Giúp đỡ người mắc bệnh trầm cảm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu có ai đó thân thiết với bạn đang phải khổ sở vì căn bệnh trầm cảm, không chỉ người đó cảm thấy mệt mỏi, rối bời và buồn bã mà chính bạn cũng vậy. Bạn ước gì có thể giúp người đó, hãy chắc chắn là bạn sẽ có lời khuyên và hành động phù hợp. Cho dù người đó có vẻ như không lắng nghe bạn, nhưng thật ra họ cũng đang rất cố gắng. Nếu bạn đang tìm kiếm cách để giúp ai đó đương đầu với bệnh trầm cảm, những lời khuyên sau đây là dành cho bạn.

Các bước[sửa]

Trò chuyện với Người bạn quan tâm về Bệnh trầm cảm[sửa]

  1. Kêu gọi sự giúp đỡ ngay lập tức nếu bạn của bạn đang có ý định tự tử. Nếu người này đang định tự tử, tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức bằng cách gọi 115-Y tế hoặc đưa người đó đến phòng cấp cứu gần nhất.
    • Tại Mỹ, bạn có thể gọi 911 hoặc Đường dây nóng Ngăn chặn Tự tử Quốc gia theo số -800-273-TALK (8255) hoặc 800-SUICIDE (800-784-2433).
  2. Quan sát triệu chứng. Nếu bạn cảm thấy ai đó đang bị trầm cảm, hãy xem xét sơ bộ hành vi của họ để cảm nhận mức độ trầm cảm mà người đó đang chịu đựng. Lập danh sách những triệu chứng bạn nhận thấy. [1]
    • Tỏ vẻ buồn bã không lý do, kéo dài và thường xuyên
    • Mất hứng thú, niềm vui trong các hoạt động họ từng yêu thích
    • Chán ăn và/hoặc sụt cân rõ rệt
    • Ăn uống vô độ và/hoặc tăng cân
    • Thói quen đi ngủ bị phá vỡ (hoặc không thể ngủ hoặc ngủ quá nhiều)
    • Mệt mỏi và/hoặc mất năng lượng
    • Dễ bị kích động hoặc ủ rũ một cách đáng chú ý
    • Cảm giác vô dụng và/hoặc tội lỗi quá mức
    • Khó tập trung hoặc hay do dự, lưỡng lự
    • Hay có suy nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết hoặc tự tử, cố gắng để tự tử hoặc lập kế hoạch để tự tử
    • Các triệu chứng trên có thể kéo dài trong 2 tuần hoặc hơn. Chúng có thể biến mất và trở lại. Đây được gọi là “trạng thái lặp lại”. Trong tình huống này, đó không phải là biểu hiện nhất thời, mà còn là sự biến động tâm trạng dữ dội và tác động lên các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.
    • Nếu bạn của bạn phải chịu sự mất mát người thân hoặc cú sốc nào đó, người đó có thể biểu lộ triệu chứng suy sụp chứ không phải là trầm cảm bệnh lý.
  3. Trò chuyện với người bạn quan tâm về căn bệnh trầm cảm. Khi nhận ra rằng người đó đang khổ sở vì bệnh trầm cảm, bạn nên có một cuộc nói chuyện cởi mở và chân thành với họ.[2]
    • Nếu người bạn yêu thương không thừa nhận rằng họ đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng thì sẽ rất khó để người đó cảm thấy khá hơn.
  4. Giải thích rằng trầm cảm là một chứng rối loạn bệnh lý. Trầm cảm là bệnh có thể được chẩn đoán bởi bác sĩ và có thể được chữa khỏi, vì vậy bạn nên chấn an người đó rằng vấn đề họ đang gặp phải chỉ là do căn bệnh trầm cảm.[2]
  5. Hãy kiên định. Nói với người đó rằng bạn lo lắng cho họ. Đừng để người đó lảng tránh vấn đề nghiêm trọng họ đang gặp phải bằng câu nói “một tháng thật tồi tệ”. Nếu họ cố gắng thay đổi chủ đề, hãy dẫn dắt cuộc nói chuyện về lại tình trạng cảm xúc của người đó.
  6. Tránh xung đột. Lưu ý là người bị trầm cảm phải chịu đựng nhiều vấn đề cảm xúc và đang trong trạng thái dễ bị tổn thương. Dù bạn cần phải kiên quyết nhưng lúc ban đầu đừng nên quá nặng nề.
    • Đừng bắt đầu bằng câu: “Bạn đã mắc bệnh trầm cảm. Chúng ta sẽ giải quyết nó như thế nào đây?”. Thay vì vậy, hãy nói: “Gần đây, mình nhận thấy bạn có vẻ buồn bã. Chắc bạn đang gặp chuyện gì đó phải không?”.
    • Kiên nhẫn. Đôi khi phải mất một lúc để người khác mở lòng, vì vậy nên cho họ thời gian họ cần. Chỉ cần cố gắng đừng để người đó lảng tránh cuộc nói chuyện.
  7. Hiểu rằng bạn không thể “chữa khỏi” bệnh trầm cảm. Chắc chắn là bạn muốn giúp bạn của mình hết sức có thể. Nhưng không có cách đơn giản nào có thể “chữa khỏi” căn bệnh này. Những gì bạn có thể làm là động viên người đó chấp nhận sự giúp đỡ của người khác và ở bên cạnh khi người đó cần. Tuy nhiên, kết quả sau cùng vẫn phụ thuộc vào sự nỗ lực của người bệnh.[3]
  8. Thảo luận các bước kế tiếp. Khi bạn của bạn nhận ra rằng họ đang bị trầm cảm, bạn có thể trò chuyện về cách để bắt đầu giải quyết tình trạng này. Họ có muốn nói chuyện với người tư vấn không? Có muốn gặp bác sĩ và nhận đơn thuốc điều trị không? Có vấn đề nào trong cuộc sống làm người đó bị trầm cảm không? Người đó có bằng lòng với cuộc sống hay cách sống của mình không?

Giúp Người bạn quan tâm Đón nhận Sự giúp đỡ[sửa]

  1. Thừa nhận việc người đó nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Trước khi hai bạn cố gắng tự mình giải quyết khó khăn, cần biết rằng bệnh trầm cảm chưa được điều trị là rất nghiêm trọng. Bạn vẫn có thể giúp bạn của mình, nhưng người đó cũng nên tìm một chuyên gia sức khỏe tâm lý. Có nhiều bác sĩ trị liệu khác nhau, mỗi người có kỹ năng hay chuyên môn khác nhau, bao gồm nhà tâm lý học tham vấn, nhà tâm lý học lâm sàng hay bác sĩ tâm thần. Bạn có thể thấy sự kết hợp của một hoặc nhiều bác sĩ chuyên môn.
    • Nhà tâm lý học tham vấn: Tâm lý học tham vấn là lĩnh vực điều trị tập trung vào kỹ năng hỗ trợ và giúp đỡ người bệnh vượt qua khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống của họ. Dạng điều trị này có thể là ngắn hay dài hạn, thường là vấn đề riêng biệt và được định hướng mục tiêu. [4]
    • Nhà tâm lý học lâm sàng: Là người được đào tạo để thực hiện các kiểm tra để xác nhận một chẩn đoán và vì vậy họ có xu hướng tập trung hơn vào bệnh học tâm lý, hoặc nghiên cứu những rối loạn tâm thần hay hành vi. [5]
    • Bác sĩ tâm thần: Họ có thể sử dụng phép điều trị tâm lý và thang đo hay những kiểm tra trong việc điều trị, nhưng lựa chọn thường thấy của bệnh nhân là tìm hiểu việc sử dụng thuốc. Hầu như chỉ có bác sĩ tâm thần mới được phép kê đơn thuốc cho người mắc bệnh trầm cảm.
  2. Giới thiệu người đó đến một vài bác sĩ. Để giúp bạn của bạn tìm kiếm chuyên gia tư vấn, bạn nên tham khảo giới thiệu từ bạn bè, gia đình, lãnh đạo cộng đồng tôn giáo, trung tâm sức khỏe tinh thần cộng đồng ở địa phương, hoặc bác sĩ y khoa. [6]
    • Tại Mỹ, một số hiệp hội chuyên nghiệp như Hiệp hội Tâm lý học Mỹ có thể cung cấp chức năng tìm kiếm trên trang mạng để xác định thành viên bác sĩ tại khu vực bạn sinh sống.[7]
  3. Thay mặt sắp xếp một cuộc hẹn gặp bác sĩ cho người đó. Nếu bạn của bạn do dự về việc gặp chuyên gia y tế, bạn có thể sắp xếp một cuộc hẹn giúp họ. Đôi khi, việc bước những bước đầu tiên thật sự không dễ dàng, vì vậy người đó có thể cần bạn giúp đỡ.[8]
  4. Đi cùng người bạn quan tâm đến buổi hẹn đầu tiên. Bạn của bạn sẽ yên tâm hơn khi có bạn cùng đến gặp bác sĩ.
    • Nếu được trực tiếp nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm lý, bạn sẽ có cơ hội để nói ngắn gọn về triệu chứng của người đó. Nhưng lưu ý rằng chuyên gia tư vấn thường muốn nói chuyện riêng với bệnh nhân hơn.
  5. Động viên người đó tìm kiếm sự tư vấn tốt. Nếu buổi tư vấn đầu tiên không khả quan, hãy động viên họ tìm chuyên gia tư vấn khác. Việc trải nghiệm tư vấn không mấy tốt đẹp có thể làm họ chán nản không muốn tiếp tục, nhưng nhớ rằng không phải tất cả chuyên gia sức khỏe tâm lý đều như nhau. Nếu họ không hợp với chuyên gia tư vấn này, bạn nên giúp họ tìm người mới.
  6. Đề xuất các phương pháp điều trị khác nhau. Có ba dạng điều trị chính mang lại hiệu quả ổn định cho bệnh nhân, đó là liệu pháp nhận thức hành vi, giao tiếp trị liệu và tâm động học trị liệu. Tùy vào tình trạng của người bệnh mà họ sẽ phù hợp với dạng điều trị nào.[9]
    • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT- Cognitive Behavioural Therapy): Mục tiêu của CBT là thử thách và thay đổi niềm tin, quan điểm và thành kiến - những nguyên tiềm ẩn gây ra các triệu chứng trầm cảm - và đem lại sự thay đổi cho những hành vi không thích nghi.
    • Giao tiếp trị liệu (IPT- Interpersonal therapy): IPT tập trung vào việc giải quyết những thay đổi trong cuộc sống, xây dựng kỹ năng xã hội, và giải quyết các vấn đề giao tiếp có thể đã góp phần tạo nên chứng trầm cảm. IPT có thể đặc biệt hiệu quả với trường hợp trầm cảm mới xảy ra xuất phát từ một cú sốc nào đó (như sự qua đời của người thân).
    • Tâm động học trị liệu: Mục tiêu của dạng điều trị này là giúp người bệnh nhận ra và đương đầu với những cảm giác bắt nguồn từ mâu thuẫn chưa được giải quyết. Tâm động học trị liệu tập trung vào cảm giác vô thức.[10]
  7. Đề xuất khả năng dùng thuốc. Thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện tâm trạng người bệnh trong khi họ đang trải qua giai đoạn tư vấn. Thuốc chống trầm cảm tác động lên chất dẫn truyền thần kinh của não bộ để cố gắng chống lại sự cản trở não bộ tạo ra và/hoặc sử dụng chất dẫn truyền thần kinh như thế nào. Thuốc chống trầm cảm được phân loại dựa trên chất dẫn truyền thần kinh mà chúng tác động. [11]
    • Các dạng thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất là SSRIs, SNRIs, MAOIs, và Tricyclics. Bạn có thể tìm thấy tên của vài loại được sử dụng rộng rãi nhất bằng cách tra từ “thuốc chống trầm cảm” hay “antidepressants” trên mạng. [12]
    • Nếu một mình thuốc chống trầm cảm không hiệu quả, bác sĩ điều trị có thể đề nghị bạn dùng thêm thuốc chống rối loạn thần kinh (antipsychotic), bao gồm 3 loại là aripiprazole, quetiapine, risperidone. Bác sĩ có thể đề nghị một liệu pháp kết hợp thuốc chống trầm cảm/chống rối loạn thần kinh (fluoxetine/olanzapine) thích hợp sử dụng kết hợp với một loại thuốc chống trầm cảm tiêu chuẩn để điều trị, nếu chỉ dùng thuốc chống trầm cảm thì không hiệu quả. [13]
    • Bác sĩ tâm thần có thể đề nghị thử vài loại thuốc khác nhau cho đến khi tìm ra loại thuốc hiệu quả. Đôi khi thuốc chống trầm cảm có thể mang lại kết quả trái ngược nên giám sát tác động của việc dùng thuốc là rất quan trọng. Bạn và người bệnh nên chú ý đặc biệt đến bất kỳ sự thay đổi tâm trạng tiêu cực hay bất thường nào kịp thời. Thường thì vấn đề sẽ được giải quyết khi chuyển sang nhóm thuốc khác.
  8. Kết hợp thuốc với điều trị tâm lý. Để tăng tối đa hiệu quả của thuốc, người bệnh nên duy trì việc gặp chuyên gia sức khỏe tâm lý thường xuyên trong khi vẫn đang sử dụng thuốc.[14]
  9. Khuyến khích sự nhẫn nại. Cả bạn và người bệnh đều nên kiên nhẫn vì việc tư vấn và sử dụng thuốc phải lâu dài mới có kết quả. Người bệnh sẽ tham gia các buổi tư vấn thường xuyên, trong ít nhất vài tháng, trước khi thấy được sự hiệu quả. Không nên từ bỏ sớm vì mọi nỗ lực cần có thời gian để phát huy tác dụng.
    • Thông thường cần ít nhất ba tháng để thấy bất kỳ hiệu quả lâu dài nào từ thuốc chống trầm cảm.
  10. Xác định liệu bạn có cần sự chấp thuận để thảo luận về việc điều trị. Dựa vào mối quan hệ giữa bạn và người bệnh để biết được bạn có cần sự cho phép để thảo luận với bác sĩ của người đó hay không. [15] Thường thông tin và hồ sơ bệnh án của người khác là bí mật và các dữ liệu riêng tư liên quan đến sức khỏe tâm lý thì càng được lưu ý một cách đặc biệt.[16]
    • Người đó rất có thể sẽ phải viết giấy xác nhận đồng ý bạn mới được thảo luận cùng bác sĩ về việc điều trị của họ.
    • Nếu người bệnh đang ở độ tuổi vị thành niên (dưới độ tuổi kết hôn), bố mẹ hoặc người bảo hộ sẽ được phép thảo luận về việc điều trị.
  11. Lập danh sách các loại thuốc và phương pháp điều trị. Soạn danh sách thuốc mà người bệnh đang dùng, bao gồm cả liều lượng. Cũng nên lập danh sách những cách điều trị mà người đó đang tiếp nhận, như vậy sẽ bảo đảm họ đang theo đuổi việc điều trị và dùng thuốc đúng tiến độ. [15]
  12. Liên hệ với những người khác trong mạng lưới hỗ trợ cá nhân. Bạn không nên một mình cố gắng giúp đỡ người bệnh. Liên hệ với thành viên gia đình, bạn bè hoặc lãnh đạo tôn giáo tin cậy. Nếu người bị trầm cảm là người trưởng thành, hãy chắc chắn bạn nhận được sự đồng ý của người đó trước khi nói với người khác hoặc kêu gọi sự giúp đỡ. Thông qua việc trò chuyện với người khác, bạn sẽ có thêm thông tin, cái nhìn tổng thể về người bệnh, và bạn sẽ cảm thấy bớt đơn độc hơn trong hoàn cảnh này.
    • Thận trọng khi bạn kể với người khác về bệnh trầm cảm của ai đó. Người ngoài có thể vội vàng phê phán nếu họ không hiểu đầy đủ vấn đề. Bạn nên cẩn thận khi chọn ai đó để bàn bạc.

Trò chuyện với Người bạn quan tâm[sửa]

  1. Biết lắng nghe. Điều tốt nhất bạn có thể làm là lắng nghe người đó tâm sự. Bạn nên chuẩn bị để nghe bất kỳ điều gì và cố gắng không tỏ ra quá sốc, thậm chí khi điều đó thật sự khủng khiếp, vì như vậy sẽ làm họ thất vọng. Hãy cởi mở, chu đáo, lắng nghe mà không đánh giá.[17]
    • Nếu người đó không muốn nói chuyện, hãy thử hỏi một cách nhẹ nhàng để giúp họ cởi mở hơn. Ví dụ, hỏi xem tuần vừa rồi của họ có ổn không.
    • Khi người đó kể với bạn chuyện buồn, bạn nên động viên họ bằng cách nói, “Chắc rất khó để nói ra điều này”, hay “Cám ơn bạn nhiều vì đã cởi mở với mình”.
  2. Toàn tâm toàn ý vào cuộc trò chuyện với người bệnh. Cất điện thoại của bạn, nhìn vào mắt họ, và thể hiện rằng bạn đang dành 100 % nỗ lực vào cuộc trò chuyện.
  3. Biết phải nói điều gì. Điều mà một người đang chịu đựng căn bệnh trầm cảm cần nhất là lòng thương yêu và thấu hiểu. Ngoài việc biết lắng nghe, bạn còn cần phải ý nhị, khôn khéo trong những gì bạn sẽ nói với người mắc bệnh trầm cảm. Sau đây là một vài câu nói có thể giúp ích: [15]
    • Bạn không đơn độc trong chuyện này, mình sẽ ở bên bạn.
    • Mình biết bạn đang bị bệnh thật và đó cũng là lý do gây ra những cảm xúc và suy nghĩ hiện tại.
    • Bạn có thể không tin mình vào lúc này, nhưng bạn sẽ cảm thấy khá hơn.
    • Mình có thể không hiểu cảm giác thật sự của bạn ra sao, nhưng mình rất lo lắng và muốn giúp bạn.
    • Không chỉ bạn, mà cuộc sống của bạn cũng rất quan trọng đối với mình.
  4. Đừng nói với người bệnh trầm cảm theo kiểu: “Đừng như vậy nữa”. Nói với ai đó “đừng như vậy nữa” hay “vui lên đi nào” thường không giúp ích. Hãy đồng cảm hơn. Thử tưởng tượng cảm giác như cả thế giới đang chống lại bạn và mọi thứ đều sụp đổ, bạn sẽ muốn nghe điều gì nhất? Hãy biết rằng căn bệnh trầm cảm là có thật và người bệnh thì rất đau khổ. Đừng nói những câu như:[15]
    • Tất cả chỉ là do bạn nghĩ vậy.
    • Ai cũng đều phải trải qua những lúc như thế này.
    • Bạn sẽ ổn thôi. Đừng lo lắng nữa.
    • Tích cực lên nào.
    • Cuộc sống rất quý giá, sao bạn lại muốn chết?
    • Đừng có điên nữa.
    • Sao bạn lại như vậy?
    • Đáng lẽ bạn nên cảm thấy khá hơn rồi chứ?
  5. Đừng tranh cãi về cảm xúc của người bệnh trầm cảm. Đừng cố gắng lôi kéo người bệnh khỏi cảm xúc của họ. Những cảm xúc đó có thể thật vô lý, nhưng việc nói rằng họ sai hay tranh cãi không phải là một cách hay. Thay vì vậy, bạn có thể nói: “Mình rất lấy làm tiếc khi biết bạn đang buồn. Mình có thể làm gì đó để giúp bạn được không?
    • Nhận thấy được người đó có thể không thành thật về những cảm xúc tiêu cực của họ. Nhiều người bị trầm cảm thường xấu hổ và nói dối về tình trạng của họ. Nếu bạn hỏi “bạn ổn chứ?”, họ sẽ nói “vẫn ổn”, hãy nghĩ ra một cách hỏi khác để biết được cảm giác thật sự của người đó.
  6. Giúp người bệnh lạc quan hơn. Khi nói chuyện với họ, cố gắng giữ cuộc nói chuyện theo hướng tích cực nhất có thể. Đừng quá vui vẻ, hồ hởi mà chỉ cần chỉ ra cho người đó thấy một cách nhìn tốt hơn trong cuộc sống và hoàn cảnh của họ.

Ở bên cạnh Người bệnh[sửa]

  1. Giữ liên lạc thường xuyên. Bạn nên gọi điện cho người đó, viết thiệp, thư động viên, hay ghé qua thăm họ, để thể hiện rằng bạn sẽ luôn ở bên họ. Có rất nhiều cách để giữ liên lạc với người bạn quan tâm.[17]
    • Cố gặp họ nhiều nhất có thể nhưng sao cho không làm họ khó chịu.
    • Nếu bạn đang bận, có thể gửi email hỏi thăm họ.
    • Nếu bạn không thể gọi cho người đó mỗi ngày, bạn nên trò chuyện qua tin nhắn thường xuyên.
  2. Đưa người bệnh đi dạo. Họ sẽ cảm thấy khá hơn, dù chỉ một chút, nếu dành một ít thời gian ở bên ngoài. Dù vậy, đối với người đang trải qua giai đoạn trầm cảm thì việc bắt đầu đi ra ngoài là cực kỳ khó khăn. Hãy rủ họ làm gì đó mà có thể tận hưởng bầu không khí trong lành.
    • Không đến mức phải tập luyện để chạy maraton, chỉ cần cùng nhau đi bộ trong 20 phút, người đó sẽ cảm thấy khá hơn sau vài hoạt động thể chất ngoài trời.
  3. Hòa mình vào thiên nhiên. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hòa mình vào thiên nhiên có thể giảm stress và làm tâm trạng tốt hơn. [18] Cũng theo những nghiên cứu này, đi bộ dưới tán cây xanh có thể giúp trí óc con người đạt đến trạng thái thiền, giúp thư giãn sâu hơn và cải thiện tâm trạng. [19]
  4. Cùng nhau tận hưởng ánh nắng mặt trời. Ánh sáng mặt trời làm tăng hàm lượng vitamin D, góp phần cải thiện tâm trạng. [20] Thậm chí chỉ cần ngồi trên ghế dài và đắm mình dưới ánh mặt trời trong vài phút cũng đã giúp ích rất nhiều.
  5. Khuyến khích người đó theo đuổi những điều mới mẻ. Họ sẽ quên đi căn bệnh trầm cảm, dù trong chốc lát, nếu có gì đó để làm và mong đợi. Tuy vậy, bạn không nên bắt họ phải nhảy dù hay học tiếng Nhật, mà chỉ cần khuyến khích họ có vài thú vui nào đó để chuyển hướng sự tập trung tránh xa trầm cảm.
    • Tìm một vài tác phẩm văn học truyền cảm hứng cho người đó đọc. Các bạn có thể cùng nhau đọc hay thảo luận về một cuốn sách nào đó.
    • Mang qua một bộ phim của đạo diễn bạn yêu thích. Họ có thể sẽ hứng thú với một thể loại phim mới, và ở bên cạnh bạn trong khi xem phim.
    • Thử khuyến khích người đó thể hiện tâm hồn nghệ thuật của họ. Vẽ tranh hoặc làm thơ có thể giúp người đó biểu lộ bản thân tốt hơn và cũng là các hoạt động mà các bạn có thể làm cùng nhau.
  6. Ghi nhận những tiến bộ của người bệnh. Bất cứ khi nào người đó đạt được một mục tiêu, hãy công nhận và chúc mừng họ. Cho dù chỉ là một bước tiến nhỏ, như đi tắm hay đi chợ, cũng rất có ý nghĩa đối với người đang mắc bệnh trầm cảm.[17]
  7. Cải thiện cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bạn có thể động viên họ thử những điều mới mẻ và hòa nhập với thế giới bên ngoài, nhưng đôi khi đơn giản là bạn chỉ cần ở bên cạnh và cùng nhau làm những công việc thường ngày, để giúp họ bớt cảm thấy cô đơn. [17]
    • Cùng họ tham gia các hoạt động thường ngày như chuẩn bị bữa trưa hay xem TV cũng giúp ích rất nhiều.
    • Bạn cũng có thể giảm bớt gánh nặng của người bị trầm cảm bằng cách giúp họ một số việc đơn giản. Ví dụ như làm việc vặt, đi chợ, nấu ăn, dọn nhà hay giặt đồ. [17]
    • Tùy vào hoàn cảnh mà bạn có thể trao cho người đó những cử chỉ yêu thương (chẳng hạn như một cái ôm), sẽ giúp họ cảm thấy khá hơn.

Tránh Kiệt sức vì Chăm sóc Người khác[sửa]

  1. Đôi khi nên ngừng lại. Bạn có thể cảm thấy thất vọng khi lời an ủi động viên và lời khuyên chân thành của mình được đáp lại bằng thái độ thờ ơ hay đối lập. Điều quan trọng là không nên để bụng, vì đó chỉ là những triệu chứng của bệnh trầm cảm, chứ không phải tại bạn. Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi, cạn kiệt sinh lực, bạn nên nghỉ ngơi và dành thời gian làm những việc mà bạn có cảm hứng và yêu thích.
    • Mặt khác, việc chung sống với người bệnh và nhận ra không thể rời xa họ thì đặc biệt quan trọng.
    • Bạn nên hướng sự thất vọng vào căn bệnh, chứ không phải người đó.
    • Cho dù không gặp nhau, bạn nhớ hỏi thăm ít nhất một lần mỗi ngày để biết họ có đang đương đầu với chuyện gì không.
  2. Chăm sóc tốt bản thân. Đôi khi vì quá quan tâm đến người khác mà bạn quên đi bản thân mình. Không những vậy, ở bên một người bị trầm cảm thường xuyên, tâm trạng của bạn cũng bị kéo xuống và có thể gây ra những vấn đề của riêng bạn. Trong trường hợp này, hãy cố gắng coi những cảm giác thất vọng, bất lực và tức giận là hoàn toàn bình thường.
    • Nếu bạn đang có nhiều vấn đề cá nhân cần phải giải quyết, bạn có thể bị quá tải bởi việc giúp người đó. Cũng đừng nên coi vấn đề của người khác là cách để trốn tránh vấn đề của riêng mình.
    • Nhận ra khi những nỗ lực để giúp đỡ người khác đang ngăn bạn tận hưởng cuộc sống hoặc quan tâm đến những điều quan trọng khác. Nếu người bạn quan tâm trở nên quá phụ thuộc vào bạn, sức khỏe của cả hai đều sẽ bị ảnh hưởng.
    • Nếu bạn cảm thấy mình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi căn bệnh trầm cảm của người đó, nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Tìm một người tư vấn cho riêng bạn cũng là một ý hay.
  3. Dành thời gian cho cuộc sống riêng. Dù bạn là một người bạn tuyệt vời luôn giúp đỡ về thể chất và tinh thần cho người bạn quan tâm, bạn nên dành thời gian cho bản thân để thư giãn và tận hưởng cuộc sống.
    • Gặp gỡ bạn bè và mọi người trong gia đình, những người mà không bị trầm cảm, và tận hưởng thời gian ở bên họ.
  4. Sống lành mạnh. Bạn nên ra ngoài nhiều hơn, có thể là tập luyện cho một sự kiện chạy bộ 5000 m, hay dạo quanh chợ nông sản, làm tất cả những gì cần thiết để duy trì sức mạnh nội tâm.
  5. Dành thời gian để cười. Nếu bạn không thể làm người đó cười một chút nào, hãy dành thời gian với những người vui vẻ, hay xem hài, hay đọc một vài câu chuyện vui nhộn trên mạng.
  6. Đừng cảm thấy áy náy khi tận hưởng cuộc sống. Người bạn quan tâm bị trầm cảm, nhưng bạn thì không, và bạn có quyền tận hưởng cuộc sống riêng. Nhớ rằng chỉ khi bạn ở trạng thái tốt nhất, bạn mới có thể giúp người khác.
  7. Cập nhật kiến thức về bệnh trầm cảm. Nếu người quen của bạn bị bệnh trầm cảm, bạn “phải” hiểu rõ họ đang trải qua những gì. Hầu hết mọi người không hiểu chứng rối loạn như bệnh trầm cảm là ra sao, và sự thiếu kiến thức chung này làm cho cuộc sống của người mắc bệnh trầm cảm khó khăn hơn nhiều. Chỉ cần có một ai đó không đánh giá hay phê bình, ai đó đồng cảm hơn, cũng có thể là người cứu mạng đối với bất kỳ người bệnh trầm cảm theo đúng nghĩa đen. Bạn nên dành thời gian tìm hiểu về căn bệnh này và nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm lý, hoặc có thể là một người đã từng bị trầm cảm hay chứng rối loạn tương tự.

Lời khuyên[sửa]

  • Làm an lòng người bạn quan tâm rằng họ sẽ không bao giờ đơn độc và rằng bạn sẽ luôn ở bên khi họ cần ai đó để tâm sự.

Cảnh báo[sửa]

  • Trong một tình huống khẩn cấp, nếu bạn có thể, hãy cố gắng gọi cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hay đường dây nóng về tự tử trước khi gọi cho cảnh sát. Từng có vài trường hợp liên quan đến khủng hoảng tinh thần mà sự can thiệp của cảnh sát gây ra những thương tổn hoặc thậm chí là mất mạng. Nếu có thể, gọi cho ai đó mà bạn chắc chắn là có chuyên môn và được huấn luyện để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm lý hoặc khủng hoảng tâm thần một cách chính xác. [21][22][23]
  • Giám sát những biểu hiện hay lời đe dọa tự tử có thể xảy ra. Những câu nói như “Tôi ước gì mình đã chết”, hay “Tôi không muốn ở đây nữa” “phải” được đặc biệt chú ý. Người bị trầm cảm không nói về cái chết để gây sự chú ý. Nếu người đó muốn tự tử, hãy chắc chắn là bạn sẽ thông báo cho bác sĩ hoặc những người có chuyên môn ngay lập tức.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.nami.org/Content/NavigationMenu/Intranet/Homefront/Criteria_Major_D_Episode.pdf
  2. 2,0 2,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression/art-20045943
  3. http://www.helpguide.org/articles/depression/helping-a-depressed-person.htm
  4. http://www.div17.org/about-the-field-of-counseling-psychology/what-is-counseling-psychology/
  5. http://www.div17.org/about-the-field-of-counseling-psychology/counseling-vs-clinical/
  6. http://www.apa.org/helpcenter/choose-therapist.aspx
  7. http://locator.apa.org/
  8. http://www.depressionalliance.org/information/getting-help
  9. http://psychiatryonline.org/pb/assets/raw/sitewide/practice_guidelines/guidelines/mdd.pdf
  10. http://www.webmd.com/depression/guide/psychodynamic-therapy-for-depression
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/antidepressants/art-20046273
  12. http://abcnews.go.com/Health/MindMoodNews/story?id=6761204&page=1
  13. http://www.plosmedicine.org/article/info%3Adoi%2F10.1371%2Fjournal.pmed.1001403
  14. http://psychiatryonline.org/pb/assets/raw/sitewide/practice_guidelines/guidelines/mdd.pdf
  15. 15,0 15,1 15,2 15,3 http://www.dbsalliance.org/site/PageServer?pagename=help_friends_family
  16. http://www.hhs.gov/ocr/privacy/hipaa/understanding/special/mhguidance.html
  17. 17,0 17,1 17,2 17,3 17,4 http://www.depressionalliance.org/information/day-day-support
  18. http://www.crchealth.com/troubled-teenagers/feeling-depressed-get-some-fresh-air/
  19. http://www.huffingtonpost.com/2014/09/23/walk-nature-depression_n_5870134.html
  20. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2908269/
  21. The Washington Post: Distraught People, Deadly Results - Officers often lack the training to approach the mentally unstable, experts say (USA)
  22. Center for Public Representation on patterns of police violence against people with psychiatric disabilities
  23. Police Brutality's Hidden Victims: The Disabled

Liên kết đến đây