Đối phó với trẻ vị thành niên lười biếng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Quá trình chuyển tiếp từ một cô/cậu bé trở thành một thanh thiếu niên có thể sẽ khá khó khăn cho con của bạn. Chúng sẽ phải đối mặt với sự biến đổi mạnh mẽ trong nội tiết tố, trách nhiệm gia tăng, và cố gắng điều khiển cuộc sống xã hội năng động của thời phổ thông. Nhưng điều này không có nghĩa là con của bạn được phép nằm ườn trong nhà, không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với công việc nhà, và trễ hẹn nộp bài tập. Sự lười biếng của hầu hết mọi thanh thiếu niên đều có thể được điều chỉnh bằng việc xây dựng quy tắc vững chắc cho con của bạn tuân theo, khích lệ chúng hoàn thành công việc và mọi cam kết khác, và trò chuyện với chúng về bất kỳ một vấn đề nào mà chúng đang phải đối mặt trong học tập hoặc trong gia đình.

Các bước[sửa]

Trò chuyện với Con của Bạn[sửa]

  1. Lắng nghe và kiên nhẫn với trẻ vị thành niên. Tránh nói thay hoặc ngắt lời khi con của bạn đang nói. Khuyến khích chúng trò chuyện bằng cách đưa ra câu hỏi thông thường về một ngày của chúng, hoặc về bài kiểm tra trong lớp. Ghi nhớ phản ứng của chúng và cho phép chúng chia sẻ suy nghĩ của mình.
    • Hình thành cuộc trò chuyện hai chiều. Cho con của bạn biết rằng bạn quan tâm đến suy nghĩ và quan điểm của chúng trong suốt cuộc trò chuyện sẽ khiến chúng trở nên tự tin hơn trong việc cởi mở và thành thật với bạn. Cho phép trẻ đưa ra câu hỏi và có quyền tự do suy nghĩ.
    • Lời khởi đầu cho một cuộc trò chuyện có thể là: "Việc học thế nào rồi con?", "Buổi thực hành đó diễn ra như thế nào?", "Buổi tiệc hôm thứ Bảy vừa rồi có vui không con?"
    • Cho con của bạn hiểu rằng bạn quan tâm đến mọi việc đang diễn ra trong cuộc sống của chúng và bạn luôn có mặt để lắng nghe chúng. "Con biết là con luôn có thể trò chuyện với mẹ/cha nếu con đang gặp rắc rối trong trường hoặc con đang cảm thấy bị phân tâm". "Mẹ/Cha sẽ luôn lắng nghe con nói mỗi khi con muốn tâm sự". "Con nên nhớ rằng con có thể nói cho mẹ/cha biết mọi chuyện và mẹ/cha sẽ chỉ là người lắng nghe".
  2. Hỏi thăm con của bạn về giờ giấc ngủ của chúng. Hầu hết mọi thanh thiếu niên có thái độ lười biếng hoặc bị xao nhãng là vì chúng thường bị thiếu ngủ. Không như người trưởng thành, trẻ vị thành niên thường ngủ trễ và thức giấc vào giữa trưa thay vì sáng sớm. Do đó, khi bạn ép buộc chúng phải ra khỏi giường vào lúc 7 hoặc 8 giờ sáng để đi học, chu kỳ ngủ tự nhiên của chúng bị rối loạn và con của bạn sẽ có vẻ lười biếng, thẫn thờ, và uể oải, tất cả đều là triệu chứng của việc thiếu ngủ. Đây là lý do vì sao trẻ cần phải đi ngủ vào thời điểm phù hợp để bảo đảm rằng chúng ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm. Điều này sẽ giúp hạn chế sự lười biếng và bảo đảm rằng con của bạn sẽ có đủ năng lượng cho một ngày hoạt động.[1]
    • Thảo luận về thói quen ngủ và giờ ngủ thông thường của chúng. Đi ngủ đúng giờ mỗi đêm, thậm chí là vào cuối tuần, sẽ giúp thiết lập chu kỳ ngủ tự nhiên và cho phép cơ thể của trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ. Ví dụ, nếu con của bạn phải thức dậy vào 7 giờ sáng 5 ngày trong tuần để đi học, chúng phải đi ngủ muộn nhất là vào lúc 10 giờ 30 tối để bảo đảm rằng chúng ngủ đủ 8 giờ. Và trẻ cũng cần phải theo sát thời gian biểu này ngay cả vào ngày cuối tuần để không gây rối loạn cho chu kỳ ngủ thông thường của bản thân.
  3. Giải thích cho con của bạn về giá trị của việc thực hiện cam kết và trách nhiệm. Nhiều trẻ vị thành niên thường “lê gót” khi bị yêu cầu làm công việc hoặc nhiệm vụ lặt vặt trong nhà bởi vì chúng không nhận thức được giá trị của quá trình này. Chúng có thể nghĩ rằng, nếu mình quên đi đổ rác hoặc dọn phòng của mình thì sao? Liệu sẽ có vấn đề gì xảy ra hay không? Là cha mẹ, bạn cần phải giải thích cho con của bạn hiểu rằng thật ra bạn không muốn thực hiện một vài công việc hoặc nhiệm vụ lặt vặt nào đó và thích được dành thời gian làm những điều khác hơn. Nhưng hoàn thành công việc nhà và nhiệm vụ khác trong cuộc sống là một phần của việc trở thành thành viên có trách nhiệm trong gia đình.
    • Ghi nhận tầm quan trọng của sự chung sức và sự hợp tác giữa mọi người trong nhà để bảo đảm rằng mọi công việc đã được chia đều cho mọi thành viên. Giải thích cho con của bạn biết rằng bạn cũng thường không thích phải làm việc nhà, nhưng bạn cũng phải thực hiện chúng vì lợi ích của mọi người sẽ giúp cho trẻ hiểu được lý do tiềm ẩn trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Điều này sẽ cung cấp cho chúng động lực để thực hiện trách nhiệm của mình như là một thành viên trong gia đình.
  4. Kiểm ra xem liệu con của bạn có đang gặp khó khăn trong trường hoặc ở nhà hay không. Đôi khi, sự lười biếng là triệu chứng của nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như thiếu ngủ, trầm cảm, căng thẳng, hoặc của sự đấu tranh nội tâm. Nếu trẻ có vẻ trở nên chậm chạp hoặc lười biếng hơn thông thường và bộc lộ dấu hiệu trầm cảm hoặc lo lắng, bạn nên ngồi xuống và trò chuyện cùng chúng.
    • Nếu bạn lo lắng về tình trạng trầm cảm hoặc lo âu của trẻ, bạn nên cân nhắc trò chuyện với chuyên gia y tế, bác sĩ của gia đình, hoặc chuyên viên tư vấn.

Thiết lập Quy tắc Cơ bản cho Con của Bạn[sửa]

  1. Lên lịch làm việc nhà. Giao việc nhà cho con của bạn sẽ giúp bạn dạy cho chúng biết về tính trách nhiệm và giúp chúng rèn luyện việc thực hiện cam kết của mình. Công việc nhà đồng thời cũng sẽ buộc trẻ phải bước ra khỏi ghế và hoạt động. Xây dựng lịch làm việc bao gồm nhiều nhiệm vụ được chia nhỏ theo ngày và giao từng công việc cho con của bạn và/hoặc những thành viên khác trong nhà, bao gồm:[2]
    • Dọn dẹp phòng ngủ của chúng
    • Dọn dẹp nhà tắm
    • Giặt quần áo
    • Quét bụi và làm sạch các khu vực chung
    • Quét nhà hoặc lau nhà
  2. Hạn chế việc sử dụng máy vi tính hoặc chơi điện tử của trẻ. Hầu hết mọi thanh thiếu niên đều dễ bị xao nhãng hoặc thờ ơ với mọi việc chỉ vì chiếc máy vi tính, điện thoại, hoặc trò chơi điện tử mới nhất của chúng. Thay vì loại bỏ hoàn toàn những tác nhân này, và hành động này có thể dẫn đến tranh cãi hoặc bất hòa, bạn nên giới hạn thời gian chúng được phép sử dụng các thiết bị này, như không được sử dùng điện thoại khi đang ăn tối hoặc không được chơi game sau 10 giờ tối. Phương pháp này sẽ giúp con của bạn tập trung thời gian và năng lượng trong việc hoàn thành bài tập về nhà hoặc công việc lặt vặt trong nhà. Nó cũng sẽ giúp bảo đảm rằng trẻ sẽ không thức cả đêm bên chiếc máy vi tính của mình để có thể nghỉ ngơi đầy đủ cho ngày làm việc hiệu quả vào hôm sau.[2]
    • Khi thiết lập giới hạn cho con của bạn, bạn cần phải trở thành tấm gương tốt thông qua việc thực hiện quy tắc tương tự như chúng. Không nên sử dụng điện thoại trong giờ ăn tối nếu con của bạn cũng không được phép thực hiện điều này, và cố gắng không xem TV hoặc chơi game quá 10 giờ tối. Hành động này sẽ cho con của bạn biết rằng bạn cũng bị ràng buộc bởi những nguyên tắc tương tự như bạn đã thiết lập cho chúng.
  3. Nghiêm túc đưa ra hậu quả cho hành vi tiêu cực. Nếu con của bạn tranh cãi về việc thực hiện công việc nhà và không tuân theo nguyên tắc mà bạn đề ra, bạn nên trình bày một cách cứng rắn và rõ ràng về hậu quả của hành động này. Chúng có thể là hình phạt nhỏ chẳng hạn như không được đi chơi hoặc hình phạt nghiêm trọng hơn ví dụ như cắt giảm tiền tiêu vặt, không được xem TV hoặc sử dụng máy vi tính trong một tuần, hoặc cấm túc con của bạn trong một khoảng thời gian.[3]
    • Là một người trưởng thành, bạn cần phải củng cố quy luật mà bạn đã thiết lập và đưa ra hình phạt cho việc không tuân theo chúng. Con của bạn có thể sẽ khó chịu hoặc tức giận, nhưng chúng sẽ thấu hiểu kết quả của hành động mà chúng gây ra và sẽ suy nghĩ lại khi không muốn tuân theo nguyên tắc hoặc phớt lờ công việc nhà trong tương lai.
    • Cố gắng không nên phản ứng thái quá và đề ra hình phạt quá khắc khe cho tranh cãi hoặc mâu thuẫn nhỏ. Hình phạt của bạn phải phù hợp với độ nghiêm trọng của hành vi sai trái mà trẻ đã thực hiện.
  4. Không nên mất bình tĩnh hoặc ghim sâu vào lòng lời nhận xét tiêu cực. Con của bạn sẽ chống đối nỗ lực đầu tiên của bạn trong việc thiết lập nguyên tắc và giao việc nhà cho chúng, bạn nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đối phó với sự tranh cãi và sự hỗn xược. Tránh mất bình tĩnh và la mắng chúng. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc phản ứng một cách bình tĩnh và trở nên tích cực hơn về tình huống. Lũ trẻ nhà bạn sẽ vâng lời người cha/mẹ biết kiểm soát cảm xúc hơn là người hay tức giận.[3]
    • Thay vì tịch thu điện thoại hoặc máy vi tính của chúng khi chúng không lắng nghe bạn, bạn chỉ cần yêu cầu con của bạn thực hiện nhiệm vụ nào đó và không ngừng quan sát chúng cho đến khi chúng loại bỏ tác nhân xao nhãng và hoàn thành nhiệm vụ. Chúng có thể sẽ nghĩ rằng bạn thật vô lý hoặc thật bực bội, nhưng chúng sẽ sớm nhận ra rằng bạn sẽ ngừng theo dõi chúng khi chúng chấm dứt thái độ lười biếng của mình. Loại động lực này sẽ tốt hơn là cằn nhằn hoặc la mắng.[4]

Tạo Động lực cho Con của Bạn[sửa]

  1. Phân tích cách thức con của bạn sử dụng thời gian. Quan sát cách thức chúng đang làm lãng phí thời gian hoặc tỏ thái độ lười biếng. Có phải là chúng dành cả ngày để sử dụng máy vi tính? Chúng vùi đầu vào đọc sách thay vì làm công việc nhà? Có lẽ là con của bạn dành hầu hết mọi thời gian để sử dụng điện thoại, tán gẫu với bạn bè, và phớt lờ công việc nhà hoặc trách nhiệm của mình. Trước khi có thể cung cấp động lực phù hợp cho trẻ, bạn cần phải xác định nguyên nhân khiến chúng trở nên lười biếng. Phương pháp này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách suy nghĩ của chúng trong thời điểm hiện tại và nắm bắt mọi khuôn khổ của sự lười biếng.[5]
  2. Sử dụng hệ thống phần thưởng. Một khi bạn đã quan sát hành vi lười biếng của trẻ, bạn cần phải sử dụng khuôn mẫu này để thiết lập hệ thống phần thưởng. Ví dụ, con của bạn thích dành nhiều giờ để nhắn tin trên điện thoại. Bạn có thể nói với chúng rằng trước khi chúng có thể tiếp tục nhắn tin, chúng phải hoàn thành công việc nhà trong ngày hôm đó. Bằng biện pháp này, trẻ sẽ xem việc nhắn tin như là một đặc ân và một phần của phần thưởng vì đã làm việc nhà. Hoặc, nếu chúng có xu hướng dành nhiều thời gian để sử dụng máy vi tính, bạn nên hạn chế hoạt động này cho đến khi chúng đã sắp xếp bàn ăn hoặc dọn dẹp phòng của chúng.[3]
    • Hãy cụ thể về nhiệm vụ mà bạn sẽ sử dụng để làm phần thưởng, vì điều này sẽ khiến con của bạn nhận thức được phần thưởng trước mắt và khuyến khích chúng hoàn thành nhiệm vụ. Điều chỉnh phần thưởng sao cho phù hợp với sở thích của trẻ, vì trẻ sẽ cảm thấy phần thưởng có giá trị nhiều hơn nếu chúng là những điều mà trẻ yêu thích.
  3. Thuê con của bạn làm công việc nhà. Hầu hết mọi thanh thiếu nên đều muốn tìm cách để kiếm thêm một chút tiền tiêu vặt, đặt biệt nếu chúng không được cha mẹ trợ cấp khoản tiền này. Cung cấp cơ hội cho con của bạn kiếm thêm một chút tiền bằng cách thuê chúng thực hiện một vài dự án đặc biệt nào đó quanh nhà hoặc trong khu phố mà bạn sinh sống. Phương pháp này sẽ giúp trẻ bớt lười biếng và muốn thực hiện một công việc nào đó hữu ích hơn.[2]
    • Bạn có thể thuê con của bạn sơn lại bức tường trong nhà, hoặc dọn dẹp nhà đỗ xe hoặc tầng hầm. Giao cho trẻ nhiệm vụ ngoài trời như nhổ cỏ hoặc tỉa cây, để trẻ bước ra khỏi nhà và tránh xa tác nhân gây xao nhãng.
  4. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động hoặc môn thể thao ngoại khóa. Cân nhắc kỹ năng của chúng, ví dụ như nhiệt huyết đối với kịch nghệ, sở thích chơi bóng rổ, hoặc đam mê khoa học máy tính, và khuyến khích con của bạn tham gia vở kịch của trường, đội bóng rổ, hoặc câu lạc khoa học máy tính. Điều này sẽ giúp trẻ dành thời gian cho hoạt động mà chúng quan tâm và khích lệ chúng phát triển tài năng và kỹ năng của mình.[3]
  5. Tham gia công việc tình nguyện cùng con của bạn. Một biện pháp khác để xây dựng tấm gương tốt cho trẻ là dành thời gian cho chúng bằng cách cùng chúng tham gia công việc tình nguyện vì mục đích tốt đẹp. Suy nghĩ về hoạt động mà cả hai có thể cùng nhau thực hiện và cho phép cả hai góp sức cho cộng đồng cũng như giúp trẻ tránh xa thói lười biếng.[3]
    • Hoạt động này có thể đơn giản như là dành một vài giờ giúp đỡ tại quán cơm tình nghĩa, hoặc tham gia tình nguyện tại lễ hội địa phương cùng con của bạn. Cả hai cũng có thể dành thời gian để đi phân phát thức ăn cho người nghèo hoặc kêu gọi đóng góp cho từ thiện.
  6. Chúc mừng con của bạn khi chúng đạt được bất kỳ một thành tích hoặc thành tựu nào. Một khi trẻ đã chứng tỏ động lực của mình bằng cách giành được một giải thưởng nào đó hoặc đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bạn nên khen ngợi chúng. Hành động này sẽ cho trẻ biết rằng bạn trân trọng nỗ lực của chúng và quý trọng năng suất lao động của chúng.
    • Mặc dù bạn có thể sẽ muốn cung cấp cho con của bạn một phần thưởng vật chất như tăng thêm tiền tiêu vặt hoặc cho phép chúng có nhiều thời gian sử dụng máy vi tính hơn, bản chất của lời động viên tử tế cũng đủ để khích lệ một đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây