thay vào đó, bạn nên đổ nước ngọt có ga vào hũ thủy tinh (loại dùng được trong lò vi sóng như hũ thủy tinh hoặc hũ sứ), sau đó mới cho vào lò vi sóng.
    • Hâm nóng khiến Coca-cola sủi bọt hơi nhiều hơn bình thường nên bạn cần đeo găng tay để tránh các giọt nước nhỏ bắn ra.[2]
  3. Dùng Coca-cola cùng với các chất tẩy rửa gia dụng khác. Mặc dù có thể loại bỏ nhiều vết ố nhưng Coca-cola không phải lúc nào cũng là chất tẩy rửa vết ố tốt nhất. Đối với vết ố cứng đầu, bạn nên thử kết hợp Coca-cola với các dung dịch vệ sinh khác. Dưới đây là một số phương pháp vệ sinh khác sử dụng vật dụng trong nhà mà bạn có thể thử:
    • Thử hòa 1/2 cốc giấm, 1/4 cốc muối nở (hoặc 2 thìa cà phê hàn the) vào bình đựng 2 lít nước. Thoa hỗn hợp lên bồn cầu, chà sạch rồi chờ 1 tiếng trước khi xả nước. Có thể xử lý tiếp bằng Coca-cola nếu cần.
    • Để xử lý nấm mốc, bạn có thể thử hòa oxy già với nước theo tỉ lệ 1:2 rồi rót vào bình xịt. Xịt hỗn hợp lên bề mặt mốc, để ít nhất 1 tiếng rồi chà rửa đến khi nấm mốc tan ra. Dùng Coca-cola để loại bỏ vết ố cặn hoặc đường viền quanh chỗ mốc.
    • Thử hòa hàn the với nước cốt chanh và Coca-cola theo tỉ lệ 2:1:1 để tạo thành một dung dịch vệ sinh đa đụng khác. Thoa hỗn hợp lên bồn cầu, để khoảng 1 tiếng rồi chà sạch vết ố.
  4. Nhận thức rằng Coca-cola không phải là lựa chọn tốt nhất. Coca-cola thích hợp để loại bỏ hầu hết cặn khoáng và đường viền ố bẩn thường có trong bồn cầu. Tuy nhiên, Coca-cola không phải lúc nào cũng hiệu quả với các vết ố hiếm gặp nên có thể bạn cần dùng các dung dịch khác. Ví dụ như:
    • Coca-cola không phù hợp để loại bỏ vết ố do dầu mỡ hoặc chất nhờn dính. Đối với các vết ố này, tốt nhất bạn nên dùng xà phòng rửa bát, chất tẩy rửa hoặc axit mạnh như giấm.[3]
    • Coca-cola không phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn. Trên thực tế, cặn đường còn sót lại từ Coca-cola thông thường có thể trở thành thức ăn cho một số loại vi khuẩn. Vì vậy, bạn nên dùng xà phòng, dung dịch vệ sinh được bán sẵn hoặc chất khử trùng chứa cồn để tiêu diệt vi sinh vật.
    • Coca-cola không giúp loại bỏ các vết ố do mực, thuốc nhuộm hoặc sắc tố. Thay vào đó, cồn Isopropyl và các dung môi hóa học khác là lựa chọn tốt nhất. [4]

Lời khuyên[sửa]

  • Như đã lưu ý ở trên, dùng nước khoáng có ga và các thức uống có ga khác cũng hiệu quả vì quá trình cacbonat hóa tạo axit cacbonic giúp Coca-cola loại bỏ vết ố trong bồn cầu. Nước khoáng có ga thường là sản phẩm vệ sinh gia dụng tốt hơn vì không để lại cặn đường. Tuy nhiên, nước khoáng có ga lại ít được sử dụng để vệ sinh bồn cầu.
  • Chương trình Mythbusters của Mỹ chứng minh rằng Coca-cola có thể không hiệu quả trong việc tẩy vết ố do dầu. Coca-cola chỉ giúp tẩy sạch cặn khoáng.
  • Axit trong Coca-cola an toàn khi tiêu thụ. Nước ép cam (ví dụ vậy) có tính axit cao hơn nhiều.[5]
  • Nếu sống chung với người khác, nên báo trước cho họ biết bạn định làm gì. Nếu không, họ sẽ tưởng bạn quên xả nước bồn cầu và sẽ xả nước giùm, từ đó ảnh hưởng đến nỗ lực vệ sinh bồn cầu của bạn.
  • Để xả sạch nước trong bồn cầu, bạn có thể đổ một xô nước vào. Cách này giúp đẩy nước ra khỏi bồn cầu và nước sẽ không được nạp đầy lại cho đến khi bạn ấn nút xả.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]