Được lắng nghe

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Được lắng nghe, dù là trong công việc hay với những người đặc biệt với bạn, hoặc đơn giản chỉ là thể hiện mình trong thế giới này, có thể sẽ rất khó khăn. Điều đó đặc biệt đúng với phụ nữ, những người có thể phải đối mặt với áp lực bị coi là “ồn ào” hay “hiếu thắng” khi cố có tiếng nói của riêng mình.[1] Dù không một công thức nhiệm màu nào có thể khiến người khác phải nghe, bạn có thể làm một số điều để được lắng nghe nhiều hơn.

Các bước[sửa]

Bắt đầu Từ Chính bạn[sửa]

  1. Hình dung kết quả mong muốn. Điều đó có thể giúp bạn xác định “được lắng nghe” là thế nào và có ý nghĩa gì với bạn trước khi bắt đầu tiếp xúc với người khác. Bằng cách đó, bạn sẽ biết liệu mình có thành công hay không.
    • Chẳng hạn như, nếu muốn được lắng nghe hơn trong công việc, vậy được lắng nghe hơn trong công việc là thế nào với bạn? Có phải bạn sẽ chia sẻ ý kiến cá nhân nhiều hơn? Đưa ra những yêu cầu mà bạn đã và đang ngần ngại trong việc thể hiện? Hay điều gì khác nữa?
    • Đặt những mục tiêu nhỏ và rõ ràng hơn cho chính mình cũng có thể biến mục tiêu to lớn như “được lắng nghe” thành những bước khả thi.
  2. Luyện giao tiếp quyết đoán. Một số người sợ giao tiếp một cách quyết đoán vì lo ngại bị coi là ngạo mạn. Tuy nhiên, giao tiếp quyết đoán là nói lên suy nghĩ và nhu cầu cá nhân mà vẫn tôn trọng suy nghĩ và nhu cầu của người khác. Đó là sự hợp tác chứ không phải kiêu ngạo, đó là thẳng thắn chứ không phải là hạ thấp người khác. Bạn có thể tập một vài kỹ thuật quyết đoán để có thể rõ ràng hơn trong giao tiếp:[2][3]
    • Dùng phát ngôn “tôi”. Chúng cho phép bạn rõ ràng và trực tiếp mà không gây cảm giác phán xét, kết tội. Chẳng hạn như, nếu bạn trai liên tục quên hẹn, bạn có thể nói: “Em tổn thương mỗi lần anh quên hẹn bởi em cảm thấy dường như mình không phải là ưu tiên với anh”. Tiếp theo, bạn có thể đề nghị người khác chia sẻ cảm nhận của họ: “Anh có muốn giải thích một chút không?” hay “Đang có chuyện gì vậy anh?”
    • Nói không. Với một số người, nói không dường như thật khó. Thế nhưng, nhận ra rằng đồng ý với những điều bạn không muốn làm chỉ đơn giản vì không muốn nói lời từ chối không phải là “lịch sự”.[4] Hãy cố yêu cầu được suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định.[5] Bạn cũng có thể nhắc đến những nhiệm vụ khác, chẳng hạn như “Mình rất muốn đồng ý giúp bạn nhưng mình đang có một tuần khó khăn và thật sự cần thời gian để lấy lại sức”. Nhớ rằng, bạn cũng có nghĩa vụ với chính mình![6]
    • Rõ ràng hết mức có thể. Đôi khi, cảm giác không được lắng nghe lxuất phát từ chính sự thiếu rõ ràng của bạn trong trao đổi. Ví dụ như, nếu muốn con cái về thăm nhà vào dịp lễ, một cách nói lòng vòng có thể là: “Chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu cả nhà có thể bên nhau trong kỳ Giáng sinh sao?” Lũ trẻ có thể sẽ không hiểu rằng đó là một yêu cầu. Tuy nhiên, nếu diễn đạt tương tự như: “Việc cả nhà sum vầy vào dịp Giáng sinh rất quan trọng với mẹ. Mẹ muốn con cố sắp xếp về nhà”, bạn đã bày tỏ nhu cầu của bản thân một cách rõ ràng, chân thành mà không hề mang tính ra lệnh hay ngạo mạn. Dù chẳng thể kiểm soát được phản ứng của người khác với những thông tin đó, bạn đã hoàn thành phần việc của mình.
    • Xin lỗi khi thích hợp nhưng cũng đừng làm quá. Hãy chịu trách nhiệm khi phạm sai lầm và điều chỉnh để làm tốt hơn cho những lần sau. Tuy nhiên, thể hiện sự biết lỗi quá mức hoặc lặp đi lặp lại có thể khiến bạn có vẻ không chắc chắn. Hãy làm điều đó một cách thẳng thắn, chân thành và đi thẳng vào vấn đề.
  3. Luyện tập trước. Đặc biệt là khi không quen với việc thể hiện mình, điều đó có thể đáng sợ và vô cùng căng thẳng. Hãy làm nó trở nên dễ dàng hơn bằng cách tập trước. Bạn có thể tự tập một mình hoặc nhờ người bạn tập đóng vai cùng.[7] Không cần nhớ toàn bộ nội dung mà điều bạn cần làm là tập cách nói điều gì đó (và làm thể nào để phản ứng với những thách thức có thể xảy ra). Nhờ đó, bạn có thể cảm thấy tự tin hơn. Đặc biệt, trong công việc, sự tự tin là điểm mấu chốt để được lắng nghe.[8]
    • Tập trước gương. Quan sát chính mình nói. Luyện tiếp xúc bằng mắt với bản thân trong lúc nói. Thiếu tự tin là hoàn toàn ổn. Tuy nhiên, nếu sự thiếu tự tin đó ngăn trở khi những điều quan trọng cần được nói ra, có lẽ bạn cần thêm dũng khí cho chính mình. Chẳng hạn như, nếu bị mụn, hãy thử dùng sữa rửa mặt phù hợp với loại da. Hay nếu không hài lòng với cơ thể, hãy thử mặc những trang phục tôn dáng. Chúng có vẻ không là gì nhiều nhưng khi cảm thấy tự tin hơn, có lẽ bạn cũng sẽ hành động như vậy.
    • Ghi âm và đánh giá phần luyện tập của bạn. Cách thức thậm chí có thể còn quan trọng hơn nội dung trình bày.
  4. Quan sát ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ cơ thể tự tin cho thấy bạn đang làm chủ chính mình và bạn tin rằng bản thân có thể đóng góp được điều gì đó. Khi thể hiện sự tự tin, người khác cũng sẽ dễ dàng tin tưởng ở bạn.[9] Khi cơ thể không toát lên sự tự tin, người khác sẽ không hứng thú với điều bạn nói và nghiên cứu cho thấy, bản thân bạn cũng không tự tin khi nói điều gì đó.[10]
    • Tuyên bố chủ quyền không gian của bạn bằng cách chiếm dụng đủ không gian bạn cần. Đừng dấu chân dưới ghế, vòng tay trong lòng hoặc bắt chéo chân hay mắt cá. Hãy giữ bàn chân vững vàng trên sàn khi ngồi và đứng với chân rộng bằng vai. Bạn không cần phải chiếm không gian nhiều hơn những gì bạn cần hoặc tước đoạt chúng từ người khác (đó sẽ là đe dọa chứ không còn là quả quyết). Cho thấy bản thân là một hiện diện đầy tự tin trong phòng sẽ thúc đẩy người khác lắng nghe bạn.[11]
    • Mở rộng cơ thể. Đừng chéo tay trước người hay bắt chéo chân khi đứng hoặc ngồi. Đừng cầm túi phía trước hoặc đặt tay trong túi quần. Những điều đó cho thấy bạn không thoải mái hoặc không hứng thú với tình huống hiện tại.[9]
    • Đứng thẳng và vững. Bạn không cần phải cố định bản thân, nhưng đừng dồn trọng lượng cơ thể từ chân này sang chân khác hay chồm tới chồm lui. Đứng một cách thoải mái, thẳng lưng và ưỡn ngực.
    • Thực hiện tiếp xúc bằng mắt. Tiếp xúc bằng mắt vô cùng quan trọng trong giao tiếp với người khác. Duy trì tiếp xúc bằng mắt từ 4-5 giây một lần. Hướng đến duy trì tiếp xúc bằng mắt 50% thời gian nói và 70% thời gian nghe.[12]
  5. Chú ý phong cách sử dụng ngôn ngữ của bạn. Đó là cách nói những điều muốn nói. Nó bao gồm những phần như giọng nói, độ lớn cũng như cách ngắt nghỉ, lựa chọn ngôn từ và những lựa chọn hùng biện khác.[8] Phong cách ngôn ngữ có thể góp phần quyết định đến việc người khác có lắng nghe bạn hay không.
    • Cố đừng nói quá nhanh hoặc quá chậm. Nếu nói quá nhanh, người khác có thể sẽ không hiểu hoặc cho rằng bạn căng thẳng.Tuy nhiên, khi nói quá chậm, người nghe có thể trở nên mất kiên nhẫn hoặc cho rằng bạn không tự tin về điều mình nói. Hãy hướng đến một tốc độ vừa phải, đều đặn.[7]
    • Khác biệt văn hóa và xã hội cũng có ảnh hưởng. Chẳng hạn như, ở Mỹ, những người từ vùng Texas, nơi tốc độ nói thường chậm hơn và những đoạn nghỉ lâu hơn được sử dụng, có thể chóng mặt với tốc độ đối thoại của dân New York. Trong khi đó, tốc độ chậm rãi của người Texas có thể là những khoảng im khó chịu với người New York.[8]
    • Phụ nữ có khuynh hướng học cách sử dụng ngôn ngữ liên quan đến quan hệ xã hội và xây dựng các mối quan hệ. Trong khi đó, nam giới thường học cách sử dụng ngôn ngữ thể hiện địa vị xã hội và sự cởi mở. Khi gặp nhau, người từ những nền tảng khác nhau có thể hiểu nhầm thông điệp đàng sau chúng.[8]
    • Tham khảo những diễn thuyết gia xuất sắc như Martin Luther King, Jr., Garrison Keillor và Barack Obama. Dù phong cách ngôn ngữ của họ rất khác biệt, chúng đều vô cùng hiệu quả. Họ điều chỉnh âm lượng và tốc độ để phù hợp với nội dung muốn truyền tải. Họ ngắt nghỉ để những ý tưởng quan trọng được thấm sâu. Xem một vài bài diễn thuyết hoặc màn thể hiện từ những diễn thuyết gia xuất sắc trên Youtube có thể giúp bạn đưa những kỹ năng này vào cuộc sống của chính mình.
  6. Tìm lối đi khác. Không phải ai cũng có thể trở nên giao tiếp rộng và tự tin, kể cả khi đã luyện tập. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ ngày này, có rất nhiều cách để được lắng nghe. Bạn có thể xem xét việc lập một trang nhật ký cá nhân (blog), đăng bài trên các phương tiện đại chúng, viết thư đến biên tập viên của tờ báo địa phương hay thậm chí là mở một trang báo riêng. Đôi khi, điều quan trọng nhất là được bày tỏ.
  7. Trở thành người nghe chủ động. Một trong những chìa khóa của được lắng nghe chính là biết cách nghe. Nó không chỉ giúp bạn tìm thấy những người dường như thực sự lắng nghe mà những người được lắng nghe cũng sẽ có khuynh hướng nghe bạn nói. Đây là một số kỹ thuật dành cho bạn:[13][14]
    • Cất điện thoại di động hay iPod khi nói chuyện với ai đó. Đừng nhìn quanh phòng. Dành cho đối phương sự chú ý hoàn toàn.
    • Nhờ làm rõ khi cần. Thỉnh thoảng, nói những điều như: “Để xem mình hiểu có đúng không nhé. Mình nghe được là ____. Đó có phải ý bạn không?”. Những điều tương tự như vậy tạo cơ hội cho người khác xóa bỏ hiểu nhầm mà không cảm thấy bị công kích.
    • Tóm tắt. Nghĩa là tập hợp lại những phần thông tin khác nhau từ cuộc đối thoại. Ví dụ, cuối buổi gặp, bạn có thể gói gọn bằng cách nói: “Vậy, sau cùng, có vẻ những gì chúng ta cần làm là _______ và _________. Có ai muốn bổ sung thêm điều gì nữa không?”
    • Khuyến khích cuộc nói chuyện. Bạn có thể sử dụng những “sự khích lệ nho nhỏ” như gật đầu và những cụm từ “ừmm” hay câu hỏi như “Rồi sao nữa?”.
    • Tránh chuẩn bị cho phản ứng của bản thân khi người khác đang nói. Hãy nghe một cách cẩn thận và sau đó, trình bày suy nghĩ của bạn.

Được Lắng nghe trong Công việc[sửa]

  1. Điều chỉnh phong cách giao tiếp phù hợp với đối tượng người nghe. Phần quan trọng của được lắng nghe, đặc biệt là trong công việc, là đảm bảo rằng bạn nói theo cách thức hiệu quả nhất với người nghe. Hãy luôn tìm hiểu người bạn sẽ nói chuyện cùng là ai khi cố được lắng nghe.[15][8][16]
    • Xem xét cách họ nói: họ trình bày ý tưởng nhanh, dồn dập? Hay họ nói một cách chậm rãi và có cân nhắc hơn?
    • Nếu nói nhanh với những người có nhịp độ chậm hơn, nhiều khả năng họ sẽ loại bỏ ý kiến của bạn, cho dù tốt đến thế nào đi nữa. Bạn cần điều chỉnh nhịp nói phù hợp với nhịp nghe của đối phương.
  2. Hiểu đồng nghiệp của bạn. Là một phần của điều chỉnh phong cách giao tiếp phù hợp với đối tượng người nghe, bạn cần biết cách trao đổi một cách hiệu quả với đồng nghiệp. Nếu muốn họ nhìn nhận tiếng nói của bạn, bạn cần nói ở cấp độ của họ. Điều này đòi hỏi nắm bắt được cấp độ đó là gì.[16]
    • Tìm hiểu nguyên nhân đằng sau lối hành xử của họ và hình thành ý tưởng về cách nhận thức của họ. Nếu họ có blog, đọc nó. Nếu họ viết bài cho tạp chí liên quan đến lĩnh vực của bạn, hãy xem qua chúng. Bạn muốn thấu hiểu những suy nghĩ của họ.
    • Xác định chủ đề mà họ hứng thú và những gì họ trân trọng. Để được lắng nghe một cách hiệu quả, bạn cần hướng ý tưởng của bạn về những gì mà đồng nghiệp quan tâm nhất. Chẳng hạn như, nếu biết rằng đồng nghiệp thật sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, bạn có thể thử trình bày các ý tưởng của bạn có thể giúp làm điều đó.
    • Lưu ý cách một người "lên sàn diễn". Biết cách để ý kiến, suy nghĩ hay nhận xét của bạn được nhìn nhận. Đó có thể khác nhau từ văn hóa này sang văn hóa khác, từ công ty này qua công ty kia và từ người này sang người khác.
      • Lưu ý thái độ trong cuộc họp, tiếp xúc trong văn phòng và những điều tương tự ở nơi làm việc. Chẳng hạn như, bạn có thể nhận thấy rằng cấp trên sẽ không phản ứng tốt với gợi ý tế nhị mà phương pháp trực tiếp sẽ hiệu quả hơn.
      • Hãy nhìn vào từng cá nhân. Vì sao anh họ Nam có thể khiến bà ngoại hiểu được? Hay tại sao thực tập sinh ở phòng kế toán được chú ý, còn bạn thì không?
      • Hiểu những khác biệt về văn hóa. Chúng đôi khi khó thấy, đôi khi lại rất rõ ràng. Văn hóa làm việc ở Trung Quốc có thể sẽ rất khác với ở Canada.
  3. Tránh hạ thấp ý kiến của bạn. Điều này thể diễn ra một cách vô thức trong lúc giao tiếp, nhưng sử dụng quá nhiều ngôn ngữ hạ thấp hay biện hộ có thể chống lại bạn. Hãy xem xét trường hợp sau: nếu ai đó gặp bạn ở sảnh và nói những điều như: “Xin lỗi đã làm phiền nhưng anh có thể dành chỉ hai phút để nghe ý tưởng của tôi được không?”, liệu bạn có cảm thấy tự tin với những gì người đó sẽ chia sẻ?[16] Tự tin rất quan trọng để có thể thuyết phục người khác, đặc biệt là ở nơi làm việc, rằng ý kiến của bạn đáng để nghe.
    • Dùng kỹ thuật giao tiếp quả quyết đã được trình bày ở trên để giúp bạn đưa ra ý tưởng một cách tự tin.
    • Tự tin không có nghĩa là phải hiếu thắng hay ngạo mạn. Bạn có thể ghi nhận đóng góp cũng như tôn trọng thời gian của người khác mà không hạ thấp vai trò của chính mình. Ví dụ như, bạn có thể thử dùng: “Này, tôi nghĩ rằng mình đang có một ý tưởng tốt cho dự án đó. Anh có hai phút chứ?” Nó vẫn ghi nhận sự trân trọng thời gian của người khác mà không mang sắc thái có lỗi vì có ý tưởng.[17]
  4. Cập nhật thông tin. Bạn sẽ không muốn phát ngôn giữa cuộc họp mà chẳng hề có chút ý niệm gì về những điều đang diễn ra. Hãy đảm bảo rằng bạn nắm được nội dung sẽ được đưa ra trong cuộc họp hay trong công việc.[18]
    • Cách tốt để có thể nói chuyện một cách hiểu biết và được lắng nghe trong cuộc họp hay cuộc tranh luận là chuẩn bị trước một vài đề tài và ý tưởng về chủ đề đó. Nó sẽ cho bạn điểm xuất phát để trình bày ý kiến, đặc biệt nếu bạn vốn là người trầm lặng.
  5. Chọn công cụ trình bày phù hợp nhất với bạn. Bạn cần phát huy thế mạnh của mình khi thảo luận ý tưởng mà bạn có hoặc miêu tả một tình huống trong công việc. Đồng thời, vẫn chú tâm đến đối tượng người nghe. Nếu giỏi nhất trong việc dùng PowerPoint, hãy dùng nó như một phương tiện để thể hiện ý tưởng của bạn.[16]
    • Chúng ta học và tiếp thu thông tin theo những cách khác nhau. Bạn có thể kiểm tra đồng nghiệp hay những người tham dự cuộc họp là những người học trực quan, học thông qua vận động hay học qua âm thanh.
    • Phối hợp nhiều phong cách trình bày thông tin cũng là cách tốt để duy trì sự chú ý của người khác. Ví dụ: bạn có thể kết hợp PowerPoint, phát tài liệu và thảo luận nhỏ cho ý tưởng của bạn.
  6. Lên tiếng đầu tiên trong cuộc thảo luận. Nhìn chung, người đóng góp đầu tiên vào cuộc thảo luận sẽ được lắng nghe nhiều hơn những người sau. Nếu có ý tưởng, hãy đi đầu. Chờ đợi có thể khiến bạn bị mất hút trong cuộc thảo luận. [19]
    • Hiển nhiên, đừng ngắt lời khi ai đó đang hỏi hay xin ý kiến. Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng.
    • Có thể sẽ mất một ít thời gian để có thể thực hiện điều này một cách nhuần nhuyễn. Một số người có thể sẽ xem đoạn dừng ngắn là sự im lặng không thoải mái, trong khi số khác lại cần thời gian để sắp xếp suy nghĩ của họ. Hãy thử nghiệm với độ dài khoảng dừng hợp lý, sau đó bắt đầu.[8]
  7. Đặt câu hỏi. Thông thường, chúng ta tập trung quá nhiều vào việc bày tỏ ý tưởng của bản thân mà quên mất rằng đặt câu hỏi có thể quan trọng không kém, và thậm chí, đôi khi còn tốt hơn chỉ đơn giản trình bày ý tưởng. Câu hỏi có thể giúp làm rõ hoặc khiến mọi người nhìn nhận khác hơn về một vấn đề.[16][7]
    • Chẳng hạn như, nếu đang bàn luận về cách tốt nhất để tối đa hóa ngày làm việc, hãy hỏi điều cấp trên đang mong muốn là gì, vấn đề nằm ở những mảng nào hay tương tự.
    • Chuẩn bị trước câu hỏi, cho dù có thể bạn không dùng đến chúng. Nhờ đó, chuẩn bị bản thân tốt và làm rõ suy nghĩ của chính bạn.
  8. Tương tác với người nghe. Đảm bảo rằng cách thể hiện ý tưởng của bạn rõ ràng và ngắn gọn, bằng không, nó có thể sẽ bị lọt từ tai này sang tai kia.
    • Bạn cũng có thể dùng kỹ thuật duy trì sự chú ý của người nghe, chẳng hạn như sử dụng hình ảnh bắt mắt, kể chuyện minh họa hay nhắc lại những điều đã diễn ra.[20]
    • Kể cả khi nói với đám đông, tạo tiếp xúc bằng mắt khi nói. Di chuyển mắt một cách tự nhiên quanh phòng, tiếp xúc bằng mắt với nhiều người khác nhau. Khi kết thúc câu, hãy nâng mắt và chú ý vào người nghe.[21]
  9. Đừng trông chờ ai đó sẽ hỏi ý kiến bạn. Dù điều này có thể đúng ở tất cả những phần khác nhau của cuộc sống, nó đặc biệt đúng trong công việc. Đôi khi, mọi người quá bận rộn với việc thể hiện ý tưởng của chính mình để hỏi đến ý kiến của người khác. Họ tự hiểu rằng nếu có ý kiến, bạn sẽ phát biểu.
    • Bạn cần nỗ lực một cách có ý thức để được nghe, được phát biểu. Nếu không, bạn sẽ đơn giản là không được lắng nghe. Có thể sẽ mất một thời gian để phát biểu, nhưng càng làm nhiều, bạn càng tiến bộ.
    • Điều này có thể đặc biệt khó khăn với phụ nữ, họ được dạy phải quan tâm đến nhu cầu của người khác và trở nên không “lịch sự”, kể cả khi điều đó gây thiệt hại cho chính mình.[4]

Được Lắng nghe trong một Mối quan hệ[sửa]

  1. Chọn đúng thời điểm. Một phần để đảm bảo rằng bạn được lắng nghe là chọn đúng thời điểm và nơi chốn. Điều này đặc biệt quan trọng khi cần trao đổi về một vấn đề khó.[22]
    • Bạn muốn chọn giờ phút riêng tư hơn là làm điều đó ở một sự kiện công cộng. Khi có vấn đề, tranh cãi với bạn đời trước mặt cả nhà trong đêm Giáng sinh sẽ không đem lại hiệu quả.[23]
    • Tương tự, lựa chọn thời điểm khi cả hai đều gắt gỏng hoặc mệt mỏi (chẳng hạn như trong một chuyến đi dài) sẽ khiến người kia khó lắng nghe bạn hơn.
  2. Biết trước điều muốn nói. Dù không cần thiết phải ghi trước toàn bộ nội dung cần nói, viết ra những điểm bạn muốn đề cập đến là ý tưởng không tồi. Nó đặc biệt quan trọng nếu bạn là người rụt rè và thường gặp khó khăn hơn trong việc suy nghĩ và trình bày vấn đề trong lúc giao tiếp.[23]
    • Nó cũng giúp bạn không đi lệch hướng trong cuộc trò chuyện, bởi bạn sẽ nhớ kỹ hơn nội dung cần trao đổi.
    • Tự hỏi những câu hỏi như: “Giải pháp mình muốn thấy ở đây là gì?” hay “Mình có thể làm gì khác để cảm thấy được lắng nghe?”
  3. Kiểm tra liệu người khác có sẵn lòng nghe bạn. Dù gắn liền với chọn đúng thời gian và địa điểm, việc xác định liệu ai đó có sẵn sàng lắng nghe hay không là rất quan trọng. Nếu họ không, bạn nói gì hay nói như thế nào đều không còn là vấn đề. Khi ai đó không sẵn lòng, họ sẽ không nghe, dù thế nào đi nữa.[24]
    • Ngôn ngữ cơ thể họ có thể nói nhiều điều với bạn. Nếu họ quay lưng về phía bạn, không tạo tiếp xúc bằng mắt hay khoanh tay trước ngực, họ dường như đang thủ thế hoặc không muốn nghe bạn nói.
    • Khi trở nên gây hấn hay giận dữ, sẽ rất khó để họ có thể nghe lọt những gì bạn nói. Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên thoát khỏi tình thế đó càng sớm càng tốt.
  4. Đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể của chính bạn thể hiện sự mong muốn được nói. Khi cố để được lắng nghe, bạn cần đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể bạn thể nói lên điều đó. Cố hết sức để cuộc nói chuyện không bị đứt đoạn bằng cách để tâm đến thông điệp từ ngôn ngữ cơ thể bạn.[7]
    • Nếu có thể, hãy ngồi cạnh người mà bạn muốn được lắng nghe. Đồng thời, giữ khoảng cách đủ xa với người nghe để họ không cảm thấy bị ép buộc và đủ gần để có được sự kết nối.
    • Nếu có thể, giữ giọng nói và ngôn ngữ cơ thể ở mức trung hòa. Tránh khoanh tay trước ngực hay thu tay thành nắm đấm. Mở ngực hết mức có thể.
    • Duy trì tương tác bằng mắt với người nghe. Nhờ đó, bạn có thể nhận biết cảm nhận của họ, liệu họ có còn lắng nghe hay không và đồng thời, nó sẽ giúp duy trì sự kết nối giữa bạn và người nghe.
  5. Chuẩn bị sàn diễn. Bạn đang cố có được sự tương tác với người khác mà không buộc họ phải im lặng. Nếu bạn khiến người khác phải ngay lập tức im lặng, bạn sẽ thấy rằng tiếp đó, việc khiến họ lắng nghe bạn là hoàn toàn bất khả thi. Điều bạn muốn là một cuộc thảo luận mang tính chia sẻ thay vì kết tội.[25]
    • Chẳng hạn như bạn có thể nói: "Em đang gặp khó khăn, không biết liệu anh có thể giúp em không?” và sau đó, dễ dàng chuyển sang giải thích rằng bạn cần sự hỗ trợ trong việc chăm sóc con cái.
    • Ví dụ thứ hai có thể là: "Em bối rối quá, em sẽ rất vui nếu anh có thể giúp em hiểu được" và sau đó, giải thích rằng bạn cảm thấy có khoảng cách giữa hai người, bạn thật sự muốn nỗ lực để thu hẹp khoảng cách đó.
  6. Thể hiện sự dễ tổn thương thay vì giận dữ. Giận dữ thường là mặt nạ của những gì sâu sắc và dễ tổn thương hơn, như sợ hãi hay nỗi đau. Khi bạn bắt đầu trực tiếp với sự tức giận, thay vì mở ra, bạn đã đóng lại mọi con đường để dẫn đến một cuộc thảo luận.[26]
    • Sự tổn thương, dù khó (và đáng sợ) hơn để bộc lộ, thường được lắng nghe hơn. Dù vậy, nó có nghĩa là bạn sẽ phải chia sẻ nỗi đau một cách cân nhắc hơn.
    • Đó là tại sao phát ngôn "tôi" lại quan trọng đến vậy. Bạn cần giải thích tại sao bạn đau hay chán chường đến thế. Ví dụ như: "Em rất buồn khi anh quên lấy đồ, bởi nó làm em cảm thấy dường như lời dặn dò kỹ lưỡng của em chẳng hề quan trọng bằng việc chạy về nhà và gác chân lên ghế" sẽ tốt và cởi mở hơn nhiều so với: "Anh lúc nào cũng quên làm điều này điều nọ. Em đoán anh chỉ đơn giản là không quan tâm đến lời dặn kỹ lưỡng này!".
  7. Sẵn lòng lắng nghe. Thảo luận và được lắng nghe không phải là đường một chiều. Bạn không thể trông chờ ai đó sẵn lòng nghe nếu bản thân bạn không sẵn lòng lắng nghe họ nói. Có thể sẽ khó khăn để nghe những điều khác với suy nghĩ của bạn về chính mình hay về mối quan hệ, nhưng nếu muốn được lắng nghe, bạn cần làm được điều đó.
    • Nghe điều người khác cần bày tỏ. Nếu không sẵn lòng nghe khi bạn đời giải thích từ góc độ của họ: "Anh quên không lấy đồ vì quá lo lắng về sự sa sút trong kết quả học tập ở trường của con", thì bạn sẽ chẳng đi được đến đâu trong cuộc trò chuyện.[27]
    • Khi người khác nói, hãy lắng nghe một cách tích cực. Nếu mất tập trung hoặc mải chìm đắm với suy nghĩ của chính mình, hãy yêu cầu họ lập lại lần nữa. Nhìn vào mắt họ và tập trung vào những điều họ nói thay vì mải mê với những gì bạn sẽ nói tiếp theo.
  8. Trau dồi khiếu hài hước của bạn. Những thảo luận quan trọng, khiến người khác nghe bạn, mở lòng khi bị tổn thương hoặc khó chịu. Tất cả chúng có thể cực kỳ khó khăn và khiến bạn cạn kiệt cảm xúc. Nếu tiếp cận chúng với một chút hài hước, nhiều khả năng bạn sẽ có thể tiến xa hơn.[28]
    • Sau cùng, mọi người có khuynh hướng sẵn lòng lắng nghe bạn hơn khi bạn tiếp cận tình huống một cách hóm hình thay vì cảm xúc.
  9. Chấp nhận rằng đôi khi đối phương không mở lòng lắng nghe. Bạn không thể được lắng nghe mọi lúc. Chỉ đơn giản là bạn không thể. Việc bạn làm "đúng" mọi thứ không còn là vấn đề. Bạn chuẩn bị bước đệm, chọn đúng thời điểm, duy trì trạng thái trung hòa thay vì nổi nóng. Đôi khi, người khác không sẵn sàng cho những gì bạn phải nói và đôi khi, họ sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng.
    • Nếu ai đó liên tục không thể hoặc sẽ không nghe những điều bạn phải nói, có lẽ bạn cần cân nhắc lại liệu duy trì mối quan hệ với họ có đáng hay không.

Được Lắng nghe trong Quan hệ Xã hội[sửa]

  1. Cân nhắc sự cần thiết phải lên tiếng. Điều quan trọng của được lắng nghe là chọn đúng thời điểm. Nghĩa là bạn sẽ không làm điều đó mọi lúc. Nhớ rằng số lượng và chất lượng không luôn đi đôi với nhau.[28]
    • Đôi khi, những gì người khác cần chỉ là một đôi tai thân thiện. Trở thành người lắng nghe người khác cũng có thể thật sự quan trọng.
    • Xây dựng thái độ chỉ lên tiếng khi cảm thấy chúng thật sự quan trọng để nói. Người khác dễ lắng nghe bạn hơn khi biết rằng bạn sẽ nói về những chủ đề thú vị.
  2. Biết thời điểm im lặng. Bạn không cần phải nói với mọi người. Bạn không cần phải nói mọi lúc. Có rất nhiều thời gian và địa điểm mà người khác cảm thấy sẵn lòng nhiều hay ít cho cuộc trò chuyện và lắng nghe bạn. Biết nơi nào là tốt sẽ giúp bạn có cảm giác được lắng nghe hơn trong dài hạn.
    • Chẳng hạn như: người vừa trải qua một chuyến bay dài có lẽ sẽ ít sẵn lòng với cuộc trò chuyện của bạn hơn người đang cùng xếp hàng vào một buổi hòa nhạc yêu thích.
    • Tương tự, người đang đeo tai nghe và nhìn qua cửa sổ xe buýt thì sao? Có lẽ họ cũng không muốn nghe bất cứ điều gì về công việc kinh doanh xe hơi cũ của bạn.
    • Kể cả những người sẵn lòng tiếp nhận cũng có thể “mất tập trung” khi nghe quá lâu. Nếu nói không ngừng nghỉ nhiều hơn 40 giây, có lẽ đó là lúc để gói gọn lại và nhường cơ hội nói cho người khác.[29]
  3. Cho người khác biết khi tất cả những gì bạn muốn chỉ là bộc bạch nỗi lòng. Trong cuộc sống của mỗi người, luôn có những thời điểm mà tất cả những gì họ cần chỉ là một đôi tai đồng cảm biết lắng nghe khi họ trút tâm sự về những điểm bất công. Ngày nay, một số người hứng thú với việc đưa ra lời khuyên hơn là lắng nghe bạn nói.
    • Nhiều người vui vẻ nghe hoặc đồng cảm khi biết đó là tất cả những gì bạn cần từ họ. Nếu cho rằng bạn cần lời khuyên, có lẽ họ sẽ thiếu kiên nhẫn hơn với bạn và ít lắng nghe hơn.[30]
    • Tương tự, xác định bạn bè muốn ai đó giúp họ giải quyết vấn đề hay chỉ đơn giản là một đôi tai biết lắng nghe cũng là điều nên làm.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rằng to tiếng không đồng nghĩa với được nghe. Trên thực tế, càng to tiếng bạn càng dễ khiến người khác, những người có thể sẽ nghe bạn nói, bỏ ngoài tai.
  • Nếu rụt rè, thử hình dung người nghe chỉ mặc đồ trong! Nó có vẻ ngớ ngẩn nhưng rất nhiều người đã dùng nó để có thể lên tiếng.

Cảnh báo[sửa]

  • Nhớ rằng không ai nợ bạn thời gian hay sự chú ý của họ, kể cả những nhân viên bán hàng tội nghiệp. Nếu cảm thấy không được bất kỳ ai lắng nghe, bạn nên cân nhắc lại điều cần nói.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.thebusinesswomanmedia.com/angry-shrill-and-pushy-the-female-leader/
  2. http://www.cci.health.wa.gov.au/docs/Assertmodule%202.pdf
  3. http://socialwork.buffalo.edu/content/dam/socialwork/home/self-care-kit/exercises/assertiveness-and-nonassertiveness.pdf
  4. 4,0 4,1 https://www.psychologytoday.com/blog/smart-relationships/201311/why-women-have-hard-time-saying-no
  5. http://fortune.com/2014/08/19/why-saying-no-gets-you-ahead/
  6. http://www.businessinsider.com/how-to-say-no-to-your-boss-2014-3
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 http://www.anxietybc.com/self-help/effective-communication-improving-your-social-skills
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 8,4 8,5 https://hbr.org/1995/09/the-power-of-talk-who-gets-heard-and-why
  9. 9,0 9,1 http://changingminds.org/techniques/body/assertive_body.htm
  10. http://www.ted.com/talks/amy_cuddy_your_body_language_shapes_who_you_are/transcript?language=en
  11. http://www.forbes.com/sites/yec/2013/05/21/3-tips-for-women-to-improve-their-body-language-at-work/
  12. http://msue.anr.msu.edu/news/eye_contact_dont_make_these_mistakes
  13. http://www.mindtools.com/CommSkll/ActiveListening.htm
  14. http://psychcentral.com/lib/become-a-better-listener-active-listening/
  15. http://www.oprah.com/money/Communication-Skills-How-to-Make-Yourself-Heard
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 16,4 https://hbr.org/2011/02/the-right-way-to-get-your-idea
  17. http://www.forbes.com/sites/forbeswomanfiles/2013/08/08/female-leaders-3-strategies-for-success-in-the-workplace/
  18. http://blogs.hbr.org/2011/02/the-right-way-to-get-your-idea/
  19. http://www.forbes.com/sites/work-in-progress/2014/06/19/four-ways-introverts-can-get-heard-in-meetings/
  20. https://www.hamilton.edu/oralcommunication/how-to-engage-your-audience-and-keep-them-with-you
  21. http://msue.anr.msu.edu/news/eye_contact_tips_to_make_your_presentations_stronger
  22. http://jenniferabrams.com/Resources/downloads/HardConversations.pdf
  23. 23,0 23,1 https://sites.utexas.edu/eap/other-resources/how-to-prepare-for-a-difficult-conversation/
  24. http://psychcentral.com/blog/archives/2009/04/14/9-steps-to-better-communication-today/
  25. http://www.psychologytoday.com/blog/shift-mind/201009/learning-be-heard
  26. http://www.psychologytoday.com/blog/shift-mind/201401/being-heard-breaking-through-the-impasse
  27. http://www.huffingtonpost.com/margaret-paul-phd/relationship-advice_b_1800836.html
  28. 28,0 28,1 http://www.helpguide.org/articles/relationships/fixing-relationship-problems-with-humor.htm
  29. https://hbr.org/2015/06/how-to-know-if-you-talk-too-much
  30. https://hbr.org/2013/05/how-to-listen-when-someone-is

Liên kết đến đây