Ý thức xã hội: ý thức của cá nhân công dân
Ý thức xã hội được hiểu là nhận thức của một công dân điển hình về sự cần thiết của việc cư xử đúng mực trong quan hệ xã hội. Sự đúng mực trong cư xử được đánh giá dựa vào một hệ thống chuẩn mực khách quan, được xã hội thiết lập để chi phối thái độ sống của các thành viên, nhằm bảo đảm cho các quan hệ xã hội diễn ra trong vòng trật tự.
Sự thiết lập hệ thống chuẩn mực cư xử là một quá trình và đó đồng thời cũng là quá trình hoàn thiện ý thức xã hội. Có hai yếu tố, đúng hơn là hai điều kiện tối cần thiết cho sự chuyển động bình thường của quá trình này.
Yếu tố thứ nhất là năng lực chủ thể của cá nhân. Xã hội dân sự là tập hợp có tổ chức của các cá nhân-công dân. Mỗi cá nhân có các yếu tố tạo thành lý lịch dân sự của riêng mình (tên, tuổi, nơi sinh, nơi ở, học vấn, sự nghiệp,...), để được phân biệt với cá nhân khác. Không giống như người nô lệ thuở xưa, cá nhân không phải là công cụ được cá nhân khác hoặc chủ thể khác sử dụng để thể hiện thái độ ứng xử xã hội của họ. Một khi trưởng thành, cá nhân ứng xử trong giao tiếp xã hội theo sự điều khiển của những suy nghĩ hình thành trong nội tâm và là tác giả của hành vi do mình thực hiện. Làm theo ý mình, cá nhân tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.
Yếu tố thứ hai là sự tự do của cá nhân. Một cách tự nhiên, cá nhân muốn có tất cả và có thiên hướng làm tất cả những gì có thể để đạt được điều mong muốn. Được thừa nhận là con người tự do, cá nhân, trên nguyên tắc, có quyền làm bất kỳ điều gì mình thích và nghĩ ra. Tuy nhiên, sống trong xã hội, cá nhân không phải là phần tử duy nhất: xã hội có nhiều cá nhân và mỗi cá nhân, với tư cách là công dân, có quyền thụ hưởng tự do ngang nhau. Sự va chạm không thể tránh giữa các cá nhân trong quá trình thực hiện quyền tự do giúp cho cá nhân nhận thức được rằng do mỗi cá nhân có quyền tự do của riêng mình mà cá nhân phải tôn trọng quyền tự do của cá nhân khác. Nhận thức đó là cơ sở của việc cá nhân chủ động điều chỉnh các mong muốn, theo hướng dung hòa giữa một bên, là những đòi hỏi có nguồn gốc từ bản năng mưu cầu lợi ích của cá nhân và bên kia, là những đòi hỏi của xã hội đối với việc cá nhân tôn trọng lợi ích của người khác và lợi ích chung.
Một khi các kết quả điều chỉnh mong muốn của các cá nhân trở nên tương đồng, thì chuẩn mực cư xử cũng ra đời. Có thể coi chuẩn mực cư xử là sự giới hạn xã hội mang tính ngoại lệ đối với tự do cá nhân. Sự giới hạn đó cần thiết để cá nhân có thể thụ hưởng tự do trong chừng mực hợp lý, cũng như để tất cả các cá nhân có thể cùng sống và hưởng tự do một cách hòa thuận trong ngôi nhà chung. Trên nguyên tắc, cá nhân có quyền tự do mặc hoặc không mặc quần áo; một cách ngoại lệ, cá nhân phải mặc quần áo khi bước ra đường phố, bởi đó là quy ước xã hội về nếp sống văn minh.
Ở Việt Nam, xã hội được tổ chức thành các nhóm (gia đình, nhà trường, cơ quan) và cá nhân trước hết là thành viên của nhóm; cá nhân không gắn với một nhóm nào có nguy cơ bị đặt bên lề hoặc ít nhất phải mang tư cách thành viên không hoàn hảo của xã hội. Các nhóm được liên kết theo mô hình quan hệ hành chính công, nghĩa là bất kỳ nhóm nào cũng được một thiết chế nào đó, đại diện cho nhà chức trách, thực hiện chức năng quản lý đối với mình.
Sống trong nhóm, cá nhân ứng xử theo sự dẫn dắt của nhóm. Về phần mình, nhóm tiếp nhận sự định hướng ứng xử của các thiết chế công quyền. Các khuôn mẫu ứng xử không hình thành từ sự gặp gỡ ý chí của các cá nhân, mà được nhà chức trách chủ động tạo ra và giới thiệu cho xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Có hai hệ quả phát sinh từ cơ chế xây dựng chuẩn mực ngược đời đó.
Hệ quả thứ nhất là khuôn mẫu ứng xử được cá nhân tiếp nhận như những ràng buộc có nguồn gốc từ bên ngoài, của quyền lực công, chứ không phải như những quy ước xã hội, mang ý nghĩa kết quả của quá trình tự hoàn thiện ứng xử của chủ thể quan hệ xã hội. Không coi khuôn mẫu ứng xử là của mình, cá nhân, nếu có tôn trọng khuôn mẫu đó, thường chỉ tôn trọng với thái độ thích nghi, đối phó, cam chịu, chấp nhận để tồn tại, hơn là do với sự thôi thúc của tinh thần tự giác. Hệ quả thứ hai là luôn có những tình huống trong cuộc sống mà nhà chức trách không dự kiến để can thiệp, có thể do nghĩ không ra hoặc do sự việc trong tình huống, về bản chất, là phi pháp lý. Khi đó, cá nhân ứng xử theo ý mình, một cách tự phát. Trong điều kiện cá nhân không có năng lực chủ thể đầy đủ, hành vi tự phát của cá nhân thường chỉ được thực hiện trong vòng trật tự khi cá nhân ứng xử trong khuôn khổ nhóm; các hành vi tự phát đơn lẻ tỏ ra tuỳ tiện, vô tổ chức. Chẳng hạn, khi lưu thông trên đường phố, người lái xe “cá thể’ luôn tìm cách luồn lách để vượt lên trước các “cá thể” lái xe khác; nhưng cũng con người đó, khi tham gia đoàn đưa đám ma hoặc rước đám cưới, sẽ di chuyển theo hàng lối, sau xe tang hoặc xe rước dâu, một cách ngoan ngoãn và lịch sự.
Mặt khác, được sự bảo bọc, che chở của nhóm, cá nhân tin tưởng vào sức mạnh của nhóm và tự tin ứng xử một khi được các thành viên của nhóm cổ vũ hoặc cùng làm theo. Bởi vậy, khi có “nhu cầu” làm gì đó trái luật, nói chung là ngoài khuôn mẫu, mà không muốn bị chế tài hoặc bị lôi thôi với nhà chức trách hoặc công luận, cá nhân có xu hướng dựa dẫm, lôi kéo tập thể đứng về phía mình, đi theo mình. Có thể tìm thấy trong cuộc sống dân sự ở Việt Nam những đoàn đưa đám ma hoặc rước đám cưới, thậm chí cả đoàn diễu hành vận động tôn trọng luật lệ giao thông... vượt đèn đỏ (!?), trông rất “ngoạn mục”; các thành viên trong đoàn, khi thực hiện hành vi đó, thường có thái độ đĩnh đạc, ung dung, thái độ mà họ không dám có trong trường hợp vi phạm luật giao thông một cách đơn lẻ.
Cần thừa nhận năng lực chủ thể của cá nhân và trang bị cho cá nhân-chủ thể nhận thức xã hội về tự do. Cần tạo điều kiện cho cá nhân chủ động ứng xử trong quan hệ xã hội dưới sự điều khiển của nhận thức đó và buộc từng cá nhân chịu trách nhiệm đầy đủ về hành vi của mình. Khi đó, ý thức xã hội mới có môi trường thuận lợi để hình thành, phát triển và trở thành chỗ dựa của trật tự xã hội.
Nguồn[sửa]
- TS. Nguyễn Ngọc Điện, Khoa Luật, ĐH Cần Thơ
- Tạp chí Tia Sáng