Đối phó với người cố chấp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Chúng ta trong suốt cuộc đời của mình đôi lúc không thể tránh khỏi việc phải đối phó với những người rất cố chấp. Dù đó là bạn bè, người thân hay đồng nghiệp, típ người như vậy có thể khiến mọi người căng thẳng. Với bất cứ đề tài thảo luận nào, họ cũng ngay lập tức khẳng định mình là ”chuyên gia” và khoe hiểu biết của mình với bất cứ ai. Đối với những người cố chấp như vậy, chúng ta phải quyết định liệu nên đương đầu với họ hoặc chấp nhận con người của họ.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Đương đầu với Người Cố chấp[sửa]

  1. Suy nghĩ xem liệu bạn có cần phải đương đầu với hành vi này hay không. Việc tương tác với người cố chấp là không thể tránh khỏi, do đó bạn sẽ phải khôn ngoan tránh né để yên tâm rằng bạn không bị cuốn vào cuộc đấu khẩu khi gặp phải những người như vậy.
    • Nếu người cố chấp đó là đồng nghiệp, bạn có thể dập tắt hành vi phiền nhiễu này bằng cách lịch sự lắng nghe hoặc lái đề tài sang hướng khác. Tìm lời khuyên từ những đồng nghiệp khác. Có lẽ người đồng nghiệp kia đã có tiếng là cố chấp và mọi người có những cách để đối phó với tính cách của người đó.
    • Trường hợp người cố chấp kia là một người quen ngoài xã hội hoặc họ hàng xa, có thể bạn chỉ cần chọn cách bớt gặp họ hoặc chỉ gặp khi có mặt những người khác để họ tạo nên vùng đệm cho bạn. Cũng như trên, bạn có thể hỏi các bạn bè chung về những lời khuyên làm sao để đối phó với người này.
    • Nếu người cố chấp là bạn thân hay người nhà, có thể bạn cần đương đầu với vấn đề trước khi nó gây ra những tổn hại không thể sửa chữa cho mối quan hệ của bạn. Đặc biệt nếu người cố chấp đó lại là người yêu hoặc bạn đời, có lẽ bạn sẽ phải đưa vấn đề đó ra không chỉ một lần. Hãy xử trí vấn đề trước khi những cảm giác tổn thương khiến bạn thu mình lại và trở nên xa cách với người thân yêu của bạn.
  2. Nói chuyện với người cố chấp ở nơi riêng tư. Dù đang đối mặt với ai, bạn cũng cần đề nghị người đó ra một nơi để nói chuyện riêng.Việc đối đáp trước mặt mọi người sẽ chỉ gây ngượng ngùng và làm tổn thương cảm xúc. [1]
    • Giữ giọng điệu tôn trọng. Thái độ và giọng nói của bạn rất quan trọng nếu bạn muốn giải quyết tình huống với người ngoan cố. Đảm bảo giọng điệu của bạn không giận dữ hoặc chế giễu, nói chuyện nhẹ nhàng và giữ dáng vẻ không đe dọa. Nếu người kia nổi giận, bạn cũng đừng lớn tiếng hoặc bị kích động giống như họ.
    • Giữ bình tĩnh và kiềm chế khi giao tiếp. Điều tệ nhất khi tương tác với người cố chấp là thái độ hùng hổ và lấn át. Cách tiếp cận này luôn dẫn đến trò tranh giành lợi thế để chứng tỏ ai là người biết nhiều hơn hoặc ai có thể áp đảo người kia. Trong tình huống này không có ai thắng cả.
  3. Thực hiện các chiến thuật đàm thoại tốt nhất. Bạn không thể chờ đợi người khác đạt tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn bạn dành cho mình. Như vậy, đối với một người “biết tuốt”, bạn nên tỏ ra rằng mình không biết hết mọi việc và hiểu rằng thừa nhận các khuyết điểm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối.
    • Dùng những câu có chủ ngữ là “tôi” thay vì chủ ngữ là người kia. Dù có cảm giác người kia đang gây ra vấn đề, bạn cũng nên cố gắng cưỡng lại xu hướng nói theo kiểu buộc tội. Thay vào đó, bạn hãy điều chỉnh vấn đề từ cách nhìn nhận của bạn.
      • Câu “Tôi có cảm giác rằng anh không tôn trọng ý kiến của tôi” dễ nghe hơn câu “Anh lúc nào cũng giành nói hết và không tôn trọng tôi”.[2]
    • Thời gian nghe nên cân bằng với thời gian nói. Rất có thể người bảo thủ sẽ tức giận hoặc phẫn nộ vì bạn đương đầu với họ. Khi điều đó xảy ra, bạn hãy hít thở sâu, cố gắng lắng nghe và không nói át người kia. Nếu cần phải rút lui trước khi cuộc đối thoại leo thang, bạn đừng ngại ngần làm việc đó.
    • Thực hành phương pháp lắng nghe tích cực.[3] Nếu người kia có thái độ phòng thủ và cố gắng giải thích quan điểm của họ, bạn hãy lặp lại những điều họ nói để chứng tỏ rằng bạn đã nghe chính xác.
      • Bạn có thể nói những câu như, “Tôi nghe anh nói rằng anh không muốn xúc phạm tôi và tôi đã phản ứng thái quá. Nhưng tôi vẫn thấy buồn bực vì những bình luận của anh, và tôi mong là những cảm giác của tôi được anh để tâm đến.” [4]
  4. Tỏ thái độ tôn trọng trong suốt cuộc đối thoại. Thậm chí người đó biểu hiện như một anh hề, một người chẳng biết tí gì về đề tài anh ta đang khoác lác, bạn cũng nên luôn cư xử hòa nhã với lòng tin và cảm xúc chân thành.
    • Việc đặt các câu hỏi cũng là biểu hiện của sự tôn trọng. Người cố chấp sẽ ít có khả năng gạt đi ý kiến của bạn nếu thấy bạn có vẻ cố gắng tìm hiểu ý kiến của họ.
      • Ví dụ cho những câu hỏi như vậy có thể là: “Tôi có thể làm gì để giao tiếp với anh tốt hơn?” hoặc “Anh nghĩ hai chúng ta cần làm gì để cải thiện mối quan hệ công việc giữa anh và tôi?”
    • Trang bị cho mình những sự việc có thật. Khi đối phó với một người ngoan cố, điều quan trọng là phải diễn đạt cho họ thấy hành vi của họ đã gây tổn thương cho người khác trong đó có bạn như thế nào. Bạn hãy chia sẻ các sự kiện và nhân vật mà qua đó người cố chấp thấy được rằng hiệu quả hợp tác trong công việc sẽ sụt giảm nếu một người độc chiếm diễn đàn, hoặc tình bạn sẽ bị phá vỡ khi tiếng nói của một bên không được coi trọng.[5]

Đối phó với Người Cố chấp[sửa]

  1. Cố gắng kiềm chế và mỉm cười. Trong một số trường hợp – chẳng hạn như người cố chấp có địa vị cao hơn bạn – bạn sẽ có ít sự lựa chọn mà chỉ còn cách cố gắng làm điều tốt nhất trong tình huống xấu.
    • Lái cuộc đối thoại ra khỏi chủ đề khiến bạn không thoải mái. Nếu không muốn nói về đề tài mà người đó đưa ra, bạn hãy đổi chủ đề sang một lĩnh vực mà bạn thấy thú vị hơn. Hỏi người đó về gia đình hay thú tiêu khiển của họ - bất cứ thứ gì dễ chịu hơn đề tài khiến họ hùng hổ tranh luận.
  2. Áp dụng chiến thuật thoát ra. Nếu biết rằng mình sắp phải đối mặt với một người cố chấp, bạn hãy nghĩ cách hạn chế thời gian tiếp xúc với họ.[6]
    • Ở nơi làm việc, bạn có thể là tránh những khu vực mà người đó đang có mặt hoặc chuẩn bị những câu đáp lời để bạn có thể kiếm cớ rời khỏi tình huống đó. Nếu là ở trong gia đình, bạn có thể lên kế hoạch cho những hoạt động giúp bạn khỏi phải đối thoại trực tiếp với người đó.
  3. Thiết lập những ranh giới. Nếu người bảo thủ khăng khăng nói về tôn giáo, chính trị hoặc các chủ đề khiến bạn khó chịu, bạn hãy cố gắng nói riêng với họ rằng bạn không thích những đề tài đó và bạn muốn tránh những cuộc tranh luận như vậy.
    • Hãy kiên quyết. Nếu người đó cứ liên tục đưa ra những chủ đề như vậy, bạn nhắc cho họ nhớ rằng bạn không muốn tranh luận về việc đó.
    • Nói những câu như “Tôi biết anh không muốn xúc phạm tôi, nhưng đề tài đó làm tôi khó chịu. Tôi thực sự không muốn nói về việc đó.”
    • Hoặc bạn chỉ cần nói sang đề tài khác: “Thôi mình nói về việc gì đó vui hơn được không? Bạn kể tôi nghe xem em bé mới sinh của bạn thế nào?”
  4. Khéo léo.[7]Nếu người cố chấp cứ liên tục đưa ra những lời khuyên hoặc cố gắng dạy bạn cách làm tốt hơn, bạn chỉ cần đáp lại một cách tôn trọng “Cảm ơn bạn đã gợi ý” hoặc “Cảm ơn vì bạn đã chỉ cho tôi thấy điều đó.” Nếu ý kiến của người đó đúng, bạn có thể làm theo. Nếu không, bạn chỉ việc lờ đi và làm điều bạn cho là tốt nhất.
    • Bạn có thể nhận ra mình phản ứng lại với người cố chấp. Đôi khi người cố chấp thực sự biết họ đang nói điều gì nhưng vẫn cứ phát biểu một cách khó chịu và áp đảo. Trong trường hợp này, bạn có thể lờ đi lời khuyên của họ, chỉ làm việc cần thiết. Đừng để cho sự giận dữ che mờ phán đoán của bạn.
    • Chống lại xu hướng hung hăng thụ động. Thâm chí ngay cả khi không thực sự to tiếng đấu khẩu với người cố chấp, bạn vẫn dễ có những biểu hiện như đảo mắt tỏ vẻ khó chịu với họ hoặc lầm bầm phản đối. Hành động như vậy chỉ gây thêm căng thẳng giữa bạn và người cố chấp đó.

Suy nghĩ Khác về Người Cố chấp[sửa]

  1. Hiểu rằng người cố chấp có thể không hiểu rõ về hành vi của mình. Trong hầu hết trường hợp, người cố chấp không cố tình hung hăng và có thể băn khoăn tự hỏi tại sao mọi người lại tránh né họ. Nếu tỏ ra thông cảm thay vì phán xét, bạn có thể giúp đỡ họ hiểu hơn về hoàn cảnh của họ.
  2. Cố gắng tìm hiểu người đó ở mức độ sâu sắc hơn. Nếu thực sự bạn không thích người đó thì sẽ khó để bạn tìm hiểu họ nhiều hơn. Nhưng cho dù là vậy, bạn cứ cố gắng nhìn họ như một con người có gia đình, bạn bè và cuộc sống riêng. Càng tìm hiểu họ trên phương diện con người thì bạn sẽ càng dễ tỏ ra thông cảm.[8]
  3. Nhìn người cố chấp như một nguồn tiềm ẩn. Vì người cố chấp thường có nhiều điều để góp ý, bạn có thể sử dụng những kiến thức mà họ có để làm lợi cho mình.
    • Ví dụ, người cố chấp có thể biết điều gì đó về hệ thống chức năng văn phòng nơi bạn làm việc và sẵn sàng cho bạn thông tin mà những người khác sẽ không nói. Nếu là người thân trong gia đình, họ có thể kể cho bạn những câu chuyện mà những người khác vì lịch sự nên không nhắc đến. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên với những gì bạn học được.
  4. Tìm điểm chung.[9] Dù biết người đó là khó chịu, chắc hẳn bạn cũng có những lĩnh vực quan tâm trùng với họ. Nếu không thích bàn về chính trị, bạn có thể chia sẻ sở thích về âm nhạc. Hoặc nếu không muốn nói về thể thao, bạn có thể bàn về gia đình và việc làm cha mẹ. Hãy tìm ra những lĩnh vực mà cả hai cùng có điểm chung và tập trung vào đó.

Lời khuyên[sửa]

  • Phân biệt sự khác nhau giữa quan điểm và sự quấy nhiễu.[10] Nếu một đồng nghiệp liên tục đưa ra các đề tài không đứng đắn về giới tính hoặc có tính chất quá riêng tư, bạn không phải tham gia vào câu chuyện của họ. Những bình luận như vậy có thể gây ra một bầu không khí khó chịu ở nơi làm việc; bạn có quyền nói lại với ban quản lý.
  • Nếu bạn đã nói chuyện thẳng thắn với người cố chấp là đồng nghiệp hoặc người quen trong ngành về hành vi của họ nhưng họ không chịu nghe hoặc tiếp tục leo thang, có thể bạn phải nói với người có thẩm quyền. Tuy nhiên bạn phải thận trọng. Một khi đã thực hiện bước này, bạn không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Bạn có thể bị coi là người gây rắc rối hoặc bất mãn, và bạn có thể khiến cho ai đó bị trách phạt và mất việc.
  • Nếu áp lực từ việc phải đối mặt với những người cố chấp trở nên không thể chịu được, bạn đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia tư vấn. Rất khó nhìn sự việc một cách khách quan khi bạn là người trong cuộc. Một người ngoài cuộc khách quan có thể cho bạn cái nhìn thấu đáo mà bạn không thấy được.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này