Đối phó khi bị bạn gái phớt lờ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn gái đã từng có thời gian háo hức gặp bạn nhưng giờ cô ấy hay nổi nóng hoặc thậm chí không quan tâm bạn có mặt hay không. Có lẽ cô ấy không còn trả lời tin nhắn của bạn hoặc tiệc tùng thâu đêm và nói chuyện với tất cả mọi người ngoại trừ bạn. Cho dù thế nào, nếu bạn thấy mình bị bạn gái lờ đi thì chắc hẳn cũng cảm thấy tổn thương, bực bội và nóng giận. Bạn rất muốn trả thù cô ấy theo cách tương tự, làm cô ấy ghen, hoặc thậm chí là chia tay, nhưng thật ra cách đối phó tốt nhất là phải đối diện trực tiếp với vấn đề.

Các bước[sửa]

Suy nghĩ thấu đáo[sửa]

  1. Cho cô ấy không gian. Có khả năng bạn gái đang giận bạn hoặc có khi cô ấy đang trải qua giai đoạn khó khăn mà việc này không liên quan gì đến bạn. Dù thế nào khi bị bạn gái đối xử một cách tiêu cực bạn cũng không nên buộc cô ấy phải nói chuyện ngay. Cho cô ấy thời gian để bình tĩnh lại, cũng là cho bạn thời gian để suy nghĩ thấu đáo về cảm xúc của mình.
  2. Tự hỏi xem có phải cô ấy thật sự muốn phớt lờ bạn. Hành vi của bạn gái đối với bạn có thật sự thay đổi? Liệu có phải bạn đang bị trầm uất hay lo âu về điều gì đó, hoặc bạn tự tưởng tượng ra hành vi của cô ấy khác thường?
    • Có khả năng cô ấy trước giờ vẫn hơi lạnh lùng với bạn nhưng vì mối quan hệ giữa hai người đã trải qua thời gian dài nên bạn không còn thích cách cư xử đó.
    • Gần đây bạn có gặp việc gì khó khăn không? Có thể gần đây bạn đang đòi hỏi được bạn gái quan tâm nhiều hơn nhưng cố ấy không thể đáp ứng nhu cầu đó, dẫn đến lảng tránh bạn.
  3. Cân nhắc khả năng bạn gái bị trầm cảm. Nếu sự phớt lờ xảy ra khi cô ấy đang phải đấu tranh với chứng trầm cảm thì có thể cô ấy sẽ không nhận ra.
    • Các dấu hiệu trầm cảm bao gồm khó khăn khi tập trung và ra quyết định; mệt mỏi; cảm thấy bất lực, vô vọng và/hoặc vô dụng; mất ngủ hay ngủ quá nhiều; bức bối; mất hứng tham gia các hoạt động thư giãn như quan hệ tình dục hoặc hẹn hò; ăn nhiều hoặc mất cảm giác ngon miệng; lo âu; có ý định tự tử và/hoặc hành vi phá hoại.[1]
    • Nếu bạn nghĩ bạn gái mình bị trầm cảm thì có một số việc bạn có thể giúp đỡ.
  4. Tránh trả thù bằng cách phớt lờ ngược lại. Cho dù bạn rất muốn phớt lờ hoặc làm cô ấy ghen tuông nhưng cách làm này không lành mạnh và cũng không hiệu quả. Ngoài ra nếu bạn gái đang bị trầm cảm hay gặp khó khăn với vấn đề cá nhân nào đó, phớt lờ sẽ chỉ khiến mọi việc thêm khó khăn với cô ấy và thật sự hủy hoại mối quan hệ của hai bạn.
    • “Lý thuyết đàn hồi” nói rằng bạn có thể khiến ai đó thích mình bằng cách tránh xa họ. Cách này có thể hiệu quả với một số người trong ngắn hạn nhưng đó không phải là cách ứng xử để xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp.[2]
    • Một lời khuyên tích cực mà bạn rút ra được từ “Lý thuyết đàn hồi” là những người đang yêu nhau cần không gian cho riêng họ, nếu không họ sẽ chán nhau và bắt đầu không để ý đến nhau. Bạn nên dành thêm thời gian cho mình và vẫn đối xử tốt, tôn trọng người bạn gái đó. Không nên phớt lờ cô ấy nhưng bạn phải chắc rằng mình đang có một cuộc sống bên ngoài thế giới của nàng.
  5. Chăm sóc bản thân. Cố gắng không nghĩ nhiều đến việc hành vi của bạn gái đang làm bạn tổn thương/buồn cỡ nào. Nên nhớ cô ấy thật sự không thể “khiến” bạn cảm thấy bất kì điều gì và bạn có sự lựa chọn của riêng mình: bạn có thể thừa nhận mình buồn nhưng không vì thế mà không tận hưởng cuộc sống.
    • Làm những việc giúp mình vui hơn: qua nhà bạn chơi, tới phòng tập hay tìm sở thích mới (ví dụ như chơi ghita, biên tập phim hay đi bộ đường dài).

Trao đổi về vấn đề[sửa]

  1. Hẹn gặp để trực tiếp nói chuyện. Trường hợp bạn gái tránh mặt hoàn toàn, bạn không thể liên lạc với cô ấy bằng điện thoại hay gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên cô ấy vẫn có thể nhận tin nhắn, do đó bạn nên gửi một tin nhắn cho biết mình lo lắng thế nào và mời cô ấy gặp nhau nói chuyện.
    • Ví dụ: “Dạo này em không trả lời tin nhắn của anh. Vậy nên anh rất buồn và thắc mắc không biết em có còn hạnh phúc khi quen anh. Chúng ta có thể gặp nhau nói chuyện không?”
      • Nếu biết lịch làm việc của cô ấy, bạn có thể đề nghị ngày giờ khi cô ấy rảnh, như vậy nàng khó có thể từ chối gặp mặt.
  2. Gửi email hay tin nhắn riêng tư. Bỏ qua bước này nếu bạn gái đã phản hồi với bạn qua tin nhắn điện thoại. Nếu bạn không thể liên lạc bằng cách gọi điện hay gửi tin nhắn điện thoại nhưng biết cô ấy vẫn ổn (vẫn đi chơi với bạn, cập nhật thông tin trên mạng xã hội), bạn có thể gửi tin nhắn qua facebook hay hộp thư điện tử thể hiện cảm xúc và nỗi lo của mình.
    • Nếu chọn cách gửi email/tin nhắn riêng tư thì bạn nên thận trọng với giọng văn. Viết nháp rồi đọc lại sau một giấc ngủ ngon để chắc chắn giọng điệu của mình không ích kỷ hay thiếu tôn trọng.
    • Viết cụ thể. Nếu ra những ví dụ cụ thể về việc cô ấy làm và cảm xúc của bạn. Bạn nên tránh cách viết mang tính cáo buộc lỗi lầm về phía bạn gái:
      • “Lúc chúng ta ở bữa tiệc hôm đó vào thứ bảy, em dành cả buổi tối nói chuyện với mọi người. Chúng ta chẳng có dịp nói với nhau lời nào rồi em cũng về mà không tạm biệt anh, dù chúng ta ngồi đối diện trong cùng một phòng. Em làm vậy anh thấy buồn. Anh không biết mình đã làm gì sai. Anh lo lắng cho em và cho cả chúng ta. Anh muốn chúng ta gặp nhau để nói về vấn đề này, nhưng nếu em không thấy thoải mái thì cũng có thể nói chuyện qua email ngay bây giờ.”
    • Trước khi gửi bạn cố gắng đặt mình vào vị trí cô ấy và đọc lại lần cuối. Suy nghĩ xem cô ấy sẽ cảm nhận thế nào về giọng văn và cả cách phản ứng, sau đó chỉnh sửa lại để đảm bảo bạn đang chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc một cách hiệu quả nhất. Nếu hiểu ý bạn và không cảm thấy bị đe dọa, nhiều khả năng cô ấy sẽ phản hồi.
  3. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể biểu hiện sự cảm thông. Nếu có cơ hội gặp mặt nói chuyện trực tiếp bạn nên biểu lộ sự cảm thông qua ngôn ngữ cơ thể. Điều này chứng minh cho cô ấy thấy bạn rất muốn hiểu vấn đề của nàng, như vậy cô ấy sẽ có động lực cởi mở vấn đề của mình.
    • Ngôn ngữ cơ thể biểu hiện sự cảm thông là phải ngồi đối diện với tư thế cởi mở (không bắt chéo tay, chồm người qua hay xoay mặt đi), gật đầu và nhìn vào mắt để ra hiệu bạn đang nghe họ nói, tạo âm thanh trấn an để thể hiện mình hiểu vấn đề và không xen ngang.[3]
  4. Thể hiện suy nghĩ và cảm xúc bằng cách giao tiếp bình tĩnh. Khi giao tiếp bình tĩnh bạn có thể tập trung vào suy nghĩ và cảm xúc của mình thay vì cáo buộc đối phương đã làm sai.
    • Tổ chức nội dụng nói theo trật tự sau: quan sát, cảm xúc, nhu cầu và yêu cầu.[4]
    • Ví dụ: “Cả tuần rồi em không trả lời điện thoại của anh và đã hai lần hủy kế hoạch của chúng ta. Anh bắt đầu lo lắng em không còn muốn quen anh nữa.”
  5. Hỏi về cảm xúc của cô ấy. Sau khi thể hiện cảm xúc của mình, cho cô ấy biết bạn cũng sẵn sàng lắng nghe cảm xúc của cô ấy.
    • Ví dụ: “Cả tuần rồi em không trả lời điện thoại của anh và đã hai lần hủy kế hoạch của chúng ta. Anh bắt đầu lo lắng em không còn muốn quen anh nữa. Anh muốn biết liệu chúng ta có thể nói chuyện về mối quan hệ này không. Nếu không phải vì chuyện của hai chúng ta thì em có thể cho anh biết điều gì đang xảy ra không?”
  6. Hỏi xem cô ấy muốn gì. Nếu cô ấy thừa nhận mình không vui vì điều gì đó, hỏi xem cô ấy cần gì và bạn có thể làm gì. Có thể họ cần thêm không gian riêng tư, hoặc muốn bạn làm điều gì đó mà bạn chưa làm - có khi chỉ là việc rất đơn giản như phải ôm cô ấy thường xuyên hơn hay khen nàng đẹp.
    • Không bất ngờ khi bạn gái cần có không gian riêng. Điều này hoàn toàn là vấn đề của cô ấy và không liên quan gì đến bạn.
      • Hỏi xem cô ấy có biết mình cần có không gian riêng trong bao lâu. Nếu cô ấy nói không biết thì bạn đặt ra một khoảng thời gian mà mình thấy ổn, có lẽ một tuần. Thể hiện sự sẵn lòng hỗ trợ bằng cách hỏi xem bạn có thể làm gì không, chẳng hạn gọi điện vào cuối tuần để hỏi thăm tình hình.
      • Nếu hai bạn quyết định dành không gian riêng cho nhau thì phải chắc chắn hiểu rõ đó là gì. Đối với một số người không gian riêng nghĩa là chỉ nói chuyện qua điện thoại hai lần mỗi tuần thay vì hằng đêm, hoặc có nghĩa hoàn toàn không liên lạc trong suốt tuần. Làm rõ ý nghĩa “không gian riêng” sẽ giúp bạn vượt qua quãng thời gian đó dễ dàng hơn.
    • Hiểu rằng bạn KHÔNG PHẢI cho những gì cô ấy cần. Nếu bạn cảm thấy không ổn với yêu cầu của bạn gái mình, hãy cho cô ấy biết. Hai bạn có thể dàn xếp vấn đề. Cuối cùng thì hai bạn phải tôn trọng nhu cầu và giới hạn của nhau.
  7. Làm người biết chủ động lắng nghe. Khi đến phiên cô ấy nói, bạn hãy chủ động lắng nghe. Nghe kèm theo thể hiện ngôn ngữ cơ thể cảm thông (tư thế mở rộng, gật đầu, tạo âm thanh trấn an) cũng như cho thấy mình hiểu bằng cách lập lại điều cô ấy vừa nói và/hoặc hỏi lại.[5] Nếu cảm thấy tổn thương vì điều bạn gái nói, bạn nên cho cô ấy biết nhưng không phải theo cách đối đầu.
    • Ví dụ: “Cảm ơn em đã nói cho anh nghe. Khi em nói anh theo em quá sát, anh thấy buồn và hơi khó hiểu. Anh thích ở bên em nhưng anh cũng hạnh phúc khi làm việc của riêng mình. Anh muốn biết những việc cụ thể anh làm mà khiến em cho rằng anh theo em quá sát. Có thể anh sẽ thay đổi những việc đó.”
      • Nếu cô ấy nói ra một số ví dụ cụ thể, cho dù bạn không bằng lòng thì cũng hiểu được phần nào điều cô ấy muốn khi quen bạn. Biết mong muốn của bạn gái sẽ giúp hiểu rõ hơn liệu bạn có thể hay sẵn lòng đáp ứng hay không.
    • Không nhìn xung quanh hay chặn lời khi cô ấy đang nói. Để cô ấy nói xong trước khi bạn phản hồi. Những gì cô ấy nói có thể làm bạn buồn hoặc không bằng lòng, nhưng hãy để cô ấy nói hết trước khi phản hồi.

Tìm một giải pháp[sửa]

  1. Cùng nhau đi đến một số giải pháp khả thi. Một khi hai bạn tìm ra vấn đề là gì thì câu hỏi tiếp theo là phải giải quyết thế nào.
    • Nếu bạn gái nói phớt lờ bạn là vì cô ấy cảm thấy bị ngộp khi được bạn quan tâm thái quá, xin cô ấy cho vài ví dụ cụ thể về những việc bạn làm mà khiến cô ấy cảm thấy như vậy.
      • Có lẽ cô ấy không thích việc bạn gọi điện ba lần mỗi ngày vào bữa sáng, trưa và tối. Như vậy có thể bạn đồng ý chỉ nhắn tin “chào buổi sáng” và gọi một cuộc điện thoại ngắn sau bữa tối hằng ngày.
  2. Không bắt buộc phải có một giải pháp. Đôi khi nên tạm nghỉ ngơi khi cảm xúc quá nóng và quay trở lại thảo luận sau đó, đặc biệt khi các bạn đã tranh luận trong nhiều giờ.[6]
    • Nếu bạn cảm thấy như mọi việc đang xoay vòng vòng và chẳng giải quyết được gì, tốt nhất nên nghỉ ngơi. Có lẽ các bạn không thể gặp lại nhau sau hai ngày và tốt hơn nên giải quyết ngay bây giờ. Mong muốn đó hoàn toàn bình thường nhưng sẽ không có ích gì khi hai bạn quá mệt mỏi vì tranh luận đến nỗi không còn suy nghĩ sáng suốt.
  3. Hiểu rằng một trong các giải pháp có thể là phải chia tay. Nhiều khi cảm giác lo lắng bị bạn gái phớt lờ xuất phát từ suy nghĩ muốn giữ mối quan hệ. Nếu đó không phải là vấn đề trong nhận thức của bạn và cũng không phải vì việc cá nhân của cô ấy, và nếu cô ấy thực sự phớt lờ vì đang giận bạn, bạn nên cân nhắc liệu có cần tiếp tục mối quan hệ với ai đó thích làm bạn tổn thương thay vì nói thẳng vì sao họ buồn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu phát hiện bạn gái thường xuyên lảng tránh và tình hình không tiến triển, bạn nên cân nhắc liệu có đáng duy trì mối quan hệ đó không. Có khả năng người này muốn kiểm soát hay thao túng bạn trong mối quan hệ.
  • Nên nhớ có thể cô ấy đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn mà hoàn toàn không liên quan đến bạn. Cô ấy lảng tránh vì không biết phải nói thế nào với bạn hay bất kì ai về vấn đề của mình. Cố gắng không thất vọng cho đến khi tìm hiểu rõ câu chuyện.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]