Tại sao những người nghiện cà phê bị đau đầu khi dừng uống?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Cà phê là loại thức uống yêu thích của nhiều người và ngày càng trở nên thông dụng. Tuy nhiên nếu đột ngột dừng uống sau một thời gian dài thường xuyên sử dụng, một số người xuất hiện triệu chứng đau đầu với nhiều biểu hiện khác nhau.

Cơ chế tác động và triệu chứng phổ biến[sửa]

Trong cà phê có chứa caffeine là một chất kích thích. Chỉ sau khoảng 40 phút, 99% caffeine trong cà phê đã được hấp thụ vào máu (3), sau đó xâm nhập và vô hiệu hoá các phân tử adenosine trong não bộ, dẫn đến kết quả làm chúng ta cảm thấy hưng phấn, tập trung và tỉnh táo hơn.

Mức độ hấp thụ caffeine (Nguồn: https://www.caffeineinformer.com/caffeine-absorption)

Ngoài ra, caffeine là một chất gây nghiện. Khi một người ngừng sử dụng hay không cung cấp đủ liều lượng thông thường thì cơ thể có các biểu hiện như đau đầu, mất tập trung, cáu kỉnh và mệt mỏi (5).

Trong đó, triệu chứng phổ biến nhất là đau đầu. Những cơn đau đầu này thường nhẹ và thoáng qua, thường chỉ kéo dài trong một hoặc hai ngày, mặc dù đôi khi cũng có thể kéo dài đến một tuần.

Người mắc phải triệu chứng này thường cảm thấy như có một dải băng quấn rất chật quanh đầu. Triệu chứng này thường gọi là nhức đầu do căng thẳng (6). Ở một số người, việc ngưng sử dụng caffeine cũng có thể gây đau nửa đầu (7). Trên thực tế, nhiều người sử dụng cà phê vì muốn nhanh chóng chấm dứt các triệu chứng này.

Caffeine vô hiệu hoá adenosine do có cấu trúc tương tự với phân tử này (4)

(A) Các thụ thể adenosine 2A với chức năng ức chế kích thích. (B) Adenosine là phối tử bình thường với thụ thể. Do caffeine có cấu trúc tương tự với adenosine nên có thể hoạt động như một chất đối kháng liên kết với thụ thể và ngăn ngừa hoạt động bình thường của nó.

Nguyên nhân gây đau đầu khi ngừng dùng cà phê[sửa]

Cảm giác đau là do tín hiệu từ các giác quan truyền lên não bộ (8). Trong đó, chỉ có các nơ-ron cảm giác ở đầu và mặt được nối trực tiếp vào một trong những trung tâm báo hiệu cảm xúc chính của não, còn nơ-ron cảm giác từ các bộ phận khác của cơ thể chỉ được kết nối gián tiếp (9). Vì vậy, cơ quan thụ cảm ở mặt và đầu thường nhạy cảm với các thay đổi của cơ thể hơn và cơn đau ở những bộ phận này cũng kéo dài hơn.

Các triệu chứng xảy ra khi giảm bớt hoặc ngưng sử dụng thức uống có chứa caffeine (như trà và cà phê) rất đa dạng và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau (10). Càng uống nhiều và thường xuyên thì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều triệu chứng hơn. Dù vậy, đối với người chỉ uống một ly cà phê mỗi ngày nhưng với tần số thường xuyên thì vẫn bị ảnh hưởng. Trung bình, chỉ cần 3 ngày liên tiếp uống cà phê cũng đã đủ làm bạn có các triệu chứng như buồn ngủ, kém tập trung, đau đầu khi không sử dụng nữa (11). Những triệu chứng này thường xuất hiện một hoặc hai ngày sau khi bạn hoàn toàn ngừng sử dụng cà phê (12), và chỉ cần uống một lượng rất nhỏ (khoảng ¼ ly) cũng đủ làm cơn đau đầu biến mất.

Thực tế, các nhà nghiên cứu Úc đã nhận ra rằng: bất cứ thức uống nào khác cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng trên nếu có thể khiến người nghiện cà phê tin rằng loại thức uống đó chính là cà phê thật (13).

Những lợi ích mà cà phê mang lại[sửa]

Đáng ngạc nhiên là caffeine có tác dụng giảm đau. Một số loại thuốc giảm đau như thuốc chống viêm không chứa steroid, aspirin hoặc paracetamol có thể hiệu quả hơn khi sử dụng với thức uống chứa caffeine (14). Đối với những người bị thức giấc vì chứng đau đầu vào ban đêm, một cốc trà hoặc cà phê có thể giúp bạn thoát khỏi triệu chứng khó chịu này (15). Khả năng giảm đau này không phải vì chúng ta cảm thấy ít bị căng thẳng hay phân tâm sau khi uống cà phê, mà là do các thụ thể adenosine bị vô hiệu hoá bởi phân tử caffeine cũng liên quan đến nguồn gốc của cơn nhức đầu cũng như các cơn đau khác (16).

Tóm lại, để tận dụng các lợi ích và giảm các tác hại của cà phê, chúng ta cần kiểm soát số lượng cà phê uống vào mỗi ngày và không nên quá phụ thuộc vào nó mỗi khi cần tỉnh táo hay tập trung trong công việc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Merlin Thomas (2018). Why do I get a headache when I haven’t had my coffee? The Conversation
  2. Kamimori, G. H., Karyekar, C. S., Otterstetter, R., Cox, D. S., Balkin, T. J., Belenky, G. L., & Eddington, N. D. (2002). The rate of absorption and relative bioavailability of caffeine administered in chewing gum versus capsules to normal healthy volunteers. International journal of pharmaceutics, 234(1-2), 159-167.
  3. Institute of Medicine (2001). Caffeine for the Sustainment of Mental Task Performance: Formulations for Military Operations. Washington, DC: The National Academies Press. http://doi.org/10.17226/10219.
  4. Jaakola, V. P., Griffith, M. T., Hanson, M. A., Cherezov, V., Chien, E. Y., Lane, J. R., ... & Stevens, R. C. (2008). The 2.6 angstrom crystal structure of a human A2A adenosine receptor bound to an antagonist. Science, 322(5905), 1211-1217.
  5. Shapiro, R. E. (2007). Caffeine and headaches. Neurological Sciences, 28(2), S179-S183.
  6. Edmeads, J., Findlay, H., Tugwell, P., Pryse-Phillips, W., Nelson, R. F., & Murray, T. J. (1993). Impact of migraine and tension-type headache on life-style, consulting behaviour, and medication use: a Canadian population survey. Canadian Journal of Neurological Sciences, 20(2), 131-137.
  7. Lee, M. J., Choi, H. A., Choi, H., & Chung, C. S. (2016). Caffeine discontinuation improves acute migraine treatment: a prospective clinic-based study. The journal of headache and pain, 17(1), 71.
  8. Gregory, R. L. (2015). Eye and brain: The psychology of seeing. Princeton university press.
  9. Duke University. (2017, November 13). Why head and face pain causes more suffering: Sensory neurons in the head and face tap directly into the brain's emotional pathways. ScienceDaily. Retrieved September 3, 2018 from www.sciencedaily.com/releases/2017/11/171113123753.htm
  10. Juliano, L. M., & Griffiths, R. R. (2004). A critical review of caffeine withdrawal: empirical validation of symptoms and signs, incidence, severity, and associated features. Psychopharmacology, 176(1), 1-29.
  11. Evans, S. M., & Griffiths, R. R. (1999). Caffeine withdrawal: a parametric analysis of caffeine dosing conditions. Journal of Pharmacology and Experimental Therapeutics, 289(1), 285-294.
  12. Juliano, L. M., & Griffiths, R. R. (2004). A critical review of caffeine withdrawal: empirical validation of symptoms and signs, incidence, severity, and associated features. Psychopharmacology, 176(1), 1-29.
  13. Mills, L., Boakes, R. A., & Colagiuri, B. (2016). Placebo caffeine reduces withdrawal in abstinent coffee drinkers. Journal of Psychopharmacology, 30(4), 388-394.
  14. Lipton, R. B., Diener, H. C., Robbins, M. S., Garas, S. Y., & Patel, K. (2017). Caffeine in the management of patients with headache. The journal of headache and pain, 18(1), 107.
  15. Baratloo, A., Rouhipour, A., Forouzanfar, M. M., Safari, S., Amiri, M., & Negida, A. (2016). The role of caffeine in pain management: a brief literature review. Anesthesiology and pain medicine, 6(3).
  16. Fried, N. T., Elliott, M. B., & Oshinsky, M. L. (2017). The role of adenosine signaling in headache: a review. Brain sciences, 7(3), 30.
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • VSJ, Tổng hợp và biên dịch: Ngô Thị Thanh Tuyền (Email: tuyennttbio@gmail.com)
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này