"Bắt chước" hoa để lừa muỗi ăn thuốc độc
Các nhà khoa học thuộc Công ty ISCA Technologies (Mỹ) vừa công bố một sản phẩm mới có tên Vectrax® có khả năng diệt muỗi hiệu quả và không gây ảnh hưởng đến sinh vật và môi trường xung quanh.
Thuốc này hấp dẫn loài muỗi đến mức chúng hầu như không thể cưỡng lại, chỉ có thể lao vào ăn để rồi bị tiêu diệt.
Độc với muỗi, lành với sinh vật khác[sửa]
Trước nay, phương pháp diệt muỗi phổ biến nhất là dùng thuốc dạng phun, xịt. Hạn chế của cách tiếp cận này là nó ảnh hưởng xấu đến các sinh vật xung quanh, chẳng hạn như thuốc có thể tiêu diệt cả ong và một số loại côn trùng có ích khác. Ngoài ra, dư lượng thuốc này có thể gây ô nhiễm đất và suối, tăng tỷ lệ kháng thuốc của muỗi.
Để khắc phục các nhược điểm trên, ISCA Technologies và các nhà hoa học ở một số trường đại học đã nghiên cứu giải pháp tiếp cận mới thân thiện hơn. Nghiên cứu đặc điểm của muỗi, họ nhận thấy loài này không chỉ biết hút máu để sống.
Chúng có thể dùng vòi hút mật hoa, lấy lượng đường cần thiết làm thức ăn. Khai thác điều này, nhóm các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra một loại thuốc chứa hỗn hợp hóa học với các tín hiệu mà loài muỗi không thể cưỡng lại.
Tại hội nghị và triển lãm quốc gia Mỹ lần thứ 254 do Hiệp hội Hóa học nước Mỹ (ACS là hiệp hội khoa học lớn nhất thế giới) tổ chức hôm 23/8 với gần 9.400 bài thuyết trình, nhóm tác giả đã trình bày kết quả nghiên cứu trên.
Theo đó, họ đã thu thập hương thơm của hoa và mật hoa, sử dụng sắc ký khí phát hiện điện quang học (GC-EAD) để phân tách và xác định các hợp chất có mùi trong đó. Sau đó, các nhà khoa học cho muỗi tiếp xúc với hàng ngàn hợp chất này để xác định đâu là mùi chúng ưa thích; đồng thời loại bỏ bất kỳ hương thơm hoặc mùi thơm nào thu hút loài ong.
Sau khi có được kết quả tốt nhất, họ tìm cách tạo ra một sản phẩm nhân tạo từ đường và protein, bắt chước 20 tín hiệu hóa học phổ biến của hoa thu hút và kích thích muỗi ăn. Các hợp chất này được trộn với thuốc diệt muỗi như yrethroids hoặc spinosad, tạo ra một sản phẩm có tên Vectrax ®.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là công thức giải phóng chậm có thể sử dụng trong nhà hoặc ngoài trời. Sản phẩm có thể được dùng như một loại thuốc xịt hoặc dạng chất nửa lỏng nửa rắn, dạng keo...
Giảm 2/3 quần thể muỗi sau 2 tuần[sửa]
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm thực địa sản phẩm trên ở Tanzania - một quốc gia châu Phi với 93% dân số có nguy cơ mắc sốt rét. Theo các kết quả sơ bộ, quần thể muỗi đã giảm 2/3 chỉ trong vòng hai tuần tại những nơi sử dụng Vectrax ®.
“Việc pha trộn các hóa chất mà chúng tôi sử dụng có khả năng thu hút muỗi rất mạnh mẽ, đến mức chúng còn thu hút hơn mùi và hương vị tự nhiên của thực vật. Loài muỗi cảm thấy nó giống như một cửa hàng chocolate ngon đến mức không thể cưỡng lại được. Sản phẩm quyến rũ đến mức chúng sẽ ăn gần như hoàn toàn, ngay cả khi nó có chứa thuốc độc đối với chúng” - tiến sỹ Agenor Mafra-Neto - CEO của ISCA Technologies - cho biết.
Các nhà khoa học hy vọng họ sẽ sớm có thêm nhiều dữ liệu mới từ những cuộc thử nghiệm. “Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, chúng tôi hy vọng rằng quần thể muỗi anopheles mang bệnh sốt rét sẽ gần như bị tiêu diệt ở các làng sử dụng Vectrax®” - ông Neto nói.
Mặc dù ông Mafra-Neto thừa nhận muỗi đóng một vai trò nhỏ trong chuỗi thức ăn, giúp duy trì các loài động vật nhỏ như cá và nhện, nhưng ông muốn thấy càng ít sự hiện diện của chúng càng tốt, đặc biệt là ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì bệnh tật.
Tương tự như muỗi, bọ ve cũng truyền bệnh cho người. Nhóm nghiên cứu hy vọng họ sẽ sớm làm ra sản phẩm bằng kỹ thuật thu hút và tiêu diệt chúng tương tự đối với loài muỗi.
“Tôi thực sự ghét muỗi và ve. Hãy tưởng tượng một ngày chúng ta ra vườn nhà mình hoặc ra công viên mà không phải lo lắng vì bị những loại côn trùng này làm phiền” - ông Mafra-Neto nói. Một điểm đáng nói nữa của Vectrax® là kỹ thuật này khá rẻ tiền - theo nhóm tác giả. Trong thời gian tới, nếu các cuộc thử nghiệm tiếp tục cho kết quả tốt, loài người sẽ có thêm một vũ khí mới hiệu quả giúp trấn áp bệnh sốt rét, Zika và các bệnh truyền nhiễm từ muỗi khác trên toàn thế giới.
Nguồn[sửa]
- Tạp chí Khoa học và Phát triển, Lê Ngọc (Theo News-medical, Science Daily)