Đối phó với cha mẹ bị trầm cảm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Thật khó để xác định vai trò của mình khi cha mẹ bị trầm cảm. Tùy thuộc vào độ tuổi của bạn, có lẽ bạn sẽ không thể làm gì để giúp đỡ họ, nhưng có một vài phương pháp có thể giúp bạn đối phó với cha mẹ bị trầm cảm. Là một đứa trẻ, nghĩa vụ của bạn không phải là trở thành cha mẹ. Nếu bạn có khả năng, thời gian, và năng lượng, bạn có thể giúp đỡ hoặc hỗ trợ họ, tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần phải có ý thức về ranh giới lành mạnh và về giới hạn của bản thân.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Trợ giúp cha mẹ[sửa]

  1. Làm quen với triệu chứng trầm cảm. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng cha mẹ bạn tách bản thân khỏi những hoạt động mà họ đã từng rất yêu thích. Họ sẽ trông có vẻ buồn bã, tuyệt vọng, hoặc hành động một cách bất lực. Có lẽ, bạn sẽ nhận thức được sự thay đổi trong trọng lượng (tăng cân hoặc giảm cân) hoặc trong thói quen ngủ của họ (ngủ nhiều hoặc thiếu ngủ).[1]
    • Cha mẹ của bạn có thể có hành vi khác lạ, như thể họ khó chịu, hung hăng, hoặc nóng nảy hơn bình thường.
    • Họ cũng sẽ thiếu hụt năng lượng và thường xuyên có vẻ như bị kiệt sức.
    • Quan sát dấu hiệu cho thấy sự gia tăng trong việc tiêu thụ rượu bia hoặc sử dụng thuốc. Nếu cha mẹ bạn thay đổi thói quen uống rượu bia hoặc thuốc (bao gồm các loại thuốc được kê toa và thuốc ngủ), điều này có thể liên quan đến trầm cảm.
    • Trầm cảm không có tính lây lan và bạn sẽ không mắc phải nó.
  2. Trò chuyện với cha mẹ. Bàn luận về chủ đề trầm cảm với người khác có thể sẽ khá đáng sợ, đặc biệt khi họ chính là cha mẹ bạn. Nếu bạn lo lắng và cảm thấy rằng mọi chuyện sẽ không khá hơn, bạn nên trò chuyện về vấn đề này. Bạn nên tiếp cận cha mẹ bạn với thái độ quan tâm và lo lắng.[2] Nhắc nhở họ nhớ về tầm quan trọng của họ đối với bạn, và rằng bạn muốn trông thấy họ hạnh phúc.
    • Bạn có thể nói “Con lo lắng cho cha/mẹ và cho sức khỏe của cha/mẹ, liệu có phải mọi chuyện đã thay đổi? Cha/mẹ có ổn không?”.
    • Bạn cũng có thể nói rằng “Con biết rõ mọi chuyện đã thay đổi, và trông cha/mẹ rất buồn bã. Cha/mẹ vẫn ổn chứ?”.
    • Nếu cha mẹ bạn nói một điều gì đó về việc họ "không còn muốn có mặt trên cõi đời này", bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức.[2]
  3. Khuyến khích cha mẹ bạn tiến hành trị liệu. Sau khi bạn đã thảo luận một cách chân thành với cha mẹ bạn, bạn nên thúc giục họ đến gặp nhà trị liệu. Bạn cần phải hiểu rõ rằng bạn không phải là người chịu trách nhiệm cho suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi của họ, đặc biệt là khi nó có liên quan đến trầm cảm. Bạn nên khích lệ họ tìm gặp nhà trị liệu. Trị liệu sẽ giúp thay đổi khuôn khổ suy nghĩ tiêu cực, xác định tác nhân kích hoạt, và luyện tập phương pháp phòng ngừa để giảm thiểu triệu chứng trầm cảm trong tương lai.[1]
    • Hãy nói với cha mẹ của bạn rằng “Con muốn cha/mẹ hạnh phúc và khỏe mạnh, và con nghĩ bác sĩ trị liệu sẽ giúp ích được cho cha/mẹ. Cha/mẹ có muốn đến gặp nhà trị liệu không?”
  4. Tham gia vào liệu pháp gia đình. Mặc dù trị liệu cá nhân có thể giúp một người nào đó đạt được kỹ năng cụ thể, quá trình trị liệu có sự tham gia của toàn thể gia đình sẽ khá hữu ích cho mọi người.[3] Khi cha mẹ bị trầm cảm, cả gia đình cũng sẽ gặp khó khăn. Liệu pháp gia đình sẽ giúp mọi thành viên giao tiếp với nhau và giải quyết vấn đề phát sinh.
    • Nếu bạn cảm thấy như bạn đang gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong nhà, liệu pháp này sẽ là nơi tuyệt vời để thảo luận về nó và xây dựng sự thỏa hiệp.
  5. Dành thời gian với cha mẹ. Họ rất yêu bạn, ngay cả khi họ không có khả năng thể hiện nó một cách rõ ràng với bạn.[4] Chứng tỏ cho cha mẹ biết rằng bạn cũng yêu họ bằng cách dành thời gian cho nhau. Cha mẹ bạn cũng rất muốn điều này, nhưng họ lại không có đủ năng lượng cho nó. Bạn có thể là người tiên phong và mời cha/mẹ của bạn làm một điều gì đó cùng bạn. Hãy cùng nhau thực hiện hoạt động mà cả hai cùng yêu thích.
    • Cùng nhau nấu ăn.
    • Cùng nhau vẽ tranh.
    • Cùng nhau dắt chó đi dạo.
  6. Đi dạo với cha mẹ. Thiên nhiên, ánh nắng, và không khí trong lành sẽ giúp họ thư giãn và cảm thấy tốt hơn. Đi dạo ngoại trời sẽ giảm thiểu sự trầm cảm và căng thẳng.[5] Quan sát cây cối và động vật xung quanh và tận hưởng khoảng thời gian được hòa mình vào thiên nhiên.
    • Đi bộ trong công viên hoặc khu bảo tồn.
    • Ngay cả hành động dắt chó đi dạo quanh khu phố cũng khá hữu ích.
  7. Chứng tỏ rằng bạn yêu mến cha mẹ bạn. Đôi khi, người bị bệnh trầm cảm cảm thấy không được yêu thương hoặc không được mong đợi, và một lời nhắc nhở sẽ làm tăng cảm xúc tích cực cho họ. Bạn có thể viết ghi chú, gửi một tấm thiệp, hoặc vẽ một bức tranh. Bất kể là bạn làm gì, bạn nên cho họ biết rõ rằng bạn yêu mến họ.
    • Nếu bạn không sống cùng cha mẹ, bạn có thể gửi cho họ một tấm thiệp hoặc email bày tỏ rằng bạn luôn suy nghĩ về cha mẹ bạn và bạn yêu họ.
  8. Khai thác sức mạnh của sự động chạm cơ thể. Hãy ôm cha mẹ bạn thật chặt. Người thiếu thốn tình cảm có xu hướng trở nên cô đơn và gặp khó khăn với trầm cảm nhiều hơn. Người nhận được đầy đủ tình cảm thường sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.[6]
    • Ôm cha mẹ bạn khi bạn cảm thấy thoải mái.
    • Chạm nhẹ vào vai hoặc cánh tay họ để bày tỏ sự ủng hộ.
  9. Trò chuyện với em của bạn về vấn đề đang xảy ra. Nếu bạn có em nhỏ, có lẽ là chúng đã nhận thức được sự khác biệt của cha mẹ bạn, nhưng không biết rõ về nó. Bạn nên cố gắng giải thích một cách đơn giản và tốt đẹp hết mức có thể.
    • Bạn có thể nói "Bố bị trầm cảm, và đôi khi, ông ấy cư xử một cách cáu kỉnh và ở trên giường suốt ngày. Em không có lỗi, và ông ấy vẫn yêu em rất nhiều".
  10. Biết rõ điều cần làm khi cha mẹ không còn có thể chăm sóc bản thân. Thỉnh thoảng, khi một người nào đó bị trầm cảm và ngừng chăm sóc chính mình – họ không đi tắm, không đi làm, hoặc không thực hiện một hoạt động nào đó như nấu ăn tối, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ. v.v. Cha mẹ bỏ bê bản thân có nghĩa là nhu cầu của bạn cũng đang bị phớt lờ.
    • Trong trường hợp này, bạn cần phải tìm kiếm sự trợ giúp. Nếu cha của bạn bị trầm cảm, bạn có thể trò chuyện với mẹ hoặc mẹ kế của bạn về chuyện đang xảy ra với cha của bạn và nói cho họ biết bạn nghĩ rằng ông ấy cần được giúp đỡ. Bạn có thể giúp đỡ họ với những điều nhỏ nhặt, như bằng cách giữ cho căn phòng của bạn luôn sạch sẽ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhỏ như đi đổ rác, nhưng trách nhiệm của cha mẹ bạn là chăm sóc cho bạn.
    • Nếu bạn lớn hơn đôi chút, như ở độ tuổi vị thành niên, bạn có thể làm những việc mà cha mẹ của bạn không thể làm khi họ đang hồi phục. Cố gắng giúp đỡ xung quanh nhà, nấu ăn hoặc mua đồ ăn tối, chở em của bạn đến tham gia các hoạt động, v.v. Tuy nhiên, bạn không nên hoàn toàn chịu trách nhiệm với mọi công việc trong nhà hoặc trở thành người chăm sóc suy nhất của cha mẹ bạn. Bạn nên giúp họ với nhiệm vụ có ưu tiên cao (như chuẩn bị bữa ăn), nhưng bạn cần phải nhớ rằng, ngay lúc này, bạn sẽ không thể hoàn thành mọi công việc.[7]
    • Nếu bạn là người trưởng thành, bạn nên trò chuyện với cha mẹ về việc tìm kiếm sự trợ giúp. Nếu họ không muốn đến gặp nhà trị liệu, bạn có thể thuyết phục họ tìm đến bác sĩ của mình để kiểm tra sức khỏe tổng thể.[8] Thiết lập ranh giới về yếu tố mà bạn sẵn sàng và muốn thực hiện cho cha mẹ của bạn, bạn nên nhớ rằng họ cần phải chấp nhận sự trợ giúp trước khi có thể cảm thấy tốt hơn. Bạn không thể ép buộc họ.[2]
  11. Nhận thức hành vi muốn tự sát. Nghĩ đến điều này thật đáng sợ, nhưng làm quen với hành vi tự tử là rất quan trọng nếu cha mẹ của bạn bị trầm cảm. Người có dự định kết liễu mạng sống thường bộc lộ một vài dấu hiệu, và sớm nhận thức được chúng sẽ giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng khi cần hành động.[9] Một vài dấu hiệu cho thấy người nào đó đang có nguy cơ muốn tự tử bao gồm:[10]
    • Cho đi đồ đạc của mình.
    • Nói về việc đi xa hoặc giải quyết mọi chuyện cá nhân.
    • Nói về cái chết hoặc tự vẫn, có thể là về việc làm hại bản thân.
    • Cho bạn biết về cảm giác tuyệt vọng.
    • Thay đổi bất ngờ trong hành vi, như bình tĩnh sau giai đoạn lo lắng.
    • Thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân, ví dụ như sử dụng nhiều rượu bia và thuốc hơn.
    • Nói rằng bạn sẽ sống tốt hơn nếu không có họ, rằng họ không muốn có mặt trên thế giới này, rằng mọi chuyện sẽ sớm kết thúc, hoặc những lời nói tương tự.
  12. Sẵn sàng để hành động nếu bạn nghĩ cha mẹ bạn đang gặp nguy hiểm. Nếu bạn cho rằng họ đang có ý định tự sát, bạn nên gọi điện đến số 1900599830 Hotline Tâm sự Bạn trẻ của Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý Việt Nam hoặc 112. Nếu cha mẹ bạn đe dọa tự làm hại chính mình hoặc tự tử, sở hữu vũ khí hoặc phương tiện có thể gây tử vong (như thuốc), thường xuyên nói về việc kết liễu mạng sống và kích động hoặc lo lắng, hoặc đang trong quá trình cố gắng muốn tự sát, bạn nên gọi cho dịch vụ khẩn cấp (như 112) ngay lập tức.[9]

Tự chăm sóc bản thân[sửa]

  1. Tránh đổ lỗi cho chính mình. Có thể bạn sẽ cảm thấy có lỗi hoặc như thể bạn đã làm "sai" một điều gì đó khiến cha mẹ bạn không vui, nhưng đây không phải là sự thật.[4] Có khá nhiều lý do khiến một người nào đó chán nản, nguyên nhân hình thành bệnh trầm cảm phức tạp hơn là chỉ đơn giản phụ thuộc vào một hoặc hai lý do nào đó. Nhiều người trở nên trầm cảm vì hoàn cảnh của họ sở hữu một vài nhân tố khiến họ dễ phát triển căn bệnh này.
    • Bạn không làm gì sai và cha mẹ bạn không bị trầm cảm vì bạn. Hãy ngừng đổ lỗi cho bản thân và loại bỏ cảm giác có lỗi, bởi vì bạn sẽ chỉ dằn vặt chính mình, và đây không phải là hành động lành mạnh.
  2. Tránh cá nhân hóa mọi việc. Thông thường, phụ nữ có xu hướng xúc động hoặc buồn bã trong khi đàn ông lại bực tức hoặc nóng giận. Cho dù là như thế nào, người cha/mẹ bị trầm cảm sẽ vô tình nói ra những điều mà họ không mong muốn.[4] Bạn có thể sẽ cảm thấy như thể bạn là nguyên nhân gây căng thẳng cho cuộc sống của cha mẹ bạn. Hiểu rằng tâm trạng của cha mẹ bạn đang khác thường – có thể hình thành sự thay đổi trong hành vi – sẽ giúp bạn nhận thức được rằng những điều này không phải là sự thật.
    • Nếu cha mẹ của bạn gây tổn thương cho cảm giác của bạn, bạn nên nhìn nhận lời nói của họ một cách lạc quan hơn. Hãy cố gắng tha thứ cho họ và chấp nhận rằng tinh thần của họ không được ổn định. Mặc dù, phương pháp này sẽ không khiến cho lời nói của họ ít gây đau đớn hơn, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ rằng bạn không phải là người có lỗi.
  3. Dành thời gian cho người khiến bạn hạnh phúc. Bạn nên đi chơi cùng bạn bè, dành thời gian cho người tích cực, và tận hưởng cuộc sống.[11] Đừng ngần ngại khi phải bước ra khỏi nhà và thực hiện hoạt động nào đó. Đi chơi vui vẻ sẽ cung cấp cho bạn sự cân bằng trong tâm trí mà bạn cần để duy trì sự thoải mái khi ở nhà.
    • Không cho phép nhiệm vụ chăm sóc cho cha mẹ và trách nhiệm trong gia đình trở thành cuộc sống của bạn. Bạn không có nghĩa vụ phải là người chăm nom nhà cửa. Bạn có thể giúp đỡ nhưng đừng để nó kiểm soát cuộc sống của bạn.[2]
    • Bạn cần phải thiết lập ranh giới với cha mẹ. Nếu họ trông chờ vào bạn để làm họ cảm thấy tốt hơn hoặc hoàn thiện hơn, đây là hành động không lành mạnh và có thể ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe tinh thần của bạn.[12]
    • Ban đầu, bạn nên cố gắng thiết lập ranh giới nhỏ, và thực hiện nó mà không bộc lộ sự tức giận hoặc phán xét. Ví dụ, nếu cha mẹ bạn chia sẻ quá nhiều thứ với bạn, kể cho bạn nghe về vấn đề của họ nhiều hơn mức phù hợp, bạn có thể nói với họ rằng "Bố à, con rất thích trò chuyện với bố, nhưng vấn đề này vượt quá khả năng của con. Con nghĩ dì Sáu có thể giúp được bố".
  4. Trò chuyện về cảm xúc của bạn. Cảm xúc của bạn rất quan trọng, và kìm nén chúng không phải là hành động lành mạnh. Bạn nên tìm người biết lắng nghe và tâm sự với người đó.[11]
    • Cha mẹ của bạn đang không khỏe để thực hiện vai trò làm cha làm mẹ của mình, vì vậy, bạn nên tìm kiếm người trưởng thành khác có khả năng trở thành người cố vấn của bạn. Bạn nên cân nhắc tìm đến anh chị, ông bà, dì/dượng, người đứng đầu tôn giáo, và bạn bè của gia đình.
  5. Tìm cách để bộc lộ cảm xúc. Bạn hoàn toàn có thể cảm thấy căng thẳng, lo lắng, và buồn bã khi cha mẹ bạn mắc bệnh trầm cảm. Bạn cần phải đối phó với cảm xúc của mình bằng cách sở hữu lối thoát lành mạnh để loại bỏ căng thẳng và nạp lại năng lượng. Bạn nên viết nhật ký, vẽ tranh, nghe nhạc, hoặc viết lách.[11]
    • Tìm kiếm hoạt động giúp bạn thư giãn hoặc cảm thấy tuyệt vời. Chúng có thể bao gồm tham gia các môn thể thao, chạy bộ, hoặc chơi đùa với vật nuôi của gia đình.
  6. Bạn hoàn toàn được phép khóc. Sống với cha mẹ bị trầm cảm sẽ khá khó khăn. Cảm giác của bạn hoàn toàn tự nhiên và có thật. Khóc là cách tuyệt vời để giải tỏa cảm xúc của mình theo cách lành mạnh. Khóc cũng giúp bạn cảm thấy tốt hơn vì nước mắt sẽ giải phóng hormone căng thẳng và độc tố.[13]
    • Không nên cảm thấy xấu hổ khi khóc. Khóc hoặc bộc lộ cảm xúc của bản thân không phải là điều sai trái, cho dù là bạn đang ở một mình hay tại nơi công cộng.
    • Cho phép bản thân có đủ thời gian cần thiết để khóc. Nếu điều này khiến bạn thoải mái hơn, bạn có thể xin cáo lui để đi đến một nơi riêng tư nào đó và khóc, như phòng tắm hoặc phòng ngủ của bạn.
  7. Bạn phải biết rằng cha mẹ bạn vẫn còn yêu thương bạn. Trầm cảm có thể tạo nên những điều kỳ lạ cho tâm trí và hành vi của cha mẹ bạn – khiến họ kiệt sức, thay đổi cảm giác, và nói ra những điều mà họ không muốn. Cha mẹ bạn đang phải trải qua thời điểm khó khăn. Họ vẫn rất yêu thương bạn.[4]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn không cảm thấy an toàn, bạn nên chuẩn bị sẵn "nơi trú ẩn" gần nhà mà bạn có thể tìm đến, hoặc gọi điện thoại cho một người trưởng thành mà bạn tin tưởng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này