Điều trị bệnh ghẻ

Từ VLOS
(đổi hướng từ Điều trị bệnh Ghẻ)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ghẻ lở là một bệnh phổ biến ngoài da, thường tạo cảm giác vô cùng ngứa ngáy khó chịu và dai dẳng. Bệnh này gây ra bởi kí sinh trùng (mạt ghẻ), và chúng thường đào hang và chui sâu vào da. Ghẻ rất dễ lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị ghẻ. Tình trạng ngứa ngáy bùng phát là do sự phản ứng dị ứng của cơ thể bạn với kí sinh trùng, chất thải, và trứng của chúng ẩn sâu trong lớp biểu bì của da. Mụn rộp và nổi mẩn đỏ sẽ hình thành trên da và kéo theo đó là sự ngứa ngáy. Tuy bệnh ghẻ lở có tính lây lan cao, nhưng bạn vẫn có thể chế ngự tình trạng ngứa ngáy bằng cách loại bỏ mạt ghẻ và làm mọi cách để cuộc sống của bạn quay trở về như bình thường.

Các bước[sửa]

Tìm ra Phương pháp Điều trị Bệnh[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng ghẻ ngứa. Tất cả các trường hợp liên quan đến tình trạng ngứa ngáy dữ dội và kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng đều bắt nguồn từ bệnh ghẻ lở.[1] Các triệu chứng bệnh ghẻ bao gồm:
    • Ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm.[2]
    • Xuất hiện mụn đỏ nhỏ trên da (chúng có thể trông giống mụn nhọt) giống như bị phát ban. Chứng phát ban này có thể nổi trên toàn cơ thể hoặc giới hạn ở một vài khu vực nhất định, chẳng hạn như cổ tay, nách, khủy tay, vùng sinh dục, eo, và thắt lưng. Tình trạng này còn có thể kèm theo mụn rộp nhỏ.[3]
    • Đường hang dài đào sâu giữa mụn. Chúng thường là có màu tái nhẹ và hơi nhô lên.[4]
    • Ghẻ Nauy, hay còn gọi là "ghẻ vảy," là một dạng đặc biệt cấp độ cao của ghẻ. Dấu hiệu nhận biết ghẻ vảy bao gồm lớp vảy dày trên da có màu hơi xám và dễ vỡ. Chúng chứa hàng trăm ngàn mạt ghẻ và trứng của chúng.[5] Bệnh ghẻ vảy là trường hợp hiếm và thường thấy ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch kém.
    • Nên đặc biệt thận trọng với các triệu chứng trên trong trường hợp bạn tiếp xúc với bất kỳ ai bị bệnh ghẻ.
  2. Đến gặp bác sĩ. Đây luôn là điều quan trọng mà bạn nên ghi nhớ. Liệu pháp chữa bệnh tại nhà và dùng thuốc bày bán ngoài tiệm sẽ không điều trị dứt điểm cơn lây nhiễm của bệnh ghẻ.[2]
    • Bác sĩ thường chỉ cần nhìn sơ qua chứng phát ban là có thể chẩn đoán được tình trạng hiện tại của bạn như thế nào. Hoặc họ có thể sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng cách cạo dưới lớp mụn mủ và kiểm tra dưới kính hiển vi xem liệu có sự tồn tại của mạt ghẻ, trứng, và chất thải của chúng trên da bạn hay không.
    • Hãy chắc chắn rằng bạn có đề cập với bác sĩ nếu bạn đang trong giai đoạn thai kỳ hoặc đang trải qua bất cứ vấn đề bệnh lý nào, như ốm nặng, hoặc bệnh về da cấp tính.
  3. Trong khi chờ đợi, bạn có thể tự chữa khỏi cơn ngứa ngáy khó chịu. Nếu tình trạng ngứa ngáy trên cơ thể bạn đang đến mức báo động, bạn nên tự mình chữa dứt điểm chúng trong khi chờ đợi đơn thuốc hoặc cuộc hẹn với bác sĩ. Nước lạnh hoặc calamine lotion có thể xoa dịu cơn ngứa ngáy một cách hiệu quả.[1] Bạn cũng có thể cân nhắc đến việc sử dụng thuốc kháng histamine dạng uống được bán ngoài hiệu thuốc, như cetirizine (Zyrtec), diphenhydramine hydrochloride (Benadryl).
  4. Dùng thuốc theo toa kê. Sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể kê cho bạn kem hoặc lotion trị ghẻ có chứa hoạt chất Permethrin 5%.
    • Permethrin là thuốc bôi ngoài da và có thể gây một vài phản ứng phụ không mong muốn như nóng rát/đau nhức và ngứa nhẹ.[6]
    • Permethrin chỉ giúp tiêu diệt mạt ghẻ, chứ không phải trứng của chúng. Do đó, bôi Permethrin lần thứ 2 là đặc biệt cần thiết cho quá trình điều trị bệnh. Dùng thuốc ít nhất 2 lần một tuần (đây là khoảng thời gian để trứng nở) là phương pháp điều trị ghẻ tối thiểu cần thiết để đảm bảo bệnh sẽ loại bỏ hoàn toàn gốc rễ.
    • Đối với bệnh nhân bị bùng phát ghẻ nghiêm trọng và hệ thống miễn dịch bị suy yếu, thì bác sĩ thường ghi đơn thuốc Ivermectin. Đây là thuốc điều trị dạng uống. Thông thường, thuốc này sẽ được dùng để chữa bệnh ghẻ vảy và chỉ uống với một liều duy nhất. Một vài bác sĩ có thể kê thêm liều thuốc thứ hai cách một tuần sau đó. Một số phản ứng phụ của thuốc Ivermectin bao gồm sốt/rùng mình, nhức đầu, chán ăn, đau khớp, và phát ban.[7]
    • Bác sĩ còn kê cho bạn một số loại kem trị ghẻ khác, thay vì Permethrin. Chúng bao gồm Crotamiton 10%, Lindane 1%, hoặc sulfur 6%. Những loại thuốc này thường ít phổ biến, và chỉ được dùng khi Permethrin hay Ivermectin không có tác dụng với bệnh nhân. Thất bại trong điều trị bệnh ghẻ thường xảy ra khi dùng Crotamiton. Một vài tác dụng phụ của Crotamiton có thể kể đến là phát ban và ngứa. Lindane sẽ gây độc hại nếu sử dụng quá liều hoặc sử dụng sai cách. Tác dụng phụ của Lindane bao gồm co giật và phát ban.[8]
  5. Cân nhắc đến liệu pháp bằng thảo dược. Nhiều loại thảo dược truyền thống thường được dùng để chữa trị bệnh ghẻ lở. Có rất ít bằng chứng cho thấy liệu pháp này mang lại hiệu quả — hầu hết bằng chứng đều mang tính giai thoại hay qua lời đồn thổi của mọi người rằng chúng rất hữu hiệu. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào ủng hộ việc sử dụng thảo mộc để điều trị ghẻ. Hiện tại, liệu pháp duy nhất được chấp nhận là thông qua việc dùng thuốc theo đơn kê. Do đó, bạn không nên phụ thuộc hoàn toàn vào phương pháp chữa bệnh này. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có ý định áp dụng bất kỳ liệu pháp thảo dược nào dưới đây:
    • Cây cỏ xước hay còn gọi là ngưu tất nam (Achyranthes aspera)[9]
    • Cây sầu đâu hay còn gọi là cây Neem (Azadirachta indica)[10]
    • Karanja (Pongamia pinnata)[11]
    • Nghệ (Curcuma longa)
    • Cây khuynh diệp hay tinh dầu long não (Eucalyptus globulus)[9]
    • Bột vỏ cây sung (Ficus carica, Ficus racemosa, Ficus bengaalensis)[9]

Điều trị Bệnh ghẻ Triệt để[sửa]

  1. Dùng khăn tắm sạch sẽ và mới để tắm và lau khô cơ thể. Khi mới bước ra từ phòng tắm, bạn nên chờ một lúc để cơ thể bớt lạnh trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.[5]
  2. Bôi kem hoặc lotion theo toa thuốc. Bắt đầu thoa từ đằng sau tai, từ đường viền quai hàm và bôi xuống dưới. Bạn có thể dùng bông tăm ngoáy tai, cọ vẽ, miếng mút mềm, hoặc bất kỳ vật dụng nào được thiết kế với mục đích dùng tương tự.
    • Tiếp tục thoa nhẹ kem xuống dưới và khắp cơ thể.[5] Đừng bỏ sót bất cứ khu vực nào trên cơ thể. Bạn cũng nên bôi kem ở quanh khu vực sinh dục, lòng bàn chân, các kẽ hở giữa ngón chân, lưng, và thậm chí là mông. Đừng quên nhờ ai đó giúp đỡ nếu bạn không tự mình vươn tới các khu vực xa tầm với.
    • Sau khi bôi kem toàn cơ thể, đừng bỏ quên đôi tay bạn. Thoa kem giữa các ngón tay và dưới móng. Bạn nên bôi lại kem lên tay mỗi khi bạn rửa tay xong.
  3. Kiên nhẫn chờ đợi. Để lotion hoặc tinh dầu trên cơ thể trong khoảng thời gian theo chỉ dẫn trên nhãn mác. Khoảng thời gian này thông thường là từ 8 đến 24 tiếng đồng hồ.[12]
    • Việc khi nào bạn nên tẩy rửa lớp kem trên cơ thể sẽ phụ thuộc vào sản phẩm bạn đang dùng và sự hướng dẫn của bác sĩ.
  4. Tắm lại sạch sẽ để gội rửa lớp kem hoặc lotion. Khi thời gian chờ đợi kết thúc, bạn nên tắm lại dưới vòi nước ấm để loại bỏ lớp kem trên cơ thể.[5] Nên nhớ rằng bạn vẫn có thể bị ngứa ngáy trong một vài tuần sau khi điều trị.
    • Nguyên nhân ở đây là do sự phản ứng dị ứng với mạt bụi vẫn còn tiếp diễn vì các ký sinh trùng chết vẫn còn lại trên da bạn. Nếu triệu chứng này làm bạn thấy lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc đó.
  5. Giúp tất cả mọi người trong nhà phòng ngừa và điều trị bệnh. Tất cả thành viên trong gia đình nên được kiểm tra và chữa trị, ngay cả khi bản thân họ không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ghẻ. Hành động này sẽ giúp tránh được cơn bùng phát bệnh quay trở lại.[4]
    • Đừng quên các vị khách ghé thăm nhà bạn. Họ có thể là thành viên trong gia đình ở lại nhà bạn chơi trong một thời gian dài, vú nuôi, hoặc bất kỳ vị khách nào khác.
  6. Lặp lại tiến trình điều trị theo hướng dẫn. Kem trị ghẻ thường là loại bôi một lần mà bạn chỉ có thể bôi lần tiếp theo sau 7 ngày kế tiếp. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào bác sĩ điều trị và hướng dẫn của dược sĩ. Hãy chắc chắn rằng bạn đã làm theo đơn kê.
    • Bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trong một vài tuần để theo dõi tiến trình của bệnh.[13]

Tránh Bệnh Bùng phát Trở lại[sửa]

  1. Dọn dẹp nhà sạch sẽ. Để ngăn ngừa bệnh ghẻ quay trở lại sau điều trị, điều quan trọng ở đây là bạn nên dọn dẹp nhà sạch sẽ một cách triệt để. Mạt nhà có thể sống khoảng từ 1 đến 3 ngày sau khi rời cơ thể bạn.[4] Lau chùi nhà là cách để đảm bảo rằng tất cả mạt bụi còn sót lại đã bị tiêu diệt.
    • Tẩy trùng sàn nhà và bề mặt phòng tắm bằng giẻ lau (bạn chỉ cần thực hiện thao tác này sau đợt điều trị lần thứ nhất).
    • Hút bụi sàn nhà, thảm sàn nhà, và thảm chùi chân. Vứt bỏ túi hoặc bọc vào một thùng rác bên ngoài có thể mang lại hiệu quả tức thì và giúp loại bỏ chất bẩn trong nhà càng nhanh càng tốt.[5]
    • Giặt sạch giẻ lau mỗi khi dọn nhà xong.
    • Nếu có thể, bạn nên làm sạch thảm nhà bằng hơi nước.
  2. Giặt sạch tất cả khăn và bộ đồ giường bằng nước nóng. Nên gom lại và giặt chăn chiếu hàng ngày cho đến khi bạn không còn thấy vết mụn nào nổi lên trong vòng ít nhất một tuần.[4] Đeo găng tay dùng một lần khi tháo ga giường và chăn màn.
    • Nếu bộ đồ giường nhà bạn có trọng lượng hơi nặng, bạn có thể để chúng trong túi nylon lớn trong vòng 72 giờ.[4]
    • Sấy khô quần áo và ga trải giường ở chế độ sấy nóng hoặc phơi trên dây ở thời tiết nóng trực tiếp dưới ánh mặt trời. Bạn cũng có thể suy nghĩ đến việc giặt khô.
    • Nên sấy khô chăn trước khi đi ngủ vào mỗi đêm cho đến khi bạn chắc chắn được rằng tình trạng bệnh ghẻ đã thực sự chấm dứt.
  3. Giặt quần áo hàng ngày. Cất quần áo mà bạn chưa muốn giặt trong túi nylon kín trong vòng từ 72 giờ đến 1 tuần.[4]
    • Bạn có thể dùng công thức này đối với thú bông, bàn chải, lược, giày, áo khoác, găng tay, mũ, áo choàng, đồ bơi giữ nhiệt,... Túi hút chân không thường phổ biến rộng rãi vì chúng kín đáo và chiếm ít không gian.
    • Bỏ quần áo vào túi sau khi bạn cởi chúng ra.
  4. Xem xét lại tình trạng bệnh sau 6 tuần. Nếu bạn vẫn cảm thấy ngứa sau 6 tuần, điều này có nghĩa là phương pháp điều trị vẫn chưa thực sự có tác dụng. Hãy đến gặp bác sĩ để có thêm lời khuyên và lựa chọn cách thức chữa bệnh mới.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn sẽ vẫn cảm thấy ngứa ngáy khoảng 1 tháng sau khi tất cả mạt ghẻ chết. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn không thấy xuất hiện bất kỳ mụn nổi mới nào, thì có nghĩa là bạn sắp khỏi bệnh.
  • Tránh tiếp xúc với bệnh nhân bị ghẻ.
  • Khi để quần áo bẩn của người bị bệnh ghẻ vào trong máy giặt, đừng quên đeo găng tay dùng một lần.
  • Để quần áo dơ của người bệnh vào trong túi nylon riêng và để cách xa với trang phục khác của thành viên trong gia đình. Không nên đặt lẫn lộn quần áo bẩn vào trong giỏ đồ mà bạn dùng để đựng quần áo sạch, nếu không bạn có thể làm chúng bị nhiễm trùng trở lại.

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên tiếp tục dùng thuốc trị ghẻ nếu bạn vẫn có triệu chứng ngứa. Tham khảo lời khuyên của bác sĩ hoặc dược sĩ bán thuốc để có thêm sự trợ giúp.
  • Tránh sử dụng steroids hay corticosteroids, trừ khi bác sĩ khuyên bạn nên làm như vậy. Bạn cũng không nên dùng loại thuốc này để chống chọi với tình trạng ngứa vì chúng có khả năng tiềm ẩn làm lây lan sự nhiễm bệnh bằng cách làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây