Điều trị chứng trầm cảm sau sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nhiều phụ nữ sau khi sinh con bị mắc chứng trầm cảm sau sinh (PPD). Việc điều trị là điều rất cần thiết vì bạn xứng đáng được hưởng cảm giác hạnh phúc và khỏe mạnh, hơn nữa em bé cũng xứng đáng có mẹ khỏe mạnh và hạnh phúc. Một số trường hợp có thể cần đến thuốc men, tuy nhiên trừ khi bị trầm cảm nặng, ban đầu bạn có thể thử một số liệu pháp tự nhiên trước.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Nhận biết chứng trầm cảm sau sinh[sửa]

  1. Hiểu rằng hội chứng “baby blues” (buồn chán sau sinh) xảy ra trong thời kỳ hậu sản là điều bình thường. Vài tuần đầu sau khi sinh con, bạn có thể cảm thấy phiền muộn, bứt rứt và lo lắng. Có thể bạn nhận thấy mình khóc nhiều hơn và khó ngủ hơn. Khi các triệu chứng này xảy ra, bạn nên hiểu rằng đó là điều tự nhiên, và các triệu chứng tăng là do tình trạng kiệt sức và stress khi bạn mới làm mẹ. Những biểu hiện này sẽ không gây trầm cảm sau sinh nếu được cải thiện sau 2-3 tuần.[1]
  2. Để ý những cảm giác tiêu cực kéo dài. Thông thường, hội chứng “baby blues” bắt đầu được cải thiện trong vòng hai tuần. Nếu sau thời gian đó mà bạn không có biểu hiện khá hơn, có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm sau sinh.[1]
  3. Theo dõi tình trạng suy nhược. Khi mới làm mẹ, có lẽ bạn sẽ rất mệt mỏi – cơ thể vẫn còn đang hồi phục sau thời gian mang thai và vượt cạn, còn em bé thì ngủ chưa vào nề nếp. Tuy nhiên, nếu tình trạng mệt mỏi trở nên quá sức và dường như không khá hơn sau khi được nghỉ ngơi, có thể đó là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.[1]
  4. Chú ý về tâm trạng thất thường. Những thay đổi về hormone, các bổn phận mới và sự mệt mỏi khủng khiếp đều góp phần gây nên tâm trạng thất thường. Nếu triệu chứng này có biểu hiện nghiêm trọng, đặc biệt khi kèm theo cảm giác giận dữ hoặc phiền muộn, có lẽ bạn cần được điều trị chứng trầm cảm sau sinh.[2]
  5. Cố gắng gắn kết với em bé. Nếu bạn dường như không thể kết nối với đứa con mới sinh của mình sau vài tuần, có lẽ bạn đã mắc chứng trầm cảm sau sinh, đặc biệt khi điều này còn kèm theo các triệu chứng khác.
  6. Lưu ý sự thay đổi về cảm giác thèm ăn. Phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh thường chán ăn (tuy nhiên trong một số trường hợp lại ăn nhiều hơn bình thường). Sự thay đổi này không hẳn biểu thị chứng PPD – nguyên nhân có thể là do sự thay đổi hormone, và việc cho con bú cũng có thể khiến bạn cảm thấy đói hơn – tuy nhiên nếu có các triệu chứng khác kèm theo, yếu tố này có thể là một dấu hiệu cảnh báo.
  7. Chú ý nếu bạn mất đi sự hứng thú. Nếu bạn nhận thấy mình không còn thích thú với những hoạt động hoặc những người trước kia bạn vẫn yêu thích, có lẽ bạn đã mắc chứng PPD. Phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh thường rút lui khỏi gia đình, bạn bè và không còn quan tâm đến những hoạt động yêu thích trước kia.[3]
  8. Bạn cần điều trị khẩn cấp nếu có những ý nghĩ tự làm hại mình hoặc làm hại em bé. Trong các trường hợp nghiêm trọng, chứng PPD có thể khiến người bệnh nghĩ đến việc làm hại bản thân và con của mình. Tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn có những triệu chứng này.[1]
    • Việc điều trị chứng trầm cảm sau sinh với liệu pháp tự nhiên có thể không phải là cách tốt nhất và an toàn nhất trong những trường hợp nặng. Trao đổi với bác sĩ xem liệu bạn có cần dùng thuốc chống trầm cảm hoặc các phương pháp điều trị khác, ví dụ như liệu pháp choáng điện (ETC).[4]

Đối phó với chứng trầm cảm sau sinh[sửa]

  1. Nói chuyện với một người mà bạn tin cậy. Không có lý do gì bạn phải giấu các cảm giác của mình. Nếu bị trầm cảm sau sinh, bạn nên cố gắng nói chuyện với một người biết lắng nghe bạn mà không phê phán – có thể đó là bạn đời hoặc người yêu, bạn thân, người thân trong gia đình hoặc một người bạn cũng vừa làm mẹ. Tâm sự với họ về những cảm giác của bạn và những điều khiến bạn lo lắng. Việc trút bỏ nỗi lòng cũng có thể là một liệu pháp hữu ích.[4]
  2. Tìm chuyên gia trị liệu. Các nghiên cứu đã cho thấy việc trị liệu có thể giúp ích cho nhiều phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Một chuyên gia trị liệu thông cảm và có kinh nghiệm điều trị chứng trầm cảm sau sinh có thể giúp bạn nhận định các cảm giác của mình, tránh thay đổi tâm trạng thất thường và thực hiện các bước điều trị để giúp bạn thấy khá hơn. Với những phụ nữ mắc chứng PPD nhẹ hoặc trung bình, việc tìm một chuyên gia trị liệu có thể giúp họ tránh phải uống thuốc chống trầm cảm hoặc các thuốc khác.[4]
    • Bạn có thể nhờ bác sĩ sản/phụ khoa của bạn giới thiệu một chuyên gia trị liệu chuyên điều trị PPD hoặc tìm trên internet.
    • Thử vào http://locator.apa.org/ để tìm một chuyên gia trị liệu thích hợp. Bạn có thể điền tên thành phố nơi bạn ở hoặc mã vùng ở phần cuối trang web này để tìm chuyên gia trị liệu gần nơi bạn sinh sống. Sau đó bạn có thể tìm chuyên gia trị liệu chuyên điều trị chứng trầm cảm sau sinh bằng cách tìm kiếm với từ khóa trầm cảm và mang thai/sinh con.
    • Bạn cũng có thể tìm kiếm thông qua các nhóm hỗ trợ trong danh sách sau: http://www.postpartumprogress.com/ppd-support-groups-in-the-u-s-canada; họ có thể giới thiệu chuyên gia trị liệu cho bạn dựa vào kinh nghiệm của họ.
  3. Không làm hết mọi việc một mình. Bạn nên nhờ sự giúp đỡ của bạn đời hoặc người thân trong gia đình cùng chăm sóc em bé. Không chỉ có mình bạn có trách nhiệm với em bé, cho dù bề ngoài có vẻ như vậy. Bạn nên nhờ mọi người xung quanh cùng giúp, nói với họ rằng bạn cảm thấy buồn phiền và quá tải, rằng bạn cần sự hỗ trợ của họ!
  4. Nhờ mọi người hỗ trợ làm việc nhà. Nói cụ thể về công việc bạn cần hỗ trợ. Bạn có quyền tập trung vào việc chăm sóc bản thân và em bé trong những tháng đầu sau khi sinh. Chứng PPD có thể khiến bạn kiệt sức, dễ xúc động và quá tải. Bạn hoàn toàn có thể nhờ những người khác san sẻ bớt gánh nặng trên vai. Chồng hoặc người yêu của bạn nên giúp bạn làm việc nhà và chăm sóc em bé. Ngoài ra, bạn có thể nhờ bạn bè, hàng xóm và họ hàng giúp đỡ. Họ có thể làm giúp những việc sau:
    • đem thức ăn đông lạnh hoặc đã làm sẵn đến cho bạn và gia đình bạn.
    • làm những công việc nội trợ như dọn rửa và giặt giũ.
    • giúp bạn chạy những việc vặt.
    • chăm sóc và chơi với trẻ lớn hơn trong nhà.
    • trông chừng em bé một lúc để bạn có thể tắm rửa hoặc chợp mắt.
  5. Dành thời gian nghỉ ngơi. Với bao nhiêu trách nhiệm mới trên vai, việc tìm ra thời gian nghỉ ngơi quả là khó khăn đối với bạn. Sau khi sinh con, bạn dễ bị chìm trong bao nhiêu việc, nào là cho em bé bú, vỗ cho bé ợ, thay tã cho bé, nhất là nếu bạn còn nhiều bổn phận khác nữa. Do đó bạn cần phải hết sức cố gắng không coi nhẹ sức khỏe của mình. Đảm bảo dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Sau đây là vài lời khuyên có thể giúp bạn nghỉ ngơi mà bạn cần nhớ.
    • Khi có người thân giúp chăm sóc em bé và bạn muốn chuyển sang làm các việc khác thay vì nghỉ ngơi, bạn hãy tự hỏi việc hoàn thành công việc đó có liên quan thế nào đến sức khỏe của bạn. Có những lúc bạn cần phải hoãn các công việc để nghỉ ngơi nhiều hơn.
    • Học cách chợp mắt có hiệu quả. Thử chợp mắt trong phòng tối khi bạn muốn thư giãn. Nên chợp mắt không quá 10 - 30 phút. Bạn có thể thấy những khoảng thời gian chợp mắt vào buổi chiều là có lợi nhất.[5]
    • Thư giãn đầu óc với những trò chơi thông thường trên điện thoại. Những trò chơi không đòi hỏi suy nghĩ có thể giúp bạn nâng cao tâm trạng và giảm stress.[6] Bạn có thể chơi trong khi vẫn trông chừng được em bé, miễn là cẩn thận. Để mắt đến em bé trong khi chơi trò chơi nếu bạn không có thời gian riêng tư.
  6. Ăn uống đầy đủ. Một chế độ ăn bổ dưỡng với hoa quả, rau củ, đạm gầy, sữa ít béo và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn.[7] Việc ăn uống bổ dưỡng càng cần thiết hơn nếu bạn cho con bú, vì chất bổ sẽ vào em bé thông qua sữa mẹ.
    • Tránh các thức ăn có hàm lượng đường cao như nước soda, caffeine và thức uống có cồn. Những thực phẩm này có thể khiến chứng trầm cảm sau sinh nặng thêm do tác động thay đổi tâm trạng. Ví dụ caffeine gây hồi hộp, và rượu là chất gây trầm cảm.[8]
  7. Tập thể dục. Khi bạn cảm thấy kiệt sức và quá tải, hoạt động thể chất có thể giúp bạn chống lại chứng trầm cảm sau sinh. Các bài tập không cần phải có cường độ cao – thực ra bạn không nên tập những bài tập căng thẳng trong vài tuần đầu sau khi sinh. Để bắt đầu hoạt động này, bạn chỉ cần đưa em bé đi dạo mỗi ngày.[9]
  8. Cố gắng giữ tinh thần lạc quan. Mặc dù không thể hoàn toàn chữa khỏi chứng PPD chỉ bằng việc giữ tinh thần lạc quan, nhưng sự lạc quan có thể giúp bạn giảm nhẹ các triệu chứng. Tự nhắc bản thân rằng chứng trầm cảm sau sinh chỉ là tạm thời, và bạn sẽ sớm thấy khá hơn. Mặc dù nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng bạn hãy thử tập trung vào những điều vui vẻ.
    • Ngăn chặn ý nghĩ sàng lọc. Cái bẫy ý nghĩ tiêu cực này xuất hiện khi bạn chú trọng đến thông tin tiêu cực hơn thông tin tích cực. Để đẩy lùi những ý nghĩ đó, bạn thử nghĩ về tình huống với con mắt của người bên ngoài; nói cách khác, bạn cần nhìn sự việc càng khách quan càng tốt. Có thể cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng hoàn cảnh hiện tại của bạn tốt hơn bạn vẫn tưởng.[10]
    • Cố gắng không khái quát hóa quá mức. Ý nghĩ này xuất hiện khi chúng ta lấy một sự việc nào đó để chỉ mọi sự việc nói chung, hoặc cho rằng sự việc sẽ luôn luôn như vậy. Ví dụ, nếu gần đây bạn thiếu ngủ và cảm thấy điều này góp phần gây ra chứng PPD, bạn hãy cố gắng nhớ lại rằng không phải lúc nào cũng như vậy; bạn sẽ có những đêm ngủ tròn giấc![10]
    • Bạn cứ thử nghĩ xem, thật kỳ diệu biết chừng nào khi bạn đã đem một sinh linh mới đến thế giới này! Đây quả là một điều tuyệt vời!

Dùng các liệu pháp tự nhiên[sửa]

  1. Uống viên dầu cá. Có bằng chứng cho thấy a-xít béo omega-3 có thể giúp chống trầm cảm. Bạn có thể mua viên thực phẩm bổ sung này không cần toa bác sĩ. Tìm loại có EPA và DHA.[11]
    • Không nên uống dầu cá trước hoặc sau khi sinh mổ hai tuần. Trong trường hợp sinh mổ, bạn cần đợi hai tuần sau khi phẫu thuật mới bắt đầu uống thực phẩm bổ sung.
  2. Bổ sung a-xít folic. Ngoài việc áp dụng chế độ ăn bổ dưỡng, bạn cũng nên cân nhắc uống thực phẩm bổ sung a-xít folic – a-xít folic có dạng nguyên chất hoặc được kếp hợp trong vitamin B-complex. Rủi ro mắc chứng trầm cảm sau sinh có thể giảm nếu bạn bổ sung đủ lượng vitamin nhóm B này.[12]
  3. Thử dùng 5-hydroxytryptophan (5-HTP). Tham khảo bác sĩ về 5-HTP, một loại thực phẩm bổ sung tự nhiên có tác dụng tăng mức serotonin. Một số nghiên cứu cho rằng 5-HTP có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng trầm cảm.
  4. Tiếp xúc với ánh sáng. Ánh sáng giúp cơ thể sản xuất serotonin, một chất truyền dẫn thần kinh mà nếu ở mức thấp sẽ gắn liền với chứng trầm cảm. Vì vậy mà một số người hay bị trầm cảm trong suốt mùa đông khi ánh nắng mặt trời trở nên hiếm hoi. Nếu đang sống ở nơi có nhiều ánh nắng, bạn hãy tranh thủ ra ngoài trời đi dạo. Hoặc bạn có thể chọn liệu pháp ánh sáng đèn được thiết kế mô phỏng ánh sáng tự nhiên ban ngày. Loại đèn này có bán trên mạng.[13]
    • Nhớ nghiên cứu trước bằng cách đọc các nhận xét trên mạng và tham khảo bác sĩ về sản phẩm cụ thể.
  5. Cân nhắc dùng liệu pháp châm cứu. Châm cứu là liệu pháp dùng kim rất mảnh châm vào các huyệt trên cơ thể, được sử dụng ở một số vùng châu Á từ hàng ngàn năm nay. Có một số bằng chứng cho thấy châm cứu có thể chữa trị chứng trầm cảm từ nhẹ đến trung bình, tuy các nghiên cứu còn mang tính tranh cãi và tính hiệu quả trong việc điều trị chứng PDD chưa được trực tiếp thử nghiệm.[14]
    • Vì đây là một lĩnh vực thay thế, bạn cần tham khảo bác sĩ về tính an toàn khi dùng liệu pháp châm cứu để điều trị PPD. Nhớ hỏi về tác động đến sữa mẹ và mọi vấn đề mà bạn lo lắng.[14]
    • Điều này là vô cùng quan trọng nếu bạn muốn dùng châm cứu để điều trị trầm cảm khi mang thai để tránh châm kim vào những chỗ có thể gây hại cho thai nhi hoặc gây ra các vấn đề trong thời gian mang thai. Tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng liệu pháp châm cứu trong thai kỳ và sau khi sinh.[15]

Hiểu về nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh[sửa]

  1. Tìm hiểu về mức hormone. Mức hormone sẽ thay đổi đột ngột sau khi bạn sinh em bé. Việc hiểu về nguyên nhân gây trầm cảm có thể giúp ích nếu bạn muốn điều trị chứng trầm cảm sau sinh một cách tự nhiên. Nguyên nhân thông thường nhất là sự sụt giảm estrogen và progesterone, một hiện tượng bình thường trong thời gian hậu sản nhưng lại khiến bạn cảm thấy buồn rầu và trầm cảm.[16]
  2. Biết rằng những thay đổi thể chất khác có thể cũng góp phần gây nên chứng trầm cảm. Ngoài việc tác động lên hormone, việc sinh nở có thể ảnh hưởng đến lượng máu, huyết áp, hệ miễn dịch và sự trao đổi chất. Những thay đổi này có thể khiến bạn mệt mỏi, buồn rầu và dễ xúc động.
  3. Tính đến yếu tố thiếu ngủ. Nhiều đêm thức trắng chăm sóc em bé khiến bạn mệt mỏi, dễ xúc động, quá tải và giảm năng lực xử lý các vấn đề hàng ngày. Tình trạng này có thể góp phần gây nên chứng trầm cảm sau sinh.[16]
  4. Nghĩ đến mức độ căng thẳng. Chỉ riêng việc có em bé đã là một áp lực, ngay cả trong hoàn cảnh thuận lợi nhất. Có thể bạn lo lắng về khả năng làm mẹ của mình; thêm vào đó là cảm giác mệt mỏi về thể chất, có thể bạn còn lo đến việc giảm số cân nặng trước khi sinh và lấy lại cảm giác như ngày xưa. Thêm vào đó, nếu bạn còn áp lực công việc, lo âu về tiền bạc, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, trục trặc trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hoặc lo lắng cho những đứa con khác, có lẽ bạn sẽ thấy ngạt thở. Mức stress cao cũng có thể góp phần gây ra chứng PPD.[16]

Lời khuyên[sửa]

  • Một số phụ nữ có thể có rủi ro cao phát triển chứng trầm cảm sau sinh. Nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh trầm cảm, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn. Mức rủi ro còn tăng hơn nếu bạn có tiền sử bệnh trầm cảm (trầm cảm sau sinh hoặc dạng khác), hay thường chịu áp lực lớn trong cuộc sống. Những khó khăn về tài chính và thiếu sự hỗ trợ của bạn đời cũng có thể tăng thêm độ rủi ro. Ngoài ra, nếu em bé cần phải chăm sóc đặc biệt, hoặc lần mang thai này là ngoài ý muốn, độ rủi ro mắc chứng trầm cảm sau sinh của bạn cũng cao hơn.[17]
  • Việc chẩn đoán bệnh PPD có thể không dễ dàng, nhất là vào lúc đầu. Nhiều triệu chứng có vẻ bình thường vào những ngày đầu khi em bé mới sinh. Dù sao thì phụ nữ mới sinh bao giờ cũng mệt mỏi, buồn rầu và dễ tổn thương tình cảm. Lưu ý đến mức độ căng thẳng và thời gian những cảm giác đó kéo dài bao lâu để xác định liệu bạn có cần giúp đỡ không.
  • Nhiều phụ nữ lo rằng mình làm mẹ không tốt nếu họ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Điều này là không đúng. Việc mắc chứng trầm cảm sau sinh không phải là lỗi của bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn làm mẹ không tốt hoặc bạn không yêu con.
  • Nếu các liệu pháp tự nhiên không có tác dụng, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn khác như thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp choáng điện.[4] Bạn nhớ phải hỏi về các rủi ro cho sức khỏe của bạn và em bé.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn tham khảo bác sĩ trước khi uống bất cứ loại thực phẩm bổ sung hoặc loại thuốc nào khác. Điều này còn quan trọng hơn nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ. Mọi thứ bạn ăn uống hay mọi chất mà bạn nạp vào cơ thể có thể truyền sang em bé qua sữa mẹ.
  • Tìm sự giúp đỡ ngay lập tức nếu chứng trầm cảm sau sinh ở bạn trở nên rất nặng, nếu bạn có ý nghĩ làm hại bản thân mình hoặc làm hại em bé, hoặc nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như lẫn lộn, thấy ảo giác hoặc mất phương hướng. Những triệu chứng này cảnh báo vấn đề rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải được điều trị y khoa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/basics/symptoms/con-20029130
  2. http://www.cmha.ca/mental_health/postpartum-depression/#.Vd5NRyVViko
  3. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/007215.htm
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/basics/treatment/con-20029130
  5. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/napping/art-20048319
  6. https://bioinformatics.ecu.edu/cs-hhp/biofeedback/upload/The-Effectiveness-of-Casual-Video-Games-in-Improving-Mood-and-Decreasing-Stress.pdf
  7. https://www.cmha.bc.ca/get-informed/mental-health-information/improving-mh
  8. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/basics/lifestyle-home-remedies/con-20029130
  9. http://psychcentral.com/lib/exercise-and-depression-in-pregnancy-and-beyond/
  10. 10,0 10,1 http://psychcentral.com/lib/15-common-cognitive-distortions/
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/expert-answers/fish-oil-supplements/faq-20058143
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21772318
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/seasonal-affective-disorder/in-depth/seasonal-affective-disorder-treatment/art-20048298
  14. 14,0 14,1 http://www2.fiu.edu/~ereserve/bb028231.pdf
  15. http://128.196.99.80/JJBAReprints/Manber_Schnyer_Allen_Rush_Blasey_J_Aff_Dis_2004.pdf
  16. 16,0 16,1 16,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/basics/causes/con-20029130
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/basics/risk-factors/con-20029130
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này