Mẹ bầu dùng caffeine: ảnh hưởng con nhiều năm sau
Các nhà khoa học châu Âu khuyên phụ nữ hãy hạn chế tối đa hoặc bỏ hẳn việc uống các thứ có chứa caffeine như cà phê, trà, nước tăng lực ... trong thời gian mang thai.
Nghiên cứu quy mô lớn của nhóm khoa học gia đến từ Học viện Sahlgrenska (Thụy Điển) và Viện Y tế công cộng Na Uy cho thấy việc mẹ bầu dùng nhiều caffeine có thể khiến con họ bị thừa cân, béo phì trong tuổi mẫu giáo cho đến các cấp học lớn hơn.
Đáng nói là nhiều trẻ không tỏ ra bất thường về cân nặng khi còn nhỏ. Đến một độ tuổi, việc trẻ dễ thừa cân, béo phì hơn trẻ khác mới bắt đầu bộc lộ. Vấn đề này là do các yếu tố kích thích thần kinh trung ương từ caffeine mà trẻ đã bị phơi nhiễm trong thai kỳ.
Để đưa đến kết luận này, các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 50.000 bà mẹ và con của họ trong nhiều năm. Kết quả cho thấy nhóm trẻ có mẹ ghiền thức uống chứa caffeine cho đến 5 tuổi đã có tỉ lệ béo phì tăng khoảng 5% dù có cùng chế độ ăn uống. Tỉ lệ có thể gia tăng ở độ tuổi lớn hơn.
"Caffeine là một chất mà bạn có thể lựa chọn để giảm tiêu thụ, hoặc nhịn hoàn toàn trong thời gian mang thai"- giáo sư Verena Sengpiel, chuyên ngành sản phụ khoa tại Học viện Sahlgrenska, nói.
Trong thời kỳ mang thai, quá trình chuyển hóa và đào thải caffeine khỏi cơ thể bị kéo dài hơn thường lệ. Chất này cũng nhanh chóng đi qua nhau thai, vượt các màng sinh học, bao gồm các lớp bảo vệ máu và não của thai nhi, dẫn đến phơi nhiễm caffeine. Đây lại là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương khá mạnh, nhất là với cơ thể bé bỏng của thai nhi và trẻ em.
Các thức uống chứa caffeine hàng đầu mà các nhà khoa học "điểm danh" bao gồm: cà phê, trà, nước tăng lực, nước ngọt, chocolate. Bạn không nhất thiết kiêng tuyệt đối nhưng hãy uống loãng và ít hơn thường lệ.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ quá 200 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 3 tách trà hoặc 2 tách cà phê.
Nguồn[sửa]
- Người lao động; A. Thư (Theo Telegraph)